Cơ Sở Lý Thuyết Và Giả Thuyết Nghiên Cứu

- Các nghiên cứu còn chỉ ra được những vai trò/chức năng của DNXH đối với nền kinh tế xã hội. Nhìn chung các chức năng mà các DNXH cũng như các tổ chức phi lợi nhuận có thể đảm đương trong nền kinh tế thị trường bao gồm: Thứ nhất, giảm thiểu chi phí vận hành phát sinh trong trường hợp có sự bất đối xứng về thông tin nghiêm trọng giữa nhà cung cấp hàng hóa/dịch vụ và khách hàng, và các chi phí này không thể được giải quyết thỏa đáng bằng cơ chế hợp đồng thông thường. Thứ hai, Cung cấp hàng hóa, dịch vụ bao gồm cả yếu tố công và tư, tức là hàng hóa tư nhân để bên mua tiêu dùng cá nhân, và có tác dụng phụ gây ảnh hưởng đến các bên khác nhau mà không được phản ánh trong chi phí của hàng hóa, dịch vụ liên quan.

- Các nghiên cứu đã giới thiệu cách nhận diện DNXH thông qua việc phân chia một số loại hình DNXH bao gồm: DNXH phi lợi nhuận, DNXH không vì lợi nhuận và Doanh nghiệp có định hướng xã hội, có lợi nhuận.

- Các bài viết, công trình nghiên cứu cũng đã giới thiệu nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển của DNXH. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, châu Âu và Hoa Kỳ là nơi xuất hiện đầu tiên các DNXH. Tại châu Âu, DNXH đầu tiên được ghi nhận xuất hiện vào năm 1665 ở London, Vương quốc Anh. Tiếp sau đó là các DNXH xuất hiện ở Hoa Kỳ và lan rộng ra các khu vực trên thế giới như Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc đến Mỹ La tinh, Trung Đông, châu Phi, Nam Á, Đông Nam Á. Đây thực sự là nguồn tài liệu quý giá giúp tác giả có thể tìm hiểu rõ hơn trong phần lịch sử hình thành và phát triển DNXH; từ đó đưa ra được khái niệm riêng về DNXH trong luận án của mình.

- Các bài viết, nghiên cứu cũng chỉ ra những thách thức mà DNXH có thể gặp phải trong nền kinh tế, như: vấn đề gọi vốn; Thách thức trong cơ chế đóng băng tài sản đối trong dòng chảy DNXH; thách thức trong xây dựng thương hiệu; Thách thức trong việc thỏa mãn các cổ đông vị lợi nhuận; và sự không rõ ràng về mức thuế đối với các tổ chức lai. Từ đó, học giả đưa ra gợi ý về việc hoàn thiện khung pháp lý hỗ trợ cho các DNXH. Đây thực sự là tài liệu hữu ích hỗ trợ tác giả luận án khi Đề xuất Giải pháp hoàn thiện pháp lý cho DNXH ở Việt Nam.

- Các bài viết, nghiên cứu cũng đề cập đến các nội dung chủ yếu của pháp luật DNXH thực trạng của nó ở Việt Nam hiện nay; rút ra được những ưu điểm và những tồn tại, hạn chế của pháp luật về DNXH, nêu ra được những nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế đó. Từ đó đưa ra được những kiến nghị góp phần hoàn thiện chế định pháp lý dành cho DNXH. Tác giả luận án sẽ dựa vào những nghiên cứu này để hoàn thành phần thực trạng của pháp luật về DNXH ở Việt Nam, từ đó đưa ra những kiến nghị

Những vấn đề còn bỏ ngỏ, chưa được giải quyết thấu đáo cần tiếp tục nghiên cứu:

Tổng quan các tài liệu nghiên cứu mà tác giả đã thu thập được cho thấy, về cơ bản các bài viết và công trình nghiên cứu đã phát hiện và giải quyết được những vấn đề lý luận cơ bản về DNXH. Đó là những nghiên cứu có giá trị làm tài liệu tham khảo chủ yếu của luận án. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề đã được các tác giả bài viết đặt ra nhưng còn bỏ ngỏ, chưa phân tích, luận giải chuyên sâu hoặc do thời gian và phạm vi nghiên cứu hạn chế nên các bài viết, công trình nghiên cứu nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để, cần phải được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn nữa.

Trong các bài viết, công trình nghiên cứu còn chưa thống nhất về khái niệm DNXH. Mặc dù, tính đến thời điểm hiện nay, LDN 2020 thay thế LDN 2014 và Nghị định số 47/2021/NĐ-CP thay thế Nghị định số 96/2015/NĐ-CP quy định hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật doanh nghiệp; tuy nhiên vẫn chỉ đưa ra các tiêu chí xác định DNXH mà thôi. Vì thế, Luận án sẽ làm rõ hơn về vấn đề này.

- Hầu hết các công trình nghiên cứu, các bài viết đều chưa đề cập và phân tích triệt để được thực trạng pháp luật về DNXH ở Việt Nam một cách toàn diện và đầy đủ; nếu có cũng chỉ dừng ở việc nghiên cứu thực trạng hoạt động của các DNXH ở Việt Nam hiện nay, cụ thể như vấn đề về việc quản lý của cơ quan nhà nước đối với các DNXH về vốn, các nguồn tài trợ, đầu tư, hay cách tính thuế đối với thu nhập của Nhà nước đối với các DNXH. Hay thậm chí là vấn đề áp dụng pháp luật trong chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các DNXH bao gồm một tầm nhìn chiến lược dài hạn, những chính sách tối ưu hóa khuôn khổ áp dụng pháp luật như hệ thống pháp luật và nguồn nhân lực và nguồn nhân lực. Đây là vấn đề còn bỏ ngỏ chưa được các tác giả nghiên cứu, khai thác, Luận án sẽ tiếp tục nghiên cứu để làm rõ thêm những vấn đề này.

- Ngoài ra, các nghiên cứu đều chưa làm sáng tỏ được vấn đề chuyển đổi DNXH Việc chuyển đổi DN chỉ làm thay đổi hình thức tồn tại của DN và không làm thay đổi bản chất của DN (vì trước và sau khi chuyển đổi, tổ chức được chuyển đổi vẫn là DN mục đích tìm kiếm lợi nhuận) Tuy nhiên, đối với DNXH, chuyển đổi doanh nghiệp phức tạp hơn, và chỉ nên hạn chế chuyển đổi DNXH từ loại hình này sang loại hình khác nhưng không thay đổi bản chất “xã hội”.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 187 trang tài liệu này.

Tổng quan các vấn đề trên cho thấy các bài viết, công trình nghiên cứu mà tác giả thu thập được còn nhiều vấn đề đang bỏ ngỏ, vẫn còn chung chung, chưa gắn trực tiếp với DNXH. Những vấn đề sẽ được tác giả luận án tiếp tục nghiên cứu và đề xuất những giải pháp có khả năng thực thi trên thực tế, cụ thể là: quy định chính thức và rõ ràng khái niệm về DNXH; xây dựng luật dành riêng cho DNXH; Đồng bộ các văn bản pháp luật

chuyên ngành và các văn bản có liên quan; thành lập cơ quan chuyên trách về DNXH để quản lý các vấn đề chính sách, hỗ trợ dành cho DNXH.

Pháp luật về doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam hiện nay - 4

1.2. Cơ sở lý thuyết và giả thuyết nghiên cứu

1.2.1. Cơ sở lý thuyết

Luận án thực hiện trên cơ sở vận dụng phép duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật, các quan điểm của Đảng về pháp luật, về công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, trên cơ sở phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và Lý thuyết về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Luận án được nghiên cứu dựa trên các lý thuyết nghiên cứu: Lý thuyết về DNXH; Lý thuyết về thông tin bất cân xứng; Lý thuyết về trách nhiệm xã hội của DN; Lý thuyết về DN công ích.

1.2.2. Câu hỏi nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu

- Câu hỏi nghiên cứu: DNXH là gì? Đặc điểm, vai trò của DNXH? DNXH khác gì so với các Doanh nghiệp công ích? Khác gì so với các doanh nghiệp cam kết thực hiện trách nhiệm xã hội? Các loại hình DNXH? Pháp luật về DNXH là gì? Nội dung quan hệ pháp luật của DNXH?

Giả thuyết nghiên cứu: Do những điều kiện lịch sử và kinh tế, đến nay ở Việt Nam chưa có cách tiếp cận đúng, có hệ thống về DNXH và pháp luật về DNXH.

- Câu hỏi nghiên cứu: hiện nay pháp luật Việt Nam quy định về các vấn đề như khái niệm, hình thức pháp lý, quyền và nghĩa vụ đối với DNXH như thế nào? khuôn khổ pháp lý cho DNXH dành cho DNXH đã đầy đủ chưa? có phù hợp với mục tiêu phát triển của DNXH hay không? Rào cản pháp lý và nguyên nhân?

Giả thuyết nghiên cứu: Thực trạng pháp luật về DNXH còn nhiều bất cập, khoảng trống và chưa đủ khuôn khổ pháp lý cho DNXH phát triển. Thực tiễn hoạt động của DNXH và thực thi pháp luật về DNXH ở Việt Nam chưa phù hợp với mục tiêu phát triển của DNXH

- Câu hỏi nghiên cứu: Phương hướng hoàn thiện pháp luật về DNXH trong điều kiện hiện nay như thế nào? Trên nền tảng đó pháp luật về DNXH ở Việt Nam cần hoàn thiện theo các nhóm giải pháp nào?

Giả thuyết nghiên cứu: Pháp luật về DNXH cần phải được hoàn thiện theo mục tiêu phát triển của DNXH mà trước hết là trên các tiêu chí: hình thức pháp lý, ưu đãi, hỗ trợ cho DNXH phát triển

KẾT LUẬN CHƯƠNG 1

Tổng quan những công trình, bài viết trên cho thấy, DNXH thực sự là một đề tài hấp dẫn các nhà nghiên cứu luật học, kinh tế học cũng như những người quan tâm đến chính sách phát triển cộng đồng, không chỉ vì bản chất mới mẻ, độc đáo của nó, mà còn bởi những lợi ích hứa hẹn to lớn mà nó đem lại cho xã hội. Tuy còn có rất nhiều các quan điểm khác nhau về khái niệm, định nghĩa, các hình thức tồn tại của DNXH; hay thậm chí các thiết kế lập pháp mà mỗi tác giả đưa ra nhưng tựu trung lại đều là những tư liệu quý báu, đáng kể giúp Tác giả hoàn thiện được luận án về DNXH. Những công trình này đã thành công khi mang chế định DNXH về Việt Nam và tạo tiền đề cho hoạt động nghiên cứu chuyên sâu về DNXH. Một số các công trình nghiên cứu đã phân tích và bình luận được bản chất DNXH dưới góc độ kinh tế, đồng thời dự đoán được xu hướng phát triển của mô hình này trong những thập kỷ tới. Dưới góc độ pháp lý, một vài công trình được đánh giá có phạm vi nghiên cứu sâu rộng nhưng lại ra đời khi chưa có quy định pháp luật về DNXH ở Việt Nam. Sau khi LDN 2014 có hiệu lực, DNXH tiếp tục được bình luận và nghiên cứu, song quy mô nghiên cứu mới đa phần là các bài nghiên cứu mang tính cá nhân; và cũng chỉ hai công trình nghiên cứu cấp cơ sở có nghiên cứu về DNXH, song chưa mang tính toàn diện, đi sâu về mô hình DNXH trên nền pháp luật hiện hành. Nhìn một cách tổng thể, tình hình nghiên cứu DNXH ở Việt Nam đang thiếu những công trình nghiên cứu DNXH với tư cách là một chủ thể mới trong đời sống pháp luật.

Chương 2

NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ DOANH NGHIỆP XÃ HỘI VÀ PHÁP LUẬT VỀ DOANH NGHIỆP XÃ HỘI


2.1. Tổng quan về doanh nghiệp xã hội

2.1.1. Quan niệm về doanh nghiệp xã hội

a. Sự hình thành và phát triển của Doanh nghiệp xã hội trên thế giới và ở Việt Nam

- Quá trình hình thành và phát triển của doanh nghiệp xã hội trên thế giới

Lịch sử phát triển của DNXH đã chứng tỏ rằng, DNXH xuất hiện từ hai cái nôi đỡ đầu đó là châu Âu (Vương quốc Anh) và Hoa Kỳ.

Tại Châu Âu, theo nghiên cứu của McDonald M. & Howarth C. (2008), mô hình DNXH đầu tiên ghi nhận được xuất hiện vào năm 1665 ở London, Vương quốc Anh, khi đại dịch (Great Plague) hoành hành đã khiến nhiều gia đình giàu có, vốn là các chủ xưởng công nghiệp và cơ sở thương mại rút khỏi thành phố, để lại tình trạng thất nghiệp tăng nhanh trong nhóm dân nghèo lao động. Trong bối cảnh đó, Thomas Firmin đã đứng ra thành lập một xí nghiệp sản xuất và sử dụng nguồn tài chính cá nhân cung cấp nguyên liệu cho nhà máy để tạo và duy trì việc làm cho 1.700 công nhân. Ngay từ khi thành lập, ông tuyên bố xí nghiệp không theo đuổi mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận sẽ được chuyển cho các quỹ từ thiện [34, tr.9]. Việc làm này của Thomas đã chứng tỏ ông là một doanh nhân xã hội thực thụ. Cùng theo quan điểm của Gregory, Doanh nhân xã hội đóng góp vai trò nhân tố đổi mới trong các lĩnh vực xã hội bằng cách: Thông qua một sứ mệnh để tạo ra và duy trì giá trị xã hội (mà không chỉ là giá trị cá nhân); Nhận thức và không ngừng theo đuổi các cơ hội mới để phục vụ cho sứ mệnh đó; Tham gia vào quá trình đổi mới liên tục, thích nghi và rút ra bài học; Hoạt động mạnh mẽ mà không bị giới hạn bởi nguồn lực sẵn có; Và thể hiện trách nhiệm giải trình cao hơn đối với thành viên và đối với kết quả đầu ra. Như vậy cho thấy Xí nghiệp sản xuất mà Thomas Firmin thành lập với những mục đích tạo việc làm cho công nhân và lợi nhuận thu được sẽ chuyển cho các quỹ từ thiện chính là manh nha của loại hình DNXH, theo đuổi những mục tiêu phục vụ cộng đồng và xã hội.

Ra đời lần đầu tiên ở Anh, tuy nhiên với những ưu điểm của nó, mô hình DNXH đã lan rộng ra nhiều nước tư bản châu Âu và châu Mỹ, và phát triển ngày càng mạnh mẽ. Mặc dù có thể tồn tại ở nhiều hình thức khác nhau, nhưng sự hình thành và phát triển của DNXH ở các quốc gia này hỗ trợ một cách đáng kể vào các chính sách an sinh xã hội của nhà nước trong thời kỳ phát triển của chủ nghĩa tư bản, bởi mục đích chung của các DNXH là phục vụ các mục tiêu xã hội.

Như vậy, DNXH lần đầu tiên xuất hiện ở Anh quốc do những nhu cầu nhất định về thực hiện chính sách an sinh xã hội và thực hiện phúc lợi xã hội đối với người nghèo, người khuyết tật. Cho đến cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, các DNXH ở Anh đã phát triển một cách tương đối và trong số các DNXH ở quốc gia này thì thường phân chia thành hai nhóm như sau:

(i) Nhóm thứ nhất, là một số người giàu có thay đổi quan điểm của họ trong hoạt động từ thiện. Theo quan điểm của những người này thay cho những khoản đóng góp vật chất dễ gây nên tâm lý ỷ lại, lười biếng và “nhàn cư vi bất thiện” ở tầng lớp dân nghèo, họ chuyển sang các chương trình cung cấp việc làm để nhóm này học việc và có thể duy trì công việc cùng như thu nhập của mình, trở thành “những thành viên hữu ích của quốc gia”. Cách thức tiếp cận như vậy dẫn đến việc ra đời một số mô hình doanh nghiệp hỗ trợ cho hoạt động của các quỹ, các chương trình dành cho người nghèo, người khuyết tật. Những chương trình hỗ trợ như vậy được sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, các nhà tư sản lớn. Từ đó tạo nên những DNXH đầu tiên trên thế giới.

(ii) Nhóm thứ hai, đối với một số đối tượng khác có quan điểm khác về phúc lợi xã hội và hỗ trợ cộng đồng. Theo đó, trong giai đoạn này ở Anh, xuất hiện các mô hình cho phép người lao động có nhiều quyền hơn trong ký kết hợp đồng lao động và lần đầu tiên họ có khả năng làm chủ kế hoạch kinh doanh cũng như phân phối lợi nhuận. Sự phát triển của mô hình này dẫn đến việc ra đời của các Hợp tác xã (Co-op), hội ái hữu (Provident Society), làng nghề (Industrial Society) đã thực hiện phân phối lợi nhuận và cung cấp phúc lợi cho toàn bộ cộng đồng, cũng như trao quyền biểu quyết về quản lý tổ chức và kinh doanh cho tất cả các thành viên [34, tr. 13-15].

Sang thế kỷ 20, hoạt động của các DNXH có phần giảm sút khi chủ thuyết kinh tế Keynes lên ngôi từ sau cuộc đại suy thoái năm 1929-1933 [34, tr.1], cổ vũ cho vai trò can thiệp của Nhà nước đối với nền kinh tế; Và cũng nhờ đó, một loạt mô hình Nhà nước phúc lợi đã ra đời ở Tây Âu và Bắc Mỹ sau thế chiến thứ II.

Đến giữa thập niên 1970, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại sau hai cuộc khủng hoảng dầu lửa thế giới và chi tiêu xã hội không ngừng tăng lên do hậu quả xã hội của khủng hoảng kinh tế, hệ thống an sinh xã hội thực sự đứng trước nguy cơ bị phá vỡ vào thập niên cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Trong bối cảnh đó, tại Vương quốc Anh, vào năm 1979, Thủ tướng Anh Margaret Thatcher lên nắm quyền, bà chủ trương thu hẹp lại vai trò của Nhà nước và cho rằng Nhà nước không nên trực tiếp tham gia cung cấp phúc lợi xã hội [34, tr2]. Nhà nước phương Tây trong giai đoạn này đã rút dần ảnh hưởng trong lĩnh vực công, xã hội hóa nhiều hoạt động phúc lợi, từ thiện. Từ đó dẫn đến sự phát triển của các DNXH trong giai đoạn này.

Về cơ bản có thể thấy, các vấn đề dịch vụ công và phúc lợi xã hội vốn luôn được thừa nhận rộng rãi như một trong các chức năng cơ bản của Nhà nước, Nhà nước khi được ra đời cần phải thực hiện hai chức năng cơ bản là bảo vệ và quản lý xã hội, trong đó quản lý xã hội bao gồm thực hiện cả những yếu tố phúc lợi xã hội và dịch vụ công như hỗ trợ người nghèo, người khuyết tật, người yếu thế trong xã hội khác. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ sau thập niên 80 của thế kỷ XX Chính phủ của nhiều nước phương Tây đều thực hiện chức năng này thông qua các tổ chức dân sự và tư nhân bằng hình thức đấu thầu và thuê ngoài. Hoạt động xã hội hóa các hình thức dịch vụ công và phúc lợi xã hội khác cho thấy hiệu quả cao hơn hẳn so với việc nhà nước trực tiếp thực hiện hoạt động này.

Ở châu Mỹ, DNXH được du nhập từ Anh quốc và phát triển tương đối mạnh mẽ. Tại Hoa Kỳ có hơn 195.000 tổ chức nộp đơn là tổ chức từ thiện công cộng (là tổ chức phi lợi nhuận liên quan đến nghệ thuật, giáo dục, y tế chăm sóc, dịch vụ con người, và phục vụ cộng đồng…). Hơn 100 triệu người ở Mỹ là thành viên của DNXH. Công đoàn tín dụng là hợp tác xã phổ biến nhất $ 629 tỷ tài sản (đại diện cho một sự gia tăng gấp 100 lần kể từ năm 1960) [102, tr.33]. Theo thống kê, một trong những DNXH nổi tiếng và xuất hiện sớm nhất là Goodwill Industries, đã xuất hiện từ năm 1902 và bây giờ đã trở thành một DNXH hoạt động hiệu quả hàng đầu [161]. Các mô hình kinh doanh giống như thế đã tồn tại trên quy mô nhỏ trong phạm vi cả nước suốt những năm đầu và giữa thế kỷ XX, và trở nên đặc biệt phổ biến vào cuối thập kỷ 70-80, khi sự phát triển kinh tế có dấu hiệu chậm lại và nhà nước Hoa Kỳ đã cắt giảm các chi phí cho hoạt động trợ cấp. Các tổ chức phi chính phủ vốn chỉ dựa vào nguồn kinh phí từ thiện từ chính phủ và các chủ thể khác, lúc đó đã phải tìm phương kế tự trang trải các khoản tiền. Bên cạnh đó, những cá nhân, tổ chức có đầu óc chiến lược đã chứng minh rằng việc tự túc trong các vấn đề tài chính có thể thúc đẩy công việc trôi chảy hơn nhiều là việc chỉ chờ đợi duy nhất nguồn tiền trợ cấp. Sự cạnh tranh giữa các tổ chức phục vụ mục tiêu xã hội trở nên căng thẳng hơn, đòi hỏi họ buộc phải tiến hành các cải cách [104, tr. 290-291].

Làn sóng DNXH không chỉ dừng lại ở biên giới Hoa Kỳ và các nước Châu Âu, mà còn trở thành một vận động xã hội có quy mô và tầm ảnh hưởng toàn cầu. Hiện tại, không có số liệu chính xác bao nhiêu DNXH đang hoạt động tại bao nhiêu quốc gia bởi mô hình khái quát về DNXH tuy đã được nhận thức một cách rộng rãi nhưng đi vào nội dung, tiêu chí cụ thể về định nghĩa, phân loại DNXH lại có nhiều quan điểm khác nhau, phụ thuộc vào trình độ phát triển, đặc điểm kinh tế - xã hội của từng nước, và thậm chí là mục tiêu chính sách của từng chính phủ. Mặc dù vậy, qua các tài liệu nghiên cứu, có thể nói DNXh đang hoạt động mạnh mẽ ở tất cả các khu vực trên thế giới từ Tây Âu,

Bắc Mỹ, Úc đến Mỹ Latinh, Trung Đông, châu Phi, Nam Á, Đông Nam Á. Không ít quốc gia đã ban hành văn bản pháp lý riêng về DNXH và tạo lập được các mạng lưới có tổ chức để tập hợp, chia sẻ và kết nối lên tới hàng nghìn DNXH ở phạm vi trong nước cũng như quốc tế [34, tr.2].

Theo nghiên cứu của tác giả Jane Wei-Skillern, James Austin Herman Leonard và Howard Stevenson trong cuốn sách DNXH trong khu vực xã hội thì ngoài mô hình của Anh, còn có các mô hình DNXH khác như các mô hình hợp tác truyền thống ở Tây Ban Nha Italia và Phần Lan: Các hợp tác xã công nghiệp và nông nghiệp. Tại Italia: có hơn 15,000 DNXH hoạt động tạo việc làm cho rất nhiều công nhân. DNXH tại Pháp giúp những người thất nghiệp dài hạn hoặc bị cô lập về mặt xã hội trở lại làm việc. Ở Châu Á, nơi DNXH xuất hiện muộn và hình thành một cách dè dặt hơn. Tuy nhiên, cũng có những DNXH đã được hình thành ở khu vực này, như: Tại Hồng Kông mô hình DNXH được hình thành chủ yếu tập trung vào hỗ trợ hòa nhập và đào tạo cho người thất nghiệp; nhu cầu xây dựng DNXH từ cấp cơ sở trở lên. Trung tâm tạo nguồn DNXH Hồng Kông thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ và đào tạo; Tại Thái Lan, chính phủ thành lập văn phòng phát triển DNXH Thái Lan, với chiến lược hỗ trợ là nâng cao nhận thức và năng lực, xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp, kết nối nguồn lực. Ước tính Thái Lan có 116.298 DNXH thuộc 6 nhóm chính (DNXH dựa vào cộng đồng như Hợp tác xã, tổ chức tài chính địa phương...; DNXH do nước ngoài thành lập/ hỗ trợ, DNXH do nhà nước thành lập; DNXH do Doanh nhân xã hội thành lập; DNXH do doanh nghiệp thành lập; Tổ chức khác). Mạng lưới DNXH châu Á được thành lập với mục tiêu là thúc đẩy sự phát triển bền vững của DNXH châu Á trong việc đưa ra và nhân rộng các giải pháp cho các thách thức ngày càng gia tăng và phức tạp trong khu vực, cụ thể mạng lưới đang ưu tiên cho 4 nhiệm vụ chính sau: Xây dựng mạng lưới, chia sẻ kiến thức và quan hệ đối tác; Nâng cao năng lực; Tạo điều kiện tiếp cận thị trường; Thúc đẩy nguồn vốn để nâng cao tác động xã hội.

Như vậy, kể từ thế kỷ XVII đến nay, chặng đường mà DNXH trải qua đã tương đối dài. Tuy nhiên, phải đến tận đầu thế kỷ XXI, nhận thức cộng đồng về DNXH mới có cơ hội khai mở và truyền bá rộng rãi. Giáo sư Klaus Schwab – Nhà sáng lập, chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới – chia sẻ rằng khi ông thành lập Quỹ Schwab hỗ trợ các DNXH vào năm 1998, khái niệm DNXH hầu như chưa từng được nghe nói đến ở châu Âu và cũng ít được biết đến ở những nơi khác trên thế giới, dù cho lúc đó đã có những hoạt động ban đầu của Ashoka, một tổ chức tiên phong của loại hình này. Khi ông đăng ký thành lập Quỹ Schwab tại Thụy Sĩ, ngay việc dịch cụm từ “DNXH” khi đó còn chưa

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 15/09/2023