Chương 2
THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ DU LỊCH Ở BA VÌ - HÀ NỘI
2.1. Tiềm năng và quan điểm phát triển kinh tế du lịch của huyện Ba Vì
2.1.1. Tiềm năng phát triển kinh tế du lịch huyện Ba Vì
2.1.1.1. Nhân tố tự nhiên
Ba Vì là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc của thủ đô Hà Nội, có tọa độ 21001 vĩ Bắc, 1050 kinh Đông. Phía Đông giáp thành phố Sơn Tây, phía Nam giáp tỉnh Hoà Bình, phía Tây giáp tỉnh Phú Thọ, phía Bắc giáp tỉnh Vĩnh Phúc. Tổng diện tích tự nhiên của Ba Vì là 428 km2, là một huyện có diện tích lớn nhất trên địa bàn.
Khí hậu Ba Vì chia làm 3 vùng rõ rệt, vùng đồng bằng khí hậu nóng ẩm, vùng đồi gò khí hậu lục địa, vùng núi khí hậu mát mẻ. Ở độ cao 400m nhiệt độ không khí trung bình là 160c, độ ẩm không khí là 90%; ở độ cao 100m nhiệt độ không khí trung bình là 200 c, độ ẩm không khí là 86,1%. Đặc biệt khí hậu Ba Vì có thể nuôi trồng được nhiều loại động thực vật quí hiếm, có điều kiện thuận lợi cho phát triển sinh thái.
Núi Ba Vì gồm ba đỉnh hợp thành nổi bật giữa đồng bằng Bắc bộ với độ cao 1120m, 1226m, 1296m, đây là phên dậu bảo vệ phía Tây của nước đại Việt xưa, gọi là "núi Tổ". Quanh núi Ba Vì có rất nhiều dòng suối tự nhiên từ trên cao đổ xuống tạo thành các thác nước kì vĩ như: Khoang Xanh, Suối Mơ, thác Đa, thác Ngà, thác 1 - 2 - 3 ở Ao Vua… Hàng trăm con suối nhỏ từ các đỉnh núi đổ về tạo thành các suối: suối Bóp, suối Ổi, suối Tiên, suối khoáng nóng Thuần Mĩ…đổ về các thung lũng tưới mát cho các cánh đồng, những khu dân cư trù phú. Điều đó tạo nên một nét đặc sắc của Ba Vì mà ít nơi có được. Đây là điều kiện quan trọng để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ ngơi, ngắm cảnh ở Ba Vì.
Có thể bạn quan tâm!
- Nội Dung Phát Triển Kinh Tế Du Lịch
- Những Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Phát Triển Kinh Tế Du Lịch
- Tạo Việc Làm Cho Người Lao Động, Đặc Biệt Là Việc Làm Tại Chỗ
- Các Đơn Vị Kinh Doanh Du Lịch Trên Địa Bàn Huyện Ba Vì, Hà Nội
- Số Vốn Đầu Tư Của Các Công Ty Hoạt Động Kinh Doanh Du Lịch
- Nộp Ngân Sách Nhà Nước Của Du Lịch Ba Vì Từ 2006 - 2012
Xem toàn bộ 143 trang tài liệu này.
Cũng nhờ khí hậu và địa hình nhiều ưu đãi, Ba Vì còn là nơi hội tụ của một hệ thống sinh vật hết sức phong phú, đa dạng. Diện tích rừng hiện nay còn 7.000 ha, trong đó có 2.000 ha là rừng nguyên sinh, chủ yếu tập trung ở vườn Quốc gia Ba Vì, rừng nguyên sinh Bằng Tạ. Hệ tài nguyên thực vật ở đây có 812 loài bậc cao thuộc 427 chi, 98 họ trong đó có tới 200 loài cây dược liệu quí, hàng trăm loại rau rừng và một quần thể phong lan đẹp, có nhiều loại cây quí được ghi vào sách Xanh Việt Nam như: bách xanh, thông đỏ, san bông, lát hoa, trò chỉ, táu, sến.
Hệ tài nguyên động vật cũng hết sức đa dạng và phong phú, có đến 114 loài chim thuộc 40 họ, 17 bộ trong đó có 6 loài chim quí hiếm. Đặc biệt ở khu đồi cò Ngọc Nhị có một quần thể chim rừng tới 40 loài về đây sinh sống, trong đó chủ yếu là loài cò trắng với hàng nghìn con. Ở Ba Vì có 6 loài chim, 12 loài bò sát, 12 loài bò sát có mặt trong sách đỏ Việt Nam như: cáo, chồn, gấu, tê tê… Đây là những điểm thuận lợi rất lớn để Ba Vì có thể khai thác phát triển kinh tế du lịch, thu hút khách tham quan tới thăm.
Ba Vì có một hệ thống hồ, sông, suối tương đối nhiều và thuận lợi cho kinh tế du lịch phát triển, được bao bọc bởi sông Hồng, sông Đà, sông Tích chảy qua. Đây là giao thông đường thủy thuận lợi để du khách tìm đến với Ba Vì. Đặc biệt ở đây có nhiều thác, hồ, suối đẹp có thể hấp dẫn du khách như thác Đa, thác Mơ, suối Bóp, suối Ổi, suối Mơ, suối Tiên… Đây thật sự là món quà thiên nhiên hào phóng ban tặng cho Ba Vì. Trong đó, Ao Vua vẫn được coi là cái "ao vàng" của Ba Vì về nguồn thu mà nó mang lại nhờ phát triển kinh tế du lịch. Hệ thống hồ ở đây không chỉ đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho vùng đồng bằng mà còn là điểm du lịch hấp dẫn du khách. Tiêu biểu phải kể đến các hồ ở Ao Vua, Khoang Xanh, suối Hai. Trong đó hồ suối Hai được coi là trung tâm du lịch của huyện Ba Vì, là một hồ tự nhiên có diện tích mặt nước là 950 ha, giữa hồ nổi lên các hòn đảo lớn, nhỏ khác nhau tạo thành một
quần thể rất phong phú, đa dạng. Đảo rộng nhất là 73 ha, đảo nhỏ nhất là 1,6 ha.
2.1.1.2. Nhân tố kinh tế - xã hội
Ngày 1 tháng 8 năm 2008, cùng với toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Ba Vì được nhập về Thủ đô Hà Nội. Đây là một sự kiện lớn, ảnh hưởng đến các ngành, các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị nói chung và lĩnh vực phát triển du lịch nói riêng. Đây là một trong những chuyển biến tích cực để phát triển du lịch huyện Ba Vì.
Bối cảnh mới này đã mang lại rất nhiều lợi ích cho huyện Ba Vì để phát triển kinh tế du lịch. Huyện Ba Vì được hưởng những chế độ, dự án phát triển trong tổng thể phát triển chung của toàn thủ đô Hà Nội, nhiều dự án và nguồn vốn hơn để quy hoạch và phát triển du lịch huyện Ba Vì.
Trong tổng số 14 huyện, thành phố trong tỉnh Hà Tây cũ nói riêng và các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung, Ba Vì là huyện có diện tích lớn nhất. Chính vì vậy, Ba Vì là một trong những huyện đông dân nhất trong địa bàn. Theo thống kê tính đến năm 2010, huyện Ba Vì có tổng dân số là 265.000 người, dân số là cơ sở hình thành nguồn nhân lực; nguồn lực về lao động có vị trí đặc biệt trong việc khai thác tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Về cơ cấu dân tộc, Ba Vì là huyện có ba dân tộc Kinh, Mường, Dao cùng sinh sống. Việc có cả ba dân tộc cùng sinh sống này tạo ra cho Ba Vì một nền văn hóa đăc sắc, thể hiện trong tập tục, trong sinh hoạt văn hóa dân gian, trong lễ hội và ngay cả trong hoạt động canh tác.
Lực lượng lao động của huyện chiếm tỷ lệ tương đối cao trong tổng dân số, trong đó chủ yếu là lao động trong sản xuất nông nghiệp, thời gian lao động giành cho sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 1/3 thời gian trong năm, còn lại là nhàn rỗi, trong khi đó các ngành phi nông nghiệp phát triển chậm, chưa thu hút được nhiều lao động nông nhàn, dẫn đến tình trạng lao
động dư thừa, phải đi kiếm việc làm nơi khác với một lượng khá lớn trong năm, với nguồn nhân lực dồi dào đó chính là tiềm năng cho phát triển dịch vụ du lịch và các ngành nghề khác.
Ba Vì có hệ thống giao thông đường bộ khá thuận lợi với nhiều tuyến đường nối liền Ba Vì với các trung tâm kinh tế - xã hội khác. Cách thủ đô Hà Nội và trung tâm của tỉnh khoảng 60 km, đến Ba Vì bằng đường quốc lộ 32, đường Láng Hoà Lạc kéo dài và từ Ba Vì qua sông Đà bằng cầu Trung Hà tới khu di tích đất tổ Hùng Vương và các tỉnh phía Tây Bắc. Từ Hà Nội, Hà Đông theo quốc lộ 32 đi Sơn Tây lên Ba Vì có 4 tuyến giao thông chính, trong khoảng thời gian hơn 1 giờ đi xe ôtô có thể đến các điểm du lịch ở Ba Vì. Tuyến đường Hà Nội đi Sơn Tây lên Ba Vì theo quốc lộ 87, 89 chạy qua điểm du lịch Ao Vua, K9, suối Tiên, có thể đi lên Tây Bắc, Hoà Bình, sang Đền Hùng. Tuyến Hà Nội - Hà Đông đi Sơn Tây lên Bất Bạt quốc lộ 88 qua các điểm du lịch suối Hai, vườn Cò Ngọc Nhị, Đầm Long về quê hương Tản Đà, sang Đền Hùng. Tuyến Hà Nội - Hà Đông đi Trung Hà dọc theo quốc lộ 32 đi qua các di tích lịch sử: Chùa Mía, đình Quang Húc, đình Chu Quyến, đình Tây Đằng. Tuyến Hà Nội đi theo đường cao tốc Láng - Hoà Lạc theo quốc lộ 21 lên Khoang Xanh, Suối Mơ, Hóc Cua, vườn Quốc Gia cốt 400m, 800m, 1.200m, đỉnh Vua.
Ngoài ra còn có các tuyến đường thuỷ theo sông Hồng, sông Đà, sông Tích rất thuận lợi cho khách đến tham quan các điểm du lịch Ba Vì. Bên cạnh đó, Ba Vì còn tiếp giáp với nhiều khu vực kinh tế lớn, đó là: khu công nghiệp Việt Trì, thuỷ điện Hoà Bình; tiếp cận các trung tâm văn hoá lớn của cả nước trong tương lai như: làng văn hoá các dân tộc Việt Nam, chuỗi đô thị Miếu Môn - Xuân Mai - Hoà Lạc - Sơn Tây, khu công nghiệp và đô thị Hoà Lạc, trường đại học Quốc gia. Ba Vì cũng có một hệ thống điện lưới, hệ thống
thông tin liên lạc, các trạm thu phát sóng dày đặc, là một trong những điều kiện thuận lợi cho ngành kinh tế du lịch phát triển.
Trong quá trình phát triển kinh tế, Ba Vì đã xác định rõ những ưu thế về du lịch của địa phương so với những địa phương khác của Hà Nội. Chính vì vậy, trong cơ cấu kinh tế ngành của huyện luôn đề cao và quan tâm phát triển kinh tế du lịch.
Trong năm 2012, theo tổng giá trị sản xuất, nhóm ngành nông lâm nghiệp, thủy sản đạt 6598 tỷ, nhóm ngành công nghiệp, xây dựng chỉ đạt 2558 tỷ và nhóm ngành thương mại, du lịch, dịch vụ đạt 4833 tỷ. Như vậy, tính cơ cấu kinh tế theo giá trị sản xuất, nhóm ngành nông lâm nghiệp, thủy sản đạt 47,2% trong tổng số giá trị sản xuất của toàn huyện; nhóm ngành Công nghiệp, xây dựng đạt 14,3% và nhóm ngành thương mại, du lịch, dịch vụ đạt 49,1% (năm 2011 đạt 44,8%).
Là vùng đất địa linh, nhân kiệt, mảnh đất đồi gò huyện Ba Vì dày đặc các di tích, lịch sử văn hoá. Đây còn là nơi cư ngụ của nhiều dân tộc khác nhau, với những phong tục, tập quán nét văn hóa riêng biệt. Không những thế, Ba Vì được thiên nhiên ban tặng cả bức tranh phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, với hệ sinh thái phong phú, thảm thực vật đa dạng, được coi là “lá phổi xanh” phía Tây - Thủ đô Hà Nội. Những tiềm năng đó đang là lợi thế giúp Ba Vì thu hút du khách đến tham quan.
Đến với Ba Vì, ấn tượng đầu tiên khách thập phương sẽ được chứng kiến nhiều di tích văn hóa dân gian vật thể và phi vật thể độc đáo. Trong số đó phải kể đến truyền thuyết về vị thần được ngưỡng kính trong tâm thức của ngàn đời người dân đất Việt là Đệ Nhất Phúc Thần Tản Viên, hay còn gọi là Nam Thiên Thần Tổ, vị thần trong Tứ Bất Tử.
Ba Vì vẫn còn lưu giữ được nhiều loại hình lễ hội, phong tục độc đáo: lễ hội đình Tây Đằng, đình Chu quyến…đặc biệt còn rất nhiều phong tục độc đáo
của người Dao về tết trả cuối năm và tết nhảy, tục cưới hỏi, tục uống rượu cần của người Mường, người Dao: văn hoá dân tộc cồng chiêng, múa sạp, ném còn của người Mường. Đặc biệt, đến Ba Vì du khách còn có thể thưởng thức những món ăn mang đậm đà bản sắc dân tộc như cơm lam, cơm nương, đặc sản gà ri, bánh sữa Ba Vì ... trên các căn nhà sàn của dân tộc Thái, thưởng thức các giọng ca, điệu múa, nhảy sạp của các thiếu nữ Mường; thiếu nữ Thái tự tay dệt lên những tấm vải thổ cẩm đủ các màu sắc rực rỡ. Đó là những tài nguyên văn hoá từ ngàn đời xưa còn ghi đậm lịch sử của người dân Ba Vì, của người Việt cổ nước Văn Lang. Những nét văn hoá đặc sắc đó là điểm đặt chân của các nhà học giả, các nhà nghiên cứu và du khách muốn được tìm hiểu nét văn hoá truyền thống của Ba Vì.
Di tích lịch sử văn hóa gắn liền với sự phát triển của quê hương. Núi Ba Vì là cái nôi của huyền thoại Sơn Tinh, Thuỷ Tinh - Thần Tản Viên và thần Sông nước (sông Đà). Xung quanh núi Ba Vì có nhiều nơi thờ Sơn Tinh
- vị thánh đứng đầu trong Tứ Bất Tử mà điển hình là: đền Thượng, đền Trung, đền Hạ, đình Tây Đằng (Bắc cung), đền Và - Sơn Tây (Đông cung), đền Bố - Tản Lĩnh (Nam cung), đền La Phù - Phú Thọ (Tây cung).
Trong quá trình phát triển, thông qua việc tuyên truyền quảng bá mà nhiều di tích lịch sử, văn hoá, lễ hội truyền thống đã thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước. Những di tích này phần lớn có cấu trúc độc đáo gắn liền với tên tuổi của các danh nhân, anh hùng dân tộc từ thời Hùng Vương dựng nước. Nhiều di tích có tầm cỡ quốc gia như đình Tây Đằng, đình Chu Quyến, chùa Bố, K9 - Đá Chông nơi đây lưu trữ thi thể bác Hồ thời kì đầu, khu di tích cây đa Bác Hồ tại làng kháng chiến Vật Lại... Đặc biệt quần thể di tích đền Hạ, đền Trung, đền Thượng thờ đức thánh Tản; đền đá Đen thờ thân mẫu sinh ra Tản Viên Sơn trên núi Ba Vì. Đây là những điểm du lịch tâm linh hấp dẫn cho du khách thập phương.
Tóm lại, Ba Vì là vùng rất có tiềm năng phát triển kinh tế du lịch, với cảnh quan thiên nhiên nhiều ưu đãi, đậm đà bản sắc văn hóa, cùng với hệ thống giao thông thông suốt.
2.1.2. Quan điểm phát triển kinh tế du lịch Ba Vì
Vào những năm của thập kỉ 80, Ba Vì bước đầu chỉ khai thác làm “thức tỉnh” những tiềm năng vốn có để phát triển kinh tế du lịch. Từ năm 1988 và những năm tiếp theo, Ba Vì đã khảo sát và xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu du lịch Ao Vua. Trên cơ sở vừa đầu tư vừa khai thác, một số điểm du lịch mới được mở mang như: Khoang Xanh, thác Mơ, vườn Quốc gia Ba Vì... bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực. Tỷ trọng ngành du lịch ngày càng chiếm một phần không nhỏ trong cơ cấu kinh tế của huyện.
Năm 2011, tổng nhóm ngành thương mại, du lịch - dịch vụ đóng góp 3599 tỷ, chiếm 44,81% trong tổng cơ cấu kinh tế theo giá trị sản xuất của toàn huyện. Năm 2012 là 4833 tỷ đồng, chiếm 49,1%, trong đó, du lịch đạt 200 tỷ đồng.
Chính vì thế, huyện Ba Vì luôn đánh giá cao và dành sự quan tâm đến phát triển kinh tế du lịch nói riêng trong tổng nhóm ngành thương mại, du lịch, dịch vụ nói chung. Huyện Ba Vì luôn xác định: Lấy kinh tế du lịch là một trong những ngành kinh tế chủ chốt của huyện.
Nhận rõ tầm quan trọng của ngành du lịch trong xu thế phát triển, Đại hội Đảng bộ huyện Ba Vì lần thứ 9 nhiệm kỳ 2000 - 2005 đã chỉ rõ: phát triển du lịch là thế mạnh của phát triển kinh tế huyện và là điều kiện quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước đưa du lịch chiếm tỷ trọng đáng kể trong GDP. Nghị quyết nêu rõ: "Khai thác tốt tiềm năng các điểm du lịch trên địa bàn, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ tôn tạo cảnh quan môi trường, nâng cao chất lượng phục vụ để ngày càng thu hút đông đảo khách đến tham quan, nghỉ ngơi...". Chuyển mạnh phát triển du lịch để có tỷ trọng
tăng trong cơ cấu kinh tế cao hơn, đầu tư phát triển du lịch, trước mắt đầu tư cho cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc, bảo vệ môi trường sinh thái cảnh quan, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho vùng, kết hợp quốc phòng, đảm bảo trật tự an ninh.[12]
Đại hội Đảng bộ huyện Ba Vì lần thứ X nhiệm kì 2006 - 2010 tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế du lịch trên địa bàn huyện, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, là ngành kinh tế trọng điểm của toàn huyện. Tiếp tục khai thác tốt những tiềm năng để phát triển du lịch, nâng cao chất lượng, đảm bảo an ninh trật tự để ngày càng thu hút đông đảo du khách đến thăm quan, nghỉ ngơi.[13]
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Ba Vì lần thứ XI, nhiệm kỳ 2010 - 2015 và Nghị số 09/NQ-HU, ngày 31/3/2011 của Huyện ủy Ba Vì đã xác định rõ mục tiêu: Phát triển dịch vụ du lịch Ba Vì trở thành ngành kinh tế trọng điểm của huyện, đến năm 2015 đạt 2,5 - 2,6 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt 300 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định tại chỗ cho 3.500 lao động, thu hút trên 10.000 lao động ở các địa phương lận cận đến kinh doanh trong mùa du lịch tại các khu du lịch của huyện.[38]
Như vậy, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội Ba Vì đã và luôn định hướng cho phát triển kinh tế du lịch. Địa phương luôn nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế du lịch đối với sự phát triển chung của toàn huyện và đã có những chỉ đạo đúng hướng, tạo điều kiện để kinh tế du lịch ngày càng phát triển.
2.2. Thực trạng phát triển kinh tế du lịch ở Ba Vì giai đoạn 2008 - nay
2.2.1 Hệ thống tổ chức kinh doanh du lịch
Ba Vì có 12 tổ chức, đơn vị kinh tế tham gia kinh doanh du lịch đó là: Công ty cổ phần Xây dựng và Du lịch Ao Vua, Công ty Du lịch Khoang Xanh, Công ty cổ phần Du lịch Đầm Long, Công ty Du lịch Suối Mơ, Vườn