PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Ở Việt Nam, du lịch đã được Đảng và Chính phủ xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Du lịch Việt Nam đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm qua. Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành liên vùng và xã hội hoá cao. Chất lượng của hoạt động du lịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tiềm năng, tài nguyên du lịch, chất lượng của hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch và kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, chính sách phát triển du lịch của Nhà nước, tình hình an ninh chính trị của đất nước, mức độ mở cửa và hội nhập của nền kinh tế…
Trong quá trình hội nhập, công nghiệp hóa và hiện đại hóa, cùng với sự phát triển nhanh về du lịch, cũng đòi hỏi sự phát triển nhanh về nguồn nhân lực du lịch. Nhưng là một quốc gia đang phát triển, nguồn nhân lực du lịch ở Việt Nam cũng nằm trong tình trạng chung, mang những đặc điểm của nguồn nhân lực Việt Nam: trẻ, thiếu và yếu; tính chuyên nghiệp chưa cao, thiếu tính đồng bộ. Nhiều người, nhiều công việc thiếu những tiền lệ và sự trải nghiệm, đang trong quá trình tìm tòi, tiếp cận để học hỏi, bổ sung, hoàn thiện mình. Đặc biệt là những người trực tiếp đào tạo, dạy nghề du lịch, cung cấp nguồn nhân lực cho ngành Du lịch. Đây là một bộ phận nhân lực du lịch đông đảo, rất quan trọng, trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề du lịch, các khoa Du lịch trong các trường Đại học và cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên toàn quốc. Với nhiều qui mô và cấp độ đào tạo, dạy nghề khác nhau, các cơ sở đào tạo và dạy nghề du lịch đang là cơ sở đầu tiên đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực đa dạng, chất lượng cao cho kinh tế du lịch của đất nước.
Đề án “Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Du lịch giai đoạn 2011 - 2020” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định: Giai đoạn 2011 - 2015, các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được đặt ra là tăng cường quản lý nhà nước về đào tạo nhân lực ngành Du lịch theo nhu cầu xã hội; xây dựng chuẩn (tập trung vào chuẩn kỹ năng nghề) và thực hiện chuẩn hóa một bước nhân lực du lịch, phù hợp với các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế để tạo điều kiện cho hội nhập quốc tế về lao động trong du lịch; phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo, bồi dưỡng du lịch đảm bảo liên kết chặt chẽ và cân đối giữa các bậc đào tạo, ngành nghề đào tạo và phân bố vùng, miền hợp lý phù hợp với chiến lược phát triển du lịch quốc gia; xây dựng, công bố và thực hiện chuẩn trường để nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng du lịch; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào công tác nghiên cứu, thống kê phục vụ đào tạo, bồi dưỡng du lịch; tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho đào tạo nhân lực ngành Du lịch theo nhu cầu xã hội; tạo môi trường thuận lợi cho đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành Du lịch theo nhu cầu xã hội.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 916/QĐ- UBND ngày 23/4/2012 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020. Trong đó, nội dung phát triển nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, được đặt ở vị trí quan trọng, nhằm thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế của tỉnh; chú trọng phát triển giáo dục đào tạo toàn diện nhằm nâng cao chất lượng nhân lực. Điều này đòi hỏi phải nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, tập trung phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, bao gồm đội ngũ quản lý, lực lượng chuyên gia đầu ngành, đội ngũ nghiên cứu, giảng viên, giáo viên và lao động kỹ thuật cao.
Lâm Đồng hiện nay có 06 cơ sở đào tạo và dạy nghề du lịch, trong đó Trường Cao đẳng nghề Du lịch Đà Lạt chuyên đào tạo các nghề về du lịch,
05 trường còn lại chỉ đào tạo một số nghề liên quan về du lịch như nghề Hướng dẫn du lịch, Quản trị Khách sạn Nhà hàng, Chế biến món ăn, Văn hóa du lịch... Đội ngũ giáo viên, giảng viên du lịch ở các cơ sở này còn chiếm tỷ trọng ít so với nhu cầu của xã hội với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ ngoại ngữ chưa cao. Trong các sở, ban ngành và các doanh nghiệp du lịch ở địa phương thì hầu hết các cán bộ quản lý đều được thuyên chuyển từ các ngành kinh tế - văn hóa - xã hội khác sang làm việc trong lĩnh vực du lịch… Vì vậy để du lịch Lâm Đồng trở thành một ngành kinh tế trọng điểm thì cần phải thấy rõ thực trạng của đội ngũ đào tạo, giảng dạy về du lịch của tỉnh; từ đó mới đề ra những biện pháp nhằm kiện toàn, nâng cao chất lượng của đội ngũ này. Đối với lĩnh vực này còn có một khoảng trống chưa có những công trình nghiên cứu liên quan trực tiếp.
Xuất phát từ những yêu cầu cấp thiết đó, tôi đã chọn đề tài: “Phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực đào tạo, dạy nghề du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” làm luận văn tốt nghiệp của mình.
Có thể bạn quan tâm!
- Phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực đào tạo, dạy nghề du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng - 1
- Nguồn Nhân Lực Trong Đào Tạo, Dạy Nghề Du Lịch
- Vai Trò Của Nguồn Nhân Lực Trong Đào Tạo, Dạy Nghề Du Lịch
- Tổng Quan Về Tỉnh Lâm Đồng Và Du Lịch Lâm Đồng
Xem toàn bộ 97 trang tài liệu này.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Ở Việt Nam trong những năm qua, đã có nhiều công trình nghiên cứu về phát triển nguồn nhân lực du lịch ở các tỉnh, thành phố, phát triển đội ngũ giáo viên của trường và công tác đào tạo ở các trường nghề; trường cao đẳng chuyên nghiệp và đại học như:
Đề tài: “Giải pháp đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực du lịch tại các trường du lịch trực thuộc Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch ” (Luận văn Thạc sĩ du lịch - Đoàn Thị Thắm - Đại học KHXHNV Hà Nội, năm 2012): luận văn đưa ra cái nhìn tổng thể về thực trạng nhân lực du lịch của các trường du lịch trực thuộc Bộ VHTTDL đào tạo, từ đó đề ra những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực du lịch của các trường du lịch trực thuộc Bộ.
Đề tài: “Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực du lịch tại các trường Cao đẳng du lịch trên địa bàn tỉnh Hải Dương (Nghiên cứu điển hình tại
trường Cao đẳng Kỹ Thuật Khách sạn và Du lịch)” (Luận văn Thạc sĩ du lịch - Nguyễn Hải Dương - Đại học KHXHNV Hà Nội, năm 2013): Nội dung của luận văn là đánh giá chung thực trạng chất lượng đào tạo nhân lực du lịch của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Khách sạn và Du lịch, đề xuất giải pháp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực du lịch tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Khách sạn và Du lịch.
Đề tài: “Phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề tại trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng” (Luận văn Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh – Trần Lê Uyên – Đại học Đà Nẵng, năm 2013): Đề tài cũng chủ yếu phân tích thực trạng phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề tại trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng, từ đó đưa ra các giải pháp để phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề tại trường.
Đề tài: “Giải pháp phát triển ngành Du lịch Lâm Đồng đến năm 2020” (Luận văn Thạc sĩ kinh tế - Nguyễn Thị Hồng Nhạn – Đại học Kinh tế TP.HCM, năm 2010): nội dung của luận văn cho cái nhìn tổng thể về thực trạng phát triển du lịch của tỉnh Lâm Đồng đến năm 2008 và từ đó cũng đưa ra các giải pháp nhằm phát triển du lịch tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020.
Đề tài: “Phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên” (Luận án Tiến sĩ - Trần Sơn Hải - Học viện Hành chính, năm 2010): Đề tài đưa ra một bức tranh tổng thể về thực trạng chất lượng nguồn nhân lực ngành Du lịch của các tỉnh khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên để từ đó đề ra những giải pháp đồng bộ phát triển nguồn nhân lực ngành Du lịch của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nói riêng, qua đó thúc đẩy ngành Du lịch của khu vực phát triển.
Các nghiên cứu trên hầu hết đề cập tới vấn đề phát triển đội ngũ làm việc trong ngành Du lịch; các giải pháp để phát triển du lịch của một tỉnh hay các biện pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, dạy nghề du lịch của các Trường nói chung mà chưa có công trình nào nghiên cứu về nguồn nhân lực trong lĩnh vực đào tạo, dạy nghề du lịch của tỉnh Lâm Đồng một cách cụ thể.
Do vậy, đề tài: “Phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực đào tạo du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” là một đề tài mới, tiếp cận cụ thể một lĩnh vực chưa được đề cập nhiều. Tác giả mong muốn có những đóng góp nhất định vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề cho nhân lực du lịch của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và của ngành Du lịch nói chung trong thời gian tới.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
- Mục đích của luận văn là đánh giá thực trạng chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực đào tạo, dạy nghề du lịch của tỉnh Lâm Đồng và đề xuất định hướng và các giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực này.
- Nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài: Để thực hiện được mục tiêu nghiên cứu nêu trên, luận văn có các nhiệm vụ chính sau đây: 1) Hệ thống hoá và có phát triển một số khái niệm và vấn đề lý luận về phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực đào tạo, dạy nghề du lịch liên quan trực tiếp đến đề tài luận văn; 2) Phản ánh, phân tích và đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ đào tạo nhân lực du lịch tại các cơ sở đào tạo, dạy nghề du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thông qua các phương pháp nghiên cứu và phân tích các dữ liệu, chỉ rõ ưu điểm và nguyên nhân, hạn chế và nguyên nhân; 3) Đề xuất một số giải pháp góp phần phát triển đội ngũ đào tạo nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đáp ứng nhu cầu xã hội và ngành Du lịch.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu của luận văn này là phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực đào tạo, dạy nghề du lịch tại các cơ sở đào tạo, dạy nghề du lịch tỉnh Lâm Đồng
- Phạm vi nghiên cứu:
+ Về thời gian: Đề tài nghiên cứu đội ngũ đào tạo, dạy nghề du lịch tại các cơ sở có đào tạo về du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong giai đoạn từ 2009 - 2013; giải pháp luận văn đề xuất sẽ áp dụng cho năm 2015 và các năm tiếp theo.
+ Về không gian nghiên cứu: Khảo sát tại các trường có đào tạo, dạy nghề về du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
+ Về nội dung: Đề tài nghiên cứu ở phạm vi đánh giá tình trạng nguồn nhân lực trong lĩnh vực đào tạo, dạy nghề du lịch và đề xuất giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực đào tạo, dạy nghề du lịch của các cơ sở đào tạo của tỉnh.
5. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện các nhiệm vụ đặt ra, các phương pháp nghiên cứu chủ yếu như sau được sử dụng:
- Phương pháp khảo sát điều tra thực địa: Tiến hành điều tra, khảo sát thực tế tại địa bàn nghiên cứu. Sử dụng phương pháp này để thu thập, tích luỹ tài liệu, thông tin thực tế. Kết quả điều tra thực tế này là cơ sở ban đầu và thẩm định lại một số nhận định trong quá trình nghiên cứu.
- Phương pháp phân tích tổng hợp: Phương pháp này dự kiến được sử dụng để xử lý tư liệu, số liệu nguồn nhân lực trong lĩnh vực đào tạo, dạy nghề du lịch của các trường có đào tạo về du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Từ đó có những đánh giá và đưa ra cách khắc phục những hạn chế tồn tại.
- Phương pháp thu thập, phân tích xử lý dữ liệu: Thu thập dữ liệu thứ cấp và sơ cấp để tập hợp và phân tích xử lý dữ liệu làm cơ sở đề ra các giải pháp.
- Phương pháp điều tra xã hội học: Xây dựng bảng hỏi, phát phiếu điều tra cho các đối tượng: Giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý trong các cơ sở có đào tạo, dạy nghề du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
6. Bố cục của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, phần nội dung chính của luận văn bao gồm 3 chương: Chương 1. Cơ sở lí luận về phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực đào tạo, dạy nghề du lịch; Chương 2. Thực trạng phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực đào tạo, dạy nghề du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Chương 3. Một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực đào tạo, dạy nghề du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Chương 1.
CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TRONG LĨNH VỰC ĐÀO TẠO, DẠY NGHỀ DU LỊCH
1.1. Khái niệm, vai trò của nguồn nhân lực trong đào tạo, dạy nghề du lịch
1.1.1. Du lịch
Du lịch là một hiện tượng kinh tế, văn hóa, xã hội phổ biến không chỉ ở các nước phát triển mà cả ở những nước đang phát triển. Mặc dù hoạt động du lịch có nguồn gốc hình thành từ lâu và phát triển với tốc độ rất nhanh, nhưng khái niệm “du lịch” lại được hiểu rất khác nhau tại các quốc gia và từ các góc độ nghiên cứu khác nhau, như Giáo sư, Tiến sỹ Bernecker nhận định “Đối với du lịch, có bao nhiêu tác giả nghiên cứu thì có bấy nhiêu định nghĩa” [7, Tr 6].
Thuật ngữ Du lịch trong ngôn ngữ nhiều nước bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp với ý nghĩa là “đi một vòng”. Thuật ngữ này được La tinh hoá thành tornus và sau đó thành tourisme (tiếng Pháp), tourism (tiếng Anh). Trong tiếng Việt thuật ngữ này được dịch thông qua tiếng Hán, với nghĩa “du” là đi chơi, “lịch” là trải nghiệm. Còn người Trung Quốc lại gọi “tourism” là “du lãm” với nghĩa đi chơi để nâng cao nhận thức.
Theo nhà khoa học Guer Freuler (Đức) “ Du lịch là một hiện tượng của thời đại chúng ta, dựa trên sự tăng trưởng về nhu cầu khôi phục sức khỏe và sự đổi thay của môi trường xung quanh, dựa vào sự phát sinh, phát triển những tình cảm đối với vẻ đẹp của tự nhiên”
Giáo sư, tiến sĩ Hunziker và giáo sư, tiến sĩ Krapf – Hai người được coi là đặt nền móng cho cho lý thuyết về cung du lịch, đưa ra định nghĩa như sau: “Du lịch là tập hợp các mối quan hệ và các hiện tượng phát sinh trong các cuộc hành trình và lưu trú của những người ngoài địa phương, nếu việc lưu trú đó không thành cư trú thường xuyên và không dính dáng đến hoạt động kiếm lời” [7 tr 13].
Định nghĩa trong Từ điển Bách khoa quốc tế về Du lịch (Viện Hàn lâm khoa học quốc tế về du lịch): “Du lịch là tập hợp các hoạt động tích cực của con người nhằm thực hiện một dạng hành trình, là một công nghiệp liên kết nhằm thỏa mãn các nhu cầu của khách du lịch… Du lịch là cuộc hành trình mà một bên là người khởi hành với mục đích đã được chọn trước và một bên là những công cụ làm thỏa mãn các nhu cầu của họ”.
Dưới con mắt của các nhà kinh tế học, du lịch không chỉ đơn thuần là một hiện tượng xã hội mà nó liên quan mật thiết đến các hoạt động kinh tế. Nhà kinh tế học Kalfiotis cho rằng “Du lịch là sự di chuyển tạm thời của cá nhân hay tập thể từ nơi ở đến một nơi khác nhằm thỏa mãn nhu cầu tinh thần, đạo đức và do đó tạo nên các hoạt động kinh tế”.
Trong giáo trình Thống kê du lịch, tác giả Nguyễn Cao Thường và Tụ Đăng Hải cho rằng “Du lịch là một ngành kinh tế xã hội, dịch vụ, có nhiệm vụ phục vụ nhu cầu tham quan giải trí, nghỉ ngơi hoặc cũng kết hợp với các hoạt động chữa bệnh, thể thao, nghiên cứu khoa học và các nhu cầu khác”.
Các nhà nghiên cứu xã hội học lại cho rằng du lịch là quan hệ tương hỗ của bốn nhóm đối tượng là: du khách, cơ quan cung ứng, chính quyền và cư dân tại điểm đến du lịch tạo nên.
Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hiệp Quốc (UNWTO) đưa ra định nghĩa: “Du lịch bao gồm tất cả mọi hoạt động của những người du hành, tạm trú, trong mục đích tham quan, khám phá và tìm hiểu, trải nghiệm hoặc trong mục đích nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn; cũng như mục đích hành nghề và những mục đích khác nữa, trong thời gian liên tục nhưng không quá một năm, ở bên ngoài môi trường sống định cư; nhưng loại trừ các du hành mà có mục đích chính là làm tiền. Du lịch cũng là một dạng nghỉ ngơi năng động trong môi trường sống khác hẳn nơi định cư.”
Theo Luật du lịch Việt Nam năm 2005 thì khái niệm du lịch được hiểu như sau: “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con