Từ Thơ Thiền Cảnh Đến Sự Xuất Hiện Của Vấn Đề Đạo Lý- Thế Sự Qua Thể Thơ Vịnh Vật

Ước vọng lớn nhất của người anh hùng là “phù địa trục” nhưng cũng là “vãn thiên hà”, rửa sạch giáp binh là để mãi mãi không bao giờ phải dùng đến nữa. Đỗ Phủ ngày xưa cũng từng viết:

An đắc tráng sĩ vãn Ngân Hà

Tịnh tẩy giáp binh trường bất dụng

(Ước gì có được người tráng sĩ kéo sông Ngân Hà

Rửa sạch giáp binh để mãi mãi không dùng đến nữa.)

(Tẩy binh mã)

Tư tưởng mãi mãi không phải dùng đến giáp binh vừa là tư tưởng an lạc hòa giản, cứu nhân độ thế của Phật giáo, nhưng nó cũng chính là khát vọng thường trực của nhà Nho chứ không phải là những chiến công dù hiển hách đến đâu nơi sa trường. Nhà Nho chủ trương chống loạn, cứu thế, dùng đức để cai trị chứ không dùng binh đao. Những bài thơ ít ỏi và ngắn ngủi cho thấy cách thức tư duy về những chuyện dân tộc, về chiến tranh, hòa bình, về sự trường cửu của xã tắc sơn hà… của Trần Nhân Tông là sự tích hợp của tư tưởng dân tộc, tư tưởng Phật giáo và Nho giáo, trong đó yếu tố Nho đã khá nổi bật. Với tư cách là vị hoàng đế- lãnh tụ chính trị của dân tộc, rõ ràng Trần Nhân Tông chịu nhiều ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo.

1.3.3. Từ thơ Thiền cảnh đến sự xuất hiện của vấn đề đạo lý- thế sự qua thể thơ vịnh vật

Đối với Thiền, thiên nhiên chính là một trong những chìa khóa thẩm mỹ căn bản làm nguồn sáng tạo nghệ thuật đạo học Thiền tông. “Thiên nhiên là đối tượng của nghệ thuật đồng thời là cứu cánh của nghệ thuật, ngụ ở hai chữ Tạo Hóa, vừa chỉ vào cái thế lực sáng tạo, vừa là tạo vật, vừa là hóa công. Hóa công không từng một chút ly khai với tạo vật, cũng như nghệ sĩ không từng rời khỏi tác phẩm” [154, tr. 232]. Trần Nhân Tông viết nhiều về thiên nhiên. Có thể khẳng định rằng thiên nhiên chính là đề tài chủ yếu, và cũng là hình tượng nghệ thuật chính trong thơ ông. Ở thơ Trần Nhân Tông, chúng ta thấy thiên nhiên hiện lên cả bốn mùa xuân hạ thu đông, cả sáng sớm lẫn chiều tà, hay giữa đêm khuya. Không gian trong thơ thiên nhiên của ông tương đối quen thuộc với cảnh gần thì dường như ngay trong khu vườn kia, xa hơn chút thì ngoài cánh đồng, xa nữa thì ở ngôi chùa trên núi cao. Đối

tượng được đề cập trong thơ thiên nhiên của Trần Nhân Tông cũng không ra ngoài phạm vi tùng cúc trúc mai, ngư tiều canh mục. Nhưng hầu hết đấy không phải là một thứ thiên nhiên hiện thực sống động như chúng ta vẫn nhìn thấy, mà nó là thiên nhiên bản thể, vĩnh hằng bất sinh bất diệt. Nó chính là sự thể hiện cảm quan Thiền qua thơ ca. Thiên nhiên chính là một “công cụ ngoại hóa” được Thiền gia sử dụng truyền tải các tư tưởng Thiền tông, là “Đạo bất khả đạo” (Lão Tử). Trở về với tự nhiên cũng giống như con người trở về với bản thể tự tính của mình, giống như trở về nhà. Trong thơ Trần Nhân Tông, Thiền ảnh hưởng ở cả ba phương diện: đưa Thiền ngữ vào thơ, đưa Thiền pháp vào thơ và đưa Thiền thú vào thơ. Thiền ngữ và Thiền pháp thì dễ nhận thấy và thực ra nó phổ biến trong thơ Thiền thời Lý hơn. Ở Trần Nhân Tông, Thiền thường không lồ lộ trong thơ ca kiểu sờ thấy, nhìn thấy hay suy nghĩ thấy, mà nó đằm sâu ở mức độ phải cảm mới thấy được. Thế nên, thơ Thiền của Trần Nhân Tông chủ yếu là Thiền thú hay còn gọi là Thiền cảnh. Những bài thơ như: Thiên trường vãn vọng, xuân cảnh, Nguyệt… đều thuộc về kiểu thơ này.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 230 trang tài liệu này.

Nhưng bên cạnh đó thì thơ Trần Nhân Tông bắt đầu manh nha một tiểu loại của thơ đề vịnh của nhà Nho, là thơ vịnh vật.

Thiết đảm, thạch can lăng hiểu tuyết, Cảo quần, luyện thuế nhạ đông phong. Nhân gian kiệm tố Hán Văn Đế,

Quá trình vận động tới sự điển phạm hóa của văn học nhà nho ở Việt Nam từ Trần Nhân Tông qua Nguyễn Trãi đến Lê Thánh Tông - 9

Thiên hạ anh hùng Đường Thái Tông.

(Gan dạ sắt đá vượt lên tuyết buổi sáng, Quần lụa mộc, khăn lụa trắng đón gió đông.

(Như) Hán Văn Đế là người tiết kiệm, mộc mạc trong nhân gian, (Và) Đường Thái Tông là bậc anh hùng trong thiên hạ.)

(Mai)

Đây là một bài hiếm hoi theo đúng tiêu chí của thơ vịnh vật của Trần Nhân Tông. Thơ đề vịnh là những thể thơ mà tác giả thông qua việc đề vịnh các sự vật, sự việc, phong cảnh, nhân vật cụ thể để nói về những chuyện liên quan đến đạo lý Nho gia. “Thơ vịnh vật là tiểu loại của thơ đề vịnh, dùng sự vật làm đối tượng trung tâm của tác phẩm để thông qua những đặc điểm, tính chất của vật mà gửi gắm nỗi niềm.

Thơ vịnh vật phản ánh tâm trạng, mang đậm dấu ấn cá nhân nhưng cũng đi theo thị hiếu thẩm mỹ của thời đại. Nó là thơ trữ tình và cũng thuộc phạm vi “thi ngôn chí”[131]. Thơ vịnh vật của Trần Nhân Tông hiếm hoi và đó là những bài thơ nghiêng về phía thơ “ngôn chí” kiểu Nho gia. Hoa mai trong bài thơ này rõ ràng không giống nhành mai trong bài kệ của Mãn Giác:

Xuân khứ bách hoa lạc, Xuân đáo bách hoa khai. Sự trục nhãn tiền quá, Lão tòng đầu thượng lai.

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, Đình tiền tạc dạ nhất chi mai. (Xuân đi, trăm hoa rụng, Xuân đến, trăm hoa lại nở.

Việc đời theo nhau ruổi qua trước mắt, Tuổi già hiện đến từ trên mái đầu.

Đừng cho rằng xuân tàn thì hoa rụng hết, Đêm qua, một cành mai đã nở trước sân.)

(Cáo tật thị chúng)

Trong bài thơ của Mãn Giác, nhành mai đấy không có thật trong tự nhiên, mà nó là một nhành mai bừng nở trong trí tuệ của người ngộ đạo. Mãn Giác cũng không mượn nhành mai để ký thác những tâm sự riêng, những vấn đề của cuộc sống, mà chỉ định ghi lại một khoảnh khắc thăng hoa của người tu đạo. Mai của Trần Nhân Tông lại khác. Sự đối ngẫu của “thiết đảm” với “cảo quần”, “thạch can lăng hiểu tuyết” với “luyện thuế nhạ đông phong” là sự đối lập bất ngờ nhưng lại vô cùng thống nhất giữa sự cứng cỏi và mềm mại của hoa mai. Nó cho thấy tính chất đặc biệt của loài hoa luôn được coi là biểu trưng cho người quân tử hay kẻ trượng phu này. Tác giả dựa vào thiên tính của cây mai, luôn là loài hoa bề ngoài thì thanh khiết, mong manh, nhưng thực chất lại cứng cỏi, mạnh mẽ hơn mọi loài khác, vượt qua băng tuyết, giá rét của mùa đông để bừng nở sớm nhất mỗi đầu xuân, để nói về khí chất của bậc thiên tử. Và rõ ràng, ông không giấu khát vọng muốn có được sự nghiệp “anh hùng”, tính cách “kiệm tố” như Đường Thái Tông, như Hán Văn Đế.

Ngạo tuyết tâm hư Lăng sương tiết kính Giả nhĩ vi nô,

Khủng phi thiên tính

(Trải tuyết lạnh mà tâm thông suốt, Dẫu giãi trong sương mà đốt cứng cỏi. Mượn ngươi làm tôi đòi,

Sợ rằng trái với tính tự nhiên của nhà ngươi)

(Trúc nô minh)

Nếu đúng bài thơ này là của Trần Nhân Tông8 thì có thể thêm vào danh sách thơ vịnh vật theo kiểu Nho gia của ông. Dựa vào tính chất tự nhiên của trúc nô, nhà thơ ngợi ca sự cứng cỏi, thông suốt của kẻ bề tôi dù phải trải tuyết lạnh, giãi trong sương. Hai câu thơ đầu tạo nên hai cặp tiểu đối “ngạo tuyết” đối với “tâm hư”, “lăng sương” đối với “tiết kính”, đem tính chất đối với hoàn cảnh để làm nổi bật lên những đặc tính đáng quý của kẻ bề tôi.

Những bài thơ vịnh vật kiểu Nho gia này là một cách thức nhân hóa tự nhiên điển hình của thơ ca trung đại. Heghel cho rằng: “tính tất yếu của cái đẹp trong nghệ thuật là xuất phát từ những thiết sót của hiện thực trực tiếp” [36, tr. 273]. Trong quan niệm của Heghel, nghệ thuật là một hiện thực đã được cá tính hóa. Nghệ thuật là một biểu hiện cá biệt của hiện thực, giữa ý niệm cái đẹp và sự biểu hiện của nó, tức là hiện thực phải có sự phù hợp hoàn tòan với nhau làm thành chân lý. Chính nghệ thuật đã bổ sung cho cái biểu hiện hiện thực thiếu hụt, cái tự nhiên không toàn vẹn. Nghệ thuật là sự thể hiện của cái lý tưởng, khiến nó thoát ra khỏi sự ràng buộc của cái hữu hạn, cái tồn tại riêng lẻ, cá biệt của các thành tố. Sự tồn tại này hoàn toàn tự do và độc lập trước mắt ta bởi vì nó được quy định từ nội tại chính nó chứ không phải từ bên ngoài đưa vào. Nghệ thuật là sự biểu hiện cách thức nhìn nhận thế giới của mỗi con người. Theo Marx thì “tự nhiên nhân hóa” (nhân hóa tự nhiên) là từ bản chất của con người, xuất phát từ sự phát triển của lịch sử cả loài người (sự tha hóa và sự trở về của nhân tính) mà nêu ra những quy luật chung nhất của cái đẹp. Do đó “nhân hóa tự nhiên” là nhìn từ góc độ quan hệ lịch sử của hoạt động


8 Bài thơ này Việt âm thi tập chép ghi rõ của Trần Nhân Tông, nhưng Nam ông mộng lục lại ghi là của Trần Nghệ Tông.

thực tiễn của con người và tự nhiên. “Như vậy, “nhân hóa tự nhiên” là khái niệm mỹ học triết học chỉ liên quan tới bản chất của cái đẹp, nó chỉ ra tính cách lịch sử loài người của bản chất cái đẹp, nó là núi sông chim hoa, cảnh vậy thiên nhiên, là căn nguyên cuối cùng và điều kiện tiền đề của đối tượng thẩm mỹ của loài người” [33, tr. 97-98]. Đây là điều mà IU.M. Lotman gọi là “điểm nhìn của văn bản”: “Khái niệm “điểm nhìn nghệ thuật” thể hiện ra với tư cách là quan hệ của hệ thống đối với chủ thể của mình” [80, tr. 451]. Ông cho rằng: “Do chỗ mô hình nghệ thuật trong hình thức chung nhất của nó tái tạo hình ảnh thế giới theo một ý thức nhất định, tức là mô hình hóa quan hệ của cá nhân và thế giới (trường hợp cá biệt- quan hệ của cá nhân nhận thức và thế giới được nhận thức), cho nên sự định hướng sẽ mang tính chất chủ thể- khách thể.” [80, tr. 452]

Trong thế giới thẩm mỹ mang màu sắc Nho giáo này, không có cái đẹp của bản thân thiên nhiên như nó vốn có, chỉ có cái đẹp của thiên nhiên được vay mượn làm biểu tượng đạo đức, chỉ có cái đẹp của đạo đức, của sự nhân hóa. Chúng tôi cho rằng, sự xuất hiện các loại thơ đề vịnh trong sáng tác của các vị Thiền sư là một dấu hiệu cho thấy sự đan xen giữa các khuynh hướng tư tưởng và thẩm mỹ Nho- Phật- Đạo theo hướng Nho giáo ngày càng mạnh lên và Phật giáo ngày càng mờ nhạt dần, và Trần Nhân Tông có thể coi là một điểm khởi đầu rõ rệt.

1.4. Hình tượng vị Bồ tát trang nghiêm- trượng phu trung hiếu

Vị Bồ tát trang nghiêm- trượng phu trung hiếu là mẫu hình con người lý tưởng theo quan niệm của Trần Nhân Tông. Cư trần lạc đạo phú có đoạn:

Sạch giới lòng, chùi giới tướng, nội ngoại nên Bồ tát trang nghiêm; Ngay thờ chúa, thảo thờ cha, đi đỗ mới trượng phu trung hiếu.

Tham thiền kén bạn, nát thân mình mới khá hồi ân; Học đạo thờ thầy, dọt xương óc chưa thông của báo.

Mẫu hình này là sự kết hợp của một bậc Bồ tát trang nghiêm theo kiểu Phật giáo và một đấng trượng phu trung hiếu theo kiểu Nho giáo. Bồ tát là cách gọi tắt của Bồ đề tát đóa: “Có nghĩa là “Giác hữu tình” (người có tâm cầu giác ngộ), “Đạo chúng sinh” “Đạo tâm chúng sinh” (người có đạo tâm cầu đạo). Còn dịch là: Khai sĩ, Đại sĩ, Thủy sĩ, Thánh sĩ, Siêu sĩ, Vô song, Pháp thần… Mọi người còn gọi Bồ tát là “Đại sĩ”. Chỉ hạng người từ bi dùng các pháp môn đạo Phật đi thành tựu cho

những chúng sinh có được Vô thượng giác ngộ. Trong Phật giáo chỉ đứng sau hàng Phật. Đức Thích Ca Mầu Ni khi chưa thành đạo, cũng từng được gọi là Bồ tát” [170, tr. 121]. Theo Từ điển Phật học: Bồ tát “ viết tắt của danh từ dịch âm Bồ-đề Tát-đóa; nguyên nghĩa là “Giác hữu tình” cũng được dịch là Đại sĩ; Trong Đại thừa, Bồ tát là hành giả sau khi hành trì Ba-la-mật-đa (lục độ) đã đạt Phật quả, nhưng nguyện không nhập Niết bàn, khi chúng sinh chưa giác ngộ” [172, tr 93]. Encyclopedia of Buddism định nghĩa Bồ tát (Bodhisattva(s)): “Thuật ngữ Bồ tát đề cập đến sattva (người) trên con đường tìm đến giác ngộ để thành Phật, hoặc những người mà bản chất vốn đã là giác ngộ” [192, tr. 58]. Nói một cách khác, Bồ tát là tiền thân của các vị Phật tương lai. Bồ tát chia ra làm hai hạng: Bồ tát đang sống trên trái đất và Bồ tát siêu việt. Nhưng dù siêu việt hay ở trên trái đất thì Bồ tát cũng là sự kết hợp của trí huệ là lòng từ bi. Đặc biệt với Thiền, Bồ tát liên hệ mật thiết với hiện thực đời sống, với cuộc sống hiện hữu của chúng ta trên trái đất. Kinh Hoa Nghiêm cho thấy một lý tưởng Bồ tát: “Họ mang luôn cả Phật cho tham dự thiết thực trong đời sống cộng đồng của đại chúng. Ngài hết ngồi trên tòa cao trang điểm bảy báu, diễn thuyết những đề tài trừu tượng như Vô ngã, Tánh Không, hay Duy Tâm. Trái lại, ngài nắm lấy cái cày trong tay, xới đất, gieo mạ, và gặt lúa. Xem dáng dấp bên ngoài, ngài không khác gì một người như mọi người mà chúng ta gặp trong nông trại, ngoài đường phố hay ở bàn giấy. Ngài y hệt như một người chăm chỉ như chúng ta. Phật, trong sinh hoạt Thiền Trung Hoa của ngài, không khoa trương hoạt cảnh Hoa nghiêm ra ngoài, mà để nằm trọn vẹn trong mình. Chỉ có Phật mới nhận ra ngài” [137, tr. 69-70].

Trung và hiếu là hai phạm trù quan trọng của Nho giáo. Từ điển Nho Phật Đạo mục từ “Trung”: “Phạm trù luân lý của Nho gia. Chỉ thái độ chân thành, thành thực có trách nhiệm, hết lòng hết sức trong việc đối xử với mọi người. Chu Hy: “Trung là thành thực không lừa dối” (Chu Tử ngữ loại). Hàm nghĩa chính trị của chữ “Trung” là chuẩn mực đạo đức cả bề tôi thờ vua, tức mọi suy nghĩ, mọi lời nó, mọi chức vị, mọi sức lực đối với vua đều thành thực không giả dối. Luân ngữ- Học nhi: “mưu sự với người khác mà không hết lòng hết sức ư?” (Vi nhân mưu nhi bất trung hồ). Luận ngữ- Bát dật: “Vua sai khiến bề tôi theo đạo lễ, bề tôi thờ vua bằng đạo trung” (Quân sử thần dĩ lễ, thần sự quân dĩ trung). Tả truyện- Thành công năm

thứ 2: “Trung là sự bền vững của xã tắc”. (Trung, xã tắc chi cố dã). Trong “trung, hiếu, lễ, nghĩa”, “trung” đứng hàng đầu, đủ thấy sự coi trong chữ “trung” của Nho gia” [170, tr. 1660]. Chữ “trung” được dịch ra tiếng Anh là “Devotion to duty, loyalty” và được RoutledgeCurzon Encyclopedia of Confucianism định nghĩa “Trong nhiều văn cảnh trong tiếng Trung cổ điển và thông tục, từ này có chức năng như một từ tương đương đơn giản trong tiếng Anh là “loyalty” (trung thành). Tuy nhiên, trong những văn bản có sức ảnh hưởng lớn của kinh điển Nho gia, nó có nghĩa bóng, và được dịch theo nghĩa là “ai đó cố gắng hết sức”, hoặc “cố gắng đến tột bậc”, phù hợp với chức phận của từng cá nhân trong các mối quan hệ xã hội theo lễ… Nghĩa trừu tượng hơn của thuật ngữ trung như là sự thực thi nghĩa vụ của một người trong mối quan hệ xã hội, hơn là trong nghĩa hẹp của “trung thành” về chính trị hay cá nhân, song song với việc dịch sâu hơn từ hiếu như là một nghĩa sâu sắc hơn là nghĩa đơn giản phục tùng cha mẹ. Và do vậy, hai thuật ngữ này thường sánh đôi với nhau ở cả hai nghĩa rộng và hẹp” [211, tr. 825].

Còn mục từ “Hiếu” được định nghĩa là: “Thuật ngữ Nho giáo. Khéo thờ cha mẹ thì gọi là Hiếu. Hiếu là phạm trù luân lý cơ bản nhất của Nho gia. Nho gia cho rằng Hiếu là gốc của nhân luân, là nguồn của đạo đức. Hiếu kinh: “Xét ra Hiếu là gốc của đức, là nguồn sinh ra giáo hóa (phù hiếu, đức chi bản dã, giáo hóa chi sở do sinh dã)” [170, tr. 504]. Hiếu được dịch ra tiếng anh là “filial piety” (lòng hiếu thảo). Và được định nghĩa: “Hiếu thảo, một đức mục cơ bản của người Trung Quốc được ca tụng trong rất nhiều kinh điển Nho giáo, là sự phục tùng theo bổn phận của con cái đối với cha mẹ. Việc sử dụng từ hiếu có từ đầu thời Chu, khi nó được sử dụng đầu tiên ở các nghi lễ cúng tế xuống đối với quan hệ với cha mẹ…” [211, tr. 680].

Vị Bồ tát vì quảng đại chúng sinh và đắm mình nơi trần thế của Phật giáo Đại thừa, chính vì vậy mà ở một khía cạnh nào đấy hoàn toàn không mâu thuẫn gì với một đấng trượng phu trung hiếu của Nho giáo. Họ cũng đều nỗ lực hết lòng hết sức cho khát vọng được tu dưỡng bản thân với mục đích tối hậu là mang đến điều tốt đẹp cho nhiều người khác. Nếu Bồ tát tu tập trên thì cầu mong được giác ngộ mà dưới thì ước nguyện đem giác ngộ đó reo rắc cho cả thế gian này thì đại trượng phu lại nuôi chí lớn mong tu thân để tề gia, trị quốc và bình thiên hạ, cái đích cuối cùng

cũng chỉ là mong cho thôn cùng ngõ hẻm không một tiếng hờn giận oán sầu, mong cho thiên hạ được thái bình thịnh trị. Dù quan niệm của họ về cái gọi là “điều tốt đẹp” cho nhân gian khác nhau nhưng trên đại thể thì đều là vì cộng đồng chung rộng lớn mà hành động. Mặt khác, vì Bồ tát tìm đến chân lý ở ngay trong cõi nhân gian này, để mong phá vỡ vô mình, thoát khỏi luân hồi ở chốn trần thế, mà người phải đắm chìm trong cuộc sống thường nhật, nên những nghĩa vụ, những bổn phận trong cuộc đời chẳng xa lạ gì với người cả. Thậm chí, gánh nước bổ củi còn là chuyện quen thuộc, huống chi là làm một đấng trượng phu trung hiếu giúp ích cho đời. Khi người tu hành ngoài không phạm điều răn về sắc tướng, bên trong đã xóa bỏ được mọi vọng niệm thì đã có thể trở thành một vị Bồ tát trang nghiêm. Đồng thời khi ấy, ở vai trò của một con người thế tục, người thực hiện được việc ngay thẳng thờ chúa, hiểu thảo đối với cha mẹ, mọi hành vi đi đứng đều theo đúng lễ nghĩa thì cũng lại là một đấng trượng phu đầy kiêu hãnh.

Và đây là những điều mà mẫu hình Bồ tát trang nghiêm- trượng phu trung hiếu đó phải làm:

Chưng ấy:

Chỉn xá tua rèn;

Chớ nên tuyệt học.

Lay ý thức chớ chấp trằng trằng; Nén niềm vọng mựa còn xóc xóc.

Công danh mảng đằm, ấy toàn là những đứa ngây thơ; Phúc tuệ gồm no, chỉn mới khá nên người thực cốc.

Dựng cầu đò, giồi chiền tháp, ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu; Săn hỷ xả, nhuyễn từ bi, nội tự tại kinh lòng hằng đọc.

Rèn lòng làm bụt, chỉn xá tua một sức giồi mài; Đãi cát kén vàng, còn lại phải nhiều phen lựa lọc.

Xem kinh đọc lục, làm cho bằng thửa thấy thửa hay; Trọng bụt tu thân, dùng mựa lỗi một tơ một tóc.

Cùng nơi ngôn cú, chỉn chăng hề một phút ngại lo; Rất thửa cơ quan, mựa còn để tám hơi lọt lọc.

Xem tất cả 230 trang.

Ngày đăng: 17/01/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí