Hệ Thống Dịch Vụ Phụ Trợ Cho Du Lịch Biển Đảo

2.1.6.3. Cơ sở hạ tầng (CSHT)

Cơ sở hạ tầng của khu vực biển đảo có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc đẩy mạnh phát triển DLBĐ, bao gồm:

Mạng lưới và phương tiện giao thông vận tải: Giao thông vận tải có tác dụng quan trọng đối với sự phát triển của ngành du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế. Nói đến sự phát triển của giao thông vận tải có ảnh hưởng đến du lịch, chúng ta quan tâm đến cả hai phương diện. Sự phát triển về số lượng của các phương tiện vận chuyển đã làm cho mạng lưới giao thông vươn tới được mọi nơi trên trái đất. Sự phát triển số lượng các loại hình phương tiện vận chuyển sẽ làm cho hoạt động du lịch trở nên tiện lợi và mềm dẻo, có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu của du khách (Ngô Thị Diệu An và Nguyễn Thị Oanh Kiều, 2014). Đối với DLBĐ địa hình chia cắt khá phức tạp, đòi hỏi các phương tiện giao thông phục vụ di chuyển của du khách đa dạng về hình thức, đảm bảo an toàn và tiện nghi cho du khách.

Thông tin liên lạc: là một bộ phận quan trọng của CSHT phục vụ DLBĐ. Đây là điều kiện cần để đảm bảo giao lưu cho khách du lịch trong nước và quốc tế (Nguyễn Văn Đính và Trần Thị Minh Hoà, 2004). Trong đời sống hiện đại nói chung, hoạt động DLBĐ nói riêng không thể thiếu các phương tiện thông tin liên lạc.

Hệ thống cung cấp điện, nước: Khách du lịch là những người rời khỏi nơi cư trú thường xuyên. Khi rời khỏi nơi cư trú thường xuyên đến một địa điểm khác, ngoài các nhu cầu về ăn ở, đi lại,… du khách còn có nhu cầu đảm bảo về điện, nước để cho quá trình sinh hoạt được diễn ra bình thường (Nguyễn Văn Đính và Trần Thị Minh Hoà, 2004). Cho nên yếu tố điện, nước cũng là một trong những nhân tố quan trọng phục vụ trực tiếp việc nghỉ ngơi giải trí, tham quan, tìm hiểu của du khách.

Như vậy, CSHT là điều kiện thiết yếu, tiền đề, là đòn bẩy của mọi hoạt động kinh tế, trong đó có hoạt động phát triển DLBĐ của địa phương.

2.1.6.4. Phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Kinh tế - xã hội phát triển tạo điều kiện nảy sinh nhiều nhân tố khác ảnh hưởng đến du lịch, không chỉ là nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, mức sống, thời gian nhà rỗi, mà còn cả những sản phẩm về vật chất và tinh thần phục vụ cho du khách (Nguyễn Minh Tuệ, 2010) là nhân tố tác động đến cung cu lịch, thúc đẩy du lịch phát triển.

Đối với địa phương nơi có tài nguyên du lịch, kinh tế - xã hội phát triển sẽ tạo điều kiện thuận lợi về các nguồn lực tài chính, lao động để phát triển cơ sở hạ tầng nói chung, cơ sở vật chất kỹ thuật và các dịch vụ du lịch và ngược lại. Đây là nhân tố tác động đến cung du lịch của địa phương, là cơ sở để phát triển du lịch.

2.1.6.5. Tính thời vụ của du lịch biển đảo

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 222 trang tài liệu này.

Quan niệm về tính thời vụ du lịch được nhiều tác giả cùng quan điểm như sau: Tính thời vụ du lịch là sự dao động lặp đi, lặp lại hàng năm đối với cung và cầu các dịch vụ và hàng hóa du lịch, xảy ra dưới tác động của một số nhân tố nhất định. Các yếu tố mang tính tự nhiên, đặc biệt là nhân tố khí hậu quyết định đến tính thời vụ trong kinh doanh du lịch. Đây là yếu tố tác động lên cả cung và cầu trong du lịch (Nguyễn Văn Đính và Trần Thị Minh Hòa, 2004). Tuy nhiên, ở từng vùng khí hậu cụ thể thì mức độ tác động có khác nhau; ví dụ ở khí hậu hàn đới thì nhân tố này tác động lên cả cung và cầu du lịch, song ở vùng khí hậu nhiệt đới thì nhân tố này lại chỉ tác động chủ yếu đến cầu du lịch.

Đối với du lịch biển đảo các thành phần của khí hậu như cường độ ánh nắng, độ ẩm, độ mạnh và hướng gió, nhiệt độ, cùng với một số điểm khác của tài nguyên tự nhiên DLBĐ như: độ sâu, kích thước bãi tắm, nhiệt độ của nước biển,… quyết định đến mức độ tiện nghi phù hợp với việc tắm và phơi nắng của khách từ đó ảnh hưởng đến việc xác định giới hạn, độ dài ngắn của mùa vụ DLBĐ. Chẳng hạn đối với khách du lịch Bắc Âu, nhiệt độ nước biển từ 15 - 160C là phù hợp để tắm, mùa du lịch có thể kéo dài; đối với các đối tượng khách du lịch khác nhiệt độ nước biển phải từ 20 - 250C (hoặc cao hơn nữa ) mới phù hợp để tắm biển nên mùa vụ du lịch bị co ngắn lại (Nguyễn Văn Đính và Trần Thị Minh Hòa, 2004).

Phát triển du lịch biển đảo Vịnh Bái Tử Long, tỉnh Quảng Ninh - 7

Tính thời vụ trong DLBĐ mang tính phổ biến ở tất cả các nước và các vùng ven biển, đảo có hoạt động du lịch (Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, 2005). Mỗi vùng du lịch thuộc khu vực biển, đảo thường có một mùa du lịch chính, thường vào mùa hè là khoảng thời gian có cường độ tiếp nhận khách du lịch cao nhất. Độ dài của thời gian, cường độ của thời vụ DLBĐ thường ngắn và cường độ rất mạnh do phụ thuộc vào yếu tố thiên nhiên và nhu cầu của du khách.

Tính thời vụ DLBĐ ảnh hưởng bất lợi trực tiếp đến việc phát triển DLBĐ, đến tất cả các thành phần tham gia vào quá trình hoạt động du lịch, bao gồm: cư dân sở tại; chính quyền địa phương; đặc biệt là đến khách du lịch và nhà kinh doanh du lịch. Bên cạnh đó, còn ảnh hưởng đến giá trị của những tài nguyên du lịch và các ngành kinh tế khác (Ngô Thị Diệu An và Nguyễn Thị Oanh Kiều, 2014).

Vào mùa chính của DLBĐ, cầu du lịch tập trung quá lớn tại các khu vực diễn ra hoạt động DLBĐ, điều này sẽ tác động bất lợi trực tiếp tới khách du lịch, thường là sẽ gặp khó khăn trong việc tìm chỗ nghỉ ngơi thích hợp với thời gian tự chọn theo ý muốn của mình và cũng xảy ra tình trạng tập trung nhiều khách du lịch tại bến tàu,

bến cảng, trên các phương tiện giao thông, các trung tâm giải trí… Vấn đề này tác động không nhỏ đến tâm lý của khách, làm giảm tiện nghi khi đi lại, gây mệt mỏi cho khách, đồng thời việc sử dụng các cơ sở lưu trú không được thoải mái, ảnh hưởng đến việc cảm nhận giá trị tài nguyên du lịch và độ hài lòng của du khách. Và tất nhiên, việc giảm chất lượng phục vụ khách du lịch là điều không thể tránh khỏi. Ngoài ra, vào mùa cao điểm du lịch cũng sẽ gây ảnh hưởng lớn tới chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trong việc quản lý tình hình an ninh, trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn (Ngô Thị Diệu An và Nguyễn Thị Oanh Kiều, 2014).

Ngược lại, vào mùa trái du lịch, cầu du lịch giảm xuống và giảm tới mức bằng không thì đó là thời điểm ít khách hoặc không có khách, nguồn doanh thu từ du lịch giảm mạnh do lượng khách giảm. Trong khi đó, doanh nghiệp kinh doanh du lịch phải chi trả các khoản chi phí cố định lớn như khấu hao, lương nhân viên,... Chính vì thế, lợi nhuận rất thấp hoặc không có, đồng thời tác động đến việc tổ chức và sử dụng nhân lực du lịch tại địa phương, người làm hợp đồng theo thời vụ sẽ không còn việc, họ bị thất nghiệp hoặc thay thế công việc khác, điều đó ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập của những người dân làm việc này. Ngoài ra, ngay cả những nhân viên làm việc lâu dài tại các doanh nghiệp du lịch cũng có thể giảm thu nhập vào mùa trái du lịch do nguồn thu của doanh nghiệp giảm sút (Ngô Thị Diệu An và Nguyễn Thị Oanh Kiều, 2014).

Tính thời vụ du lịch tác động đồng thời lên nhiều đối tượng tham gia vào hoạt động du lịch, trong đó không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp du lịch mà kể cả những ngành nghề có liên quan khác (Ngô Thị Diệu An và Nguyễn Thị Oanh Kiều, 2014). Trong hoạt động quản lý và kinh doanh du lịch cần nhận thức mức độ tác động và tìm ra các biện pháp hạn chế đến mức thấp nhất những bất lợi do tính thời vụ du lịch gây ra. Từ đó, mang lại sự hài lòng cho du khách, tăng hiệu quả kinh doanh và góp phần vào việc bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội.

2.1.6.6. Hệ thống dịch vụ phụ trợ cho du lịch biển đảo

Hệ thống dịch vụ phụ trợ DLBĐ bao gồm các dịch vụ ngân hàng, dịch vụ mua sắm, trạm xăng dầu, thiết bị cấp cứu, các dịch vụ y tế chữa bệnh có mục đích phục vụ du lịch (chữa bệnh bằng nước khoáng, tắm bùn, tắm cát biển…) và các công trình phục vụ hoạt động thông tin văn hoá phục vụ du lịch nhằm mục đích nâng cao, mở rộng kiến thức văn hoá - xã hội cho khách du lịch, tạo điều kiện giao tiếp xã hội, tuyên truyền về truyền thống, thành tựu văn hóa xã hội của ngư dân vùng biển như trung tâm văn hoá, phòng chiếu phim, nhà hát (Nguyễn Minh Tuệ và cs., 2010)…

Hệ thống dịch vụ này tại các điểm du lịch càng phong phú sẽ góp phần làm tăng tính đồng bộ của hệ thống dịch vụ du lịch (Nguyễn Minh Tuệ và cs., 2010), giúp cho khách du lịch sử dụng thời gian rỗi một cách hợp lý, đặc biệt là các khu du lịch biển ngoài xa, cùng với các sản phẩm du lịch khác góp phần làm tăng độ hài lòng của du khách tại điểm đến, làm cho họ cảm thấy thoải mái trong chuyến đi của mình tại khu du lịch. Ngược lại, dịch vụ phụ trợ nghèo nàn, đơn điệu, chất lượng thấp là sự bất tiện cho khách du lịch, đặc biệt là khách lưu trú về việc sử dụng thời gian nhàn rỗi của mình.

Như vậy, các dịch vụ phụ trợ cũng là yếu tố quan trọng cần tính đến trong sự đồng bộ phát triển DLBĐ, nó ảnh hưởng tới nhu cầu của khách trong toàn bộ chuyến đi; đây là yếu tố góp phần không nhỏ vào sự hài lòng của khách du lịch tại điểm đến.

2.1.6.7. Năng lực các doanh nghiệp và môi trường kinh doanh du lịch

Năng lực năng lực về tài chính, tổ chức sản xuất, quản lý kinh doanh, phân phối sản phẩm, nguồn nhân lực tác động tới số lượng và chất lượng sản phẩm du lịch cung cấp cho khách tại điểm đến. Do vậy năng lực của các doanh nghiệp cao hay thấp ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng, giá cả các sản phẩm dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu du khách, là một yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến cung du lịch..

Đối với các doanh nghiệp lữ hành, năng lực cạnh tranh tour du lịch, bao gồm các hoạt động xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu, marketing nhằm thu hút khách du lịch, mở rộng phát triển thị trường là yếu tố ảnh tác động tới cầu du lịch.

Môi trường kinh doanh ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch và phát triển thị trường. Môi trường thuận lợi sẽ thu hút được các doanh nghiệp đến đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh du lịch, qua đó làm phong phú thêm các sản phẩm, dịch vụ cho điểm đến góp phần phát triển du lịch.

2.1.6.8. Môi trường tự nhiên và sự đảm bảo về an ninh- quốc phòng

Hoạt động DLBĐ là hoạt động du lịch tại khu vực biển đảo, chủ yếu dựa vào khai thác nguồn tài nguyên biển đảo, đây là nguồn tài nguyên có tính đa dạng sinh học lớn, mức độ nhạy cảm của môi trường cao. Vì vậy môi trường tự nhiên biển đảo ảnh hướng trực tiếp đến quá trình phát triển DLBĐ. Nếu môi trường tự nhiên trong lành, xanh, sạch, đẹp, chưa bị ô nhiễm góp phần thu hút khách du lịch, thuận lợi để phát triển các loại hình sinh thái, nghỉ dưỡng,..và ngược lại môi trường tự nhiên

biển đảo bị xâm hại, ô nhiễm sẽ làm cản trở cho quá trình phát triển DLBĐ, là vấn đề đặt ra cho sự phát triển du lịch bền vững.

Vùng ven biển của Việt Nam là cửa mở ra khu vực và thế giới qua biển Đông, đây là lãnh thổ rất nhạy cảm về an ninh quốc phòng với nhiệm vụ đảm bảo chủ quyền lãnh thổ trên biển, đảo và đất liền (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, 2013). Vì vậy, trong phát triển DLBĐ, sự đảm bảo quốc phòng - an ninh có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, tạo môi trường ổn định, hòa bình cho đất nước và tâm lý an toàn cho khách tới tham quan.

Trên thực tế, những đất nước hòa bình, ổn định thường thu hút đông đảo du khách tới tham quan. Điển hình như các nước Bắc Âu, Tây Âu,… Tình hình quốc phòng, an ninh, chính trị ổn định làm cho du khách yên tâm tự do thưởng ngoạn, khám phá, giao lưu với người dân bản địa một cách vui vẻ, hòa đồng, không phải lo sợ tình hình giảm đi tính hấp dẫn và lý thú của chuyến đi. Ngược lại những quốc gia có tình hình quốc phòng, an ninh, chính trị bất ổn (tranh chấp chủ quyền, khủng bố,

…) ảnh hưởng lớn không chỉ đến lượng du khách, mà còn kéo theo các tài nguyên du lịch có thể bị tàn phá (Nguyễn Minh Tuệ và cs., 2010).

Đảm bảo trật tự an toàn xã hội cho DLBĐ tác động không nhỏ đến độ hài lòng của du khách tại điểm đến. Tại các điểm du lịch, với nhiều đối tượng khách khó có thể kiểm soát được, mặt trái của nó là sẽ phát sinh, gia tăng tệ nạn xã hội thông qua hoạt động cung ứng nhu cầu cho khách. Đồng thời việc phân bố lợi ích và chi phí du lịch trong nhiều trường hợp không công bằng sẽ gây ra mâu thuẫn xung đột, chèo kéo khách giữa các hộ kinh doanh du lịch, sẽ làm giảm độ hài lòng của khách.

Như vậy, môi trường tự nhiên biển đảo trong lành và quốc phòng - an ninh điểm đến đảm bảo là đòn bẩy cho hoạt động du lịch, là nhân tố quan trọng ảnh hưởng không nhỏ tới sự thành bại của ngành du lịch nói chung, DLBĐ nói riêng.

2.1.6.9. Nhận thức xã hội về phát du lịch biển đảo và tham gia của cộng đồng địa phương vào hoạt động du lịch

Nhận thức xã hội về du lịch được nâng cao, các ngành, các cấp, cộng đồng quan tâm tới phát triển du lịch, bảo vệ môi trường tự giác và tích cực xây dựng điểm đến an toàn, có thái độ thân thiện, mến khách, nếp sống văn minh, lịch sự là điều kiện, môi trường thuận lợi để phát triển du lịch.

Trong hoạt động du lịch cộng đồng địa phương là người kiểm soát các giá trị về mặt tài nguyên du lịch để hỗ trợ du khách có cơ hội tìm hiểu và nâng cao nhận thức của mình khi có cơ hội tiếp cận hệ thống tài nguyên du lịch tại không gian sinh sống của cộng đồng địa phương (Nguyễn Văn Chất và Dương Đức Minh, 2013).

Du lịch được biết đến là ngành kinh tế tổng hợp có tính xã hội hóa cao, mang tính liên vùng. Vì vậy, hoạt động phát triển du lịch có thể thu hút và cần sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế và cộng đồng xã hội. Đây được xem là một trong những điểm mạnh của du lịch so với các ngành kinh tế khác.

Đối với phát triển du lịch biển đảo không thể tách rời phát triển cộng đồng ở khu vực biển đảo. Việc chia sẻ lợi ích với cộng đồng địa phương từ hoạt động du lịch sẽ góp phần hạn chế đáng kể sức ép của cộng đồng lên tài nguyên khu vực biển đảo, đồng thời sẽ khuyến khích họ trở thành chủ nhân thực sự đóng góp vào nỗ lực chung bảo tồn tài nguyên biển đảo và phát huy các giá trị di sản, văn hóa khu vực biển đảo.

2.1.6.10. Tác động của biến đổi khí hậu

Theo tác giả Phạm Trung Lương (2016), biến đổi khí hậu sẽ tác động trực tiếp đến 3 nhóm đối tượng chủ yếu của DLBĐ bao gồm: tài nguyên du lịch; hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và hoạt động lữ hành, cụ thể như sau:

- Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến tài nguyên du lịch: (i) Làm thay đổi các điều kiện sinh khí hậu và do vậy ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng, phát triển, thậm chí là tồn tại của nhiều hệ sinh thái, các loài sinh vật quý hiếm, đặc hữu có giá trị du lịch. (ii) Làm xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan với quy mô và cường độ lớn không theo những quy luật truyền thống như bão, lũ, và hệ quả là ngập úng kéo dài sẽ gây hư hại, thậm chí làm mất đi nhiều di tích lịch sử văn hóa được xem là dạng tài nguyên du lịch đặc biệt có vai trò quan trọng để phát triển du lịch.

- Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông được xem là “cầu nối” giữa “cung” và “cầu” du lịch. Hoạt động cung cấp điện, nước cho nhu cầu du lịch cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ với cường độ mạnh sẽ gây hư hại, thậm chí trong nhiều trường hợp sẽ là hư hỏng hoặc mất đi các công trình xây dựng, trong đó có có các công trình dịch vụ du lịch.

- Biến đổi khí hậu với những biểu hiện về sự thay đổi quy luật thời tiết và sự xuất hiện ngày càng tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, sẽ có những tác động tiêu cực đến hoạt động lữ hành, việc tổ chức thực hiện các chương trình du lịch, gây ảnh hưởng không chỉ đối với hoạt động kinh doanh du lịch mà còn gây ảnh hưởng đến quyền lợi và trong một số trường hợp gây nguy hiểm cho tính mạng của du khách.

2.2. CƠ SỞ THỰC TIỄN VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BIỂN ĐẢO

2.2.1. Kinh nghiệm của một số nước về phát triển du lịch biển đảo

2.2.1.1. Kinh nghiệm của Indonesia về xây dựng thành công du lịch biển đảo Bali

Indonesia là một quốc gia với tập hợp quần đảo rộng lớn, rừng nhiệt đới có diện tích lớn nhất so với các nước Đông Nam Á. Indonesia có nhiều thiên đường biển đảo đẹp, nổi tiếng trên thế giới. Vùng biển đảo Bali trước đây là vùng kém phát triển, hoang sơ, nhưng có tài nguyên du lịch tự nhiên biển đảo khá phong phú cùng với nền văn hóa truyền thống đặc sắc là điều kiện thuận lợi để Indonesia phát triển DLBĐ (Đinh Sỹ Kiệm, 2013). Với các chính sách đúng đắn, đặc biệt là sự năng động của chính quyền địa phương, cùng sự tham gia của cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp du lịch - dịch vụ, các tổ chức phi chính phủ,… đã làm thay đổi một vùng biển đảo hoang sơ trước kia thành khu du lịch sinh thái biển đảo thiên đường nổi tiếng trên giới. Tổng kết thực tiễn về phát triển du lịch của Bali các chuyên gia đã rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Kinh nghiệm về vai trò hoạch định, quản lý của chính quyền Indonesia đối phát triển DLBĐ Bali: Chính quyền đã có các chính sách nhất quán, ưu đãi hấp dẫn chính sách về đất đai, thuế để thu hút đầu tư phát triển du lịch cùng với việc lập và thực hiện các quy hoạch đồng bộ có sự nghiên cứu, tham gia của các bên có liên quan. CSHT, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch từng bước được đầu tư đồng bộ và đột phá nên đã xây dựng thành công hạ tầng DLBĐ Bali.

Một kinh nghiệm quan trọng được rút ra đó là tận dụng, kết hợp hài hòa các nguồn tài nguyên du lịch; khai thác tối đa tài nguyên du lịch nhân văn trong phát triển DLBĐ (Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, 2005). Các doanh nghiệp du lịch biết lựa chọn những nội dung nổi trội đặc sắc về văn hóa của địa phương với sự tham gia chủ động của cộng đồng để tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa đáp ứng nhu cầu du khách. Thông thường các nước thuộc khối Asean, khi khai thác phát triển du lịch sinh thái biển đều dựa vào tài nguyên thiên nhiên là chính

(chiếm tỷ trọng 90%) và tài nguyên văn hóa (ở mức 10%), nhưng đối với Indonesia các tỷ lệ này có thể khác là 60% dựa vào thiên nhiên, 40% dựa vào yếu tố văn hóa (Galot Sudarto, 2008). Phát triển loại hình du lịch nhân văn khu vực biển đảo dựa trên yếu tố văn hóa đã giúp cho người dân trong cộng đồng của Bali không chỉ tự hào hơn về bản sắc văn hóa của mình mà còn là công cụ giúp cải thiện điều kiện kinh tế, bảo tồn, được sử dụng để quảng bá hình ảnh phát triển DLBĐ bền vững của Bali.

2.2.1.2. Kinh nghiệm phát triển du lịch biển đảo của Malaysia

Ở trung tâm của Đông Nam Á, Malaysia - một thiên đường nhiệt đới vô cùng hấp dẫn có nguồn tài nguyên biển đảo khá phong phú (Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, 2005); DLBĐ Malaysia phát triển mạnh, có các điểm du lịch biển: Langkawi (Kedah), Pulau Payar (Kedah), Pantai Merdeka (Kedah), Công viên biển của Malaysia là những điểm đến hấp dẫn với du khách, là thiên đường biển đảo. Có được kết quả đó là do Malaysia có các chiến lược hướng thẳng vào nội dung của phát triển DLBĐ với việc xây dựng, định vị thương hiệu điểm đến quốc gia và phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch chuyên sâu, đặc thù.

Chiến lược định vị thương hiệu điểm đến đã làm cho Malaysia luôn được biết tới với thương hiệu “Truly Asia” (Châu Á đích thực). Trong chiến lược chung của Malaysia về chuyển dịch kinh tế, ngành du lịch xây dựng kế hoạch chuyển dịch phát triển du lịch tập trung vào việc phát triển sản phẩm và thị trường khách mục tiêu có khả năng chi trả cao, đẩy mạnh chương trình tiêu dùng của khách du lịch.

Phát triển sản phẩm DLBĐ trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu hiện nay, Malaysia xác định phải có những sáng kiến và cải tiến tập trung vào tổ chức các sự kiện tầm quan trọng quốc gia gồm: “Malaysia ngôi nhà thứ 2 của tôi”, khuyến khích người nước ngoài mua nhà tại Malaysia để đi lại nghỉ ngơi, du lịch và kéo theo người thân, bạn bè tới du lịch tại đây. Ngoài ra, Malaysia cũng tập trung vào duy trì và khuyếch trương sản phẩm du lịch mua sắm. Tập trung đa dạng hóa phát triển các loại hình DLBĐ cao cấp, mạo hiểm biển, du lịch chữa bệnh, du lịch giáo dục và cuối cùng là du lịch MICE. Các sản phẩm DLBĐ được ưu tiên phát triển, đa dạng hóa, bao gồm (Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, 2005): Du thuyền, chèo thuyền, thuyền buồm (yachting, sailing and boating); Lặn có bình khí (Scuba diving); Câu cá giải trí (Sports fishing).

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 09/03/2023