vì đây là điều ước quốc tế tiêu biểu trong lĩnh vực thương mại quốc tế mà Việt Nam tham gia. Ngoài ra, tác giả cũng sử dụng các điều khoản thương mại quốc tế Incoterms 2010 để phân tích, so sánh vì hợp đồng nhập khẩu than của EVNGENCO1 có áp dụng Incoterms 2010.
4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Mục đích của luận văn là làm rõ các vấn đề pháp lý về hợp đồng nhập khẩu hàng hóa nói chung và hợp đồng than nhập khẩu nói riêng và đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện hợp đồng nhập khẩu than của EVNGENCO1.
Để đạt được mục tiêu nói trên, Luận văn có các nhiệm vụ nghiên cứu sau:
- Hệ thống hoá, luận giải những vấn đề pháp lý về hợp đồng nhập khẩu hàng
hoá.
- Phân tích thực trạng những vấn đề pháp lý về hợp đồng nhập khẩu than của
EVNGENCO1 thông qua các hợp đồng thực tế đã ký kết và các tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng.
- Đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện hợp đồng nhập khẩu than của EVNGENCO1.
Có thể bạn quan tâm!
- Những vấn đề pháp lý về hợp đồng nhập khẩu than: nhìn từ thực tiễn hoạt động nhập khẩu than tại Tổng công ty Phát điện 1 EVNGENCO1 - 1
- Những vấn đề pháp lý về hợp đồng nhập khẩu than: nhìn từ thực tiễn hoạt động nhập khẩu than tại Tổng công ty Phát điện 1 EVNGENCO1 - 2
- Những vấn đề pháp lý về hợp đồng nhập khẩu than: nhìn từ thực tiễn hoạt động nhập khẩu than tại Tổng công ty Phát điện 1 EVNGENCO1 - 4
- Các Chế Tài Áp Dụng Khi Vi Phạm Hợp Đồng
- Thực Trạng Những Vấn Đề Pháp Lý Về Hợp Đồng Nhập Khẩu Than Và Thực Tiễn Thực Hiện Tại Tổng Công Ty Phát Điện 1
Xem toàn bộ 99 trang tài liệu này.
5. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu nói trên, tác giả sử dụng các phương pháp nghiên cứu phổ biến như phương pháp phân tích tổng hợp, đánh giá, hệ thống hóa, đối chiếu, so sánh, mô tả, thống kê, khảo sát thực tế. Cụ thể:
- Phương pháp hệ thống hóa và phương pháp phân tích được sử dụng đồng thời và xuyên suốt trong toàn bộ Luận văn nhằm làm rõ những vấn đề thuộc đối tượng nghiên cứu của đề tài. Đặc biệt hai phương pháp này được áp dụng nhiều nhất tại Chương 1 để giúp làm rõ các quy định pháp luật về hợp đồng nhập khẩu hàng hóa để có cái nhìn một cách toàn diện, đầy đủ về pháp luật điều chỉnh loại hợp đồng này.
- Phương pháp mô tả, đánh giá, so sánh, thống kê và khảo sát thực tế được sử dụng đặc biệt tại Chương 2 để phân tích và làm rõ những vấn đề pháp lý trong hợp đồng nhập khẩu than của EVNGENCO1 trên cơ sở so sánh với các quy định của pháp luật cũng như các thông lệ, tập quán quốc tế điều chỉnh hợp đồng này, đánh giá
những ưu điểm, những điểm hạn chế trong hợp đồng và thống kê những tranh chấp thực tế phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng.
- Phương pháp tổng hợp được sử dụng chủ yếu tại Chương 3 nhằm đề xuất giải pháp hoàn thiện hợp đồng nhập khẩu than của EVNGENCO1.
6. Bố cục của Luận văn
Ngoài Phần mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo và các Phụ lục, Luận văn được kết cấu thành 03 chương, bao gồm:
Chương 1. Những vấn đề pháp lý về hợp đồng nhập khẩu hàng hóa.
Chương 2. Thực trạng những vấn đề pháp lý về hợp đồng nhập khẩu than và thực tiễn thực hiện tại Tổng công ty Phát điện 1.
Chương 3. Phương hướng và giải pháp.
CHƯƠNG 1. NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ VỀ HỢP ĐỒNG NHẬP KHẨU HÀNG HOÁ
1.1. Tổng quan về hợp đồng nhập khẩu hàng hoá
1.1.1. Khái niệm về hợp đồng nhập khẩu hàng hóa
Hiện nay, không có một định nghĩa cụ thể nào về hợp đồng nhập khẩu hàng hóa mà chỉ có thể hiểu khái niệm này thông qua cách diễn giải theo luật. Để tìm hiểu về khái niệm hợp đồng nhập khẩu hàng hóa, trước tiên phải hiểu nhập khẩu hàng hóa là gì. Theo Khoản 2 Điều 28 Luật Thương mại 2005: “Nhập khẩu hàng hóa là việc hàng hóa được đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật”. Mặt khác, Khoản 1 Điều 27 Luật Thương mại 2005 quy định: “Mua bán hàng hóa quốc tế được thực hiện dưới các hình thức xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu”. Như vậy, nhập khẩu là một trong những hình thức của mua bán hàng hóa quốc tế. Do đó, hợp đồng nhập khẩu hàng hóa về bản chất chính là một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Việc tìm hiểu về hợp đồng nhập khẩu hàng hóa thực chất cũng là tìm hiểu về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là một loại hợp đồng mua bán hàng hóa thông thường nhưng đặc biệt do chứa đựng yếu tố quốc tế. Hiện nay chưa có một khái niệm thống nhất về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Pháp luật của mỗi nước có những quy định không giống nhau về yếu tố quốc tế trong hợp đồng. Vì vậy, cần thiết phải làm rõ yếu tố quốc tế được quy định như thế nào trong hệ thống pháp luật của Việt Nam trên cơ sở so sánh với hệ thống pháp luật trên thế giới mà cụ thể trong khuôn khổ của Luận văn này là CISG.
Trước hết, cần làm rõ khái niệm hợp đồng mua bán hàng hóa. Hợp đồng là thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự (theo Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015). Khái niệm này được hiểu khá thống nhất bởi các hệ thống pháp luật khác nhau. Pháp luật Việt Nam không đưa ra khái niệm cụ thể về hợp đồng mua bán hàng hóa mà chỉ có giải thích về hoạt động mua
bán hàng hóa. Cụ thể theo khoản 8 Điều 3 Luật Thương mại 2005: “mua bán hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận”. Như vậy, kết hợp hai khái niệm trên có thể định nghĩa hợp đồng mua bán hàng hóa là thoả thuận giữa các bên, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận. Cách hiểu này cũng khá tương đồng với cách hiểu của các quốc gia khác trên thế giới.
Tuy nhiên, yếu tố quốc tế của hợp đồng lại được quy định không thống nhất giữa hệ thống pháp luật của các nước trên thế giới. Theo Bộ luật dân sự 2015 của Việt Nam (khoản 2 Điều 663), hợp đồng (quan hệ dân sự) được coi là có yếu tố nước ngoài khi thuộc một trong các trường hợp sau: các bên có quốc tịch khác nhau; hợp đồng được ký kết, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt ở nước ngoài; đối tượng của hợp đồng ở nước ngoài. Tuy nhiên, mua bán hàng hóa quốc tế theo quy định tại Điều 27 Luật thương mại 2005 lại được liệt kê dưới các hình thức xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu. Như vậy, có thể hiểu rằng tính “quốc tế” theo Luật thương mại được quy định hẹp hơn so với Bộ luật dân sự 2015, thể hiện ở việc có sự dịch chuyển của hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam (biên giới hải quan). Quan điểm này khác so với quy định của CISG. Cụ thể, CISG lại đưa ra tiêu chí để xác định tính quốc tế của hợp đồng là địa điểm kinh doanh của các chủ thể, theo đó, các bên trong hợp đồng có địa điểm kinh doanh tại các quốc gia khác nhau thì hợp đồng đó được xem là hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (Điều 1.1.a).
Có thể thấy, cách quy định không thống nhất về tính quốc tế đối với hợp đồng mua bán hàng hóa có thể dẫn đến khó khăn trong việc xác định nguồn luật điều chỉnh hợp đồng. Tuy nhiên, Khoản 1 Điều 6 Luật Điều ước quốc tế 2016 của Việt Nam đã quy định: “Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp”.
Do Việt Nam đã trở thành thành viên của CISG từ năm 2015 nên các quy định của Công ước này phải được tuân thủ.
1.1.2. Đặc điểm của hợp đồng nhập khẩu hàng hóa
Hợp đồng nhập khẩu hàng hóa mang đầy đủ đặc điểm của một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, nó mang đầy đủ bản chất và đặc trưng của một hợp đồng thông thường, tuy nhiên, có những điểm khác biệt so với hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước ở tính chất quốc tế. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, về chủ thể của hợp đồng
Chủ thể của hợp đồng nhập khẩu hàng hóa là người mua và người bán (thường là bên xuất khẩu và bên nhập khẩu) có trụ sở kinh doanh đặt tại các quốc gia khác nhau. Nếu một bên có nhiều hơn một trụ sở thương mại thì trụ sở nào có mối quan hệ chặt chẽ nhất đối với hợp đồng và đối với việc thực hiện hợp đồng sẽ được xem là trụ sở của bên đó. Nếu một bên không có trụ sở thương mại thì sẽ lấy nơi cư trú thường xuyên của họ để xác định tính quốc tế của hợp đồng (theo Điều 10 CISG).
Theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP thì chủ thể được phép kinh doanh xuất nhập khẩu là các thương nhân. Thương nhân theo Mục 1 Điều 6 Luật Thương mại 2005 “bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh”. Như vậy, phạm vi chủ thể được phép kinh doanh nhập khẩu rất rộng, bao gồm hầu hết các thành phần kinh tế trong nước. Có thể nói, tất cả các tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh đều được thực hiện hoạt động nhập khẩu hàng hóa.
Thứ hai, về đối tượng của hợp đồng
Đối tượng của hợp đồng nhập khẩu hàng hóa là hàng hóa. Hàng hóa, theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 của Luật Thương mại 2005, bao gồm tất cả các loại động sản (kể cả động sản hình thành trong tương lai) và những vật gắn liền với đất đai. Còn theo quy định tại Điều 2 của CISG thì hàng hóa không bao gồm tàu thuỷ, máy bay, điện năng, các cổ phiếu, cổ phần, chứng khoán, các chứng từ lưu thông hoặc tiền tệ…
Pháp luật Việt Nam không quy định cụ thể mặt hàng được phép kinh doanh xuất nhập khẩu, các thương nhân có thể nhập khẩu bất cứ loại hàng hóa nào, thậm chí cả những mặt hàng không thuộc ngành, nghề đăng ký kinh doanh, tuy nhiên, “trừ hàng hóa thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu” theo quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP. Nghĩa là phạm vi các mặt hàng được phép nhập khẩu cũng rất rộng, chỉ loại trừ những mặt hàng bị cấm theo quy định của pháp luật. Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu được quy định cụ thể tại mục II, Phụ lục 1, Nghị định số 69/2018/NĐ-CP. Theo đó, một số hàng hóa cấm nhập khẩu bao gồm vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ, pháo các loại, hàng tiêu dùng, thiết bị y tế, phương tiện đã qua sử dụng, một số loại hoá chất …
Đối với hợp đồng xuất nhập khẩu thì hàng hóa hầu hết sẽ có sự dịch chuyển từ nước người bán sang nước người mua (qua biên giới quốc gia) hoặc được đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng (theo Điều 28 Luật thương mại 2005), chẳng hạn như khu chế xuất.
Thứ ba, về hình thức của hợp đồng
Tại Việt Nam, mặc dù một giao dịch dân sự có thể được thể hiện bằng lời nói, văn bản hoặc hành vi cụ thể (theo Khoản 1 Điều 119, Bộ luật Dân sự), nhưng riêng đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thì phải được thể hiện dưới hình thức văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương (theo Khoản 2 Điều 27 Luật Thương mại).
Theo Điều 11 CISG, hợp đồng mua bán hàng hóa không nhất thiết phải được thể hiện bằng văn bản mà có thể được chứng minh bằng mọi cách, kể cả lời khai của nhân chứng. Tuy nhiên, Điều 12 của CISG lại cho phép các quốc gia thành viên có thể bảo lưu quy định về hình thức hợp đồng và Việt Nam đã thực hiện quyền bảo lưu này, do đó, khi nguồn luật điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là pháp luật Việt Nam, thì hợp đồng vẫn phải được thể hiện dưới hình thức văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương theo Khoản 2 Điều 27 Luật Thương mại nói trên.
Thứ tư, về đồng tiền thanh toán
Khác với hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước có đồng tiền thanh toán chỉ là đồng nội tệ, đồng tiền thanh toán trong hợp đồng nhập khẩu hàng hoá thường là ngoại tệ đối với ít nhất một bên.
1.1.3. Nội dung cơ bản của hợp đồng nhập khẩu hàng hóa
Cả CISG và Luật Thương mại 2005 đều không có quy định cụ thể về nội dung của hợp đồng hay các điều khoản bắt buộc phải có trong hợp đồng mua bán hàng hóa.
Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015 có quy định về nội dung của hợp đồng tại Điều 398, theo đó, nội dung hợp đồng có thể bao gồm đối tượng hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên, số lượng, chất lượng hàng hóa, giá cả, phương thức thanh toán, thời hạn giao hàng, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng, trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp... Tuy nhiên, các nội dung này là không bắt buộc và các bên có quyền thỏa thuận về các nội dung trong hợp đồng (Khoản 1 Điều 398 BLDS 2015). Điều này dựa trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự do ý chí, tự do thoả thuận của các bên tham gia hợp đồng. Tuy nhiên, việc tự do thoả thuận cũng chính là con dao hai lưỡi nếu như các bên không xem xét kỹ tất cả các nội dung trong hợp đồng dẫn đến thiếu sót những điều khoản quan trọng hoặc sai sót trong một số nội dung.
1.1.4. Vai trò của hợp đồng nhập khẩu hàng hóa
Như đã đề cập ở trên, hợp đồng mua bán hàng hóa nói chung và hợp đồng nhập khẩu hàng hóa nói riêng có vai trò hết sức quan trọng trong việc điều chỉnh hoạt động kinh doanh thương mại, xuất nhập khẩu giữa các bên. Cũng như các hợp đồng thông thường khác, nó ghi nhận những thoả thuận, cam kết của các bên trong quan hệ mua bán và xác định quyền và nghĩa vụ của mỗi bên phải thực hiện để đạt được mục đích của việc mua bán đó, trên cơ sở đó hình thành khung pháp lý cơ bản để các bên tuân thủ, thực hiện, đồng thời là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết tranh chấp khi các bên không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình theo thoả thuận.
Hợp đồng nhập khẩu giúp thúc đẩy hoạt động giao thương trên toàn cầu, là công cụ pháp lý điều chỉnh các hoạt động thương mại quốc tế, đóng góp vào sự phát triển kinh tế toàn cầu trong thời đại hội nhập. Trong hoạt động nhập khẩu nói riêng,
hợp đồng nhập khẩu hàng hóa giúp bảo vệ các quyền và lợi ích của doanh nghiệp trong nước khi tham gia vào các giao dịch xuất nhập khẩu với doanh nghiệp nước ngoài. Nó tạo cơ sở pháp lý cho việc chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại cho sản xuất giữa các nước phát triển và các nước kém phát triển hơn, bổ sung nguồn cung cho những mặt hàng khan hiếm trong nước,…
1.2. Những vấn đề pháp lý về hợp đồng nhập khẩu hàng hoá
Việc ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nói chung và hợp đồng nhập khẩu hàng hoá nói riêng đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và sự hiểu biết sâu rộng về chuyên môn cũng như luật pháp. Thực tế cho thấy rằng các doanh nghiệp thường gặp khó khăn và không ít doanh nghiệp tỏ ra lúng túng khi tham gia vào một quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, một phần cũng vì hệ thống pháp luật của các nước khác nhau nên việc tìm hiểu các quy định cụ thể trong các hệ thống pháp luật này là không hề dễ dàng và tương đối mất thời gian, chưa kể việc phải tìm hiểu cả những Điều ước quốc tế liên quan có thể điều chỉnh hợp đồng. Sau đây là một số vấn đề pháp lý thường gặp liên quan đến hợp đồng nhập khẩu hàng hoá:
1.2.1. Đối tượng của hợp đồng nhập khẩu hàng hoá
Pháp luật của từng nước có những quy định khác nhau về hàng hóa được phép giao dịch, mua bán. Có những hàng hóa mà pháp luật của bên này cho phép mua bán nhưng pháp luật của bên kia lại không cho phép. Do vậy, khi tham gia vào một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, cần đảm bảo rằng hàng hóa đó được pháp luật của cả hai bên cho phép trao đổi, mua bán. Đối với hợp đồng xuất nhập khẩu, pháp luật Việt Nam đã quy định danh mục hàng hóa bị cấm xuất nhập khẩu tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 05 năm 2018 của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý ngoại thương. Theo đó, một số hàng hóa bị cấm xuất nhập khẩu bao gồm vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ, một số loại hoá chất,…
1.2.2. Điều kiện hiệu lực của hợp đồng nhập khẩu hàng hóa
CISG không có quy định về điều kiện hiệu lực của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (hay hợp đồng nhập khẩu hàng hóa) nói chung. Theo pháp luật Việt Nam, điều kiện hiệu lực của hợp đồng được xác định theo Bộ luật Dân sự 2015