Quyền Sử Dụng Đất Là Tài Sản Chung Của Vợ Chồng

Luật Đất đai năm 2003 lần đầu tiên tại khoản 26 điều 4 và tiếp tục được quy định tại khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai”.

Qua đó ta có thể thấy được, khái niệm “tranh chấp đất đai” là tranh chấp một tổng thể những yếu tố hợp nhất chứ không phải là việc tranh chấp từng quyền và nghĩa vụ đơn lẻ hay tranh chấp về quyền và nghĩa vụ khác của người sử dụng đất có liên quan đến các quyền và nghĩa vụ nêu trên. Cách hiểu này đặt khái niệm tranh chấp đất đai trong mối quan hệ không thể tách rời với tất cả các quy định có liên quan, chứ không phải cô lập nó hoặc đặt nó lên trên tất cả các quy định khác nhằm phát huy trí tưởng tượng một cách thái quá, dẫn đến những suy diễn không phù hợp. Có nghĩa là, không thể “trộn lẫn” tranh chấp đất đai với những tranh chấp dân sự thuần túy có liên quan đến đất đai.

Tranh chấp đất đai là biểu hiện sự mâu thuẫn, bất đồng trong việc xác định quyền quản lý, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng đối với đất đai, phát sinh trực tiếp hoặc gián tiếp trong quản lý và sử dụng đất đai.

Vậy từ đó ta có thể rút ra một định nghĩa như sau:

Tranh chấp đất đai là tranh chấp phát sinh giữa các chủ thể tham gia quan hệ đất đai về quyền và nghĩa vụ trong quá trình quản lý và sử dụng đất [18,7].

Trong quan hệ pháp luật đất đai, việc xét giải quyết tranh chấp đất đai là một trong những biện pháp quản lý Nhà nước đối với đất đai. Đó là biện pháp vô cùng quan trọng để pháp Luật đất đai phát huy được vai trò của mình trong đời sống xã hội.

Như vậy, giải quyết tranh chấp đất đai là việc vận dụng các quy định của pháp luật để bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của nhân dân.

Kết hôn là một hiện tượng bình thường nhằm xác lập quan hệ vợ chồng thì ly hôn là một hiện tượng bất bình thường, là mặt trái của hôn nhân nhưng đó lại là mặt không thể thiếu khi hôn nhân tan vỡ. Vợ chồng mâu thuẫn trầm trọng thì ly hôn là

sự cần thiết cho cả hai, vì nó giải phóng cho hai vợ chồng, các con cũng như thành viên khác trong gia đình thoát khỏi mâu thuẫn, xung đột, bế tắc trong cuộc sống. Vậy ly hôn là gì?

Theo quy định tại Khoản 8 Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thì “Ly hôn là chấm dứt quan hệ hôn nhân do tòa án công nhận hoặc quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng”. Hay nói cách khác ly hôn là sự chấm dứt quan hệ vợ chồng trước pháp luật. Sau khi kết hôn vì những lý do nhất định, mục đích hôn nhân không đạt được, vợ chồng mâu thuẫn, quan điểm sống không thể dung hòa, đời sống chung không thể kéo dài làm ảnh hưởng đến các thành viên khác trong gia đình và ảnh hưởng đến việc nuôi dạy giáo dục con cái. Vì thế ly hôn là giải pháp cho cả hai bên để mỗi bên tự tìm hạnh phúc cho mình. Qua đó đảm bảo quyền tự do, bình đẳng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân mỗi người theo quy định của pháp luật.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 96 trang tài liệu này.

Qua những phân tích trên chúng ta có thể đưa ra khái niệm về tranh chấp quyền sử dụng đất khi vợ chồng ly hôn như sau: “tranh chấp quyền sử dụng đất khi vợ ly hôn là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ giữa vợ, chồng và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về đất đai khi quan hệ hôn nhân của họ chấm dứt và tranh chấp về quyền sử dụng đất đó được Tòa án công nhận hoặc quyết định”.

1.3. Chế độ tài sản của vợ chồng

Pháp luật về giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất khi vợ chồng ly hôn ở Việt Nam - 3

Kết hôn là sự kiện làm phát sinh một gia đình mà ở đó phản ánh sự chung sống của hai vợ chồng và con cái (nếu có). Như là một tất yếu của cuộc sống chung, vợ và chồng thực hiện những quan hệ về tài sản nhằm đáp ứng những nhu cầu tồn tại và phát triển của gia đình. Đây là những quan hệ xảy ra phổ biến trong xã hội và chịu sự điều chỉnh trực tiếp của pháp luật về hôn nhân và gia đình, trong một quy chế được gọi là “chế độ tài sản của vợ chồng” (được quy định tại các Điều sau: Điều 27, Điều 28, Điều 29, Điều 32; Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình) [10].

Chế độ tài sản của vợ chồng là một chế định quan trọng của pháp luật Hôn nhân và gia đình, đã và đang thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều luật gia và

các nhà áp dụng pháp luật. Chế độ tài sản của vợ chồng được quy định phụ thuộc chặt chẽ vào chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Do đó, chế độ tài sản của vợ chồng ở mỗi quốc gia và trong cùng một đất nước ở các giai đoạn phát triển có thể là khác nhau.

Thực tế có hai trường phái pháp luật mang hai quan điểm khác nhau về vấn đề này. Phần lớn pháp luật của các nước trên thế giới thừa nhận quyền tự do thỏa thuận của vợ chồng về chế độ tài sản, vì vậy, một mặt pháp luật dự liệu một chế độ tài sản của vợ chồng, mặt khác quy định những người kết hôn có quyền lập hôn ước (Contrat de marriage – tiếng Pháp). Chế độ tài sản do pháp luật dự liệu chỉ có hiệu lực áp dụng trong trường hợp hai vợ chồng không có hôn ước hoặc hôn ước được lập ra nhưng vô hiệu do vi phạm những quy định của luật chung. Chỉ có một số nước như Hungari, Roumani, Tiệp Khắc, Arhentina, Việt Nam và một số bang của Mehico duy trì duy nhất một chế độ tài sản pháp định đối với vợ chồng.

Bộ luật dân sự Pháp năm 1804 đã tổ chức một cách có hệ thống các chế độ tài sản của vợ chồng. Điều đó được thể hiện qua việc thiết lập một hệ thống các quy định chung nhằm bảo vệ cuộc sống gia đình – được gọi là chế độ cơ sở, theo đó các chế độ tài sản của vợ chồng, nhất là những chế độ tài sản theo sự thỏa thuận của vợ chồng (chế độ ước định) phải triệt để tuân theo. Tại các Điều từ 212 đến 226 Bộ luật dân sự Pháp năm 1804 đã quy định những quyền và nghĩa vụ riêng biệt của vợ chồng với một tinh thần chung nhất là: vợ chồng cùng nhau đảm bảo điều hành gia đình về tinh thần và vật chất, chăm lo việc dậy dỗ con cái và chuẩn bị cho tương lai của chúng (Điều 213), đặc biệt các điều từ 214 đến 226 tập hợp nên một chế định pháp lý mà học thuyết của Pháp gọi là chế độ cơ sở của các chế độ tài sản của vợ chồng (Le resgime primaire hoặc Le statut de base). Đây là những quy định về các quyền và nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng nhằm đáp ứng nhu cầu của cuộc sống gia đình. Đó là những vấn đề: đóng góp vào việc chi tiêu của gia đình, bảo vệ chỗ ở của gia đình … Theo quy định của Điều 226, các quy định trên có hiệu lực đối với tất cả các quan hệ vợ chồng, bất kể họ lựa chọn chế độ hôn sản nào. Trong bối cảnh thừa nhận nhiều chế độ tài sản của vợ chồng, chế độ cơ sở giữ vai trò chủ đạo, nhất là đối

với chế độ hôn sản ước định, nhằm đảm bảo những điều kiện vật chất cho sự ổn định cuộc sống gia đình.

Chế độ tài sản của vợ chồng trong luật của Cộng hòa Pháp dựa trên nguyên tắc tôn trọng tự do thỏa thuận của vợ chồng nhưng không thể tách rời nghĩa vụ của họ đối với đời sống chung của gia đình. Điều đó tạo điều kiện cho vợ, chồng có thể thực hiện những quan hệ tài sản phù hợp với tình hình kinh tế của bản thân, mang lại lợi ích cho gia đình và cá nhân mỗi bên vợ, chồng.

Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 của Việt Nam chỉ tập trung quy định về một chế độ tài sản pháp định (chế độ cộng đồng toàn sản – tài sản mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng), tức là pháp luật Việt Nam không quy định một điều luật nào về quyền lập hôn ước của vợ chồng. Nhà lập pháp không dự liệu bất kỳ một điều khoản nào cho phép vợ chồng lập hôn ước, nhưng cũng không ấn định những quy định cấm. Trong bối cảnh đó, nhìn chung giới luật gia và những người áp dụng pháp luật đều cho rằng chế độ hôn sản pháp định có hiệu lực áp dụng đối với tất cả các quan hệ hôn nhân hợp pháp. Do vậy, mọi thỏa thuận của vợ chồng trái với các quy định của chế độ hôn sản pháp định cần bị tuyên bố là vô hiệu khi có tranh chấp xảy ra.

Nhìn chung có thể hiểu khái niệm về chế độ tài sản của vợ chồng như sau: “Chế độ tài sản của vợ chồng là tổng hợp các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến quan hệ sở hữu của vợ chồng, cụ thể là các quy định về căn cứ xác lập tài sản chung và riêng của vợ, chồng; phạm vi quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với các loại tài sản đó; các trường hợp và nguyên tắc phân chia tài sản chung của vợ chồng”.

Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài này, tác giả nghiên cứu về vấn đề quyền sử dụng đất trong quan hệ hôn nhân và việc xác định quyền sử dụng đất là tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng.

Có thể nói quyền sử dụng đất là một bộ phận cấu thành của quyền sở hữu đất đai. Ở Việt Nam đất đai thuộc sở hữu toàn dân [24, Điều 5, Điều 17].

Khi phân tích quyền sở hữu đất đai, chúng ta thấy với tư cách là chủ sở hữu đại diện, Nhà nước có đầy đủ các quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đất đai. Trong các quyền năng đó quyền sử dụng là có nghĩa thực tế lớn nhất, trực tiếp đem lại lợi ích cho chủ sở hữu. Nhưng Nhà nước không phải là chủ thể trực tiếp sử dụng đất mà gián tiếp sử dụng đất thông qua các tổ chức, cá nhân bằng cách giao đất, cho thuê đất và công nhận quyền sử dụng đất của những người sử dụng đất ổn định.

Theo quy định của Bộ Luật dân sự năm 2005 thì quyền sử dụng là quyền “khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản” [29, Điều 192]. Người không phải là chủ sở hữu cũng có quyền sử dụng tài sản trong các trường hợp được chủ sở hữu chuyển quyền sử dụng hoặc do pháp luật quy định.

Quyền sử dụng đất là một bộ phận cấu thành của quyền sở hữu đất đai. Thông qua giao đất, cho thuê đất và công nhận quyền sử dụng đất, Nhà nước trao cho người nhận đất các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, trong đó có sự phân biệt theo loại đất, theo đối tượng sử dụng, theo hình thức giao đất hoặc thuê đất. Quyền sử dụng đất có sự khác nhau về mục đích sử dụng và đối tượng sử dụng đất. Quyền sử dụng đất nông nghiệp khác với quyền sử dụng đất ở; quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân khác với quyền sử dụng đất của tổ chức. Quyền sử dụng đất là một quyền dân sự, theo đó người sử dụng được quyền khai thác công dụng, các thuộc tính có lợi từ đất nhằm mang lại lợi ích cho mình.

Ở nước ta các tổ chức, cá nhân không phải là chủ sở hữu đất nhưng được Nhà nước trao cho quyền sử dụng đất. Đây là một quyền năng đặc biệt không giống với quyền sử dụng bất kỳ một tài sản nào khác. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, quyền sử dụng đất đai thuộc về người sử dụng đất. Hay nói cách khác quyền sử dụng đất đã tách khỏi quyền sở hữu đất đai, được người sở hữu đất chuyển cho người sử dụng đất thực hiện và trở thành một loại quyền tài sản của người sử dụng đất. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, xong quyền sử dụng đất lại thuộc về cá nhân hoặc tổ chức. Người sử dụng đất không chỉ được khai thác các lợi ích từ đất một cách ổn định, lâu dài mà họ còn được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các giao dịch dân sự và kinh tế có liên quan đến đất đai. Có thể nói, Nhà nước đã giao cho

người sử dụng đất quyền định đoạt số phận pháp lý của thửa đất mà mình được sử dụng trong khuôn khổ pháp lý quy định, nhờ đó người sử dụng đất ngoài việc khai thác, sử dụng đất còn có thể chủ động thực hiện chuyển quyền sử dụng đất cho người khác khi không có nhu cầu hoặc điều kiện sử dụng.

Luật đất đai năm 1993, Luật đất đai năm 2003, Luật đất đai năm 2013, Bộ Luật Dân sự năm 1995 và Bộ Luật Dân sự năm 2005 đều khẳng định cá nhân, tổ chức có quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, không thể đồng nhất quyền sở hữu đất đai với quyền sử dụng đất bởi chúng có sự khác biệt cả về nội dung và ý nghĩa cụ thể.

Dựa trên những quy định của pháp luật đất đai hiện hành cùng với những quy định về chế độ tài sản của vợ chồng trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, ta có thể nhận thấy rằng, vợ chồng có thể là một trong số những chủ thể được Nhà nước trao quyền sử dụng đất và song song với nó là việc thực hiện các nghĩa vụ của người sử dụng đất. Chính vì vậy, quyền sử dụng đất với tư cách là một quyền tài sản có thể là tài sản chung của vợ chồng hoặc là tài sản riêng của mỗi bên vợ, chồng.

1.3.1. Quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng

Khoản 1 Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: “quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thỏa thuận.

Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất”.

Điều 58 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 bảo hộ quyền sở hữu công dân quy định: “Công dân có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và các tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác”.

Việc xác định khối tài sản chung của vợ chồng căn cứ vào sự tồn tại của quan hệ hôn nhân – quan hệ vợ chồng. Theo khoản 7 điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000: “Thời kỳ hôn nhân là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân”. Thời kỳ hôn nhân bắt

đầu từ khi kết hôn tức là ngày Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn – nơi thường trú của vợ hoặc chồng công nhận, vào sổ đăng ký kết hôn và cấp giấy chứng nhận kết hôn cho hai vợ chồng. Quan hệ hôn nhân chấm dứt khi một bên vợ, chồng chết hoặc vợ chồng ly hôn (từ khi phán quyết ly hôn của tòa án có hiệu lực pháp luật). Các tài sản mà vợ chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân (trong đó có quyền sử dụng đất) đều được coi là tài sản chung của vợ chồng, vợ chồng có quyền bình đẳng trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt mà không phụ thuộc vào khả năng trực tiếp tạo ra tài sản hay công sức đóng góp của mỗi bên.

Quyền sử dụng đất là tài sản đặc biệt và có giá trị lớn. Trên thực tế, người chồng thường nắm giữ toàn bộ tài sản trong gia đình và thường đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, việc quy định quyền sử dụng đất có được sau khi kết hôn cũng là tài sản chung của vợ chồng có ý nghĩa đảm bảo sự bình đẳng giữa vợ và chồng trong quan hệ tài sản. Vấn đề chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân hoặc sau khi ly hôn là nhà ở, quyền sử dụng đất rất phức tạp do các giấy tờ pháp lý liên quan đến quyền sử dụng đất chỉ đứng tên một người và việc xác định quyền sử dụng đất là tài sản chung hay riêng để đảm bảo lợi ích chính đáng của mỗi người là rất khó khăn. Việc Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định một cách rõ ràng quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung, hoặc có được trước khi kết hôn mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung là cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất khi chia tài sản chung của vợ chồng.

Do quan hệ hôn nhân được xác lập, tính cộng đồng và mục đích của quan hệ hôn nhân là nhu cầu khách quan để nhà làm luật dự liệu tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất [25, Điều 27]. Quy định này hoàn toàn phù hợp với Điều 40, 214 của Bộ Luật Dân sự về quyền bình đẳng của vợ chồng, quyền sở hữu chung và phù hợp với truyền thống gia đình Việt Nam. Chính sự hợp nhất về tài sản chung của vợ chồng là yếu tố tạo nên sự hài hòa và bền chặt hơn trong quan hệ gia đình.

1.3.1.1. Quyền sử dụng đất mà vợ chồng được Nhà nước giao, giao khoán, cho thuê sau khi kết hôn

Vợ chồng được Nhà nước giao, giao khoán hay cho thuê quyền sử dụng đất sau khi kết hôn thì quyền sử dụng đất đó sẽ là tài sản chung của vợ chồng. Nhưng nếu sau khi kết hôn mà vợ hoặc chồng được Nhà nước giao, giao khoán hay cho thuê quyền sử dụng đất riêng thì đó là tài sản chung của mỗi bên vợ, chồng [3, Điều 24, Điều 25]. Nhà nước có thể giao đất cho vợ chồng theo hình thức có thu tiền sử dụng đất hay không thu tiền sử dụng đất tùy từng loại đất và mục đích sử dụng chúng như thế nào theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Đất đai năm 2013: Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất trong trường hợp “Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp lao động nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối được giao đất nông nghiệp trong hạn mức quy định tại Điều 129 của Luật này” và Khoản 1,4,5 Điều 34 Luật Đất đai năm 2003: Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất trong trường hợp sau: “1.Hộ gia đình, cá nhân được giao đất ở;…4.Hộ gia đình, cá nhân được giao đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh; 5.Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất để xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh;…”, nhưng quy định tại Điều 55 Luật Đất đai năm 2013 thu hẹp lại chỉ còn 4 đối tượng giao đất có thu tiền sử dụng đất: “1. Hộ gia đình, cá nhân được giao đất ở ...; 4 Tổ chức kinh tế được giao đất thực hiện dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng”. Việc giao đất cho các chủ thể thông qua hình thức cho thuê đất được Nhà nước thực hiện thông qua các cơ quan có thẩm quyền. Nhà nước cho thuê đất dưới hai hình thức chính đó là: thu tiền thuê đất hàng năm và thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê. Theo quy định của Luật đất đai năm 2003 và Luật Đất đai năm 2013 thì việc Nhà nước cho thuê đất chỉ gồm có 2 hình thức như trên, còn Luật đất đai năm 1993 thì bao gồm có ba hình thức đó là: thu tiền thuê đất hàng năm, thu tiền thuê đất nhiều năm và thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê. Nhìn chung, Luật Đất đai năm 2013, Luật đất đai năm 2003 đã có những đổi mới khá tiên tiến so với Luật đất đai năm 1993 về vấn đề này.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 18/12/2023