Thực Tiễn Áp Dụng Các Quy Định Về Nguyên Tắc Chia Tài Sản Chung Của Vợ Chồng Khi Ly Hôn

Trong khi đó, bà Liên và các em của bà Liên đều khẳng định không có việc mua bán nhà như ông Thành khai. Việc làm thủ tục tặng cho, nhường quyền thừa kế chỉ là giả tạo để giúp hai ông bà có giấy tờ để thế chấp vay nợ. Bản thân ông Thành cũng khẳng định việc tặng cho là giả tạo nên bà đề nghị Tòa án không công nhận hợp đồng giả tạo là hợp pháp, nhà đất trên vẫn là của bố mẹ bà để lại cho các con, chưa chia.

Những sự việc tương tự như trường hợp của ông Thành, bà Liên đang diễn ra khá phổ biến trong thực tế khiến cho các tranh chấp nhà, đất giữa vợ chồng khi ly hôn thường phức tạp và Tòa án khó xác định chính xác tài sản chung của vợ chồng dẫn đến quyết định chia tài sản chung không đúng.

Bên cạnh đó, một số vụ tranh chấp tài sản khi ly hôn liên quan đến việc xác định tài sản chung là nhà ở, quyền sử dụng đất bị kéo dài còn có nguyên nhân do sự hạn chế về năng lực, trình độ chuyên môn của những người áp dụng pháp luật. Có vụ án sự việc không phức tạp, luật đã quy định rõ nhưng Tòa án lại áp dụng sai luật, xác định tài sản chung không đúng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích chính đáng của vợ, chồng. Điển hình, vụ án ly hôn giữa bà Đặng Thị Quyền và ông Phạm Văn Nữu kéo dài 8 năm (từ năm 2003) với 3 lần xét xử vẫn chưa giải quyết xong. Vụ án kéo dài

liên quan tới tranh chấp quyền sử dụng 450m2 đất mà ông Nữu nhận là tài sản

chung của hai vợ chồng. Trong khi đó, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên bà Quyền và Bà cũng có chứng cứ chứng minh quyền sử dụng đất trên là tài sản riêng của Bà (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi tên Bà được cấp ngày 20/01/1985 trong khi Bà và Ông Nữu đăng ký kết hôn ngày 25/9/1985). TAND huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã xử sơ thẩm chia đôi quyền sử dụng đất cho ông Nữu và bà Quyền vì xác định đây là tài sản chung của vợ

chồng. Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Hà Tĩnh cũng xác định quyền sử dụng 450m2 trên là tài sản chung của vợ chồng ông bà vì cho rằng hai ông bà kết hôn khi Luật HN&GĐ năm 1959 có hiệu lực nên Tòa áp dụng theo Luật HN&GĐ năm 1959 để xử (Điều 15 Luật HN&GĐ năm 1959 quy định "vợ và chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản

có trước và sau khi cưới" [30]). Trong khi đó, tại Điểm b Mục 4 Nghị quyết số 35/2000/QH10 đã quy định "đối với những vụ, việc mà Tòa án thụ lý từ ngày 01/ 01/2001 thì áp dụng Luật HN&GĐ năm 2000 để giải quyết". Việc Tòa án áp dụng sai luật đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của bà Quyền - chủ sở hữu quyền sử đất đang bị tranh chấp. Vì vậy Chánh án TANDTC đã kháng nghị, Tòa Dân sự TANDTC đã xét xử tái thẩm và tuyên hủy phần quyết định về tài sản của vụ án này do tòa hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm xét xử.

Như vậy, dù đã được hướng dẫn cụ thể tại Nghị quyết số 35/2000/QH10 nhưng do trình độ yếu kém TAND huyện Nghi Xuân và TAND tỉnh Hà Tĩnh đã biến một vụ ly hôn với phần tài sản đơn giản thành một vụ án kéo dài, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của chủ sở hữu.

Xác định nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng

Việc xác định tài sản chung vợ chồng khi ly hôn có liên quan chặt chẽ đến việc xác định nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng. Nói cách khác, việc chia tài sản chung vợ chồng chỉ có thể được thực hiện sau khi đã hoàn thành việc khấu trừ các nghĩa vụ chung về tài sản của vợ và chồng. Vì vậy, song song với việc xác định và phân chia tài sản có, cần phải xác định và phân chia nghĩa vụ trả nợ chung của vợ chồng. Khoản 3 Điều 95 Luật HN&GĐ năm 2000 đã quy định "việc thanh toán nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng do vợ, chồng tự thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết" [34]. Chỉ với một quy định chung chung như thế, trong trường hợp vợ chồng không đạt được sự thỏa thuận đối với việc thanh toán nghĩa vụ chung và yêu cầu Tòa án giải quyết, thì Tòa án cũng rất khó để giải quyết vấn đề này.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 132 trang tài liệu này.

Nghĩa vụ tài sản chung của vợ chồng có thể được hiểu là "nghĩa vụ phát sinh khi một bên hoặc cả hai bên vợ chồng thực hiện hành vi vì lợi ích gia đình hoặc nghĩa vụ phát sinh theo thỏa thuận của vợ chồng" [14, tr. 64]. Căn cứ pháp lý để xác định khoản nợ (nghĩa vụ tài sản theo nghĩa hẹp) chung của vợ chồng là quy định "việc xác lập, thực hiện và chấm dứt các giao dịch liên

quan đến tài sản chung có giá trị lớn hoặc là nguồn sống duy nhất của gia đình, việc dùng tài sản chung để đầu tư kinh doanh phải được vợ chồng bàn bạc thỏa thuận" [34, Khoản 3 Điều 28] và "vợ hoặc chồng phải chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch dân sự hợp pháp do một trong hai người thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình" [34 Điều 25]. Như vậy, để xác định nợ chung của vợ chồng phải căn cứ vào mục đích của giao dịch (có vì lợi ích gia đình không) hoặc có tồn tại thỏa thuận của vợ chồng về việc thực hiện giao dịch hay không? Thế nhưng, nếu trước đó vợ chồng đã chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, nay họ lại xin ly hôn thì việc xác định các khoản nợ của vợ chồng được thực hiện như thế nào?

Chia tài sản chung vợ chồng theo pháp luật Việt Nam - Thực tiễn áp dụng và hướng hoàn thiện - 11

Trở lại vụ án ly hôn của ông Hà Mai Thành và bà Phạm Thị Liên tại TAND tỉnh Hải Dương. Trước khi xin ly hôn, ông bà đã chia tài sản chung để làm ăn riêng từ tháng 10/2001. Khi ông bà xin ly hôn, rất nhiều chủ nợ đã có đơn yêu cầu vợ chồng ông bà phải trả nợ như:

1. Bà Trần Thị Phương yêu cầu ông Thành, bà Liên trả nợ số tiền hàng ắc quy từ ngày 16/02/1999 đến ngày 27/01/1999 = 198.210.000đ. Từ 16/11/2003 đến 21/02/2004 = 129.834.600đ. Tổng = 328.004.600đ. (Bà Phương xuất trình sổ ghi tiền hàng, giấy gửi từng toa hàng);

2. Bà Tô Thị Thảo yêu cầu ông Thành, bà Liên phải trả số nợ tiền hàng từ tháng 11/2002 đến nay là 179.085.000đ (có giấy tờ ghi các toa hàng);

3. Bà Trần Thị Sàng đề nghị ông Thành, bà Liên trả tiền hàng phụ tùng xe máy từ ngày 20/03/2001 đến 10/11/2001 = 60.212.000đ (có xuất trình sổ ghi hàng - tiền, giấy nhận nợ của bà Liên)

4. Bà Nguyễn Thị Đoan đề nghị vợ chồng ông Thành, bà Liên trả tiền hàng phụ tùng xe máy từ ngày 28/02/2000 đến 18/10/2000 = 210.234.000đ; tháng 11/2001 = 60.000.000đ. Năm 2000 cho ông Thành, bà Liên vay tiền mặt = 300.000.000đ (có xuất trình sổ ghi hàng - tiền, 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Thành, Liên). Tổng = 570.234.000đ.

Các chủ nợ trên đều là những chủ giao hàng cho ông bà. Số tiền các chủ nợ yêu cầu ông Thành, bà Liên thanh toán là 1.137.535.600đ.

Với tình huống nêu trên, pháp luật giải quyết như thế nào ? Rất tiếc, vào thời điểm hiện nay, pháp luật chưa có quy định về việc xác định nghĩa vụ chung của vợ chồng trong tình huống trước đó họ đã chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, nay họ lại xin ly hôn.

Tuy vậy, theo chúng tôi, mặc dù luật không có quy định cụ thể về cách xác định các khoản nợ chung của vợ chồng trong trường hợp vợ chồng đã chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, nhưng có thể xác định dựa vào quy định về hậu quả chia tài sản chung theo quy định tại Điều 30 Luật HN&GĐ năm 2000 và quy định tại Điều 8 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP. Theo đó, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đã được chia thuộc sở hữu riêng của mỗi người, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Khi mà hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản được chia là tài sản riêng và những thu nhập từ lao động, sản xuất kinh doanh cũng là tài sản riêng thì không có lý do gì mà các khoản nợ phát sinh từ việc thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản đã chia lại là nợ chung của vợ chồng. Trong trường hợp vợ chồng ông Thành, bà Liên vừa nêu, ông bà đã chia tài sản chung để làm ăn, kinh doanh riêng, mỗi người được thu lợi nhuận từ kết quả kinh doanh riêng thì mỗi người cũng phải chịu trách nhiệm trả các khoản nợ do hoạt động kinh doanh của riêng mình mang lại. Tuy nhiên, nếu trong các khoản nợ trên có khoản nợ phát sinh để phục vụ nhu cầu thiết yếu của gia đình thì lại cần xác định đó là nợ chung và khoản nợ đó phải được chia cho cả hai vợ chồng để cả hai người có trách nhiệm trả nợ vì về mặt pháp lý ông Thành, bà Liên vẫn là vợ chồng, vẫn có các quyền, nghĩa vụ đối với gia đình, với các con, việc cả hai đều phải chịu trách nhiệm đối với khoản nợ này là hợp lý.

Trên thực tế, vì những người yêu cầu ông Thành, bà Liên trả nợ đều là các chủ giao hàng cho ông bà nên bản án số 10/2006/HNGĐ-ST của TAND tỉnh Hải Dương đã xác định các khoản nợ trước tháng 10/2001 (thời điểm vợ chồng chia tài sản chung để làm ăn riêng) là nợ chung và hai ông bà có nghĩa vụ cùng trả nợ, các khoản nợ từ tháng 11/2001 trở đi là nợ riêng của ai người đó phải trả cụ thể:

1. Nợ của bà Trần Thị Phương: khoản nợ từ 16/2/1999 đến 21/07/2000 = 198.200.000đ là nợ chung của vợ chồng. Số nợ từ 16/11/2003 là nợ riêng của bà Liên = 121.834.600đ.

2. Nợ của bà Tô Thị Thảo: xác định nợ phát sinh sau khi vợ chồng ông Thành, bà Liên đã chia tài sản chung để làm ăn riêng, bà Liên là người lấy hàng nên số nợ là nợ riêng của bà Liên = 179.085.000đ

3. Nợ của bà Trần Thị Sàng: xác định các khoản nợ tháng 3, 4, 5 năm 2001 là nợ chung = 46.574.000đ. Nợ tháng 11/2001 là nợ riêng của bà Liên = 13.638.000đ.

4. Nợ của bà Nguyễn Thị Đoan: vợ chồng ông Thành, bà Liên nợ chung tiền hàng là 41.370.000đ và 300.000.000đ tiền mặt. (168.864.000đ bà Đoan không xuất trình được tài liệu nên không có căn cứ chấp nhận). Nợ từ tháng 11/2001 là nợ riêng của bà Liên = 60.000.000đ.

Sau khi xác định được các khoản nợ chung là 586.144.000đ, Tòa chia ông Thành, Bà Liên mỗi người chịu trách nhiệm trả một nửa là 293.072.000đ.

Như vậy, TAND tỉnh Hải Dương đã lấy "mốc" để xác định nợ chung, nợ riêng của vợ, chồng là thời điểm vợ chồng chia tài sản chung để làm ăn riêng như trên là hợp lý. Về nguyên tắc giải quyết, mặc dù luật không quy định cụ thể nguyên tắc áp dụng đối với các khoản nợ chung của vợ chồng nhưng TAND tỉnh Hải Dương cũng đã áp dụng các nguyên tắc chia tài sản chung để giải quyết và thực tế nhiều Tòa án cũng đã tiến hành tương tự. Tuy nhiên, hướng tới hoàn thiện pháp luật và áp dụng pháp luật thống nhất thì rất cần thiết phải "lấp đầy" những điểm còn "khuyết" của pháp luật hoặc có hướng dẫn cụ thể của TANDTC về những vấn đề trên.

Mặt khác, qua vụ án trên chúng tôi cũng nhận thấy việc pháp luật quy định vợ chồng có quyền tự thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân mà không quy định phải có biện pháp cần thiết để thông tin tới những người giao dịch tài sản với vợ chồng có thể gây ra những tranh chấp tài sản phức tạp, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người thứ ba. Trong trường hợp của ông Thành, bà Liên, do các chủ nợ không biết vợ chồng ông bà đã chia tài sản chung nên họ vẫn coi đó là nợ chung và khi ông bà ly hôn họ đều yêu cầu ông Thành, bà Liên phải trả nợ vì vậy Toà án phải mất nhiều thời gian xác minh cụ thể từng khoản nợ, thời điểm phát sinh nợ... Nếu pháp luật quy định trách nhiệm của vợ chồng hoặc có biện pháp thông báo việc vợ chồng đã chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì người thứ ba giao dịch với vợ chồng có thể xác định được mình đang tiến hành giao dịch với một bên vợ, chồng hay cả hai vợ chồng, các khoản nợ sẽ do một bên hay hai vợ chồng chịu trách nhiệm liên đới…tránh "nhầm lẫn" khi giao dịch và tranh chấp sau này.

2.2.2. Thực tiễn áp dụng các quy định về nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn

Việc chia tài sản chung khi ly hôn có ý nghĩa hết sức quan trọng, nó quyết định đến đời sống sau ly hôn của vợ, chồng, ảnh hưởng đến quyền lợi ích của vợ chồng và những người có liên quan. Vì thế, khi tiến hành chia tài sản chung, các Tòa án thường tiến hành thận trọng, vận dụng và bám sát các nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng ví dụ như bản án số 47/2010/LHST của TAND quận Hai Bà Trưng (mục 2.2). Nhưng trên thực tế, một số Tòa án chưa áp dụng tốt các quy định của Luật HN&GĐ và các luật có liên quan về chia tài sản chung vợ chồng nên còn tồn tại không ít bản án ly hôn chia tài sản chung chưa "hợp tình, hợp lý" dẫn đến kháng cáo, kháng nghị và phải xét xử nhiều lần. Bản án ly hôn sau đây giữa anh Hồ Văn Phước và chị Trần thị Tuyết Sương là một ví dụ điển hình khi Tòa án không biết do vô tình hay cố ý "quên" không áp dụng các nguyên tắc chia tài sản chung được Luật HN&GĐ quy định gây ảnh hưởng nghiêm trọng quyền lợi của chị Sương và gây bất bình trong dư luận.

Năm 1987 anh Hồ Văn Phước và chị Trần Thị Tuyết Sương kết hôn. Năm 2001 vợ chồng vay mượn rất nhiều tiền để mua sắm máy móc, tài sản phục vụ công việc làm ăn. Sau đó, vợ chồng mâu thuẫn, anh Phước bỏ nhà đi. Một mình chị Sương phải lo kinh doanh để trả nợ chung, nuôi con. Khi chị bắt đầu làm ăn phát đạt thì anh Phước trở về đòi ly hôn và chia tài sản. Bán án sơ thẩm của TAND huyện Châu Thành và đặc biệt là bản án phúc thẩm số 27/HNPT ngày 28 tháng 09 năm 2007 của TAND tỉnh Kiên Giang đã xử chia đôi toàn bộ tài sản chung của vợ chồng, mỗi người được hưởng 482.500.000 đồng.

Như vậy, TAND tỉnh Kiên Giang đã áp dụng một cách máy móc đem chia đôi tài sản chung mà không vận dụng các quy định khác của nguyên tắc chia tài sản chung trong đó có nguyên tắc "xem xét công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản chung" (Điểm a Khoản 2 Điều 95 Luật HN&GĐ năm 2000). Trong vụ án trên, rõ ràng, chị Sương có công sức rất lớn trong việc tạo lập, duy trì và phát triển tài sản chung của vợ chồng, thậm chí, với những tình tiết trong vụ án thì còn có thể khẳng định hầu hết tài sản chung của vợ chồng hiện có đều do chị Sương gây dựng lên. Thế nhưng, khi ly hôn, chị và anh Phước - người chồng đã bỏ đi lúc gia đình khó khăn và trở về khi đã có "của ăn của để" lại được chia số tài sản bằng nhau. Điều đó cho thấy, khi xét xử TAND tỉnh Kiên Giang đã không xem xét hợp lý công sức đóng góp của chị Sương dẫn đến quyền lợi của chị bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vậy là, pháp luật đã quy định nhưng khi áp dụng thực tế Tòa án vẫn "phớt lờ", dẫn tới những bản án sai phạm như trên.

Một ví dụ khác minh chứng cho sai sót trong việc áp dụng pháp luật của của chính cơ quan bảo vệ pháp luật đó là vụ ly hôn của chị Nguyễn Thị Hằng Nga và anh Đặng Ngọc Khánh thường trú tại phường Hồ Nam, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. Trong bản án số 32/2009/HNGĐ-ST, TAND quận Lê Chân đã chia đôi tất cả tài sản chung của vợ chồng trong đó có cả Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Đông Long (công ty do hai vợ chồng góp vốn thành lập). Tất cả tài sản của công ty đều được định giá để chia như: máy tính, máy in và các thiết bị văn phòng khác; tiền mặt và các hợp đồng kinh tế khác của công ty cũng

được Tòa giải quyết trong vụ án ly hôn. Sau bản án ly hôn, công ty Đông Long không còn tài sản để hoạt động vì toàn bộ tài sản đứng tên công ty (một pháp nhân) đã được xác định là tài sản chung của vợ chồng anh Khánh, chị Nga (hai thành viên góp vốn) và được đem chia cho hai anh chị khi ly hôn.

Việc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn không chỉ áp dụng các quy định của Luật HN&GĐ để giải quyết mà tùy từng trường hợp cụ thể, Tòa án phải xem xét và áp dụng các quy định có liên quan đối với các loại tài sản tương ứng. Ví dụ khi chia tài sản chung là nhà ở, quyền sử dụng đất, ngoài việc đảm bảo các nguyên tắc chung quy định tại điều 95, Tòa còn phải vận dụng các điều luật tương ứng tại Điều 96, 97, 98, 99 Luật HN&GĐ năm 2000, các quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở…như khi chia nhà ở cho vợ hoặc chồng là việt kiều phải xem người đó có thuộc diện được sở hữu nhà ở theo quy định của luật nhà ở hay không, có như vậy bản án mới được coi là đúng pháp luật. Trong bản án trên, mặc dù công ty Đông Long do hai vợ chồng anh Khánh và chị Nga góp vốn thành lập nhưng tài sản của công ty được mang tên công ty TNHH Đông Long. Khối tài sản đó được điều chỉnh bởi cả Luật hôn nhân và gia đình và Luật doanh nghiệp. Việc TAND quận Lê Chân chỉ căn cứ vào Điều 27 và Điều 95 của Luật HN&GĐ năm 2000 để mang tài sản thực tế của công ty trách nhiệm hữu hạn Đông Long chia cho anh Khánh và Chị Nga là không phù hợp với quy định của pháp luật. Cụ thể, TAND quận Lê Chân đã không vận dụng các quy định tương ứng của Luật doanh nghiệp năm 2005 về quyền và nghĩa vụ của thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên như "không được rút vốn ra khỏi công ty dưới mọi hình thức trừ trường hợp yêu cầu công ty, thành viên khác mua lại; chuyển nhượng, xử lý theo quy định" (Khoản 1 Điều 42) và "được chia giá trị tài sản còn lại của công ty khi công ty giải thể hoặc phá sản" (Điểm d Khoản 1 Điều 41). Việc đồng nhất tài sản của pháp nhân (công ty Đông Long) với tài sản của thể nhân (anh Khánh, chị Nga) của TAND quận Lê Chân là không đúng pháp luật gây ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều chủ thể liên quan như bạn hàng, chủ nợ… của công ty Đông Long. Cùng với việc xác định tài sản chung

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/12/2022