TÓM TẮT KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU LUẬN VĂN
Tên đề tài Luận văn: Những vấn đề pháp lý về hợp đồng nhập khẩu hàng hóa: nhìn từ thực tiễn hoạt động nhập khẩu than tại Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1).
Luận văn đã đạt được các kết quả chính như sau:
Đầu tiên, trên cơ sở phân tích các quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, luận văn đã góp phần làm sáng tỏ khái niệm, đặc điểm và những nội dung cơ bản, điều kiện hiệu lực,… cũng như các vấn đề pháp lý của hợp đồng nhập khẩu hàng hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam và của Công ước Liên Hợp Quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG), từ đó có cái nhìn tổng thể về lý luận và thực tiễn pháp luật về hợp đồng nhập khẩu hàng hóa nói chung.
Tiếp theo, Luận văn đã làm rõ được thực trạng công tác nhập khẩu than và các vấn đề pháp lý tiêu biểu trong hợp đồng nhập khẩu than của Tổng công ty Phát điện
1. Từ đó nêu lên những điểm còn vướng mắc, hạn chế cần phải khắc phục, sửa đổi trong hợp đồng nhập khẩu than và quá trình thực hiện hợp đồng nhập khẩu than tại Tổng công ty Phát điện 1.
Cuối cùng, trên cơ sở thực trạng các vấn đề pháp lý về hợp đồng nhập khẩu than tại Tổng công ty Phát điện 1, luận văn đã đưa ra được một số giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện hợp đồng nhập khẩu than của Tổng công ty Phát điện 1, góp phần giảm thiểu các rủi ro cho Tổng công ty Phát điện 1 trong quá trình thực hiện hợp đồng, giảm thiểu các tranh chấp phát sinh cũng như đẩy nhanh quá trình quyết toán các hợp đồng than.
Có thể bạn quan tâm!
- Những vấn đề pháp lý về hợp đồng nhập khẩu than: nhìn từ thực tiễn hoạt động nhập khẩu than tại Tổng công ty Phát điện 1 EVNGENCO1 - 1
- Những Vấn Đề Pháp Lý Về Hợp Đồng Nhập Khẩu Hàng Hoá
- Những vấn đề pháp lý về hợp đồng nhập khẩu than: nhìn từ thực tiễn hoạt động nhập khẩu than tại Tổng công ty Phát điện 1 EVNGENCO1 - 4
- Các Chế Tài Áp Dụng Khi Vi Phạm Hợp Đồng
Xem toàn bộ 99 trang tài liệu này.
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Thương mại quốc tế nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia. Kể từ khi gia nhập ASEAN năm 1995, Việt Nam mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, các hoạt động kinh doanh thương mại, hợp tác quốc tế với các đối tác nước ngoài diễn ra ngày càng phổ biến. Đây là xu hướng tất yếu để một quốc gia phát triển bền vững trong thời đại hội nhập. Cùng với đó, hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu ngày càng thể hiện vai trò trụ cột của mình khi các nước có xu hướng ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương. Việt Nam cũng tham gia sâu vào chuỗi toàn cầu hóa kinh tế, đáng kể đến là việc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2006, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)1, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)2, Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP)3, và tham gia vào một loạt các hiệp định song phương với các quốc gia khác. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển kinh tế nhưng đồng thời cũng tạo ra những thách thức, khó khăn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết để có thể cạnh trên trên “thương trường” quốc tế.
Trong một nền kinh tế “mở” như vậy thì hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế chính là công cụ để các doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh thương mại, xuất nhập khẩu qua biên giới quốc gia. Với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế thì ngày càng có nhiều hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được ký kết. Cũng như các hợp đồng mua bán hàng hóa thông thường khác, việc xảy ra tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là không thể tránh khỏi, thậm chí còn ở mức độ phức tạp hơn do có tính chất “quốc tế”. Việc giải quyết tranh chấp do đó cũng khó khăn hơn do gặp phải những rào cản liên quan đến các yếu tố về khoảng cách, ngôn ngữ, chính trị,… Hậu quả là gây tốn kém về thời gian, tiền bạc và nguồn
1 Chính thức có hiệu lực từ 1/4/2019 2 Chính thức có hiệu lực từ 1/8/2021 3 Chính thức có hiệu lực từ 1/1/2022
lực của các bên. Giải pháp quan trọng để tránh phát sinh tranh chấp là các bên phải chuẩn bị tốt các điều khoản hợp đồng, phải nắm rõ các vấn đề pháp lý trong hợp đồng để loại bỏ tối đa các rủi ro có thể xảy ra để đi đến ký kết một bản hợp đồng “hoàn hảo” nhất có thể.
Trong thương mại quốc tế, hoạt động nhập khẩu đóng vai trò hết sức quan trọng khi thúc đẩy sự chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại cho sản xuất, giải quyết được nhu cầu tiêu dùng đối với những hàng hóa mà trong nước chưa sản xuất được hoặc nguồn cung thiếu hụt, tạo động lực cho các doanh nghiệp trong nước không ngừng sáng tạo, đổi mới để phát triển, để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Tại Việt Nam, hoạt động nhập khẩu diễn ra hết sức đa dạng, phổ biến trên mọi lĩnh vực. Trong đó, nhập khẩu than là hoạt động đặc thù, đóng vai trò trọng yếu trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Hàng năm, Việt Nam nhập khẩu một khối lượng lớn than để đốt cho các nhà máy nhiệt điện và sản lượng than nhập khẩu tăng dần qua các năm khi nguồn cung nội địa không đủ để vận hành các nhà máy nhiệt điện mới đi vào hoạt động. Năm 2020, lượng than nhập khẩu tại Việt Nam đã tăng lên mức cao kỷ lục, đạt 54,81 triệu tấn, tăng 25% so với năm 20194. Cũng như các hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế khác, hoạt động nhập khẩu than được thực hiện thông qua công cụ pháp lý là hợp đồng nhập khẩu than. Hợp đồng nhập khẩu than mang đầy đủ các đặc điểm của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nhưng đồng thời cũng mang những nét đặc trưng riêng của mặt hàng than. Do đó, bên cạnh những tranh chấp phát sinh xoay quanh các vấn đề pháp lý giống hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, hợp đồng nhập khẩu than còn xuất hiện các tranh chấp mang tính đặc thù của ngành hàng than nhập khẩu.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam là một trong những đơn vị nhập khẩu than với khối lượng lớn nhất cả nước, bên cạnh những tập đoàn kinh doanh và khai thác than lớn như Tập đoàn công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đông Bắc. Trong đó, Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1) – đơn vị trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam là đơn vị tiên phong trong hoạt động nhập khẩu than
4 Theo Tạp chí PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/2020-viet-nam-nhap-khau-than-len-muc- cao-ky-luc-597383.html[truy cập ngày 5/2/2022]
để phục vụ cho việc vận hành các nhà máy nhiệt điện đốt than. Thực tế hoạt động nhập khẩu than tại EVNGENCO1 cho thấy có nhiều tranh chấp phát sinh xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng mà một trong những nguyên nhân chủ yếu là do các quy định trong hợp đồng còn nhiều khiếm khuyết, dẫn đến xảy ra những tranh chấp mà các bên không thể thương lượng được và đã phải đưa ra Trung tâm trọng tài VIAC để giải quyết, gây lãng phí thời gian, nguồn lực và tốn kém chi phí cho các bên. Vì vậy, việc nghiên cứu, phân tích những vấn đề pháp lý trong hợp đồng nhập khẩu than và chỉ ra những điểm hạn chế, tồn tại để tìm ra giải pháp nhằm hoàn thiện hợp đồng là hết sức cần thiết. Do đó, học viên lựa chọn đề tài “Những vấn đề pháp lý về hợp đồng nhập khẩu than: nhìn từ thực tiễn hoạt động nhập khẩu than tại Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1)” làm đề tài luận văn thạc sỹ Luật kinh tế.
2. Tổng quan tình hình nghiên cứu
2.1. Tình hình nghiên cứu trên thế giới
Trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến các vấn đề pháp lý trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Có thể kể đến một số công trình tiêu biểu sau:
Tác giả Petar Sarcevie và Paul Volken, The International Sale of Goods Revisited, Kluwer Law International, The Hague – London – New York, đã phân tích các vấn đề khác nhau liên quan đến Công ước Liên hợp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG). Ngoài ra, các tác giả cũng đề cập đến sự phát triển của các nguyên tắc quốc tế về luật hợp đồng, chẳng hạn như Bộ nguyên tắc châu Âu về hợp đồng, Bộ nguyên tắc UNIDROIT.
Tác giả Djakhongir Saidov, Giáo sư Luật Thương mại, Trường Luật Dickson Poon, Kings College London, Vương quốc Anh với cuốn sách Research Handbook on International and Comparative Sale of Goods Law xuất bản năm 2019 của Nhà xuất bản Edward Elgar Publishing Ltd, đã nghiên cứu về sự phức tạp của việc quản lý các hợp đồng mua bán trong thế giới hiện đại. Cuốn sách xem xét nhiều khía cạnh của luật và thông lệ bán hàng, nhấn mạnh vào sự đa dạng của bối cảnh giao dịch thương mại trong đó các hợp đồng mua bán được ký kết và thực hiện, bao gồm công
nghệ kỹ thuật số, hợp đồng dài hạn, chuỗi cung ứng toàn cầu và các nguồn điều chỉnh các hợp đồng đó, đặc biệt nhấn mạnh vào các hợp đồng mẫu tiêu chuẩn, các tập quán thương mại và các điều khoản thương mại.
Tác giả Michael Bridge với cuốn sách The International Sale of Goods của Nhà xuất bản Oxford University Press tái bản lần thứ tư năm 2017, đã bàn về Công ước của Liên hợp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG), tập trung vào các vấn đề tài sản và giải quyết những vấn đề nảy sinh từ việc sử dụng các chứng từ quyền sở hữu, chẳng hạn như vận đơn đường biển, và đưa ra nhiều cách xử lý các vấn đề như biện pháp khắc phục hậu quả, chuyển giao tài sản, hợp đồng mẫu tiêu chuẩn và giao dịch hàng hóa quốc tế.
Hai tác giả Schlechtriem & Schwenzer trong cuốn sách Commentary on the UN Convention on the International Sale of Goods (CISG) tái bản lần thứ tư của Oxford University Press cũng đưa ra những bình luận và phân tích về CISG. Đặc biệt, những phân tích và so sánh một cách chi tiết và toàn diện về các phán quyết của các tòa án và hội đồng trọng tài trên thế giới đã được tổng hợp thành một nguồn tham khảo trong cuốn sách này.
Stefan Kröll, Loukas Mistelis, Pilar Perales Viscasillas với cuốn sách UN Convention on Contracts for the International Sale of Goods (CISG): a commentary tái bản lần thứ hai năm 2018 của Nhà xuất bản C.H. Beck. Các tác giả đến từ các hệ thống pháp luật khác nhau đã giải quyết các vấn đề cụ thể của việc áp dụng CISG trong từng khu vực. Cuốn sách bình luận về các quy định của CISG theo từng điều khoản, cấu trúc của CISG. Các chủ đề đặc biệt, chẳng hạn như thương mại điện tử, đã được đưa ra phân tích và bình luận đối với các điều khoản có liên quan.
Năm 2010, Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) đã xuất bản ấn phẩm “Model Contracts for Small Firms – Legal guidance for doing international business”, trong đó đưa ra các hợp đồng mẫu để các doanh nghiệp tham khảo. Các hợp đồng mẫu này được thiết kế dựa trên những tiêu chuẩn được quốc tế công nhận và các thông lệ thường được sử dụng trong giao dịch thương mại quốc tế. Cuốn sách cũng đưa ra những lời khuyên pháp lý cho các doanh nghiệp khi tham gia vào hoạt động kinh doanh quốc tế.
Cũng trong năm 2010, Phòng Thương mại quốc tế (ICC) đã cho ra đời ấn phẩm “Incoterm 2010: ICC rules for the Use of Domestic and International Trade Terms” mà ngày nay đã trở thành nguồn tham khảo thiết yếu được nhiều quốc gia áp dụng trong giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế. Các điều kiện Incorterms là những thông lệ quốc tế về việc phân chia nghĩa vụ, rủi ro và chi phí giữa người mua và người bán trong giao dịch thương mại quốc tế. Tuy nhiên, Incorterms không đề cập đến giá cả, phương thức thanh toán, chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa cũng như hậu quả của việc vi phạm hợp đồng. Incorterm 2010 bao gồm 11 điều kiện giao hàng áp dụng cho hai nhóm, bao gồm: các điều kiện áp dụng cho mọi phương thức vận tải và các điều kiện áp dụng cho phương thức vận tải đường biển và đường thuỷ nội địa.
2.2. Tình hình nghiên cứu tại Việt Nam
Ở trong nước dường như chưa có công trình nghiên cứu nào tập trung vào các vấn đề pháp lý của hợp đồng nhập khẩu hàng hóa nói riêng. Tuy nhiên, đã có một số công trình nghiên cứu về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nói chung, có thể kể đến một số công trình tiêu biểu sau:
Năm 2016, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã phối hợp với Trường Đại học Ngoại thương (FTU) và Nhóm CISG Việt Nam biên soạn cuốn sách “101 câu hỏi – đáp về Công ước của Liên hợp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG)” nhằm cung cấp những thông tin cơ bản về CISG cho các doanh nghiệp, hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Cuốn sách bình luận về các quy định của CISG và nội dung phân tích được trình bày dưới dạng câu hỏi – câu trả lời. Mỗi câu hỏi không chỉ đơn thuần trích dẫn các điều khoản trong CISG mà còn làm rõ các điều khoản thông qua các bình luận, các bài viết liên quan, các án lệ và so sánh với pháp luật Việt Nam. Có thể nói tính đến thời điểm hiện tại, đây là cuốn sách bao quát thông tin, đầy đủ và phân tích chi tiết nhất về CISG tại Việt Nam.
Các tác giả Nguyễn Văn Luyện, Lê Thị Bích Thọ và Dương Anh Sơn trong cuốn giáo trình “Luật hợp đồng thương mại quốc tế” được xuất bản năm 2005 bởi
Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã trình bày những vấn đề chung của hợp đồng thương mại quốc tế và các hợp đồng thương mại quốc tế thông dụng trên cơ sở phân tích, so sánh các quy định pháp luật của các nước khác nhau trong lĩnh vực hợp đồng.
Tác giả Nguyễn Thị Hồng Trinh với bài viết “Phạm vi áp dụng của Công ước CISG cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế” trên tạp chí Toà án nhân dân điện tử ngày 26/9/2018, đã phân tích tính chất quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo quy định của Công ước và phạm vi áp dụng của Công ước. Bài viết cũng so sánh việc áp dụng Công ước trong tố tụng tòa án và tố tụng trọng tài và bình luận những trường hợp Công ước không áp dụng. Ngoài ra, bài viết còn bình luận về cách thức các bên thực hiện để loại trừ việc áp dụng Công ước và phân tích mối quan hệ của công ước với luật quốc gia cũng như khả năng kết hợp áp dụng của Công ước với Incoterms và Bộ nguyên tắc Unidroit về Hợp đồng thương mại quốc tế.
Tác giả Nguyễn Thu Hương với bài viết “Một số vấn đề cần lưu ý khi thực thi Công ước Viên năm 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) tại Việt Nam” trong Tạp chí Nghề luật số 1/2019 đã phân tích sự tác động của CISG đối với Việt Nam và trình bày một số nội dung khác biệt giữa CISG và pháp luật của Việt Nam cũng như đưa ra một số lưu ý về luật áp dụng.
Tác giả Trịnh Đức Thuận trong luận văn thạc sỹ luật học về “Phạm vi áp dụng Công ước Viên năm 1980 của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế”, bảo vệ năm 2018 tại Trường Đại học Ngoại thương, đã làm rõ phạm vi áp dụng của CISG thông qua việc phân tích các quy định của CISG, thực tiễn áp dụng các quy định này bởi tòa án quốc gia và trọng tài thương mại.
Các tác giả Ngô Quốc Chiến và Đinh Cao Thanh, với hai bài viết “Giải thích hợp đồng theo CISG và khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế đối ngoại, số 85 tháng 10/2016 và “Thực tiễn diễn giải hợp đồng theo Công ước Viên năm 1980 của Liên Hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế”, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 21, 22 và 23 tháng 11 và 12/2016, đã phân tích các quy định của CISG về giải thích hợp đồng và thực tiễn áp dụng các quy định này bởi tòa án và trọng tài, từ đó đưa ra các khuyến nghị đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
2.3. Đánh giá về tình hình nghiên cứu và khoảng trống nghiên cứu
Như đã phân tích ở trên, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là công cụ quan trọng để điều chỉnh hoạt động thương mại quốc tế nói chung và hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế nói riêng. Do đó, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới cũng như ở Việt Nam về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến CISG. Tuy nhiên, chưa có một công trình nghiên cứu chuyên sâu nào về hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hóa, mặc dù bản chất hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hóa cũng chính là một dạng của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, nhưng chưa có công trình nào đi sâu nghiên cứu về hợp đồng nhập khẩu than tại Việt Nam. Do đó, luận văn tốt nghiệp này sẽ góp phần bù đắp khoảng trống nghiên cứu nói trên bằng cách gắn việc nghiên cứu về các vấn đề pháp lý của hợp đồng nhập khẩu than với một doanh nghiệp tại Việt Nam, cụ thể là Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1), để phản ánh đúng thực trạng cũng như hướng đến những giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện pháp lý trong hợp đồng nhập khẩu than của doanh nghiệp này.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là các vấn đề pháp lý trong hợp đồng nhập khẩu than, gắn với thực tiễn hoạt động nhập khẩu than tại Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1).
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Về thời gian: Tác giả thu thập và phân tích các hợp đồng nhập khẩu than của EVNGENCO1 từ năm 2016-2021 (năm 2016 là năm EVNGENCO1 bắt đầu nhập khẩu than), đồng thời đề xuất các giải pháp hoàn thiện hợp đồng nhập khẩu than cho EVNGENCO1 trong giai đoạn 2022-2025.
Về không gian: Luận văn nghiên cứu về các vấn đề pháp lý trong hợp đồng nhập khẩu than trên cơ sở lý luận pháp lý của hệ thống pháp luật Việt Nam về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nói chung và hợp đồng nhập khẩu than nói riêng. Đối với hệ thống pháp luật trên thế giới, tác giả chủ yếu lựa chọn CISG để so sánh