Các Chế Tài Áp Dụng Khi Vi Phạm Hợp Đồng


1.2.7. Nghĩa vụ nhận hàng


Nghĩa vụ nhận hàng là nghĩa vụ của người mua, được quy định cụ thể tại Điều 56 Luật Thương mại 2005 và Điều 53, Điều 60 CISG. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp người mua đều có nghĩa vụ phải nhận hàng. Như đã phân tích ở trên, một số trường hợp người mua không phải nhận hàng như người bán giao hàng trước thời hạn quy định tại Điều 52.1 CISG và Điều 38 Luật Thương mại 2005. Ngoài ra, trường hợp người bán giao hàng không phù hợp với hợp đồng, người mua cũng có quyền từ chối nhận hàng theo khoản 2 Điều 39 Luật Thương mại 2005. Người mua cũng có quyền từ chối nhận số hàng giao thừa khi người bán giao nhiều hơn số lượng quy định trong hợp đồng theo Điều 52.2 CISG.

Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là người mua không đơn giản chỉ có nghĩa vụ nhận hàng mà còn phải “thực hiện những hành vi hợp lý” để người bán có thể giao hàng theo quy định tại Điều 56 Luật Thương mại 2005 và Điều 60 CISG. Điều này dựa trên nguyên tắc thiện chí trong mọi giao dịch dân sự và thương mại nói chung. Nghĩa là người mua phải hỗ trợ hết sức trong phạm vi khả năng có thể để người bán giao hàng thuận lợi. Nguyên tắc thiện chí tưởng chừng đơn giản nhưng trên thực tế đã có nhiều doanh nghiệp gặp phải tranh chấp liên quan đến nghĩa vụ thiện chí và bị thua kiện do vi phạm nguyên tắc này, vì khái niệm thế nào được coi là thiện chí là khá khó xác định và được hiểu theo những cách khác nhau tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Do đó, với vai trò là nhà nhập khẩu, các doanh nghiệp nhập khẩu cần đặc biệt lưu ý nguyên tắc này trong quá trình thực hiện hợp đồng nhập khẩu hàng hoá để tránh vi phạm.

1.2.8. Kiểm tra hàng hóa


Việc kiểm tra hàng hoá trước khi giao hàng là yêu cầu cần thiết đối với giao dịch mua bán hàng hóa nhập khẩu, giúp ngăn ngừa những khiếm khuyết của hàng hóa. Theo Khoản 1 Điều 44 Luật Thương mại thì trường hợp các bên thoả thuận để bên mua tiến hành kiểm tra hàng hóa trước khi giao hàng thì bên bán phải bảo đảm cho bên mua có điều kiện tiến hành việc kiểm tra. Tuy nhiên, CISG lại quy định việc kiểm tra hàng hóa là nghĩa vụ của bên mua (Điều 38.1) và việc kiểm tra này phải được thực hiện trong thời gian ngắn nhất có thể. Nguyên tắc này cũng giống


với quy định tại Khoản 2 Điều 44 Luật Thương mại 2005. Tuy nhiên, cả hai nguồn luật đều không đưa ra tiêu chí để xác định thế nào là thời hạn ngắn nhất, do đó, sẽ dẫn đến nhiều tranh chấp khi các bên có quan điểm khác nhau. Trong nhiều trường hợp, các bên thường thuê các tổ chức giám định chuyên nghiệp, độc lập để tiến hành kiểm tra hàng hoá nhằm đảm bảo có thể phát hiện những khiếm khuyết mà không thể nhận thấy bằng mắt thường. Thời gian để các đơn vị giám định hoàn thành việc kiểm tra và phát hành chứng thư giám định chất lượng và khối lượng thường là 2-3 ngày. Tuy nhiên, đôi khi thời gian phát hành chứng thư của các đơn vị giám định có thể kéo dài cả tuần vì một số lý do, dẫn đến tranh chấp như đã nêu ở trên và làm ảnh hưởng đến hàng loạt các bước tiếp theo trong quá trình nhập khẩu hàng hoá.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 99 trang tài liệu này.

Sau khi kiểm tra hàng hóa, nếu phát hiện thấy sự bất thường, bên mua phải thông báo ngay cho bên bán trong một thời hạn hợp lý theo Khoản 4 Điều 44 Luật Thương mại 2005 và Điều 39 CISG. Việc không thông báo cho bên bán về sự không phù hợp của hàng hóa ngay sau khi kiểm tra sẽ dẫn đến khả năng bên mua bị mất quyền khiếu nại về khiếm khuyết của hàng hóa đó. Mặc dù cả hai nguồn luật đều không quy định về hình thức, nội dung của thông báo hàng hóa không phù hợp nhưng để đảm bảo bằng chứng và tính chắc chắn thì các bên nên lập thông báo bằng văn bản (giống như hình thức hợp đồng) và nêu chi tiết nội dung khiếm khuyết của hàng hóa để tránh phát sinh tranh chấp.

1.2.9. Chuyển giao rủi ro

Những vấn đề pháp lý về hợp đồng nhập khẩu than: nhìn từ thực tiễn hoạt động nhập khẩu than tại Tổng công ty Phát điện 1 EVNGENCO1 - 5


Thông thường, trong hợp đồng nhập khẩu hàng hoá, các bên thường áp dụng các điều kiện giao hàng theo Incoterms, theo đó, các quy định về chuyển giao rủi ro đã được quy định rõ cho từng điều kiện giao hàng. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là liệu các quy định về chuyển rủi ro trong Incoterms có xung đột với các quy định về chuyển rủi ro của CISG hay không. Khi đó, theo Điều 9.1 và 9.2 CISG thì các bên sẽ bị điều chỉnh bởi các tập quán mà họ đã thỏa thuận và các tập quán thương mại quốc tế phổ biến, nghĩa là các quy định về chuyển rủi ro trong Incoterms sẽ được ưu tiên áp dụng.

Một vấn đề nữa đặt ra là khi rủi ro đã được chuyển từ người bán sang cho người mua, nếu hàng hóa bị hư hỏng hoặc mất mát thì người mua có phải thực hiện


nghĩa vụ thanh toán tiền hàng không? Điều này đã được quy định rõ tại Điều 66 CISG rằng việc hàng hóa đã bị mất mát hay tổn thất sau khi rủi ro được chuyển sang cho người mua không miễn trừ cho người mua nghĩa vụ phải trả tiền, tuy nhiên, trong trường hợp sự hư hỏng hay mất mát đó là do hành động hay thiếu sót của người bán gây nên thì người mua sẽ được miễn trừ nghĩa vụ thanh toán tiền hàng.

1.2.10. Luật áp dụng


Theo nguyên tắc chung của tư pháp quốc tế, các bên khi tham gia hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có quyền tự do lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng của mình. Trong trường hợp các bên không chọn luật áp dụng cho hợp đồng thì các quy tắc của tư pháp quốc tế sẽ được áp dụng để xác định luật điều chỉnh hợp đồng.

Hợp đồng nhập khẩu hàng hoá có thể được điều chỉnh bằng rất nhiều nguồn luật, bao gồm điều ước quốc tế, luật quốc gia, tập quán thương mại quốc tế và án lệ. Việc áp dụng nguồn luật nào trước hết sẽ phụ thuộc vào thoả thuận của các bên trong hợp đồng. Tuy nhiên, việc lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng nhập khẩu hàng hoá cần phải lưu ý một số điểm quan trọng như phân tích dưới đây để tránh rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng:

Điều ước quốc tế


Hợp đồng nhập khẩu hàng hoá trước tiên sẽ bị điều chỉnh bởi các Điều ước quốc tế mà các bên tham gia hợp đồng có trụ sở kinh doanh tại các quốc gia là thành viên của Điều ước quốc tế đó.

Các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào hoạt động nhập khẩu hàng hoá phần lớn sẽ bị điều chỉnh bởi CISG do Việt Nam đã trở thành thành viên của Công ước này kể từ năm 2015 và Công ước này chính thức ràng buộc Việt Nam từ 1/1/2017. Các trường hợp áp dụng CISG trong hợp đồng nhập khẩu hàng hoá giữa bên nhập khẩu có địa điểm kinh doanh tại Việt Nam và bên xuất khẩu có trụ sở tại nước ngoài có thể kể đến như sau:

Trường hợp 1, nếu bên xuất khẩu có địa điểm kinh doanh tại quốc gia cũng là thành viên của CISG thì hợp đồng nhập khẩu hàng hoá giữa hai bên sẽ mặc nhiên được điều chỉnh bởi CISG (trừ khi các bên tham gia hợp đồng thoả thuận loại trừ


việc áp dụng CISG). Đây là trường hợp phổ biến nhất vì hiện nay đã có hơn 95 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia vào Công ước này.

Trường hợp 2, CISG cũng có thể được áp dụng trong trường hợp bên xuất khẩu có trụ sở tại một quốc gia chưa phải là thành viên (chẳng hạn như Indonesia) nhưng hai bên có thoả thuận áp dụng Luật Việt Nam làm luật điều chỉnh hợp đồng thì khi đó CISG cũng sẽ được áp dụng do Việt Nam là thành viên của CISG5.

Trường hợp 3, các bên tham gia hợp đồng nhập khẩu hàng hoá không lựa chọn luật điều chỉnh hợp đồng và khi xảy ra tranh chấp, cơ quan giải quyết tranh chấp đã quyết định áp dụng CISG như là nguồn luật điều chỉnh hợp đồng; hoặc các bên đã lựa chọn áp dụng luật của một quốc gia nhưng luật này không quy định về một vấn đề cụ thể nào đó trong hợp đồng nên cơ quan giải quyết tranh chấp đã lựa chọn CISG làm nguồn luật bổ sung cho luật quốc gia mà các bên đã lựa chọn.

Một điểm cần đặc biệt lưu ý là nếu các bên muốn loại trừ việc áp dụng CISG trong hợp đồng nhập khẩu hàng hoá thì các bên phải quy định rõ trong hợp đồng rằng CISG sẽ không được áp dụng để điều chỉnh hợp đồng.

Luật quốc gia


Luật quốc gia là nguồn luật phổ biến được áp dụng trong hợp đồng nhập khẩu hàng hoá tại Việt Nam. Các bên khi tham gia vào hợp đồng nhập khẩu hàng hoá có thể lựa chọn luật quốc gia của một trong hai bên để điều chỉnh hợp đồng, thậm chí có thể chọn luật của một nước thứ ba để đảm bảo tính trung lập. Đối với vai trò là nhà nhập khẩu thì các doanh nghiệp nhập khẩu nên lựa chọn luật của nước mình làm nguồn luật áp dụng trong hợp đồng vì đây là nguồn luật mà họ nắm rõ nhất nên sẽ tăng khả năng bảo vệ quyền lợi cho họ. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, các bên cần lưu ý nếu muốn hợp đồng chỉ được điều chỉnh bởi Luật quốc gia mà hai bên đã lựa chọn thì các bên phải quy định rõ trong hợp đồng rằng CISG sẽ không được áp dụng để điều chỉnh hợp đồng.


5 Trường Đại học Ngoại Thương – Trung tâm Trọng tại quốc tế Việt Nam, 101 Câu hỏi đáp về Công ước của Liên Hợp Quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, trang 36, 37.


Tập quán thương mại quốc tế


Tập quán thương mại quốc tế cũng có thể trở thành nguồn luật điều chỉnh hợp đồng nhập khẩu hàng hoá khi được các bên lựa chọn áp dụng.

Tập quán thương mại quốc tế phổ biến nhất trong các hợp đồng nhập khẩu hàng hoá hiện nay là Các điều khoản thương mại quốc tế - Incoterms do Phòng Thương mại quốc tế - ICC ban hành, bao gồm những thông lệ quốc tế về việc phân chia nghĩa vụ, rủi ro và chi phí giữa người mua và người bán trong giao dịch thương mại quốc tế. Tuy nhiên, Incorterms không đề cập đến giá cả, phương thức thanh toán, chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa cũng như hậu quả của việc vi phạm hợp đồng. Khi muốn áp dụng Incorterms trong hợp đồng, các bên cần phải quy định rõ Incoterms năm nào. Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng ngay cả khi hợp đồng có sự dẫn chiếu đến Incoterms thì các bên vẫn có thể thoả thuận với nhau để thay đổi một số nội dung cụ thể, không nhất thiết phải tuân thủ hoàn toàn các điều khoản trong Incoterms.

Án lệ


Ngoài các nguồn luật nói trên, nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước theo hệ thống luật Anh – Mỹ còn sử dụng Tiền lệ pháp (Án lệ) làm nguồn luật điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Án lệ là các quy tắc pháp luật được hình thành từ thực tiễn xét xử của Toà Án. Để giải quyết tranh chấp phát sinh giữa các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, trong một số trường hợp, các cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ sử dụng một hoặc một số phán quyết của Toà án đã được công bố làm khuôn mẫu cho việc xét xử.

1.2.11. Giải quyết tranh chấp


Thực tế khi soạn thảo hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nói chung và hợp đồng nhập khẩu hàng hoá nói riêng, các bên thường chú trọng đến các điều khoản quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của các bên như điều kiện giao hàng, chất lượng hàng hóa, giá cả, thanh toán,… mà không quan tâm nhiều đến điều khoản về giải quyết tranh chấp, một phần là do suy nghĩ chủ quan rằng tranh chấp sẽ ít khi xảy ra. Tuy nhiên, chính tâm lý này sẽ gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho


các bên vì hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế là hoạt động tương đối phức tạp nên việc xảy ra tranh chấp là không thể tránh khỏi.

Khi phát sinh tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên có thể lựa chọn giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, hoà giải, trọng tài hoặc toà án. Một phương thức phổ biến hiện nay mà các bên tham gia vào hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thường lựa chọn đó là sự kết hợp một số phương thức giải quyết theo trình tự sau: đầu tiên là các bên sẽ tự thương lượng trên tinh thần thiện chí, nếu thương lượng không thành thì các bên sẽ giải quyết tranh chấp bằng con đường hoà giải, nếu tranh chấp vẫn không thể giải quyết bằng con đường hoà giải thì các bên sẽ đưa tranh chấp ra cơ quan trọng tài hoặc toà án để xét xử.

Một điểm cần đặc biệt lưu ý khi soạn thảo điều khoản giải quyết tranh chấp là phải ghi đúng tên cơ quan giải quyết tranh chấp và địa điểm giải quyết tranh chấp, chọn đúng quy tắc tố tụng hoặc luật tố tụng áp dụng để tránh rủi ro không xác định được cơ quan giải quyết tranh chấp, đồng thời, phải quy định rõ ngôn ngữ sử dụng trong giải quyết tranh chấp. Thực tế cho thấy rằng các doanh nghiệp nên lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp tại quốc gia mà doanh nghiệp đó đăng ký kinh doanh để có nhiều ưu thế hơn trong quá trình giải quyết tranh chấp.

1.2.12. Vi phạm hợp đồng


Vi phạm hợp đồng, theo định nghĩa tại Khoản 12 Điều 3 Luật Thương mại 2005 “là việc một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thoả thuận giữa các bên hoặc theo quy định của Luật này”.

Khi có hành vi vi phạm hợp đồng, cần xác định xem đó là vi phạm cơ bản hay vi phạm không cơ bản vì đây là cơ sở để xác định trách nhiệm của bên vi phạm. Theo Khoản 12 Điều 3 Luật Thương mại 2005 thì “vi phạm cơ bản là sự vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng”. Trường hợp sự vi phạm hợp đồng là vi phạm cơ bản thì bên bị vi phạm có quyền tạm ngừng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc huỷ bỏ hợp đồng theo các Điều 308, 310 và 312 Luật Thương mại 2005.


Vi phạm cơ bản hợp đồng theo định nghĩa tại Điều 25 CISG là “sự vi phạm làm cho bên kia bị thiệt hại mà người bị thiệt hại, trong một chừng mực đáng kể bị mất cái mà họ có quyền chờ đợi trên cơ sở hợp đồng, trừ khi bên vi phạm không tiên liệu được hậu quả đó và một người có lý trí minh mẫn cũng sẽ không tiên liệu được nếu họ cũng ở vào hoàn cảnh tương tự”. Nếu một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng thì bên bị vi phạm có quyền huỷ bỏ hợp đồng.

1.2.13. Các chế tài áp dụng khi vi phạm hợp đồng


Điều 292 Luật Thương mại 2005 quy định các chế tài đối với bên vi phạm hợp đồng bao gồm:

(i) Chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng: được quy định trong cả CISG (Điều 46-48, 62, 63) và Luật Thương mại (Điều 297) và được nêu lên đầu tiên trong số các chế tài có thể áp dụng, cho thấy các hệ thống pháp luật luôn hướng đến việc duy trì quan hệ hợp đồng giữa các bên trong mọi chừng mực có thể.

(ii) Chế tài phạt vi phạm: được quy định tại Điều 418 Bộ luật dân sự 2015 và Điều 300, Điều 301 Luật thương mại 2005. Mức phạt vi phạm theo Luật dân sự là không giới hạn nhưng theo Luật thương mại thì không được quá 8% phần nghĩa vụ bị vi phạm. Một điểm đáng lưu ý là việc phạt vi phạm phải được quy định trong hợp đồng, trường hợp các bên không có thoả thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền đòi bồi thường thiệt hại. CISG không có quy định về phạt vi phạm nhưng công nhận các thoả thuận về phạt vi phạm dựa trên nguyên tắc tự do thoả thuận giữa các bên.

(iii) Chế tài bồi thường thiệt hại: Khi một bên vi phạm hợp đồng gây tổn thất cho bên bị vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Bồi thường thiệt hại được quy định trong cả CISG (Điều 74-77) và pháp luật Việt Nam (Luật Dân sự (Điều 584, 585) và Luật Thương mại (Điều 302, 303, 304)). Để yêu cầu bồi thường thiệt hại thì bên bị vi phạm phải có nghĩa vụ chứng minh thiệt hại xuất phát từ hành vi vi phạm hợp đồng của bên vi phạm. Giá trị bồi thường thiệt hại theo pháp luật Việt Nam bao gồm “giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm” (Khoản 2 Điều 302 Luật Thương mại 2005). Tuy nhiên, CISG không quy định rõ về tính chất trực tiếp của


thiệt hại được bồi thường mà nhấn mạnh đến tính dự đoán trước được của thiệt hại “các thiệt hại được bồi thường không thể cao hơn những tổn thất và khoản lợi bỏ lỡ mà bên bị vi phạm có khả năng đã dự liệu được vào lúc giao kết hợp đồng như một hậu quả có thể xảy ra do vi phạm hợp đồng, có tính đến các tình tiết mà họ đã biết hoặc đáng lẽ phải biết” (Điều 74 CISG). Điều này sẽ giúp tránh được việc các thiệt hại yêu cầu bồi thường bị “thổi phồng” một cách vô lý.

Ngoài ra, để tránh thiệt hại phát sinh không đáng có và tránh phụ thuộc vào ý chí chủ quan của bên bị vi phạm, cả CISG và pháp luật Việt Nam đều quy định bên bị vi phạm phải “áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất, kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra” (Điều 305 Luật Thương mại 2005 và Điều 77 CISG); nếu không thì bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được.

Một điểm cần lưu ý nữa đối với bồi thường thiệt hại theo Luật Thương mại 2005 là trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: i) Có hành vi vi phạm hợp đồng; ii) Có thiệt hại thực tế; iii) Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại (Điều 303 Luật Thương mại 2005).

(iv) Chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng: “là việc một bên tạm thời không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng khi xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để tạm ngừng thực hiện hợp đồng hoặc khi một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng” (Điều 308 Luật Thương mại 2005). Đây là chế tài không được quy định trong CISG. Tạm ngừng thực hiện hợp đồng không làm mất đi hiệu lực của hợp đồng và bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định.

(v) Chế tài đình chỉ thực hiện hợp đồng cũng là chế tài mà CISG không quy định. Đình chỉ thực hiện hợp đồng theo Điều 310 Luật Thương mại 2005 “là việc một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng khi xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để đình chỉ hợp đồng hoặc khi một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng”. Hậu quả pháp lý của việc đình chỉ thực hiện hợp đồng được quy định tại Điều 311 Luật Thương mại 2005, theo đó “khi đình chỉ thực hiện

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 26/02/2023