Pháp luật về xử lý rác thải y tế và thực tiễn áp dụng tại Công ty Cổ phần vật tư thiết bị môi trường 13 - Urenco 13 - 2


LỜI MỞ ĐẦU‌

1. Tính cấp thiết của đề tài

Các quốc gia trên thế giới từ lâu đã coi việc xử lý rác thải y tế là một vấn đề hết sức quan trọng và luôn nằm trong những ưu tiên hàng đầu. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ khi dù là một quốc gia đi sau các quốc gia phát triển nhiều năm nhưng không vì tập trung phát triển kinh tế mà Việt Nam bỏ lại, buông lỏng việc xử lý rác thải y tế.

Thực hiện việc xử lý rác thải y tế không phải là một công việc đơn giản, chỉ áp dụng theo các quy định hoặc nguyên tắc cho trước là xong. Đây là quá trình đòi hỏi vừa phải có những điều luật, những quy định chặt chẽ, những chế tài đủ sức răn đe bất kể hành vi vi phạm nào, vừa phải có những sự kiểm tra, giám sát thường xuyên bởi các loại rác thải và lưu lượng phát thải rác thải y tế có thể biến đổi bất kỳ lúc nào.

Thực tiễn đã cho thấy dù đã có những quy định cụ thể được đưa ra thì nhìn chung, cách thức xử lý rác thải y tế vẫn chưa có được sự thống nhất cao giữa những đơn vị trực tiếp tạo ra nguồn rác thải – các đơn vị, tổ chức thực hiện dịch vụ khám, chữa bệnh. Điều này càng nổi bật hơn vào thời điểm cả thế giới bước vào giai đoạn sống chung với dịch bệnh COVID-19, lượng rác thải y tế từ các cơ sở chữa trị COVID tăng lên một cách nhanh chóng, gấp nhiều lần lượng rác thải y tế hàng ngày mà các bệnh viện, hay các cơ sở khám, chữa bệnh thải ra. Khi đó, các nhân viên y tế, nhân viên thu gom rác thải y tế ngay lập tức cho thấy lỗ hổng trong việc quản lý và xử lý loại rác thải y tế nguy hại, chính các bệnh viện hay cơ sở y tế cũng không thể lường trước được việc dịch bệnh xuất hiện đã tạo ra sự lúng túng như vậy. Điều này đã cho thấy được sự cần thiết một hệ thống quy chuẩn bao gồm những quy định và hướng dẫn trong việc xử lý rác thải y tế.

Giống như các quốc gia khác trên thế giới, việc trực tiếp xử lý rác thải y tế tại các điểm phát thải là ít khả thi khi không có đủ điều kiện và cơ sở vật chất để có thể thực hiện được công đoạn này. Lúc này đây, các cơ sơ y tế cần đến những đơn vị, tổ chức có chuyên môn trong lĩnh vực vận chuyển và xử lý rác thải y tế để có thể giải quyết được lượng rác thải y tế mỗi ngày thải ra, vừa đảm bảo được sức khỏe


cho bệnh nhân và người nhà đến thăm khám, chữa trị vừa đảm bảo được vệ sinh môi trường của bệnh viện, trạm y tế…

Với đặc thù có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải y tế, đặc biệt là rác thải y tế nguy hại, Công ty Cổ phần vật tư thiết bị môi trường 13 - Urenco 13 (là một trong những đơn vị thành viên của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội) luôn là doanh nghiệp đáng tin cậy đối với các bệnh viện lớn tại Hà Nội, cũng như một số tỉnh lân cận. Trước áp lực về khối lượng lớn rác thải y tế thải ra mỗi ngày, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp làm tăng nhu cầu về vận chuyển và xử lý rác thải từ các bệnh viện, cơ sở y tế thực hiện việc cách ly, chữa bệnh, Công ty Urenco 13 nổi lên là một trong số ít những doanh nghiệp có đủ khả năng và điều kiện để có thể đáp ứng được những nhu cầu trên. Để có thể thực hiện tốt công việc xử lý rác thải y tế, Công ty Urenco 13 phải có một đội ngũ nhân sự với chuyên môn tốt, cùng với đó là am hiểu và có khả năng vận dụng tốt những quy định của pháp luật về xử lý rác thải y tế.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 105 trang tài liệu này.

Chính vì vậy, từ những thách thức và yêu cầu trên, “Pháp luật về xử lý rác thải y tế và thực tiễn áp dụng tại Công ty Cổ phần vật tư thiết bị môi trường 13

- Urenco 13” được chọn làm đề tài cho luận văn tốt nghiệp chuyên ngành Luật Kinh tế.

Pháp luật về xử lý rác thải y tế và thực tiễn áp dụng tại Công ty Cổ phần vật tư thiết bị môi trường 13 - Urenco 13 - 2

2. Tình hình nghiên cứu

Xử lý rác thải y tế từ lâu đã được chú ý và quan tâm thường xuyên như là một vấn đề quan trọng từ cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã có những bài điều tra, nghiên cứu và đánh giá về một trong những nguồn rác thải gây hại đặc biệt này. Rác thải y tế chủ yếu đến từ các bệnh viện, các cơ sở khám, chữa bệnh, nơi mà những hoạt động và dịch vụ về y tế diễn ra hàng ngày. Các nghiên cứu dưới đây bao gồm những nghiên cứu trong nước và nước ngoài, dải khắp từ châu Âu, châu Á cho đến châu Mỹ.

2.1. Tình hình nghiên cứu trong nước

Trong những năm trở lại đây, các tác giả trong nước đã chú ý hơn đến nghiên cứu về vấn đề xử lý rác thải y tế cùng với đó là các quy định để kiểm soát và giải quyết các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Có thể kể đến một số nghiên cứu sau đây của các tác giả trong nước.


Nguyễn Thị Kim Dung (2012) với bài luận văn của mình đã đánh giá và phân tích được thực trạng công tác từ quản lý đến xử lý rác thải y tế tại một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, từ đó đề xuất các giải pháp để giải quyết các tồn tại còn có trong công tác này; tiếp theo là nâng cao hiệu quả quản lý, xử lý rác thải y tế của các bệnh viện đa khoa trên địa bàn tỉnh1.

Phạm Hồng Ngọc (2016) đã nghiên cứu về thực tiễn pháp luật về quản lý chất thải y tế tại Thành phố Hà Nội. Trong luận văn của mình, tác giả đã nêu được thực trạng, cùng với đó là đề xuất được một số giải pháp để hoàn thiện những quy định của pháp luật trong lĩnh vực này2.

Võ Trung Tín (2018) trong luận án tiến sĩ của mình đã thực hiện nghiên cứu về nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền. Luận án đã nêu ra được những vấn đề lý luận và việc thực hiện nguyên tắc này thông qua các quy định của pháp luật Việt Nam, cùng với đó là đưa ra định hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật môi trường của Việt Nam để đảm bảo thực hiện hiệu quả nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền3.

Phạm Minh Khuê & Phạm Đức Khiêm (2015) thực hiện nghiên cứu về thực trạng quản lý rác thải y tế trên 07 bệnh viện tuyến huyện tại Thành phố Hải Phòng trong năm 2013. Nghiên cứu của các tác giả đã chỉ ra được dù đã có những phân công đơn vị cụ thể để quản lý rác thải y tế nhưng các bệnh viện vẫn còn thiếu các hướng dẫn về nhân lực quản lý, về quy trình xử lý rác thải hợp lý và sự thống nhất giữa các bệnh viện, từ đó yêu cầu về một hướng dẫn cụ thể của ngành y tế4.

Đào Mộng Điệp & Trịnh Tuấn Anh (2020) trong bài viết của mình đã lựa chọn nghiên cứu về pháp luật trong việc sử dụng công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Nghiên cứu đã phân tích và đánh giá được thực trạng pháp luật hiện hành về sử dụng công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường. Từ việc thực hiện nghiên cứu, hai tác giả đã kiến nghị một số giải pháp góp


1 Nguyễn Thị Kim Dung, Đánh giá thực trạng công tác quản lý chất thải y tế tại một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, Luận văn Thạc sĩ Khoa học Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Hà Nội, 2012

2 Phạm Hồng Ngọc, Pháp luật về quản lý chất thải y tế từ thực tiễn thành phố Hà Nội, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội, 2016

3 Võ Trung Tín, Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền theo pháp luật môi trường Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 2018

4 Phạm Minh Khuê & Phạm Đức Khiêm, Thực trạng quản lý chất thải y tế tại các bệnh viện huyện thành phố Hải Phòng, Tạp chí Y tế Công cộng, số 35, 2015, tr. 17 – tr. 22


phần hoàn thiện pháp luật về sử dụng công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững mà Đảng và Nhà nước đặt ra5.

Chu Văn Thăng, Lê Thị Hoàn & Lê Vũ Thuý Hương (2021) thực hiện nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức của nhân viên y tế tại ba bệnh viện tại Hà Nội về quản lý chất thải y tế rắn. Trong bài viết, các tác giả đã tiến hành phỏng vấn 375 cán bộ y tế về các kiến thức liên quan đến thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế và rút ra được rằng kiến thức về chất thải rắn y tế của các cán bộ là còn rất hạn chế. Từ đó, các tác giả đưa ra khuyến nghị rằng các bệnh viện cần cập nhật và hướng dẫn các cán bộ y tế trong việc quản lý và xử lý chất thải y tế theo quy định của pháp luật6.

Trong đề tài nghiên cứu của mình, Phạm Ngọc Châu & Đàm Thương Thương (2021) đã tiến hành nghiên cứu trên khoảng 90 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa hạng 1 tuyến Trung ương và tuyến tỉnh tại một số địa phương đại diện trong khoảng thời gian từ 2020 – 2021. Áp dụng phương pháp thiết kế nghiên cứu cắt ngang, thu thập dữ liệu thứ cấp qua kết quả quan trắc môi trường kết hợp với điều tra hiện trường, phỏng vấn sâu, các tác giả đã chỉ ra được tình trạng phát thải rác thải rắn y tế sẽ tăng đột biến nếu bệnh viện thu dung điều trị bệnh nhân COVID-197.

Nguyễn Mai Lan & Lê Chí Tiến (2021) nghiên cứu về Hiện trạng quản lý rác thải rắn y tế tại Bệnh viện 71 Trung ương, Thanh Hóa, nghiên cứu đã đánh giá được hiện trạng phát sinh rác thải rắn y tế, công tác quản lý rác thải rắn y tế tại bệnh viện. Qua nghiên cứu đã cho thấy được mạng lưới quản lý rác thải rắn y tế tại bệnh viện được điều hành xuyên suốt, việc thực hiện phân loại chất thải theo đúng quy định8.

Nguyễn Huy Nga & Tô Liên (2017) thì có bài viết nghiên cứu về thực trạng quản lý rác thải rắn y tế tại các trạm y tế xã trên địa bàn cả nước, các trạm y tế được lấy ngẫu nhiên tại 32 xã phường thuộc 08 tỉnh trong giai đoạn từ 2015 – 2016. Bài



5 Đào Mộng Điệp & Trịnh Tuấn Anh, Pháp luật về sử dụng công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, Nhà xuất bản Nông nghiệp, 2020, tr. 397 – tr. 408

6 Chu Văn Thăng, Lê Thị Hoàn & Lê Vũ Thuý Hương, Kiến thức về quản lý chất thải rắn của nhân viên y tế tại ba bệnh viện tại Hà Nội năm 2018, Tạp chí Nghiên cứu Y học, số 144 (8), 2021, tr. 387 – tr. 393

7 Phạm Ngọc Châu & Đàm Thương Thương, Thực trạng chất thải rắn y tế của các bệnh viện và thách thức trong phòng dịch Covid-19, Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng Việt II, 2021, tr. 3 – tr. 7

8 Nguyễn Mai Lan & Lê Chí Tiến, Hiện trạng quản lý chất thải rắn y tế tại Bệnh viện 71 Trung ương, Thanh Hóa, Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng Việt II, 2021, tr. 9 – tr. 14


viết đã chỉ ra được thực trạng quản lý rác thải rắn y tế tại các trạm y tế xã và kiến thức, hiểu biết của cán bộ y tế xã về quản lý rác thải rắn y tế9.

2.2. Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài

Với trình độ phát triển cao và đi trước nước ta nhiều năm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhất là vấn đề về xử lý chất thải nói chung và rác thải y tế nói riêng, các quốc gia trên thế giới đã đi vào nghiên cứu thực trạng phát thải rác thải y tế và pháp luật áp dụng để xử lý loại rác thải này từ khá sớm. Thêm vào đó, họ còn đi sâu, thực hiện tìm hiểu cốt lõi vấn đề, chỉ ra được những nguyên nhân của thực trạng ô nhiễm do rác thải y tế gây ra trên phạm vi từ khu vực cho đến toàn bộ quốc gia và đề xuất một số các giải pháp để cải thiện thực trạng đó.

Ngay từ khá sớm, Cheryl L. Coon & Howard L. Gilberg (1991) trong nghiên cứu của mình đã nghiên cứu đến một vấn đề pháp lý còn khá là mới thời bấy giờ, đó là các quy định về rác thải y tế. Hai tác giả đã thực hiện tìm hiểu các quy định của pháp luật Liên bang Hoa Kỳ, tiếp đến là luật của tiểu bang Texas, cùng với đó là những phát kiến mới về việc khởi tố người vi phạm quy định về rác thải y tế. Cuối cùng, sau khi phân tích một vài vụ việc tiêu biểu, các tác giả đã kiến nghị một số giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của luật10.

Yong-Chul Jang, Cargro Lee, Oh-Sub Yoon & Hwidong Kim (2005) đã tiến hành thu thập thông tin và phân tích về thực trạng quản lý rác thải y tế tại Hàn Quốc. Các thông tin được xét đến bao gồm chủng loại, thành phần, phân loại, vận chuyển và đặc biệt xử lý rác thải y tế, bài viết cũng chỉ ra rằng thiêu hủy sẽ là phương pháp được ưa chuộng nhất và cũng sẽ là duy nhất tại Hàn Quốc từ cuối năm 2005, tuy nhiên điều này sẽ dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí. Từ đó, các tác giả đã khuyến nghị rằng giảm thiểu tình trạng phát thải, tái chế, kiểm soát nguồn khí thải và tìm ra các phương pháp thay thế thiêu hủy sẽ là những thách thức trong tương lai11.

Natalija Marinkovic, Ksenija Vitale, Natasˇa Janev Holcer, Aleksandar Dzˇakula & Tomo Pavic´ (2008) thì tiến hành nghiên cứu về thực trạng xử lý rác thải y tế nguy hại ở Croatia. Nghiên cứu chỉ ra rằng dù cho đã có những quy định cụ


9 Nguyễn Huy Nga & Tô Liên, Cục quản lý Môi trường Y tế, Thực trạng công tác quản lý chất thải rắn y tế tại các trạm y tế xã ở Việt Nam, 2017, tại địa chỉ: https://vihema.gov.vn/thuc-trang-cong-tac-quan-ly-chat- thai-ran-y-te-tai-cac-tram-y-te-xa-o-viet-nam.html, truy cập ngày: 12/11/2021

10 Cheryl L. Coon & Howard L. Gilberg, The New Regulartory Horizon: Regulation of Medical Waste, Southwestern Law Journal, số 45, 1991, tr. 1099 – tr. 1128

11 Yong-Chul Jang, Cargro Lee, Oh-Sub Yoon & Hwidong Kim, Medical waste management in Korea, Journal of Environmental Management, số xx, 2005, tr. 1 – tr. 9


thể nhưng tại các bệnh viện – nguồn phát thải rác thải y tế lớn nhất lại không có đủ kinh phí và kiến thức để áp dụng được các quy định của luật. Tiếp cận vấn đề theo cấu trúc thứ bậc, cùng với các dữ liệu thu thập được, các tác giả đã tin rằng thiêu hủy là giải pháp hữu hiệu nhất cùng với đó là thực hiện giáo dục, tuyên truyền về tác hại của rác thải y tế để nâng cao hiệu quả áp dụng quy định của luật12.

Vanesh Mathur, S Dwivedi, MA Hassan & RP Misra (2011) cũng đã có những nghiên cứu nhằm đánh giá kiến thức, thái độ và thực tiễn thực hiện việc xử lý rác thải y tế của các cán bộ, nhân viên của các bệnh viện tại thành phố Allahabad, Ấn Độ. Nghiên cứu chỉ ra rằng trong các đối tượng được nghiên cứu bao gồm bác sĩ, y tá, nhân viên phòng thí nghiệm và lao công thì đội ngũ lao công có ít kiến thức nhất về việc xử lý rác thải y tế. Dù cho tỷ lệ chấn thương do việc thu gom rác thải y tế là thấp, tuy nhiên tác giả vẫn nhấn mạnh rằng cần phải có những buổi tập huấn kiến thức đầy đủ, đồng đều nhằm nâng cao hiệu quả xử lý rác thải y tế13.

Chang Chen, Jiaao Chen, Ran Fang, Fan Ye, Zhenglun Yang, Zhen Wang, Feng Shi & Wenfeng Tan (2021) thực hiện nghiên cứu dựa trên thực trạng quản lý rác thải y tế và những thay đổi về quy trình kiểm soát loại rác thải này tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc nhằm thích ứng với đại dịch COVID-19. Nghiên cứu cho ra kết quả rằng thành phố Vũ Hán có một hệ thống quản lý rác thải y tế phản ứng rất tốt trước dịch bệnh dù cho lượng rác thải tăng lên cực kỳ nhanh chóng, là mô hình quản lý mà các thành phố khác có thể học hỏi14.

Ngoài ra, còn có thêm nhiều những nghiên cứu khoa học khác tập trung tìm hiểu về thực trạng xử lý rác thải y tế, việc áp dụng những quy định về quản lý rác thải y tế, tuy nhiên những nghiên cứu này chỉ tập trung đánh giá và phân tích hoạt động của các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh viện. Chưa có một nghiên cứu đáng kể nào tập trung vào thực tiễn hoạt động tại một doanh nghiệp có chuyên môn về phân loại, thu gom, vận chuyển và đặc biệt là xử lý rác thải y tế. Các doanh nghiệp


12 Natalija Marinkovic´, Ksenija Vitale, Natasˇa Janev Holcer, Aleksandar Dzˇakula & Tomo Pavic´,

Management of hazardous medical waste in Croatia, Waste Management, số 28, 2008, tr. 1049 – tr. 1056

13 Vanesh Mathur, S Dwivedi, MA Hassan & RP Misra , Knowledge, Attitude, and Practices about Biomedical Waste Management among Healthcare Personnel: A Cross-sectional Study, Indian J Community Med, số 36(2), 2011, tr. 143 – tr. 145

14 Chang Chen, Jiaao Chen, Ran Fang, Fan Ye, Zhenglun Yang, Zhen Wang, Feng Shi & Wenfeng Tan, What medical waste management system may cope With COVID-19 pandemic: Lessons from Wuhan, Resources, Conservation & Recycling, số 170, 2021, tr. 1 – tr. 9


này chính là một bộ phận quan trọng trong quá trình kiểm soát sự gây hại của loại rác thải này ra môi trường. Đây chính là khoảng trống nghiên cứu để đề tài nghiên cứu cho Luận văn Thạc sĩ này được lựa chọn.

3. Mục đích nghiên cứu

Trên cơ sở phân tích, đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật về xử lý rác thải y tế tại Công ty Cổ phần vật tư thiết bị môi trường 13 - Urenco 13, đề tài đề xuất một số giải pháp, kiến nghị góp phần hoàn thiện quy định pháp luật Việt Nam về xử lý rác thải y tế cũng như các quy định, hoạt động của Công ty Cổ phần vật tư thiết bị môi trường 13 - Urenco 13 để thực thi tốt quy định của pháp luật về xử lý rác thải y tế.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu

Nghiên cứu các vấn đề pháp lý, cụ thể là các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về xử lý rác thải y tế và thực tiễn áp dụng các quy định này tại Công ty Cổ phần vật tư thiết bị môi trường 13 - Urenco 13.

4.2. Phạm vi nghiên cứu

- Nội dung nghiên cứu: Luận văn tập trung đi sâu nghiên cứu về các quy định của pháp luật trong nước về xử lý rác thải y tế, cùng với đó là đánh giá khả năng áp dụng những quy định tại thực tế hoạt động của doanh nghiệp. Việc so sánh, phân tích quy định về xử lý rác thải y tế được đặt trong tổng thể quy định về xử lý chất thải y tế hay rộng hơn là quản lý chất thải y tế chỉ nhằm làm rõ hơn quy định về xử lý rác thải y tế, không phải là trọng tâm nghiên cứu của đề tài này.

- Thời gian nghiên cứu: Nghiên cứu dựa trên thực tế hoạt động của doanh nghiệp trong khoảng thời gian từ 2017 - 2021, giải pháp đề xuất đến năm 2025.

- Không gian nghiên cứu: Công ty Cổ phần vật tư thiết bị môi trường 13 - Urenco 13 tại Hà Nội.

5. Phương pháp nghiên cứu

Để đạt được mục đích nghiên cứu, luận văn chủ yếu sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau đây:


- Phương pháp phân tích, tổng hợp: đây là phương pháp chủ đạo được sử dụng xuyên suốt luận văn. Phương pháp này sẽ giúp phân tích, tìm hiểu từng vấn đề nhỏ như các quy định của pháp luật, thực tiễn áp dụng quy định… trong quá trình nghiên cứu, sau khi hoàn thành nghiên cứu hết các vấn đề thì sẽ thực hiện tổng hợp các kết quả phân tích được để đưa ra các kết luận, từ đó mà gợi ý phát triển các giải pháp, khuyến nghị.

- Phương pháp nghiên cứu so sánh luật: được áp dụng chủ yếu tại chương 1 khi tiến hành nêu ra các quy định của pháp luật hiện hành, từ đó đi vào so sánh và phân tích những mặt được và chưa được của những quy định này.

- Phương pháp nghiên cứu tình huống: phương pháp này sẽ được sử dụng chủ yếu ở chương 2 của luận văn, phương pháp sẽ đi sâu vào đánh giá và phân tích thực tế tình hình hoạt động và áp dụng những quy định của pháp luật về xử lý rác thải y tế tại Công ty Cổ phần vật tư thiết bị môi trường 13 - Urenco 13.

6. Dự kiến đóng góp của luận văn

- Về lý luận: Luận văn sẽ góp phần hệ thống hóa các quy định pháp luật về xử lý rác thải y tế.

- Về thực tiễn: Kết quả nghiên cứu của luận văn sẽ là nguồn tài liệu tham khảo có ý nghĩa đối với việc hoàn thiện hệ thống các quy định của pháp luật Việt Nam về xử lý rác thải y tế. Luận văn cũng sẽ là cơ sở để Công ty Cổ phần vật tư thiết bị môi trường 13 - Urenco 13 xem xét, đánh giá hoạt động xử lý rác thải y tế của Công ty trong thời gian qua để từ đó hoạch định giải pháp cụ thể nhằm thực thi có hiệu quả quy định pháp luật về xử lý rác thải y tế, góp phần thực hiện thành công mục tiêu, chiến lược của Công ty.

7. Kết cấu đề tài

Ngoài Lời mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu thao khảo, nội dung chính của luận văn gồm 3 chương, cụ thể như sau:

Chương 1: Tổng quan về xử lý rác thải y tế và pháp luật về xử lý rác thải y tế.

Chương 2: Quy định và thực tiễn áp dụng quy định pháp luật việt nam về xử lý rác thải y tế tại Công ty Cổ phần vật tư thiết bị môi trường 13 - Urenco 13.

Chương 3: Một số kiến nghị nhằm áp dụng hiệu quả quy định pháp luật về xử lý rác thải y tế tại Công ty Cổ phần vật tư thiết bị môi trường 13 - Urenco 13.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 17/06/2023