Phan Khôi với quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - 11


Khôi dùng nó trong các mục thường kỳ trên một vài tờ báo (Nam phong tạp chí, Đông Pháp thời báo, Phụ nữ tân văn, Thần chung, Trung lập...) lại có tác dụng dân chủ hóa một sinh hoạt văn chương vốn diễn ra trong một không gian giao tiếp hạn hẹp. Thời trung đại, văn bản thuộc sở hữu của cá nhân tác giả, việc phổ biến tác phẩm – tức một giao tiếp văn chương - lại diễn ra khá hạn chế, “để có được một mối giao tiếp văn chương, chẳng hạn như sự giao tiếp thơ ca, trong thời kỳ văn học trung đại thì người viết và người đọc, người xướng và người họa không chỉ có sự tiếp xúc trực tiếp hay qua thư từ, mà họ còn phải là những người trong giới có học thức, giới nho sĩ, giới văn chương, một giới khá nhỏ hẹp của dân tộc; những người khác không thể hiểu hoặc tham gia được... Tóm lại đây là một sự giao tiếp hạn hẹp, trong giới văn chương hàn lâm là chính”[216]. Với sự phổ biến chữ quốc ngữ, lượng độc giả đã tăng lên, qua phương tiện báo chí điều kiện giao tiếp nói trên đã thay đổi đáng kể. Nhờ đó, Nam âm thi thoại đã đưa tác phẩm và những câu chuyện văn chương ra khỏi môi trường hạn định, đưa di sản văn chương dân tộc đến đông đảo công chúng đọc, đồng thời cũng kéo tác giả – độc giả lại gần nhau. Đó chính là tính dân chủ của sinh hoạt văn chương mà Phan Khôi đã tạo ra.

Mặt khác, tuy chỉ dừng ở việc giới thiệu, viết lời bình thơ nhưng việc Nam âm thi thoại tồn tại trong nhiều năm, nhắc đến thơ ca của các tác giả ở mọi vùng miền hoặc thời đại... đã khiến nó trở thành một hoạt động mang tính chất kiểm kê lại di sản thơ Nôm dân tộc. Hơn nữa, trong di sản thơ ca dân tộc có hai mảng thơ chữ Hán và thơ Nôm, nhưng Phan Khôi, mặc dù không phủ định các hình thức, giá trị của thi ca chữ Hán, lại chỉ chọn thơ “Nam âm” để bình phẩm ở mục thi thoại trên báo chí công khai hẳn thể hiện một quan niệm riêng về bản sắc dân tộc. Hồn cốt của một dân tộc cần phải tìm kiếm trong chính những âm sắc đó của dân tộc và công cuộc canh tân về thơ cũng phải hướng đến những vấn đề về ngôn ngữ, vần luật, tư tưởng và lối viết... liên quan đến “quốc âm”. Thật ra không chỉ Phan Khôi mà toàn bộ trí thức Việt Nam thời Pháp thuộc, về căn bản, đều mang tinh thần dân tộc, song hoạt động


thực hành ở đâu, và thực hành ra sao tinh thần dân tộc ấy thì còn tùy thuộc vào nhận thức, sở trường cũng như bản lĩnh của họ. Như vậy, vô hình trung thi thoại về thơ Nam âm trở thành một gợi ý cho thơ Việt đường hướng phát triển, đúng như nhận định của Vu Gia:

“Phan Khôi ra sức xiển dương lối thơ nôm ngầm ý cho người đọc thấy rằng tiếng Việt cũng đủ, thậm chí thừa khả năng diễn tả những ngóc ngách tâm hồn của người Việt Nam, không cần vay mượn đâu xa, không cần phải cúi đầu ghi ghi chép chép những gì ông Khổng, ông Mạnh đã dạy mà ngàn đời qua ông cha ta đã học, đã hành như khuôn đúc. Điều quan trọng là người làm thơ có tài hay không, có yêu tiếng Việt hay không, nếu có thì người đọc sẽ được thưởng lãm những tác phẩm nghệ thuật (bài thơ) có một lối hành văn nhẹ nhàng, linh hoạt, sử dựng chữ và câu thơ Việt Nam một cách dễ dàng uyển chuyển dù đó là khuôn khổ chật hẹp, gò bó của thể thơ Đường luật” [36, tr 225-226].

Thơ của người Việt không phải là không hay. Thơ của người Việt cần được trân trọng và giữ gìn. Tuy nhiên cũng cần đánh giá thật đúng mức để xác định rõ vị trí mà thơ Việt đang có. Một khi nắm bắt rõ hồn cốt thơ ca dân tộc thì bản thân các nhà thơ sẽ có những ứng xử, những thay đổi về nội dung tư tưởng và lối viết để theo theo kịp tâm thức thời đại. Như vậy, theo Phan Khôi, thơ Việt là quốc hồn quốc túy của người Việt nên câu chuyện bảo tồn, phát triển theo hướng nào là vấn đề mà ông đặt ra ở Nam âm thi thoại để đông đảo công chúng cùng suy ngẫm, giải quyết. Phan Khôi đã hé lộ phần ý đồ này trong lời đầu cuốn Chương Dân thi thoại. Và trên thực tế, các bài viết này của Phan Khôi đã thu hút được sự quan tâm của nhiều độc giả. Điều đó không chỉ khẳng định tác động tích cực của thi thoại này mà còn có ý nghĩa khẳng định ý đồ tạo dựng một sinh hoạt văn chương dân chủ của Phan Khôi đã đạt kết quả.


3.1.2. ... đến Chương Dân thi thoại

Chương Dân thi thoại xuất bản tại Huế năm 1936 trên cơ sở tập hợp các bài viết ở mục Nam âm thi thoại trên các báo Nam phong tạp chí (từ 1918), Đông Pháp thời báo, Phụ nữ tân văn, và các bài viết lẻ tẻ bàn về thi trên báo Thần chung, Trung lập. Ngoài ra, theo lời đầu sách Chương Dân thi thoại, Phan Khôi cũng chỉ rõ trong công trình này có thêm phần phụ lục là mấy bài của bạn đọc viết trao đổi ý kiến sau khi đọc các bài của ông viết trên mục Nam âm thi thoại trước đó. Nhà nghiên cứu Vu Gia đã theo lời ghi chú của Phan Khôi, lọc ra cụ thể như sau:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 179 trang tài liệu này.

- Từ chương I đến chương XX, đăng trên Nam phong tạp chí tại Hà Nội năm 1918-1919 cùng với Tiểu dẫn viết tại Hà Nội, tháng 3-1918.

- Từ chương XXI đến chương XXVI, đăng trên Đông Pháp thời báo

Phan Khôi với quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - 11

tạo Sài Gòn năm 1928.

- Chương XXVII đăng trên báo Thần chung năm 1929.

- Chương XXVIII đến chương XL, đăng trên Phụ nữ tân văn năm 1929, kèm theo 2 Phụ lục Lại tiểu dẫn viết tại Sài Gòn, tháng 10-1929.

- Chương XLI đến chương XLIII, đăng trên Trung lập báo ở Sài Gòn vào năm 1931-1932.

Chính Phan Khôi trong Lại tiểu dẫn trước chương XXVIII của Chương Dân thi thoại còn khẳng định:

“Mục Nam âm thi thoại hơn mười năm trước đã đăng trong Nam phong; năm ngoái lại có đăng một ít trong Đông Pháp thời báo. Coi ý chừng như có nhiều người hoan nghinh nó lắm. Vì luôn luôn thấy có người hễ gặp biên giả là nhắc đến Nam âm thi thoại. Vì vậy lần này bắt đầu lượm lặt viết ra đăng ở Phụ nữ tân văn” [73, tr 84].

Vậy khi lọc chọn các bài đăng trên mục Nam âm thi thoại để tổng hợp

thành cuốn sách này và đổi tên thành Chương Dân thi thoại hẳn Phan Khôi đã có dụng ý của mình. Chính Phan Khôi đã thổ lộ rõ trong lời đầu sách khi quyết định in cuốn Chương Dân thi thoại rằng:


“Đến nay tôi mới bắt đầu tin rằng những cái mình viết ra trong hai mươi năm nay bây giờ đem chọn lọc sửa sang lại thì cũng có thể in thành sách được. Ý ấy đã quyết, tôi bèn thử chọn những bài viết chung bằng một mục trên các báo tức là mục Nam ân thi thoại mà cho in trước đi, đổi tên thành Chương Dân thi thoại” [73, tr 33].

Tại sao Phan Khôi lại nhấn mạnh “tôi bắt đầu tin rằng những cái mình viết ra trong hai mươi năm nay”? Có thể nhận thấy báo chí là một thể loại có tính chất cập nhật thường ngày song những thông tin in trên báo khi đọc xong dễ bị lãng quên. Viết cho Nam âm thi thoại - một mục trên các báo - Phan Khôi đã muốn tận dụng môi trường báo chí để tạo nên không khí dân chủ trong sinh hoạt văn chương như đã đề tập. Nhưng khi tập hợp các bài viết đã có trên một mục báo để in thành sách, Phan Khôi như muốn khẳng định lại rằng quan điểm của ông từ trước đến nay không thay đổi và đây là một vấn đề mà ông vẫn hết sức quan tâm. Trong lần tập hợp lại để in sách với nhan đề mới Chương Dân thi thoại, Phan Khôi mặt khác còn hướng đến khẳng định ý thức cá tính của mình: Đây là quyển sách đầu tiên của Chương Dân (bút danh của Phan Khôi).

Về kết cấu cuốn sách, tuy có bốn mươi ba chương (bốn mươi ba tắc), nhưng Chương Dân thi thoại không sắp xếp theo bất cứ hệ thống nào mà làm theo ý thích của người viết với những câu chuyện thơ thú vị cùng cách lí giải rành mạch vấn đề mấu chốt: thơ như thế nào thì được xem là thơ hay? Được xuất bản tại thời điểm mà Thơ mới đã thắng thế trên thi đàn, công trình này càng khẳng định thêm giá trị của việc “kiểm kê” thi ca cổ điển - chặng đường suy ngẫm, chọn lựa thấu đáo của Phan Khôi trong hai mươi năm. Đây cũng là một tác phẩm chuyên về phê bình thơ có trước cả Thi nhân Việt Nam, là khúc dạo đầu nói về sự gò bó của thơ luật, đòi hỏi làm cho thơ chân thật, tự nhiên diễn đạt tâm tình (tánh linh). Bên cạnh đó, Chương Dân thi thoại còn là sự khai phóng tư duy đổi mới thơ ca đương thời mà sau này được tuyên


ngôn trong “Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ” (1932), “Vận ngữ với thơ” (1939).

Về giá trị văn học sử, Chương Dân thi thoại đã sưu tập được rất nhiều sáng tác của các tác giả mà tên tuổi chưa hề được nhắc đến trong các tuyển tập thơ Việt như: ông Lang Rường (ở Quảng Nam), sống vào đời Gia Long, Minh Mạng; ông Hoàng Uýnh làm Thị Lang (người Huế), ông Hoàng Đăng Giai làm Bố chánh Bắc Ninh (người Quảng Bình); cụ Nguyễn Đỉnh Ngọc làm Giáo thọ triều Tự Đức (người Hưng Yên); ông Học Lạc (người Bến Tre)... Đặc biệt Phan Khôi đã khảo và bình chú rất nhiều bài thơ của phụ nữ như cô ả đào có số phận trái ngang ở Hà Nội, bà Trần Ngọc Lầu (người Vĩnh Long) làm thơ có tiếng ở đất Nam Trung... Qua những lược khảo về cuộc đời, về xuất xứ những bài thơ được sưu tập chúng ta sẽ có thêm dữ liệu phong phú để bổ sung những mảng còn khuyết ở một số công trình nghiên cứu thi ca Việt Nam. Việc làm này của Phan Khôi rõ ràng mang ý nghĩa sưu tầm, giới thiệu các tác phẩm văn chương mang tính chất “ngoại biên” đến gần hơn với công chúng trong thời kỳ sách báo còn khá khiêm tốn.

Cũng qua những câu chuyện thơ mà Phan Khôi đã điểm bình chúng ta sẽ biết thêm được nhiều tình tiết thú vị, không khí sinh hoạt thơ ca của các thi nhân, thậm chí phát hiện nhiều điều thú vị ở những tác giả vốn tưởng đã rất quen thuộc như Tú Xương, Sào Nam, Nguyễn Khuyến. Đặc biệt vấn đề mâu thuẫn tư tưởng trong thơ Tú Xương đã được Phan Khôi cắt nghĩa chi tiết, hợp lí tạo tư liệu bổ ích cho việc tìm hiểu, phân tích tác phẩm.

Xét từ góc độ lý luận (tư tưởng thi học) đây cũng là một công trình nhiều ý nghĩa.

Thứ nhất, trong quá trình bàn về thơ và chuyện làm thơ, Chương Dân

thi thoại đã đặt ra vấn đề mang tính phương pháp luận: trước khi thẩm bình thơ thì cần xác định rõ thơ như thế nào là thơ hay?

“Thơ hay có hai cách: một cách hay tự nhiên, một cách hay đúng đắn. Tự nhiên thì có phần lưu lợi, đúng đắn thì có vẻ trang nghiêm. Nhưng


trang nghiêm thì thường được bên văn từ, mất bên tình tính; mà lưu lợi thì có thể lưỡng toàn hơn” [73, tr 36].

Phan Khôi còn nêu quan điểm: “Phàm thơ hay, là tả tình, tả cảnh cũng đều phải cho chân. Có chân mới thấy hay” [73, tr 147]. Như vậy, Phan Khôi đã nhấn mạnh chữ “chân” (một kiểu tả thực trong thơ) hơn là kỹ xảo, câu chữ. Ví như khi đưa ra giới thiệu bài Tự thuật của Quan Thượng thư Trần Chỉ Tín ở Huế, một bài thơ không dùng một điển cố nào nhưng Phan Khôi nhận ra được sự thanh tao, đôn hậu của tác giả, cho rằng thi như vậy thì “thật đã vào cảnh tự nhiên”. Nghĩa là khi làm thơ yếu tố quan trọng là phải có cảm xúc thật. Ngoài ra, học hỏi, tham khảo các bậc tiền nhân cũng là một vấn đề cần thiết khi sáng tác song học hỏi một cách rập khuôn, máy móc đến mức vô cảm thì thật sự không nên. Phan Khôi đã chỉ rõ là:

“Nước Nam ta chẳng đời nào có tuyết, vậy mà trong thơ Nôm, thường thấy có những tuyết phủ, tuyết ngâm thì thật sự là láo quá. Họ không sợ làm vậy con cháu đời sau nó đọc đến, nó tưởng đời chúng ta đây còn có tuyết mà đến đời chúng nó không có” [73, tr 141].

Trong truyền thống, khái niệm chân, thực không phải chưa từng được đề cập song mức độ sai biệt với quan niệm về chữ chân của Phan Khôi, bởi: “Theo Nho giáo, thực tại không thể tách khỏi đạo và tâm để trở thành sự thực khách quan và cách nhìn nhận nó bằng lý, phản ánh nó vào văn học bằng phú, tỉ, hứng lại không đòi hỏi tính khách quan đó. Văn học nhằm biểu đạt không phải cái thực mà là cái thần của một trạng thái hòa hợp giữa tâm và cảnh” [60, tr 479]. Như vậy, thơ hay tự nhiên mà Phan Khôi đề cập hiện đại hơn và gần với quan điểm coi sáng tạo nghệ thuật là dùng ngòi bút để nói đúng thực tại.

Phan Khôi cũng thường coi trọng, tán thưởng những hiện tượng độc đáo, cá biệt, phá cách, nhận ra cái biệt thú, vĩ tam thanh trong thơ. Đây có thể là những dấu hiệu báo trước cho một lối thơ mới trình chánh trong làng thơ sắp tới. Ngoài ra, quan điểm này cũng đã giúp Phan Khôi phát hiện được rất nhiều bài thơ hay và đặc biệt rất khách quan trong việc nhận xét về thơ, về tác


giả. Bên cạnh những bậc đại khoa, ông còn đưa bình về thơ của những người chưa từng quen biết, thơ của phụ nữ và cả thơ anh “Bồi Ba”. Ông rất thẳng thắn chỉ ra cái được và chưa được ở mỗi bài thơ, dù tác giả có thể là bậc đế vương. Ví như khi nhận xét về thơ của vua Lê Thánh Tông, Phan Khôi cho rằng: “Thi của các vị đế vương thường thường là câu không có nghĩa, chỉ đặt chữ cho rột, dùng lời cho lớn lao, sang trọng mà thôi” [73, tr 66]. Một tác phẩm hay nằm chính trong tự thân của nó, yếu tố xuất xứ, tác giả... không phải là những yếu tố thiết yếu để quyết định một tác phẩm có giá trị. Khi đặt bút phê bình thơ, Phan Khôi không câu nệ tác giả đó là người như thế nào, ông đến với cả những bài thơ khuyết danh miễn là cảm nhận được cái hay trong ấy. Với bài thơ Buổi chiều qua sông, Nghe gà gáy cảm hoài của N.N.T, Phan Khôi nhận xét rằng:

“Tôi không biết N.N.T là ai, nhưng đọc bài thơ này rồi phải đoán ra là người có chí khí, có tâm sự mà lại từng trải giang hồ nữa. Tuy vậy, trong thơ chẳng hề dùng một chữ nào ngông nghênh, một lời nào xốc nổi, ý kín mà không tối, khí mạnh mà hay dằn, cái hay ở trong chỗ đó” [73, tr 114].

Một chi tiết đáng chú ý khác là Phan Khôi đã chọn và bình thơ của cả Tôn Thọ Tường và Phan Văn Trị - hai nhân vật “tương khắc” về lựa chọn ứng xử trước giặc ngoại xâm thời kỳ Pháp bắt đầu bình định lục tỉnh Nam Kỳ. Phan Văn Trị (quê Bến Tre) thường gọi là Cử Trị, từ chối làm quan ở nhà dạy học vì không muốn hợp tác với Pháp. Trong khi đó Tôn Thọ Tường (người Gia Định) nếu xét ở quan điểm dân tộc thì bị xem như một viên quan bán nước, từng làm việc dưới quyền của Tổng Lãnh sự Pháp De Kergaradec. Lịch sử có ghi lại việc Pháp muốn Tôn Thọ Tường dùng uy tín của mình dụ hàng Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu và hai người con Phan Thanh Giản là Phan Tôn và Phan Liêm nhưng không thành công. Việc giới thiệu đồng thời hai nhà thơ có lập trường dân tộc đối lập nhau này phải chăng hé lộ một cách nghĩ rất “Phan Khôi”. Dường như, đến thời điểm những năm đầu thế kỷ XX, câu


chuyện chủ chiến chủ hoà từng gay gắt trong triều đình và giữa những “sất phu hữu trách” vào cuối thế kỷ XIX, với Phan Khôi, đã là quá khứ. Vấn đề tồn vong của dân tộc theo cách “nợ áo cơm phải trả đến hình hài” đã không còn là lựa chọn của Phan Khôi kể từ quãng 1914. Chọn các vấn đề xã hội, văn hóa trước mắt làm tiêu đích giải quyết tất yếu dẫn đến sự thay đổi tiêu chí định giá văn chương. Có thể đó là lý do giải thích hợp lý cho việc trong trường hợp lựa chọn phẩm bình này, Phan Khôi chú trọng giá trị nghệ thuật của thi phẩm và tách bạch nó với hành vi chính trị của tác giả: “Sẵn đây, chép luôn bài “Vịnh Kiều” của ông Tôn Thọ Tường để ta so sánh... Có lẽ của ông Tôn hay hơn. Ông Đốc phủ Tôn vì mình mang tiếng đầu Tây nên bài thơ nào của ông cũng có ký thác, cũng có đem tâm sự mình ghé vào chút ít. Thật chỉ có trời đất họa mới biết chữ hiếu cho cô Kiều, cũng chỉ có trời đất mới biết chữ trung cho ông Tôn” [73, tr 121]. Một điểm đáng lưu ý nữa ở đây là Phan Khôi đã nhắc đến Tôn Thọ Tường nhiều lần, thậm chí có riêng một bài giới thiệu nhân vật này và cả mười bài liên hoàn tự thuật cùng hai bài vịnh sử đều là những ký thác tâm sự của Tôn. Và Phan Khôi nhận định “Ông Phan (Phan Văn Trị) thì cái giọng nghe êm hơn ông Tôn, song hay thì đều hay cả” [73, tr.63]. Như vậy, với Phan Khôi, nhu cầu làm thế nào để nhìn nhận giá trị nghệ thuật của thơ, được thưởng thức thơ có nghệ thuật là vấn đề cần thiết lúc bấy giờ.

Thứ hai, Chương Dân thi thoại còn đặt ra vấn đề nghề làm thi (kỹ thuật, “thi pháp” sáng tác thi). Muốn có thơ hay thì ngoài giỏi học vấn còn phải am hiểu, rành rõi về phép tắc làm thi. Phan Khôi đã đề xuất một cách rất chi tiết, bài bản về phương pháp trong nghề làm thi. Quan trọng hàng đầu là ý cảnh (ý do tác giả sắp đặt ra), cái này thuộc về phương diện tinh thần. Khi đã có ý cảnh thì nắm chắc tự pháp, cú pháp, chương pháp thiên pháp để áp dụng vào sáng tác thì sẽ có thơ hay. Phan Khôi đã phân tích khá kỹ bài thơ Đùa một cô đào của một ả đào hát như là một ví dụ cụ thể cho phương pháp mà ông đã nêu ra. Đây thật sự là những kiến thức khá bổ ích về lý luận để các nhà thơ có thể áp dụng trong sáng tác.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 18/12/2022