viên lựa chọn các biện pháp, các hình thức sưu tầm hiện vật cho bảo tàng, ngoài hình thức mua bán và trao đổi, cần thực hiện thêm hình thức hiến tặng, ký gửi hiện vật, sao cho có hiệu quả thiết thực chẳng hạn Bảo tàng Đồng quê có thể đẩy mạnh việc sưu tầm hiện vật hình thức hiến tặng, ký gửi, bởi đó là những hiện vật gắn với “Tam nông”, giá trị kinh tế không quá lớn, nhưng gần gũi với đời sống thường nhật của cộng đồng. Đối với Bảo tàng cổ vật Hoàng Long, Bảo tàng Không gian văn hóa Mường… áp dụng hình thức mua bán, trao đổi, hiến tặng đối với từng loại hiện vật. Bảo tàng Chiến sỹ Cách mạng bị địch bắt và tù đày có thể áp dụng mua bán hoặc trao đổi hiện vật với một số bảo tàng có hiện vật quý liên quan đến nội dung trưng bày tại bảo tàng. Nhìn chung, việc sưu tầm hiện vật cho từng bảo tàng này sẽ giúp cho chủ sở hữu có thể làm giàu thêm cho các bộ sưu tập và làm phong phú cho kho tàng di sản văn hóa đang lưu trữ tại bảo tàng của mình.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác kiểm kê bảo quản hiện vật: Nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm kê và bảo quản hiện vật, các bảo tàng ngoài công lập nên kết hợp với các bảo tàng tỉnh/thành phố hoặc các trường cao đẳng, đại học có đào tạo về bảo tàng học để đưa nhân viên hoặc các sinh viên thực tập giúp đỡ các bảo tàng trong việc thực hiện công việc này. Bên cạnh đó, việc thuê nhân viên chuyên trách được đào tạo chuyên sâu về bảo tàng học cũng nên được các bảo tàng triển khai nhằm quản lý tốt số lượng và chất lượng của hiện vật trong bảo tàng. Thực hiện tốt công tác kiểm kê bước đầu: Đăng ký hiện vật vào sở đăng ký hiện vật của bảo tàng nhằm quản lý số lượng hiện vật, biết được tình trạng của từng hiện vật, triển khai kiểm kê khoa học cho hiện vật giúp khắc phục tình trạng thiếu hoặc sai lệch thông tin hiện vật hiện nay. Những bảo tàng trong điều kiện cho phép nên triển khai số hóa hiện vật, quản lý hiện vật bằng máy tính nhằm giúp cho việc khai thác và sử dụng hiện vật được dễ dàng hơn. Bước đầu, các bảo tàng nên thực hiện đúng nguyên tắc trong bảo quản phòng ngừa đối với hiện vật, cần có chế độ bảo quản thường xuyên và định kỳ. Đây là công việc quan trọng, giảm nguy cơ gây hư hại cho hiện vật và kịp thời phát hiện những hiện vật đang bị huỷ hoại để can thiệp bằng các biện pháp bảo quản trị liệu nhằm kéo dài tuổi thọ hiện vật. Việc bảo quản trị liệu cho một số hiện vật có thể nhờ sự giúp đỡ hoặc thuê các nhân viên có nghiệp vụ về bảo quản tại các bảo tàng tỉnh/thành phố/trung ương hoặc các viện nghiên cứu như Viện Hóa, sẽ giúp cho việc thực hiện được hiệu quả hơn.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác trưng bày: Để nâng cao hơn hiệu quả của công tác trưng bày, các bảo tàng ngoài công lập nên từng bước triển khai các hoạt động trưng bày phù hợp với loại hình của bảo tàng mình cũng như điều kiện thực tế của mỗi bảo tàng, cụ thể là:
- Ý tưởng trưng bày trong các bảo tàng ngoài công lập còn kém hấp dẫn, lý lịch hiện vật thiếu thông tin, làm cho hồn cốt của nội dung trưng bày bị hạn chế. Do đó, cần phải có kế hoạch nghiên cứu xây dựng ý tưởng trưng bày mới, hiện đại trên cơ sở xác minh, bổ sung thông tin cho hiện vật. Ngoài ra, bảo tàng ngoài công lập có thể sử dụng các phương tiện kỹ thuật số, truyền thông đa phương tiện như: màn hình cảm ứng, màn hình chiếu phim cỡ lớn, cỡ nhỏ… được sử dụng gắn với từng chủ đề khiến trưng bày trở nên sống động kết hợp với âm thanh, ánh sáng, hình ảnh tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt đối với khách tham quan.
- Phối hợp trưng bày không chỉ với các bảo tàng tỉnh/thành phố mà có thể phối hợp giữa các bảo tàng ngoài công lập với nhau hoặc các bảo tàng công lập có liên quan đến chủ đề trưng bày. Ngoài ra, bảo tàng có thể tổ chức các cuộc trưng bày phản ánh các vấn đề nóng của xã hội để thu hút khách tham quan, đặc biệt là giới trẻ. Phối hợp với các đại sứ quán, tổ chức phi chính phủ tổ chức các trưng bày chuyên đề để tạo mối quan hệ, tranh thủ nguồn kinh phí. Từng bước có kế hoạch xây dựng các trưng bày ảo trên cơ sở số hóa hiện vật và ứng dụng công nghệ thông tin trong trưng bày. Trong điều kiện có thể, các bảo tàng ngoài công lập bước đầu triển khai trưng bày ảo cho một số trưng bày chuyên đề trong bảo tàng để từng bước thực hiện cho toàn bộ nội dung trưng bày của bảo tàng. Bên cạnh trưng bày di sản văn hóa vật thể, các bảo tàng như: Bảo tàng Không gian văn hóa Mường, Bảo tàng Đồng quê có thể phối kết hợp với trình diễn di sản văn hóa phi vật thể nhằm tăng tính hấp dẫn cho nội dung trưng bày trong bảo tàng. Đến với các chương trình trình diễn công chúng được nghe nhìn, giao lưu với nghệ nhân, với chủ thể văn hóa, hoà mình vào đời sống của các dân tộc từ đó làm phong phú và sâu sắc hơn kiến thức của mình. Đồng thời tạo cho công chúng sự đồng cảm, chia sẻ trước thành quả sáng tạo của cộng đồng cũng như ứng xử trân trọng với di sản văn hóa của dân tộc.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác giáo dục trong bảo tàng, cần đào tạo và tự đào tạo được ít nhất hai người có khả năng thuyết minh, hướng dẫn khách tham quan trong bảo tàng. Yêu cầu quan trọng đối với cán bộ thực hiện thuyết minh đó là ngoài am hiểu chuyên môn cần biết cách truyền tải nội dung, thông điệp của trưng bày cho các đối tượng công chúng khác nhau một cách dễ hiểu, phù hợp với trình độ, nhu cầu của từng đối tượng. Bảo tàng có thể xây dựng nội dung thuyết minh phù hợp với từng đối tượng tham quan và có sự tương tác với công chúng. Đặc biệt, phải có những hình thức tương tác từ hai phía như đưa ra những vấn đề gợi mở để khách tham quan tập trung nghe, quan sát và giải thích, trao đổi và đặt ra câu hỏi cho khách, khuyến
khích khách đưa ra các câu hỏi. Công tác giáo dục của bảo tàng cần hướng tới mọi đối tượng công chúng, lấy nhu cầu của công chúng làm trọng tâm cho các hoạt động. Do đó, các bảo tàng ngoài công lập nên chủ động khuyến khích và tạo điều kiện để công chúng chủ động tự tham quan khám phá và khai thác các giá trị văn hóa bằng các hoạt động trải nghiệm. Bảo tàng có thể xây dựng các hoạt động trải nghiệm (phòng khám phá), những hoạt động giáo dục đa dạng liên quan đến nội dung, hiện vật trưng bày để thu hút công chúng. Nhằm đáp ứng nhu cầu của công chúng, bảo tàng ngoài công lập có thể đẩy mạnh công tác giáo dục như: Xây dựng các chương trình giáo dục có tính dịch vụ dành riêng cho các trường học, các cơ quan hay đối tượng công chúng khách tham quan khác nhau. Các bảo tàng ngoài công lập nên: nghiên cứu, xây dựng đa dạng các hoạt động giáo dục cho đối tượng học sinh các cấp từ mầm non đến trung học phổ thông, mỗi cấp học sẽ có một chương trình giáo dục riêng phù hợp với lứa tuổi và kiến thức. Có thể tổ chức hoạt động tại bảo tàng hoặc tại các trường, xây dựng bộ tài liệu giáo dục cho học sinh, giáo viên, gia đình (tờ rơi, phiếu, sách mỏng...). Nghiên cứu, xây dựng các gói hoạt động giáo dục ứng dụng công nghệ.
Có thể bạn quan tâm!
- Định Hướng Phát Triển Bảo Tàng Ngoài Công Lập Ở Việt Nam
- Xây Dựng Chính Sách Phát Triển Bảo Tàng Ngoài Công Lập.
- Tăng Cường Hỗ Trợ, Đào Tạo Và Bồi Dưỡng Về Chuyên Môn Cho Các Bảo Tàng Ngoài Công Lập
- Nâng Cao Hiệu Quả Trong Tổ Chức Thực Hiện Kế Hoạch
- Quản lý các bảo tàng ngoài công lập ở Việt Nam - 20
- Danh Mục Bảo Tàng Ngoài Công Lập Phân Loại Theo Loại Hình
Xem toàn bộ 273 trang tài liệu này.
Đẩy mạnh công tác truyền thông của bảo tàng trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, hội nhập và giao lưu quốc tế ngày càng diễn ra sôi động, nhu cầu giao tiếp và thông tin ngày càng tăng. Truyền thông là công cụ hữu ích đưa công chúng đến với bảo tàng và ngược lại. Do đó, các bảo tàng ngoài công lập muốn thu hút được khách tham quan và cạnh tranh với các thiết chế văn hóa khác, cần phải triển khai nhiều hoạt động truyền thông như: Đẩy mạnh truyền thông online (đa dạng kênh) bằng nhiều hình thức: Xây dựng tour online, câu chuyện hiện vật từ các nhà sưu tầm, nghiên cứu, câu chuyện chuyên môn... Kết nối và phát triển PR đến các kênh có giới trẻ (đây là đối tượng sử dụng mạng xã hội thường xuyên), người nước ngoài để thúc đẩy khách nội địa cũng như chuẩn bị cho việc đón khách quốc tế. Cập nhật và sử dụng công nghệ trong công tác PR: QR code, App, mini game để tăng tương tác.
- Phát triển quan hệ với các phương tiện truyền thông đại chúng: báo chí, truyền hình, định hướng phát triển mối quan hệ với các kênh/đài uy tín có số lượng công chúng đông. Tạo ra các sự kiện, nội dung trưng bày hấp dẫn để tạo sức hút PR, khi có nội dung hấp dẫn báo, đài, bảo tàng có thể thu hút các kênh truyền hình truyền thông miễn phí. Xây dựng hình ảnh người đứng đầu bảo tàng với truyền thông: tăng cường kết nối, trả lời phỏng vấn, phát ngôn chính trước các sự kiện. Đội ngũ nhân viên phải chủ động xây dựng bộ tài liệu cho báo chí, truyền hình để gửi cho các phóng viên (trực
tiếp hoặc online) như: thông báo, giấy mời, thông cáo báo chí, câu trích, hình ảnh... để những phóng viên không đến đưa tin trực tiếp vẫn có tư liệu đưa tin. Khi không có sự kiện sẽ tiến hành truyền thông giới thiệu về hiện vật và các khu trưng bày của bảo tàng.
- Bảo tàng có thể phối hợp với các thiết chế văn hoá, các tổ chức chính trị - xã hội… tổ chức các sự kiện tại bảo tàng hoặc bên ngoài bảo tàng theo hướng chuyên sâu qua các chủ đề, các chuyên đề có liên quan đến sưu tập hiện vật bảo tàng hoặc giới thiệu về di sản văn hoá tạo các sự kiện thu hút công chúng. Bảo tàng nên tổ chức họp báo riêng trước ngày tổ chức sự kiện để thông tin có thể đến được với công chúng kịp thời. Trong điều kiện hạn chế về nhân lực, bảo tàng có thể huy động sự tham gia giúp đỡ của các tình nguyện viên. Có thể duy trì đội ngũ cộng tác viên thường xuyên để đào tạo hỗ trợ các mảng việc như thuyết minh, lễ tân, trực trưng bày... Đối với các dịp tổ chức sự kiện sẽ tuyển tình nguyện viên (đa dạng đối tượng tùy vào nội dung sự kiện nhưng chủ yếu là học sinh trung học phổ thông và sinh viên hoặc học sinh trung học cơ sở). Đẩy mạnh truyền thông nội bộ trong các bảo tàng, khi có sự kiện, nhân viên các bộ phận phải nắm rò để mỗi người sẽ là một kênh truyền thông ra bên ngoài của bảo tàng.
Chuyển đổi và ứng dụng công nghệ số trong hoạt động bảo tàng: Trong bối cảnh của xã hội hiện đại, khi công nghệ thông tin – công nghệ số ngày càng phát triển và trở thành trào lưu trên toàn thế giới thì việc ứng dụng công nghệ số cũng là một trong những yêu cầu bức thiết của các bảo tàng hiện đại. Bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ các sưu tập hiện vật mà còn là địa điểm công chúng lựa chọn để trải nghiệm, học hỏi thêm kiến thức và đáp ứng nhu cầu giải trí. Để thu hút được công chúng đến với bảo tàng ngoài công lập thì bảo tàng cần hiểu rò nhu cầu của công chúng và có những thay đổi kịp thời tạo ra các hoạt động hấp dẫn khách tham quan đến và quay trở lại bảo tàng. Chuyển đổi và ứng dụng công nghệ tăng cường sự hấp dẫn của trưng bày, giới thiệu trưng bày bảo tàng chỉ là một trong rất nhiều giải pháp nhưng đó là giải pháp quan trọng, phù hợp xu hướng phát triển bảo tàng hiện đại. Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, các ứng dụng trong việc giới thiệu trưng bày ngày càng đa dạng và hướng tới công chúng một cách thiết thực hơn. Nhiều phần trưng bày thực tế như không gian trưng bày, nội dung thuyết minh được số hóa và truyền tải thông tin qua nhiều phương thức ứng dụng công nghệ như trưng bày ảo, tham quan tương tác 3D, thuyết minh tự động, tham quan qua kính thực tế ảo… Phương thức giới thiệu trưng bày thông qua số hóa không gian trưng bày, hiện vật trưng bày thực tế là một cách tiếp cận đã được sử dụng nhiều trên thế giới. Ở Việt Nam, một vài năm gần đây, công nghệ này cũng bắt đầu được ứng dụng tại một số các bảo tàng.
Không gian trưng bày được số hóa 3D và đưa lên internet, công chúng có thể từ các thiết bị như máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng... tham quan, tương tác. Trong thực tế, đối với các không gian bảo tàng hay hiện vật tiêu biểu đều có những câu chuyện thuyết minh. Những nội dung này được biên tập, thu âm và đưa vào trong hệ thống thuyết minh tự động, giúp khách tham quan có thể chủ động tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật... liên quan tới hiện vật trưng bày. Hệ thống cũng cho phép tiếp cận rất nhiều ngôn ngữ, giúp khách quốc tế tìm hiểu dễ dàng. Các bảo tàng ngoài công lập không có đủ nhân viên, và nhân viên không thể thuyết minh đủ các ngôn ngữ cùng một lúc thì đây thực sự là một giải pháp hữu hiệu, tích cực, phù hợp. Việc số hóa 3D không những chỉ thể hiện qua công nghệ tham quan ảo, nội dung số hóa này còn có thể ứng dụng vào một trong những công nghệ mới nhất hiện nay như VR (Vertual Reality: thực tế ảo) hay AR (Augmented Reality: thực tế ảo tăng cường) nhằm giới thiệu trưng bày. Với việc sử dụng các kính thực tế, du khách có thể đặt mình vào không gian bảo tàng và trải nghiệm một cách chân thực. Hiện nay, có nhiều hình thức trưng bày tương đối mới nhằm thu hút khách tham quan cũng như gây ấn tượng với công chúng. Một số công nghệ có thể kể đến như: màn hình trong suốt Transparent LCD, tương tác không chạm (LeapMotion), 3D Mapping, Video Wall, Holofan… Công nghệ tương tác không chạm (LeapMotion) sử dụng thiết bị nhận dạng hoạt động của tay, qua đó có thể ứng dụng tương tác trực tiếp để tìm hiểu thông tin, hay tương tác với hiện vật đã được số hóa 3D một cách trực quan… Ứng dụng công nghệ cho phép trưng bày có nhiều cách tiếp cận gây ấn tượng với khách tham quan. Công nghệ màn hình trong suốt giúp khách tham quan tương tác đa chiều hơn để tìm hiểu chi tiết nội dung hiện vật. Màn hình là một công nghệ trưng bày tương đối mới, không chỉ gỡ bỏ khoảng cách giữa hiện vật và người xem mà còn giúp thể hiện sâu hơn về mặt thông tin hiện vật. Có thể thấy rằng, số hoá bảo tàng, ứng dụng các công nghệ hiện đại trong hoạt động bảo tàng sẽ giúp các bảo tàng ngoài công lập hình thành các bảo tàng số - bảo tàng ảo. Việc giới thiệu trưng bày bảo tàng online dưới dạng tương tác ảo 3D kết hợp lồng ghép các hoạt động tương tác trải nghiệm cho khách tham quan là xu hướng tất yếu tạo điều kiện thuận lợi cho du khách không hoặc chưa thể đến tham quan trực tiếp bảo tàng mà bảo tàng vẫn giới thiệu được trưng bày, quảng bá những giá trị di sản văn hóa đến rộng rãi công chúng. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng ở các quốc gia và vùng lãnh thổ thì các bảo tàng ảo là hình thức ứng phó với dịch bệnh có thể kéo dài, góp phần quan trọng trong giáo dục, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hoá của các tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh ứng dụng công nghệ số trong trưng bày, số hoá bảo tàng có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau như: quản lý nhân lực, thư viện, các tư liệu nghe – nhìn đặc biệt là quản lý hiện vật. Hiện vật là cốt lòi của một bảo tàng, là trung tâm của mọi hoạt động bảo tàng. Số hoá quản lý hiện vật được thực hiện dưới dạng các phần mềm ứng dụng hoặc theo đơn đặt hàng riêng của các bảo tàng hoặc được phát triển dưới dạng một ứng dụng mở có thể sử dụng cho nhiều bảo tàng ngoài công lập khác nhau. Một ứng dụng mở sử dụng phù hợp với các bảo tàng ngoài công lập sẽ giúp các bảo tàng tiết kiệm được chi phí và nguồn nhân lực đồng thời giúp cơ quan quản lý có thể dễ dàng thực hiện công tác quản lý đối với các bảo tàng. Hiện nay, các bảo tàng ngoài công lập chủ yếu quản lý dựa trên hồ sơ hiện vật, sổ kiểm kê, khiến cho việc tìm kiếm thông tin, quản lý di biến động của hiện vật gặp nhiều khó khăn. Phần mềm quản lý hiện vật giúp cho các bảo tàng ngoài công lập tìm kiếm và tra cứu thông tin về hiện vật nhanh chóng và đầy đủ. Số hoá quản lý hiện vật còn giúp quản lý việc xuất nhập và tình hình di chuyển hiện vật, lịch sử kiểm kê và cả các yêu cầu về bảo quản hiện vật. Tuy nhiên, để thực hiện được việc ứng dụng công nghệ số trong điều kiện tài chính, nhân lực hạn chế của các bảo tàng ngoài công lập thì hợp tác chia sẻ với nhiều cá nhân, tổ chức và đơn vị với các chuyên ngành khác sẽ khai thác được các điểm mạnh, tiềm lực và tính chuyên nghiệp của mỗi bên tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh mà cụ thể là giữa bảo tàng ngoài công lập với đơn vị chuyên môn về công nghệ và đơn vị dịch vụ kết nối công chúng (vd: bảo tàng + công nghệ + du lịch/trường học…). Đây sẽ là xu hướng tích cực để các bảo tàng nỗ lực trong việc ứng dụng công nghệ, hấp dẫn thu hút khách tham quan, là xu thế chung trong thời kỳ hội nhập, toàn cầu hoá hiện nay đó là: liên kết, chia sẻ, cùng phát triển.
Xây dựng cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động bảo tàng: Hiện nay, cơ sở vật chất của các bảo tàng ngoài công lập tuy đã được xây dựng với các quy mô khác nhau, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của bảo tàng. Bất kỳ một bảo tàng công lập hay ngoài công lập thì điều kiện cần và đủ cho bảo tàng hoạt động là các không gian cho bảo quản, trưng bày, dịch vụ như nhà trưng bày hiện vật và kho bảo quản hiện vật. Ngoài ra, cần có hệ thống các trang thiết bị phục vụ cho công tác trưng bày, bảo quản và an toàn cho hiện vật mà các chủ sở hữu bảo tàng phải quan tâm. Hệ thống kho bảo quản tài liệu hiện vật của các bảo tàng ngoài công lập đều thiếu diện tích, trang thiết bị kỹ thuật cần thiết cho bảo quản hầu như không có và phải tận dụng không gian trưng bày hiện vật bảo tàng để tiến hành các hoạt động kho như lưu giữ và bảo quản hiện vật. Qua khảo sát NCS nhận
thấy việc dành không gian cho kho bảo quản của bảo tàng cũng chỉ mới được một số ít bảo tàng ngoài công lập thực hiện, điển hình như Bảo tàng cổ vật Hoàng Long, tuy nhiên, diện tích, quy chuẩn trong công tác kho vẫn chưa được đảm bảo tiêu chuẩn của kho bảo quản hiện vật bảo tàng. Bảo tàng Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt và tù đày và Bảo tàng Đồng quê tận dụng nhà kho cũ của gia đình làm chỗ để hiện vật. Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường không có kho, sử dụng luôn phòng trưng bày làm chỗ lưu giữ hiện vật. Do đó, trong điều kiện cho phép, các chủ sở hữu bảo tàng nên xây dựng phòng kho riêng để sắp xếp và bảo quản các sưu tập hiện vật của bảo tàng. Đối với những bảo tàng tận dụng diện tích khác nhau để lưu giữ hiện vật, chủ sở hữu cần lưu tâm các vấn đề an ninh, an toàn cho hiện vật. Bảo tàng nên đầu tư một số thiết bị cần thiết cho việc sắp xếp và bảo quản hiện vật. Để giúp cho việc sắp xếp hiện vật gọn gàng tránh hư hại trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, các bảo tàng nên có trang, thiết bị như: Giá, kệ có thể bằng sắt hoặc gỗ nhằm tránh hiện vật bị hư hại như khi đặt trực tiếp xuống nền đất, ngoài ra, nên có thêm thiết bị phục vụ cho bảo quản tài liệu hiện vật như: Điều hoà nhiệt độ, máy hút ẩm, thiết bị phòng chống cháy nổ, thiết bị an ninh… Nhìn chung, việc xây dựng cơ sở vật chất dành cho công tác kho là việc làm rất cần thiết để góp phần quan trọng vào việc lưu giữ, bảo quản chống bị hư hại, mất mát hiện vật, đồng thời thực hiện tốt các khâu nghiệp vụ và hoạt động quản lý chung của từng bảo tàng ngoài công lập hiện nay.
Giải pháp dành cho không gian trưng bày tại các bảo tàng ngoài công lập như sau: đối với các bảo tàng còn quỹ đất để xây dựng thêm diện tích trưng bày và khu trải nghiệm dành cho khách tham quan, bảo tàng nên tăng ngân sách đầu tư hoặc kêu gọi tài trợ của doanh nghiệp bằng hình thức xã hội hóa để tiến hành thiết kế và xây dựng không gian trưng bày tạo nét riêng cho bảo tàng, hấp dẫn khách tham quan. Các bảo tàng không đủ diện tích có thể thuê chuyên gia bảo tàng tư vấn cải tạo lại phòng trưng bày sẵn có để phù hợp và tận dụng tối đa công năng dành cho hoạt động trưng bày và các hoạt động khác như phòng/góc khám phá, trải nghiệm tại bảo tàng. Cơ sở vật chất dành cho các hoạt động khác của bảo tàng như các hoạt động dịch vụ tạo nguồn thu cho bảo tàng: nhà hàng ăn uống, quán cafe phục vụ nhu cầu của khách tham quan, các dịch vụ trải nghiệm để tạo nguồn thu. Hoạt động dịch vụ của bảo tàng là yếu tố góp phần quan trọng tạo nên sức sống bền vững, lâu dài của các bảo tàng. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của mình, mỗi bảo tàng ngoài công lập đều có quyền tổ chức các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí, sản xuất các sản phẩm lưu niệm, xuất bản ấn phẩm của bảo tàng, tổ chức các sự kiện văn hoá, giáo dục, thể thao và du lịch, cung cấp thông tin, tư liệu, tư vấn kỹ thuật nghiệp vụ… Các hoạt động dịch vụ của
bảo tàng phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của bảo tàng và phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, tham quan, hưởng thụ văn hoá của công chúng hoặc đơn đặt hàng của các tổ chức, cá nhân. Thực tế, nhiều bảo tàng ngoài công lập chưa có điều kiện về cơ sở vật chất như quỹ đất để triển khai các dịch vụ này. Do đó, đối với các bảo tàng đang triển khai các hoạt động dịch vụ cần nghiên cứu xây dựng thêm cơ sở vật chất phục vụ cho các dịch vụ khác trong tương lai. Các bảo tàng hạn chế về quỹ đất và cơ sở vật chất thì trước mắt có thể kết hợp với các cơ sở dịch vụ gần bảo tàng như khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi… để từng bước triển khai các hoạt động này, tạo thành chuỗi giá trị phục vụ đồng bộ nhằm tạo nguồn thu để duy trì và phát triển bảo tàng. Về lâu dài, các bảo tàng này cũng có kế hoạch đề xuất ý kiến với các cơ quan quản lý nhà nước để tạo điều kiện mở rộng diện tích đất, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động của bảo tàng.
Tổ chức liên kết, hợp tác với các tổ chức và thiết chế văn hoá khác:
Xây dựng mối quan hệ với các trường học trên địa bàn: Để có thể thu hút được khách tham quan với số lượng lớn, thường xuyên, các bảo tàng ngoài công lập cần xây dựng mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, chủ động giao lưu với các trường học tại địa phương để các trường có thể đưa học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập, nghiên cứu phục vụ cho chương trình học tập của các trường thông qua nội dung trưng bày tại bảo tàng ngoài công lập. Chương trình dành cho các trường học cần được thiết kế dành riêng cho nhà trường, có sự kết nối giữa nội dung trưng bày và chương trình học tập, đào tạo trong nhà trường. Trong chương trình này, học sinh, sinh viên và giáo viên có thể khai thác bảo tàng như một công cụ trực quan phục vụ cho việc giảng dạy, học tập ở nhà trường. Ngoài ra, bảo tàng ngoài công lập có thể thông qua học sinh, sinh viên của các trường như một kênh truyền thông, quảng bá cho các bảo tàng và là một lực lượng tình nguyên viên hỗ trợ bảo tàng trong tương lai.
Hợp tác với bảo tàng công lập và ngoài công lập khác: Việc kết nối giữa bảo tàng ngoài công lập với các bảo tàng công lập (Bảo tàng của trung ương và bảo tàng các tỉnh/thành phố) đã được thực hiện trong thời gian qua, tuy nhiên việc thực hiện kết nối giữa hai nhóm bảo tàng này chưa mang tính thường xuyên, liên tục, vẫn còn mang tính thời vụ. Vì vậy, trong thời gian tới các bảo tàng ngoài công lập cần chủ động liên kết, hợp tác với các bảo tàng trong nước ở trung ương và địa phương. Việc này được thể hiện trước hết ở hợp tác về chuyên môn, các bảo tàng công lập có thể cử cán bộ giúp đỡ bảo tàng ngoài công lập theo hình thức thoả thuận hai bên cùng có lợi hoặc các bảo tàng