Phân tích và định giá cổ phiếu của các công ty tăng trưởng niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam - 2


Vì vậy, em đã chọn đề tài "Phân tích và định giá cổ phiếu của các công ty tăng trưởng niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam" làm đề tài nghiên cứu cho khóa luận của mình.

2. Mục đích nghiên cứu

Mục đích nghiên cứu của khoá luận là nhằm tổng hợp các mô hình định giá cổ phiếu tăng trưởng, để từ đó lựa chọn mô hình phù hợp nhất với từng loại hình công ty tăng trưởng. Đồng thời nêu lên những khó khăn trong phân tích và định giá cổ phiếu tăng trưởng trên thị trường chứng khoán Việt Nam để từ đó đưa ra những giải pháp, kiến nghị giúp cho việc phân tích, định giá chính xác và thuận lợi hơn; giúp cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như các ngân hàng có những quyết định đúng đắn nhất cho mục đích sử dụng vốn và huy động vốn, đầu tư hay cho vay.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng của khoán luận là các cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Phạm vi nghiên cứu của khoá luận xin phép tập trung vào giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2009 để từ đó định giá cổ phiếu tăng trưởng vào thời điểm tháng 4/2010; và khóa luận cũng xin phép được tập trung vào cổ phiếu của doanh nghiệp tăng trưởng nhanh - một trong sáu loại doanh nghiệp tăng trưởng: doanh nghiệp tăng trưởng chậm, doanh nghiệp vững mạnh, doanh nghiệp tăng trưởng nhanh, doanh nghiệp phát triển theo chu kỳ, doanh nghiệp đang trên đường đi xuống và doanh nghiệp có tài sản ngầm.

4. Phương pháp nghiên cứu

Khoá luận sử dụng các phương pháp nghiên cứu như mô tả, phân tích, thống kê, tổng hợp và đưa ra các ví dụ thực tế, từ đó làm sáng tỏ nội dung cần nghiên cứu.


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 119 trang tài liệu này.

5. Bố cục của đề tài

Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung của khóa luận được bố cục trên ba chương:

Phân tích và định giá cổ phiếu của các công ty tăng trưởng niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam - 2

Chương I: Khái quát chung về phân tích và định giá cổ phiếu tăng trưởng

Chương II: Phân tích và định giá cổ phiếu tăng trưởng niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Chương III: Kiến nghị một số giải pháp để nâng cao khả năng phân tích và định giá cổ phiếu tăng trưởng

Do những hạn chế về trình độ, thời gian nghiên cứu và kinh nghiệm thực tế nên khoá luận không tránh khỏi những thiếu sót. Em kính mong được sự chỉ dẫn, góp ý của các thầy, cô giáo.

Cuối cùng em xin đặc biệt cảm ơn PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - người đã tận tình hướng dẫn và giúp đỡ em hoàn thành khoá luận này. Em cũng xin gửi lời cảm ơn tới các thầy giáo, cô giáo giảng dạy tại trường Đại học Ngoại Thương, đặc biệt là các thầy giáo, cô giáo giảng dạy tại Khoa Tài Chính Ngân Hàng – trường Đại học Ngoại Thương đã trang bị cho em những kiến thức nền tảng để em có thể tiếp cận và nghiên cứu đề tài này.


CHƯƠNG I: KHÁI QUÁT CHUNG VỀ PHÂN TÍCH VÀ ĐỊNH GIÁ CỔ PHIẾU TĂNG TRƯỞNG‌‌


I. KHÁI QUÁT VỀ CÔNG TY TĂNG TRƯỞNG

1. Phân loại các công ty trên thị trường chứng khoán theo tốc độ tăng trưởng

Trong hoạt động phân tích và định giá cổ phiếu, có rất nhiều cách phân loại khác nhau, mỗi nhà phân tích và định giá cổ phiếu lại có một cách phân loại cho riêng mình. Đối với các nhà phân tích và định giá cổ phiếu tăng trưởng thì việc phân loại doanh nghiệp chủ yếu dựa vào tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp. Theo cách thức phân loại này, ta có thể phân loại các doanh nghiệp thành các nhóm sau:

1.1. Những doanh nghiệp tăng trưởng chậm


Thông thường thì người ta nghĩ rằng những công ty lớn, nổi tiếng và chiếm nhiều thị phần sẽ tăng trưởng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của tổng sản phẩm quốc dân. Nhưng thực tế thì không phải như vậy. Những công ty này ban đầu tăng trưởng rất nhanh nhưng sau một thời gian chúng sẽ tăng trưởng chậm lại và trở nên trì trệ hơn bởi một trong hai lý do: hoặc là chúng đã phát triển đến mức giới hạn, hoặc là chúng không còn năng động để nắm lấy các cơ hội. Bộ máy của các công ty này thường quá cồng kềnh và vận hành không hiệu quả, ban quản lý thiếu sự năng động, kém thích nghi với sự thay đổi của môi trường kinh doanh. Những công ty này thường hoạt động trong những ngành không tăng trưởng hoặc tăng trưởng chậm. Hoặc là hoạt động trong ngành có tốc độ tăng trưởng khá nhưng lại đang xuất hiện nhiều công ty cạnh tranh xuất hiện trên thị trường với


những thế mạnh riêng và sự năng động đang dần chiếm lĩnh thị phần của các công ty đi trước.

1.2. Những doanh nghiệp vững mạnh


Đây là những doanh nghiệp có quy mô lớn, có thương hiệu nổi tiếng và đang đạt được tốc độ tăng trưởng khá nhờ ban quản trị năng động, hoạt động kinh doanh hiệu quả. Mặc dù những doanh nghiệp này không phải là những công ty có tốc độ tăng trưởng cao nhưng họ tăng trưởng nhanh hơn những doanh nghiệp tăng trưởng chậm.

Thông thường trong danh mục đầu tư của các nhà đầu tư lớn thường có cổ phiếu của các doanh nghiệp này nhờ tính thanh khoản cao và nó là công cụ bảo vệ tốt nhất trong những thời điểm khủng hoảng ngắn hạn hoặc khó khăn. Phần lớn những doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng hoặc những sản phẩm thiết yếu. Nhu cầu về những sản phẩm này không suy giảm hoặc là giảm rất ít trong thời kỳ nền kinh tế gặp khó khăn. Tuy nhiên khi nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao thì những lĩnh vực này cũng chỉ tăng trưởng với tốc độ ở mức trung bình.

1.3. Những doanh nghiệp tăng trưởng nhanh


Đây thường là những doanh nghiệp mới, quy mô nhỏ và rất năng động, thường đạt được tốc độ tăng trưởng cao, tùy tình hình kinh tế mà dao động trong khoảng từ 25 đến 50% một năm; trong điều kiện kinh tế suy thoái thì tỷ lệ nỳ từ 15 đến 30%. Nếu nhà đầu tư có sự lựa chọn sáng suốt thì đây là những doanh nghiệp có tiềm năng tăng giá cổ phiếu rất lớn.

Một doanh nghiệp tăng trưởng nhanh mặc dù phần lớn là hoạt động trong những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp không nằm trong một lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao mà vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh. Có thể các doanh nghiệp này chỉ


cần một phân khúc thị trường nhỏ trong các ngành công nghiệp chậm phát triển là cũng có thể đạt được tốc độ tăng trưởng cao. Họ là những doanh nghiệp rất năng động và hiệu quả, có lợi thế cạnh tranh cao nên lôi kéo thành công khách hàng của các doanh nghiệp khác.

Tuy nhiên cũng tồn tại một số rủi ro đối với các doanh nghiệp phát triển quá nóng này, nhất là khi những doanh nghiệp non trẻ, đầu tư quá mức trong khi không đủ tiềm lực tài chính. Hơn nữa các nhà đầu tư chuyên nghiệp thường không thích những công ty phát triển nhanh nhưng không còn đủ sức để duy trì tốc độ tăng trưởng cao và có nguy cơ tăng trưởng chậm. Khi điều này xảy ra thì giá cổ phiếu của doanh nghiệp đó sẽ giảm rất nhanh.

1.4. Những doanh nghiệp phát triển theo chu kỳ


Doanh nghiệp phát triển theo chu kỳ là những doanh nghiệp mà việc tăng hay giảm trong doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp tuân theo những quy luật ổn định, các nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể dự báo được điều này. Trong một ngành tăng trưởng thì hoạt động kinh doanh sẽ liên tục mở rộng, nhưng trong một ngành công nghiệp tuần hoàn thì nó sẽ mở rộng rồi thu hẹp, sau đó lại mở rộng.

Những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như sản xuất ô tô, xây dựng, sản xuất thép, hoá chất… là những doanh nghiệp phát triển có tính chu kỳ. Khi nền kinh tế thoát khỏi khó khăn, các công ty này thường hoạt động rất tốt, giá cổ phiếu của chúng có xu hướng tăng nhanh hơn giá cổ phiếu của các công ty tăng trưởng vững mạnh. Nhưng nếu nhà đầu tư lựa chọn sai thời điểm trong chu kỳ tuần hoàn để mua cổ phiếu thì họ sẽ gặp phải nguy cơ giảm giá cổ phiếu rất lớn.


Cổ phiếu phát triển theo chu kỳ rất dễ tạo ra sự nhầm lẫn cho nhà đầu tư. Nếu nhà đầu tư không thận trọng sẽ tưởng đây là loại cổ phiếu an toàn và dễ dàng đầu tư vào đó. Bởi vì hầu hết những doanh nghiệp này đều rất lớn mạnh và danh tiếng, vì vậy nhà đầu tư thường xếp chúng vào nhóm những công ty vững mạnh.

1.5. Những doanh nghiệp đang trên đường đi xuống


Những doanh nghiệp thuộc danh mục này có chung nhiều đặc điểm như hoạt động không hiệu quả, quản lý kém, trì trệ, có thể có nhiều bê bối… Đây không phải là những doanh nghiệp tăng trưởng chậm mà chúng là những doanh nghiệp không hề tăng trưởng. Những doanh nghiệp này khó mà phục hồi sau những khó khăn như những doanh nghiệp phát triển theo chu kỳ và thường phải đối mặt với những rủi ro tiềm tàng.

1.6. Những doanh nghiệp có tài sản ngầm


Đây là những doanh nghiệp sở hữu tài sản nào đó rất giá trị nhưng trong báo cáo tài chính có thể chưa phản ánh hoặc phản ánh không đúng giá trị tài sản này và phần lớn các nhà đầu tư không biết đến. Trong việc phát hiện cơ hội đầu tư vào những doanh nghiệp này thì những thông tin nội bộ là lợi thế lớn nhất.

Tài sản ngầm có thể biểu hiện dưới dạng bất động sản, kim loại, dầu mỏ, các loại thuốc được cấp bằng phát minh sáng chế… Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp Nhà nước khi cổ phần hoá, sở hữu rất nhiều bất động sản giá trị, nhưng do chế độ kế toán hiện hành chưa bắt buộc phải phản ánh giá trị quyền sử dụng đất vào bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp nên có nhiều bất động sản có giá trị lớn không được đưa vào bảng cân đối kế toán. Có nhiều nhà đầu tư nhanh nhạy biết được


trước các nhà đầu tư khác và họ đã thu được những khoản lợi nhuận rất lớn từ khoản đầu tư của mình.

2. Khái niệm công ty tăng trưởng

Công ty tăng trưởng mà sinh viên muốn đề cập trong luận văn này chính là các công ty tăng trưởng nhanh, tức là những công ty được nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có lợi nhuận sẽ tăng trưởng nhanh và bền vững trong tương lai để có thể nâng cao giá trị của công ty đó so với giá trị hiện tại đang được thị trường đánh giá. Vì vậy khi nhà đầu tư đầu tư vào cổ phiếu của các công ty này theo giá hiện tại sẽ kỳ vọng thu được lợi nhuận trong tương lai vì họ kỳ vọng rằng trong tương lai giá trị của các công ty đó sẽ được nâng lên và do đó thị trường sẽ đánh giá giá trị của công ty đó cao hơn mức giá hiện tại.

3. Các đặc điểm của công ty tăng trưởng

Trong thực tế thì các công ty tăng trưởng nhanh rất đa dạng, chúng có đặc điểm chung là có tiềm năng tăng trưởng lớn, song về các yếu tố khác thì chúng không hẳn là theo một khuôn mẫu nhất định nào. Tuy nhiên phần lớn trong số đó sẽ hội tụ những đặc điểm chính sau:

3.1. Ngành nghề kinh doanh

Các công ty tăng trưởng nhanh hoặc là hoạt động trong một ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh, hoặc là phát hiện và khai thác có hiệu quả một phân khúc thị trường còn bị bỏ ngỏ trong một ngành tăng trưởng chậm, hay có khả năng đưa ra những sản phẩm mới có lợi thế cạnh tranh vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh trong ngành.

- Ngành nghề kinh doanh có tốc độ tăng trưởng cao: sẽ có những nhiều doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao. Các doanh nghiệp này không cần có lợi thế cạnh tranh vượt trội và hiệu quả kinh doanh ở vị trí


dẫn đầu mà có thể chỉcần hoạt động ở mức trung bình và giữ được thị phần của mình trong một ngành tăng trưởng cao thì cũng đã có thể đạt được thành tích tăng trưởng cao. Tuy nhiên nếu nhà đầu tư dự báo không tốt và đầu tư vào những doanh nghiệp này vào thời điểm ngành tăng trưởng này sắp bão hoà tức là thời điểm cuối của chu kỳ tăng trưởng của ngành thì mức giá mà nhà đầu tư đã bỏ ra để mua cổ phiếu của các công ty này trước đây với kỳ vọng sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian dài thì nhà đầu tư có thể bị thua lỗ lớn. Hơn nữa những doanh nghiệp có thành tích hoạt động trung bình trong một ngành tăng trưởng nhanh có thể dễ bị tổn thương trong trường hợp ngành kinh doanh đó diễn biến không thuận lợi. Đối với nhà đầu tư không có nhiều kinh nghiệm và khả năng dự báo còn hạn chế thì chỉ nên đầu tư khi phát hiện được doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh và hiệu quả dẫn đầu ngành, hoạt động kinh doanh trong một ngành không phát triển theo chu kỳ (hoặc tính chu kỳ ở mức thấp) với mức giá hợp lý.

- Ngành có tốc độ tăng trưởng ở mức trung bình thậm chí là không tăng trưởng: Các công ty tăng trưởng hoạt động trong các ngành có thể là một doanh nghiệp năng động, đã xác định được một khoảng trống của thị trường hay là một phân khúc thị trường nào đó chưa được khai thác, và các công ty này thiết kế được những sản phẩm hay dịch vụ đáp ứng tốt, có hiệu quả phân khúc thị trường đó, điều đó sẽ mang lại sự tăng trưởng nhanh cho các công ty đó. Hoặc là những công ty đưa ra được những sản phẩm hay dịch vụ mới, có lợi thế vượ trội so với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh, do đó họ chiếm được thị phần của đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, để duy trì được tốc độ tăng trưởng cao thì các công ty này phải thường xuyên nghiên cứu và đưa ra được những sản phẩm mới có lợi thế vượt trội, vì các sản phẩm mới có thể bị đối thủ cạnh tranh sao chép rất nhanh.

Xem tất cả 119 trang.

Ngày đăng: 15/05/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí