DANH MỤC BIỂU ĐỒ VÀ SƠ ĐỒ
Biểu đồ 1: Số lượng khách đến vùng chè đặc sản Tân Cương 60
Biểu đồ 2: Số lượng khách đến vùng chè đặc sản La Bằng 63
Sơ đồ: Mô hình tổ chức và quản lý du lịch làng nghề chè 76
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài:
Việt Nam là một đất nước có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng với ba phần tư lãnh thổ đất nước là đồi núi với những cảnh quan ngoạn mục, những cánh rừng nhiệt đới với loài cây cỏ chim muông, hơn 3.000 km bờ biển và những hệ thống sông hồ tạo nên các bức tranh thuỷ mặc sinh động, nơi có năm mươi tư dân tộc anh em sinh sống với những giá trị văn hoá, phong tục tập quán đa dạng. Những giá trị về tự nhiên và văn hóa tạo nên sức hấp dẫn mạnh mẽ với du khách trong và người nước
Thái Nguyên là tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc nơi hội tụ của nhiều giá trị tự nhiên và văn hóa. Bên cạnh đó, Thái Nguyên còn là vùng đất nổi tiếng về nghề truyền thống trồng và chế biến chè. Xét về lợi thế so sánh, có thể nói trên nước ta có biết bao làng nghề nông nghiệp truyền thống nhưng hiếm có nơi đâu như ở Thái Nguyên có tới 50 làng nghề chè nổi tiếng tập trung ở cả 9 huyện, thành phố, thị xã. Đây không chỉ là thế mạnh về kinh tế mà còn là ưu thế hấp dẫn khách du lịch, đặc biệt trong xu thế du lịch nông thôn, du lịch làng nghề đã và đang phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây trên phạm vi khu vực và quốc tế.
Làng nghề thủ công truyền thống với các bí quyết nghề nghiệp riêng là một trong những giá trị văn hoá Việt Nam - Một dân tộc đã có bề dày lịch sử hàng ngàn năm với nền văn hoá lấy cộng đồng làm đơn vị tổ chức xã hội cơ bản. Các làng nghề truyền thống đã tạo ra rất nhiều sản phẩm không chỉ đơn thuần là trao đổi thương mại mà còn có mặt giá trị về văn hoá và lịch sử. Đội ngũ nghệ nhân, hệ thống bí quyết và quy trình công nghệ tạo ra các sản phẩm được lưu truyền cùng với toàn bộ cảnh quan. Việc bảo tồn làng nghề thủ công truyền thống (bảo vệ, lưu giữ, truyền lại) và phát huy các giá trị để làng nghề có thể tiếp tục phát triển bền vững là rất cần thiết. Và một trong những giải pháp để đảm bảo yêu cầu này là việc gắn phát triển làng nghề với phát triển du lịch bởi du lịch là phương thức tiếp cận bền vững cho bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, trong đó có làng nghề.
Có thể bạn quan tâm!
- Phát triển du lịch làng nghề tại các vùng chè đặc sản Thái Nguyên - 1
- Quan Niệm, Phân Loại Và Đặc Trưng Của Làng Nghề
- Vai Trò Của Làng Nghề Trong Phát Triển Kinh Tế Xã Hội Và Hoạt Động Du Lịch
- Vai Trò Của Làng Nghề Đối Với Hoạt Động Du Lịch
Xem toàn bộ 128 trang tài liệu này.
Các làng nghề chè tại Thái Nguyên có nhiều tiềm năng có thể phát triển phục vụ trong một chương trình du lịch để du khách được tìm hiểu những nét văn hoá của người dân bản địa, tham gia vào những công đoạn tạo sản phẩm. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch làng nghề chè ở Thái Nguyên còn gặp nhiều khó khăn hạn chế về khâu tiếp thị, trình độ, kinh nghiệm của hướng dẫn viên, sản phẩm… cùng nhiều yếu tố khác chi phối; và thực tế hiện nay cũng chưa có công trình nghiên cứu nào đi sâu tìm hiểu vấn đề này trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Xuất phát từ ý nghĩa, tầm quan trọng của phát triển du lịch nói chung, du lịch làng nghề nói riêng, từ thực tế du lịch làng nghề chè của Thái Nguyên nêu trên, tác giả chọn nghiên cứu đề tài “Phát triển du lịch làng nghề tại các vùng chè đặc sản Thái Nguyên” làm Luận văn tốt nghiệp Thạc sỹ của mình và qua đây muốn góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch làng nghề nói chung và làng nghề chè nói riêng, nhằm đa dạng hoá các sản phẩm du lịch và tăng cường tính cạnh tranh của du lịch Thái Nguyên
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Theo khảo sát của tác giả trước khi làm luận văn, đề tài : “Phát triển du lịch làng nghề tại các vùng chè đặc sản Thái Nguyên” chưa có người tìm hiểu. Tuy nhiên cũng có những tác giả đã nghiên cứu loại hình du lịch làng nghề dưới nhiều góc độ khác nhau, chẳng hạn như tác phẩm “Phát triển du lịch làng nghề” của tác giả Phạm Quốc Sử. Hay các công trình nghiên cứu tổng quát về làng nghề truyền thống Việt Nam như “Làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam” của tác giả Bùi Văn Vượng nêu lên một cách khái quát về các làng nghề truyền thống của Việt Nam; “Phát huy nghề và làng nghề truyền thống” tác giả Phạm Thị Thảo, Viện Văn hoá Dân tộc, 2007; “Làng nghề, phố nghề Thăng Long – Hà Nội” của hai tác giả Trần Quốc Vượng và Đỗ Thị Hảo. Ngoài ra còn có cuốn sách “ Làng nghề du lịch Hà Nội và các vùng phụ cận”, Nhà xuất bản “Tài nguyên môi trường và bản đồ Việt Nam”.
Bài báo “Ông tổ nghề trồng chè ở Tân Cương” của tác giả Đỗ Ngọc Quý đăng trên báo Xưa và nay, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, số 390, tháng 9 năm
2009. Tác phẩm đã đưa ra vấn đề cây chè Tân Cương là do Ông Đội Năm mang từ Phú Thọ về trồng là giống nhập nội. Quy trình chế biến và thiết bị trà xanh do kỹ sư người Pháp Gouneaux, khảo sát học tập từ Trung Quốc . Tiếp theo Remond P và Nguyễn Văn Đàm nghiên cứu ứng dụng triển khai tại Phú Thọ. Quy trình chế biến lạo trà xanh sao chảo này chính là trà my (my trà) của Triết Giang Trung Quốc.
Bài báo “Về với làng chè Tân Cương” của hai tác giả Thu Hương – Vân Yên, Phòng Nghiệp vụ, Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Thái Nguyên. Bài báo này đã được đăng trên tạp chí “Thế giới di sản” số 9 năm 2009. Tác phẩm này đã mô tả ông tổ nghề chè Tân Cương là Cụ Đội Năm với công lao xây dựng thương hiệu Chè Cánh Hạc
Bài báo “Nên phục hồi đình làng Tân Cương, tri ân ông tổ nghề” của tác giả Đình Hưng đăng trên Báo Thái Nguyên ngày 11/6/2011. Tác phẩm này đưa ra vấn đề xây dựng đình làng Tân Cương để bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống
Tác phẩm “Gia phả dòng họ Nguyễn Đình” do gia đình Nguyễn Đình, thôn Châu Lỗ, Hiệp Hòa, Bắc Giang kính tặng Bảo tàng Thái Nguyên. Tác phẩm này do Nguyễn Đình Ấn cháu hậu duệ Nguyễn Đình soạn và Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên in ấn vào tháng 7 năm 2013.
Những tác phẩm trên là nguồn tài liệu tham khảo có giá trị cho tác giả luận văn.
3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu
- Mục tiêu nghiên cứu:
+ Phân tích tiềm năng, thực trạng phát triển du lịch làng nghề chè và đề xuất giải pháp nhằm khai thác, phát huy lợi thế của tỉnh Thái Nguyên là làng nghề chè truyền thống cho phát triển du lịch làng nghề của tỉnh
+ Khẳng định một hướng phát triển có nhiều cơ hội cho các làng nghề chè trong xu thế hội nhập và phát triển
- Nhiệm vụ nghiên cứu:
+ Tổng quan một số vấn đề lý luận về phát triển du lịch làng nghề
+ Phân tích các tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch làng nghề chè ở Thái Nguyên; xác định những vấn đề đặt ra đối với phát triển du lịch làng nghề ở Thái Nguyên
+ Từ thực trạng và những vấn đề đặt ra đề xuất một số giải pháp cho sự phát triển du lịch làng nghề ở Thái Nguyên
4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu:
- Đối tượng: Luận văn tập trung nghiên cứu các làng nghề chè có tiềm năng khai thác phát triển du lịch và thực trạng hoạt động du lịch làng nghề chè trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
- Phạm vi:
+ Phạm vi không gian: Đề tài tập trung nghiên cứu tiềm năng và thực trạng hoạt động du lịch các làng nghề chè tỉnh Thái Nguyên, trong đó chủ yếu là Làng nghề chè Tân Cương, Thành phố Thái Nguyên, làng nghề chè La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên
+ Phạm vi thời gian: giai đoạn từ 2006-2014
5. Phương pháp nghiên cứu:
Các phương pháp chủ yếu được sử dụng trong nghiên cứu bao gồm :
- Phương pháp phân tích tổng hợp và phân tích hệ thống: Đây là phương pháp cơ bản được sử dụng phổ biến trong hầu hết các nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu về phát triển du lịch nói chung và phát triển các sản phẩm du lịch nói riêng có quan hệ chặt chẽ tới các điều kiện tự nhiên, văn hóa, kinh tế - xã hội, vì vậy phương pháp này có ý nghĩa quan trọng trong quá trình nghiên cứu của đề tài. Tính hệ thống trong nghiên cứu còn được thể hiện ở việc kế thừa những kết quả nghiên cứu có liên quan của các công trình có liên quan đã đề cập.
- Phương pháp điều tra thực địa: Công tác thực địa có mục đích cơ bản là kiểm tra chỉnh lý và bổ sung những tư liệu; đối chiếu và lên danh mục cụ thể từng đối tượng nghiên cứu; sơ bộ đánh giá các yếu tố cần thiết cho việc phát triển du lịch làng nghề chè tại các vùng chè đặc sản Thái Nguyên.
- Phương pháp điều tra xã hội học: Đây là phương pháp quan trọng nhằm xác định những vấn đề đặt ra đối với hoạt động phát triển du lịch làng nghề chè tại các vùng chè đặc sản Thái Nguyên thông qua phỏng vấn các đối tượng liên quan đến những hoạt động này.
- Phương pháp thống kê: Đây là phương pháp không thể thiếu trong quá trình nghiên cứu những vấn đề định lượng trong mối quan hệ chặt chẽ về mặt định tính của các hiện tượng và quá trình phát triển du lịch. Ngoài ra, phương pháp thống kê còn được vận dụng nghiên cứu trong đề tài để xác định hiện trạng hoạt động du lịch thông qua các chỉ tiêu phát triển ngành cơ bản.
- Phương pháp chuyên gia: Ngoài các phương pháp tự thân thì phương pháp chuyên gia cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình nghiên cứu đề tài. Bản thân du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, do vậy để đảm bảo cho các đánh giá tổng hợp có cơ sở và mang tính hiệu quả cần thiết phải có sự tham gia của các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực liên quan như địa lý, văn hóa, kinh tế, du lịch, v.v..
6. Đóng góp của luận văn
- Hệ thống hóa được một số vấn đề lý luận về phát triển du lịch làng nghề
- Đánh giá được tiềm năng du lịch làng nghề nói chung và các làng nghề chè nói riêng ở tỉnh Thái Nguyên
- Phân tích thực trạng phát triển du lịch làng nghề chè ở vùng chè đặc sản tỉnh Thái Nguyên
- Đề xuất một số giải pháp chủ yếu để đẩy mạnh hơn nữa du lịch làng nghề tại các vùng chè đặc sản tỉnh Thái Nguyên
7. Kết cấu của luận văn:
Ngoài phần mở đầu, phụ lục và tài liệu tham khảo, phần nội dung của luận văn được trình bày trong 3 chương
Chương 1: Tổng quan lý luận về làng nghề và du lịch làng nghề
Chương 2: Tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch làng nghề chè truyền thống tại các vùng chè đặc sản Thái Nguyên
Chương 3: Một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch làng chè truyền thống tại các vùng chè đặc sản Thái Nguyên
CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN LÝ LUẬN VỀ LÀNG NGHỀ VÀ DU LỊCH LÀNG NGHỀ
1.1. Những vấn đề chung về du lịch
1.1.1. Khái niệm du lịch và khách du lịch
1.1.1.1. Khái niệm du lịch
Cho đến nay, khái niệm về “du lịch” còn có sự chưa thống nhất, tuỳ thuộc vào hoàn cảnh (thời gian, khu vực) khác nhau, dưới mỗi góc độ nghiên cứu khác nhau mà có những cách hiểu khác nhau về du lịch.
+ Khái niệm ngắn gọn nhất về du lịch được hai tác giả Ausher và Nguyễn Khắc Viện nêu ra, theo đó “du lịch là nghệ thuật đi chơi của cá nhân”(Ausher), hoặc “du lịch là sự mở rộng không gian văn hoá của con người” (Nguyễn Khắc Viện). Trong Từ điển Tiếng Việt của NXB Khoa học xã hội (1995) “du lịch là đi chơi cho biết xứ người” [24, tr.7,8]
+ Luật Du lịch được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2006 đã xác định “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định”.
Khái niệm này có thể được coi là định nghĩa chính thức của Việt Nam về hoạt động du lịch.
1.1.1.2. Khái niệm khách du lịch
Du khách là chủ thể quan trọng của hoạt động du lịch, bởi không có khách sẽ không tồn tại hoạt động du lịch. Khái niệm về du khách lúc đầu đơn giản là “người từ ngoài tới với mục đích tham quan du ngoạn”, càng về sau càng được làm rõ hơn, theo đó “Khách du lịch là không phải là cư dân sinh sống định cư tại địa điểm tham quan du lịch, phải lưu lại điểm tham quan du lịch tối thiểu là 24 giờ, và đi du lịch không vì mục đích chức vụ, lợi lộc” (Luật Du lịch, 2005).
Để có thể thực hiện được hành vi đi du lịch, du khách phải có được một số điều kiện, trong đó 2 điều kiện quan trọng nhất là thu nhập và thời gian nhàn rỗi
1.1.2. Khái niệm về tài nguyên du lịch và Sản phẩm du lịch
1.1.2.1. Khái niệm về tài nguyên du lịch
Tài nguyên hiểu theo nghĩa rộng bao gồm tất cả các nguồn nguyên liệu, năng lượng và thông tin có trên trái đất và trong không gian vũ trụ liên quan mà con người có thể sử dụng phục vụ cho cuộc sống và sự phát triển của mình. Tài nguyên du lịch là một thành phần của tài nguyên nói chung, tài nguyên thiên nhiên nói riêng.
Khái niệm tài nguyên du lịch luôn gắn liền với khái niệm du lịch. “Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, công trình lao động sáng tạo của con người và các giá trị nhân văn khác có thể được sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch, là yếu tố cơ bản để hình thành các khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch, đô thị du lịch” (Luật Du lịch, 2005).
Như vậy, tài nguyên du lịch được xem là tiền đề để phát triển du lịch song cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoạt động du lịch. Thực tế cho thấy, tài nguyên du lịch càng phong phú, càng đặc sắc bao nhiêu thì sức hấp dẫn và hiệu quả hoạt động du lịch càng cao bấy nhiêu.
1.1.2.2. Khái niệm về Sản phẩm du lịch
Sản phẩm là tất cả những cái gì có thể đưa ra thị trường để tạo ra sự chú ý, mua sắm, sử dụng hay tiêu thụ nhằm thoả mãn một nhu cầu hay mong muốn. Sản phẩm có thể là những vật thể hữu hình, những dịch vụ mang tính vô hình, những địa điểm (cho thuê địa điểm, thuê mặt bằng sản xuất kinh doanh), phát minh, sáng chế...
Khái niệm về sản phẩm du lịch đã được đưa ra trong Luật Du lịch (2005), theo đó “Sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ cần thiết để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch”
Một số tài liệu khác cho rằng “Sản phẩm du lịch là một loại sản phẩm đặc biệt có tính dịch vụ cao và được tạo thành bởi nhiều yếu tố nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách” và như vậy sản phẩm du lịch chỉ bao gồm dịch vụ tổng thể của nhà cung cấp dựa vào các yếu tố thu hút du lịch khác như kết cấu hạ tầng du lịch, tài nguyên