Pháp luật về doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam hiện nay - 2

MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của luận án

Cùng với phong trào bảo vệ người tiêu dùng, DNXH là một trong loại hình doanh nghiệp đặc biệt được hình thành từ những năm 60 của thế kỷ trước. Mặc dù vậy, DNXH vẫn tiếp tục đặt ra những thách thức về nhận thức, về vai trò của nó trong nền kinh tế thị trường cũng như các giải pháp thúc đẩy sự phát triển của nó trong xã hội hiện đại. Tuy còn có sự khác biệt trong pháp luật của mỗi quốc gia, song từ phương diện pháp lý, DNXH được tiếp cận là loại hình doanh nghiệp được hình thành từ các sáng kiến xã hội, trên nền tảng nhu cầu giải quyết một vấn đề xã hội cụ thể của cộng đồng, được dẫn dắt bởi tinh thần doanh nhân của những người sáng lập. Tính tự phát, năng động đặc thù này khiến cho nhận thức của xã hội luôn bị bỏ lại rất xa so với thực tiễn sinh động của mô hình doanh nghiệp xã hội. Từ phương diện mục tiêu, DNXH được hiểu đơn giản hơn là những doanh nghiệp hoạt động không vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, được hình thành để giải quyết một vấn đề xã hội nào đó mà doanh nghiệp đó theo đuổi, phần lớn lợi nhuận thu được dùng để phục vụ các mục tiêu xã hội và môi trường. Thực tiễn phong phú của các DNXH cũng làm cho các quan điểm về khái niệm về doanh nghiệp xã hội rất đa dạng, nhiều chiều. Tuy nhiên, dù ở cách tiếp cận nào thì DNXH cũng mang ba đặc điểm then chốt đó là: Có mục tiêu, sứ mệnh xã hội được đặt lên hàng đầu, ngay từ khi thành lập; sử dụng các hoạt động kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng như một phương tiện để đạt mục tiêu xã hội đó; Tái phân bổ phần lớn lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trở lại cho tổ chức, cộng đồng và mục tiêu xã hội.

DNXH là một hiện tượng mới trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Trong giai đoạn trước đổi mới, Việt Nam cũng đã có một số mô hình có thể được coi là các DNXH, đó là các Hợp tác xã tạo việc làm cho người khuyết tật. Sau năm 1986, đường lối đổi mới và chính sách mở cửa của Nhà nước đã thực sự tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ các doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế, các tổ chức từ thiện, phát triển cộng đồng trong và ngoài nước. Từ giữa những năm 1990, một số DNXH thực thụ đã bắt đầu xuất hiện như trường Hoa Sữa, Nhà hàng KOTO tại Hà Nội, Mai Handicrafts tại thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, nhận thức xã hội vẫn in đậm sự tách bạch giữa hai loại hình doanh nghiệp vì lợi nhuận và các tổ chức không vì lợi nhuận, do đó, các DNXH chỉ mới phát triển ở mức độ đơn lẻ, quy mô hạn chế. Từ năm 2010, Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, dòng vốn tài trợ có xu hướng giảm, không ít tổ chức phi lợi nhuận đã chuyển đổi thành DNXH để tìm

hướng đi mới cho mình. Mặc dù ở thời điểm sau khi Luật Doanh nghiệp Việt Nam mới được ban hành, chính thức được thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2014, trên cả nước đã có ít nhất 200 tổ chức [55] được cho là đang hoạt động đúng theo mô hình DNXH1 và một trong các DNXH điển hình và tiên phong được biết đến rộng rãi là Nhà hàng KOTO được thành lập ở Hà Nội từ năm 1999. Rõ ràng, nhiều tổ chức được

thành lập và hoạt động mà không biết bản thân mình là một DNXH, do đó số lượng DNXH thực tế ở nước ta còn có thể lớn hơn rất nhiều con số trên. Bên cạnh đó, trước khi Luật doanh nghiệp 2014 chính thức được thông qua, Việt Nam chưa có một văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các hoạt động của DNXH cũng như chưa có một loại hình doanh nghiệp hay một địa vị pháp lý dành riêng cho DNXH. Các loại hình tổ chức pháp lý của DNXH đến thời điểm hiện nay chia làm hai nhóm chính là Doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp; và Tổ chức xã hội (NGO) hoạt động theo một số văn bản dưới luật điều chỉnh các loại hình tổ chức tự nguyện của nhân dân, các hội, các quỹ từ thiện, quỹ xã hội, các tổ chức khoa học công nghệ [21]. Vì thế, việc lựa chọn đi theo một khung khổ pháp lý nhất định là Doanh nghiệp hoặc tổ chức NGO cho một thực thể tổ chức mang đặc tính hỗn hợp của DNXH gây nên nhiều trở ngại trong quá trình thành lập, vận hành và phát triển của các DNXH.

Thực tế, ở Việt Nam, Nhà nước vẫn chưa đủ nguồn lực để giải quyết tất cả những vấn đề xã hội. Báo cáo của Ngân hàng thế giới năm 2012 cho thấy, Việt Nam đã đạt tiến độ đáng kể trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo. Tỷ lệ đói nghèo giảm từ 60% xuống còn 20,7% trong vòng 20 năm [42]. Tuy nhiên, với tỷ lệ 20,7% dân số đói nghèo vẫn là một con số cao. Sau khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, nhiều tổ chức phi chính phủ, các nguồn viện trợ ODA sẽ rút dần khỏi Việt Nam. Vì vậy, việc phát triển DNXH là rất cần thiết để tăng cường các nguồn lực cho giải quyết các vấn đề xã hội.

Một trong điểm mới của Luật doanh nghiệp năm 2014 là quy định về tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của DNXH. Sau rất nhiều năm chờ đợi, cộng đồng DNXH ở Việt Nam đã đứng trước một cơ hội mang tính chất bước ngoặt, lần đầu tiên DNXH được công nhận về mặt pháp lý. Đến Luật doanh nghiệp năm 2020, dù đã có những sửa đổi nhưng các quy định dành cho DNXH chưa nhiều. Về mặt nhận thức của xã hội, khái niệm này vẫn còn mới mẻ, thậm chí gây tranh luận, nhất là khi bàn về ý nghĩa cũng như các giải pháp về chính sách và pháp luật liên quan đến các thực thể kinh tế - xã hội đặc thù này.


1 Thuật ngữ tiếng Anh của DNXH là Social Enterprise (SE),

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 187 trang tài liệu này.

Sự phát triển của DNXH sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội theo hướng văn minh, tiến bộ, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta, vì vậy đây không chỉ là xu thế chung của thế giới mà còn rất cần thiết ở Việt Nam. Kinh nghiệm thế giới chỉ ra rằng vai trò của nhà nước với hệ thống pháp luật và chính sách là những điều kiện thiết yếu để các DNXH phát triển. Với những lý do trên đây, tôi đã lựa chọn đề tài “Pháp luật về doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam hiện nay” thực hiện trong khuôn khổ của Luận án tiến sĩ luật học.

2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu Mục đích nghiên cứu

Pháp luật về doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam hiện nay - 2

Mục đích nghiên cứu của Luận án là nghiên cứu, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về DNXH và pháp luật về DNXH phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật và thực tiễn thực thi pháp luật về DNXH ở Việt Nam hiện nay; và để từ đó đề xuất các phương hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật về DNXH ở Việt Nam trong thời gian tới.

Nhiệm vụ nghiên cứu của luận án

Để đạt được mục đích nghiên cứu trên, tác giả sẽ thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản như sau :

- Nghiên cứu, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về DNXH và pháp luật về doanh nghiệp xã hội;

- So sánh, phân tích, đánh giá kinh nghiệm điều chỉnh pháp luật của một số quốc gia: Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Thái Lan, Trung Quốc và Hàn Quốc về doanh nghiệp xã hội;

- Phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật về DNXH ở Việt Nam hiện nay;

- Phân tích, đánh giá thực tiễn thực thi pháp luật về DNXH ở Việt Nam hiện nay;

- Đề xuất các phương hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật về DNXH ở Việt Nam trong thời gian tới.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận án là DNXH, pháp luật về DNXH; kinh nghiệm điều chỉnh pháp luật và áp dụng pháp luật về DNXH ở một số quốc gia trên thế giới; Thực tiễn pháp luật và áp dụng pháp luật về DNXH ở Việt Nam hiện nay.

Phạm vi nghiên cứu

- Về nội dung, trong phạm vi nghiên cứu của luận án, tác giả tập trung nghiên cứu ở những vấn đề chung về DNXH và pháp luật về DNXH theo quan điểm chung trên thế giới và ở Việt Nam; nghiên cứu về thực tiễn áp dụng pháp luật về DNXH về

khía cạnh địa vị pháp lý (quyền và nghĩa vụ) của các DNXH ở nước ta; nghiên cứu pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật về quyền và nghĩa vụ của DNXH ở một số nước trên thế giới để đề xuất pháp luật điều chỉnh pháp luật và giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về DNXH cho Việt Nam.

- Về không gian: Luận án giới hạn ở việc tìm hiểu thực trạng pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật về DNXH theo pháp luật của Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Thái Lan, Trung Quốc và Hàn Quốc. Hoa Kỳ và Vương Quốc Anh là những quốc gia phát triển, tồn tại DNXH đầu tiên trên thế giới, đồng thời, đến nay cũng là những quốc gia có hệ thống pháp lý phù hợp phát triển DNXH tương đối tốt. Thái Lan là một trong những nước đi tiên phong trên lĩnh vực phát triển DNXH trong khu vực Đông Nam Á. Còn Trung Quốc là quốc gia có hệ thống chính trị và luật pháp tương đồng với Việt Nam, đồng thời cũng là quốc gia có được mô hình DNXH phát triển. Hàn Quốc là một trong các quốc gia châu Á công nhận DNXH và cho ra đời đầu tiên các quy định pháp lý dành cho DNXH.

- Về thời gian: DNXH đầu tiên xuất hiện manh nha ở Việt Nam là vào những năm 80, thời kỳ của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Vì vậy, luận án sẽ giới thiệu về DNXH ở Việt Nam từ thời điểm này đến hiện nay, tuy nhiên, cũng chỉ tập trung phân tích sâu pháp luật và áp dụng chính sách pháp luật về DNXH ở Việt Nam hiện nay.

4. Phương pháp nghiên cứu

Trên nền tảng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, Luận án còn sử dụng các phương pháp cụ thể như: phương pháp phân tích, tổng hợp, hệ thống, luật học so sánh, liên ngành và dự báo qua các tài liệu thứ cấp để làm sáng tỏ các vấn đề được nghiên cứu trong luận án.

Cơ sở lý luận của luận án dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác Lênin, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Để đạt được kết quả nghiên cứu, làm rõ những vấn đề nghiên cứu đặt ra, luận án chú trọng sử dụng các phương pháp nghiên cứu:

+ Phương pháp phân tích được sử dụng khi đánh giá, bình luận các quy định của pháp luật cũng như thực tiễn về DNXH làm cơ sở cho những kết luận khoa học. Phương pháp này được sử dụng trong suốt quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu.

+ Phương pháp tổng hợp được sử dụng khi đánh giá nhằm rút ra những kết luận tổng quan, những quan điểm, các đề xuất, kiến nghị.

+ Phương pháp đối chiếu - so sánh luật học được sử dụng khi phân tích, đánh giá các quy định của pháp luật có liên quan đến DNXH của pháp luật Việt Nam với

pháp luật của một số nước trên thế giới; giữa thực tiễn áp dụng pháp luật về DNXH của Việt Nam và của các quốc gia trên thế giới nhằm tìm ra các điểm chung, những điểm khác biệt trong các quy định và thực tiễn áp dụng của pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật của các nước trên thế giới.

+ Phương pháp phân tích logic quy phạm được sử dụng khi đánh giá thực trạng pháp luật, xem xét về tính thống nhất, phát hiện mâu thuẫn trong nội dung quy định pháp luật có liên quan về DNXH.

+ Phương pháp thống kê được sử dụng để đánh giá các tài liệu thu thập được một cách trung thực, khách quan nhằm đánh giá thực trạng áp dụng pháp luật về địa vị pháp lý của DNXH, trên cơ sở đó, tác giả có những khuyến nghị về pháp luật điều chỉnh DNXH.

Trong quá trình viết luận án, các phương pháp này có thể sử dụng đan xen và tiếp cận cả theo hướng đa ngành và liên ngành để thuận tiện cho việc phân tích, đánh giá toàn bộ các vấn đề được đặt ra trong phạm vi nghiên cứu của luận án.

5. Đóng góp mới về khoa học của luận án

- Luận án đã làm rõ tổng quan tình hình nghiên cứu và các vấn đề có liên quan đến luận án, làm rõ những vấn đề đã được nghiên cứu, những vấn đề còn đang tiếp tục nghiên cứu cũng như khoảng trống nghiên cứu mới cho luận án.

- Luận án đã hệ thống hoá và làm rõ hơn những vấn đề lý luận về DNXH và pháp luật về DNXH theo các nội dung như Tổng quan về DNXH, pháp luật về DNXH.

- Luận án làm rõ thực trạng pháp luật về DNXH và thực tiễn thực hiện pháp luật về DNXH ở Việt Nam hiện nay, từ đó rút ra đánh giá, nhận xét về pháp luật và thực hiện pháp luật về DNXH để làm căn cứ cho các giải pháp hoàn thiện.

- Luận án sau khi làm rõ phương hướng hoàn thiện pháp luật về DNXH ở Việt Nam hiện nay, tác giả đã đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật về DNXH ở Việt Nam, những giải pháp là có cơ sở khoa học và có tính khả thi.

6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án

Trên cơ sở nghiên cứu DNXH và pháp luật về DNXH, có thể khẳng định rằng luận án được nghiên cứu sẽ góp phần vào việc làm phong phú thêm về lý luận và thực tiễn pháp luật về DNXH, đồng thời góp phần hoàn thiện pháp luật về DNXH ở Việt Nam hiện nay.

Những đề xuất, kiến nghị mà luận án nêu ra đều có cơ sở khoa học và thực tiễn, có ý nghĩa đối với việc xây dựng và hoàn thiện về DNXH ở Việt Nam.

Luận án là tài liệu tham khảo hữu ích phục vụ việc nghiên cứu lý luận và thực tiễn về DNXH và pháp luật về DNXH, làm tài liệu giảng dạy và học tập trong chuyên ngành luật học, chuyên ngành quản trị kinh doanh và quản lý kinh tế. Luận án cũng là luận chứng khoa học cho việc xây dựng pháp luật về DNXH trong thời gian tới.

7. Kết cấu của Luận án

Để làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn pháp luật liên quan đến vấn đề này, Luận án dự kiến được kết cấu thành năm chương và tập trung vào những nội dung chính cần nghiên cứu như sau:

Chương 1 : Tổng quan tình hình nghiên cứu và cơ sở lý thuyết

Chương 2: Những vấn đề lý luận về Doanh nghiệp xã hội và pháp luật về doanh nghiệp xã hội

Chương 3: Thực trạng pháp luật về doanh nghiệp xã hội và thực tiễn áp dụng pháp luật về doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam hiện nay

Chương 4: Phương hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam

Chương 1

TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÝ THUYẾT


1.1. Tình hình nghiên cứu liên quan đến luận án

DNXH là chủ thể được công nhận từ rất lâu ở các nước trên thế giới. Vì thế, các nghiên cứu chuyên sâu về mô hình này cũng hình thành từ rất sớm, khoảng nửa cuối những năm 90. Với những ưu điểm không thể nào bác bỏ và với những đóng góp cho cộng đồng, mô hình DNXH đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng, có thể kể đến các công trình nghiên cứu sau đây:

1.1.1. Tình hình nghiên cứu liên quan đến khái niệm, đặc điểm, vai trò của Doanh nghiệp xã hội

- Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài:

+ Khi nghiên cứu các tài liệu nước ngoài về DNXH, không thể không nhắc đến nghiên cứu “The Meaning of Social Entrepreneurship” của Gregory Dees được viết lần đầu năm 1998, bản chỉnh sửa gần đây nhất vào năm 2011 nói về Ý nghĩa của tinh thần doanh nhân xã hội [103] [104]. Trong nghiên cứu này, ông đã chỉ ra rằng, những nỗ lực của chính phủ và các tổ chức từ thiện đã không đạt được những gì mà xã hội kỳ vọng; các trung tâm xã hội cũng không chứng tỏ được hiệu quả. Ngược lại, các doanh nhân xã hội ngày càng chứng tỏ vai trò to lớn trong việc phát triển các mô hình mới cho một thế kỷ mới. Khái niệm “tinh thần doanh nhân xã hội” (TTDNXH - social entrepreneurship) có thể mới mẻ, nhưng bản thân hiện tượng này thì không. Các doanh nhân xã hội đã luôn hiện diện, dù chúng ta có thể gọi họ bằng cái tên này hoặc cái tên khác. Tuy nhiên, việc đưa ra một khái niệm mới là rất quan trọng, vì ngoài các hoạt động phi lợi nhuận mang tính sáng tạo, TTDNXH có thể bao gồm các dự án kinh doanh xã hội và các tổ chức lai trong đó trộn lẫn các yếu tố phi lợi nhuận và vị lợi nhuận. Để mở rộng sân chơi dành cho TTDNXH, chúng ta cần đưa ra một cách định nghĩa phù hợp. Từ cách dẫn dắt đó, G. Dees đã đưa ra các lý thuyết về tinh thần doanh nhân. Cụ thể, theo quan điểm của một vài học giả nổi tiếng trước đó cho rằng “doanh nhân” không nhất thiết là những người tạo ra sự thay đổi, tuy nhiên họ phải luôn luôn “tìm kiếm sự thay đổi, đáp ứng và khai thác nó như một cơ hội”. Khái niệm "cơ hội" đã trở thành trụ cột của nhiều định nghĩa về TTKD hiện nay. Doanh nhân là những người có thiên hướng nhìn nhận sự thay đổi là cơ hội chứ không phải là rắc rối. Đồng thời, đối với một doanh nhân, khởi nghiệp là không nhất thiết và cũng không đủ, có nghĩa là không phải mọi doanh nghiệp đều có thể đại diện cho TTDN. Drucker cũng chỉ rõ rằng hoạt động kinh doanh được nói đến ở đây không đòi hỏi động cơ lợi nhuận.

Tiếp theo, G. Dees cũng so sánh sự khác nhau giữa doanh nhân xã hội và doanh nhân thông thường. Theo đó, nếu doanh nhân thông thường với mục tiêu là tạo ra của cải vật chất cho xã hội, từ đó tìm kiếm và tối đa lợi nhuận thu về; Thì đối với các doanh nhân xã hội, sứ mệnh xã hội là rõ ràng và thống trị. Sứ mệnh xã hội ảnh hưởng đến cách các doanh nhân xã hội nhận thức và đánh giá các cơ hội. Tiêu chí trung tâm ở đây là những tác động liên quan đến sứ mệnh đó, chứ không phải là việc tạo ra của cải. Với các doanh nhân vị lợi nhuận, của cải là một cách để đo lường giá trị được tạo ra; đó là bởi họ phải tuân theo quy luật thị trường. Nếu họ không thuyên chuyển các nguồn lực để sử dụng một cách có hiệu quả kinh tế, họ sẽ gặp phải nguy cơ bị loại khỏi vòng xoáy kinh doanh. Ví dụ, nếu một doanh nhân không thể thuyết phục được đủ số lượng khách hàng trả một mức giá hợp lý để tạo ra lợi nhuận, thì đây là một dấu hiệu cho thấy rằng không có đủ giá trị được tạo ra để biện minh cho việc sử dụng các nguồn lực này. Tuy nhiên, thị trường không tạo thuận lợi cho các doanh nhân xã hội. Trong trường hợp cụ thể, thị trường không làm tốt công tác đánh giá các cải thiện xã hội, hàng hoá công cộng và các thiệt hại cùng lợi ích cho những người không có khả năng chi trả. Những yếu tố này thường rất cần thiết cho việc kinh doanh xã hội, và đó cũng chính là điều làm cho một doanh nhân trở thành một doanh nhân xã hội. Thực tế, rất khó xác định liệu một doanh nhân xã hội đang tạo ra giá trị xã hội đầy đủ để biện minh cho các nguồn lực được sử dụng trong việc tạo ra giá trị đó. Sự duy trì hoặc tăng trưởng của một DNXH chỉ là một bằng chứng rất yếu ớt về sự hiệu quả trong việc cải thiện các điều kiện xã hội. Cuối cùng, ông tổng kết để đưa ra khái niệm về tinh thần doanh nhân xã hội, trong đó hội tụ từ rất nhiều các quan điểm của các học giả nổi tiếng trước đó. Cụ thể, ông đưa ra một khái niệm tinh thần doanh nhân xã hội bao gồm các tiêu chí đó là: Doanh nhân xã hội đóng vai trò nhân tố đổi mới trong các lĩnh vực xã hội, bằng cách: thông qua một sứ mệnh để tạo ra và duy trì giá trị xã hội; nhận thức và không ngừng theo đuổi các cơ hội mới để phục vụ cho sứ mệnh đó; tham gia vào các quá trình đổi mới liên tục, thích nghi và rút ra bài học; hoạt động mạnh mẽ và không bị giới hạn vào nguồn lực sẵn có; và thể hiện trách nhiệm giải trình cao hơn đối với thành viên và đối với kết quả đầu ra.

The meaning of social entrepreneurship của Gregory Dees được coi là một trong những nghiên cứu đầu tiên trên thế giới tách bạch DNXH ra khỏi các mô hình doanh nghiệp truyền thống khác. Cũng từ đó, ông xuất bản thêm hai cuốn sách và rất nhiều bài báo khác về chủ đề này – là những công trình nền móng có đóng góp to lớn đối với việc tiếp cận các vấn đề lý luận về DNXH ngày nay [104], trong đó phải kể đến mô hình phổ DNXH sẽ được tác giả sử dụng nghiên cứu, đề cập trong luận án (phần lý luận)

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 15/09/2023