nguy hại không có khả năng lây nhiễm như hóa chất, dược phẩm thải bỏ, thiết bị y tế đã qua sử dụng, ngoài ra là còn cả rác thải y tế thông thường (loại rác thải chiếm phần lớn của rác thải y tế). Với khối lượng lớn và phát sinh mỗi ngày, cùng với đó là tính chất khác nhau của từng loại rác thải, việc phân loại rác thải y tế trước khi tiến hành xử lý chúng càng phải được quan tâm hơn nữa. Để tránh mọi nguy cơ lây nhiễm những tác nhân gây hại và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và môi trường sống cộng đồng, việc phân loại rác thải y tế ngay từ nguồn thải đóng vai trò cực kỳ quan trọng, quyết định đến công đoạn xử lý sau này.
Phân loại rác thải y tế về bản chất chính là việc phân chia từng nhóm rác thải để phục vụ cho những thao tác ban đầu đối với rác thải y tế ngay tại thời điểm và địa điểm các loại rác thải ấy phát sinh. Việc phân loại sẽ dựa trên nguyên tắc mà luật đã định sẵn, từ đó các cơ sở phát sinh rác thải sẽ điều chỉnh cho phù hợp. Ngoài ra, thực hiện phân loại rác thải y tế ngay từ nguồn thải là điều vô cùng hợp lý và cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thu gom và đặc biệt là xử lý rác thải sau này.
Phân loại rác thải y tế dựa trên những nguyên tắc những nguyên tắc chung mà các cơ sở phát sinh rác thải bắt buộc phải tuân theo25:
- Rác thải y tế phải được phân loại để ngay tại nơi phát sinh và tại thời điểm phát sinh để phục vụ việc thu gom, lưu giữ để chuẩn bị cho các bước xử lý tiếp theo;
- Từng loại rác thải y tế sẽ được đựng, chứa, lưu giữ trong các loại bao bì, dụng cụ, thiết bị lưa chứa khác nhau, phù hợp với tính chất của từng loại và đảm bảo quy định. Trường hợp các rác thải y tế nguy hại không có khả năng phản ứng, tương tác với nhau và áp dụng cùng một phương pháp xử lý thì cho phép được phân loại chung vào cùng một bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa;
- Hỗn hợp rác thải bao gồm rác thải lây nhiễm được để lẫn với bất kỳ loại rác thải nào khác hoặc ngược lại thì phải thực hiện việc thu gom, lưu giữ và xử lý như với rác thải lây nhiễm.
Đây là những nguyên tắc quan trọng, là nền tảng để thực hiện việc phân loại rác thải y tế. Từng loại rác thải phải được phân loại vào từng bao bì, dụng cụ hoặc thiết bị lưu chứa riêng biệt, và phải có hướng dẫn cụ thể cho việc phân loại từng loại rác thải đó.
25 Khoản 1, Điều 6, Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT
Từng loại rác thải y tế được phân chia vào từng bao bì, túi đựng hoặc thùng chứa phù hợp với tính chất của chúng và được phân biệt bằng màu sắc khác nhau. Với những loại rác thải nguy hại, có nguy cơ lây nhiễm thì được đựng trong các dụng cụ, thiết bị đựng rác thải có màu vàng; những loại rác thải nguy hại nhưng không có nguy cơ lây nhiễm thì đối với rác thải dạng rắn thì được để trong các túi đựng hoặc thùng chứa có màu đen, rác thải dạng lỏng thì đựng trong dụng cụ chứa có nắp đậy kín; rác thải y tế thông thường không dùng để tái chế thì phân biệt bằng các túi đựng hoặc thùng có lót túi có màu xanh, rác thải y tế thông thường có thể tái chế được thì đựng trong các công cụ chứa rác thải giống như rác thải y tế thông thường không tái chế nhưng sẽ sử dụng màu trắng để phân biệt. Ngoài ra, ở phía bên ngoài các thiết bị đựng rác thải y tế đều được dán nhãn phù hợp để giúp phân biệt và phải có hướng dẫn cách phân loại và thu gom từng loại rác thải cụ thể. Chính những sự phân loại rõ ràng như thế này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tiến hành xử lý rác thải, đưa từng loại rác thải y tế này vào đúng quy trình xử lý của chúng. Dưới đây là các loại nhãn dán dùng có thể áp dụng cho rác thải y tế.
RÁC THẢI CÓ CHỨA CHẤT GÂY BỆNH | |
CẢNH BÁO CHUNG VỀ SỰ NGUY HIỂM CỦA RÁC THẢI NGUY HẠI |
BIỂU TƯỢNG RÁC THẢI TÁI CHẾ |
Có thể bạn quan tâm!
- Pháp luật về xử lý rác thải y tế và thực tiễn áp dụng tại Công ty Cổ phần vật tư thiết bị môi trường 13 - Urenco 13 - 1
- Pháp luật về xử lý rác thải y tế và thực tiễn áp dụng tại Công ty Cổ phần vật tư thiết bị môi trường 13 - Urenco 13 - 2
- Tổng Quan Về Xử Lý Rác Thải Y Tế Và Pháp Luật Về Xử Lý Rác Thải Y Tế
- Sự Cần Thiết Phải Điều Chỉnh Xử Lý Rác Thải Y Tế Bằng Pháp Luật
- Quy Định Pháp Luật Về Xử Lý Rác Thải Y Tế
- Nhóm Quy Định Về Kiểm Tra, Giám Sát Và Xử Phạt Đối Với Việc Tuân Thủ Pháp Luật Về Xử Lý Rác Thải Y Tế
Xem toàn bộ 105 trang tài liệu này.
RÁC THẢI CÓ CHỨA CHẤT ĂN MÒN | |
RÁC THẢI CÓ CHẤT DỄ CHÁY |
Bảng 2- Cảnh báo dán trên bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa rác thải y tế26
1.1.3. Vai trò của xử lý rác thải y tế
Rác thải y tế tồn tại nguy cơ gây hại là điều mà phần lớn ai trong chúng ta cũng biết, tuy nhiên loại rác thải này có thể gây ra những tác hại gì và ở mức độ như thế nào lại là một vấn đề mà ít người biết hoặc được biết. Về cơ bản, có hai tác hại chính mà rác thải y tế có thể gây ra đó là ảnh hưởng đến sức khỏe con người và gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, việc xử lý rác thải y tế có vai trò vô cùng quan trọng, tác động trực tiếp đến sức khỏe và môi trường sống của cộng đồng.
Thứ nhất, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của rác thải y tế đến sức khỏe con người.
Đây là điều hoàn toàn dễ hiểu bởi rác thải y tế, đặc biệt là rác thải y tế lây nhiễm luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan các loại vi khuẩn, vi rút hay bệnh truyền nhiễm nếu không được xử lý đúng cách. Chỉ cần một trong những loại rác thải lây nhiễm tiếp xúc với cơ thể người như là kim tiêm, kim chọc dò hay rác thải thấm, dính, chứa máu, mẫu bệnh phẩm... thì người bị phơi nhiễm có thể đối mặt với các nguy cơ như: nhẹ thì là chấn động, nặng hơn có thể là lây nhiễm bệnh, lây nhiễm hóa chất hay phóng xạ. Những người bị phơi nhiễm này ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe của mình và có thể của những người xung quanh. Nhóm người có nguy cơ bị phơi nhiễm với rác thải y tế nguy hại cao nhất và thường xuyên nhất có
26 Phụ lục số 02, Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT
thể kể đến như: cán bộ, nhân viên làm việc tại các cơ sở y tế, đội ngũ nghiên cứu khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm, các nhân viên, người lao động trực tiếp thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý rác thải y tế. Có thể thấy rất nhiều người có nguy cơ phơi nhiễm với rác thải y tế, vì vậy xử lý loại rác thải này theo đúng quy định và đảm bảo an toàn, nắm vai trò vô cùng quan trọng.
Thứ hai, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Rác thải y tế tồn tại ở cả thể rắn và thể lỏng, và chúng hoàn toàn có thể gây hại nghiêm trọng đến môi trường sống của chúng ta, bao gồm: môi trường đất, môi trường nước và không khí. Lấy ví dụ như hóa chất, dược phẩm thải bỏ có thành phần nguy hại hay thiết bị y tế bị vỡ, hỏng, đã qua sử dụng thải bỏ có chứa thủy ngân và các kim loại nặng, những loại rác thải này nếu được xử lý không chính xác, để chúng ngấm xuống lòng đất hoặc tiếp xúc trực tiếp vào nguồn nước sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước, ảnh hưởng đến môi trường sống của nhiều loài sinh vật. Ngoài ra, những loại rác thải này trong quá trình xử lý nếu bị rò rỉ ra ngoài cũng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đất. Áp dụng đúng phương pháp xử lý sẽ giảm thiểu được lượng khí thải thải ra môi trường, từ đó mà sẽ góp phần giảm sự ấm lên toàn cầu, giảm biến đổi khí hậu.
Thứ ba, giảm các loại chi phí liên quan.
Đây là các loại chi phí sẽ phải trả để bồi thường, bù đắp nếu việc xử lý rác thải y tế không đảm bảo theo đúng quy chuẩn kỹ thuật gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và môi trường sống tại những khu vực xung quanh, ngoài ra đó còn là các loại phí để xử phạt hành vi gây ô nhiễm. Những loại chi phí này không hề rẻ và sẽ kéo theo nhiều trách nhiệm pháp lý khác.
1.2. Pháp luật về xử lý rác thải y tế
1.2.1. Khái niệm, đặc điểm pháp luật về xử lý rác thải y tế
a) Khái niệm pháp luật về xử lý rác thải y tế:
Vấn đề ô nhiễm môi trường trong suốt nhiều năm vừa qua luôn là một trong những vấn đề nóng hổi và không có dấu hiệu hạ nhiệt. Rất nhiều những hội nghị, hội thảo về môi trường đã được tổ chức, các tổ chức được thành lập để giải quyết các tác hại do ô nhiễm môi trường gây ra nhưng vẫn chưa thể nào tìm ra được một phương pháp thực sự hiệu quả để có thể dứt điểm tình trạng này. Khi đứng trước
một vấn đề nghiêm trọng cần phải giải quyết, một trong những phương pháp thường được đề cập đến là sử dụng pháp luật. Những quy định mang tính bắt buộc áp dụng, những chế tài để răn đe những hành vi vi phạm dù ít hay nhiều vẫn sẽ thể hiện được sự hiệu quả, ngoài ra sử dụng pháp luật còn giúp các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền định hướng, hướng dẫn cho các đối tượng phải áp dụng luật.
Hiện nay, Việt Nam đang có một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật khá lớn liên quan đến bảo vệ môi trường từ luật, nghị định, thông tư. Điển hình có thể kể đến Luật bảo vệ môi trường năm 2020, Luật thuế bảo vệ môi trường năm 2010, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP năm 2016 của Chính phủ về quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường hay Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT năm 2015 quy định về quản lý chất thải y tế giữa Bộ Y tế - Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Với phạm vi nghiên cứu mà bài viết tiếp cận, pháp luật về xử lý rác thải y tế được xác định là một bộ phận trong tổng thể pháp luật về bảo vệ môi trường, cụ thể hơn pháp luật về xử lý rác thải y tế sẽ nằm trong các quy định, chế tài của luật về quản lý chất thải y tế. Từ định nghĩa của pháp luật nói chung và pháp luật chuyên ngành nói riêng, có thể đưa ra định nghĩa về pháp luật về xử lý rác thải y tế như sau: “Pháp luật về xử lý rác thải y tế là một bộ phận nằm trong pháp luật về quản lý chất thải y tế, bao gồm hệ thống những quy tắc chung điều chỉnh trực tiếp việc xử lý rác thải y tế và các vấn đề liên quan, có tính chất bắt buộc áp dụng được cơ quan có thẩm quyền ban hành và đảm bảo thực hiện bằng quyền lực nhà nước”.
Có thể thấy, dù là một bộ phận của pháp luật quản lý chất thải y tế, nhưng pháp luật về xử lý rác thải y tế vẫn mang đầy đủ những đặc điểm và yếu tố ảnh hưởng của pháp luật thông thường.
Pháp luật là tập hợp những quy tắc xử sự mà nhà làm lập dựa theo ý chí của Nhà nước soạn thảo phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện xã hội theo từng giai đoạn, vì thế pháp luật về xử lý rác thải y tế sẽ được điều chỉnh để đáp ứng với những thay đổi thực tế của hoàn cảnh và điều kiện của quốc gia đó. Những số yếu tố sau đây được xem là những yếu tố cơ bản, chủ đạo, có ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định thay đổi các quy định pháp luật về xử lý rác thải y tế27:
27 Phạm Hồng Ngọc, Pháp luật về quản lý chất thải y tế từ thực tiễn thành phố Hà Nội
Một là, đường lối, chính sách của quốc gia trong từng thời kỳ. Pháp luật là công cụ quản lý của Nhà nước, thông qua công cụ đó thể hiện ý chí, định hướng của mình lên toàn xã hội. Ở từng thời kỳ, từng giai đoạn cụ thể, mỗi quốc gia sẽ có từng đường lối, chính sách cụ thể phù hợp với thực tiễn và mục tiêu phát triển. Để đưa những đường lối, chính sách đó vào thực tiễn, Nhà nước sẽ thể chế chúng vào luật pháp, đưa chúng vào từng quy định cụ thể, áp đặt và hướng dẫn thi hành để chúng phục vụ ý chí của mình. Việc đưa những định hướng của mình vào các văn bản quy phạm pháp luật là vô cùng quan trọng, vì chỉ khi như vậy thì Nhà nước mới có thể sử dùng quyền lực chính trị của mình để bắt buộc xã hội tuân theo.
Hai là, điều kiện kinh tế - xã hội. Nhà nước sau từng giai đoạn, thời kỳ nhất định sẽ thực hiện đánh giá, nghiên cứu tình hình phát triển kinh tế, xã hội nói chung, tình hình phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực nói riêng, từ đó xem xét đưa ra những thay đổi phù hợp, kịp thời để thích ứng với những sự biến động mới. Lấy ví dụ như trước đây, thời kỳ mà nước ta chưa thực sự để ý đến tình trạng phát thải rác thải y tế nên chưa có những quy định cụ thể để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên đến khi tình hình kinh tế - xã hội thay đổi, các cấp quản lý dành những sự quan tâm nhiều hơn đến tình hình ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm do rác thải y tế không được xử lý gây ra. Từ đó đã bắt đầu manh nha xuất hiện những quy định về quản lý, xử lý rác thải y tế, rồi đến sự ra đời của các văn bản luật cụ thể, kết hợp với các quyết định, thông tư của các bộ, ban ngành có thẩm quyền để chấn chỉnh tình trạng ô nhiễm này. Kết hợp với những mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, phát triển kinh tế song song với đó là bảo vệ môi trường, sẽ càng ngày càng có nhiều hơn các quy định để hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, đảm bảo thực hiện mục tiêu mà Đảng và Chính phủ đề ra.
Ba là, yêu cầu từ hội nhập quốc tế. Rõ ràng khi một quốc gia muốn phát triển kinh tế - xã hội, tiếp cận được với những tiến bộ khoa học - kỹ thuật thì cần phải tiến hành giao lưu, hội nhập với các quốc gia khác trên thế giới, tham gia vào những diễn đàn, tổ chức phù hợp với nhu cầu phát triển của mình. Mỗi một diễn đàn, tổ chức hay công ước quốc tế đều có những “luật chơi” riêng, những quy định mà khi bất kỳ quốc gia nào khi tham gia đều phải tuân theo. Đó không phải là những quy
định mà Việt Nam chỉ thỏa thuận, đồng ý trên giấy tờ thông thường mà còn phải có những cam kết rằng mình sẽ thực hiện theo đúng những gì mà luật chơi chung đề ra. Để tạo ra một khối thống nhất, một sân chơi chung cho toàn bộ các quốc gia thành viên mà ở đó không có bất kỳ sự phân biệt, đối xử nào thì hệ thống pháp luật của từng quốc gia sẽ phải có những sự điểu chỉnh, thay đổi để đưa những quy định đã cam kết vào thực tiễn, phù hợp với cam kết. Điển hình có thể kể đến những Hiệp định Thương mại Tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Đây là những hiệp định mà những cam kết của chúng vượt ra khỏi phạm vi hợp tác đầu tư, thương mại thông thường, trong những hiệp định này còn có cả những cam kết về bảo vệ con người, bảo vệ môi trường mà Việt Nam phải tuân thủ.
b) Đặc điểm của pháp luật về xử lý rác thải y tế:
Đặc điểm của pháp luật về xử lý rác thải y tế nhìn chung sẽ có những sự tương đồng đối với đặc điểm của pháp luật thông thường. Pháp luật về xử lý rác thải y tế có các đặc điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, là hệ thống các quy tắc xử sự và mang tính chất bắt buộc chung
Pháp luật ra đời chính là tạo ra cho con người những chuẩn mực, những quy định mà bất kỳ một ai, nếu muốn sống và làm việc trong cộng đồng hay quốc gia đề ra pháp luật đều phải tuân theo mà không có bất kỳ sự lựa chọn nào khác. Hệ thống những quy tắc này không phân biệt bất kỳ ai, nam - nữ, già - trẻ, giàu - nghèo tất cả đều bình đẳng trước pháp luật, tất cả đều sẽ phải chịu những chế tài xử lý giống nhau nếu có hành vi vi phạm pháp luật. Những quy tắc xử sự về vấn đề xử lý rác thải y tế chính là những quy định, hướng dẫn bắt buộc mà các cơ sở y tế, các cơ sở xử lý rác thải phải tuân theo và áp dụng, nếu không tuân thủ sẽ bị áp dụng những hình thức xử phạt thích hợp.
Thứ hai, do cơ quan có thẩm quyền của nhà nước ban hành.
Đây là điều bắt buộc với tất cả các văn bản quy phạm pháp luật nếu muốn có hiệu lực, mọi quy định hay chế tài mà không phải do cơ quan có thẩm quyền ban hành thì sẽ không có tính bắt buộc chung mà chỉ áp dụng cho một vài đối tượng xác
định. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thì do cơ quan lập pháp của Việt Nam là quốc hội ban hành, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP năm 2016 về quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì do Chính Phủ ban hành, còn Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT 2015 quy định về quản lý chất thải y tế thì là do Bộ trưởng Bộ Y tế kết hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất ban hành. Cùng là các văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên từng cấp văn bản khác nhau thì sẽ do một cơ quan có thẩm quyền tương ứng chịu trách nhiệm.
Thứ ba, thể hiện ý chí của Nhà nước.
Nhà nước sử dụng pháp luật, thông qua pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội mà Nhà nước thấy là cần thiết phải điều chỉnh theo ý chí của mình, từ đó bảo vệ lợi ích của giai cấp lãnh đạo. Mỗi quy định được đưa ra đều thể hiện cách nhìn nhận, quan điểm của Nhà nước về một vấn đề nhất định, đó có thể là các vấn đề liên quan đến phân loại rác thải y tế, xử lý rác thải y tế theo những nguyên tắc nào, đó cũng có thể là cách mà giai cấp lãnh đạo phạt, răn đe những đối tượng có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật, gây tổn hại đến lợi ích công cộng… tất cả để duy trì quyền lực nhà nước và đảm bảo trật tự xã hội phải tuân theo ý chí nhà nước.
Thứ tư, đảm bảo thực hiện bằng quyền lực Nhà nước.
Pháp luật được các cơ quan của Nhà nước trực tiếp hoặc chịu trách nhiệm ban hành, là hệ thống những quy định được đề ra để bảo đảm lợi ích và quyền lực chính trị của Nhà nước, song song với đó còn là giữ gìn, bảo đảm trật tự, công bằng trong xã hội. Bất kỳ một cá nhân, tổ chức nào có hành vi vi phạm pháp luật, gây phương hại đến quyền lực Nhà nước hay trật tự xã hội đều sẽ bị áp dụng những chế tài xử phạt mà Nhà nước cho rằng đó là thích đáng và đủ sức cảnh cáo, răn đe để hành vi đó khó có khả năng tái diễn. Các chế tài xử lý các hành vi vi phạm quy định về xử lý rác thải y tế bao gồm: phạt tiền, yêu cầu bồi thường và nặng hơn cả có thể là phạt tù nếu xét thấy hành vi vi phạm gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích, hình ảnh của quốc gia, của giai cấp lãnh đạo hoặc tới xã hội.