lý làm nền tảng cho các hoạt động thương mại, trong đó có thương mại điện tử. Điều 15 của Luật quy định "trong hoạt động thương mại, các thông điệp dữ liệu đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thừa nhận có giá trị pháp lý tương đương văn bản". Ngoài ra, tại khoản 4, Điều 120 (các hình thức trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ), trong đó coi "Trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ trên Internet" là một hình thức trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ.
2.2.1.5. Bộ luật Dân sự 2005
Tại khoản 1, Điều 124 "Hình thức giao dịch dân sự" của Bộ luật dân sự (Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/06/2005 và có hiệu lực từ ngày 1/01/2006) quy định "Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu được coi là giao dịch bằng văn bản". Bộ luật Dân sự đưa ra quy định cụ thể về các trường hợp giao kết, sửa đổi, thực hiện, hủy bỏ hợp đồng. Theo đó, thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết. Địa điểm giao kết hợp đồng dân sự do các bên thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận thì địa điểm giao kết hợp đồng dân sự là nơi cư trú của cá nhân hoặc trụ sở của pháp nhân đã đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng. Đây là những khái niệm quan trọng cần tính đến khi xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến giao kết và thực hiện hợp đồng trong môi trường điện tử.
Bên cạnh đó, Thông tư 09/2008/TT-BCT của Bộ Công thương về cung cấp thông tin và giao kết hợp đồng trên website thương mại điện tử cũng bước đầu thiết lập những nguyên tắc và chuẩn mực chung cho hoạt động của các website, phân định phạm vi trách nhiệm của mỗi bên trong giao dịch, nâng cao tính minh bạch của hình thức giao dịch thương mại điện tử, góp phần bảo vệ và cân bằng lợi ích giữa các bên tham gia, giảm bớt sự bất bình đẳng giữa khách hàng với doanh nghiệp trong quá trình giao kết hợp đồng. Thông tư 50/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán, quy định về nguyên tắc, thủ tục tổ chức giao
dịch điện tử trong hoạt động giao dịch chứng khoán trực tuyến, hoạt động trao đổi thông tin điện tử liên quan đến hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng, lưu ký chứng khoán, niêm yết chứng khoán; hoạt động quản lý công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán; hoạt động công bố thông tin và các hoạt động khác liên quan đến thị trường chứng khoán theo quy định tại Luật Chứng khoán.
2.2.1.6. Luật Đấu thầu (Điều 30)
Đấu thầu qua mạng được thực hiện trực tuyến thông qua hệ thống mạng. Việc đăng tải thông báo mời thầu, phát hành hồ sơ mời thầu, nộp hồ sơ dự thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu và thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu được thực hiện trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia do cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu xây dựng và thống nhất quản lý.
Đây là quy định mang tính nguyên tắc, làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện đấu thầu điện tử.
Như vậy, cho đến thời điểm này, văn bản pháp luật đóng vai trò nền tảng cho phát triển đấu thầu điện tử xét trên khía cạnh thương mại điện tử đã gần như đầy đủ (chỉ thiếu các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử, bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử và xử lý các tranh chấp trong thương mại điện tử). Tuy nhiên, hạ tầng công nghệ thông tin vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, trong đó quan trọng nhất là hạ tầng khóa công khai (PKI) bao gồm chữ ký số, chứng thực số. Một số cơ quan như Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương), Ngân hàng nhà nước,… đã tự phát triển hệ thống chữ ký số, chứng thực số áp dụng trong nội bộ ngành và ban hành các văn bản hướng dẫn như: Quy chế sử dụng chữ ký số của Bộ Thương mại (ban hành theo Quyết định số 25/2006/QĐ- BTM ngày 25/7/2006); Quy chế cấp phát, quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số, và dịch vụ chứng thực chữ ký số của Ngân hàng nhà nước (ban hành theo Quyết định số 04/2008/QĐ-NHNN ngày 21/02/2008).
Trong trường hợp hệ thống đấu thầu qua mạng sẽ đề cập đến sau đây được xây dựng xong mà hạ tầng khóa công khai chung vẫn chưa sẵn sàng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tự xây dựng hệ thống hạ tầng khóa công khai sử dụng trước cho mạng đấu thầu quốc gia, khi đó một Quy chế sử dụng chữ ký số, chứng thực số như của Bộ Thương mại và Ngân hàng Nhà nước ở trên là cần thiết.
Có thể bạn quan tâm!
- Luật Mẫu Của Uncitral Về Chữ Ký Điện Tử Năm 2001
- Quy Chế Chữ Ký Điện Tử Năm 2002 (Electronic Signature Regulation 2002)
- Hệ Thống Pháp Luật Về Đấu Thầu Điện Tử (Xét Trên Khía Cạnh Thương Mại Điện Tử) Và Thực Trạng Đấu Thầu Điện Tử Ở Việt Nam
- Một Số Kinh Nghiệm Của Hàn Quốc Và Philippin Trong Xây Dựng Hệ Thống Đấu Thầu Điện Tử
- Thách Thức Đối Với Việt Nam Khi Xây Dựng Hệ Thống Đấu Thầu Điện Tử
- Pháp luật về đấu thầu điện tử của một số nước, kinh nghiệm và khả năng áp dụng ở Việt Nam - 13
Xem toàn bộ 121 trang tài liệu này.
Qua những phân tích nêu trên, có thể thấy rằng, cũng giống như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đã sớm nhận ra sự cần thiết của việc ban hành khung pháp lý liên quan đến thương mại điện tử. Tính đến thời điểm này, hệ thống văn bản pháp luật đóng vai trò nền tảng cho phát triển thương mại điện tử nói chung và đấu thầu điện tử nói riêng về cơ bản đã được xây dựng tương đối đầy đủ (chỉ còn thiếu các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử, bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử và xử lý các tranh chấp trong thương mại điện tử). Vì vậy, để hệ thống đấu thầu điện tử có thể vận hành thuận lợi và đem lại một cách tối đa những lợi ích trên mọi phương diện đã đề cập ở trên, ngoài sự đáp ứng hạ tầng kỹ thuật về công nghệ thông tin, Việt Nam còn phải xây dựng khung pháp lý liên quan đến đấu thầu qua mạng. Đó là các văn bản: hướng dẫn thực hành đấu thầu qua mạng (có thể dưới hình thức Nghị định) làm cơ sở pháp lý để thực hiện các hoạt động đấu thầu qua mạng; văn bản hướng dẫn chi tiết về quy trình và ban hành biểu mẫu các nghiệp vụ đấu thầu qua mạng; văn bản về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; văn bản về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ - bí mật thương mại trong thương mại điện tử; văn bản về sử dụng chữ ký số, chứng thực số trong hoạt động đấu thầu qua mạng; văn bản liên quan đến giải quyết tranh chấp, xử phạt trong thương mại điện tử nói chung và đấu thầu qua mạng nói riêng. Trước mắt, trong giai đoạn hiện nay, khi thử nghiệm triển khai hệ thống đấu thầu qua mạng, một số khâu trong quá trình đấu thầu qua mạng đòi hỏi phải có sự thừa nhận về mặt pháp lý, mới đảm bảo được quyền lợi của các bên tham gia.
2.2.2. Thực trạng đấu thầu điện tử ở Việt Nam
Thực tế ở Việt Nam không phải tất cả các cuộc đấu thầu đều hiệu quả, các gói thầu thông qua thông tin đại chúng thường hiệu quả rất thấp. Điểm bất cập trong đấu thầu hiện nay chính là chi phí mua hồ sơ còn rất cao, thông tin đến với các nhà thầu chưa rõ ràng. Các tiêu chí thang điểm để đánh giá không được công khai, yêu cầu đối với các nhà thầu trong hồ sơ mời thầu quá cao so với yêu cầu cần thiết của gói thầu nên hạn chế các nhà thầu quy mô nhỏ tham gia...
Tuy nhiên, tại Việt Nam đã có không ít các nhà thầu đã từng làm quen, tham gia đấu thầu qua mạng, nhưng là ở các sàn giao dịch quốc tế. Đơn cử như trường hợp đấu thầu một hợp đồng xuất khẩu dệt may qua mạng diễn ra 40 phút giữa Công ty dệt Thành Công và hơn chục công ty khác từ khắp nơi trên thế giới.
Theo đánh giá, rút kinh nghiệm, sự tương đồng với mô hình đấu thầu truyền thống là sự chuẩn bị chiếm gần như tuyệt đại đa số khả năng thắng thầu, tuy nhiên, khác biệt là các nhà thầu phải tính toán lời lãi và đưa ra quyết định rất nhanh. Chẳng hạn, trong cuộc đua vỏn vẹn 40 phút nói trên, các công ty phải bỏ thầu trên 20 lần, bình quân gần 2 phút họ lại phải cân nhắc, tính toán cho ra một mức giá mới để "đấu" với đối thủ.
2.2.2.1. Cổng thông tin đấu thầu trực tuyến DG Market Việt Nam
Sau một thời gian triển khai thành công tại 11 nước khác nhau trên thế giới [49] như Ba Lan, Rumani, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ... và gần đây nhất là mô hình DgMarket tại Trung Quốc, dự án Cổng thông tin đấu thầu trực tuyến dgMarket đã được triển khai đầu tiên tại Việt Nam do Cổng Phát triển Việt Nam tiếp nhận. DgMarket Vietnam trực thuộc hệ thống Cổng đấu thầu toàn cầu DgMarket. Trong giai đoạn 1 của dự án, việc thử nghiệm sử dụng dịch vụ đã được thực hiện hoàn toàn miễn phí từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2007.
DgMarket Việt Nam là phiên bản đã được Việt hóa của DgMarket, là cổng đấu thầu trực tuyến có sự kết nối với kho dữ liệu thông tin đấu thầu
lớn nhất thế giới, cho phép các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tìm kiếm, tiếp cận và tham gia đấu thầu không chỉ ở trong nước mà cả các gói thầu quốc tế. Đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài tìm kiếm cơ hội tham gia đấu thầu ở Việt Nam một cách dễ dàng, nhanh chóng. DgMarket Vietnam khác với một website cung cấp thông tin đấu thầu thông thường bởi những tính năng nổi trội của nó. DgMarket Vietnam công bố thông tin đấu thầu, xét duyệt, chọn lựa nhà thầu, kết quả trúng thầu, hồ sơ thầu và các tài liệu khác; DgMarket Vietnam kết nối trực tiếp với DgMarket - kho dữ liệu thông tin đấu thầu lớn nhất thế giới và có khả năng kết nối với các hệ thống thông tin đấu thầu, mua sắm công và quản lý tài chính khác. Tính năng nổi trội của DgMarket Việt Nam còn thể hiện ở chỗ, sau khi đăng ký, người sử dụng sẽ nhận được các email cảnh báo theo nhu cầu và mục đích sử dụng. Đặc biệt, các thông báo mời thầu sẽ được tự động dịch ra 17 thứ tiếng [49], nhờ đó, việc tiếp cận các khu vực của các nhà cung cấp tiềm năng trên thế giới được thuận tiện hơn. Ngoài ra, DgMarket Việt Nam được dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại nên có tính ổn định, độ chính xác cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Chiến lược và chính sách của Chính phủ Việt Nam là thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và Internet vào các hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước. Đối với thông tin đấu thầu, để tránh tình trạng khép kín và tiêu cực trong hoạt động đấu thầu, Chính phủ Việt Nam đã quy định: ngoài đăng tải thông tin trên các phương tiện truyền thông, thông tin phải được công khai trên Internet. Việc ra đời của DgMarket Vietnam cũng là góp phần vào việc công khai, minh bạch hóa các thông tin đấu thầu, giảm sự mập mờ trong quản lý, hạn chế tiêu cực.
"Hướng tới nhiều đối tượng khác nhau" - đó là mục tiêu lớn nhất mà những người làm Cổng Phát triển Việt Nam-VnDG đặt ra khi xây dựng và phát triển hệ thống.
2.2.2.2. Hệ thống mua sắm chính phủ điện tử thử nghiệm
Từ năm 2005, song song với tờ Thông tin đấu thầu, đấu thầu điện tử trong mua sắm công cũng bắt đầu hình thành trên cơ sở trang thông tin điện tử về đấu thầu tại địa chỉ http://dauthau.mpi.gov.vn với các nội dung thông tin được đăng tải như kế hoạch đấu thầu, thông báo mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu, tổ chức và cá nhân vi phạm bị xử lý.... Cơ quan quản lý website là Vụ Quản lý Đấu thầu, nay là Cục Quản lý Đấu thầu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đồng thời khuyến khích các chủ đầu tư, bên mời thầu đăng tải công khai thông tin, chuyển tin trực tuyến qua trang web này. Đây là những nền móng đầu tiên tiến tới đấu thầu qua mạng.
Tiếp đó, trên cơ sở kết quả sau nhiều năm nghiên cứu và học tập kinh nghiệm của nước ngoài thông qua nhiều hoạt động cụ thể như: cử cán bộ tham dự các hội thảo, diễn đàn quốc tế về đấu thầu điện tử; tổ chức các đoàn nghiên cứu và khảo sát về đấu thầu qua mạng tại nhiều nước trên thế giới như Hàn Quốc, Vương quốc Anh, Singgapore, Thái Lan, Philippines, Úc, Trung Quốc… và tổ chức các hội thảo quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm triển khai đấu thầu qua mạng, nắm bắt xu thế của việc cải cách hệ thống mua sắm công của hầu hết các quốc gia là triển khai đấu thầu điện tử, Cục Quản lý Đấu thầu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án Ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm chính phủ và dự kiến sẽ trình phê duyệt trong quý I/2010.
Ngoài ra, theo các báo cáo về kết quả nghiên cứu cho thấy, trong số các quốc gia đã triển khai đấu thầu qua mạng, nhiều nước đã thành công và gặt hái được thành tựu đáng kể như Hàn Quốc, Vương quốc Anh, Úc…Tuy nhiên, cũng có những nước đã phải tuyên bố thất bại do hệ thống được xây dựng không phù hợp với yêu cầu của người sử dụng như Niu-Di-Lân.
Căn cứ theo kết quả nghiên cứu, khảo sát, mô hình đấu thầu qua mạng của Hàn Quốc (KONEPS) được đánh giá là đầy đủ và thành công nhất thế
giới với nhiều ghi nhận của các tổ chức quốc tế như Liên hiệp quốc (UN), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng châu Á (ADB)… Minh chứng là năm 2003, KONEPS nhận giải thưởng cao nhất về dịch vụ công do UN bình chọn. Năm 2004, OECD trao giải Nhà cung cấp dịch vụ chính phủ điện tử tốt nhất cho KONEPS; năm 2006 là giải thưởng xuất sắc về công nghệ thông tin toàn cầu dành cho lĩnh vực công tại Hội nghị Công nghệ thông tin thế giới lần thứ 15 [43]. Trên cơ sở tiếp thu những thông tin về kinh nghiệm thành công cũng như thất bại này, việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ của hệ thống đã thành công như KONEPS là lựa chọn mang tính khả thi cao trong thời điểm hiện nay.
Xuất phát từ những lý do đó, Cục Quản lý Đấu thầu đã tiến hành hợp tác với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) để triển khai dự án xây dựng hệ thống mua sắm chính phủ điện tử thử nghiệm với mong muốn nâng cao chất lượng công tác đấu thầu, đảm bảo mục tiêu minh bạch, cạnh tranh, công bằng và hiệu quả trong mua sắm công.
Dự án xây dựng hệ thống mua sắm chính phủ điện tử thử nghiệm có mục tiêu là xây dựng hệ thống đấu thầu lõi (e-bidding) và vận hành thử nghiệm, là giai đoạn đầu của quá trình phát triển hệ thống toàn diện. Đây cũng là bước quyết định để có được hệ thống đấu thầu qua mạng hiệu quả ở Việt Nam.
Ngày 04/9/2009 vừa qua, sau 8 tháng triển khai, Cục Quản lý đấu thầu
- Bộ KH&ĐT và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã thực hiện bàn giao Hệ thống mua sắm chính phủ điện tử thử nghiệm (EPPS).
Hệ thống mua sắm chính phủ điện tử thử nghiệm (EPPS) được triển khai theo công nghệ của Hàn Quốc và được tối ưu hóa phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Trong giai đoạn thử nghiệm, EPPS sẽ phát triển hợp phần e-bidding (đấu thầu điện tử). Đây là hợp phần cốt lõi phục vụ cho công tác đấu thầu chuyên nghiệp, đảm bảo tối đa hiệu quả và tính minh bạch. Theo
đó, một loạt các quy trình đấu thầu truyền thống dựa trên giấy tờ sẽ được thay thế bằng quy trình tự động hóa trên máy tính như đăng tải thông báo mời thầu, hồ sơ mời thầu, nộp hồ sơ dự thầu, đăng tải kết quả đấu thầu, kiến nghị trong đấu thầu…
Thực hiện vai trò là cửa sổ duy nhất trong mua sắm công, nhà thầu chỉ với một lần đăng ký có thể tham gia được tất cả các gói thầu của bên mời thầu. Như vậy đồng nghĩa với việc tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và tránh được rủi ro trong quá trình đi mua hồ sơ mời thầu và nộp hồ sơ dự thầu. Một thực tế đang diễn ra là nhiều nhà thầu khá vất vả trong việc mua hồ sơ mời thầu mặc dù là đấu thầu rộng rãi. Một số bên mời thầu viện mọi lý do để từ chối bán hồ sơ mời thầu: hết hồ sơ, chưa kịp in, không có trong danh sách đăng ký trước nên không bán… Thậm chí còn xảy ra trường hợp đe dọa nhà thầu đến mua hồ sơ mời thầu ở khu vực bên ngoài địa điểm bán hồ sơ.
Một đặc điểm đáng lưu ý của EPPS là khả năng bảo mật cao. Dữ liệu chuyển tải trên hệ thống được đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính bảo mật nhờ áp dụng công nghệ chứng thực số (CA) cho phép mã hóa và giải mã dữ liệu sử dụng cặp khóa chung và khóa riêng (khóa bí mật). Bên mời thầu và nhà thầu khi tham gia vào hệ thống, bắt buộc phải đăng ký chứng thực số (CA) - khóa riêng. Khi đăng tải hồ sơ mời thầu, bên mời thầu cũng đồng thời cung cấp khóa chung cho nhà thầu. Nhà thầu lập hồ sơ dự thầu xong sẽ mã hóa hồ sơ dự thầu bằng khóa riêng được cấp ban đầu và ký bằng khóa chung - được cấp cùng với hồ sơ mời thầu do bên mời thầu tạo ra. Việc ký bằng khóa chung này cho phép bên mời thầu mở được hồ sơ dự thầu (giải mã các hồ sơ dự thầu) với khóa riêng phù hợp (nằm trong cặp khóa chung - khóa riêng của gói thầu đó).
Trong giai đoạn thử nghiệm EPPS sẽ triển khai 3 hình thức lựa chọn nhà thầu, bao gồm: đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế và chỉ định thầu áp dụng cho các gói thầu tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp và EPC, có bao gồm cả bước sơ tuyển.