khoảng 1.350 làng nghề trong số đó có khoảng 200 làng nghề truyền thống. Các làng nghề đang thu hút gần 12.000 lao động, ngoài ra còn tạo việc làm cho hàng triệu lao động nông thôn lúc nông nhàn [27]. Các làng nghề đã góp phần tạo việc làm, đặc biệt còn giải quyết được vấn đề việc làm cho một bộ phận người khuyết tật, qua đó tăng nguồn thu nhập, góp phần đảm bảo đời sống cho người lao động.
Có thể thấy phát triển sản phẩm lưu niệm, đặc biệt sản phẩm thủ công mỹ nghệ không chỉ giải quyết được vấn đề việc làm cho lao động địa phương, mà còn giúp người lao động nâng cao chất lượng đời sống, làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Thứ hai, sản phẩm lưu niệm mang lại một nguồn thu không nhỏ, góp phần làm tăng giá trị thặng dư cho ngành du lịch, và đóng góp vào nền kinh tế đất nước. Trong kinh doanh du lịch, doanh thu từ dịch vụ bổ sung thường khá cao, thậm chí cao hơn các dịch vụ cơ bản như lưu trú, ăn uống, vận chuyển (tỷ lệ trung bình là 3/2). Trong dịch vụ bổ sung không thể không kể đến đóng góp của sản phẩm lưu niệm (chiếm khoảng 1/3-2/3) [20, tr. 32]. Sản phẩm lưu niệm đặc biệt là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho đất nước. Nếu như năm 2000, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ mới đạt 274 triệu USD, thì năm 2006 đã đạt khoảng 650 triệu USD. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ của nước ta đạt từ 1,5 - 1,6 tỷ USD, trong đó chủ yếu được đóng góp từ các làng nghề truyền thống. Qua đó, có thể thấy giá trị kinh tế của sản phẩm lưu niệm đối với ngành du lịch cũng như nền kinh tế của đất nước.
1.3.2.2. Giá trị văn hóa
Sản phẩm lưu niệm thường được thiết kế dựa theo những mô phỏng về hình ảnh thiên nhiên, đất nước, con người, tái hiện lại những nét văn hoá truyền thống lâu đời. Việc đưa những dấu ấn văn hóa đặc trưng vào các sản phẩm lưu niệm góp phần khẳng định bản sắc dân tộc, từ đó góp phần quảng bá hình ảnh, văn hoá của đất nước đến với thế giới, và thúc đẩy phát triển du lịch.
Sản phẩm lưu niệm là kết quả của óc sáng tạo, sự tài hoa, tỉ mỉ, khéo léo, vừa là trí tuệ, vừa là tình cảm gắn bó với đất nước, con người của những nghệ nhân làm ra các sản phẩm. Vì thế, sản phẩm lưu niệm được coi như các tác phẩm nghệ thuật tinh tế, thể hiện được tài năng và tâm huyết của các nghệ nhân.
Một trong những giá trị mà các sản phẩm lưu niệm mang lại đó là thông qua phát triển sản phẩm lưu niệm đã góp phần khôi phục, gìn giữ và phát triển các làng nghề truyền thống.
1.4. Chuỗi giá trị của sản phẩm lưu niệm
Có thể bạn quan tâm!
- Phát triển sản phẩm lưu niệm của Hà Nội nhằm phục vụ khách du lịch - 2
- Cơ Sở Lý Luận Về Phát Triển Sản Phẩm Lưu Niệm
- Vai Trò Và Giá Trị Của Sản Phẩm Lưu Niệm Trong Phát Triển Du Lịch
- Tài Nguyên Và Tính Chất Đặc Thù Của Điểm Đến Du Lịch
- Cơ Sở Vật Chất Kỹ Thuật Hạ Tầng Và Nhân Lực
- Sản Phẩm Lưu Niệm Thuộc Nhóm Mây, Tre, Giang, Cỏ Tế
Xem toàn bộ 184 trang tài liệu này.
Mô hình chuỗi giá trị được chuyên gia hàng đầu về lý thuyết cạnh tranh Michael Porter mô tả và phổ biến đầu tiên vào năm 1985 [58, tr. 117], trở thành cơ sở quan trọng trong nghiên cứu và triển khai các chiến lược kinh doanh. Trên cơ sở chuỗi giá trị của Porter, A. Poon đã phát triển chuỗi giá trị trong ngành du lịch và lữ hành. Theo ông, chuỗi giá trị trong ngành du lịch và lữ hành được hình thành từ các hoạt động cơ bản và hoạt động hỗ trợ, những hoạt động tạo giá trị.
Khái niệm “chuỗi giá trị” trong ngành du lịch được hiểu là mạng lưới tổ chức du lịch nhằm cung cấp, phân phối và tiếp thị sản phẩm du lịch đến khách du lịch. Theo Tapper và Font thì chuỗi giá trị trong du lịch bao gồm các nhà cung cấp của tất cả các hàng hóa và dịch vụ nhằm phân phối các sản phẩm du lịch cho người tiêu dùng. Theo Zhang thì chuỗi giá trị trong ngành du lịch là “chuỗi cung ứng du lịch, là một mạng lưới các tổ chức du lịch cung cấp các thành phần khác nhau của sản phẩm dịch vụ du lịch (các phương tiện dịch vụ lưu trú) nhằm mục đích phân phối và tiếp thị các sản phẩm du lịch đến khách lữ hành tại một điểm đến du lịch cụ thể, có liên quan đến nhiều người tham gia trong khu vực tư nhân và công cộng tại một phạm vi rộng” [63, tr. 345- 358]. Kaukal et al (2000) cho rằng chuỗi giá trị du lịch tiêu biểu bao gồm 4 thành phần: Nhà cung cấp du lịch, nhà điều hành tiêu du lịch, đại lý du lịch và khách hàng. Andersen, K. V đã đưa ra mô hình chuỗi giá trị du lịch bao gồm: Khách du lịch. Đại lý lữ hành, các sản phẩm du lịch, điều hành tour và điểm đến (Hình 2.1).
Đối với các hoạt động kinh doanh du lịch, phương pháp phân tích chuỗi giá trị được coi là một công cụ mô tả giúp kiểm soát được sự tương tác giữa những yếu tố khác nhau trong chuỗi. Thông qua phân tích chuỗi giá trị, có thể xác định được những hoạt động chính trong phát triển sản phẩm du lịch và sự đóng góp của mỗi hoạt động vào chiến lược cạnh tranh cũng như sự phát triển chung của ngành.
Phát triển sản phẩm lưu niệm là một trong những nội dung quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển du lịch. Phân tích chuỗi giá trị trong phát triển sản phẩm lưu niệm giúp các nhà kinh doanh, sản xuất sản phẩm lưu niệm có thể đánh giá được tính hiệu quả, tính khả thi của sản phẩm lưu niệm, xác định được mức đóng góp cụ thể của từng thành phần tham gia chuỗi phát triển sản phẩm lưu niệm để có cơ sở đưa ra những quyết định phù hợp, những giải pháp nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm lưu niệm.
Hình 2.1. Mô tả chuỗi giá trị ngành du lịch
(Nguồn: [38])
Chuỗi giá trị sản phẩm lưu niệm là một chuỗi các hoạt động liên quan bao gồm từ việc cung cấp các yếu tố đầu vào đến việc sản xuất, tiếp thị và cuối cùng đưa sản
phẩm đến với người tiêu dùng. Một chuỗi giá trị sản phẩm lưu niệm được xác định bởi một sản phẩm lưu niệm cụ thể hay tập hợp các sản phẩm lưu niệm. Đầu ra của chuỗi giá trị trong sản xuất kinh doanh sản phẩm lưu niệm là các sản phẩm lưu niệm mang lại giá trị cho người mua, từ đó thu được lợi nhuận. Mỗi thành phần trong chuỗi đều tạo ra giá trị và cũng tạo ra chi phí.
Để phân tích chuỗi giá trị trong phát triển sản phẩm lưu niệm có 3 cách sau: (1) Lập sơ đồ chuỗi giá trị; (2) Phân tích kinh tế; (3) Phân tích cơ hội và hạn chế [46, tr. 7].
(1) Lập sơ đồ chuỗi giá trị: là một cách để có được cái nhìn tổng quan và hiểu hơn về các mối quan hệ kinh doanh trong chuỗi giá trị sản phẩm lưu niệm. Sơ đồ chuỗi giá trị cho thấy dòng chảy của các sản phẩm lưu niệm từ cung cấp đầu vào đến tiêu thụ và làm thế nào để các thành phần trong chuỗi liên kết với nhau. Sơ đồ chuỗi giá trị sản phẩm lưu niệm bao gồm nhiều nhân tố, những nơi có liên quan đến bán hàng sản phẩm lưu niệm như: điểm du lịch, chợ, các cửa hàng lưu niệm, các trung tâm mua sắm, làng nghề, bảo tàng, sân bay, bến xe, ga đường sắt…
Sơ đồ cho thấy tất cả các hoạt động kinh doanh sản phẩm lưu niệm, các nhà cung cấp sản phẩm và cơ hội thị trường cho các nhà sản xuất hoặc các nhà kinh doanh sản phẩm lưu niệm. Để có cái nhìn sâu hơn về sản phẩm lưu niệm trong chuỗi giá trị ngành du lịch thì việc lập sơ đồ chuỗi giá trị là rất cần thiết và hữu ích, cho thấy cách thức sản xuất sản phẩm lưu niệm và doanh nghiệp đã làm gì và cần làm gì để cung cấp cho thị trường du lịch.
(2) Phân tích kinh tế: Phân tích kinh tế chuỗi giá trị sản phẩm lưu niệm sẽ cho biết chi phí, giá trị gia tăng cũng như tổng lợi nhuận của mỗi thành phần và toàn chuỗi sản phẩm lưu niệm. Tổng giá trị được tạo ra trong một chuỗi giá trị sản phẩm lưu niệm là giá bán cuối cùng của sản phẩm lưu niệm nhân với số lượng bán ra.
Đặc biệt, phân tích kinh tế chuỗi giá trị sản phẩm lưu niệm còn xác định được những ảnh hưởng đến thu nhập của những người tạo ra sản phẩm lưu niệm thủ công
dựa trên giá thị trường các cấp khác nhau trong chuỗi giá trị và qua đó có thể tìm giải pháp để nâng cao thu nhập cho người sản xuất.
(3) Đánh giá cơ hội thị trường và hạn chế kinh doanh để phát triển khả năng nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm lưu niệm. Trong đó, cần xác định các vấn đề:
- Nhu cầu cụ thể đối với một sản phẩm lưu niệm
- Những loại sản phẩm lưu niệm được khách du lịch đánh giá cao
- Tiêu chí của một sản phẩm lưu niệm chất lượng cao
- Những xu hướng phát triển sản phẩm lưu niệm tại địa phương
- Khả năng phát triển sản phẩm lưu niệm mới
- Kênh thị trường có thể phát triển mạnh hơn nữa
- Những loại nguyên liệu sản xuất sản phẩm lưu niệm có thể được sử dụng
- Đối tượng cần được hỗ trợ để nâng cao sản xuất
Như vậy, việc phân tích chuỗi giá trị của sản phẩm lưu niệm, hiểu rõ được toàn bộ chuỗi giá trị và nắm bắt được phương pháp có thể giúp tăng tổng giá trị được tạo ra từ chuỗi, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho hoạt động kinh doanh du lịch.
1.5. Phát triển sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch
1.5.1. Nội dung của phát triển sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch
Một trong những nhu cầu của khách du lịch là muốn mua về những sản phẩm lưu niệm độc đáo mang những nét bản địa, đại diện cho điểm đến. Mỗi quốc gia nói chung và mỗi địa phương, vùng miền nói riêng đều có bề dày lịch sử, truyền thống văn hoá, điều kiện tự nhiên và nhân văn để phát triển sản phẩm lưu niệm. Tuy nhiên, hiện nay khách du lịch không dễ dàng chọn được sản phẩm lưu niệm độc đáo, phù hợp và đáp ứng được nhu cầu. Vì thế, một yêu cầu đặt ra là phải đẩy mạnh phát triển sản phẩm lưu niệm để phục vụ du lịch, cụ thể là:
Thứ nhất, khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, khu vực, nhằm tạo ra sản phẩm lưu niệm đặc thù; mang tính đặc trưng vùng miền, trở thành thương hiệu
của mỗi điểm đến. Sản phẩm lưu niệm phải có tính độc đáo, có giá trị nhân văn cao, thông qua đó thể hiện bản sắc văn hoá, nét đặc trưng của địa phương.
Thứ hai, sản xuất sản phẩm lưu niệm với hình thức được thiết kế tinh xảo; chủng loại, mẫu mã, chất liệu đa dạng, phong phú để đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch và tạo ra sức hút đối với khách du lịch.
Thứ ba, thông qua sản phẩm lưu niệm để tăng cường khả năng thu hút khách du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả và thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Đồng thời, qua đó quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người, cũng như bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống.
1.5.2. Phương thức phát triển sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch
Phát triển sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch cần chú trọng thúc đẩy theo chiều sâu, phát triển cả về chất và lượng, quan tâm công tác sáng tạo, thiết kế và đưa vào sản xuất sản phẩm mang đặc trưng riêng của mỗi địa phương và vùng miền; đồng thời chú trọng những sản phẩm nhỏ gọn, dễ vận chuyển, không ngừng nâng cao độ tinh xảo và chất lượng sản phẩm.
Để phát triển những sản phẩm lưu niệm đã được thương mại hóa, các chủ thể, các bên liên quan có thể tăng cường hợp tác, liên kết trong công tác xúc tiến quảng bá và khơi thông đầu ra cho sản phẩm.
Song song với phương thức đầu tư phát triển sản phẩm lưu niệm vốn có, một phương thức khác là khuyến khích các mô hình mới, hiệu quả trong việc phát triển sản xuất sản phẩm lưu niệm. Chẳng hạn như: gắn công tác phục hồi, bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống với việc sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch, hay mô hình nghiên cứu thiết kế sản phẩm sau đó đặt hàng sản xuất và có chủ thể chuyên trách khâu thương mại.
Bên cạnh đó, các địa phương tiến hành phương thức phát triển bền vững, sử dụng các nguyên liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên, thậm chí là phế liệu để sản xuất sản phẩm lưu niệm, góp phần giữ gìn, bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, hiện nay, các doanh nghiệp đang chuyển từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang hướng liên kết, hợp tác sản xuất, kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, góp phần phát triển sản phẩm lưu niệm.
1.5.3. Các chủ thể tham gia phát triển sản phẩm lưu niệm
Chủ thể tham gia phát triển sản phẩm lưu niệm khá đa dạng, từ các cấp chính quyền, từ tập thể đến cá nhân, và từ người sản xuất đến người tiêu dùng. Để phát triển sản phẩm lưu niệm cần sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều chủ thể.
Cơ quan quản lý nhà nước: các sở, cơ quan ban ngành của địa phương đóng vai trò chỉ đạo, định hướng phát triển các dòng sản phẩm lưu niệm đặc trưng.
Chủ thể sản xuất: cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp, tổ chức, làng nghề tham gia sản xuất sản phẩm lưu niệm là những chủ thể có vai trò quan trọng, là những người trực tiếp sản xuất, quyết định mẫu mã, chất lượng của sản phẩm lưu niệm. Những chủ thể tham gia sản xuất có thể sử dụng quy trình, phương thức sản xuất hiện đại hoặc phương thức thủ công, truyền thống.
Chủ thể làm công tác thương mại: là chủ thể tham gia trực tiếp vào quá trình đưa sản phẩm lưu niệm đến với khách du lịch. Từ việc đưa ra giá bán hợp lý, giới thiệu và chào bán sản phẩm, đến thái độ phục vụ đều ảnh hưởng đến sự phát triển sản phẩm lưu niệm.
Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành: trong quá trình giới thiệu sản phẩm du lịch cho khách du lịch sẽ gián tiếp giới thiệu về những sản phẩm đặc trưng của điểm du lịch. Đặc biệt, hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đang đẩy mạnh phát triển du lịch kết hợp với mua sắm, du lịch gắn với phát triển làng nghề sẽ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển sản phẩm lưu niệm.
Khách du lịch: Có thể nói đây là một chủ thể đặc biệt quan trọng, quyết định yếu tố thành bại trong phát triển sản phẩm lưu niệm. Tất cả các chủ thể trên tham gia quá trình điều tiết, chỉ đạo, sản xuất, kinh doanh, quảng bá, giới thiệu cũng đều hướng
đến mục tiêu cuối cùng là đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Do đó, điều quan trọng là sản phẩm lưu niệm phải được sản xuất dựa theo nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch.
1.5.4. Tổ chức triển khai phát triển sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch
Phát triển sản phẩm lưu niệm để phục vục du lịch là một yêu cầu cấp thiết đang đặt ra cho nhiều địa phương. Để phát huy hiệu quả và thành công, việc tổ chức triển khai phát triển sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch cần được chú trọng và tiến hành qua các khâu:
Thứ nhất, nghiên cứu thị trường, xác định nhu cầu của từng phân khúc khách hàng bằng cách tiến hành khảo sát, nghiên cứu nhu cầu và thu thập thông tin phản hồi thường xuyên của khách du lịch đối với từng mặt hàng.
Thứ hai, phân tích đối thủ cạnh tranh, điểm yếu, điểm mạnh, cơ hội và thách
thức.
Thứ ba, nghiên cứu, thiết kế các sản phẩm mới độc đáo, hấp dẫn hoặc điều
chỉnh, hoàn thiện sản phẩm lưu niệm đang lưu hành phù hợp về chất lượng, giá cả, chất liệu, độ tinh xảo và tính tiện lợi dựa trên nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu của khách.
Thứ tư, đầu tư sản xuất: mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, thay đổi mẫu mã sản phẩm, đầu tư trang thiết bị, công nghệ sản xuất.
Thứ năm, tiêu thụ sản phẩm: triển khai biện pháp đảm bảo đầu ra cho sản phẩm; bố trí các gian hàng trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm lưu niệm tại các khách sạn, khu du lịch, chợ, trung tâm thương mại...
Thứ sáu, tăng cường liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, làng nghề.
Cuối cùng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển sản phẩm lưu niệm.
1.5.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc phát triển sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch
1.5.5.1. Chủ trương, chính sách phát triển sản phẩm