khách trong khi một số khác vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ. Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm, những đặc điểm tự nhiên nói trên cũng dẫn đến một hạn chế là khó phát triển các loại hình du lịch thể thao, mạo hiểm... tại bãi biển của Nghệ An.
Cửa Lò là bãi biển được đưa vào khai thác từ rất sớm và hiện là nơi thu hút khách du lịch chính của Nghệ An. Cơ sở hạ tầng và hệ thống dịch vụ du lịch tại đây tương đối hoàn thiện so với các khu du lịch khác của tỉnh. Bãi biển này dài hơn 8 km, cát trắng mịn và phẳng, nước biển trong xanh, độ mặn vừa phải. Cảnh quan của Cửa Lò được tăng thêm vẻ đẹp bởi hệ thống đảo ven biển. Ngoài Cửa Lò, một số bãi tắm khác như Diễn Thành, cửa Hiền (Diễn Châu); Quỳnh Phương, Đông Hồi và nhiều bãi tắm ở huyện Quỳnh Lưu; bãi Lữ, mũi Rồng (Nghi Lộc) mới hoặc sắp đưa vào khai thác cũng nhận được sự đánh giá cao của du khách do còn nguyên giá trị hoang sơ ít bị tác động của con người, bãi cát dài, phẳng, sóng nhẹ, được tô điểm thêm bởi những rặng phi lao xanh tốt và những dải núi đá ngoi ra biển. Với cảnh quan vừa có biển, vừa có núi, những nơi này có thể tổ chức được nhiều loại hình du lịch biển, đảo hấp dẫn.
Bên cạnh hệ thống bãi tắm, Nghệ An còn có một lợi thế không nhỏ do sở hữu nhiều đảo ven biển rất giá trị về kinh tế, an ninh và quốc phòng. Một số đảo có cảnh quan đẹp, bãi tắm cát trắng, hệ sinh thái rừng nhiệt đới có tính đa dạng sinh học caovà rất nguyên sơ hội tụ đủ điều kiện để phát triển các khu du lịch sinh thái cao cấp đẳng cấp quốc tế, ví dụ như: Hòn Ngư, Hòn Mắt, Lan Châu...
Đồng thời, dọc theo bờ biển Nghệ An có nhiều khu rừng tái sinh, rừng ngập mặn, rặng phi lao xanh tốt, cảnh quan thiên nhiên đẹp, đa dạng sinh học cao, không khí trong lành tạo thuận lợi để xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái, công viên…
Ngoài ra, Nghệ An có 6 cửa lạch (lạch Cờn, lạch Quèn, lạch Thới, lạch Vạn, Cửa Lò, Cửa Hội) với độ sâu từ 1-3,5m thuận lợi cho tàu thuyền ra vào. Biển Nghệ An có nhiều loại hải sản có trữ lượng lớn và giá trị kinh tế cao, hàng năm sản lượng khai thác từ 20-25 ngàn tấn. Đây là những lợi thế rất lớn có thể dựa vào để phát triển các loại hình dịch vụ du lịch biển, đảo (giao thông, giải trí, ẩm thực...).
3.1.1.5. Các tài nguyên du lịch khác
Bên cạnh tài nguyên du lịch biển, đảo, Nghệ An cũng có một hệ thống rất đa dạng nhiều nguồn tài nguyên tự nhiên khác có thể phục vụ phát triển du lịch và bổ sung cho du lịch, biển đảo như hệ sinh thái động, thực vật phong phú, đa dạng. Với diện tích đất rừng chiếm hơn 40% diện tích toàn tỉnh, Nghệ An có một thảm thực vật đa dạng. Rừng Nghệ An có hơn 1.500 loài thực vật bậc cao, ngoài ra là hàng nghìn loài thảo mộc, thân leo và thân bò. Nghệ An có khá nhiều các danh lam thắng cảnh tự nhiên như các hang động và nhiều thác nước ở phía Tây Nghệ An. Ngoài ra, do đặc điểm thủy văn, Nghệ An có hệ thống ao, hồ tự nhiên và nhân tạo diện tích lớn, cảnh quan đẹp có thể khai thác phát triển du lịch. Bên cạnh đó còn có nguồn nước khoáng và suối nước nóng có tác dụng chữa bệnh, nâng cao sức khỏe. Một số địa điểm của Nghệ An chứa đựng các tài nguyên du lịch nói trên được khá nhiều người biết đến là Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Rừng Bần, Hang Thẩm Ồn, Hang Bua, Thác Khe Hèm, Sao Va...
3.1.1.6. Những lợi thế và bất lợi về điều kiện tự nhiên cho phát triển du lịch biển đảo
Có thể bạn quan tâm!
- Sự Khác Nhau Giữa Điểm Đến Du Lịch, Điểm Du Lịch Và Địa Điểm Du Lịch
- Khái Niệm Năng Lực Cạnh Tranh Của Điểm Đến Du Lịch
- Điều Kiện Phát Triển Du Lịch Biển, Đảo Của Nghệ An
- Thực Trạng Phát Triển Du Lịch Biển, Đảo Tại Nghệ An
- Tỷ Trọng Đóng Góp Của Các Địa Phương Vào Tổng Doanh Thu Du Lịch Biển,
- Tỷ Trọng Đầu Tư Vào Du Lịch Biển, Đảo Nghệ An Theo Địa Phương
Xem toàn bộ 184 trang tài liệu này.
Với những đặc điểm tự nhiên nêu trên, có thể kết luận rằng so với nhiều địa phương khác trong cả nước, Nghệ An được đánh giá có khá nhiều tiềm năng và lợi thế về tự nhiên để phát triển du lịch biển, đảo. Nổi bật nhất là đường bờ biển dài với nhiều bãi tắm đẹp, nhiều đảo ven biển và thắng cảnh biển. Bổ sung cho lợi thế tự nhiên về du lịch biển, đảo là hệ thống các danh thắng tự nhiên khác cũng như vị trí đắc địa ngã tư giao cắt trục giao thông Bắc - Nam và hành lang giao thông Đông - Tây thông ra biển Đông. Đặc điểm địa hình, sông ngòi, khí hậu, thời tiết cũng tạo ra mốt số lợi thế nhất định.
Tuy nhiên, phải khách quan nhận thấy rằng những lợi thế nói trên chỉ dừng lại ở việc đáp ứng những nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí cơ bản. Sự đặc biệt, nổi trội, khác biệt về điều kiện tự nhiên có lẽ chưa so sánh được với những điểm đến hàng đầu của Việt Nam về du lịch biển, đảo (như Quảng Ninh có vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới hay các địa phương phía Nam có điều kiện khí hậu thuận
lợi khai thác quanh năm). Các địa phương gần Nghệ An như Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… cũng có nhiều đặc điểm tương đồng về du lịch biển, đảo trong đó một số tỉnh lại gần thị trường lớn nhất miền Bắc là Hà Nội hơn. Với những điều kiện tự nhiên như vậy thì tương đối khó để xây dựng du lịch biển, đảo của Nghệ An có hình ảnh mang tính biểu trưng của du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, Nghệ An cũng phải đối mặt với một số bất lợi không nhỏ về mặt tự nhiên. Như đã phân tích trên đây, bất lợi lớn nhất là khí hậu mang tính mùa vụ rõ rệt. Việc khai thác kém vào mùa lạnh ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của các dự án đầu tư vào du lịch.
3.1.2. Điều kiện lịch sử, văn hóa
Thiên nhiên khắc nghiệt, lịch sử lắm gian nan, thử thách đã tạo nên những nét đặc trưng về con người và văn hóa của Nghệ An. Người dân xứ Nghệ nổi tiếng vì học giỏi, cần cù, sáng tạo, trung nghĩa, ý chí sắt đá, đoàn kết và yêu nước. Vì thế, người Nghệ An luôn có những đóng góp quan trọng vào tiến trình dựng nước, giữ nước của dân tộc. Vùng đất địa linh, nhân kiệt này đã sản sinh ra nhiều bậc anh hùng tài cao chí lớn, nhiều danh nhân văn hóa, nghệ thuật làm rạng danh Tổ quốc. Rất nhiều người con ưu tú của Nghệ An đã trở thành những ngôi sao sáng trong lịch sử cận đại và hiện đại Việt Nam, tiêu biểu nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới.
Do lịch sử lâu đời, Nghệ An có văn hóa đa dạng, độc đáo, với nhiều bản sắc riêng trong sự hài hoà thống nhất của nền văn hoá Việt Nam. Bên cạnh nền văn hoá đương đại sống động, Nghệ An còn có một kho tàng di sản văn hoá vô cùng phong phú, đặc sắc. Đó là hàng loạt di tích lịch sử văn hoá và rất nhiều giá trị văn hoá phi vật thể như văn học thành văn và văn học dân gian, ngôn ngữ, âm nhạc dân gian, múa dân gian, triết lý dân gian, phong tục tập quán… Đồng thời, là một tỉnh có nhiều dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều mang một bản sắc văn hóa, tập tục, ngôn ngữ riêng giàu truyền thống, Nghệ An là xứ sở của nền văn hóa dân gian đặc sắc với những điệu hò, hát phường vải, hát đò đưa và nhiều lễ hội… Bất kỳ lễ hội nào của tỉnh Nghệ An đều có những loại hình sinh hoạt văn hóa đặc sắc
này. Các di tích, di sản lịch sử, văn hóa của Nghệ An đều gắn liền với tên tuổi của các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, truyền thuyết, sự kiện lịch sử thuộc nhiều dân tộc khác nhau.
Hiện nay, ở Nghệ An có khoảng 1049 di tích, danh thắng, trong đó có 186 di tích, danh thắng đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Nhiều di tích đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn như: Khu di tích văn hóa, lịch sử Kim Liên - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, di tích vua Mai Hắc đế và nhà cách mạng Phan Bội Châu, núi Quyết, Phượng Hoàng-Trung Đô, đền thờ vua Quang Trung, đền ông Hoàng Mười, chùa Ngư, đền thờ Cương quốc công Nguyễn Xý, đền Cuông, đền Cờn, đình làng Quỳnh Đôi, di chỉ khảo cổ học Quỳnh Văn, v.v… Khá nhiều di tích, di sản lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của Nghệ An gắn với vùng duyên hải. Cụ thể, vùng ven biển Nghệ An có trên 324 di tích lịch sử văn hoá, chiếm 31% tổng số, trong đó có 50 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh.Ngoài ra, vùng duyên hải Nghệ An còn có nhiều làng nghề truyền thống như mây tre đan, làm muối, làm nước mắm…
Bên cạnh các di tích lịch sử văn hoá, Nghệ Ancòn có nhiều di sản văn hóa và ẩm thực. Nổi bật trong số đó là những lễ hội cổ truyền. Một số diễn ra trên sông nước như lễ hội Cầu Ngư, Rước hến, Đua thuyền… Lễ hội làm sống lại những kỳ tích lịch sử được nâng lên thành huyền thoại, giàu chất sử thi, đậm đà tính nhân văn như lễ hội đền Cuông, lễ hội làng Vạn Lộc, làng Sen, lễ hội văn hóa - du lịch Cửa Lò... Miền núi có các lễ hội như Hang Bua, lễ hội Xàng Khan, lễ Mừng nhà mới, lễ Uống rượu cần. Ngoài lễ hội thì các dân tộc tại Nghệ An còn lưu giữ những làn điệu dân ca, hò vè, hát ví dặm, ca trù hết sức phong phú… Văn hóa ẩm thực của Nghệ An cũng rất đa dạng, đặc sắc. Vùng đồng bằng Nghệ An có nhiều đặc sản hấp dẫn khách du lịch như: tôm, cua, ghẹ, mực nháy, cơm lam, nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn, cà pháo Nghi Lộc, cháo lươn Vinh, cam xã Đoài, nước mắm Vạn Phần…
Những đặc trưng lịch sử, văn hóa, nghệ thuật nói trên có một giá trị hết sức to lớn đối với việc phát triển du lịch, trong đó có du lịch biển, đảo. Khi mà trình độ, điều kiện kinh tế ngày càng tăng lên, nhu cầu thưởng thức, hưởng thụ của du khách không chỉ dừng lại ở những dịch vụ cơ bản mà sẽ hướng đến những dịch vụ ở nấc
thang cao hơn, trong đó có lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Khác với lợi thế tự nhiên, đặc trưng lịch sử, văn hóa, nghệ thuật chính là điểm nhấn tạo ra sự khác biệt giữa Nghệ An với các địa phương lân cận. Bổ sung, kết hợp hài hòa những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật với lợi thế tự nhiên về biển, đảo sẽ tạo ra thêm rất nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn. Ngoài du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng thì một loạt các loại hình khác có thể dựa vào đây để phát triển như du lịch tìm hiểu lịch sử, du lịch văn hóa, du lịch di sản, du lịch cộng đồng, du lịch lễ hội - tín ngưỡng…
Văn hóa, lịch sử lâu đời, đa dạng, đặc sắc với nhiều di tích, di sản là lợi thế hết sức to lớn bổ sung thêm giá trị cho các điều kiện về mặt tự nhiên để phát triển du lịch biển, đảo tại Nghệ An. Tuy nhiên, việc có số lượng quá nhiều dễ dẫn đến sự phân tán, dàn trải, không có điểm nhấn tạo ra ấn tượng sâu đậm cho du khách. Để đem lại kết quả tối ưu từ lợi thế này, Nghệ An cần đưa ra được một số di tích, di sản trọng điểm để ưu tiên đầu tư, phát triển và quảng bá.
3.1.3. Điều kiện nhân khẩu, kinh tế, xã hội
3.1.3.1. Nhân khẩu
Nghệ An là tỉnh có dân số tương đối lớn, tới nay đã đạt quy mô hơn 3 triệu người, đứng thứ tư trong cả nước. Khoảng 1,8 triệu trong số đó trong độ tuổi lao động. Phân bố dân cư, lao động của Nghệ An không đồng đều trong đó vùng đồng bằng là nơi tập trung lớn nhất.Xét về cơ cấu theo độ tuổi, lao động phần lớn là trẻ và sung sức. Dân số trong độ tuổi 20-40 chiếm hơn 50% lực lượng lao động. Lực lượng lao động của Nghệ An như vậy rất phù hợp cho các hoạt động kinh tế.Về trình độ chuyên môn, lực lượng lao động của Nghệ An có chất lượng chưa cao, chưa phù hợp với yêu cầu đặt ra của thị trường lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo mới chiếm gần 40%, tập trung vào một số nghề như cơ khí, lái xe, may mặc, điện dân dụng… Những nghề như chế biến, nuôi trồng nông, lâm, thủy sản, vật liệu xây dựng… có ít lao động được đào tạo. Ngay cả lao động đã qua đào tạo thì trình độ tay nghề mới ở mức cơ bản. Những lao động có trình độ học vấn cao, chuyên môn sâu thường rời Nghệ An tới làm việc ở những trung tâm kinh tế lớn của đất nước.
Về chuyển dịch cơ cấu lao động, những năm qua tỉnh Nghệ An đã đạt được một số thành tựu cơ bản và quan trọng. Tỷ lệ lao động nông, lâm, ngư nghiệp có xu hướng giảm nhanh, từ mức 80% cuối thế kỷ 20 xuống khoảng 65% gần đây.
Đặc điểm dân số, lao động nói trên đem lại cả ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực tới phát triển du lịch biển, đảo của Nghệ An. Một mặt, dân số đông và tập trung ở vùng duyên hải tạo ra nguồn khách tại chỗ rất quan trọng đối với du lịch biển, đảo. Lao động dồi dào là nguồn cung ứng lao động cho ngành du lịch. Ngoài ra, với trình độ giáo dục khá, tư chất tốt cộng nhiều đức tính đáng quý và giá còn rẻ, lao động của Nghệ An cũng tạo ra những lợi thế cạnh tranh nhất định cho ngành du lịch của tỉnh. Tuy nhiên, do chất lượng nguồn nhân lực của Nghệ An vẫn yếu nên chưa đáp ứng được yêu cầu của các dịch vụ du lịch chất lượng cao. Đồng thời, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm do dân số và lao động lớn cũng tạo ra nhiều tệ nạn xã hội, gây ảnh hưởng tiêu cực tới phát triển du lịch.
3.1.3.2. Kinh tế
Nghệ An là địa phương có trình độ phát triển nhất khu vực Bắc Trung Bộ với cơ cấu các ngành kinh tế tương đối đa dạng. Trong những năm qua, Nghệ An đã thu được nhiều thành tích ấn tượng về mở rộng sản lượng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế (Nguyễn Thành Vượng, 2012).
Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của Nghệ An thời kỳ 2006-2013 đạt 9%. So với cả nước thời kỳ này thì tốc độ tăng trưởng của Nghệ An cao hơn 3%/năm, chứng tỏ sự vươn lên tương đối của Nghệ An trên bản đồ kinh tế toàn quốc.
Cơ cấu kinh tế của Nghệ An cũng thay đổi khá nhanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp dần nhường chỗ cho công nghiệp và dịch vụ. Năm 2003, trong tổng GDP toàn tỉnh, nông nghiệp đóng góp 38%, công nghiệp đóng góp 26% và dịch vụ đóng góp 36%. Những con số tương ứng năm 2013 là 26%, 32% và 42%. Dịch vụ cũng là một lĩnh vực được ưu tiên phát triển ở Nghệ An. Nhờ đó, dịch vụ đã trở nên ngày càng đa dạng và tăng trưởng khá, đạt mức bình quân 10,5%/năm thời kỳ 2006-2013. Do thành tích tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu nhập của phần lớn các tầng lớp dân cư đã không
ngừng tăng lên. Từ mức 5 triệu VNĐ/năm năm 2002, thu nhập bình quân của người dân Nghệ An đến năm 2013 đã đạt tới 23,5 triệu VNĐ.
Như đã phân tích trước đây, du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp đòi hỏi có sự tham gia, bổ trợ của rất nhiều ngành sản xuất, dịch vụ. Chính vì thế, những thay đổi mạnh mẽ về kinh tế nói trên đã tạo ra những điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển du lịch. Kinh tế phát triển còn làm tăng cơ hội giao thương, kinh doanh, qua đó sẽ có nhiều khách thương gia đến với Nghệ An và quảng bá về hình ảnh du lịch của Nghệ An. Ngoài ra, do thu nhập của nhân dân được cải thiện, nhu cầu tiêu dùng của dân cư Nghệ An đã mở rộng từ các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu sang nhiều mặt hàng cao cấp hơn, trong đó có cả du lịch. Nguồn khách tại chỗ này cũng là động lực hết sức quan trọng để mở rộng, phát triển các cơ sở, dịch vụ, sản phẩm du lịch.
Mặc dù có được nhiều thành tích nêu trên, kinh tế Nghệ An vẫn tồn tại nhiều yếu kém. Những bất cập lớn nhất là hiệu quả của các dự án đầu tư còn thấp, chưa có dự án tạo đột phá cho phát triển kinh tế, quy mô nền kinh tế còn nhỏ và quản lý quy hoạch đất đai, khai thác, chế biến khoáng sản chưa tốt, thủ tục hành chính còn nhiêu khê… Những bất cập này hạn chế tương đối việc mở rộng năng lực cung ứng du lịch, đồng thời này có thể dẫn đến việc phá hoại môi trường, cảnh quan, làm giảm đi giá trị của các tài nguyên du lịch.
3.1.3.3. Xã hội
Ngoài thành tích phát triển kinh tế, các vấn đề xã hội ở Nghệ An nhìn chung cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Giáo dục, đào tạo có chất lượng được cải thiện, hoạt động khoa học, công nghệ đã từng bước hướng vào phục vụ sản xuất và đời sống. Công tác chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng được nâng cao. An sinh xã hội, giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo cũng thu được những thành tích ấn tượng. Nhờ đó, tỷ lệ thất nghiệp cũng như tỷ lệ hộ nghèo đều giảm, đời sống của các tầng lớp dân cư được cải thiện. Ngoài ra, các hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục thể thao cũng phát triển rộng khắp toàn tỉnh, làm phong phú thêm đời sống vật chất lẫn tinh thần của nhân dân. Những thay đổi này về cơ bản đem lại ấn tượng tốt về hình ảnh của Nghệ An, do đó ảnh hưởng tích cực tới phát triển du lịch biển, đảo.
Tuy nhiên, do dân số đông, nguồn lực lại hạn chế, nhiều vấn đề xã hội vẫn tồn tại dai dẳng, nhức nhối ở nhiều địa phương, mặc dù có chuyển biến nhưng nhiều kết quả chưa bền vững. Nổi bật trong số đó là chất lượng giáo dục toàn diện chưa cao và có sự chênh lệch giữa vùng núi và đồng bằng, cơ sở khám chữa bệnh chưa đáp ứng được yêu cầu, chênh lệch giàu nghèo gia tăng, tỷ lệ đói nghèo vẫn cao, thất nghiệp và thiếu việc làm vẫn căng thẳng, tai nạn giao thông còn nhức nhối, tệ nạn xã hội (nghiện hút, mại dâm, cướp giật, ăn xin, lừa đảo…) diễn biến phức tạp. Thực trạng này có tác động tiêu cực không nhỏ tới phát triển du lịch biển, đảo. Đặc biệt, việc chưa kiểm soát được tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội đã giảm đáng kể sự hấp dẫn của du lịch Nghệ An.
3.1.3.4. Những lợi thế và bất lợi về điều kiện nhân khẩu, kinh tế, xã hội ảnh hưởng đến phát triển du lịch biển, đảo
Như vậy về nhân khẩu, kinh tế, xã hội, lợi thế lớn nhất mà Nghệ An có được để phát triển du lịch biển, đảo là sự đa dạng và tăng trưởng nhanh của các ngành nghề kinh tế, thu nhập của dân cư đang không ngừng tăng lên và nguồn lao động dồi dào. Tuy vậy, những lợi thế này chỉ phù hợp nhất với các loại hình du lịch phổ thông, truyền thống. Để phát triển được các dịch vụ du lịch cao cấp, giá trị gia tăng cao thì cần phải khắc phục rất nhiều hạn chế hiện nay như thu nhập của phần lớn dân cư vẫn thấp, trình độ nguồn nhân lực còn yếu, tệ nạn xã hội còn phức tạp…
Tóm lại, các điều kiện về dân số, lao động, kinh tế, xã hội… của Nghệ An đều có tác động hai mặt lên phát triển du lịch biển, đảo. Khai thác, tận dụng ảnh hưởng tích cực, đồng thời khắc phục, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực là mục tiêu cần phải hướng tới nhằm phát triển du lịch biển, đảo có kết quả cao nhất.
3.1.4. Điều kiện hạ tầng
Với vị trí trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ và là nơi giao cắt trục giao thông Bắc - Nam và hành lang Đông - Tây ra biển Đông, Nghệ An có tương đối nhiều điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng. Một số lượng khá hệ thống cơ sở hạ tầng do quốc gia phát triển, quản lý chạy qua địa bàn của Nghệ An, tạo nền tảng quan trọng để tỉnh đấu nối với hệ thống do mình chịu trách nhiệm.