Tình hình xã hội ở Tây Nguyên dưới sự tác động của tôn giáo, có nhiều diễn biến phức tạp. Có những gia đình cùng chung sống với nhau nhưng lại có tôn giáo khác nhau, điều này sẽ gây nên những va chạm nhất định trong các sinh hoạt thường ngày. Ngoài ra, bên cạnh những bất ổn về mặt an ninh chính trị còn phát sinh những khiếu kiện liên quan đến các hoạt động tôn giáo trên địa bàn. Đó là các khiếu kiện đòi lại đất của các cơ sở thờ tự tôn giáo. Bởi có một số mảnh đất từng là cơ sở thờ tự của tôn giáo từ trước năm 1975, sau đó được Nhà nước giao cho các đơn vị khác sử dụng, nay các cơ sở tôn giáo muốn đòi lại. Nhiều trường hợp là các tôn giáo chiếm đoạt đất trái phép, cố ý xây dựng thành nơi thờ tự, khi cơ quan chức năng phát hiện thì rơi vào tình thế “sự đã rồi”, cuối cùng đành giữ nguyên. Điều này gây nên những bất ổn kéo dài cho xã hội ở Tây Nguyên, đe doạ trực tiếp đến mục tiêu phát triển bền vững của vùng.
Người dân tộc thiểu số tại chỗ không còn mặn mà với nhà rông như trước, kéo theo nhiều sinh hoạt cộng đồng truyền thống bị đứt gãy. Mặc dù nhà rông đã được phục dựng, xây mới, nhưng vì chất liệu và quy trình xây dựng không giống trong truyền thống, nên nhiều nơi không nhận được sự đón nhận hưởng ứng của đồng bào. Do đó, nhiều nhà rông sau khi được khôi phục, xây dựng xong lại nhanh chóng bị bỏ hoang, dần rơi vào hư hỏng do dân làng không đến, không chăm sóc, không coi là một ngôi nhà mang biểu tượng văn hóa linh thiêng của họ. Điều đó cũng phần nào ảnh hưởng đến sự gắn kết cộng đồng mà người dân tộc thiểu số Tây Nguyên đã xây dựng và duy trì trong suốt tiến trình phát triển.
Tình trạng khai thác tràn lan dẫn tới diện tích rừng tự nhiên ở Tây Nguyên vẫn tiếp tục giảm sút nghiêm trọng. Mặc dù chính quyền các cấp Tây Nguyên đã có nhiều hoạt động chăm lo đến vấn đề khôi phục lại rừng cho Tây Nguyên, nhưng hiệu quả của các đề án bảo vệ môi trường ở Tây Nguyên vẫn chưa cao. Xuất phát là một vùng có độ che phủ của rừng lớn nhất cả nước, nhưng diện tích rừng tự nhiên ở Tây Nguyên đang bị giảm sút với tốc độ đáng báo động. Nạn phá rừng vẫn đang hoành hành ở Tây Nguyên, một phần do lâm
tặc, phần khác do phương thức canh tác của nhóm người nhập cư mới đến. Đáng kể như ở các rừng thông xuất hiện hiện tượng khoan, bơm hoá chất, âm thầm làm thông chết từ bên trong, huỷ hoại rừng tự nhiên. Tập quán đốt rừng làm rẫy, là một trong những nguyên nhân dẫn tới nạn cháy rừng, như năm 2001 có tới 301,5 ha rừng bị cháy, chiếm 19,8% so với tổng diện tích rừng bị cháy của cả nước. Diện tích rừng tự nhiên giảm mạnh qua số liệu thống kê hằng năm. Năm 2019 tổng diện tích rừng tự nhiên của Tây Nguyên là gần 2,2 triệu ha, giảm 540,2 nghìn ha so với năm 2008 [phụ lục 2a]. Bên cạnh đó, trước nhu cầu sinh kế của người dân các chủ trương mở rộng đất nông nghiệp diễn ra quá nhanh, không có quy hoạch tập trung trồng cây công nghiệp có thế mạnh xuất khẩu như cà phê, chè, điều, tiêu… Điều này làm thay đổi nhanh chóng cơ cấu đất nông nghiệp và đất lâm nghiệp so với đất tự nhiên của vùng, năm 1991 chiếm 8% đất tự nhiên, đến năm 2018 đã chiếm 44,5% trên tổng số đất tự nhiên của vùng, cụ thể là 454,3 nghìn ha so với 2,427 triệu ha (tăng 5,3 lần). Cùng với đó, đất lâm nghiệp giảm từ 59,2% (1991) xuống còn 45,5% (2018), cụ thể là 3,329 triệu ha so với 2,482 triệu ha (giảm 1,3 lần). [phụ lục 2j]
Hoạt động khai thác quá mức, làm mực nước ngầm tụt xuống không đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu và sinh hoạt về mùa khô. Để tập trung phát triển các đồn điền cây công nghiệp, người Tây Nguyên chuyển sang canh tác cây cao su, cà phê và hồ tiêu. Chính điều này cần một lượng lớn nước để tưới vào mùa khô, trong khi nước ở các ao hồ và đập chứa nước ở Tây Nguyên không thể đáp ứng được, người dân chủ yếu sử dụng nước ngầm để tưới nương rẫy. Một số nơi ở Tây Nguyên, mực nước ngầm ở Tây Nguyên đã hạ xuống 3 đến 4 mét, thậm chí có nơi đã hạ 20 mét so với trước. Nguồn cấp nước trong tự nhiên như sông, suối, hồ ngày càng khô cạn, ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến người đồng bào, không đủ nước sạch để sinh hoạt. Không những thế, về mùa khô không đáp ứng đủ nước để tưới, hạn hán bao trùm, về mùa mưa thì lũ quét, xói mòn, mưa lũ, để lại nhiều tác động xấu. Cùng với đó là hiện tượng chất lượng đất bị thoái hoá.
Rải rác một số nơi xảy ra tình trạng hoang mạc hóa, do hiện tượng grannit hóa đất đỏ ở Tây Nguyên. Thay đổi khí hậu dẫn tới Tây Nguyên ngày càng nóng lên. Tốc độ xây dựng quá nhanh dẫn tới sương mù ngày càng trở nên hiếm hoi ở Đà Lạt, trong khi đó, đây là một đặc trưng tạo nên sự thơ mộng của thành phố du lịch nổi tiếng này.
Hoạt động khai thác kinh tế, du lịch dẫn tới nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng và quý giá ở Tây Nguyên đang bị cạn kiệt. Môi trường và điều kiện sống ở Tây Nguyên đang bị suy thoái. Khí hậu, thời tiết thay đổi, sâu bọ phát triển ngày càng nhiều, dẫn đến hạn hán và mất mùa thường xuyên, trong đó điển hình phải kể đến các đợt hạn hán năm 1997, 1998 làm cho gần 50% diện tích cây lương thực và cà phê bị khô cháy. Rừng đầu nguồn bị phá tại các huyện vùng cao Tây Nguyên làm cho nước mưa dốc thẳng xuống sông ngay chỗ thượng lưu, gây lũ lụt và thiệt hại lớn cho các tỉnh Kon Tum và Gia Lai vào năm 1997, Lâm Đồng năm 1999. Gần đây nhất, tháng 4 năm 2003, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tây Nguyên có gần 42 nghìn ha cà phê và 7 nghìn ha lúa bị hạn nặng, ngoài ra, nắng hạn còn làm 112 nghìn người (hơn 22 nghìn hộ) thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Không chỉ có vậy, môi trường và điều kiện sống vùng đồng bằng duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ cũng bị ảnh hưởng bởi nạn phá rừng ở Tây Nguyên. Chính nạn phá rừng ở Tây Nguyên là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hàng năm tình trạng lũ lụt, ngập úng và bỏ hoang hoá triền miên nhiều tháng của đồng ruộng các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận. Có thể khẳng định rằng, thiệt hại về kinh tế do thiên tai ở Tây Nguyên lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, hơn thế còn là những thiệt hại nghiêm trọng về suy thoái môi sinh và điều kiện sống lâu dài.
Có thể bạn quan tâm!
- Phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trong phát triển bền vững Tây Nguyên hiện nay - 10
- Hạn Chế Và Nguyên Nhân Phát Huy Giá Trị Văn Hoá Dân Tộc Thiểu Số Trong Phát Triển Bền Vững Tây Nguyên Hiện Nay
- Phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trong phát triển bền vững Tây Nguyên hiện nay - 12
- Vấn Đề Đặt Ra Đối Với Phát Huy Giá Trị Văn Hoá Dân Tộc Thiểu Số Trong Phát Triển Bền Vững Tây Nguyên Hiện Nay
- Nhóm Giải Pháp Về Nhận Thức Của Các Chủ Thể Đối Với Phát Huy Giá Trị Văn Hóa Dân Tộc Thiểu Số Trong Phát Triển Bền Vững Tây Nguyên Hiện Nay
- Nâng Cao Năng Lực Và Trách Nhiệm Của Cộng Đồng Dân Tộc Thiểu Số Tại Chỗ Đối Với Phát Huy Giá Trị Văn Hoá Dân Tộc Thiểu Số Trong Phát Triển Bền
Xem toàn bộ 200 trang tài liệu này.
Một số tổ chức lợi dụng chiêu bài tôn giáo nhằm tiến tới bạo loạn, lật đổ, gây sức ép cho lĩnh vực quốc phòng và an ninh ở Tây Nguyên. Hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng ở Tây Nguyên có nhiều thay đổi, kéo theo đó là sự xuất hiện của những tà môn, dị giáo, như đạo “Hà Mòn”, “Thanh Hải vô thượng
sư”… Những đạo này tìm nhiều cách để lôi kéo, kích động, định hướng về mặt tư tưởng cho đồng bào để mưu đồ âm mưu chính trị của chúng. Một số lượng lớn người dân tộc thiểu số đi theo Công giáo, Tin lành, nhiều nếp cũ bị thay đổi. Đáng nói là các tổ chức chính trị núp bóng tôn giáo, như “Hà Mòn”, “Tin lành Đề Ga”… gây xáo trộn và có những tác động xấu đến an ninh trật tự, an ninh chính trị của vùng. Các tổ chức này đều được giật dây và rót vốn tiền từ nước ngoài vào, dùng lợi ích để lôi kéo và ràng buộc những thủ lĩnh ở trong nước để hòng dắt mũi người dân. Điều này gây nên nhiều vấn đề nổi cộm trong cộng đồng người dân tộc thiểu số, khi họ mù quáng tin theo, làm con rối cho thế lực thù địch giật dây chống phá chính quyền. Đây là một áp lực lớn đối với chính quyền và lực lượng an ninh quân đội trên địa bàn về quản lý xã hội và an ninh quốc phòng.
Đường biên giới dài, làm cho hoạt động tội phạm càng phức tạp khi có yếu tố nước ngoài âm thầm can thiệp. Tây Nguyên có đường biên giới chung với Lào và Campuchia, đây cũng là điểm dễ gây bất ổn an ninh quốc phòng cho vùng. Các tổ chức chống phá, phối hợp với tội phạm ở phía Lào tiến hành buôn ma tuý, vận chuyển hàng lậu trái phép, tổ chức vượt biên trái phép. Bên cạnh đó, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức tội phạm, tổ chức phản động lưu vong thực hiện lôi kéo, xuyên tạc, chia rẽ người Campuchia gốc Việt với người dân Campuchia. Trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện truyền đạo trái phép, làm nhiễu loạn tình hình tôn giáo trên địa bàn Tây Nguyên. Đặt ra cho các cấp lãnh đạo, lực lượng an ninh quốc phòng của địa phương cần phải nắm được tình hình, để đề ra những phương án hợp lý để đảm bảo phát triển bền vững, ổn định công tác an ninh quốc phòng trên địa bàn.
* Nguyên nhân của hạn chế
Thứ nhất, chính sách phát triển vùng Tây Nguyên thời gian qua còn mang nặng dấu ấn của tư duy kế hoạch hóa tập trung với định hướng phân bố lực lượng sản xuất theo các lợi thế tự nhiên, chưa phù hợp với cơ chế thị trường và bối cảnh hội nhập quốc tế. Quá trình hoạch định chính sách chưa thực sự gắn
kết với công tác nghiên cứu khoa học. Dẫn tới chính sách đưa ra không đáp ứng được hết nhu cầu của thực tiễn. Hệ thống chính sách dành cho phát triển Tây Nguyên còn bị dàn trải trên nhiều lĩnh vực, thiếu nhất quán, thiếu thực tế, nặng tính hỗ trợ, khắc phục tình thế hơn là tạo điều kiện lâu dài cho đối tượng hưởng chính sách, điều này đe doạ nghiêm trọng tới phát triển bền vững của vùng.
Thứ hai, dù đã được đầu tư, chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, thực tế chất lượng cán bộ có nhiều cải thiện so với trước, nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu đặt ra và những đòi hỏi của nhiệm vụ lãnh đạo quản lý. Một số cán bộ có biểu hiện xa dân, quan liêu hoá các thủ tục hành chính, dẫn tới không nắm bắt được những thay đổi, biến động về mặt văn hoá, đời sống của người dân, do đó không có hành động ứng phó kịp thời. Mặt khác, đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số chỉ chiếm một số ít trong cơ cấu tổ chức, điều đó dẫn tới tình trạng số lượng cán bộ am hiểu văn hoá Tây Nguyên không nhiều; cùng với chế độ đãi ngộ không cao, không đủ để đảm bảo cuộc sống, nên họ không nhiệt huyết với công việc. Hơn thế, Ban chỉ đạo Tây Nguyên mới chỉ được trao chức năng tham mưu, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc chứ chưa được trao quyền và nguồn lực tài chính và nhân lực trong việc ra quyết định trong các vấn đề liên quan tới phát triển bền vững vùng.
Thứ ba, trước nguồn thu mang lại từ du lịch, ngành văn hóa - du lịch khai thác ồ ạt du lịch Tây Nguyên vô tình tạo nên hiện tượng “văn hóa giả” ở vùng. Từ đó các nghi lễ, lễ hội, hát khan, kể sử thi đều nặng về trình diễn, cồng chiêng bị tách khỏi không gian truyền thống, nhà rông nhà dài dựng để trưng bày…, chỉ để thỏa mãn sự hiếu kỳ của du khách nên không phản ánh đúng văn hóa Tây Nguyên từ trong cốt lõi, lâu dần sẽ đánh mất sự thuần hậu, sơ khai, trong trẻo của người đồng bào Tây Nguyên. Vì thế, những hình ảnh được quảng bá ra bên ngoài, không phản ánh đúng mạch ngầm văn hoá từ lâu đời của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Điều này lâu dần sẽ đẩy các giá trị văn hoá cốt lõi đi vào quên lãng, lâu dần sẽ dẫn tới mai một. Việc sân khấu hoá này cũng phá huỷ môi trường truyền dạy truyền thống, nơi mà dân
làng quây quần ngồi quanh đống lửa, bên ché rượu cần vừa thưởng thức, vừa học đánh chiêng, hát khan từ những nghệ nhân lão luyện, từ những người cao tuổi tinh anh ở trong buôn làng.
Thứ tư, nguyên nhân từ mặt trái của kinh tế thị trường và xu thế hội nhập, toàn cầu hóa. Nền kinh tế thị trường với xu hướng thương mại hóa đang len vào từng mặt nhỏ nhất của đời sống văn hóa của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên, từ mặt nhận thức, đến tư duy về sở hữu, lợi ích. Sự thuần hậu vốn có của người Tây Nguyên, nét huyền bí lạ lùng của văn hóa Tây Nguyên bị xâm phạm sâu sắc hơn bao giờ hết. Người Tây Nguyên bị tư tưởng thương mại hóa xâm lấn, các lễ hội, tập tục đôi khi diễn ra chỉ nhằm để thu hút du lịch, chứ không phải diễn ra tự nhiên trong không gian văn hóa của họ nữa. Xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, kéo theo sự du nhập của nhiều nền văn hóa, tôn giáo mới vào Tây Nguyên, sự tiếp nhận những nền văn hóa mới, đồng thời đó sẽ kéo theo sự mất dần ảnh hưởng của văn hóa dân tộc thiểu số truyền thống. Giới trẻ người dân tộc thiểu số Tây Nguyên bị thu hút bởi các làn sóng văn hoá mới từ âm nhạc đến trang phục truyền thống. Dẫn tới thờ ơ, thậm chí quay lưng với các giá trị văn hoá của chính dân tộc mình. Điều này lâu dần sẽ làm đứt gãy mạch ngầm của văn hoá truyền thống, không còn tầng lớp kế cận, văn hoá Tây Nguyên cũng sẽ biến mất. Và một điều tất yếu sẽ xảy ra, là không còn văn hoá cũng sẽ không còn Tây Nguyên đa sắc màu, đầy bí ẩn và thu hút như trước nữa.
3.2. Dự báo những nhân tố tác động và vấn đề đặt ra đối với phát huy giá trị văn hoá dân tộc thiểu số trong phát triển bền vững Tây Nguyên
3.2.1. Dự báo những nhân tố tác động đến phát huy giá trị văn hoá dân tộc thiểu số trong phát triển bền vững Tây Nguyên
Toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế
Trong thời gian sắp tới, xu thế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế trên thế giới sẽ phát triển ngày càng sâu rộng. Xu thế đó sẽ bao trùm và có ảnh hưởng rất lớn đến hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới. Việt Nam sẽ tiếp
tục gia nhập vào các tổ chức quốc tế trên tất cả các lĩnh vực. Riêng đối với Tây Nguyên, toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế cũng mang đến nhiều cơ hội hội nhập, không chỉ hội nhập quốc tế và còn hội nhập với các vùng miền khác trong cả nước. Trong thời gian sắp tới, toàn cầu hoá sẽ có nhiều tác động tích cực và tiêu cực đến phát huy giá trị văn hoá dân tộc thiểu số trong phát triển bền vững Tây Nguyên.
Về mặt tích cực, toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế sẽ tạo điều kiện để Tây Nguyên phát triển các thiết chế văn hoá, xây dựng môi trường văn hoá cơ sở lành mạnh, tiến bộ, có cơ hội để phát triển và quảng bá các giá trị văn hoá dân tộc thiểu số ra bên ngoài, thúc đẩy quá trình phát huy giá trị văn hoá đó vào trong phát triển bền vững. Toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế mang đến những cơ hội đầu tư có hệ thống từ bên ngoài vào phát triển văn hoá Tây Nguyên, trang bị nguồn vốn để hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thúc đẩy giao thông phát triển. Nhờ đó ngành du lịch sinh thái, du lịch văn hoá ở Tây Nguyên sẽ có thể tiếp cận được lượng khách lớn hơn, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương và các cá thể, để có thể tái đầu tư vào bảo tồn và phát triển các giá trị văn hoá. Hơn thế nữa, toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế mở ra cơ hội về giao lưu văn hoá giữa Tây Nguyên với các nền văn hoá lớn bên ngoài. Nền văn hoá độc đáo của Tây Nguyên có thể được quảng bá rộng khắp với bạn bè quốc tế, đồng thời có cơ hội kế thừa chọn lọc các tinh hoa văn hoá của nhân loại, làm giàu có, phong phú hơn nền văn hoá dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Về mặt tiêu cực, toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế mang đến những cơ hội đầu tư từ bên ngoài vào nước ta và Tây Nguyên, nhưng cũng chứa đựng những rủi ro như các điều khoản ràng buộc, rơi vào bẫy nghèo đói, có thể dẫn đến sự phụ thuộc về mặt kinh tế, chính trị và văn hoá với các nước lớn. Toàn cầu hoá mang đến những nền văn hoá mới lạ, rất dễ dẫn đến tình trạng lai căng văn hoá và tư tưởng quay lưng với văn hoá truyền thống. Nếu không có các biện pháp ngăn chặn có tổ chức, dễ dẫn đến việc không những không kế thừa được tinh
hoa văn hoá nhân loại mà còn làm hoà tan, mai một văn hoá dân tộc thiểu số tại chỗ, đánh mất bản sắc Tây Nguyên. Điều đó sẽ kìm hãm quá trình phát huy giá trị văn hoá dân tộc thiểu số trong phát triển bền vững Tây Nguyên.
Toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế cũng sẽ dẫn tới hiện tượng suy thoái, băng hoại đạo đức lối sống một bộ phận người ở Tây Nguyên. Trước sự thâm nhập của những xu hướng, trào lưu, cơ hội mới, bên cạnh sự tiếp nhận những mặt ưu trội, tiến bộ vào trong đời sống. Thì còn xuất hiện những tư tưởng, trào lưu mang tính cực đoan. Như sự bành trướng của chủ nghĩa cá nhân, thói thực dụng, chỉ lo vun vén cho lợi ích của bản thân mà quên đi lợi ích của cộng đồng.
Công nghiệp hoá, hiện đại hoá
Công nghiệp hoá, hiện đại hoá là mục tiêu và xu thế phát triển tất yếu của nước ta, đây sẽ là tiền đề quan trọng đưa nền kinh tế, văn hoá, xã hội nước ta cất cánh. Sau 35 năm đổi mới, nước ta đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong tương lai, công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá sẽ còn tiếp tục có nhiều tác động đến với quá trình phát huy giá trị văn hoá dân tộc thiểu số trong phát triển bền vững Tây Nguyên.
Về mặt tích cực, công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá góp phần thúc đẩy kinh tế Tây Nguyên phát triển. Chuyển nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu của vùng, thành một nền kinh tế công nghiệp phát triển. Đặc biệt, với thế mạnh tự nhiên về trồng cây công nghiệp của vùng, quá trình công nghiệp hoá sẽ đưa quy trình sản xuất, thu hoạch, đóng gói và bảo quản chuyên nghiệp vào trong quá trình canh tác. Điều đó sẽ làm tăng năng suất lao động, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người nông dân. Mặt khác, cũng sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp cho cây công nghiệp của Tây Nguyên đáp ứng được tất cả các yêu cầu khắt khe từ các thị trường khó tính trên thế giới. Từ đó, đời sống của người dân sẽ được nâng cao, đảm bảo các nhu cầu vật chất và tinh thần. Công nghiệp hoá sẽ dần xoá bỏ các hình thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, kém hiệu quả.