Phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trong phát triển bền vững Tây Nguyên hiện nay - 5


lại những giá trị đó tiếp tục truyền lại cho đời sau. Bằng lối kể chuyện độc đáo, những pho sử đặc biệt của Tây Nguyên tạo nên niềm hứng khởi, thích thú, tò mò cho thế hệ trẻ. Có lẽ đây là điều mà giới học giả cần phải kế thừa nếu muốn giáo dục truyền thống, để không biến những giá trị thiêng liêng trong lịch sử, văn hóa dân gian thành những thứ khô khan bị chính hậu nhân của mình chối bỏ.

Thứ tư, hoạt động sáng tạo làm nên một đời sống tâm linh và tín ngưỡng mang bản sắc độc đáo của các cộng đồng người dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Tôn giáo, tín ngưỡng, nghi lễ, lễ hội, ở Tây Nguyên ra đời trên cơ sở phương thức canh tác nương rẫy và tín ngưỡng vạn vật hữu linh, dẫn tới các lễ hội ở Tây Nguyên nặng về tính lễ hơn tính hội. Các nghi lễ gắn liền với vòng đời và lịch mùa vụ của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Từ lúc chào đời cho đến lúc chết đi, đều gắn liền với các nghi lễ thiêng liêng. Từ lễ thổi tai để đón chào sự ra đời của một đứa bé, đến lễ cúng trưởng thành, cúng sức khoẻ, lễ thành hôn, lễ tang, lễ bỏ mả. Mỗi nghi lễ đều được chăm chút cẩn thận, có người đứng ra làm chủ lễ để giao tiếp với thần linh, cầu mong những điều tốt đẹp nhất đến cho người được làm lễ. Điều này thể hiện sự trân trọng con người, trân trọng cuộc sống của người Tây Nguyên.

Bên cạnh các nghi lễ cúng vòng đời, là một hệ thống nghi lễ, lễ hội quanh năm theo lịch mùa vụ ở các đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Như lễ cúng bến nước, lễ cúng mừng lúa mới, lễ đâm trâu, lễ cúng thần lúa, lễ cúng giống lúa, lễ cúng thần cây… Điểu này thể hiện tín ngưỡng phong phú, vạn vật hữu linh của người đồng bào. Các đồ vật trong lễ cúng đều là sản vật, vật nuôi gắn liền với đời sống của họ.

Từ những hoạt động sáng tạo trong sản xuất trong đời sống vật chất, trong thiết chế buôn làng tự quản, trong nghệ thuật và tổ chức đời sống tinh thần, trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng. Các cộng đồng dân tộc thiểu số đã hình thành nên các giá trị văn hoá dân tộc thiểu số Tây Nguyên.


* Giá trị văn hóa dân tộc thiểu số Tây Nguyên

Đã có rất nhiều quan điểm khác nhau khi nghiên cứu về giá trị văn hoá, như: giá trị văn hoá chính là tổng thể các giá trị bao trùm, phổ biến nhất của xã hội, và của con người trong xã hội đó, là những phẩm chất đặc trưng, tiêu biểu nhất của văn hoá. Dù tiếp cận bằng nhiều cách, nhưng tựu chung lại, giá trị văn hoá phổ quát nhất của loài người là chân, thiện, mỹ. Chân được hiểu là những cái gì đúng đắn, bền vững, đã được kiểm nghiệm trong tri thức, lý luận và thực tiễn đời sống con người. Thiện là những điều tốt đẹp như đạo đức, lẽ phải của con người, vì con người, phục vụ cho sự sinh tồn và phát triển của con người. Mỹ chính là cái đẹp. Nhưng không chỉ dừng lại ở cái đẹp theo cách hiểu thông thường, mà còn là những điều lớn lao, vĩ đại, trác tuyệt, lý tưởng, nhân văn đẹp đẽ trong đời sống xã hội. Giá trị văn hoá chứa đựng tất cả các thành tựu vật chất và tinh thần của văn hoá, thông qua giá trị văn hoá có thể đo lường được trình độ phát triển nhất định của xã hội. Giá trị văn hoá được con người sáng tạo ra trong lịch sử phát triển lâu dài của mình.

Đối lập với giá trị văn hoá thì còn có cả những yếu tố phản giá trị. Đó là những yếu tố đi ngược lại với lẽ sinh tồn, không phụng sự cho những nhu cầu chân chính của xã hội loài người. Là những điều không đúng đắn, không hướng thiện, không làm cho con người sống tốt hơn, có ích hơn trong tiến trình phát triển của mình.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 200 trang tài liệu này.

Như vậy, giá trị văn hoá dân tộc thiểu số Tây Nguyên là cụ thể hoá các giá trị chân, thiện, mỹ phổ quát nhất trong đời sống sáng tạo của người Tây Nguyên. Từ đó có thể đi đến quan niệm: Giá trị văn hoá dân tộc thiểu số Tây Nguyên là những cái đúng, cái tốt, cái đẹp mang sắc thái của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ, phản ánh hoạt động sáng tạo của người dân tộc thiểu số, tạo nên nền tảng tinh thần cho sự tồn tại và phát triển của các cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn Tây Nguyên trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Giá trị văn hóa dân tộc thiểu số Tây Nguyên là những nội dung cơ bản mang tính chuẩn mực, độc đáo, cốt lõi của văn hóa dân tộc thiểu số Tây

Phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trong phát triển bền vững Tây Nguyên hiện nay - 5


Nguyên. Đó là kết tinh của hoạt động sáng tạo trong suốt quá trình sinh tồn và phát triển của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Giá trị đó mang những đặc trưng cơ bản sau đây:

Thứ nhất, khai thác và ứng xử hài hoà với môi trường tự nhiên, có sự thích ứng cao với các điều kiện, hoàn cảnh sống, biểu hiện qua tâm thức rừng và phương thức canh tác vừa khai thác vừa giữ gìn được rừng của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Tâm thức rừng là yếu tố bao trùm, xuyên suốt trong văn hoá của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Rừng một mặt là không gian sinh tồn chủ yếu của người Tây Nguyên, cũng là gốc rễ, linh hồn và là trung tâm của văn hóa Tây Nguyên. Chính vì điều đó, người đồng bào trân quý từng tấc đất, tấc rừng, nâng niu từng gốc cây, từng hòn đá, từng dòng nước chảy từ trong mạch rừng đó. Suốt tiến trình lịch sử của mình, người Tây Nguyên vừa khai thác vừa dung dưỡng, tái tạo rừng liên tục, nên gần như vẫn giữ được rừng nguyên trạng với độ bao phủ của hệ sinh thái động thực vật phong phú, hiếm có. Bên cạnh đó, phương thức canh tác hưu canh luân khoảnh giúp người đồng bào có thể giữ được rừng, ngăn chặn tình trạng rừng bị thoái hoá, bạc màu. Nhờ đó, suốt cả nhiều thế kỷ chung sống, người Tây Nguyên vẫn giữ được rừng nguyên vẹn. Sự thay đổi, dịch chuyển thường xuyên khi luân khoảnh đó, mang lại cho người đồng bào sự khoáng đạt, dễ thích nghi với điều kiện, hoàn cảnh sống.

Song song với những khoảnh rừng phục vụ cho sinh kế, người đồng bào Tây Nguyên còn có những khu rừng chuyên biệt không ai được đụng đến trong mọi hoàn cảnh, đó là khu rừng phục vụ cho đời sống tâm linh, như rừng thiêng, rừng cấm, khu rừng mộ địa và rừng đầu nguồn. Như vậy, có thể khẳng định, rừng một mặt đảm bảo các yếu tố vật chất nuôi sống con người Tây Nguyên, mặt khác giúp nuôi dưỡng, bồi đắp đời sống tinh thần của họ. Điều đó nói lên rằng, với người Tây Nguyên, việc gìn giữ rừng không chỉ đơn thuần là gìn giữ môi trường sống, đó còn là bảo vệ cội nguồn của văn hóa Tây Nguyên, để có thể phát triển bền vững.


Thứ hai, điều tiết các quan hệ xã hội trong sự ổn định hài hoà, biểu hiện qua thiết chế buôn làng tự quản với hệ thống luật tục và toà án phong tục của tộc người dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Ở thời kỳ tiền nhà nước, tiền giai cấp, trật tự xã hội Tây Nguyên được vận hành ổn định dựa vào hệ thống luật tục và tòa án phong tục. Luật tục phản ánh mọi khía cạnh của đời sống cộng đồng, quan tâm đến đạo đức, luân lý, sự công bằng cho tất cả các đối tượng trong xã hội, từ rất sớm đã xuất hiện một thiết chế xã hội có tầm nhìn phổ quát đáng kinh ngạc. Luật tục được lưu giữ bằng hình thức truyền khẩu, ở Ê Đê thì chủ đất (Pô Lăn) và chủ nước (Pô Pin Êa) là người có trách nhiệm giữ gìn luật tục. Khi trong cộng đồng có người vi phạm các điều cấm kị, pô phat kđi sẽ trực tiếp dùng hệ thống luật tục của cộng đồng mình, đứng ra xử kiện, dưới sự chứng kiến và tham gia của cả buôn làng. Người thua kiện sẽ chịu các hình phạt của cộng đồng tùy theo các mức nặng nhẹ, vật nộp phạt sẽ được đem ra mời cả buôn làng, để cả làng cùng chứng kiến đã xử phạt thành công. Sau khi xử phạt, mọi thù oán được hóa giải, không còn thù hằn, hiềm khích, họ lại tiếp tục chung sống hòa thuận với nhau. Nhờ đó, xã hội xã hội Tây Nguyên được duy trì ổn định suốt chiều dài lịch sử.

Thứ ba, tính phong phú, đa dạng, độc đáo, sáng tạo, biểu hiện qua các hoạt động nghệ thuật dân gian đa sắc màu và tay nghề thủ công khéo léo của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Tây Nguyên có một nền nghệ thuật dân gian độc đáo, phong phú về chủng loại, phản ánh đầy đủ đời sống tinh thần và những sáng tạo độc đáo của người đồng bào. Nghệ thuật dân gian của người Tây Nguyên đều dung dị, nguyên sơ, đơn thuần, dễ chạm đến mọi ngóc ngách xúc cảm của người đón nhận, như những tiếng vọng từ chính những chất liệu mộc mạc tại cuộc sống của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Biểu hiện trong sử thi, cồng chiêng, đàn đá, nghề thủ công truyền thống, nhà mồ và tượng nhà mồ…


Với nghệ thuật diễn xướng mang đặc trưng của văn hóa dân gian truyền khẩu, sử thi Tây Nguyên được đánh giá là một kho tàng vô cùng đồ sộ, vào loại bậc nhất khu vực và thế giới. Đây là những nét phác thảo về thủa sơ khai của loài người ở Tây Nguyên, phản ánh những đặc trưng cơ bản của các sinh hoạt đời thường, cùng đời sống tinh thần của họ, qua đó chuyển tải ước mơ, khát vọng về một cuộc sống lý tưởng, về các thiên anh hùng ca chiến thắng cường bạo, đảm bảo cuộc sống ấm no hạnh phúc cho buôn làng. Tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở cách phản ánh chất phác, còn nặng về tư duy huyền thoại khi giải thích về nguồn gốc hình thành của thế giới.

Cồng chiêng được sử dụng trong hầu hết các nghi lễ, lễ hội ở Tây Nguyên, như một ngôn ngữ đặc biệt giúp con người có thể giao tiếp được với thần linh. Qua ngôn ngữ đó, những khát vọng về một cuộc sống lý tưởng, ấm no, hạnh phúc được người dân tộc thiểu số gửi đến thần linh. Trong không gian núi rừng, nhà rông, nhà dài, nương rẫy, những thanh âm của cồng chiêng trở thành một đặc trưng, phản ánh đầy đủ đời sống tinh thần của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên Đồng thời, cồng chiêng còn xuất hiện trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng để thỏa mãn nhu cầu văn nghệ, giải trí của người dân. Cồng chiêng gắn liền với nền sản xuất nương rẫy, thể hiện được sự thuần hậu chất phác nhưng đầy hào sảng, quảng đại trong tính cách của người Tây Nguyên. Tuy nhiên, ngày nay không gian để diễn xướng cồng chiêng đã thay đổi nhiều, không còn thuần khiết như trước.

Tính sáng tạo độc đáo của nhạc cụ đàn đá được xem như một trong những loại hình nhạc cụ cổ xưa nhất của con người, là một nhạc cụ độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Ra đời từ thủa sơ khai, nhưng đàn đá đạt được trình độ gọt đẽo trau chuốt, tỉ mỉ, thẩm âm tinh tế, phản ánh được sự khéo léo của đôi tay nghệ nhân người dân tộc thiểu số Tây Nguyên từ hàng trăm năm trước. Thanh âm của đàn đá chân thật, như tiếng đại ngàn, tiếng suối chảy. Đàn đá


được xem là một khí cụ thiêng liêng, là thanh âm nối liền giữa quá khứ và hiện tại, giữa người sống và người chết, giữa con người trần tục với đấng thần linh. Đàn đá là một loại hình âm nhạc thuần khiết, nảy sinh trong quá trình sinh tồn của con người, phản ánh trình độ sáng tạo, chinh phục tự nhiên của con người. Chính vì lẽ đó, nhạc cụ này như chính là linh hồn của con người Tây Nguyên, trong trẻo, thuần khiết và đầy nội lực. Đây là một nguồn tư liệu hiếm hoi để nghiên cứu về đời sống sản xuất, sinh hoạt tinh thần của con người từ thời nguyên thủy, cũng là hiện thân của một nét văn hóa đặc trưng đầy bí ẩn, nhiều trầm tích của Tây Nguyên. Nhạc cụ này sau đó được UNESCO chọn là một trong các nhạc cụ độc đáo thuộc không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, là kiệt tác truyền khẩu, phi vật thể của nhân loại.

Sự sáng tạo của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên còn được biểu hiện trong những độc đáo của nghề thủ công truyền thống của họ. Đó là nghề dệt thổ cẩm, đan lát, rèn, đúc nhẫn bạc độc đáo của người đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Qua khảo sát các di chỉ khảo cổ, các nhà khoa học thu được một số lượng phong phú các nông cụ trong đời sống sản xuất. Đó là một số công cụ bằng đồ kim khí, đồ đồng, còn lại phần lớn là bằng đá, xương thú, ngà voi. Với nhiều khuôn đúc, hình mẫu khác nhau, phản ánh sự đa dạng trong phương thức sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Đây là một kho tàng đồ sộ để nghiên cứu về xã hội thời nguyên thủy, về những dấu tích đã bị mai một ở nhiều nơi khác.

Một nét đặc sắc trong những tạo tác thủ công của người đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên là nhà mồ và tượng nhà mồ. Nhà mồ là nơi trú ngụ của người đã mất, họ sẽ được ở đây với đầy đủ vật dụng khi còn sống cho đến khi mãn tang, để trở về với thần linh nơi rừng cấm. Nhà mồ và tượng nhà mồ thể hiện được phong cách nghệ thuật độc đáo của người Tây Nguyên. Tượng nhà mồ không nặng về tả thực, mà là những nét chạm khắc tượng trưng mô


phỏng, giúp phát huy trí tưởng tượng cho người xem, những tạo tác đó gần gũi với nghệ thuật thô sơ thời nguyên thủy, đó là nền nghệ thuật gối đầu lên thực tiễn, đơn sơ nhưng lâu bền. Hệ thống tượng nhà mồ rất phong phú, ngoài những bức tượng lặng lẽ ôm đầu đầy bí ẩn, còn có những bức mô phỏng người phụ nữ đang mang bầu, cảnh sinh hoạt vợ chồng. Điều đó phản ánh tín ngưỡng phồn thực trong đời sống văn hóa, thể hiện ước mơ sinh sôi nảy nở, kế thế đời đời của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Thứ tư, tính cố kết cộng đồng, đề cao buôn làng trong hoạt động tín ngưỡng, lễ hội phong phú và trong hệ thống kiến trúc của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Tính cố kết cộng đồng là một giá trị của văn hoá dân tộc thiểu số Tây Nguyên biểu đạt qua hoạt động tín ngưỡng, lễ hội phong phú. Cộng đồng buôn làng có sức ảnh hưởng rất lớn đối với tâm thức của người Tây Nguyên, toàn bộ quy định của cộng đồng, chính là chuẩn mực để tất cả thành viên hành động, ứng xử. “Nên cõng ôm nhau/ Đừng xẻ đôi chia lìa/ Nên xích lại gần nhau, đùm bọc lại nhau/ Đừng đánh vào đầu, đừng lao bằng chày/ Đừng làm khổ cho nhau” [105, tr.392-393]. Ở Tây Nguyên, nổi lên vai trò của cộng đồng, của tập thể, thay thế cho vai trò của mỗi cá nhân. Kể cả người đứng đầu buôn làng, cũng chỉ đúng nghĩa là người đại diện cho tiếng nói của buôn làng. Người đó sẽ nhận được sự tôn trọng tuyệt đối, nếu tuân thủ các quy định, thực hiện hết các trách nhiệm và quyền hạn của mình đối với cộng đồng. Nhưng chỉ cần người này vi phạm các điều cấm kỵ, làm phương hại đến niềm tin của cộng đồng, sẽ có những điều luật hà khắc để xử phạt nghiêm khắc. “Ông ta là cây đa đầu suối, cây sung đầu làng, là người trông nom anh em, con cháu trong làng/ Thế mà ông ta lấn át, chà đạp, áp bức họ/… Vì vậy là có việc phải đưa ông ta ra xét xử” [120, tr. 262].

Bên cạnh đó, hoạt động nghi lễ, lễ hội diễn ra quanh năm, trải suốt vòng đời của người Tây Nguyên. Đó là nơi cả buôn làng cùng chung tay tổ chức, thể hiện sự chăm lo đến đời sống của con người, tôn vinh, đề cao vai trò và giá trị của con người, quan tâm đến mối liên hệ chặt chẽ giữa mỗi người với cả cộng đồng.


Tính đề cao buôn làng của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên, thể hiện thông qua hệ thống kiến trúc độc đáo như nhà rông, nhà dài. Người đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên có thể xây nhà ở của mình nhỏ, nhưng nhà cộng đồng nhất định phải xây to, bề thế. Điều đó khẳng định sự coi trọng yếu tố cộng đồng, buôn làng của họ. Nhà rông là một nét kiến trúc phản ánh rõ đặc trưng văn hóa Tây Nguyên, bên cạnh dáng vẻ đồ sộ, bề thế trong kết cấu tổng thể, là nét mềm mại, uyển chuyển trong những thiết kế cầu kỳ, chăm chút từng chi tiết nhỏ. Nhà rông được xây dựng ở vị trí trung tâm của buôn làng, nơi thuận lợi để có thể tập trung cho các sinh hoạt cộng đồng. Tại đây diễn ra các hoạt động quan trọng của cộng đồng, là nơi để buôn làng xử kiện, hội họp để đưa ra ý kiến thống nhất mỗi khi có thiên tai, địch họa. Cũng là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng.

Thứ năm, đề cao vai trò của người phụ nữ trong văn hoá mẫu hệ vẫn còn ghi dấu ấn trong xã hội hiện đại.

Chế độ mẫu hệ tồn tại lâu đời ảnh hưởng bao trùm lên văn hoá của người Tây Nguyên. Dù nền văn hoá đó phong phú, đa dạng, nhiều tầng lớp, thì vai trò người phụ nữ luôn nổi lên như là mạch ngầm, là sợi dây xuyên suốt qua nhiều thế hệ, để sáng tạo và lưu truyền văn hoá đó với đời sau. Xuất phát từ đặc trưng quần hôn thời nguyên thuỷ, vai trò của người phụ nữ trong gia đình truyền thống Tây Nguyên nổi lên với 3 đặc điểm cơ bản: con cái sinh ra mang họ mẹ, nhà gái chủ động trong các thủ tục hôn nhân, đàn ông sau kết hôn phải ở rể bên nhà vợ, gia sản, tước vị được trao truyền thừa kế theo dòng nữ.

Không những thế, người phụ nữ trong gia đình mẫu hệ Tây Nguyên cũng là chủ lễ, chủ bến nước, chủ gia đình. Nhiều nơi người chủ nhà (phụ nữ) sẽ giao cho chồng hoặc anh em của mình, thay mình thực hiện vai trò trong tế lễ. Trong kiến trúc của nhà rông, nhà dài, các hoạ tiết trang trí chủ đạo đều thiên về tính nữ, thể hiện vai trò của người phụ nữ trong chính cộng đồng. Nhà dài là nơi vẫn còn in rõ dấu ấn của gia đình mẫu hệ Tây

Xem tất cả 200 trang.

Ngày đăng: 15/01/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí