Vị Trí Của Dnxh Đối Với Tổ Chức Lai Và Doanh Nghiệp Thương Mại Theo Cách Định Nghĩa Của Ofer Eldar. [122]

mục tiêu xã hội và môi trường. Thực tiễn phong phú của các DNXH cũng làm cho các quan điểm về DNXH rất đa dạng, nhiều chiều. Tuy nhiên, dù ở quan điểm nào thì DNXH cũng mang ba đặc điểm chính đó là: Đặt mục tiêu, sứ mệnh xã hội lên hàng đầu ngay từ khi thành lập; sử dụng các hoạt động kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng như một phương tiện để đạt mục tiêu xã hội đó; Tái phân bổ phần lớn lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trở lại cho tổ chức, cộng đồng và mục tiêu xã hội.

DNXH đầu tiên xuất hiện ở Anh từ thế kỷ 17. Để tạo cơ sở cho quá trình hình thành, vận động và phát triển theo hướng bền vững của DNXH, Luật công ty Vương quốc Anh đã xây dựng mô hình doanh nghiệp khá đặc biệt – “limited by guarantee”. Luật công ty Vương quốc Anh năm 2006 chia chế độ trách nhiệm của chủ sở hữu thành trách nhiệm vô hạn và trách nhiệm hữu hạn [69]. Theo thống kê, các DNXH tại Anh có quy mô đa dạng, một số ít có quy mô lớn, còn lại đại đa số có quy mô nhỏ với mức doanh thu đạt gần 285.000 bảng/năm. Hàng năm, các DNXH giải quyết vấn đề việc làm cho khoảng 5% tổng số lao động trong các doanh nghiệp, đóng góp 8,4 tỷ bảng cho nền kinh tế Anh [34]. Số lượng DNXH ở Anh đến thời điểm hiện tại đã lên đến hơn 90.000, với tổng doanh thu đạt 70 tỷ bảng/năm.

Tác giả Ofer Eldar đến từ trường đại học Yale law school, Mỹ [122] với nghiên cứu “The role of social enterprise and hybrid organizations” đã đưa ra một cách định nghĩa rất cẩn trọng và khoa học cho khái niệm DNXH. Trong nghiên cứu này, Elder đã tiếp cận khái niệm DNXH một cách thuyết phục và có hệ thống. Ông chọn khái niệm xuất phát là doanh nghiệp thương mại, từ đó định nghĩa tổ chức lai và cuối cùng chạm đến khái niệm DNXH. Theo đó, Doanh nghiệp thương mại là bất kỳ doanh nghiệp nào mà phần lớn tổng doanh thu của nó đến từ việc bán hàng hóa hoặc dịch vụ. Khái niệm này không chỉ bao gồm các doanh nghiệp vì lợi nhuận, mà còn cả những doanh nghiệp thương mại nhưng phi lợi nhuận, ví dụ bệnh viện, trường học công, tính phí bệnh nhân và học sinh tùy theo dịch vụ bán ra, mặc dù vẫn được hưởng ít nhất là một vài loại trợ cấp đến từ các quỹ hỗ trợ hoặc từ chính sách miễn giảm thuế.

Tổ chức lai là doanh nghiệp thương mại có đóng góp một khoản trợ cấp cho một nhóm thụ hưởng trong xã hội. Các khoản trợ cấp này có thể là tiền hoặc hiện vật; xuất phát từ nguồn trực tiếp như tiền chính phủ, các cá nhân, tổ chức làm từ thiện để gửi gắm cho tổ chức lai hoặc nguồn gián tiếp như phần tiền trả thêm của khách hàng cho sản phẩm của công ty, hoặc tiền định kỳ trích ra từ thu nhập của cổ đông hoặc chủ sở hữu.

Một tổ chức lai cần điều kiện gì để trở thành một DNXH? Ofer nhấn mạnh vào yếu tố cam kết giao dịch (commitment to transact): Một DNXH phải có cam kết giao dịch với nhóm thụ hưởng và cam kết đó phải đáng kể ở chừng mực nào đó. Cam kết này nảy sinh trong trường hợp nhóm thụ hưởng đó không thể giao dịch với các doanh nghiệp thương mại dưới những điều khoản chung tiêu chuẩn. Ví dụ, các tổ chức tín dụng vi mô cam kết cho vay vốn đối với các cá nhân khuyết tật hoặc các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc vay vốn từ ngân hàng thương mại. Như vậy, điều kiện duy nhất để một tổ chức lai trở thành DNXH là sự tồn tại các cam kết giao dịch với nhóm thụ hưởng, chứ không hẳn là việc giao dịch đó rốt cuộc có được thực hiện hay không. Trên thực tế, vẫn có các DNXH không thể thực hiện được các cam kết giao dịch của mình, ví dụ như một tổ chức tín dụng vi mô hoạt động không hiệu quả dẫn đến việc không thể cho nhóm thụ hưởng vay vốn.

Tóm lại, định nghĩa DNXH mà Ofer đưa ra có thể được trình bày qua sơ đồ sau:


Doanh nghiệp thương mại

Có phần lớn tổng doanh thu đến từ việc bán hàng hóa hoặc dịch vụ

Tổ chức lai

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 187 trang tài liệu này.

DNXH

Có đóng góp một khoản trợ cấp cho một nhóm thụ hưởng trong xã hội

Pháp luật về doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam hiện nay - 6

Có cam kết giao dịch đáng kể với một nhóm thụ hưởng trong xã hội

Sơ đồ 1.1. Vị trí của DNXH đối với tổ chức lai và doanh nghiệp thương mại theo cách định nghĩa của Ofer Eldar. [122]

Theo đó, DNXH bao gồm các tổ chức tài chính vi mô, các công ty kinh doanh các sản phẩm thương mại bình dân, các công ty tích hợp nhiều công việc và nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ thiết yếu.

Trong ba thập niên trở lại đây phong trào DNXH đã phát triển mạnh mẽ ra khỏi biên giới các quốc gia và trở thành một vận động xã hội có quy mô và tầm ảnh hưởng toàn cầu. Hiện tại, không có số liệu chính xác bao nhiêu DNXH đang hoạt động tại bao nhiêu quốc gia bởi mô hình khái quát về DNXH tuy đã được nhận thức rộng rãi nhưng đi vào nội dung, tiêu chí cụ thể để định nghĩa, phân loại DNXH lại có nhiều quan điểm khác nhau, phụ thuộc vào trình độ phát triển, đặc điểm kinh tế - xã hội của từng quốc gia, thậm chí vào mục tiêu chính sách của từng chính phủ. Mặc dù vậy, qua các tài liệu

nghiên cứu, có thể nói DNXH đang hoạt động mạnh mẽ ở tất cả các khu vực trên thế giới từ Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc đến Mỹ La Tinh, Trung Đông, Châu Phi, Nam Á, Đông Nam Á. Phong trào DNXH được thúc đẩy lan rộng một cách nhanh chóng trên thế giới trong thời gian qua là nhờ một số tác nhân chủ chốt: Một là, xu hướng toàn cầu hóa diễn ra, tạo điều kiện cho các doanh nhân xã hội kết nối, chia sẻ kiến thức, nguồn lực và nhân rộng mô hình DNXH vượt qua hạn biên giới quốc gia; Hai là, các giá trị nhân văn được thức tỉnh mạnh mẽ. Đây là thời kỳ người ta nói đến xã hội hậu công nghiệp và vai trò của xã hội dân sự. Hàng loạt cuộc vận động xã hội khác diễn ra như phong trào bảo vệ môi trường, thương mại công bằng, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, mục tiêu thiên niên kỷ, chỉ số phát triển con người; Ba là, sự xuất hiện của những nhà đầu tư xã hội tìm kiếm tác động xã hội thay cho lợi nhuận tài chính truyền thống. Họ tạo thành các mạng lưới liên quốc gia, tập hợp, chia sẻ, và hỗ trợ các DNXH trên phạm vi toàn cầu. Điều này đặc biệt có lợi cho sự phát triển DNXH ở các nước đang phát triển, vốn có nhu cầu lớn về vốn và nâng cao năng lực.

Từ lịch sử quá trình hình thành DNXH trên thế giới và Việt Nam có thể khái quát rằng, phần lớn các DNXH được hình thành theo hướng tự phát, tùy theo ý tưởng của một nhóm người hoặc thậm chí của một người sáng lập với mục tiêu giải quyết một hoặc một số vấn đề xã hội nhất định. Trên cơ sở yêu cầu của một giải pháp xã hội, người sáng lập có thể biến đổi tổ chức theo hướng kết hợp giữa tổ chức từ thiện hoặc phi lợi nhuận và hoạt động kinh doanh, mà không biết rằng đó chính là đang hoạt động theo mô hình DNXH. Điển hình tại Việt Nam có trường hợp của Trung tâm đào tạo nghề KOTO, từ đầu những năm 1990, ông Jimmy Phạm đã cung cấp điều kiện ăn ở cho một số trẻ em đường phố ở TP. Hồ Chí Minh và cho đến nay đã có cơ sở tại Hà Nội. Xuất phát từ nguyện vọng tạo cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn một kế sinh nhai, người sáng lập KOTO đã thành lập doanh nghiệp với ngành nghề kinh doanh nhà hàng để vừa đào tạo nghề cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vừa có địa điểm để các em thực hành, cũng như có nguồn thu bổ sung các nguồn tài trợ hiện hữu cho các hoạt động dạy nghề (học viên nhận học bổng 100%). Cho đến sau năm 2008, khi một số tổ chức trung gian phát triển DNXH như CSIP và Spark ra đời, khái niệm DNXH mới chính thức được giới thiệu vào Việt Nam một cách rộng rãi. Số lượng các DNXH được thành lập dưới hình thức „vườn ươm‟ hoặc giải thưởng dành cho sáng kiến xã hội hiện vẫn không phải là nhiều và ở quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với các DNXH xuất phát từ nền tảng tự phát như KOTO hay Grameen Bank. Đây là chính một trong những điểm đặc thù quan trọng của DNXH, tạo cho mô hình tính năng động, linh hoạt rất cao, và cũng làm cho quan điểm về khái niệm

DNXH rất đa dạng. Ngay cả tại các diễn đàn quốc tế, cuộc tranh luận về khái niệm DNXH vẫn còn đang tiếp diễn.

Định nghĩa của Chính phủ Anh và OECD

Trong Chiến lược phát triển DNXH năm 2002, Chính phủ Anh định nghĩa: “DNXH là một mô hình kinh doanh được thành lập nhằm thực hiện các mục tiêu xã hội, và sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư cho mục tiêu đó hoặc cho cộng đồng, thay vì tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông hoặc chủ sở hữu”. Cách định nghĩa này rất toàn diện, bám sát những đặc điểm cơ bản của DNXH. Một là, kinh doanh (business) cần được hiểu như một mô hình, phương án, giải pháp có và thông qua hoạt động kinh doanh hơn là ràng buộc DNXH vào hình thức công ty xơ cứng, vốn suy cho cùng cũng chỉ là công cụ tổ chức. Hai là, mục tiêu xã hội được đặt ra như một sứ mệnh cơ bản và trước tiên (primarily) của việc thành lập tổ chức đó. DNXH phải là tổ chức được lập ra vì mục tiêu xã hội. Ba là, về nguyên tắc (principally) lợi nhuận được tái phân phối lại cho tổ chức hoặc cộng đồng, không phải cho cá nhân. Tổ chức OECD định nghĩa: “DNXH là những tổ chức hoạt động dưới nhiều hình thức pháp lý khác nhau vận dụng tinh thần doanh nhân nhằm theo đuổi cùng lúc cả hai mục tiêu xã hội và kinh tế. DNXH thường cung cấp các dịch vụ xã hội và việc làm cho các nhóm yếu thế ở cả thành thị và nông thôn. Ngoài ra, DNXH còn cung cấp các dịch vụ cộng đồng, trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, môi trường.” [34, tr.26].

Cách hiểu theo nghĩa rộng

Trong những cách hiểu đa dạng về DNXH, khái niệm rộng nhất xem “DNXH là một mô hình kinh doanh, đem lại lợi nhuận, bề ngoài như các doanh nghiệp truyền thống khác, chỉ yêu cầu một điều kiện duy nhất là đặt sứ mệnh xã hội ở vị trí trung tâm, trong khi mục tiêu lợi nhuận đóng vai trò hỗ trợ.” Một cách định nghĩa khác theo nghĩa rộng cũng cho rằng “DNXH hoạt động như mọi doanh nghiệp nhưng việc quản lý và sử dụng lợi nhuận đều hướng vào các mục tiêu xã hội và môi trường.” Xem xét kỹ, chúng ta dễ nhận thấy một số điểm yếu trong những khái niệm này như sau: Một là, DNXH bị đơn giản hóa và gần như đánh đồng với các doanh nghiệp truyền thống. Chỉ nhìn bề ngoài thì đúng là DNXH cũng có hoạt động kinh doanh, sổ sách kế toán, hệ thống cửa hàng, kho bãi, nhân viên kinh doanh như các doanh nghiệp truyền thống. Những đặc trưng của DNXH phải nêu bật được mục tiêu xã hội là sứ mệnh thành lập và hoạt động của DNXH. Hai là, theo các cách hiểu trên, DNXH rất dễ bị hòa trộn với một doanh nghiệp truyền thống có hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tốt. Để xây dựng hình ảnh tốt đẹp và thân thiện với khách hàng, nhiều công ty sẵn sàng tuyên bố các

sứ mệnh xã hội của mình. Trên thực tế, có không ít doanh nhân truyền thống thành lập doanh nghiệp từ những lý tưởng tốt đẹp cho xã hội. Tuy nhiên, câu hỏi là liệu mục tiêu xã hội có phải là lý do căn bản cho sự tồn tại và hoạt động của tổ chức không mới là dấu hiệu phân biệt hai loại hình này. Ở đây, các khái niệm đều không đề cập đến nội dung phân phối lợi nhuận. Như vậy, rõ ràng không có đủ bằng chứng và khả năng thuyết phục để phân loại rõ mức độ cam kết “vì xã hội” hay “vì lợi nhuận” của một tổ chức.

Cách hiểu theo nghĩa hẹp

Ngược lại, cũng có một số cách định nghĩa rất “hẹp” về DNXH. Một số ý kiến yêu cầu DNXH phải “đăng ký dưới hình thức công ty, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác. Nếu các DNXH được Nhà nước hỗ trợ hoặc ưu đãi thì chỉ được nhận các chính sách đó trong một số lĩnh vực nhất định và trên cơ sở các hiệu quả xã hội trong lĩnh vực đó mà thôi” Ngoài ra, DNXH không nên có gì đặc biệt hơn các doanh nghiệp khác, bởi sẽ dẫn đến sự đối xử không công bằng. Tiêu cực thậm chí có thể nảy sinh bởi doanh nghiệp nào cũng muốn được ưu đãi nên sẽ chuyển sang DNXH để hưởng lợi. Một số ý kiến còn đi xa hơn, thậm chí phản đối DNXH, cho rằng doanh nghiệp nào cũng có ích cho xã hội (như cung cấp hàng hóa, dịch vụ, tạo việc làm) chẳng qua từ trước đến nay lĩnh vực thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp bị bỏ ngỏ, nên hình ảnh các công ty trở nên tiêu cực. “Nếu trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được làm tốt, thì doanh nghiệp nào cũng là DNXH”. Ở một thái cực khác, có ý kiến đòi hỏi “DNXH phải được sở hữu ít nhất một phần bởi một tổ chức phi lợi nhuận”. Không thể phủ nhận, những ý kiến trên đều có một số ý nghĩa quan trọng, đặc biệt cho việc chính sách và thể chế hóa DNXH, cũng như củng cố thêm cách hiểu toàn diện về DNXH. Tuy nhiên, những khái niệm này dường như chưa hiểu thấu đáo DNXH ở chỗ: Một là, theo nhận thức phổ biến hiện nay DNXH là một mô hình tổ chức, một loại hình doanh nghiệp đặc thù thiên về khái niệm (concept) nhiều hơn về địa vị pháp lý (legal status). Nếu bám sát vào yêu cầu phải đăng ký dưới hình thức công ty sẽ khiến chúng ta bỏ lỡ rất nhiều mô hình hoạt động từ lâu đã như một công ty (cạnh tranh bình đẳng) nhưng không nhất thiết đăng ký dưới hình thức công ty. Một số tổ chức phi chính phủ (NGOs) khẳng định họ rất muốn chuyển sang hình thức công ty, nhưng chưa được bởi khung khổ pháp lý chưa hoàn thiện, nhận thức về DNXH ở các cơ quan nhà nước và địa phương hầu như không có, và cả việc họ sợ mất các ưu đãi hiện có. Trên thực tế, rất nhiều DNXH xây dựng cho mình cả hai nhánh tổ chức riêng biệt: một NGO thực hiện các mục tiêu xã hội và một công ty kinh doanh tạo thu nhập chuyển về NGO. Ý kiến thứ hai cũng không thể chính xác, bởi một doanh nghiệp truyền thống dù làm CSR tới mức độ nào cũng không phải là

DNXH. Bởi hai mô hình này khác nhau từ bản chất, và từ cách tiếp cận ngay từ khi thành lập. Quan điểm đánh đồng hai loại hình này, sẽ khiến xã hội bỏ lỡ một mô hình khơi dậy và phát triển các sáng kiến xã hội như DNXH. Tương tự, ý kiến thứ ba cũng không thật cần thiết, và dễ làm mất đi tính năng động, sáng tạo và linh họat của DNXH. Hơn nữa, một trong những thế mạnh của DNXH là khắc phục được điểm yếu của tổ chức NGO về tính bền vững; do đó, việc gắn chặt cơ cấu tổ chức của DNXH với NGO sẽ làm mất đi khả năng thay thế của DNXH đối với NGO.

Một số cách định nghĩa khác

Ở Việt Nam, cho đến sau năm 2008, khi một số tổ chức trung gian phát triển DNXH như CSIP và Spark7 ra đời, khái niệm DNXH mới chính thức được giới thiệu vào Việt Nam một cách rộng rãi. Tổ chức hỗ trợ sáng kiến vì cộng đồng - CSIP của Việt Nam đưa ra quan điểm: “DNXH là một khái niệm dùng để chỉ hoạt động của các doanh nhân xã hội dưới nhiều hình thức khác nhau tùy thuộc vào mục đích và điều kiện hoạt động cụ thể. DNXH lấy lợi ích xã hội làm mục tiêu chủ đạo, được dẫn dắt bởi tinh thần

doanh nhân nhằm đạt được cả mục tiêu xã hội/ môi trường và mục tiêu kinh tế” [144]. Có thể nói khái niệm của CSIP về DNXH là rất rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức này tuyển chọn, ươm tạo và phát triển phong trào DNXH vốn còn rất non trẻ ở Việt Nam. Trước hết, CSIP gắn DNXH với doanh nhân xã hội (DNhXH) để nhấn mạnh vai trò của người sáng lập tổ chức là những người kết hợp hài hòa được sáng kiến xã hội và tinh thần doanh nhân. Thứ hai, DNXH có thể đang hoặc sẽ hoạt động dưới nhiều hình thức tổ chức và địa vị pháp lý khác nhau, vốn phù hợp với thực trạng phong phú của khu vực xã hội dân sự ở Việt Nam, trong đó nổi bật là vai trò đổi mới của các NGOs; đồng thời mở ra khả năng chuyển đổi thành DNXH từ các mô hình tổ chức khác như Quỹ tín dụng vi mô, Quỹ từ thiện, Hợp tác xã thậm chí có thể bao gồm các một số loại hình từ Tổ chức xã hội, Tổ chức sự nghiệp, Doanh nghiệp dịch vụ công ích của khu vực nhà nước. Thứ ba, các tiêu chí chủ đạo để xác định DXNH trong khái niệm của CSIP dường như tiếp thu trường phái định nghĩa của OECD khi yêu cầu DNXH phải theo đuổi đồng thời cả hai mục tiêu xã hội (chủ đạo) và kinh tế - “doing business and doing good together”. Tương tự như OECD, vấn đề phân phối lợi nhuận không được đề cập rõ ràng trong định nghĩa của CSIP. Một số tổ chức có những khái niệm tuy chưa toàn diện nhưng đã làm nổi bật bản chất của DNXH. Mạng Wikipedia định nghĩa: “DNXH là một tổ chức áp dụng các chiến lược kinh doanh nhằm đạt được các mục tiêu từ thiện. DNXH có thể là một tổ chức vì-lợi nhuận hoặc phi-lợi nhuận.” Ông Bambang Ismawan- người


7 Trung tâm Phát triển DNXH Tia Sáng.

sáng lập một trong các tổ chức tín dụng vi mô lớn nhất của Indonesia- Quỹ Bina Swadaya (từ năm 1967) cho rằng: “DNXH là việc đạt được sự phát triển/ mục tiêu xã hội (social development) bằng cách sử dụng giải pháp kinh doanh (entrepreneurship solution).” Rõ ràng, cả hai định nghĩa trên đều nhấn mạnh mối quan hệ „phương tiện- cứu cánh‟ giữa chiến lược/ giải pháp kinh doanh và mục tiêu/ giải pháp xã hội trong mô hình DNXH. Nói cách khác, việc vận dụng giải pháp kinh doanh như một công cụ để đưa đến một giải pháp xã hội cụ thể chính là bản chất của DNXH [34]. Có thể cho rằng khái niệm của CSIP về DNXH là rất rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức này tuyển chọn, ươm tạo và phát triển phong trào DNXH vốn còn rất non trẻ ở Việt Nam.

Tại Việt Nam, theo Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2020, DNXH được hiểu là doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí sau đây:

- Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của luật này;

- Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng;

- Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.

Từ những định nghĩa trên, có thể thấy rằng trên thế giới, DNXH được hiểu là mô hình kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp nhưng lại đặt mục tiêu phục vụ xã hội lên hàng đầu thay vì mục đích sinh lợi cho chủ sở hữu; phần lớn lợi nhuận phát sinh từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ được sử dụng để hỗ trợ và giải quyết các vấn đề của xã hội. Với cách hiểu này, khái niệm “DNXH” trên thế giới, mặc dù, có một số mâu thuẫn so với pháp luật Việt Nam, nhưng vẫn đồng nhất ở hai điểm: qua giải pháp kinh doanh để đạt được mục tiêu xã hội. Theo quan điểm riêng của tác giả, có thể khái niệm DNXH như sau: DNXH là doanh nghiệp có mô hình hoặc dự án kinh doanh mà phần lớn lợi nhuận thu được dùng cho các mục tiêu xã hội, môi trường.

* Phân biệt DNXH và doanh nghiệp công ích; trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và các loại hình doanh nghiệp khác

- Phân biệt DNXH và doanh nghiệp công ích:

DNXH và doanh nghiệp công ích có sự khác biệt rõ ràng về phương thức thành lập và hoạt động. Doanh nghiệp công ích là doanh nghiệp được thành lập để hướng tới việc thực hiện các dịch vụ, sản phẩm mang tính công ích. Theo quy định của Nghị định số 31/2005/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích thì sản phẩm, dịch vụ công ích là sản phẩm, dịch vụ thiết yếu đối với đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, cộng đồng dân cư của một khu vực lãnh thổ hoặc bảo đảm an ninh,

quốc phòng. Việc sản xuất và cung ứng dịch vụ, sản phẩm này theo cơ chế thị trường khó có thể bù đắp chi phí. Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt hàng, giao kế hoạch, đấu thầu theo giá hoặc phí do Nhà nước quy định. Theo quy định của Nghị định 56/CP ngày 02 tháng 6 năm 1996 về doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích thì: Doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích là doanh nghiệp nhà nước độc lập hoặc doanh nghiệp nhà nước là thành viên hạch toán độc lập của Tổng công ty Nhà nước trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công cộng theo chính sách của Nhà nước, do Nhà nước giao kế hoạch hoặc đặt hàng theo giá, khung giá hoặc phí do Nhà nước quy định, hoạt động chủ yếu không vì mục tiêu lợi nhuận. Như vậy, doanh nghiệp công ích cũng hướng đến các mục tiêu cung cấp sản phẩm công ích và phục vụ xã hội không vì mục tiêu lợi nhuận.

Như vậy, mặc dù cả hai doanh nghiệp này đều hướng tới mục tiêu phục vụ nhu cầu xã hội, có thể đều cung cấp sản phẩm các dịch vụ mang tính chất phục vụ lợi ích chung của xã hội như cung cấp nước sạch, dọn rác thải bảo vệ môi trường… nhưng về bản chất DNXH được thành lập tự nguyện bởi các doanh nhân xã hội. Khái niệm DNXH mang tính ổn định, nhất quán, được quyết định bởi mục tiêu xã hội, không phụ thuộc vào tính chất của sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. Trong khi đó, các Doanh nghiệp công ích được nhà nước thành lập để sản xuất cung cấp các sản phẩm dịch vụ công ích theo phương thức giao nhiệm vụ và được hưởng các ưu đãi đặc biệt. Tuy nhiên, theo chủ trương về cải cách doanh nghiệp Nhà nước, ngoại trừ lĩnh vực an ninh quốc phòng, việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ công ích thông thường sẽ được xã hội hóa [10]. Trong tương lai, một số lượng lớn các doanh nghiệp công ích đang hoạt động trong các lĩnh vực không thiết yếu có thể chuyển thành DNXH để bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh cho nền kinh tế nước ta [49].

- Phân biệt DNXH và Doanh nghiệp cam kết thực hiện trách nhiệm xã hội

Thực tế là ta khó mà xác định một DNXH đơn thuần dựa trên mục tiêu vì xã hội. Trên thực tế, đôi khi các doanh nghiệp vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận thông thường cũng gián tiếp thực hiện cả những mục tiêu xã hội, Ví dụ, một dây chuyền sản xuất sữa bột trẻ em tiến hành bổ sung các dinh dưỡng quan trọng vào sản phẩm của mình nhằm thu hút các bậc cha mẹ. Có thể coi như họ đang cùng lúc vừa tăng doanh số bán hàng, vừa phục vụ lợi ích xã hội mà trường hợp này là vì sức khỏe cộng đồng. Trường hợp này có thể được gọi tên bằng khái niệm “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”.

Vậy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là gì và làm sao để phân biệt nó với DNXH?

Xem tất cả 187 trang.

Ngày đăng: 15/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí