Đặc Điểm Sản Phẩm Và Quy Trình Sản Xuất Sản Phẩm


TCT Viglacera còn được biết đến là DN đặt nền móng phát triển ngành công nghiệp sản xuất gạch ốp lát ceramic, granite tại Việt Nam với sự ra đời của viên gạch ceramic đầu tiên tại Công ty Gạch ốp lát Hà Nội. Tiếp đó, Tổng công ty Viglacera tiếp tục đầu tư mới các nhà máy tại Công ty Thăng Long (năm 2000), Granite Tiên Sơn (năm 2001). Đến nay, sản phẩm gạch ốp lát của TCT rất đa dạng và phong phú với tổng năng lực sản xuất đạt khoảng 20 triệu m2/năm. Thương hiệu gạch ốp lát Viglacera ngày càng được thị trường trong nước ưa chuộng bởi chất lượng ngày một nâng cao và xuất khẩu sang nhiều nước thuộc khu vực EU, Thái Lan, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia,…

Về ứng dụng công nghệ cao, ngay từ năm 1990, TCT Viglacera đã sớm đầu tư xây dựng Nhà máy Kính Đáp Cầu, nơi sản xuất ra những mét vuông kính đầu tiên của Việt Nam. Năm 1994, TCT đã liên doanh với Nipon Sheet Glass (Nhật Bản) triển khai Công ty Liên doanh Kính nổi VFG. Năm 2000, TCT tự đầu tư Nhà máy Kính nổi VIFG tại Bình Dương và đã thực sự làm chủ được công nghệ sản xuất kính. Đến năm 2016, sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng (LowE và Solar Control Glass) đã ra đời. TCT Viglacera cũng là DN trong nước đầu tiên đầu tư sản xuất sứ vệ sinh. Năm 1995, Nhà máy Sứ Thanh Trì của TCT đã cho ra lò sản phẩm sứ vệ sinh đầu tiên được sản xuất trên dây chuyền thiết bị và công nghệ Italy. Kể từ đó, TCT bắt đầu xác lập vị thế sứ vệ sinh mang thương hiệu TCT tại thị trường trong nước. Năm 2019, Viglacera đã chính thức tung ra thị trường bộ thiết bị vệ sinh thông minh tích hợp công nghệ số. Sản phẩm không chỉ khẳng định được chỗ đứng trên thị trường nội địa mà còn trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của TCT Viglacera.

Hiện nay, TCT Viglacera là đơn vị tiên phong mở đường cho việc sản xuất hầu hết các chủng loại vật liệu xây dựng tại Việt Nam. Sản lượng sản xuất vật liệu xây dựng của một số DNSX thuộc TCT Viglacera đã đáp ứng phần lớn nhu cầu vật liệu xây dựng trong nước. Cụ thể:

(i) Kính xây dựng

Với nền tảng công nghệ sản xuất kính kéo đứng và kéo ngang đã đầu tư từ trước những năm 2003, Tổng công ty Viglacera đã hợp tác với các đối tác của Nhật Bản đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ kính nổi đầu tiên và hiện đại nhất Việt Nam năm 1994 tại Bắc Ninh. Để đẩy mạnh thị trường phía Nam và thị trường xuất khẩu, năm 2000, TCT Viglacera tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy kính nổi tại Bình Dương. Đến năm 2016, sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng (LowE và Solar Control Glass) đã được ra đời tại Nhà máy Kính nổi Viglacera – Nhà máy kính tiết kiệm năng lượng đầu tiên tại khu vực


Đông Nam Á, dây chuyền được chuyển giao công nghệ của CHLB Đức. Đặc biệt năm 2017, TCT liên doanh đầu tư xây dựng nhà máy kính nổi siêu trắng Phú Mỹ sản xuất các sản phẩm kính xây dựng chất lượng cao, dung làm pin năng lượng mặt trời, phù hợp với thị trường nội địa và xuất khẩu. Thành công trong sự nghiệp phát triển ngành công nghiệp kính của Việt nam đã khẳng định quyết tâm chinh phục công nghệ cao, luôn tiên phong trong lĩnh vực VLXD phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước của TCT Viglacera. Hiện tại TCT đầu tư vào 4 đơn vị sản xuất kính với sản lượng sản xuất khoảng hơn 5.97 triệu m2 kinh nổi trong 1 năm, 0.7 triệu m2 kinh Low-e trong 1 năm. Sản phẩm kính bao gồm kính nổi, kính cán, các sản phẩm sau kính bao gồm kính tôi, kính in hoa, kính dán và kính mosaic cùng với các sản phẩm gương nhôm, gương tráng bạc... Trong đó, sản lượng sản xuất kính nổi chiếm tỷ lệ lớn nhất (bình quân 86% tổng sản lượng), sản lượng sản xuất kính cán và các sản phẩm sau kính chiếm tỷ lệ nhỏ và có xu hướng tăng nhanh.

(ii) Sứ vệ sinh, sen vòi

Được biết là nhà sản xuất sứ vệ sinh đầu tiên trong nước mang nhãn hiệu của Công ty Sứ Thanh Trì, TCT tiếp tục tập trung đầu tư công nghệ, nâng cao công suất và chất lượng sản phẩm. Hiện nay TCT đã ký độc quyền công nghệ Nano trên sứ với Công ty DFI của Mỹ để sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao. Bên cạnh mảng sản xuất các sản phẩm sứ vệ sinh, năm 2003 TCT Viglacera đã tiếp nhận nhà máy sen vòi từ Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA) chuyên sản xuất các sản phẩm sen vòi, vòi chậu rửa các loại và từng bước cải tiến sản phẩm và đồng bộ hóa sản phẩm của đơn vị này với sản phẩm sứ vệ sinh của TCT. Năm 2019, TCT Viglacera đã chính thức tung ra thị trường bộ thiết bị vệ sinh thông minh, sen vòi tiết kiệm nước, bộ gương tủ chậu tích hợp công nghệ số… mang thương hiệu Viglacera và đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường nội địa, thị trường quốc tế và là mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Tổng công ty. Sản lượng sản xuất sứ vệ sinh rơi vào khoảng 1.52 triệu bộ sản phẩm trong một năm; Sen vòi khoảng 0.49 triệu sản phẩm trong 1 năm.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 262 trang tài liệu này.

(iii) Gạch ốp lát

Nhà máy ceramic đầu tiên của Công ty Cổ phần Viglacera Hà Nội đã đặt nền móng đầu tiên cho lĩnh vực này tại Việt Nam. Tích lũy kinh nghiệm trong quá trình vận hành nhà máy, TCT Viglacera đã không ngừng mở rộng đầu tư thêm các nhà máy có công nghệ hiện đại nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm. Hiện nay, tổng

Phương pháp xác định chi phí dựa trên cơ sở hoạt động tại một số doanh nghiệp sản xuất thuộc Tổng Công ty Viglacera-CTCP - 13


công suất của một số DNSX thuộc TCT về các sản phẩm ốp lát ceramic và granite đạt khoảng 20 triệu m2/năm.

Thương hiệu gạch ốp lát VIGLACERA ngày càng khẳng định được uy tín và chất lượng. Các sản phẩm này được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang EU, Đài Loan, Pháp, Thái Lan, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia… Với 3 nhà máy sản xuất gạch ốp lát, mỗi năm TCT Viglacera sản xuất được khoảng 17.9 triệu m2 gạch Ceramic, 10 triệu m2 gạch Granite.

(iv) Hoạt động sản xuất gạch và các sản phẩm đất sét nung

Viglacera là thương hiệu gắn liền với không chỉ các sản phẩm đất sét nung mà còn với quá trình đổi mới, hiện đại hóa công nghệ sản xuất gạch truyền thống của Việt Nam. TCT đã mở ra giai đoạn phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất gạch ngói đất sét nung thông qua việc triển khai mở rộng hệ thống lò sấy - nung tuynel liên hợp, đầu tư 3 dây chuyền sản xuất gạch cotto theo công nghệ tiên tiến nhất thế giới của Italia đầu tiên tại Việt Nam.

Ngoài ra TCT còn góp vốn vào 8 công ty con và công ty liên kết sản xuất gạch đất sét nung với giá trị tổng sản lượng sản xuất đạt trên 1 tỷ viên/năm cho các sản phẩm truyền thống như gạch xây, ngói lợp, gạch chẻ... Sản phẩm gạch cotto đạt khoảng 12.3 triệu m2/năm, gạch xây khoảng 312 triệu viên/năm và ngói khoảng 91.5 triệu viên/năm

(v) Hoạt động sản xuất sản phẩm mới và kinh doanh khác

Gạch bê tông khí là vật liệu xây dựng mới trên thị trường Việt Nam và đang được sử dụng phổ biến trên thế giới. Đón đầu xu hướng của thị trường trong thời gian tới hướng tới các sản phẩm thân thiện với môi trường, năm 2010 TCT đã thành lập Công ty cổ phần Bê tông khí Viglacera để đầu tư nhà máy bê tông khí chưng áp với công suất hiện tại là 100.000 m3/năm theo công nghệ của Đức. Nhà máy được khánh thành vào tháng 11/2010 và bắt đầu đưa sản phẩm ra thị trường vào năm 2011. Đặc trưng của sản phẩm gạch bê tông khí là tỷ trọng nhẹ có thể thay thế các sản phẩm gạch đất sét nung. Sản phẩm này vẫn đang trong quá trình thâm nhập vào thị trường, sản lượng tiêu thụ của gạch bê tông khí năm 2018 đạt khoảng 60% công suất.

3.1.1.4. Đặc điểm sản phẩm và quy trình sản xuất sản phẩm

Đặc điểm sản phẩm

Sản phẩm của một số DNSX thuộc TCT Viglacera là vật liệu phục vụ ngành xây dựng, bao gồm: kính xây dựng, sứ vệ sinh, sen vòi, gạch ốp lát, gạch không nung… Mỗi


DNSX tại TCT Viglacera không chỉ sản xuất một loại sản phẩm mà thường sản xuất một vài chủng loại sản phẩm nhất định. Mỗi loại sản phẩm có thể bao gồm một vài mẫu mã sản phẩm, giống nhau về phẩm chất nhưng khác nhau về kích thước, màu sắc, hoa văn… Ví dụ, tại Công ty Cp Viglacera Hà Nội hiện đang sản xuất kinh doanh 3 loại sản phẩm: gạch lát nền, gạch lát sân vườn, và gạch lát nền cotto. Loại sản phẩm gạch lát nền có 3 mã sản phẩm tương ứng với 3 loại kích cỡ: Mã GM500 (500x500mm), mã GM400 (400x400mm) và mã GM300 (300x300mm), tương tự như vậy các loại sản phẩm khác cũng bao gồm một vài mã sản phẩm. Hay tại Công ty CP Viglacera Thăng Long đang sản xuất và kinh doanh các sản phẩm: Gạch ốp, gạch lát, gạch ngoại thất, gạch platium và ngói tráng men. Trong đó, sản phẩm gạch ốp gồm nhiều mẫu mã có họa tiết khác nhau, gạch lát cũng chỉ gồm một mã sản phẩm duy nhất (PT21206), nhưng gạch ngoại thất gồm 2 mã sản phẩm (GW 3320 và GW 3325), sản phẩm ngói tráng men gồm 3 mã hàng (S12, S09, R08)… Còn tại Công ty CP Kính Đáp Cầu, Công ty hiện đang sản xuất 5 loại sản phẩm, bao gồm: kính dán, kính cường lực, kính mosai, kính hộp và kính gương. Trong đó mỗi loại sản phẩm chỉ có một mã sản phẩm duy nhất.

Phạm vi nghiên cứu của luận án bao gồm 14 DNSX là các công ty con thuộc TCT Viglacera, trong đó có 10 DN sản xuất gạch ngói (bao gồm gạch ốp lát, gạch không nung, ngói xây dựng), 02 DN sản xuất sứ vệ sinh, 01 DN sản xuất kính xây dựng và 01 DN sản xuất bê tông khí.


10 DN

02 DN

01 DN

01 DN

Gạch ngói

Sứ vệ sinh

Kính xây dựng

Bê tông khí

Hình 3.1: Lĩnh vực sản xuất của một số DNSX thuộc TCT Viglacera

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ Báo cáo thường niên năm 2020 - TCT Viglacera


Sản phẩm của các DN này đều có đặc thù là sản phẩm đơn chiếc, có tính chất đồng nhất, sản phẩm đơn giản không có các linh kiện, bộ phận đi kèm. Quá trình sản xuất trải qua nhiều công đoạn, quy trình sản xuất diễn ra liên tục từ công đoạn này sang công đoạn khác, sản phẩm hoàn thành công đoạn trước là đầu vào của công đoạn sau, sản phẩm được sản xuất hàng loạt.

Quy trình sản xuất


Xuất phát từ đặc thù sản phẩm nêu trên nên quy trình sản xuất các sản phẩm này cũng có đặc điểm riêng. Theo kết quả nghiên cứu, 100% các DNSX thuộc TCT được khảo sát có quy trình sản xuất diễn ra liên tục với chu kỳ thời gian sản xuất tương đối ngắn. Quá trình sản xuất sản phẩm có thể khái quát thành 3 giai đoạn: giai đoạn chuẩn bị sản xuất, giai đoạn sản xuất và giai đoạn kết thúc sản xuất. Trong giai đoạn chuẩn bị sản xuất DN cần chuẩn bị các loại nguyên liệu, vật liệu phục vụ cho quá trình sản xuất. Ví dụ: nghiền, xay các loại vật liệu và các chất phụ gia... Giai đoạn sản xuất là giai đoạn các loại nguyên vật liệu được pha trộn với nhau theo công thức và chuyển qua các khâu đổ khuôn, nung, sấy. Giai đoạn kết thúc sản xuất là giai đoạn đóng gói, dán nhãn thành phẩm. Tại hầu hết các DN khảo sát, mỗi giai đoạn này được chuyên môn hoá cho các tổ sản xuất khác nhau. Cũng xuất phát từ đặc thù sản xuất là quy trình sản xuất diễn ra liên tục với chu kỳ thời gian tương đối ngắn nên các DN thường sử dụng dây chuyền sản xuất khép kín và bố trí trong cùng một mặt bằng phân xưởng với nhiều tổ sản xuất, mỗi tổ đảm nhiệm một hoặc một vài công đoạn sản xuất nhất định (Công ty CP Bê tông khí Viglacera, Công ty CP Kính Đáp Cầu Viglacera…).

Quy trình sản xuất tại một số DNSX thuộc TCT Viglacera được khái quát như sau:


NVL

trực tiếp

Tổ sản xuất

1

Tổ sản xuất

2

Tổ sản xuất

n

Thành

phẩm


Sơ đồ 3.4: Quy trình sản xuất liên tục tại một số DNSX thuộc TCT Viglacera

Nguồn: Tác giả tổng hợp


3.1.2. Đặc điểm tổ chức bộ máy kế toán và chính sách kế toán áp dụng

Qua điều tra khảo sát 14 DNSX thuộc TCT Viglacera và phỏng vấn sâu bán cấu trúc đối với một số kế toán trưởng về đặc điểm tổ chức bộ máy kế toán và các chính sách kế toán áp dụng tại một số DNSX thuộc TCT Viglacera, kết quả nghiên cứu cho thấy:

Về hình thức tổ chức bộ máy kế toán: Tất cả các DN được khảo sát đều tổ chức bộ máy kế toán theo hình thức tập trung (14/14 DN). Theo đó, các phân xưởng sản xuất đều bố trí nhân viên kế toán, nhân viên thống kê để theo dõi các chi phí phát sinh sau đó tập hợp vào các bảng kê chi tiết chuyển cho phòng kế toán trung tâm. Phòng kế toán trung tâm có nhiệm vụ ghi chép phản ánh đầy đủ nghiệp vụ tình hình hoạt động SXKD của DN, tổ chức lập báo cáo kế toán và cung cấp thông tin cho các nhà quản trị. Bộ máy kế toán với số lượng nhân viên kế toán khoảng từ 5 tới 10 người tuỳ theo quy mô của từng DN, mỗi nhân viên kế toán được phân công phụ trách một phần hành cụ thể. Thông thường, kế toán tổng hợp sẽ đảm nhiệm phần hành kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm trong DN.

Bộ máy kế toán tại một số DNSX thuộc TCT Viglacera được khái quát theo sơ đồ dưới đây:


Kế toán trưởng (Trưởng phòng kế toán)

Phó phòng Kế toán

Kế toán tổng hợp, chi phí và giá thành

Kế toán vật tư

Kế toán thanh toán và TSCĐ

Kế toán bán hàng

Kế toán tiền lương và BHXH

Thủ quỹ

Sơ đồ 3.5: Tổ chức bộ máy kế toán tại một số DNSX thuộc TCT Viglacera

Nguồn: Tác giả tổng hợp


Về trình độ sử dụng công nghệ hỗ trợ trong công tác kế toán: 14/14 DN được khảo sát đều sử dụng phần mềm kế toán chuyên dụng trong hạch toán kế toán. Việc sử dụng phần mềm kế toán hỗ trợ rất lớn trong việc cung cấp thông tin kịp thời về tình hình kinh tế tài chính của đơn vị. Theo kết quả khảo sát các DN thực hiện kế toán máy trên cơ sở các phần mềm kế toán: Bravo 7.0, Misa, AccNet C, Fast, … tổ chức sổ kế toán ở hai hình thức sổ Nhật ký chung và Chứng từ ghi sổ.

Về tổ chức hệ thống kế toán tài chính và kế toán quản trị: Các DN chưa chú trọng việc xây dựng hệ thống kế toán quản trị chi phí, hiện tại chỉ vận dụng kế toán chi phí ở một vài khâu của quy trình hoạt động SXKD, mang nặng tính cung cấp thông tin quá khứ phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát, không có tính chiến lược dự báo phục vụ công tác quản trị.100% các DN được khảo sát sử dụng mô hình tổ chức kết hợp kế toán tài chính với kế toán quản trị, chưa có DN nào có hệ thống kế toán quản trị riêng biệt, chuyên nghiệp. Các kế toán viên vừa đảm nhiệm công việc của kế toán tài chính vừa đảm nhiệm công việc của kế toán quản trị. Theo đó, mỗi nhân viên kế toán được phân công một phần hành kế toán cụ thể sẽ thực hiện kiêm nhiệm cả công việc kế toán tài chính và kế toán quản trị. Điều này làm cho bộ máy kế toán nói chung và bộ máy kế toán quản trị nói riêng gọn nhẹ, tuy nhiên tính chuyên môn hoá trong công tác kế toán quản trị chưa cao. Do vậy, thông tin về kế toán quản trị chưa được cung cấp đầy đủ, chuyên sâu, chưa đáp ứng được yêu cầu về thông tin kinh tế tài chính nội bộ phục vụ quá trình ra quyết định của nhà quản trị. Để làm rõ hơn công tác tổ chức kế toán quản trị tại các DN này, tác giả đã tiến hành phỏng vấn sâu kế toán trưởng và lãnh đạo của các DN, hầu hết các ý kiến cho rằng công tác kế toán quản trị chưa thực sự được quan tâm đúng mức, bộ máy kế toán hiện nay chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ phục vụ mục đích thuế và kế toán tài chính. Hơn nữa, hiểu biết của nhà quản trị cũng như của kế toán về tính hữu ích của thông tin kế toán quản trị chưa cao nên việc áp dụng kế toán quản trị tại các DN còn rất hạn chế.

Về chuẩn mực và chế độ kế toán áp dụng: Các DN trong phạm vi nghiên cứu đều đang áp dụng chế độ kế toán theo quy định tại Thông tư 200/2014-BTC ban hành ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính để phù hợp với đặc điểm kinh doanh và đáp ứng yêu cầu quản lý. Ngoài ra, về việc áp dụng chuẩn mực kế toán, các DN hiện đang vận dụng hệ thống Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) trong hạch toán kế toán. Niên độ kế toán bắt đầu từ ngày 01/01 đến 31/12, đơn vị tiền tệ sử dụng là Việt Nam Đồng (VNĐ).


Về phương pháp tính khấu hao TSCĐ: Các DN khảo sát đều áp dụng phương pháp khấu hao theo đường thẳng đối với các TSCĐ trong DN.

Về phương pháp kế toán hàng tồn kho: 100% các DN được khảo sát hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên, xác định hàng tồn kho trên cơ sở giá gốc, tính giá xuất theo phương pháp bình quân cả kỳ dự trữ và tiến hành trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho vào cuối năm tài chính.

3.2. Tình hình áp dụng phương pháp xác định chi phí tại một số DNSX thuộc TCT Viglacera

3.2.1. Đặc điểm phương pháp xác định chi phí tại một số DNSX thuộc TCT Viglacera Để tìm hiểu đặc điểm phương pháp xác định chi phí tại một số DNSX thuộc TCT Viglacera, tác giả khảo sát 3 nội dung: (1) về phân loại chi phí trong DN, (2) về đối tượng tập hợp chi phí và đối tượng tính giá thành sản phẩm, (3) về mô hình xác định chi

phí và tính giá thành sản phẩm. Kết quả khảo sát cho thấy:

Về phân loại chi phí

Chi phí sản xuất kinh doanh tại một số DNSX thuộc TCT Viglacera rất phong phú, có nội dung, công dụng khác nhau. Theo số liệu khảo sát, 100% DN được khảo sát hiện đang phân loại chi phí theo chức năng hoạt động và có chi tiết theo nội dung kinh tế. Đây là cách nhận diện và phân loại chi phí phù hợp với việc xây dựng định mức, dự toán chi phí đồng thời đáp ứng được yêu cầu thông tin về các chỉ tiêu trên BCTC như: Chỉ tiêu thành phẩm cấu thành nên chỉ tiêu hàng tồn kho trên Bảng cân đối kế toán, chỉ tiêu giá vốn trên Báo cáo kết quả kinh doanh và các thông tin về yếu tố chi phí trên Thuyết minh BCTC. Ngoài ra việc nhận diện chi phí phần nào đã giúp các nhà quản trị so sánh được các khoản mục chi phí giữa thực tế với kế hoạch, có thể xác định được nguyên nhân làm tăng, giảm chi phí.

Phân loại theo nội dung kinh tế của chi phí thì chi phí sản xuất kinh doanh tại một số DNSX thuộc TCT Viglacera bao gồm các yếu tố chi phí cơ bản sau:

- Yếu tố chi phí nguyên liệu, vật liệu: là các hao phí về nguyên liệu, vật liệu sử dụng trong quá trình sản xuất kinh doanh sản phẩm vật liệu xây dựng. Nguyên vật liệu trong các sản xuất vật liệu xây dựng rất đa dạng, mỗi loại sản phẩm sử dụng các loại nguyên liệu và phụ gia khác nhau. Mỗi loại sản phẩm sản xuất đều có định mức nguyên liệu theo cấp phối đã được duyệt…

Xem tất cả 262 trang.

Ngày đăng: 22/02/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí