Kinh Nghiệm Phát Triển Du Lịch Biển Đảo Của Singapore

2.2.1.3. Kinh nghiệm phát triển du lịch biển đảo của Singapore

Singapore là một quốc đảo nhỏ với tổng diện tích 648,1 km2, trong đó diện tích đất liền là 585,4 km2 tương đương với diện tích của Vịnh BTL của Việt Nam, còn lại là phần diện tích của 63 hòn đảo nằm rải rác trong biên giới biển, tài nguyên khoáng sản hạn chế đều phải nhập khẩu từ bên ngoài. Tuy vậy, Singapore đã biết phát huy triệt để tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, tài nguyên biển đảo và nguồn lực con người để có những bước phát triển vượt bậc. Mặc dù là một đất nước nhỏ bé nhưng DLBĐ Singapore đã trở thành một điểm đến hấp dẫn trong con mắt du khách khắp nơi trên thế giới. Năm 2012, DLBĐ Singapore đón trên 13 triệu và đã đóng góp 22,2 tỷ đô Sing, chiếm 3% GDP của cả nước (Nguyễn Đức Thành, 2012).

Để có được kết quả này, phải nói đến sự thành công trong việc hoạch định, xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển du lịch phù hợp cho từng giai đoạn của Chính phủ Singapore từ năm 1965 đến nay. Singapore đã hoạch định chiến lược, xây dựng 6 kế hoạch phát triển du lịch khác nhau. Đồng thời, kèm theo đó là việc tổ chức thực hiện sáng tạo, linh hoạt, nhất quán các kế hoạch đó vào thực tiễn với một số kinh nghiệm và giải pháp của Singapore về phát triển DLBĐ là:

Thứ nhất: Tập trung phát triển đột phá về hạ tầng, dịch vụ, nguồn nhân lực, xây dựng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù là du lịch xanh, casino và phân khúc thị trường khách hợp lý (Nguyễn Thị Hồng Lâm, 2013).

Việc phát triển các sản phẩm đặc thù xanh, casino và phân khúc thị trường khách: Điều đầu tiên ấn tượng nhất khi du khách đến với đất nước Singapore là cảnh quan và môi trường rất sạch. Chính điều này đã làm nên một Singapore khác biệt với các quốc gia khác. Mặt khác, ở quốc gia này cũng chú trọng phát triển sản phẩm du lịch cạnh tranh phù hợp với nhu cầu thị trường (casino). Đặc trưng nhất của sản phẩm du lịch là chương trình du lịch. Singapore cung cấp cho thị trường quốc tế rất nhiều chương trình du lịch, trong đó có sản phẩm casino phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của nhiều du khách. Họ phân khúc thị trường khách du lịch quốc tế và đưa ra những chương trình phù hợp cho từng thị trường. Các chương trình cho du khách Châu Âu khác chương trình cho du khách Châu Á, Châu Úc, Châu Mỹ… Ngay cả trong cùng một thị trường thì cũng có các chương trình phục vụ riêng cho từng nước khác nhau, tùy theo nhu cầu và khả năng chi trả của du khách. Nhờ vậy, Singapore đã có bước tiến dài trên con đường phát triển DLBĐ (Nguyễn Thị Hồng Lâm, 2013).

Thứ hai: Kinh nghiệm về tạo môi trường chính trị ổn định, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách (Nguyễn Thị Hồng Lâm, 2013).

Môi trường chính trị ổn định, đất nước an bình, môi trường sinh thái trong sạch là điều kiện lý tưởng cho việc thu hút khách du lịch. Đây là một trong những thế mạnh của DLBĐ Singapore. Quốc gia này hiện nay được coi là một trong những điểm tham quan an toàn nhất thế giới. Các biện pháp an ninh được thắt chặt trong các khu vực quan trọng và những nơi nhạy cảm khác nhằm đảm bảo cho Singapore vẫn tiếp tục là điểm đến an toàn trong tương lai. Vấn đề an toàn giao thông cũng được du khách quan tâm khi đi du lịch tại nước ngoài. Tại Singapore, ý thức người dân được giáo dục cao trong việc chấp hành luật lệ giao thông. Người tham gia giao thông, đặc biệt là du khách thường hay đi bộ để thăm quan, họ có thể yên tâm sang đường vì ở quốc gia này có một sáng kiến rất hay được áp dụng cho khách đi bộ, đó là họ chỉ cần ấn nút trên cột đèn tín hiệu là đoàn xe ô tô sẽ dừng và người đi bộ có thể qua đường.

Bên cạnh đó, họ đã loại bỏ các phiền toái và lo lắng, những phản cảm cho du khách trong chuyến du lịch là điều mà Singapore đã làm rất tốt, hầu như không bao giờ có trường hợp khách bị chèo kéo sử dụng dịch vụ hoặc ăn xin. Điều này là một yếu tố khiến khách du lịch quốc tế hài lòng và đánh giá ca o (Nguyễn Thị Hồng Lâm, 2013).

Những kinh nghiệm quốc tế trên là những bài học bổ ích cho việc phát triển DLBĐ Việt Nam nói chung, Vịnh BTL nói riêng. Tuy nhiên, trong quá trình vận dụng cần chú ý đến tính đặc thù của quốc gia, của vùng để đề ra những chủ trương, chính sách phát triển phù hợp nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

2.2.2. Kinh nghiệm của các địa phương trong nước

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 222 trang tài liệu này.

2.2.2.1. Kinh nghiệm về phát triển du lịch biển đảo của thành phố Nha Trang - tỉnh Khánh Hòa

Tỉnh Khánh Hòa nằm tại vùng Nam Trung Bộ của Việt Nam, có trên 300 km đường bờ biển và có ba Vịnh xếp vào hàng các Vịnh đẹp và có điều kiện thiên nhiên thuộc tốp đầu thế giới (Thân Trọng Thụy và Phạm Thị Thu Nga, 2013). Hạt nhân phát triển DLBĐ của Khánh Hòa tập trung chủ yếu tại Vịnh Nha Trang. Đây là Vịnh lớn thứ hai tại Khánh Hòa với diện tích khoảng 400 km2, bao gồm 19 hòn đảo lớn nhỏ. Vịnh Nha Trang là một trong những khu vực sở hữu hầu hết các hệ sinh thái điển hình, quý hiếm của vùng biển nhiệt đới. Đó là hệ sinh thái đất ngập

Phát triển du lịch biển đảo Vịnh Bái Tử Long, tỉnh Quảng Ninh - 8

nước, rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, hệ sinh thái cửa sông, hệ sinh thái đảo biển, hệ sinh thái bãi cát ven bờ.

Hai mươi năm qua, Thành phố Nha Trang đã tận dụng khá tốt những lợi thế sẵn có từ Vịnh Nha Trang để phát triển du lịch, đưa DLBĐ trở thành ngành kinh tế trọng điểm của thành phố biển với nhiều sản phẩm du lịch độc đáo như: lặn biển, tắm bùn, dù lượn, nghỉ dưỡng cao cấp... Hoạt động du lịch thời gian qua đã có những đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; Năm 2015, Nha trang đón trên 3,8 ngàn lượt khách lưu trú, trong đó có 24,4% khách quốc tế với doanh thu đạt trên 4,7 ngàn tỷ đồng; ngành dịch vụ, du lịch đóng góp trên 63,24% vào giá trị tăng thêm của toàn thành phố (UBND Thành phố Nha trang, 2015). Đạt được kết quả quan trọng đó, Khánh Hòa trong thời gian qua đã triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển như sau:

Thực hiện quy hoạch phát triển du lịch hợp lý: Nha Trang là thành phố được thực thiện quy hoạch phát triển du lịch hợp lý nhất trên toàn quốc. Quy hoạch theo hướng phát triển đô thị du lịch; lập quy hoạch tổng thể phát triển các khu du lịch quốc gia, các khu chức năng theo quy hoạch phát triển biển du lịch quốc gia và chiến lược phát triển kinh tế toàn tỉnh (Thân Trọng Thụy và Phạm Thị Thu Nga, 2013).

Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch: Định hướng phát triển du lịch đến năm 2030 xác định tập trung phát triển các loại hình và sản phẩm DLBĐ làm hướng chủ đạo. Bên cạnh đó, cần phát triển du lịch sinh thái ở các đảo ven bờ, du lịch văn hóa gắn với các lễ hội; đẩy mạnh phát triển du lịch MICE và du lịch tàu biển…

Tăng cường liên kết, xúc tiến, quảng bá, liên kết, tìm kiếm thị trường. Công tác xúc tiến quảng bá du lịch trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng, các lực lượng thông tin đối ngoại, đặt các văn phòng xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm. Ngoài ra, Nha Trang còn tích cực thực hiện phối hợp liên kết vùng, với tư cách là một cực của trung tâm du lịch kết hợp với các địa phương phía Bắc, Nam duyên hải miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên để tạo nên các tuyến DLBĐ mới. Xúc tiến mạnh tìm kiếm và mở rộng thị trường (Thân Trọng Thụy và Phạm Thị Thu Nga, 2013).

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Đầu tư cho việc tuyển chọn thu hút các chuyên gia giỏi, lao động có trình độ tay nghề cao từ bên ngoài. Liên kết với các trường để đào tạo và đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ quản lý, lao động sẵn có. Đồng thời, cần tiếp thu kinh nghiệm,

hợp tác trao đổi với các tỉnh lân cận, các thành phố lớn, các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, thực hiện đa dạng hóa các hình thức đào tạo.

2.2.2.2. Kinh nghiệm về phát triển du lịch biển đảo của Đà Nẵng

Đà Nẵng là điểm đến của DLBĐ hấp dẫn, sở hữu nhiều tài nguyên biển đảo đẹp và vô cùng giá trị, tận dụng được lợi thế này, Đà Nẵng thời gian qua đã không ngừng tập trung nguồn lực đầu tư phát triển khai thác DLBĐ và đã thu được một số kết quả vượt trội. Năm 2013, tổng lượng khách DLBĐ đến Đà Nẵng đạt trên 3,1 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt 7.784,1 tỷ đồng (Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, 2014). Hình ảnh DLBĐ Đà Nẵng ngày càng trở nên đẹp hơn trong mắt du khách quốc tế cũng như trong nước. Đạt được điều đó một phần do thành phố đã có những giải pháp phát triển du lịch đúng đắn và xứng tầm thể hiện ở một số điểm sau:

Đẩy mạnh xúc tiến quảng bá và phát triển thị trường: Công tác xúc tiến quảng bá được Đà Nẵng quan tâm, hàng năm xây dựng các kế hoạch, chiến lược quảng bá DLBĐ. Tận dụng cơ hội, đầu tư hạ tầng đăng cai tổ chức các sự kiện lớn của cả thế giới và cả nước như: Cuộc thi bắn pháo hoa nghệ thuật hàng năm, Marathon quốc tế, các hoạt động lễ hội khai trương DLBĐ.

Nghiên cứu chiến lược kinh doanh, hướng thẳng vào thị trường mục tiêu. Tập trung triển khai những chương trình và giá cả phù hợp cho từng loại đối tượng; chú trọng thị trường khách mục tiêu khả năng chi trả cao.

Nghiên cứu lập quy hoạch phát triển DLBĐ: Việc lập quy hoạch du lịch được thành phố Đà Nẵng quan tâm, nghiên cứu trên cơ sở khoa học, tiếp thu các mô hình phát triển DLBĐ tương đồng trên thế giới và vận dụng phù hợp với điều kiện của địa phương; chú trọng công tác quản lý và thực hiện quy hoạch.

Chính sách phát triển DLBĐ: Vận dụng mềm dẻo các chính sách của Chính phủ, tận dụng, ưu tiên tối đa nguồn lực cho phát triển du lịch. Tạo môi trường đầu tư thuận lợi thu hút các doanh nghiệp FDI đến địa bàn đầu tư, phát triển du lịch. Thực hiện đơn giản hóa, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công các cấp, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm cho người dân và doanh nghiệp giao dịch, làm các thủ tục đầu tư.

Tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch trên cơ sở lấy Đại học Đà Nẵng làm nòng cốt, phối hợp cùng các trường dạy nghề trên địa bàn nhằm đào tạo một đội ngũ nhân lực du lịch chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển

của ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố. Đội ngũ lao động du lịch trực tiếp như Hướng dẫn viên, lễ tân, phục vụ nhà hàng cũng liên tục được nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức và khả năng sử dụng ngoại ngữ… Mở các khóa đào tạo về văn hóa giao tiếp, kiến thức về thành phố, nghệ thuật phục vụ du khách cho cộng đồng và đội ngũ lao động du lịch trực tiếp. Nhờ đó chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch không ngừng được nâng cao, tạo được thiện cảm với khách du lịch.

2.2.3. Bài học kinh nghiệm về thực tiễn phát triển du lịch biển đảo

Từ thực tiễn phân tích kinh nghiệm phát triển DLBĐ trong nước và quốc tế, có thể rút ra những bài học sau:

Thứ nhất: Đẩy mạnh việc lập và tổ chức thực hiện quy hoạch DLBĐ một cách đồng bộ; quy trình thực hiện các quy hoạch, kế hoạch đều có sự tham gia của cộng đồng ngay từ giai đoạn đầu nhằm bảo đảm các nội dung quy hoạch, kế hoạch có thể thực thi. Chính quyền tôn trọng ý kiến cộng đồng trong quá trình xây dựng cũng như trong quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch du lịch. Để có thể thực hiện thành công các quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch, ngoài sự hỗ trợ của nhà nước về hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, cần có sự đầu tư thỏa đáng cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.

Thứ hai: Đa dạng hóa phát triển sản phẩm DLBĐ cả về hình thức và cách thức thể hiện. Mỗi khu vực biển đảo cần xây dựng một sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng biệt.

Thứ ba: Tăng cường chất lượng nguồn nhân lực biển đảo là chìa khóa thành công. Nguồn nhân lực biển đảo cần được coi là động lực để tạo ra các sản phẩm du lịch, vừa là nhân tố quan trọng trong quyết định chất lượng của DLBĐ.

Thứ tư: Gắn phát triển DLBĐ đi đôi với việc bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi sinh vật khu vực biển đảo. Đồng thời tạo môi trường chính trị ổn định, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách.

Thứ năm: Xây dựng thương hiệu điểm đến về DLBĐ; coi xúc tiến và xây dựng thương hiệu điểm đến là bài toán cần giải quyết đối với các địa phương, quốc gia trong quá trình phát triển DLBĐ góp phần tạo nên ấn tượng về chất lượng, hình ảnh điểm đến, qua đó thu hút khách du lịch, đồng thời tạo ra giá trị riêng biệt cho từng khu vực biển đảo.

2.3. TỔNG QUAN MỘT SỐ NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI

Trên cả phương diện lý luận và thực tiễn, vấn đề có liên quan đến du lịch đặc biệt là DLBĐ có nhiều học giả trong và ngoài nước quan tâm, nghiên cứu ở các mức độ và góc độ khác nhau.

Đề án “Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển đến năm 2020” của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nghiên cứu xây dựng và ban hành, đã nghiên cứu thực trạng phát triển DLBĐ của Việt Nam giai đoạn 2000 - 2008 với phạm vi không gian là vùng biển quốc gia, hải đảo (bao gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) và vùng đất ven biển thuộc 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển. Từ đó đưa đề xuất các giải pháp phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển đến năm 2020. Tuy nhiên, Đề án này nghiên cứu thực trạng của DLBĐ trên một phạm vi lớn của cả nước, chưa đưa ra lý luận chung về phát triển DLBĐ. Tiếp theo đó là các quy hoạch vùng tỉnh Quảng Ninh, quy hoạch tổng thể du lịch của tỉnh Quảng Ninh cũng có liên quan đến vấn đề phát triển DLBĐ Vịnh BTL, tuy nhiên, các vấn đề này cũng chưa nghiên cứu đưa ra được các lý luận cụ thể, xây dựng các nội dung dựa trên căn cứ khoa học cho phát triển DLBĐ.

Vũ Tuấn Cảnh (1995), Với Đề tài cấp Nhà nước “Luận chứng khoa học kỹ thuật xây dựng và phát triển hệ thống du lịch biển Việt Nam”. Nghiên đã đánh giá tổng hợp tài nguyên du lịch biển Việt Nam; xây dựng hệ thống du lịch biển; xác định luận chứng khoa học kỹ thuật chỉ đạo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch biển cho một địa điểm ưu tiên và các khuyến nghị chỉ đạo thiết kế xây dựng các công trình du lịch biển. Đồng thời nghiên cứu những vấn đề bảo vệ và quản lý môi trường du lịch biển. Tuy nhiên, nghiên cứu chưa đề cập sâu tới vấn đề lý luận DLBĐ; nội dung cũng như các yếu tố ảnh hưởng tới phát triển DLBĐ từ đó làm cơ sở khoa học cho việc đánh giá thực trạng và xây dựng định hướng, giải pháp phát triển DLBĐ tại khu vực nghiên cứu, nơi có tiềm năng tài nguyên DLBĐ.

Nguyễn Thu Hạnh (2004) nghiên cứu “Tổ chức kiến trúc cảnh quan các đảo du lịch ven bờ Đông Bắc Việt Nam trên quan điểm phát triển bền vững” đã tổng kết, đánh giá những vấn đề lý luận và thực tiễn của việc tổ chức kiến trúc cảnh quan các đảo du lịch ven bờ ở Việt Nam và trên thế giới; nghiên cứu các cơ sở khoa học cho việc tổ chức kiến trúc cảnh quan các đảo du lịch ven bờ Đông Bắc trên quan điểm phát triển bền vững. Từ đó đề xuất hệ thống phân vùng cảnh quan các đảo du lịch ven bờ Đông Bắc, làm tiền đề cho việc xây dựng chiến lược khai thác cảnh quan

tổng thể đảm bảo tính thống nhất trong sự phát triển bền vững. Nghiên cứu chưa đề cập tới các lý luận về DLBĐ và phát triển DLBĐ mà chỉ đi sâu nghiên cứu kiến trúc cảnh quan tại các đảo từ đó tạo ra các sản phẩm DLBĐ để phục vụ du khách.

Tác giả Lê Đức Tố (2005), Với nghiên cứu “Luận chứng khoa học về mô hình phát triển kinh tế sinh thái trên một số đảo, cụm đảo lựa chọn vùng biển ven bờ Việt Nam”. Đã xác lập luận cứ khoa học cho việc xây dựng mô hình kinh tế trên 3 đảo và cụm đảo của hệ thống đảo ven bờ Việt Nam là đảo Ngọc Vừng (thuộc Vịnh BTL, tỉnh Quảng Ninh), cụm đảo Cù Lao Chàm (thuộc Hội An, tỉnh Quản Nam) và Hòn Khoai (thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau). Đồng thời, đi sâu nghiên cứu mô hình kinh tế sinh thái quy mô hộ gia đình và nghiên cứu triển khai mở rộng các mô hình này trên cơ sở các điều kiện khác nhau của các đảo, nhằm phát triển bền vững đảo, đảm bảo cho quyền lợi của người dân bản địa. Tuy nhiên, nghiên cứu này chưa đề cập tới lý luận và thực tiễn riêng về phát triển DLBĐ, mà nhìn nhận DLBĐ ở đây dưới góc độ một ngành, một yếu tố trong mô hình kinh tế sinh thái.

Tác giả Trần Xuân Ảnh (2011) với công trình “Thị trường du lịch Quảng Ninh trong hội nhập kinh tế quốc tế” nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về thị trường du lịch trong hội nhập kinh tế quốc tế; phân tích thực trạng của thị trường du lịch Quảng Ninh trong hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó tác giả đã phác họa rõ nét về thành tựu của du lịch Quảng Ninh, đặc biệt du lịch biển đảo. Đồng thời nên ra những hạn chế, phân tích nguyên nhân, những vấn đề đặt ra cần khắc phục và giải pháp để mở rộng, phát triển thị trường du lịch Quảng Ninh đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Tuy nhiên, nghiên cứu này tiếp cận du lịch Quảng Ninh nói chung, DLBĐ nói riêng dưới góc độ thị trường. DLBĐ chưa được xem xét dưới góc độ tổng thể, ảnh hưởng của nhiều yếu tố.

Vũ Thị Hạnh (2011) với nghiên cứu “Đánh giá tiềm năng tự nhiên phục vụ phát triển du lịch bền vững khu vực ven biển và các đảo tỉnh Quảng Ninh” đưa ra phương pháp đánh giá tài nguyên khu vực biển đảo và lần đầu tiên đã tiến hành phân vùng địa lý tự nhiên cho lãnh thổ ven biển và các đảo ven bờ tỉnh Quảng Ninh, trên cơ sở đó đánh giá mức độ thuận lợi của điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên cho một số loại hình du lịch trong khu vực. Từ đó đề xuất các tuyến, điểm du lịch động lực của vùng nghiên cứu là cơ sở để đưa ra định hướng phát triển DLBĐ cho vùng nghiên cứu. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này tác giả chỉ dừng lại ở góc độ đánh giá tài nguyên DLBĐ làm cơ sở để tổ chức khai thác tài nguyên hợp lý nhằm

phát triển DLBĐ bền vững, ở đây vấn đề lý luận về DLBĐ và phát triển DLBĐ cũng chưa được đề cập.

Tác giả Đinh Sỹ Kiệm (2013) nghiên cứu “Phát triển du lịch sinh thái các tỉnh vùng duyên hải cực Nam Trung bộ đến năm 2020” tác giả đã làm rõ cơ sở lý thuyết có liên quan về DLST, DLST bền vững, đặc biệt DLST bền vững đối với một vùng biển - hải đảo và DLST trên các vùng nhạy cảm về môi trường khác. Từ đó đề xuất các giải pháp chủ yếu bao gồm: Nhóm giải pháp bảo vệ môi trường sinh thái và tài nguyên nhân văn liên quan đến DLST; Nhóm giải pháp tổng hợp phát triển DLST vùng, đề xuất tổ chức phân vùng quy hoạch một cách có hệ thống và khoa học không gian DLST cho hai tỉnh vùng duyên hải cực Nam Trung bộ. Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ đi sâu vào nghiên cứu loại hình du lịch sinh thái biển, một khía cạnh của DLBĐ, đồng thời ở đây vấn đề lý luận về phát triển DLBĐ chưa được đề cập.

Lê Chí Công (2014) với nghiên cứu “Xây dựng lòng trung thành của du khách đối với du lịch biển Việt Nam”. Trên cơ sở lý thuyết hành vi tiêu dùng, lòng trung thành của du khách trong lĩnh vực du lịch, nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận về lòng trung thành của du khách, các nhân tố ảnh hưởng từ đó đưa ra 03 mô hình nghiên cứu mới và kiểm định lòng trung thành của du khách, cụ thể là: Xác lập sự cần thiết phải tiếp cận chất lượng điểm đến du lịch biển; các yếu tố thuộc về điểm mạnh thái độ; các yếu tố thuộc về đặc điểm nhân khẩu học. Đồng thời trên cơ sở nghiên cứu thực trạng đề xuất các giải pháp đối với doanh nghiệp du lịch và với cơ quan quản lý du lịch biển các cấp để nâng cao lòng trung thành của du khách đối với du lịch biển Việt Nam. Tuy nhiên, ở đây vấn đề làm thể nào để DLBĐ phát triển bền vững chưa được đề cập cả trên phương diện lý luận và thực tiễn, mà nghiên cứu chú trong sâu về việc phát triển thị trường, xây dựng lòng trung thành của du khách đối với du lịch biển.

Ngoài ra, còn một số các công trình dưới dạng sách, báo, đề án, luận án,... cũng đề cập tới các vấn đề DLBĐ. Song đến nay chưa có công trình nghiên cứu nào đưa ra một cách hệ thống khái quát hóa lý luận về DLBĐ và phát triển DLBĐ để làm căn cứ, cơ sở cho việc nghiên cứu, đánh giá thực trạng phát triển DLBĐ nói chung, Vịnh BTL nói riêng, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển DLBĐ mang tính khả thi, có cơ sở khoa học. Do vậy, tác giả tiến hành nghiên cứu “Phát triển DLBĐ Vịnh BTL” nhằm đóng góp một phần nhỏ kiến thức liên quan đến một số vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển DLBĐ áp dụng cho trường hợp Vịnh BTL, tỉnh Quảng Ninh.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 09/03/2023