Những Đánh Giá, Nghiên Cứu Khái Quát Về Thân Thế Và Sự Nghiệp Phan Khôi


phẩy, cái ngoặc đơn ngoặc kép, những chỗ trống bị kiểm duyệt hay những chữ bị đục đi, bị rách nát... đều được ghi chú cẩn thận (...) Lại Nguyên Ân đã phục chế chuyên nghiệp cả một lâu đài trí tuệ bị hoang phế (....) mở lại một mỏ tri thức để ta khai thác” [121, tr 3]. Cách làm này được Lại Nguyễn Ân thổ lộ là sẽ vừa thuận lợi hơn cho việc bổ sung những tư liệu tìm thấy muộn sau này, vừa thuận tiện cho việc chuẩn bị một tuyển tập Phan Khôi trong tương lai” [3, tr 6].

Ngoài ra, qua quá trình sưu tập Lại Nguyên Ân nhận thấy một trong những nội dung được Phan Khôi rất quan tâm trong các bài viết của mình là vấn đề nữ quyền nên đã lược tuyển thành một bộ sưu tập riêng về Phan Khôi vấn đề phụ nữ ở nước ta (Nhà xuất bản Tri thức ấn hành năm 2017), gồm những bài viết của Phan Khôi về đề tài phụ nữ trong suốt những năm làm báo (đặc biệt là giai đoạn viết cho Phụ nữ tân văn¸Phụ nữ thời đàm).

Bên cạnh đó, năm 2009, trước tình hình 32 số báo Sông Hương lưu trữ với gần 80 năm trôi qua gần như hỏng nặng, giấy giòn dễ gẩy, mủn, nhiều trang bị rách và mất chữ, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây tổ chức xuất bản thành sách bộ sưu tập đầy đủ Sông Hương tuần báo ra ngày thứ Bảy do Phan Khôi làm chủ nhiệm, nhằm bảo tồn một tư liệu trở nên rất hiếm này để phục vụ cho nghiên cứu lịch sử văn hoá, lịch sử báo chí và văn học Việt Nam.

Như vậy, cho đến thời điểm hiện nay tình hình văn bản của Phan Khôi, đặc biệt là những tác phẩm đăng báo đã được sưu tập, phục chế tương đối đầy đủ. Song, vẫn còn một số bài viết, tác phẩm thơ, truyện ngắn của Phan Khôi, đặc biệt những sáng tác vào những năm từ 1956 đến 1959 chưa được công bố thành ấn phẩm độc lập, hệ thống mà chỉ xuất hiện rải rác trong các đề cập, các công trình của các con ông như Phan Thị Mỹ Khanh, Phan Nam Sinh, Phan An Sa, của nhà nghiên cứu Vu Gia, Hoàng Văn Chí... Trong quá trình triển


khai thực hiện vấn đề nghiên cứu, luận án chỉ tiếp nhận và khảo sát tư liệu ở các ấn phẩm của Phan Khôi đã được sưu tập, xuất bản độc lập.

1.2. Phan Khôi trong các bài nghiên cứu, đánh giá

1.2.1. Những đánh giá, nghiên cứu khái quát về thân thế và sự nghiệp Phan Khôi

Như đã đề cập trước đó, là một hiện tượng của báo chí, văn học Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, song trước thời cuộc nhiều biến động, một thời gian dài Phan Khôi gần như bị lãng quên. Chính vì thế những nghiên cứu về Phan Khôi đa phần là những bài viết nhỏ, lẻ và chưa mang tính hệ thống.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 179 trang tài liệu này.

* Tình hình nghiên cứu về Phan Khôi ở nước ngoài

Mặc dù chưa tìm được tài liệu nước ngoài nào qui mô và có tính hệ thống nghiên cứu về Phan Khôi nhưng theo thông tin của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, khi thực hiện bộ sưu tập các tác phẩm báo chí của Phan Khôi ông đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của những cộng sự người Việt ở nước ngoài. Bên cạnh đó cũng đã có một số nghiên cứu của tác giả Việt Nam ở nước ngoài công bố trên các trang website cá nhân.

Phan Khôi với quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - 3

Đặc biệt, chúng tôi cũng tìm thấy nhận định của một nhà nghiên cứu người Anh William J. Duiker về Phan Khôi trong cuốn Historical Dictionary of Vietnam (Từ điển lịch sử Việt Nam), The Scare-crow Press, Inc. Metuchen,

N.J & London, 1989, p.146 (Vu Gia đã dẫn vào trong cuốn Phan Khôi – tiếng Việt, báo chí và thơ mới) đề cao những đóng góp của Phan Khôi trên nhiều phương diện: “Được giáo dục theo truyền thống Nho giáo, nhưng cuộc đời hoạt động của Phan Khôi đã hiến dâng sự uyên bác cho đời và báo chí, trở thành một nhà phê bình và nhà phê bình văn hóa... Phan Khôi đã đóng góp quan trọng trong việc phát triển chữ quốc ngữ như là một ngôn ngữ tiện lợi của nước nhà” [36, tr 102].


Và đặc biệt tên tuổi Phan Khôi đã được nhắc đến trong chương trình phát thanh tiếng Việt của đài Radio France Internationale (RFI), cụ thể như:

- Chương trình phát thanh ngày 15-12-1996: Tạ Trọng Hiệp nói về Phan Khôi - người xa lạ.

- Chương trình phát thanh ngày 22-12-1996: Tạ Trọng Hiệp so sánh Phan Khôi và Lỗ Tấn

- Chương trình phát thanh ngày 29-12-1996: Tạ Trọng Hiệp nói về thân thế Phan Khôi và thời đại vùi dập của người trí thức.

- Chương trình phát thanh ngày 05-01-1997: Thụy Khuê giới thiệu những nét chính trong tư tưởng Phan Khôi và vĩnh biệt Tạ Trọng Hiệp.

- Chương trình phát thanh ngày 06-08-2005: Nói chuyện với nhà phê bình Lại Nguyên Ân về hoạt động báo chí của Phan Khôi tại Nam Kỳ.

- Chương trình phát thanh ngày 13-08-2005: Nói chuyện với nhà phê bình Lại Nguyên Ân về hoạt động của Phan Khôi trên các báo Thần chung, Phụ nữ tân văn Trung lập.

- Chương trình phát thanh ngày 15-12-2007: Nói chuyện với Lại Nguyên Ân về sự nghiệp của Phan Khôi.

- Chương trình phát thanh ngày 22-12-2007: Lại Nguyên Ân nói về hoạt động văn hóa của Phan Khôi.

Qua các buổi trò chuyện này, những ý kiến, nhận định của Lại Nguyên Ân là đáng chú ý hơn cả. Bên cạnh việc tổng kết các chặng đường làm báo, tham gia dịch thuật, viết văn của Phan Khôi, Lại Nguyên Ân chủ yếu đề cập đến những cuộc tranh luận văn học mà Phan Khôi đã khai ngòi trong những năm 1929-1930 trên các tờ báo trên ở Nam Kỳ. Khi hoạt động ở các tờ báo này, Phan Khôi đã có những bài viết bàn về vấn đề Khổng giáo có còn thích dụng cho Việt Nam hay không? Hoặc đưa ra tranh luận sôi nổi về việc có nên viết sách giáo khoa cho trẻ em Nam Kỳ không. Kéo theo đó là việc đặt vấn đề


nên chăng có hai thứ tiếng Việt... Đặc biệt, Lại Nguyên Ân đã nhận xét rằng: “...Thời gian hoạt động sung sức nhất của ngòi bút Phan Khôi là từ khoảng 1928 đến 1936 (...) Ông là một trong những tác gia rất đáng kể trong lịch sử báo chí, trong lịch sử tư tưởng cũng như trong lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ XX, một tác gia mà các di sản, do nhiều lí do khác nhau về thời sự chính trị, cho đến những lý do về khả năng tư liệu, thì gần như là trở nên một người xa lạ trong con mắt của thế hệ hậu thế...” [133]

Ngoài ra, tại địa chỉ website http://thuykhue.free.fr Thụy Khuê đã dành một chương rất quan trọng trong Hồ sơ Nhân văn giai phẩm cho trường hợp Phan Khôi. Nhà báo Thuỵ Khuê đã tập hợp nhiều nhận xét, đánh giá về Phan Khôi, nêu lại lịch sử hoạt động báo chí và học thuật của Phan Khôi, và đi đến khẳng định “Phan Khôi là khuôn mặt học giả phản biện duy nhất của Việt Nam trong thế kỷ XX” [208].

Tạp chí Hợp lưu số 33 tháng 2 & 3 năm 1997 của người Việt ở Mỹ đã dành một chuyên đề về Phan Khôi tập hợp những bài viết về con người và tác phẩm Phan Khôi, của các tác giả như Thanh Lãng, Tạ Trọng Hiệp, Nguyễn Hưng Quốc, Phùng Bảo Thạch, Phan Cừ, Phan An, Vũ Ngọc Phan, đồng thời giới thiệu những trước tác của Phan Khôi. Đa phần những ý kiến này đều điểm qua quá trình hoạt động học thuật của Phan Khôi và đánh giá cao vị trí của Phan Khôi trong lĩnh vực báo chí, văn học và cả văn hóa. Đây là thành quả của nhiều nhà văn, nhà biên khảo, và đã giúp độc giả phần nào hình dung được sự nghiệp đồ sộ và đa dạng của Phan Khôi từng bị chìm khuất một cách đáng tiếc. Mục đích đó đã được nói rõ trong thư toà soạn là nhằm để các thế hệ sau này có dịp đọc và học hỏi một tấm gương, một ngòi bút suốt đời sống ngay thẳng, mạnh mẽ và luôn luôn cầu tiến, cập nhật cái mới.


Ngoài ra, Đỗ Ngọc Thạch trên Việt văn mới, địa chỉ website http://newvietart.com năm 2010 cũng có bài giới thiệu khá đầy đủ cuộc đời và sự nghiệp làm báo, tranh luận học thuật của Phan Khôi.

* Tình hình nghiên cứu về Phan Khôi ở trong nước

Ở miền Nam, Phan Khôi là một cây bút được giới nghiên cứu rất quan tâm. Năm 1960 trong buổi lễ truy niệm Phan Khôi tại Sài Gòn, Nguyễn Vỹ đã có bài phát biểu khá đầy đủ về thân thế và sự nghiệp của ông, với những nhận xét: với vị trí độc đáo trong văn học sử Việt Nam (...); có lối viết văn giản dị, tự nhiên, thường hay trào lộng, duyên dáng, Phan Khôi nói thẳng thắn những điều cụ nghĩ, viết thẳng thắn những lời cụ nói, (...); thơ của Phan Khôi ít nhưng cô đọng..., cách diễn tả ý tứ thơ mới ở chỗ là sâu sắc (...); là nhà văn chân chính, có tài năng quán xuyến và học thức uyên thâm, tự thấy mình có một sứ mạng cao cả đối với dân tộc” [201, tr 60-66].

Năm 1969, trên Văn học, số 86, nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của Phan Khôi, Hoàng Châu Thịnh đã có một tiểu luận nhận định rằng: “bóng hình Phan Khôi đã xuất hiện sừng sững, trang trọng, khuất lấp nhiều bộ mặt trong quá trình báo chí Việt Nam từ 1932 đến 1935 [178, tr 76]. Ở phần tổng kết, Hoàng Châu Thịnh nhấn mạnh vai trò của Phan Khôi trong việc làm cho xã hội văn minh, tiến bộ.

Ở miền Bắc, từ năm 1936, trả lời phỏng vấn trên Hà Nội báo, số 10, Phan Thị Nga đã đánh giá rất cao Phan Khôi về ý thức tự trang bị cho mình vốn tiếng Pháp và cách thức tiếp cận lý giải vấn đề rành mạch, khoa học. Bà cho rằng Phan Khôi có cuộc tình duyên với cô luận lý (logique).

Song, phải từ những năm cuối thế kỷ XX mới liên tục xuất hiện các bài viết về Phan Khôi.

Từ góc nhìn gia đình, Phan Thị Mỹ Khanh – con gái Phan Khôi trong hồi ký Nhớ cha tôi, Phan Khôi (xuất bản năm 2001) đã phần nào phác họa


chân dung một trí thức nho học nhưng không mặn mà với những lý thuyết giáo điều của Nho giáo nên đã quyết định đi theo con đường “duy tân”. Theo hồi ức của người con gái, Phan Khôi là người tự học bền bỉ và nhờ đó ông thành người bắt kịp xu thế hiện đại lúc bấy giờ. Khi nhận thức cần phải thay đổi, ông không ngại học cùng với những người trẻ hơn, học ngay cả khi ngồi tù, và khi đã có tên tuổi trong làng báo vẫn không ngừng học hỏi…

Và gần đây, năm 2013, con trai của Phan Khôi – Phan An Sa đã cho ra mắt một cuốn sách Nắng được thì cứ nắng, Phan Khôi từ Sông Hương đến nhân văn viết về cuộc đời của cha mình (từ vai trò chủ nhiệm tuần báo Sông Hương đến vai trò chủ nhiệm tuần báo Nhân văn, rồi đi vào văn học sử Việt Nam dân chủ Cộng hòa với tư cách một trong số những tác gia trọng yếu của phong trào Nhân văn – Giai phẩm) đã làm sáng tỏ nhiều khuất lấp, chưa được nhắc đến trong cuộc đời học giả - nhà báo, nhà văn Phan Khôi. Đúng như Lại Nguyên Ân đã viết (trong lời giới thiệu cuốn sách), đây là một tài liệu đáng tin cậy, là dịp tốt để nhắc lại và kích thích việc tìm hiểu sâu hơn, hệ thống hơn về di sản tinh thần, trí tuệ Phan Khôi – một trong những đại diện ưu tú của trí thức Việt Nam thế kỷ XX. Cuốn sách này của Phan An Sa giúp chúng ta phần nào hiểu rõ hơn vai trò quan trọng của Phan Khôi trên lĩnh vực báo chí, văn học, văn hóa tư tưởng Việt Nam suốt các giai đoạn 1900-1930, 1930-1945, 1945-1954, 1954-1960.

Ngoài ra, các báo điện tử, các trang web cá nhân của một số nhà nghiên cứu cũng đã có những nhận định và đánh giá về vai trò Phan Khôi trên phương diện báo chí như bài viết “Những nhà báo tiên phong trên báo chí tiếng Việt” của Đỗ Ngọc Yên trên trang Văn học quê nhà, mục Văn chương và dư luận (ngày 20.6.2014) cũng đã khẳng định rằng: “Phan Khôi là một trong những bậc thầy của thể báo chí chính luận về văn hóa, văn nghệ (...). Tính hài hước kết hợp với một tư duy phê phán sắc sảo, đã tạo ra một phong


cách chính luận mang dấu ấn thật sự đậm nét Phan Khôi. Châm biếm giễu nhại mà không kém phần sắc sảo và thâm thúy, đấy là văn phong bút chiến của Phan Khôi. Với hàng trăm bài báo phê phán những thói hư, tật xấu của con người, những bất công trong xã hội thực dân phong kiến... đã đưa ông lên vị trí hàng đầu trong việc phát triển thể loại văn châm biếm, trào phúng trong nền văn học cũng như báo chí nước nhà những năm đầu thế kỷ” [212].

Tháng 5 năm 2015 đã có một luận án tiến sĩ nghiên cứu về Những đóng góp của Phan Khôi đối với báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX của Phạm Thị Thành (thực hiện tại Học viện Báo chí tuyên truyền), cũng đã đưa ra những tổng kết, đánh giá về vai trò của Phan Khôi đối với sự phát triển của báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX, cụ thể là đóng góp đối với phát triển tiếng Việt trong báo chí và phát triển thể loại tác phẩm báo chí, kỹ năng làm báo. Đây cũng là một tài liệu giúp chúng tôi có cái nhìn toàn diện, đầy đủ hơn về những đóng góp của Phan Khôi trên phương diện báo chí.

Gần đây nhất, năm 2017, Ngô Quang Huy một nhà khoa học cùng quê với Phan Khôi đã cho ra mắt bộ sách gồm 2 tập Tác phẩm Phan Khôi, đọc và suy ngẫm đã đưa ra những suy ngẫm, nhận định của mình khi đọc tác phẩm Phan Khôi, đặc biệt chú trọng phân tích những bài báo dẫn đến tranh luận về luân lý truyền Kiều, vấn đề quốc học, về Nho giáo, về duy tâm và duy vật, về chế độ phong kiến Việt Nam, về thơ cũ và thơ mới.

1.2.2. Các công trình nghiên cứu trực tiếp về những đóng góp của Phan Khôi với quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX

1.2.2.1. Những đánh giá, nghiên cứu về tác động của Phan Khôi với canh tân tư tưởng, sinh hoạt xã hội

Năm 1930, Trần Trọng Kim có bài tranh luận với Phan Khôi “Mấy lời bàn với Phan tiên sinh về Khổng giáo”, đăng trên Phụ nữ tân văn (số 60), trong đó có nhận xét: “Phan quân là học thức rộng và lại có nhiệt tâm về sự


cải cách của xã hội ta. Nhưng tôi e rằng Phan quân nóng ruột quá, cho nên muốn vội theo Tây” [82, tr 341]. Như vậy, qua nhận xét này chúng ta nhận thấy Phan Khôi có tư tưởng rất mới nên không dễ dung hòa được với Trần Trọng Kim.

Tiếp theo đó, Trần Trọng Kim lại tranh luận với Phan Khôi về vấn đề Khổng giáo trong bài “Mời Phan tiên sinh trở về nhà học của ta mà nói chuyện” (Phụ nữ tân văn, số 74, năm 1930). Trần Trọng Kim không đồng tình với Phan Khôi khi Phan Khôi cho rằng ông và Phạm Quỳnh là “học phiệt”, và lên tiếng chỉ trích Phan tiên sinh hơi thái quá khi chuộng luận lý học trong nhìn nhận một số vấn đề về Nho học và khoa học phương Tây.

Năm 1965, trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (tập 3), Phạm Thế Ngũ đã giới thiệu đầy đủ bốn đường nét chính trong sự nghiệp Phan Khôi (Nhà báo/ Bình thơ/ Phản kháng Nho giáo/ Xây dựng văn mới) và khẳng định những đóng góp của ông ở phương diện tư tưởng: “…Cái óc phê bình mà ông biểu lộ trên báo thật là khác người và gây không ít ảnh hưởng trong cuộc tranh luận mới cũ giữa cái buổi xã hội giao thời ấy mà ông đã hầu như đã đóng vai trò lãnh tụ tư tưởng” [108, tr 266].

Năm 1967, Thanh Lãng, trong Phê bình văn học thế hệ 1932 (tập 2), cũng đã đề cập đến ý thức khao khát đổi mới của Phan Khôi, rằng: “Ông yêu Đông phương nhưng ông cũng không thể chịu giam hãm trong cái ao tù Đông phương, ông tìm Tây phương, nhưng ông cũng chẳng chịu để Tây phương nhổ hết nơi ông những gốc rễ cổ kính đã do Đông phương ăn sâu vào tâm hồn ông. (...) Cái tổng hợp kỳ diệu ấy, ông không muốn nhờ ai nặn ra nó mà ông muốn chính ông mò mẫm, nhiều khi rất gian truân, để từ làm lấy cuộc đời mình” [82, tr 252 – 273]. Vì những mong muốn ấy mà mặc dù xuất thân Nho học nhưng Phan Khôi rất nỗ lực trong việc góp phần đưa văn hóa, văn học Việt Nam hướng đến phát triển theo hướng hiện đại hóa.

Xem tất cả 179 trang.

Ngày đăng: 18/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí