Tài Nguyên Và Tính Chất Đặc Thù Của Điểm Đến Du Lịch


Có thể nói, chủ trương, chính sách của mỗi địa phương có một vai trò quan trọng trong việc phát triển sản phẩm lưu niệm để phục vụ du lịch. Cơ quan quản lý nhà nước các cấp thông qua các chủ trương, chính sách đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, phương hướng phát triển các sản phẩm lưu niệm, cụ thể hơn là đưa ra các định hướng phát triển về chủng loại, tính chất, chất lượng các sản phẩm lưu niệm.

Hơn nữa, việc phát triển các sản phẩm lưu niệm gắn liền với nhiều yếu tố, đó là lực lượng lao động sản xuất, nhất là đội ngũ lao động trong các làng nghề thủ công truyền thống. Đặc biệt, sản phẩm lưu niệm phát triển song song với sự phát triển của ngành du lịch, và gắn liền với văn hoá truyền thống. Do đó, các chủ trương, chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước về phát triển làng nghề truyền thống, định hướng phát triển ngành du lịch, hay các vấn đề về gìn giữ, bảo tồn, phát triển văn hoá dân tộc cũng đều ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến phát triển sản phẩm lưu niệm.

Do đó, chủ trương, chính sách hỗ trợ đúng đắn và kịp thời cùng với sự tích cực tham gia của các chủ thể khác sẽ thúc đẩy phát triển sản phẩm lưu niệm một cách hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Ngược lại, chính sánh, chủ trương không phù hợp với tình hình thực tế sẽ là rào cản đối với sự phát triển sản phẩm lưu niệm.

Trong những năm gần đây, nắm bắt được xu hướng và thị hiếu của khách du lịch, cũng như hiểu được tầm quan trọng của việc phát triển sản phẩm lưu niệm, chính quyền các địa phương đã có nhiều chính sách, chủ trương nhằm thúc đẩy phát triển sản phẩm lưu niệm. Một số địa phương đã xây dựng các đề án, kế hoạch phát triển hàng hoá, sản phẩm du lịch, đưa ra một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất như hỗ trợ về vay vốn, đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển sản phẩm lưu niệm du lịch; hỗ trợ kinh phí đào tạo; mặt bằng sản xuất; hỗ trợ xúc tiến thương mại… Đường lối chính sách của các địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển sản phẩm lưu niệm, và góp phần đáng kể vào sự phát triển chung của ngành du lịch.


1.5.5.2. Thị trường, đối tượng khách du lịch

Sản phẩm lưu niệm được sản xuất, kinh doanh nhằm mục đích tăng khả năng thu hút khách du lịch, vì thế yếu tố thị trường và khách du lịch có vai trò quyết định đến hướng phát triển sản phẩm lưu niệm.

Đối tượng khách du lịch rất rộng và da dạng. Khách du lịch bao gồm nhiều độ tuổi khác nhau, từ bình dân đến cao cấp, đến từ những vùng miền, đất nước, khu vực khác nhau trên thế giới, do đó nhu cầu, thị hiếu của từng đối tượng là khác nhau. Vì thế, để đáp ứng được nhu cầu mua sắm sản phẩm lưu niệm của khách du lịch, các địa phương, cơ sở sản xuất phải tiến hành sản xuất nhiều sản phẩm với chủng loại, mẫu mã đa dạng; chất liệu, giá thành phong phú từ rẻ đến đắt.

Ngoài ra, tình hình thị trường cũng ảnh hưởng đến phát triển sản phẩm lưu niệm. Thị trường du lịch, tình hình, mức độ phát triển của các sản phẩm lưu niệm khác cũng ảnh hưởng đến vấn đề kinh doanh sản phẩm lưu niệm. Do đó, các cơ sở sản xuất cần có định hướng đúng đắn, đầu tư sản xuất sản phẩm đáp ứng được yêu cầu cả về hình thức và chất lượng.

1.5.5.3. Tài nguyên và tính chất đặc thù của điểm đến du lịch

Vấn đề tài nguyên và tính chất đặc thù của điểm đến được coi là vấn đề cốt lõi của sự phát triển sản phẩm lưu niệm. Ngày nay, khách du lịch khi đến tham quan một điểm du lịch đều muốn mua sản phẩm lưu niệm để lưu giữ kỷ niệm cho chuyến đi. Vì thế, một trong những đặc điểm quan trọng của các sản phẩm lưu niệm là phải thể hiện được những nét đặc trưng về cảnh sắc thiên nhiên, con người, nét văn hoá truyền thống của địa phương, vùng miền. Từ nguyên liệu sản xuất đến các mẫu mã, ý tưởng của sản phẩm phải mang đặc trưng của địa phương. Do đó, nếu điểm đến du lịch có tài nguyên phong phú, có bề dày lịch sử lâu đời và có truyền thống văn hoá đa dạng, giàu bản sắc sẽ là tiềm năng lớn để phát triển sản phẩm lưu niệm.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều địa phương có tiềm năng phát triển nhưng lại chưa khai thác tiềm năng một cách hiệu quả. Hiện nay, một trong những vấn đề hạn


chế của sản phẩm lưu niệm là chưa có sự khác biệt và không có nét đặc trưng riêng. Vì vậy, các địa phương cần chú trọng, xây dựng các chính sách, định hướng phát triển sản phẩm lưu niệm mang tính đặc thù của địa phương để tăng sức hút với khách du lịch.

1.5.6. Sáng tạo trong phát triển sản phẩm lưu niệm

Ngày nay, “sáng tạo” là một yếu tố cần thiết cho khả năng cạnh tranh. Các nghiên cứu về “sáng tạo” trong dịch vụ vẫn đang trong giai đoạn trứng nước, những nghiên cứu đầu tiên mới chỉ xuất hiện vào cuối năm 1990 và rất khó để tìm thấy một khung lý thuyết điển hình cho việc nghiên cứu “sáng tạo” trong lĩnh vực dịch vụ. Năm 1934, Schumpeter đã đề cập đến vấn đề “sáng tạo”, trong đó gắn liền với phát triển các sản phẩm mới, quy trình mới, thị trường mới và các nguồn nguyên liệu mới [56]. Ủy ban châu Âu đã mô tả sự sáng tạo là “đổi mới và mở rộng phạm vi của các sản phẩm, dịch vụ và thị trường liên quan; việc thành lập các phương pháp mới để sản xuất, cung cấp và phân phối; sự ra đời của những thay đổi trong quản lý, tổ chức công việc, điều kiện và kỹ năng của lực lượng lao động” [61]. Drucker xác định sáng tạo như là một “cơ hội” mà kết quả là việc tạo ra một sản phẩm hay một dịch vụ mới hoặc khác nhau [11, tr.110].

Du lịch hiện là một ngành có triển vọng nhất trên thế giới và nhu cầu sáng tạo, đổi mới là một yêu cầu cấp thiết đối với lĩnh vực này. Sáng tạo là hoạt động tạo ra bất cứ cái gì hội tụ đồng thời tính mới và tính lợi ích (trong phạm vi áp dụng cụ thể) [43].

Sáng tạo đặc biệt quan trọng và cần thiết đối với phát triển sản phẩm lưu niệm để có thể đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, tạo tính độc đáo, đặc trưng và hấp dẫn cho sản phẩm lưu niệm, từ đó mới có thể thu hút sự chú ý và kích thích nhu cầu mua sắm của khách du lịch. Sáng tạo trong phát triển sản phẩm lưu niệm phải đáp ứng được hai yếu tố là tính mới (sự khác biệt so với sản phẩm khác), và tính ích lợi (như tăng sức hấp dẫn đối với khách du lịch, tăng doanh thu, tăng hiệu quả, tăng giá trị văn hoá, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, thân thiện với môi trường…), nhưng sáng tạo sẽ chỉ hiệu quả trong không gian, thời gian, hoàn cảnh, điều kiện nhất định.


Sáng tạo từ những nguyên liệu xanh thân thiện với môi trường hay từ rác thải, phế liệu… sẽ có những đóng góp nhất định trong phát triển sản phẩm lưu niệm. Ví dụ, bằng đôi bàn khéo léo cùng với sự sáng tạo của nghệ nhân, những vỏ lon bia, lon nước giải khát đã qua sử dụng trở thành những sản phẩm lưu niệm độc đáo: từ những món đồ dễ làm như mũ lưỡi trai, gạt tàn thuốc, mô hình môtô, máy bay, cho đến những sản phẩm độc đáo khác như ba lô, va li, con cua, tôm, cá, mô hình xe Vespa, xe tăng…

Để xây dựng và phát triển sản phẩm lưu niệm sáng tạo cần phải: nghiên cứu thị trường, xác định nhu cầu các phân khúc khách hàng, tâm lý khách hàng; phân tích đối thủ cạnh tranh, điểm yếu, điểm mạnh, cơ hội, thách thức; định vị phân khúc thị trường, xây dựng sản phẩm; truyền thông, bán sản phẩm và chăm sóc khách hàng. Như vậy mới có thể xây dựng được sản phẩm lưu niệm sáng tạo đảm bảo chất lượng, tính độc đáo, sức hấp dẫn và phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của khách hàng.

Tiểu kết chương 1

Mua sắm sản phẩm lưu niệm đã trở thành một nhu cầu phổ biến của khách du lịch. Sản phẩm lưu niệm mang nét đặc trưng riêng, với sự phong phú về chủng loại tạo ra sức hấp dẫn đối với khách du lịch và đóng vai trò không nhỏ đối với phát triển du lịch. Sản phẩm lưu niệm phải mang nét đặc trưng văn hoá, lịch sử, thiên nhiên, con người của mỗi địa phương, qua đó quảng bá hình ảnh du lịch, thu hút khách du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch. Bên cạnh đó, phát triển sản phẩm lưu niệm còn góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động và bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống. Vì thế, phát triển sản phẩm lưu niệm là yêu cầu cần thiết đối với các địa phương. Tuy nhiên, phát triển sản phẩm lưu niệm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, do đó, các địa phương cần có định hướng và giải pháp phù hợp, cũng có thể tham khảo thực tiễn phát triển sản phẩm lưu niệm của những địa phương và quốc gia khác, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm nhằm phát triển sản phẩm lưu niệm của địa phương một cách hiệu quả nhất.



CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG VỀ PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM LƯU NIỆM PHỤC VỤ KHÁCH DU LỊCH TẠI HÀ NỘI

2.1. Khái quát về du lịch Hà Nội

2.1.1. Điều kiện phát triển du lịch

2.1.1.1. Điều kiện tự nhiên Vị trí địa lý:

Hà Nội nằm ở vùng châu thổ sông Hồng, tiếp giáp với các tỉnh Thái Nguyên - Vĩnh Phúc ở phía Bắc; Hà Nam - Hòa Bình ở phía Nam; Bắc Giang - Bắc Ninh - Hưng Yên ở phía Đông và Hòa Bình - Phú Thọ ở phía Tây. Hà Nội nằm ở phía hữu ngạn sông Đà và hai bên sông Hồng, vị trí và địa thế thuận lợi cho một trung tâm chính trị, kinh tế, vǎn hoá, khoa học và đầu mối giao thông quan trọng của Việt Nam.

Địa giới hành chính:

Hà Nội bao gồm 12 quận (Hoàn Kiếm, Ba Ðình, Ðống Ða, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Long Biên, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm), 1 thị xã (Sơn Tây) và 17 huyện: Ðông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Gia Lâm (Hà Nội cũ); Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa (Hà Tây cũ) và Mê Linh (từ Vĩnh Phúc).

Việc mở rộng địa giới hành chính đã tạo cho Hà Nội nhiều cơ hội phát triển kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng và cảnh quan đô thị, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy ngành du lịch của thành phố phát triển mạnh hơn nữa.

Địa hình:

Hà Nội có hai dạng địa hình chính là đồng bằng và đồi núi. Trong đó, phần lớn diện tích của thành phố là vùng đồng bằng, thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam theo hướng dòng chảy của sông Hồng, chiếm khoảng 3/4 diện tích tự nhiên, nằm bên hữu ngạn sông Đà, hai bên sông Hồng và chi lưu các sông. Độ cao trung bình của Hà Nội từ 5 đến 20 mét so với mặt nước biển. Phần lớn địa hình đồi núi thuộc địa phận các


huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Quốc Oai, Mỹ Đức. Khu vực nội đô có một số gò đồi thấp, như gò Đống Đa, núi Nùng.

Địa hình chủ yếu là đồng bằng, vùng đồi núi thấp và trung bình cùng với hệ thống đầm, hồ dày đặc sẽ tạo thuận lợi cho Hà Nội trong việc phát triển nhiều loại hình du lịch hấp dẫn.

Khí hậu:

Khí hậu Hà Nội khá tiêu biểu cho kiểu khí hậu Bắc bộ với đặc điểm của khí hậu nhiệt đới gió mùa ấm, mùa hè nóng, mưa nhiều và mùa đông lạnh, mưa ít. Nằm trong vùng nhiệt đới, Hà Nội quanh nǎm tiếp nhận được lượng bức xạ mặt trời rất dồi dào và có nhiệt độ cao. Nhiệt độ không khí trung bình hàng nǎm là 23,6ºC. Hà Nội có độ ẩm và lượng mưa khá lớn. Ðộ ẩm tương đối trung bình hàng nǎm là 79%. Lượng mưa trung bình hàng nǎm là 1.800 mm và mỗi nǎm có khoảng 114 ngày mưa.

Ðặc điểm khí hậu Hà Nội rõ nét nhất là sự thay đổi và khác biệt của hai mùa nóng, lạnh. Từ tháng 5 đến tháng 9 là mùa nóng và mưa, nhiệt độ trung bình mùa này là 29,2ºC. Từ tháng 11 đến tháng 3 nǎm sau là mùa đông thời tiết khô ráo, nhiệt độ trung bình mùa đông là 15,2ºC. Giữa hai mùa đó lại có hai thời kỳ chuyển tiếp (tháng 4 và tháng 10) cho nên Hà Nội có đủ bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Ðông. Bốn mùa thay đổi làm cho thời tiết Hà Nội mùa nào cũng có vẻ đẹp riêng, mang lại những nét riêng, đặc trưng cho mỗi mùa và góp phần tăng sức hấp dẫn cho du lịch Hà Nội. Trong đó, mùa tham quan du lịch thích hợp nhất ở Hà Nội là mùa thu.

Tài nguyên thiên nhiên:

Tài nguyên thuỷ văn: Hà Nội được hình thành từ châu thổ sông Hồng, nét đặc trưng của thành phố Hà Nội là “Thành phố sông hồ”. Nhờ các con sông lớn nhỏ chảy hàng vạn năm đem phù sa về bồi đắp nên vùng châu thổ phì nhiêu này. Có 7 sông chảy qua Hà Nội: sông Hồng, sông Đuống, sông Đà, sông Nhuệ, sông Cầu, sông Đáy, sông Cà Lồ. Trong đó, đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội dài tới 163 km (chiếm 1/3 chiều dài của con sông này chảy qua lãnh thổ Việt Nam).


Hiện nay, dù phần lớn đã bị san lấp lấy mặt bằng xây dựng, đến nay vẫn còn tới hàng trăm hồ đầm lớn nhỏ được phân bố ở khắp các phường, xã của thủ đô Hà Nội. Nổi tiếng nhất là các hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, Quảng Bá, Trúc Bạch, Thiền Quang, Bảy Mẫu, Thanh Nhàn, Linh Đàm, Yên Sở, Giảng Võ, Đồng Mô, Suối Hai…

Có thể nói, hiếm có một Thành phố nào trên thế giới có nhiều hồ, đầm như Hà Nội. Những hồ đầm của Hà Nội không những là một kho nước lớn mà còn là hệ thống điều hòa nhiệt độ tự nhiên làm cho vùng đô thị nội thành giảm bớt sức hút nhiệt tỏa nóng của khối bê tông, sắt thép, nhựa đường và hoạt động của các nhà máy… Hồ đầm của Hà Nội không những tạo ra cho thành phố khí hậu mát lành, mà còn là những danh lam thắng cảnh, văn hóa đặc sắc của Thăng Long - Hà Nội, rất có giá trị đối với du lịch, giải trí và nghỉ dưỡng.

Tài nguyên sinh vật: Hà Nội có một số kiểu hệ sinh thái đặc trưng như hệ sinh thái vùng gò đồi ở Sóc Sơn và hệ sinh thái hồ, điển hình là hồ Tây, hệ sinh thái nông nghiệp, hệ sinh thái đô thị... Trong đó, các kiểu hệ sinh thái rừng vùng gò đồi và hồ có tính đa dạng sinh học cao hơn cả. Khu hệ thực vật, động vật trong các hệ sinh thái đặc trưng của Hà Nội khá phong phú và đa dạng. Trong số các loài sinh vật, nhiều loài có giá trị kinh tế, một số loài quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam.

Hà Nội có nhiều công viên, vườn hoa nằm ở khu vực trung tâm thành phố và hàng vạn cây bóng mát thuộc loại cây đô thị được trồng tương đối phổ biến như bằng lăng, sữa, phượng vĩ, săng đào, lim xẹt, xà cừ, sấu, muồng đen, sao đen, long nhãn, me...

Các làng hoa và cây cảnh ở Hà Nội như Nghi Tàm, Ngọc Hà, Quảng Bá, Nhật Tân, v.v đã có truyền thống từ lâu đời và khá nổi tiếng gần đây, nhiều làng hoa và cây cảnh được hình thành thêm ở các vùng ven đô như Vĩnh Tuy, Tây Tựu, và một số xã ở Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn cùng với các loài được chuyển từ các tỉnh phía Nam hoặc nhập từ nước ngoài.


Với hệ thống tài nguyên sinh vật đa dạng và phong phú, đây là một tiềm năng lớn để Hà Nội phát triển các loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch xanh, du lịch sinh thái.

2.1.1.2. Điều kiện xã hội nhân văn

Có thể nói rằng, Thủ đô Hà Nội có nhiều tiềm năng nhân văn, hội tụ nhiều di tích, danh thắng lịch sử của mảnh đất nghìn năm văn hiến, là điều kiện rất thuận lợi để phát triển du lịch của thành phố.

Hà Nội sở hữu nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, trong đó khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng, đền Sóc và nghệ thuật ca trù đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới. Hệ thống các văn bia tiến sỹ thời Lê Mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được công nhận là di sản tư liệu thế giới.

Xét về di tích, Thủ đô sở hữu hơn 1.000 di tích và danh thắng được xếp hạng cấp quốc gia như Thành Cổ Loa, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, hồ Hoàn Kiếm, chùa Hương, chùa Tây Phương, làng Việt cổ Ðường Lâm... Nhờ đó, du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh của thành phố ngày càng phát triển.

Bảng 2.1. Số di tích đã xếp hạng của Hà Nội so với cả nước


Địa bàn

Số lượng di tích đã xếp hạng

Tỷ lệ so với cả nước (%)

Cả nước

3.300

100,00

Hà Nội

1.167

35,36

Thừa Thiên Huế

145

4,40

Thành phố Hồ Chí Minh

57

1,72

Các tỉnh, thành phố khác

1.931

58,52

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 184 trang tài liệu này.

Phát triển sản phẩm lưu niệm của Hà Nội nhằm phục vụ khách du lịch - 6

(Nguồn: Sở du lịch Hà Nội, năm 2015)

Ngoài các di tích, thắng cảnh văn hoá, lịch sử, trải qua hơn 1.000 năm lịch sử, đến nay Hà Nội vẫn lưu giữ nhiều công trình kiến trúc cổ, khu phố cổ và hơn 600 ngôi chùa. Hà Nội còn có hệ thống các bảo tàng, nhà hát và những ngôi biệt thự theo kiểu kiến trúc Pháp. Kiến trúc của Hà Nội mang một phong cách riêng, giản dị mà độc đáo, tạo nên vẻ trầm mặc và sức hấp dẫn với khách du lịch đặc biệt là khách quốc tế.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 25/04/2023