Phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trong phát triển bền vững Tây Nguyên hiện nay - 12


Qua số liệu khảo sát cho thấy, vai trò của văn hóa đối với phát triển kinh tế Tây Nguyên chưa được đánh giá đúng mức. Không nhận thức được những tác động nhiều mặt của văn hóa đối với hoạt động phát triển kinh tế, đặc biệt là những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn mơ hồ về những giá trị văn hóa dân tộc thiểu số Tây Nguyên, đánh đồng giữa thay đổi ồ ạt không kiểm soát với việc phát triển các giá trị văn hóa truyền thống. Thiếu cảnh giác, vội vàng đón nhận những yếu tố văn hoá ngoại lai đang xâm nhập vào Tây Nguyên theo nhiều con đường, làm mất đi tính ổn định của văn hóa Tây Nguyên. Điều đó dẫn tới sự phức tạp về vấn đề tôn giáo, từ đó nhiều cá nhân tổ chức lợi dụng vấn đề này để gây bất ổn vấn đề chính trị ở Tây Nguyên. Như hiện tượng đạo Hà Mòn, Fulro, nhà nước Đề Ga. Trong vòng một năm từ 2005-2006 đã có 1.020 người tại Kon Tum theo đạo Hà Mòn, từ đó đến nay, gây ra nhiều biến động cho tình hình chính trị xã hội của Tây Nguyên [9]

Một số bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân có biểu hiện xuống cấp về đạo đức lối sống, vướng vào một số tệ nạn xã hội, có tư tưởng hoang mang dao động. Đối với công tác văn hóa nhiều nơi còn bị xem nhẹ, chưa được đầu tư xứng tầm. Vẫn tồn tại tình trạng tham nhũng, cửa quyền của một bộ phận cán bộ làm công tác văn hóa, dẫn tới các nguồn ngân sách chưa được sử dụng hợp lý so với chủ trương đặt ra. Điều đó dẫn tới các biểu hiện tiêu cực, lối sống không lành mạnh, phi văn hóa có cơ hội được bộc lộ, gây ảnh hưởng xấu đến mặt bằng văn hóa của xã hội. Đáng nói hơn, những biểu hiện này còn tồn tại trong các cán bộ, đảng viên, những người nắm rõ pháp luật và có trách nhiệm thực thi pháp luật, điều này dẫn tới những bất cập, ít đồng thuận trong xã hội.

Công tác chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá, giám sát có nơi còn thiếu thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ. Triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa chưa cụ thể, xây dựng các phong trào văn hóa - xã hội nhìn chung còn chậm, thiếu nhận thức thống nhất, lúng túng trong khâu xác định nội dung, phương thức, phương thức tiến hành và tổ chức thực hiện, vẫn còn không ít nơi coi nhẹ thậm chí buông lỏng công tác quản lý văn hóa xã hội.


Một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân ta chưa được giáo dục về vai trò giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trong sự nghiệp phát triển bền vững Tây Nguyên. Còn thiếu tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo trong hoạt động phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số. Một bộ phận chủ thể văn hóa dân tộc thiểu số Tây Nguyên chưa khắc phục khó khăn để thực hiện tốt công tác xây dựng đời sống văn hóa. Nhận thức chưa được đầy đủ và sâu sắc. Việc thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành những chính sách cụ thể trong lĩnh vực văn hóa có lúc, có nơi còn chậm và chưa phát huy tác dụng trong cuộc sống. Có tình trạng cán bộ, đảng viên và nhân dân có biểu hiện tiêu cực, đã ảnh hưởng đến phẩm chất chính sách, nhân cách. Tư tưởng thực dụng một khi phát triển tới mức cực đoan sẽ đẩy họ tới nguy cơ thoái hóa, biến chất nhanh chóng. Ngoài ra còn biểu hiện bè phái cá nhân chủ nghĩa, cục bộ địa phương, cửa quyền, chạy bằng cấp… đang là vấn đề nóng hiện nay. Một dạng khác của lối sống thực dụng là sự phát sinh quan hệ cấu kết lợi ích. Đó là những cá nhân có lợi ích phụ thuộc vào nhau, ngấm ngầm thực hiện phân chia lợi ích với nhau, theo nguyên tắc họ đặt ra. Mối quan hệ này tạo nên “vây cánh”, “ê-kíp”, “bè phái”… lợi ích nhất định, tồn tại ngầm, những người tham gia mối quan hệ này thường liên kết với nhau, che chắn cho nhau, bảo vệ nhau. Đó là biểu hiện mới không lành mạnh trong quan hệ đoàn kết nội bộ ở các đơn vị, cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội. Điều này ảnh hưởng xấu tới quá trình phát huy hệ giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trong phát triển bền vững Tây Nguyên.

- Về bảo tồn, phát triển các giá trị văn hoá dân tộc thiểu số Tây Nguyên Công tác khôi phục, bảo tồn các biểu tượng văn hoá ở Tây Nguyên

nhiều nơi chỉ mới giải quyết được phần số lượng, nhưng chưa giải quyết được phần chất lượng.

Mặc dù Đảng ta đã đánh giá đúng tiềm năng về phát triển bền vững Tây Nguyên, thế nhưng có một số chính sách lại không sát thực, không lường được hết rủi ro. Như chính sách di cư ồ ạt sau năm 1975 vào Tây Nguyên,

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 200 trang tài liệu này.


chính sách phát triển cây công nghiệp trên diện rộng ở Tây Nguyên. Điều đó làm thay đổi nhanh chóng và sai quy luật nhiều giá trị văn hóa ở Tây Nguyên.

Phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trong phát triển bền vững Tây Nguyên hiện nay - 12

Theo số liệu khảo sát của Gainsborough [45, tr. 36]: năm 1954 người dân tộc thiểu số có 510.000 người, chiếm 85% toàn vùng, đến năm 2004 người dân tộc thiểu số có 1.181.337, chỉ còn chiếm 25,3% toàn vùng. Qua số liệu thấy được cơ cấu dân cư của Tây Nguyên đã dịch chuyển hoàn toàn với tốc độ quá nhanh. Người dân tộc tại chỗ Tây Nguyên trong mấy thập niên bỗng trở thành “thiểu số” trên chính mảnh đất ông cha mình. Theo đó những giá trị văn hóa truyền thống của Tây Nguyên bị lung lạc, đứng trước nguy cơ bị hòa tan và biến mất. Điều này cho thấy, sự can thiệp sai quy luật về chính sách đối với việc phát triển của Tây Nguyên, đã làm cho vùng bị phá vỡ kết cấu hài hòa mà họ đã duy trì trong suốt lịch sử hàng trăm năm phát triển. Điều này đi ngược với các tiêu chí phát triển bền vững.

Do chỉ tập trung đẩy nhanh về số lượng mà không chú ý nhiều đến chất lượng của công trình, nên quy trình, nguyên liệu, tâm thức xây dựng nhà rông có nhiều khác biệt so với truyền thống, vì thế không giải quyết được phần gốc rễ của vấn đề. Bởi bản chất của phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số là phải khơi gợi, đánh thức được nhu cầu tự thân của các chủ thể, từ đó họ sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình đó. Khác với trước, giờ đây nhà rông được xây dựng bằng xi măng, tường gạch, các trụ bê tông kiên cố, mái tôn. Công trình chỉ mô phỏng được hình dáng bề ngoài so với nhà rông truyền thống. Cũng không được xây dựng với quy trình nghiêm ngặt, với đầy đủ lễ nghi của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Vì thế, không tạo được tính “thiêng” cho nhà rông, cũng không in đậm được dấu ấn của văn hóa cộng đồng trong suốt quá trình xây dựng. Vì thế, nhiều nhà rông sau khi được khôi phục, xây dựng xong lại nhanh chóng bị bỏ hoang, dần rơi vào hư hỏng do dân làng không đến, không chăm sóc, không coi là một ngôi nhà mang biểu tượng văn hóa linh thiêng của họ.


Một bộ phận người đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên có biểu hiện chối bỏ, quay lưng với văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Như một phần đồng bào Bahnar, Gia-rai (tỉnh Gia Lai), Mnông (tỉnh Đắk Nông) từ bỏ tín ngưỡng truyền thống trong đó có thực hành đánh cồng chiêng và các sinh hoạt gắn với văn hóa cồng chiêng. Những huyện có cư dân theo tôn giáo mới, hiện còn rất ít cồng chiêng, như: huyện Đắk Đoa (Gia Lai) chỉ còn 131 bộ cồng chiêng, có 42 làng không còn cồng chiêng; thành phố Pleiku (Gia Lai) chỉ còn 81 bộ cồng chiêng và có tới 20 làng không còn cồng chiêng.

Mặc dù đã sưu tầm được một số lượng sử thi đồ sộ, hơn thế còn xuất bản được 75 bộ sử thi, có 21 bộ sử thi khác đang chuẩn bị xuất bản. Nhưng tất cả mới chỉ dừng lại ở công tác sưu tầm và xuất bản, chưa được hiện thực hoá trong đời sống của người dân tộc thiểu số tại chỗ. Sử thi và diễn xướng sử thi đang đứng trước nguy cơ bị biến mất. Số lượng nghệ nhân biết hát sử thi nay chỉ còn trên đầu ngón tay, như ở Đắk Lắk và Đắc Nông chỉ còn 5 người biết hát sử thi Êđê, 2 người biết hát sử thi M’nông (2012), chưa kể phần lớn đều đã tuổi cao, sức yếu. Không những thế, giới trẻ hiện nay lại đang bị cuốn theo các trào lưu văn hoá ngoại lai mới du nhập vào, quay lưng với văn hoá của cha ông mình.

Quá trình tiếp biến văn hóa của các tộc người mới đến đối với văn hoá truyền thống vẫn không ngừng diễn ra ở Tây Nguyên. Chính vì sự phong phú về tộc người cùng sinh sống trên một khu vực, nên vấn đề giao lưu, tiếp biến văn hóa của các tộc người mới đến so với các dân tộc bản địa là điều không thể tránh khỏi. Sự hấp dẫn của những luồng văn hóa nhập cư theo làn sóng di dân dễ làm cho các dân tộc tại chỗ Tây Nguyên thích thú đón nhận, thích nghi và dần đánh mất bản sắc của mình. Người trẻ dân tộc thiểu số Tây Nguyên chuyển sang nói tiếng Kinh, mặc quần áo tân thời. Vì vậy các tỉnh Tây Nguyên gặp rất nhiều khó khăn trong việc định hướng giới trẻ theo học các loại hình văn hoá truyền thống như cồng chiêng, sử thi, đàn đá… Không những thế, lớp nghệ nhân giỏi lần lượt qua đời, để lại một khoảng trống về tầng lớp kế cận của văn hoá dân tộc thiểu số Tây Nguyên.


- Về định hướng các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số vào trong thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội để tạo động lực phát triển bền vững Tây Nguyên

Các hoạt động phát triển kinh tế còn manh mún, chưa khai thác được các giá trị văn hoá làm cho thu nhập GDP của Tây Nguyên nhìn chung vẫn thấp so với cả nước, người dân tộc thiểu số tại chỗ có mức sống thấp hơn so với mặt bằng chung.

Cùng với các chủ trương quy hoạch lại rừng, phát triển cây công nghiệp, GDP bình quân trên đầu người ở Tây Nguyên tăng cao hơn so với trước đó. Nhưng so với mặt bằng chung của cả nước, mức sống ở Tây Nguyên vẫn nằm ở nhóm thấp. Hơn thế sự chênh lệch giàu nghèo, chênh lệch về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường hiện đại, tiếp cận việc làm giữa các vùng, các nhóm dân cư vẫn chưa được thu hẹp. Nhóm đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ vẫn có mức sống thấp hơn so với mặt bằng chung của vùng. Người dân tộc thiểu số ở đây bị tách ra khỏi phương thức sản xuất truyền thống, rừng không còn thời gian để nghỉ ngơi nên ngày càng bạc màu. Bằng nhiều cách họ rời bỏ các thửa rừng của mình, hoặc bán với giá vô cùng rẻ cho người Kinh rồi chuyển lên cư trú ở các vùng núi cao, vùng sâu vùng xa. Một số người sau đó do không đáp ứng được mức sống cơ bản, đã quay lại xin làm thuê tại chính thửa đất mình từng bán. Một số khác trở thành lao động tự do không có tay nghề, đi làm thuê theo mùa vụ, mức sống bấp bênh phụ thuộc vào người khác. Sự tăng trưởng kinh tế trước mắt, không bao trùm toàn bộ đời sống của mỗi cá nhân trong cộng đồng dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Tăng trưởng đó chưa bao hàm phát triển bền vững. Sự phân hoá giàu nghèo ở Tây Nguyên thể hiện rõ rệt thông qua tỉ lệ chênh lệch của thu nhập bình quân đầu người giữa người Kinh với người dân tộc thiểu số tại chỗ, giữa nhóm người có thu nhập cao nhất so với nhóm người có thu nhập thấp nhất hằng năm. Đáng nói là sự chênh lệch đó ngày càng lớn qua các năm. Nếu như năm 2010 nhóm thu nhập cao nhất thu được 3,410 triệu đồng trên một tháng, cao gấp 9,2 lần so với nhóm thu nhập thấp nhất, chỉ được 369 ngàn đồng trên một tháng. Thì đến năm 2019 tỉ lệ này


là 10,103 triệu đồng và 988 ngàn đồng, cao gấp 10,2 lần. Sự chênh lệch chi tiêu bình quân đầu người trong một tháng giữa nhóm có thu nhập cao nhất so với nhóm có thu nhập thập nhất vẫn cao, qua từng năm và so với cả nước. Tỉ lệ này của Tây Nguyên năm 2010 là 9,2 lần, năm 2012 là 9,4 lần, năm 2014 là 9,7 lần, năm 2016 là 9,8 lần, năm 2019 là 10,2 lần; tương tự tỉ lệ này của cả nước là 8,3 lần, 8,6 lần, 9,0 lần, 9,4 lần và 10,5 lần. [phụ lục 2e]

Hoạt động khai thác du lịch chưa mang lại nguồn thu xứng với thế mạnh, tiềm năng của vùng. Dù đã có nhiều bước phát triển, nhưng thực tế tỷ trọng về lượng khách du lịch và thu nhập từ du lịch của vùng Tây Nguyên vẫn chưa tưng xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có. Du lịch Tây Nguyên phát triển có phần chậm hơn so với các vùng khác của cả nước, trừ thành phố du lịch Đà Lạt. Hạ tầng kỹ thuật du lịch ở nhiều khu vực còn hạn chế; trình độ phát triển du lịch không đồng đều giữa các tỉnh trong vùng. Các yếu tố trong phát triển du lịch bền vững hầu như chưa được quan tâm hoặc quan tâm nhưng chưa đạt kết quả: thu nhập từ du lịch Tây Nguyên thấp, chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ so với tổng thu nhập du lịch của cả nước; thu nhập của dân cư từ hoạt động du lịch manh mún, nhỏ lẻ. Theo thống kê sơ bộ, năm 2019 tổng doanh thu từ du lịch của cả nước là 44.259,1 tỷ đồng, trong khi đó Tây Nguyên chỉ có 141,2 tỷ đồng. Trong đó, nguồn thu chính đến từ các trung tâm du lịch của Lâm Đồng và Đắk Lắk. [phụ lục 2I]

Chương trình du lịch “con đường xanh tây nguyên” đã được khởi xướng, nhưng chưa được triển khai thực hiện một cách tích cực. Nhiều sản phẩm du lịch khác mới bước đầu được đầu tư khai thác, chưa trở thành các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Bên cạnh đó, một số điều kiện về an ninh, an toàn; thay đổi cơ cấu tổ chức của cơ quan quản lý du lịch địa phương cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển du lịch ở các tỉnh Tây Nguyên. Sự phát triển du lịch tự phát; thiếu đồng bộ đã gây ra tác động đến tài nguyên và môi trường tự nhiên cũng như môi trường văn hóa. Một số dự án đầu tư, bao gồm cả đầu tư nâng cấp hạ tầng du lịch, còn chưa phát huy được hiệu quả.


Sự phong phú về tộc người, tôn giáo và sự đa dạng văn hoá trên địa bàn đã kéo theo những mâu thuẫn, tranh chấp tôn giáo, làm nảy sinh nhiều bất ổn chính trị ở Tây Nguyên.

Sự phát triển rầm rộ của các tôn giáo lớn tại Tây Nguyên, một bộ phận lớn người dân tộc thiểu số tham gia vào các tôn giáo làm nảy sinh nhiều vấn đề an ninh chính trị. Thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo, kích động, gây mất đoàn kết nội bộ, chia rẽ nhóm người người nhập cư mới đến và người dân tộc thiểu số tại chỗ, gây ra nhiều mâu thuẫn, xung đột. Qua các sự kiện bạo động các năm 2001, 2004, 2008 ta thấy được những nguy cơ và hệ quả của vấn đề dân tộc, tôn giáo ở Tây Nguyên. Các tổ chức phản động núp bóng tôn giáo, dưới chiêu bài nhân quyền lôi kéo đồng bào, xuyên tạc đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước, gây chia rẽ sự đoàn kết giữa các dân tộc, khoét sâu ranh giới giữa người Kinh và người Thượng, qua đó tuyên truyền chống phá nhà nước, tiến tới bạo loạn lật đổ. Như vào khoảng thời gian tháng 7 đến tháng 9 năm 2008, chúng âm thầm kết nối, tổ chức các nhóm hoạt động chống phá trên 18 huyện của các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai. Một mặt kích động biểu tình, mặt khác loan tin gây xáo trộn, chia rẽ ở nhiều buôn làng.

Với vị trí địa chiến lược vô cùng quan trọng, Tây Nguyên vẫn đang là một trong những địa bàn trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch, với âm mưu diễn biến hoà bình nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Với chiêu bài nhân quyền, lợi dụng tự do tôn giáo, để lôi kéo người dân, âm thầm xây dựng lực lượng để khôi phục cái gọi là nhà nước Đềga, tổ chức tôn giáo Hà Mòn. Dẫn dắt người có đạo thực hành mê tín dị đoan, hiểu sai lệch về chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Chúng coi đây như một ngòi nổ, chỉ chờ có thời cơ sẽ châm ngòi, khiến khủng hoảng leo thang và dẫn tới bạo loạn lật đổ ở Tây Nguyên.


Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở Tây Nguyên có những bất cập nhất định. Đội ngũ này còn mỏng, hơn thế trình độ chưa đáp ứng hết được nhu cầu của công việc, chế độ đãi ngộ vẫn còn thấp. Không có sự nhất quán, đồng bộ trong nhận thức về tôn giáo trong đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp ở Tây Nguyên. Do đó, cách giải quyết các vấn đề tôn giáo hoặc là quá rập khuôn máy móc, quyết liệt, hoặc là quá xem nhẹ, thờ ơ, buông lỏng. Dẫn tới có nhiều mâu thuẫn của đồng bào giáo dân với chính quyền bắt nguồn từ cách giải quyết vấn đề không thấu tình đạt lý của một số người chuyên trách. Do không có kiến thức vững, dẫn tới cách giải quyết vụ việc chệch hướng so với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về tôn giáo. Đây sẽ là khe hở cho các thế lực thù địch bên ngoài lợi dụng để dắt mũi những người dân kém hiểu biết. Bên cạnh đó, xuất hiện hiện tượng cán bộ, Đảng viên có biểu hiện xa rời quần chúng, chỉ chăm lo cho lợi ích của bản thân mà không sâu sát với nhân dân. Điều này sẽ dẫn tới người dân sợ đến cửa công, loay hoay tự giải quyết vấn đề của mình, hoặc sẽ bị kẻ xấu lợi dụng làm phát sinh những bất ổn tiềm tàng ở trong dân.

Phương thức canh tác nương rẫy ổn định bị phá vỡ vì thực hiện sai một số vấn đề trong chính sách đất đai. Quy hoạch các vùng định cư cho người dân tộc thiểu số nhiều nơi còn tạm bợ, nên dẫn tới phát triển chậm, không bền vững. Khi rừng đã bạc màu, người đồng bào bỏ rừng rời đi, co cụm ở các vùng núi cao. Nhiều người cho hoặc bán đất rẫy đi với giá rất rẻ, không đủ để họ tự khôi phục sinh kế, sau một vòng luẩn quẩn không lối thoát, họ trở về làm thuê trên chính mảnh đất từng là của mình, cuộc sống tạm bợ, không có việc làm ổn định. Điều này làm gia tăng mâu thuẫn, xung đột, tranh chấp đất đai giữa nhóm người dân tộc thiểu số tại chỗ với nhóm người mới nhập cư. Dù đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn, kiềm toả, nhưng những tranh chấp đất đai mang tính xung đột Kinh - Thượng vẫn tồn tại, thậm chí có dấu hiệu gia tăng. Riêng năm 2008, tại Tây Nguyên xảy ra 243 vụ khiếu kiện, tranh chấp của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 43% các vụ việc liên quan trực tiếp đến đất đai.

Xem tất cả 200 trang.

Ngày đăng: 15/01/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí