vụ du khách, góp phần tăng nguồn thu nhập cho người dân. Với biệt danh là thành phố di sản, thành phố du lịch, thành phố giáo dục, y tế, Thừa Thiên Huế cần xây dựng trung tâm hội nghị và mua sắm lớn để phát triển MICE. Ngoài ra, với hệ thống đầm phá và bãi biễn đẹp, việc phát triển du lịch sinh thái biển tại Thừa Thiên Huế sẽ rất được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.
+ Đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở lưu trú và thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực đầu tư các sản phẩm du lịch mới. Nâng cao được chất lượng toàn diện hệ thống các cơ sở lưu trú phục vụ hoạt động du lịch. Đây là vấn đề quan trọng trong thu hút và “giữ chân” khách du lịch.
+ Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế - xã hội nói chung, du lịch nói riêng tạo sự kết nối rộng và tác động trực tiếp đến các hoạt động du lịch.
+ Ứng dụng công nghệ để phát triển du lịch thông minh bằng cách du lịch thực tế ảo; phát triển các trạm thông tin du lịch nhỏ bố trí khắp các khu dân cư và các điểm thắng cảnh để cung cấp miễn phí cho khách du lịch mọi thứ từ bản đồ, dự báo thời tiết, tình hình giao thông, các thông tin hướng dẫn du lịch.
- Bài học kinh nghiệm về những hạn chế:
+ Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cộng đồng, xây dựng văn hóa du lịch cho các đối tượng phục vụ du lịch: người lái xe xích lô du lịch, xe ôm, người bán hàng, các nhân viên phục vụ trong ngành du lịch và cả người dân cùng tham gia để xây dựng hình ảnh tốt đẹp của người dân xứ Huế; gìn giữ, bảo tồn các tài nguyên du lịch và bảo vệ môi trường.
+ Quy hoạch lại và mở rộng không gian dành cho du lịch như: di chuyển các cơ quan hành chính ở các tuyến đường hai bên bờ sông Hương để làm các trung tâm triển lãm, hội chợ, mua sắm chất lượng cao, mở rộng các công viên, các dịch vụ du lịch; khai thác đưa hệ thống đầm phá, hệ thống sông Ngự Hà vào phục vụ du lịch tham quan và trãi nghiệm.
+ Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch: khả năng ngoại ngữ, tính chuyên nghiệp và phát triển nguồn nhân lực quản lý cấp cao về du lịch.
+ Cải thiện môi trường kinh doanh du lịch, kêu gọi các doanh nghiệp đoàn kết, bảo vệ quyền lợi lẫn nhau để cùng nhau phát triển.
+ Có thể nói ẩm thực cung đình Huế là đỉnh cao của nghệ thuật ăn uống Việt Nam bởi nó luôn biểu hiện sự tinh túy, cầu kì, trang nhã và thanh cao, đầy sức cuốn hút. Văn hóa ẩm thực cung đình Huế chính là phần tinh túy, cốt lõi nhất của văn hóa ẩm thực Huế và kể cả văn hóa ẩm thực Việt Nam từ xưa. Đây là một thế mạnh của du lịch Thừa Thiên Huế, vì vậy cần thiết có sự quảng bá và kế hoạch cụ thể cho công tác phát triển và gìn giữ giá trị ẩm thực này.
Có thể bạn quan tâm!
- Yếu Tố Tác Động Đến Du Lịch Qua Quá Trình Hội Nhập Kinh Tế Quốc Tế Và Cách Mạng Công Nghiệp 4.0
- Các Yếu Tố Tác Động Đến Du Lịch Thừa Thiên Huế
- Kinh Nghiệm Phát Triển Du Lịch Một Số Thành Phố Nước Ngoài
- Xúc Tiến, Quảng Bá Mở Rộng Thị Trường Du Lịch Quốc Tế
- Số Lượng Khách Du Lịch Đến Thừa Thiên Huế Giai Đoạn 1991 - 2000
- Đánh Giá Tác Động Của Các Yếu Tố Đến Phát Triển Du Lịch Thừa Thiên Huế
Xem toàn bộ 203 trang tài liệu này.
Tiểu kết Chương 2
Chương này đề cập đến các mô hình đánh giá phát triển du lịch; hội nhập kinh tế quốc tế và vai trò của CMCN 4.0 đối với ngành du lịch trong tương lai.
Dựa vào mô hình phát triển du lịch của Miossec và Butler tác giả luận án đã xây dựng được mô hình phát triển và tiêu chí đánh giá để làm căn cứ đánh giá mức độ phát triển du lịch của vùng hoặc địa phương và cũng được áp dụng để đánh giá phát triển du lịch Thừa Thiên Huế.
Đồng thời, tác giả luận án cũng xác định các yếu tố tác động đến phát triển du lịch Thừa Thiên Huế thông qua việc nghiên cứu mô hình phát triển du lịch dựa vào hệ thống phân cấp của Gunn, sự tác động của hội nhập kinh tế quốc tế và CMCN 4.0. Những yếu tố này sẽ được sử dụng vào việc khảo sát và phân tích khách du lịch tại Chương 3 để làm rõ mức độ tác động của từng yếu tố, mức độ tác động này làm căn cứ cho việc xác định điểm mạnh - điểm yếu, cơ hội - thách thức của du lịch Thừa Thiên Huế.
Qua việc tìm hiểu kinh nghiệm phát triển du lịch của hai điểm du lịch nội địa là Hội An và Quảng Ninh, hai điểm du lịch quốc tế là Chiangmai (Thái Lan) và Gyeongju (Hàn Quốc) cho thấy vai trò của người dân trong bảo vệ và phát triển giá trị di sản của địa phương mình nhằm thu hút khách du lịch tham quan và nghỉ dưỡng; vai trò nhà quản lý là đưa ra những chiến lược và giải pháp phù hợp cho từng giai đoạn phát triển du lịch của địa phương mình.
Chương 3
THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH THỪA THIÊN HUẾ TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ
3.1. Giới thiệu vị trí địa lý, tài nguyên du lịch và quy hoạch phát triển du lịch Thừa Thiên Huế
3.1.1. Giới thiệu về vị trí địa lý
Tỉnh Thừa Thiên Huế có trung tâm tỉnh lị là Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế thuộc duyên hải Miền Trung. Thừa Thiên Huế cách thủ đô Hà Nội là 660 km và thành phố Hồ Chí Minh là 1.080 km. Đơn vị hành chính của tỉnh bao gồm Thành phố Huế, Thị xã Hương Trà, Thị xã Hương Thủy, huyện Phong Điền, huyện Quảng Điền, huyện Phú Vang, huyện Phú Lộc, huyện Nam Đông, huyện A Lưới. Ranh giới của tỉnh bao gồm: phía Bắc giáp tỉnh Quảng Trị, phía Nam giáp thành phố Đà Nẵng, phía Tây giáp Lào, và phía Đông tiếp giáp với biển Đông với đường bờ biển dài khoảng 120 km.
Với vị trí địa lý như là trung điểm của Việt Nam, Thừa Thiên Huế rất thuận lợi cho phát triển du lịch và chia sẽ nguồn lực, tài nguyên du lịch với các tỉnh lân cận trong nước và quốc tế.
Thừa Thiên Huế nằm ở khu vực nhiệt đới gió mùa mang tính chất chuyển tiếp từ á xích đới lên nội chí tuyến gió mùa, không có mùa đông và mùa khô rõ rệt. Chỉ khi có những đợt không khí lạnh tràn về thì thời tiết lạnh, thời tiết khô khi có ảnh hưởng của gió Lào thổi về. Do nằm trong vành đai nhiệt đới gió mùa nên lượng bức xạ khá lớn, lượng bức xạ cao dẫn đến nhiệt độ tăng. Ở Thừa Thiên Huế, nhiệt độ cao nhất vào tháng 6 đến tháng 8 trung bình 29 - 29,5 độ C, tháng 12 đến tháng 1 là những tháng có nhiệt độ thấp 19 - 20 độ C, số giờ nắng trung bình ở Huế là 2.000 giờ, lượng mưa trung bình hàng năm tại Thừa Thiên Huế là 2.740 mm, mùa mưa chủ yếu từ tháng 9 đến tháng 12, độ ẩm dao động từ 72 - 90%, số lượng bão ở Thừa Thiên Huế khá nhiều thường bắt đầu từ tháng 6 và nhiều nhất là tháng 9, tháng 10 hàng năm. Ngoài ra, Thừa Thiên Huế còn chịu
ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc. Điều kiện khí hậu như vậy một phần gây khó khăn cho việc phát triển các ngành kinh tế của tỉnh, kể cả du lịch.
Hình 3.1. Bản đồ vị trí địa lý Thừa Thiên Huế
Nguồn: Trung tâm Thông tin dữ liệu đo đạc & bản đồ và Cổng thông tin
điện tử Thừa Thiên Huế
Với khí hậu thời tiết Thừa Thiên Huế là không thuận lợi cho phát triển du lịch các khu nghỉ dưỡng ven biển vào mùa mưa bão từ tháng 11 năm nay đến tháng 1 năm sau theo chu kỳ của vòng đời du lịch.
Thừa Thiên Huế nằm trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây (tiếng Anh: East - West Economic Corridor - EWEC) là một sáng kiến được nêu ra vào năm 1998 tại Hội nghị Bộ trưởng Tiểu vùng Sông Mekong mở rộng lần thứ tám tổ chức tại Manila (Philippines) nhằm thúc đẩy phát triển và hội nhập kinh tế giữa bốn nước Lào, Myanma, Thái Lan và Việt Nam. Hành lang này chính thức thông tuyến vào ngày 20/12/2006, dựa trên một tuyến giao thông đường bộ dài 1.450 km, có cực Tây là thành phố cảng Mawlamyine (Myanmar), đi qua bang Kayin (Myanma), các tỉnh thuộc Thái Lan như: Tak, Sukhothai, Kalasin, Phitsanulok, KhonKaen, Yasothon và Mukdahan, đi qua Savannakhet của Lào, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và cực Đông là thành phố Đà Nẵng. Hành lang kinh tế này sẽ giúp vùng Đông Bắc của Thái Lan và Lào tiếp cận với Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Hành lang này còn kết nối với các tuyến giao thông Bắc Nam như Yangon - Dawei của Myanma, Chiang Mai - Bangkok của Thái Lan, quốc lộ 13 của Lào, và quốc lộ 1A của Việt Nam. Các hoạt động thương mại của EWEC chủ yếu tập trung ở sáu địa phương gồm Mawlamyine, Phitsanulok, Khon Kaen, Savannakhet, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng [180].
Là một điểm đến trên trục hành lang kinh tế Đông Tây, nên Thừa Thiên Huế gặp rất nhiều thuận lợi cho phát triển du lịch đường bộ xuyên quốc gia và giao lưu với các nước trong khu vực ASEAN.
3.1.2. Tài nguyên du lịch
- Hệ thống đầm phá
Thừa Thiên Huế được thiên nhiên ưu đãi với hệ thống đầm phá lớn nhất khu vực Đông Nam Á, hệ thống đầm phá này là nguồn tài nguyên du lịch có giá trị có khả năng phát triển nhiều loại hình du lịch sinh thái. Hệ thống đầm phá này bao gồm:
+ Phá Tam Giang: kéo dài từ cửa sông Ô Lâu đến cầu Thuận An, thông
với biển Đông qua cửa Thuận An, chiều dài 25 km, chiều rộng từ 0,5 - 4 km, chiều sâu phá vào mùa cạn phổ biến từ 1 - 1,5 m và gần cửa Thuận An lên đến 4
- 6m, diện tích mặt nước khoảng 52 km2.
+ Đầm Thủy Tú: gồm các đầm An Truyền, Thanh Lam (Sam), Hà Trung và Thuỷ Tú tạo thành, kéo dài từ cầu Thuận An đến Cồn Trai trên chiều dài 33 km, chiều rộng đầm biến đổi từ 0,5 - 5,5 km, chiều sâu đầm phổ biến từ 1,5 - 2 m, diện tích mặt nước khoảng 60 km2.
+ Đầm Cầu Hai: kéo dài từ Cồn Trai đến cửa sông Rui với chiều dài 9 km và từ cửa sông Truồi đến núi Vinh Phong gần 13 km, diện tích mặt nước khoảng 104 km2, Đầm Cầu Hai thông với biển Đông qua cửa Tư Hiền.
+ Đầm An Cư: là thuỷ vực biệt lập, kéo dài theo hướng Bắc - Nam, chiều dài từ 5 - 6 km, chiều rộng từ 2 - 4 km, diện tích mặt nước 15 km2, chiều sâu phổ biến từ 1 - 3 m. Đầm An Cư thông với biển Đông qua cửa Lăng Cô [179].
- Hệ sinh thái
Thừa Thiên Huế thuộc vành đai khí hậu nhiệt đới gió mùa chịu ảnh hưởng của biển Đông, có kiểu khí hậu chuyển tiếp Bắc - Nam Việt Nam, do đó hệ sinh thái của Thừa Thiên Huế rất đa dạng phản ánh sự giao thoa nhiều luồng sinh vật thuộc khu hệ phương Bắc và khu hệ phương Nam Việt Nam.
- Hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên tiêu biểu
Với cấu tạo địa hình khá độc đáo nên Thừa Thiên Huế có rất nhiều loại hình tài nguyên du lịch tự nhiên như sau:
+ Tài nguyên du lịch biển với các bãi biển: Cảnh Dương; Thuận An; Lăng Cô; bãi Cả; bãi Chuối (Lăng Cô); Đông Dương, Hàm Rồng (huyện Phú Lộc); Quảng Ngạn (Quảng Điền); Phong Hải - Điền Lộc (Phong Điền), Vinh Thanh – Tư Hiền, Ngũ Điền, đảo Sơn Chà….
+ Các điểm thắng cảnh với: đèo Hải Vân; núi Ngự Bình; Đồi Vọng Cảnh; đồi Thiên An và hồ Thuỷ Tiên; núi Ngọc Trản; núi Thiên Thai…
+ Các nguồn nước khoáng như: nguồn Thanh Tân; nguồn Hương Bình; nguồn A Roàng; nguồn Pahy; Mỹ An; nguồn Thanh Phước và nguồn Tân Mỹ.
+ Các điểm du lịch sinh thái như: Vườn Quốc gia Bạch Mã; thác Phướn; thác Mơ; thác Trượt; thác Kazan, Khu bảo tồn tự nhiên Phong Điền, Khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước tràm chim Bắc Biên (Quảng Điền), các điểm du lịch sinh thái khu vực Nam Đông…
+ Các điểm du lịch sông nước, đầm phá, sinh thái hồ như: Sông Hương; Phá Tam Giang; Hồ Truồi; đầm Lập An; cồn Dã Viên; cồn Hến…
- Hệ thống tài nguyên du lịch nhân tạo
Thừa Thiên Huế là kinh đô của triều đại cuối cùng của Việt Nam, vì vậy, vùng đất này có rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu, nhưng nổi bật nhất là quần thể di tích cố đô Huế với hệ thống lăng tẩm, cung điện, các công trình kiến trúc tôn giáo, kiến trúc dân dụng… thể hiện sự kế thừa, phát huy, đan xen giữa nghệ thuật Champa, Việt, Trung Hoa và phương Tây tạo nên sức hấp dẫn lớn đối với du khách. Quần thể di tích này đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới vào năm 1993. Các di sản phi vật thể nhân loại như: Nhã nhạc – âm nhạc cung đình Huế. Các di sản tư liệu thế giới như: Mộc bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Châu bản Triều Nguyễn. Ngoài quần thể di tích cố đô Huế, còn có 34 di tích đã được nhà nước xếp hạng như: khu di tích kiến trúc triều Nguyễn, nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu địa đạo huyện Phú Lộc, khu vực A Lưới với đường mòn Hồ Chí Minh, nhà vườn Huế và làng cổ Phước Tích, Chùa Thiên Mụ, Dòng chúa Cứu Thế, Nhà thờ Phủ Cam với kiến trúc giao hòa giữa kiến trúc Việt Nam và La Mã.
- Các lễ hội
Như bao miền quê khác trên dải đất Việt Nam, các lễ hội dân gian ở Thừa Thiên Huế thường gắn với tín ngưỡng, tôn giáo, tinh thần thượng võ và khát vọng cuộc sống. Bên cạnh những nét chung của lễ hội Việt, các lễ hội ở Thừa Thiên Huế còn mang những nét riêng của vùng ven biển. Các lễ hội dân gian nổi bật ở Thừa Thiên Huế là lễ hội Cầu Ngư, giống như lễ hội cầu mùa màng bội thu của cư dân nông nghiệp; lễ hội Điện Hòn Chén, tế lễ thánh mẫu Ponaga diễn ra vào dịp thanh minh trong các ngày 02 tháng 3 và từ ngày 1 đến 15 tháng 7 (âm
lịch); các lễ hội Phật giáo có lễ hội Phật Đản (15/4), Vu Lan (15/7), lễ cúng đất vào mùa Xuân (Tháng 2 âm lịch) và mùa Thu (Tháng 8 âm lịch) để tưởng nhớ người Chiêm Thành đã nhường đất cho người Kinh, vật làng Sình, đua ghe trên Sông Hương… thu hút đông đảo nhất người dân xứ Huế và các tỉnh lân cận.
Bên cạnh lễ hội dân gian một trong những nét đặc trưng của lễ hội Thừa Thiên Huế là các lễ hội cung đình như: lễ tế Đàn Nam Giao, lễ đại triều, lễ đăng quang...
- Nghệ thuật truyền thống
Ca nhạc Huế là sự thể hiện phong phú nhiều thể loại. Ta có thể tìm thấy ở đây vẻ trang trọng kiêu sa của nhạc cung đình như giao nhạc, yến nhạc, tế nhạc, ca Huế và ca Huế trên sông Hương..., vẻ bình dị sâu lắng của dân gian như các làn điệu dân ca. Các làn điệu dân ca của Huế có nét đặc trưng riêng biệt. Làn điệu mang chất trữ tình, ngọt ngào, hiền dịu và sâu lắng, tươi vui mà không náo loạn, u buồn nhưng không bi lụy. Tiêu biểu là các điệu hò như hò mái đẩy, mái nhì, hò nện, hò giã gạo, giã vôi, giã điệp..., các điệu lý như lý Con Sáo, lý Hoài Xuân, lý Hoài Nam, lý Tình Tang... mà mỗi khi thoáng nghe ta đã liên tưởng ngay tới Huế.
- Nghệ thuật ẩm thực
Nghệ thuật ẩm thực của Thừa Thiên Huế, đặc biệt là thành phố Huế rất phong phú, độc đáo, mang bản sắc độc đáo địa phương như: tôm chua, cơm hến, mè xửng, các loại bánh xứ Huế, cơm cung đình. Những món ăn này được hình thành qua một quá trình lịch sử lâu dài chủ yếu là giai đoạn Huế đóng vai trò là kinh đô của đất nước dưới thời Nguyễn. Nghệ thuật ẩm thực của Huế vừa mang phong cách sang trọng, cung đình (với các các món ăn trong cung đình) vừa mang phong cách giản dị, dân dã (với các món ăn bình dân) nhưng đều có màu sắc, hương vị rất hấp dẫn và thể hiện sự khéo léo của người dân Huế. Nghệ thuật ẩm thực của Huế được xem là một nguồn tài nguyên du lịch và là nội dung của hầu hết các chuyến tham quan du lịch đến Thừa Thiên Huế. Như các món ăn đặc sản Huế: cơm cung đình, các loại chè Huế, các loại bánh Huế, các món ăn chay…