Pháp luật về đấu thầu điện tử của một số nước, kinh nghiệm và khả năng áp dụng ở Việt Nam - 13

3.5. GIẢI PHÁP XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VỀ ĐẤU THẦU ĐIỆN TỬ Ở VIỆT NAM

Mặc dù đã tạo lập được hành lang pháp lý cho đấu thầu điện tử tương đối đầy đủ xét trên khía cạnh thương mại điện tử nhưng để hệ thống đấu thầu điện tử có thể vận hành hiệu quả thì ngoài những văn bản pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử nêu trên, Việt Nam còn cần ban hành một số văn bản pháp luật liên quan như: văn bản hướng dẫn thực hành đấu thầu mua sắm qua mạng làm cơ sở pháp lý để thực hiện các hoạt động đấu thầu điện tử; văn bản hướng dẫn chi tiết về quy trình và ban hành biểu mẫu các nghiệp vụ đấu thầu điện tử; văn bản về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; văn bản về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ - bí mật thương mại trong thương mại điện tử; văn bản về sử dụng chữ ký số, chứng thực số dùng cho hoạt động đấu thầu điện tử; bổ sung các văn bản về giải quyết tranh chấp, xử phạt liên qua đến thương mại điện tử nói chung và đấu thầu điện tử nói riêng...

3.5.1. Một số điểm cơ bản nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về đấu thầu điện tử

Để đạt được mục tiêu Đảng và Nhà nước đã đề ra trong Quyết định số 222/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với định hướng phát triển thương mại điện tử trong mua sắm chính phủ vào những năm tiếp theo và tiến tới xây dựng đồng bộ hệ thống pháp luật trong lĩnh vực đấu thầu điện tử, đảm bảo tuân thủ các chuẩn mực quốc tế và từng bước tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong mua sắm công, các yêu cầu đặt ra đối với hệ thống pháp luật về đấu thầu điện tử bao gồm các nội dung sau đây.

3.5.1.1. Đảm bảo tính an toàn và bảo mật thông tin

An ninh mạng và bảo mật đối với các thông tin trên mạng là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu đối với các chủ đầu tư và nhà thầu khi tham gia vào hệ thống đấu thầu điện tử. Việc xây dựng các quy định pháp luật trong đó có các chế tài cụ thể nhằm ngăn chặn sự truy nhập bất hợp pháp và bảo vệ

thông tin trên mạng là một yêu cầu cần thiết và cấp bách khi triển khai đấu thầu điện tử trong mua sắm công.

3.5.1.2. Tạo cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Sở hữu trí tuệ là một yếu tố quan trọng trong thương mại điện tử nói chung và đấu thầu điện tử nói riêng. Pháp luật với vai trò điều tiết hoạt động đấu thầu điện tử cần có các quy định thừa nhận việc bảo vệ sở hữu trí tuệ bởi lẽ các sản phẩm và các dịch vụ số hóa được truyền gửi trên Internet có thể bị sao chép, đánh cắp một cách dễ dàng. Đồng thời, pháp luật phải xây dựng cơ chế, chế tài xử phạt và giải quyết tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động đấu thầu điện tử.

3.5.1.3. Đảm bảo tính thống nhất của quy trình đấu thầu điện tử

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 121 trang tài liệu này.

Bản chất của đấu thầu điện tử là việc chuyển từ quy trình thực hiện mua sắm truyền thống sang thực hiện trên mạng internet, trong đó các nội dung chủ yếu của quy trình mua sắm không thay đổi, chỉ có khác về phương pháp thực hiện. Vì vậy, cần có văn bản pháp luật hướng dẫn về quy trình thống nhất để việc triển khai thực hiện đấu thầu điện tử được thông suốt và rõ ràng từ Trung ương đến địa phương.

3.5.1.4. Đơn giản hóa các quy định về thủ tục hành chính

Pháp luật về đấu thầu điện tử của một số nước, kinh nghiệm và khả năng áp dụng ở Việt Nam - 13

Xây dựng các quy định về phương thức quản lý nhà nước đối với các chủ thể tham gia vào quy trình đấu thầu điện tử (chủ đầu tư, nhà thầu…) trong đó cần thiết đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong quá trình tiếp xúc, làm việc giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với các chủ đầu tư, nhà thầu, quy định rõ ràng các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi bên để tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện.

3.5.2. Giải pháp thực hiện

Nhằm triển khai thực hiện các phương hướng và đạt được mục tiêu nêu trên, đòi hỏi Nhà nước, Hiệp hội nhà thầu và các nhà thầu (doanh nghiệp)

phải có các giải pháp và kế hoạch đồng bộ. Các nhóm giải pháp chủ yếu bao gồm các vấn đề sau đây.

3.5.2.1. Về phía Nhà nước

Một là, ban hành các quy định nhằm cụ thể hóa Luật Công nghệ thông tin, Luật thương mại điện tử... về an toàn, an ninh thông tin để tạo cơ sở triển khai hạ tầng khóa công khai (PKI).

Hai là, cụ thể hóa các quy định về loại tội phạm mạng (tội phạm tấn công trang web, các cơ sở dữ liệu và phát tán virus và tội phạm lợi dụng môi trường mạng để ăn cắp, tống tiền và tổ chức hoạt động phạm tội, như đánh bạc qua mạng, ăn cắp và làm giả thẻ tín dụng,…) trong Bộ luật Hình sự; hoàn thiện pháp luật về tố tụng để đấu tranh với loại tội phạm này thông qua việc xây dựng các văn bản dưới luật để kịp thời điều chỉnh các hành vi liên quan đến tội phạm mạng.

Ba là, xây dựng các quy định về điều kiện, về quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư và nhà thầu khi tham gia hệ thống đấu thầu điện tử; xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin về nhà thầu làm cơ sở cho việc thực hiện các hoạt động đấu thầu trên mạng.

Bốn là, cần có quy định hướng dẫn về quy trình thống nhất, ban hành các biểu mẫu nghiệp vụ để thực hiện hoạt động đấu thầu điện tử.

Năm là, xây dựng quy định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại trong hoạt động đấu thầu điện tử.

Sáu là, sớm ban hành quy định về chế tài giải quyết tranh chấp, xử phạt liên quan đến các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu thầu điện tử.

Bảy là, tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng của Nhà nước và Hiệp hội nhà thầu, phát huy vai trò của Hiệp hội vừa là cơ quan tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp vừa tham gia tích cực vào quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước về đấu thầu điện tử.

Tám là: thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, xây dựng cơ chế đào tạo, phối hợp đào tạo nhằm nâng cao nhận thức, trình độ cho cán bộ trực tiếp tham gia hoạt động đấu thầu điện tử.

Chín là: duy trì và phát triển hơn nữa mối quan hệ hợp tác quốc tế song phương với các nước có hệ thống đấu thầu điện tử phát triển và mối quan hệ hợp tác đa phương với các tổ chức kinh tế - thương mại quốc tế và khu vực như WTO, APEC, ASEAN, ASEM, các tổ chức chuyên trách về thương mại của Liên Hợp quốc như UNCTAD, UNCITRAL, UNCEFACT nhằm trao đổi thông tin và học hỏi kinh nghiệm xây dựng hệ thống đấu thầu điện tử và kinh nghiệm xây dựng hệ thống pháp luật.

Mười là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu điện tử, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc những hành vi trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh.

3.5.2.2. Về phía Hiệp hội nhà thầu

Một là, Hiệp hội nhà thầu với vai trò là trung tâm kết nối giữa các nhà thầu (doanh nghiệp) phải tạo được cơ chế phối kết hợp thường xuyên giữa Hiệp hội và các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp. Hiệp hội phải có sự kết nối với các Hiệp hội nhà thầu trên thế giới, tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, hội thảo đáp ứng nhu cầu của các thành viên Hiệp hội.

Hai là, ban hành các văn bản của Hiệp hội định hướng cho các nhà thầu (doanh nghiệp) trong việc triển khai thực hiện đấu thầu điện tử.

3.5.2.3. Về phía các chủ đầu tư và nhà thầu (doanh nghiệp)

Một là, đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin với lộ trình thích hợp để đáp ứng yêu cầu tham gia vào hệ thống đấu thầu điện tử.

Hai là, nâng cao nhận thức của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án về bản chất, vai trò và hình thức hoạt động của đấu thầu điện tử, đi đôi với việc nâng cao năng lực tài chính của doanh nghiệp.

Ba là, có chính sách đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực hợp lý, nhất là nguồn nhân lực trực tiếp tham gia vào hoạt động đấu thầu điện tử.


KẾT LUẬN CHƯƠNG 3


Sự phát triển của mô hình đấu thầu điện tử trong hoạt động mua sắm công đã làm thay đổi phương thức đấu thầu truyền thống và đem lại những lợi ích to lớn cho xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận tính hiện thực của những rủi ro gặp phải trong quá trình thực hiện các hoạt động đấu thầu trên mạng. Việc này đòi hỏi phải có các giải pháp không chỉ về mặt kỹ thuật mà còn cần phải hình thành được khung pháp lý đầy đủ để điều chỉnh hoạt động đấu thầu điện tử.

Từ kinh nghiệm thực tiễn của các nước trên thế giới, điển hình là hệ thống pháp luật về đấu thầu điện tử của Anh - một nước phát triển thuộc liên minh EU, hệ thống pháp luật về đấu thầu điện tử của Hàn Quốc, Philippin - những nước đã triển khai thành công hệ thống đấu thầu qua mạng, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển thương mại điện tử trong mua sắm chính phủ (đấu thầu điện tử). Trên thực tế, các định hướng và giải pháp đề ra đã đi đúng hướng, bước đầu tạo tiền đề cho việc triển khai đấu thầu điện tử ở Việt Nam.

Trong thời gian tới, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, việc hoàn thiện khung pháp lý đáp ứng yêu cầu vận hành của hệ thống đấu thầu điện tử, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động đấu thầu điện tử nhằm mang lại những lợi ích thiết thực đối với nền kinh tế là một trong những mục tiêu cần đặt lên hàng đầu.

Bên cạnh các giải pháp mang tính nhà nước, bản thân các chủ đầu tư và nhà thầu (doanh nghiệp) - những chủ thể tham gia trực tiếp vào hoạt động đấu thầu trực tuyến cũng phải xây dựng một kế hoạch, một lộ trình riêng để đảm bảo việc triển khai hệ thống được khả quan và phát huy hiệu quả.

KẾT LUẬN


Đấu thầu điện tử hay mua sắm chính phủ điện tử là một khái niệm không còn xa lạ với nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia phát triển. Xây dựng mô hình đấu thầu điện tử cũng như hệ thống pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho nó vận hành nhằm đem lại những lợi ích thiết thực cho nền kinh tế là mục tiêu không chỉ của các quốc gia phát triển mà cả những quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của đấu thầu điện tử trong việc cải cách mua sắm công và triển khai Chính phủ điện tử, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm xây dựng chiến lược, kế hoạch triển khai và cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật để tạo cơ sở cho việc xây dựng, thử nghiệm, tiến tới hoàn thiện và phát triển đấu thầu điện tử.

Cho đến thời điểm này, hệ thống hành lang pháp lý cho hoạt động đấu thầu điện tử đã định hình tương đối đầy đủ, xét trên khía cạnh thương mại điện tử. Nghiên cứu và tìm hiểu các quy định pháp luật nước ngoài về đấu thầu điện tử sẽ giúp Việt Nam rút ra các bài học kinh nghiệm, từ đó vận dụng vào điều kiện thực tế ở Việt Nam trong quá trình hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động đấu thầu điện tử. Theo đó, Việt Nam cần đảm bảo thống nhất các nguyên tắc sau trong các văn bản quy phạm pháp luật:

- Thừa nhận các thông điệp dữ liệu là hợp pháp;

- Đảm bảo tính tin cậy và toàn vẹn của thông tin trao đổi giữa các bên trong đấu thầu điện tử thông qua biện pháp mã hóa thông tin và sử dụng chữ ký số;

- Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong đấu thầu điện tử;

- Bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên tham gia đấu thầu điện tử;

- Xử lý tranh chấp và các vi phạm, tội phạm trong đấu thầu điện tử.

Để hoàn thành mục tiêu trên, đòi hỏi sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, đồng thời cần có sự quát triệt về chủ trương, đường lối và chỉ đạo thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất trong toàn quốc.

Trong giới hạn hiểu biết còn hạn chế của mình, tác giả đề tài mong muốn đóng góp một phần công sức của mình để tạo tiền đề cho những nghiên cứu tiếp theo sâu hơn, hoàn thiện hơn nữa, phục vụ cho hoạt động nghiên cứu và đưa ra các giải pháp đóng góp vào việc xây dựng hành lang pháp lý hoàn chỉnh cho hoạt động đấu thầu điện tử (mua sắm chính phủ điện tử).

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Bộ Công thương (2007), Một số điều ước đa phương thường được sử dụng trong thương mại quốc tế, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

2. Bộ Công thương (2008), Thông tư số 09/2008/TT-BCT ngày 21/7 về cung cấp thông tin và giao kết hợp đồng trên website thương mại điện tử, Hà Nội.

3. Bộ Tài chính (2009), Thông tư số 50/2009/TT-BTC ngày 16/3 hướng dẫn giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán, Hà Nội.

4. Chính phủ (2005), Quyết định số 222/2005/QĐ-TTg ngày 15/9 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2006 - 2010, Hà Nội.

5. Chính phủ (2006), Nghị định số 57/2006/NĐ-CP ngày 09/6 về thương mại điện tử, Hà Nội.

6. Chính phủ (2007), Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15/02 quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, Hà Nội.

7. Chính phủ (2007), Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23/02 về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính, Hà Nội.

8. Chính phủ (2007), Nghị định số 35/2007/NĐ-CP ngày 08/3 về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng, Hà Nội.

9. Chính phủ (2009), Nghị quyết số 21/NQ-CP về Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, Hà Nội.

10. Nguyễn Bá Diến (2003), Giáo trình tư pháp quốc tế, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

11. Nguyễn Bá Diến (2006), Giáo trình Luật Thương mại quốc tế, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 30/11/2023