Nhận xét một số đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh nhân ung thư thực quản tại bệnh viện K - 2


DANH MỤC BIỂU ĐỒ

Biểu đồ 3.1. Phân bố bệnh theo nhóm tuổi 20

Biểu đồ 3.2. Tỷ lệ giới tính 21

Biểu đồ 3.3. Tỷ lệ mức độ nuốt nghẹn 24

Biểu đồ 3.4. Tỷ lệ bệnh nhân theo thời gian từ khi có triệu chứng đến khi đi khám 25

DANH MỤC HÌNH

Hình 1.1. Minh họa giải phẫu, liên quan, phân chia thực quản 3

Hình 1.2. Hình ảnh vi thể ung thư biểu mô vảy 11

ĐẶT VẤN ĐỀ

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 78 trang tài liệu này.

Ung thư thực quản là (UTTQ) là khối u ác tính xuất phát từ các tế bào biểu mô thực quản, gồm hai loại: Biểu mô vảy và biểu mô tuyến, có thể xuất phát từ bất kì lớp nào trong bốn lớp: Niêm mạc, dưới niêm mạc, cơ niêm và thanh mạc. Ung thư thực quản là một trong những ung thư có tiên lượng xấu. Bệnh thường phát hiện ở giai đoạn muộn nên việc điều trị ung thư thực quản rất khó khăn, tiên lượng và kết quả thường xấu.

Theo GLOBOCAN 2020, trên toàn thế giới, ung thư thực quản là loại ung thư đứng thứ 8. Tỷ lệ mới mắc chiếm 3,1% trong tổng số mới mắc ung thư, khoảng 604.100 ca và là nguyên nhân thứ 6 gây tử vong do ung thư với 544.076 ca chiếm 5,5 % trong năm 2020. Tỷ lệ mắc ung thư thực quan thay đổi tùy theo khu vực trên thế giới, các nước có tỉ lệ mắc mới cao nhất là Đông Á, tiếp theo là Nam Phi, Đông Phi, Bắc Âu và Nam Trung Á. Nam giới có tỷ lệ cao hơn nữ giới từ 2 đến 3 lần về cả tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong. Ung thư thực quản là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở cả nam giới và nữ giới Bangladesh và nam giới ở Malawi.

Ở Việt Nam, ung thư thực quản xếp loại thứ 14 về tỉ lệ mới mắc năm 2020, chiếm 1,4% tương đương 3281 người, tỷ lệ tử vong là 2,5% (3080 người) đứng thứ 9 trong tổng số tử vong do ung thư.

Ung thư thực quản có thể di căn hạch bạch huyết, phổi, gan, xương, tuyến thượng thận và não [30] và thường di căn đến 1 cơ quan, gan là cơ quan bị di căn thường gặp nhất [39]. Nếu không áp dụng các biện pháp điều trị, thời gian sống của bệnh nhân sau 5 năm chỉ là 15-29% [16].

Triệu chứng lâm sàng của bệnh thường tiến triển âm thầm, giai đoạn đầu thường không rầm rộ, người bệnh đến khám thường ở giai đoạn muộn nên gây khó khăn trong quá trình điều trị. Vì vậy chẩn đoán sớm ung thư thực quản là một yêu cầu cấp thiết trong thực hành lâm sàng. Hiện nay, có nhiều tiến bộ trong sàng lọc phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị ung thư thực quản như: nội soi, siêu âm, cắt lớp vi tính,…

Ung thư thực quản gặp chủ yếu là ung thư biểu mô vảy, chiếm 90%. Tuy nhiên một số nghiên cứu gần đây cho thấy có sự gia tăng tỷ lệ mắc ung thư biểu

mô tuyến. Ở Mỹ trong 29 năm, tỷ lệ ung thư biểu mô tuyến tăng 463%, và các đặc điểm tương tự cũng được quan sát thấy tại Anh và các nước Tây Âu [27].

Do đó, để góp phần hiểu rõ hơn vấn đề này, chúng tôi tiến hành nghiên cứu “Nhận xét một số đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh nhân ung thư thực quản tại bệnh viện K” với các mục tiêu sau:

1. Nhận xét đặc điểm lâm sàng của bệnh nhân ung thư thực quản tại bệnh viện K.

2. Nhận xét đặc điểm cận lâm sàng của bệnh nhân ung thư thực quản tại bệnh viện K.

Chương I: TỔNG QUAN

1.1. Đặc điểm giải phẫu, mô học

1.1.1. Giải phẫu thực quản

1.1.1.1. Hình dạng, kích thước

Thực quản là đoạn đầu của ống tiêu hóa, nối hầu với dạ dày. Đầu trên bắt đầu ở cổ, nằm ngang mức bờ dưới sụn nhẫn và đốt sống cổ VI. Đầu dưới đổ vào bờ phình vị lớn gọi là tâm vị ngang mức đốt sống ngực XI [1].

Ở người trưởng thành, chiều dài thực quản dài khoảng 23 – 25 cm, đường kính 2,2 cm, chia làm 3 đoạn: 1/3 trên, 1/3 giữa và 1/3 dưới.


Hình 1 1 Minh họa giải phẫu liên quan phân chia thực quản 28 1 1 1 2 Liên quan Phần 1

Hình 1.1. Minh họa giải phẫu, liên quan, phân chia thực quản [28]

1.1.1.2. Liên quan

Phần cổ: Liên quan phía trước với khí quản, các thần kinh thanh quản quặt ngược. Ở phía sau với cột sống cổ, cơ dài cổ và lá trước sống của mạc cổ. Hai bên với phần sau thùy tuyến giáp.

Phần ngực: Liên quan phía trước với khí quản, động mạch phổi phải, phế quản gốc trái, tâm nhĩ trái và ngoại tâm mạc. Ở phía sau, liên quan với cột sống

ngực, các cơ dài ngực, các động mạch gian sườn sau phải, ống ngực, tĩnh mạch đơn. Liên quan bên phải với phế mạc phải, tĩnh mạch đơn và thần kinh X; bên trái với quai động mạch chủ, thần kinh X trái.

Phần bụng: Liên quan với phúc mạc với mặt sau gan. Phúc mạc phủ mặt trước thực quản, mặt sau thực quản không có phúc mạc. Mặt sau thực quản tựa trực tiếp vào cột trụ trái cơ hoành và các dây thần kinh hoành dạ dày.

1.1.1.3. Mạch máu và thần kinh thực quản

- Động mạch: Thực quản được cấp máu của các nhánh động mạch sau: động mạch giáp dưới, động mạch phế quản phải tách ra từ động mạch liên sườn một, động mạch phế quản trái, động mạch hoành dưới trái, nhánh thực quản tâm phình vị trước và sau của động mạch vị trái, nhánh tâm vị thực quản của động mạch lách.

- Tĩnh mạch: Hệ thống tĩnh mạch thực quản xuất phát từ các mao mạch, tỏa ra trên thành thực quản 2 đám rối tĩnh mạch, đám rối dưới niêm mạc và đám rối tĩnh mạch cạnh thực quản.

- Hệ bạch huyết: Có hai mạng lưới bạch huyết, một ở dưới niêm mạc và một ở lớp cơ. Từ các hạch của chặng đầu tiên, bạch huyết được dẫn lưu về đổ vào hợp lưu tĩnh mạch cảnh trong – dưới đòn (bên phải). Các hạch cạnh phần thấp thực quản ngực đổ trực tiếp vào ống ngực hoặc vào bể Pecquet qua các hạch tạng.

- Thần kinh: Thần kinh X: hai dây thần kinh X tách ra các nhánh thực quản đi vào chi phối cho thực quản. Thần kinh giao cảm: thần kinh giao cảm là các sợi sau hạch tách từ 5 hạch ngực trên của chuỗi hạch giao cảm cạnh cột sống đi vào chi phối cho thực quản

1.1.2. Mô học thực quản

Thành thực quản cấu tạo gồm 4 lớp:

- Lớp niêm mạc: được chia làm 3 lớp

+ Lớp biểu mô: thuộc loại lát tầng không sừng hóa

+ Lớp đệm: là lớp mô liên kết thưa có những nhú lồi lên phía biểu mô

+ Lớp cơ niêm: lớp cơ niêm của thực quản rất dày

- Lớp dưới niêm mạc: Có những tuyến thực quản chính thức.

- Lớp cơ: dày từ 1 – 1,5 mm, gồm lớp cơ vòng và cơ dọc.

- Lớp vỏ ngoài: Không có lớp thanh mạc che phủ nên ung thư thực quản rất dễ lan tràn ra các cơ quan lân cận trong trung thất [2].

1.2. Dịch tễ và các yếu tố nguy cơ

1.2.1 Dịch tễ học

Theo GLOBOCAN 2020, ung thư thực quản là loại ung thư đứng thứ 8 về tỷ lệ mới mắc chiếm 3,1% trong tổng số mới mắc ung thư, khoảng 604.100 ca và là nguyên nhân thứ 6 gây tử vong do ung thư ở cả hai giới với 544.076 ca chiếm 5,5 % trên toàn thế giới

1.2.2. Các yếu tố nguy cơ

- Tiền sử gia đình

Nguy cơ mắc UTBM vảy tăng gấp đôi ở những người có tiền sử gia đình mắc ung thư thực quản. Đặc biệt, tỷ lệ gặp UTBM vảy cao gấp 8 lần ở những người có bố hoặc mẹ bị ung thư thực quản [12].

- Tuổi và giới tính:

Có sự gia tăng nguy cơ mắc ung thư biểu mô tuyến thực quản ở những người ngoài 50 tuổi, nhưng không có xu hướng tăng sự nghiêm trọng của các yếu tố nguy cơ sau 50 tuổi [11].

- Chè, cà phê

Việc uống nước chè (trà) ở Việt Nam đặc biệt là chè nóng là rất phổ biến. Mối liên hệ của ung thư thực quản tế bào vảy và chè nóng được ghi nhận trong một nghiên cứu bệnh chứng tại Bắc Iran được thực hiện bởi Farhad Islami và cs. Uống chè nóng (60 – 64°C) hoặc chè rất nóng, uống trong vòng 2 phút sau khi rót và ≥ 700 ml mỗi ngày trà ở ≥ 60°C có liên quan đáng kể, tăng khoảng 90% nguy cơ UTBM vảy [21].

Kết hợp uống rượu hoặc hút thuốc với uống trà nóng có thể làm tăng nguy cơ này lên đến 2,03 lần [41].

Một phân tích tổng hợp của Juan Zhang và cộng sự đưa ra kết luận: không tìm thấy mối liên quan giữa việc tiêu thụ cà phê và nguy cơ mắc ung thư thực quản [42]. Ảnh hưởng chủ yếu của việc uống cà phê và nguy cơ ung thư cho thấy có liên quan chặt chẽ đến nhiệt độ đồ uống, từ 70 độ trở lên [23].

- Thuốc lá và rượu

Được coi là yếu tố chính tăng mắc UTTQ. Người hiện đang hút thuốc có tỷ lệ mắc cao hơn người từng hút thuốc. Nhưng người đã bỏ thuốc lá trong vòng 10 năm vẫn có nguy cơ mắc ung thư biểu mô tuyến so với những người chưa hút bao giờ [18]. Lượng rượu trung bình hàng tuần quá 170g làm tăng khả năng gặp ung thư biểu mô vảy hơn. Các bằng chứng về tác dụng của rượu đối với ung thư biểu mô tuyến là rất ít và không nhất quán [32].

- Chế độ ăn uống: Các nghiên cứu chỉ ra mối liên quan giữa chế độ ăn và ung thư thực quản chỉ ra rằng: thực phẩm có chứa hợp chất N – nitroso là chất gây ung thư như rau muối tăng nguy cơ UTBM vảy gấp 2 lần hoặc các loại nấm sản sinh độc tố có thể khử nitrat thành các hợp chất nitroso (nhóm Fusarium moniliforme ở ngô).

Thói quen ăn trầu cau, thức ăn nóng, thịt đỏ, hàm lượng selen thấp, thiếu kẽm, ăn ít folate, ăn ít rau xanh và hoa quả cũng có mối liên hệ đáng kể đến việc tăng tỉ lệ mắc ung thư thực quản, đặc biệt là UTBM vảy [17].

- Vệ sinh, chăm sóc răng miệng kém: Đánh răng một lần một ngày hoặc ít hơn, so với đánh răng hai lần trên ngày hoặc nhiều hơn có nguy cơ tăng khả năng mắc ung thư thực quản tế bào vày 1,81 lần. Bên cạnh đó số lượng răng mất càng cao thì nguy cơ mắc cũng tăng lên [13].

- Béo phì

Béo phì là một yếu tố nguy cơ dẫn đến phát triển ung thư biểu mô tuyến thực quản. Cả chỉ số khối (BMI) và tăng béo bụng cũng liên quan đến nguy cơ mắc bệnh. Các báo cáo chỉ ra rằng BMI cao hơn 25 làm tăng khả năng mắc ung

thư biểu mô tuyến thực quản ở cả nam và nữ. Tuy nhiên BMI cao làm giảm đáng kể nguy cơ ung thư biểu mô vảy thực quản [24].

- HPV: đặc biệt là týp huyết thanh 16 và 18 có liên quan đến cơ chế bệnh sinh của ung thư thực quản tế bào vảy. Fausto Petrelli và cộng sự tổng hợp các nghiên cứu và đưa ra kết luận khoảng 1/5 trường hợp ung thư thực quản tế bào vảy có thể phát hiện HPV với tỷ lệ mắc khác nhau trên toàn thế giới [33].

- Các bệnh lý

+ Trào ngược dạ dày thực quản

Khoảng 10% người bệnh được chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản sẽ bị Barrett thực quản15. Barrett thực quản có nguy cơ gây ung thư biểu mô tuyến cao hơn người không bị Barret từ 30 – 125 lần [7]. Bệnh nhân bị ợ chua tái phát hoặc nôn có nguy cơ tiến triển thành ung thư biểu mô tuyến thực quản gấp 5 lần so với những bệnh nhân không có triệu chứng liên quan [15].

+ Viêm teo dạ dày

Viêm teo dạ dày và các tình trạng làm teo dạ dày có liên quan đến việc tăng khoảng 2 lần nguy cơ ung thư biểu mô vảy thực quản, và không có liên quan đến ung thư biểu mô tuyến [20].

1.3. Đặc điểm bệnh học

1.3.1. Triệu chứng lâm sàng

UTTQ ở giai đoạn đầu thường không biểu hiện triệu chứng hoặc có nhưng không đặc hiệu.

- Triệu chứng lâm sàng hay gặp nhất trong ung thư thực quản là nuốt nghẹn tăng dần, thường tiến triển từ 3 – 4 tháng, tăng lên dần cùng sự lớn lên của khối u. Ban đầu chỉ là cảm giác khó chịu khi nuốt, nuốt vướng sau đó nuốt nghẹn các thức ăn rắn, về sau là thức ăn lỏng, rồi đến nghẹn hoàn toàn.

- Đau khi nuốt: thường gặp, đau sau xương ức. Nếu khối u ở thực quản thấp thì có thể gặp đau bụng. Đau có thể lan ra sau lưng giữa hai vai, lên cằm, ra sau tai hay vùng trước tim.

Xem tất cả 78 trang.

Ngày đăng: 19/03/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí