Nhân vật thiếu nhi qua hai tiểu thuyết Côi cút giữa cảnh đời và Chuyện của Lý của Ma Văn Kháng - 12

sẽ phải gặp sau này trong cuộc đời, nhưng mặt khác phải giúp các em có niềm tin vào cuộc sống - một cuộc sống mới đang bắt đầu mở ra với các em.

Trong Côi cút giữa cảnh đời, những suy ngẫm, triết lí được tác giả gửi gắm vào nhân vật bà nội của Duy - một người phụ nữ sâu sắc và từng trải. Bà nội Duy có cái nhìn thấu đáo và đưa ra những nhận định rất sâu sắc, thấu tình đạt lí về mọi việc. Khi nhìn thấy hai chị em Vàng Anh và Vành Khuyên cãi chửi nhau inh ỏm vì tranh giành những thứ hàng hóa bố chúng gửi từ nước ngoài về, bà đưa ra những nhận xét và lí giải rất sâu sắc: “Tiền, hàng vào nhà nào là gây hỗn loạn nhà đó. Vì trong chúng có chứa hồn ma bóng quỷ. Phải là người vững vàng mới trị được chúng. Nếu vậy, thì hai đứa nặc nô này đích thị là bị quỷ ám ma nhập rồi” [24, tr. 98]. Đó không chỉ đơn thuần là một nhận định mà nó đã trở thành chân lí, chân lí lại được nâng lên từ chính những gì xảy ra trong cuộc sống mà bà ta đã chứng kiến và trải nghiệm. Đồng tiền rõ ràng có một sức mạnh và đồng thời cũng có một sức tàn phá ghê gớm. Với những đứa trẻ được tiếp xúc quá sớm với tiền mà lại không có sự định hướng nghiêm khắc của người lớn như Vàng Anh và Vành Khuyên thì kết cục bi đát đang diễn ra trong gia đình cô Đại Bàng là một tất yếu. Như vậy, quản lý tiền bạc đối với trẻ cũng là một bài học mà gia đình, bố mẹ hiện đại không được coi thường, bởi vì hiện nay con đường quản lý tiền bạc đang được đa nguyên hóa, có người rất giỏi trong việc vận dụng và tích lũy tài sản, nhưng có người lại không giỏi trong việc này. Bởi vậy, dạy trẻ có quan niệm quản lý tiền bạc đúng cách từ sớm có thể giúp trẻ có một cuộc đời thành công.

Bên cạnh Côi cút giữa cảnh đời thì Chuyện của Lýcũng chứa đựng rất nhiều những suy ngẫm, triết lí sâu xa, hướng về nhân bản, bênh vực quyền con người của Ma Văn Kháng. Để đưa ra những triết lí thuyết phục, ông thường đặt nó vào những tình huống cụ thể rồi từ đó phân tích, lí giải, lập luận và đúc rút thành một nhận xét tinh tế. Từ sự việc Bí thư Văn Quyền, tên lưu manh gian ác, kẻ lừa đảo, trác trụy đã gây nên những vụ náo loạn ở trong chi bộ cơ quan huyện ủy Phong Sa, vụ mẹ Nhu có con bị ông Quyền sỉ nhục, rủa sả nặng nề: “Con đàn bà chửa hoang… Xưa đàn bà mắc tội này còn bị làng bắt vạ, còn bị gọt đầu, bỏ rọ trôi sông. Còn bây giờ, có nơi người ta con bắt đeo biển đi dong phố kia kìa” [28, tr.130]. Mục đích mạt sát của

ông Quyền về chuyện có con của Mẹ Nhu là muốn cho dư luận đồng tình với ông để đẩy hai mẹ con Lý vào tình thế bị cô lập, tách biệt. Điều này đã được ông Thòn - người là bậc đại hiền, là ông thánh tông đồ giàu lòng bác ái đưa ra một triết lý sâu xa: “Con người là cái lý sâu xa của cuộc đời”. Câu nói của ông Thòn ngẫm ra rất đúng. Vì “không có con thì làm sao có cuộc đời này. Không có đứa trẻ thì làm sao có cuộc sống và tình yêu thương!” [28, tr. 133]. Sau đó, ông Thòn lại nói với bà em gái của mình với những suy nghĩ rất đời thường: “Này, bà Pham…trong làng bản có ba thứ âm thanh vô cùng quý giá…Thứ nhất là tiếng trẻ con nô đùa. Thứ hai là tiếng đọc sách. Thứ ba là tiếng xa quay, dệt vải. Đó, cái Lý của người Dao, của mọi người là thế đấy! Mà mẹ Lý đâu có phải là người làm nên tội! Khổ, cô giáo đã cất công từ miền xuôi lên đây để dạy chữ cho người miền rừng xanh núi đỏ mình” [28, tr. 58]. Vậy, Lý chắc chắn là con của bố Khánh, mẹ Nhu mà cũng là con của người đời, là phúc lộc của người đời như ông Thòn nói đó. Nên việc mẹ Nhu sinh con là hoàn toàn hợp theo lẽ tự nhiên, cần phải được bảo vệ chính đáng.

Ma Văn Kháng đã khai thác thành công giọng điệu này để cho nhân vật bộc lộ những tình cảm, nghĩ suy, quan niệm về cuộc sống của mình. Điều này, thể hiện rõ nhất qua nhân vật Chu Văn Dương, người đã suy ngẫm và đưa ra quan niệm của mình rất thấu tình đạt lý: “Ông Bí thư!... con người ta mang tiếng là con người, có thể trở thành những bãi đờm của một con bệnh ho lao như thế nào! Đạo diễn cái trò bỉ ổi này nếu không phải là ông thì ắt hẳn là cái thằng vô lại hạ tiện đã bỏ lại cây đèn bão Trung Quốc chạy lấy người trong nhà khách đêm vừa rồi khi hai mẹ con cô Nhu nghỉ lại đây chứ! Còn các đồng chí trong chi bộ, xin đừng vào hùa với đồ dê chó dâm loàn đưa cuộc sống trở lại thời mông muội dã man bán khai. Cô Nhu không có tội!” [28, tr. 131]. Có thể nói, Chu Văn Dương là một Đảng viên mẫu mực với một khí phách hiên ngang, ngạo nghễ đã dám đứng lên vạch mặt chỉ tên Văn Quyền để đòi lẽ phải, đòi quyền sống và sự công bằng cho những người dân lương thiện như mẹ Nhu. Ta thấy, con người luôn luôn chịu sức ép của dư luận nhưng ở truyện này, dư luận không đồng tình, không hùa theo người có chức vị công quyền như Bí thư Văn Quyền: “Này, cái trò lợi dụng danh nghĩa Tổ quốc để hại đồng loại như đối với anh Khánh xem chừng lộ liễu rồi, nên giờ đành công khai giơ cái mặt chó đê hèn ra

để dọa nạt ta, hả? Ta hứa sẽ phải lột trần cái mặt nạ lừa đảo của mi!” [28, tr. 132].

Như vậy, cái ác đã sinh ra cùng bước đi đầu tiên của con người. Thiện ác nằm trong thể nhất nguyên luận, chúng luôn luôn tương nhập trong một vận động đầy mâu thuẫn. Sự phát triển xã hội bao gồm cả vận động thụt lùi mang tính chất phá hoại. Hiện tượng tha hóa của Bí thư Văn Quyền là một ví dụ tiêu biểu. Cho nên, “cuộc sống của những con người như Khánh, mình, như Nhu và bao người tốt đẹp khác mà lại để nó tồn tại, hoành hành và lâu đến như thế!” [28, tr. 213]. Câu hỏi vừa chứa đựng chân lí vừa ẩn giấu một nỗi buồn man mác của Ma Văn Kháng trước nhân tình thế thái. Nỗi buồn đó không có sắc thái của sự bi quan, chán nản mà nó xuất phát từ tình yêu thương con người, muốn bảo vệ lẽ phải và sự công bằng trong cuộc sống của nhà văn.

Việc khái quát cuộc sống bằng giọng điệu suy ngẫm, triết lý, hướng về nhân bản, bênh vực quyền con người với những lý giải sâu sắc, chứng tỏ trách nhiệm của các nhà văn trước cuộc đời. Nỗi trăn trở lớn nhất của nhà văn là hướng về nhân bản, bênh vực quyền sống cho con người: “Có văn hóa, con người là một thực thể biết sống cho đồng loại. Biết cải đổi hoàn cảnh, biết tạo nên một môi trường nhân văn để con người được sống như một con người. Hết lòng chia sẻ, cưu mang, đỡ nâng những kiếp người bất hạnh… Có văn hóa và tình yêu nên con người biết tạo ra cái đẹp, biết ngưỡng mộ cái đẹp và noi theo cái đẹp! [28, tr. 428 - 429].

Những suy ngẫm, triết lí và lí giải về con người của Ma Văn Kháng không phải là những vấn đề đao to búa lớn mà nó rất thường nhật, gần gũi. Nó thể hiện những khắc khoải, những trăn trở của ông về nhân tình thế thái, về quyền sống của con người. Chính sắc thái giọng điệu này đã góp phần làm cho những trang viết của nhà văn có bề sâu trí tuệ, đưa người đọc tới sự cảm nhận sâu sắc thấm thía nhiều điều về con người và cuộc sống hôm nay.

3.2.2.3. Giọng điệu thương cảm, xót xa

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 115 trang tài liệu này.

Côi cút giữa cảnh đời Chuyện của Lý là hai tiểu thuyết viết về thiếu nhi bên cạnh những vấn đề tình bạn, tình anh em, tình cha mẹ, tình bà cháu, ông cháu....Ma Văn Kháng đã đưa vào đó những chất liệu hiện thực ngồn ngộn để chuẩn bị cho các em một hành trang sống đầy đủ khi bước vào tương lai. Những hiện thực sống động

nhưng không kém phần phức tạp đó chắc chắn không chỉ có niềm vui mà còn có nỗi buồn, không chỉ có tình yêu thương mà còn có sự ghen ghét đố kị, không chỉ có sự công bằng, bình yên mà còn có sự bất công ngang trái. Vậy nên, để khắc họa đậm nét hiện thực đó thì Ma Văn Kháng đã sử dụng giọng điệu thương cảm, xót xa. Chất giọng thể hiện tình yêu thương, sự cảm thông, xót xa của nhà văn trước những nỗi đau của con người, trước những cảnh buồn thăm thẳm đã và đang tồn tại không ít trong cuộc sống hôm nay.

Nhân vật thiếu nhi qua hai tiểu thuyết Côi cút giữa cảnh đời và Chuyện của Lý của Ma Văn Kháng - 12

Trong cuốn tiểu thuyết Côi cút giữa cảnh đời, đã không ít lần nhân vật trần thuật ở ngôi thứ nhất - cậu bé Duy thốt lên những lời thương cảm, xót xa cho chính thân phận bất hạnh của mình, cho đứa em tội nghiệp và cho cái gánh nặng trĩu vai của bà nội phải oằn mình chống đỡ trong những ngày gia đình li tán. Trước sự đối xử bất công của cô Thìn, cậu bé xót xa nghĩ rằng: “Tôi không có quần áo đẹp, không có đồ chơi, không được cô giáo Thìn yêu chiều săn sóc như nhiều đứa… Một khuôn mặt buồn buồn, lầm lì. Đó là tôi. Buổi trưa ngủ dậy, do tôi chưa kịp đóng tiền, nên không có suất quà…” [24, tr. 62]. Những từ “không” được lặp lại cùng với “khuôn mặt buồn buồn, lầm lì” đã chứng tỏ sự tủi thân và có phần ấm ức của cậu bé ý thức được đầy đủ hoàn cảnh nghèo khó và sự chênh lệch trong cách đối xử của cô giáo. Và điệp từ “một” như những tiếng nấc thổn thức của thân phận tội nghiệp cô đơn trước một tập thể đông vui và cách biệt về mọi thứ. Giọng điệu đoạn văn như những câu nói ngắc ngứ do đau buồn, do ấm ức, do tự ái của một cậu bé đa cảm lần đầu tiên va chạm phải bất công của cuộc đời.

Càng xót xa cho mình bao nhiêu, Duy càng thương em Thảm bấy nhiêu. Ở trong cuốn Côi cút giữa cảnh đời, không biết bao nhiều lần Duy đã phải kêu lên những tiếng kêu thảng thốt, xót xa trước tính mạng đang ngàn cân treo sợi tóc của bé Thảm trong cuộc chiến sinh tử với bệnh tật: “Em nằm xẹp như một dải khoai héo. Đôi môi ho hó, bợt bạt, không buồn động đậy. Em thở khò khè. Trên vầng trán nhỏ của em, gân xanh nổi chằng chẵng. Tim em đập rất khẽ. Có lúc tôi đặt tay lên tưởng tim nó đã ngừng” [24, tr.159]. Những từ “em” được láy lại như điểm nhấn của nỗi đau và tình thương cảm trước những nỗi bất hạnh mà em Thảm phải trải qua.

Không chỉ có Duy, giọng điệu thương cảm, xót xa còn được thể hiện ở bà nội cậu

bé. Thời buổi còn nhiều nhiễu nhương, bất công ngang trái liên tục đổ xuống những thành viên trong gia đình. Nạn nọ chưa qua, nạn kia đã ló đầu xuất hiện nên dù là một người phụ nữ rất quả cảm và vững vàng, bà Nội Duy nhiều khi cảm thấy bất lực và bà đã tìm đến nức nở bên ngôi mộ người chồng xa cách nghìn trùng để tìm sự giãi bày nương tựa. Nhưng cũng có lúc bà phải thốt lên đau đớn trong lời tâm sự với cô Quyên: “Thảm thiết quá, cô ơi! Rồi đây, biết sống thế nào! Bè thì là bè lim, mà sào thì lại sào sậy, cô à…” [24, tr. 141]. Hình như tất cả đã quá mức chịu đựng, sự bất công, nỗi oan ức đã lên đến đỉnh điểm nên đến bây giờ nó mới nổ tung. Tiếng kêu thực ra đã có từ lâu nhưng đã cố gắng được nén chịu, được dằn lòng, được vùi lấp nên bây giờ khi bật ra nó mới trở nên thảm thiết như vậy.

Giống như tiểu thuyết Côi cút giữa cảnh đời, trong Chuyện của Lý, Ma Văn Kháng cũng sử dụng thành công giọng điệu thương cảm, xót xa để hiểu rõ hơn về nỗi khổ cực, cay đắng của họ, để cảm thông phần nào cho những nỗi đau và sự ngang trái mà nhân vật phải gánh chịu.

Chất giọng thương cảm, xót xa được thể hiện ở một số tình huống nhạy cảm trong tác phẩm dưới con mắt của Lý. Chẳng hạn, anh Đam là một người tài hoa và có nhân cách cao thượng nhưng lại phải rời khỏi nhà mình trong chiếc còng sắt ghẻ lạnh, thậm chí giễu cợt khinh bỉ của mọi người: “Lý vừa cất tiếng hỏi thì từ trong nhà anh Đam mặc cái áo Giáy đen cũn cỡn cài khuy vải, hai tay tra trong cái còng số tám, vùng vằng ra đi. Đằng sau hai người công an. Một anh béo ú, một anh gầy ngẳng” [28, tr. 171]. Nhìn thấy cảnh tượng của anh Đam, Lý không thể không tránh khỏi cảm giác nhức nhối, xót xa vì sự bất bình của bọn thái độ cường quyền: “Khổ, anh bị kết tội là trai gái bất chính. Anh kêu oan. Mà oan thật. Anh hát hay, anh múa sử tử tài, anh giỏi võ thuật, các cô gái mến anh, thích trò chuyện với anh, có ai thấy anh sàm sỡ với các cô đâu mà dám dựng đứng lên chuyện bậy bạ thế cho anh” [28, tr. 175]. Nhưng anh Đam cũng là con người chứ đâu có phải bóng chim, tăm cá. “Chẳng lẽ, thời gian và cuộc chiến đã biến tất cả thành hư vô? … Chả lẽ tất cả đã một đi không trở lại, giống như thời thơ ấu của nhân loại, vàng son chỉ còn lại thấp thoáng ánh hào quang trong tâm khảm mấy người già?” [28, tr. 284]. Nghĩa là, anh Đam đã có một thời rạng rỡ ở huyện Phong Sa và để lại những ấn tượng, những tình

cảm cao quý đối với người dân lương thiện. Anh Đam là một con người đã phát triển nhân cách tới mức biết được giá trị của mình, dám tự khẳng định mình qua những lời ca, tiếng hát, qua việc đánh trống, múa sư tử… lại có thể dễ dàng phủ nhận anh sau khi bị giam oan. Sự day dứt, ám ảnh của Lý về anh Đam cũng giống như số phận của Lý và bố mẹ Lý. Lý cảm thấy cuộc đời thật lắm trái ngang và rối ren, nhưng cái quan trọng con người phải biết tạo ra niềm vui cho mình, phải biết vượt qua những đau khổ buồn phiền của chính mình. Tư thế này sẽ cao hơn sự nhẫn nhịn thông thường.

Ngoài anh Đam ra, giọng điệu thương cảm, xót xa còn được thể hiện đậm nét nhất về ông Thòn kính yêu của Lý đã qua đời: “Lý khóc ai oán”, “Lý gào thống thiết: Ông ơi, thế là ông không đưa cháu về Hà Nội học được rồi. Ông ơi sao bỏ cháu ông đi mà không chờ cháu về nghe ông dặn bảo, ông ơi”... Chính lúc ấy, ông Thòn của Lý lại từ cõi chết đột ngột trở về. Và người đầu tiên ông nhìn thấy là Lý, Lý bàng hoàng kêu to: Ông! Còn ông thì mủm mỉm cười để ông căn dặn những điều gan ruột cuối cùng: “Lý à. Đừng trách ông nhé! Ông không đi cùng cháu về Thủ đô được rồi. Cháu đi một mình vậy nhé. Phân biệt vuông với tròn, ngắn với dài, thô với tinh. Ăn hạt nghĩa, trả quả nhân. Đó là cái đạo của vạn vật, là cái phúc lộc của người đời, cháu nhớ nhé! Nói rồi, ông lại nhắm mắt và lần này Lý đổ sập xuống mình ông, khóc thét lên vì tuyệt: Ông ơi, thế là cháu mất hẳn ông rồi! Phun tráng ôông! Cháu yêu ông, cháu sẽ nhớ ông mãi mãi, ông ơi!” [28, tr. 298]. Đoạn văn bộc lộ niềm xúc động, niềm oán thoán xót đau của Lý trước những người ông, người thầy đáng kính đã về an nghỉ nơi suối vàng. Ông Thòn là một con người đã trọn đời mẫu mực trong sự dung dị của đời thường. Cả cuộc đời quẩn quanh nơi thôn xóm miền rừng hẩm hút. Mà tấm lòng thì quảng đại bao la. Mà nhận ra, “con người mới là cái lý sâu xa của cuộc đời”. Câu nói đầy tình nhân ái của ông chính lại là điểm tựa tinh thần của Lý: “Ông ơi, ơn này con để hai vai, thương nhớ này biết đến bao giờ mới nguôi”. Đặc biệt, điệp từ “ông ơi” được lặp lại nhiều lần như để khẳng định về người ông, sống vẹn tròn đạo đức, làm nhiều điều có ích cho mọi người, hưởng hết tuổi trời, thanh thản đi về cõi vô cùng.

Như vậy, số phận của những con người bất hạnh được thể hiện rõ nhất bằng

giọng điệu thương cảm, xót xa. Giọng điệu này đã góp phần làm thành một bản hợp tấu đa giọng điệu của nhà văn, đồng thời cũng lý giải vì sao, những tiểu thuyết viết về thiếu nhi của Ma Văn Kháng thời kỳ Đổi mới luôn cuốn hút độc giả. Đây là một trong những sắc thái giọng điệu giúp người đọc cảm nhận rõ tâm hồn và trái tim nhân hậu, trong sáng của nhà văn.

3.2.2.4. Giọng điệu mỉa mai, phê phán

Đối tượng mỉa mai, phê phán của Ma Văn Kháng là nhằm vào tất cả những thói hư tật xấu, những suy thoái biến chất của con người trong cuộc sống đời thường. Cho nên, khi chuyển hướng ngòi bút sáng tác của mình, Ma Văn Kháng đã nhanh chóng tiếp cận một hiện thực phong phú, ngổn ngang, bộn bề, phải trái trắng đen lẫn lộn, xen cài trong đó biết bao biến động. Quả thực, nhiều chục năm nay, khi nói đến hiện thực trong văn học chúng ta, bên cạnh những mặt tích cực, phấn chấn, hào hùng được các nhà văn miêu tả một cách hào phóng, thì những mảng tối, những bóng đen nhiều khi còn quá gượng nhẹ, hoặc né tránh. Trong khi cái xấu, cái ác không biết có từ bao giờ mà đang từ bóng tối đã lấn dần ra ánh sáng và biết bao con người lao động lương thiện đã lâm vào đau khổ, thậm chí tuyệt vọng. Cũng như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khắc Trường…Ma Văn Kháng “đã vục vào cái sự thật tối tăm oan khổ” (GS. Phong Lê) trong hầu hết các sáng của mình. Đất nước ta vừa trải qua hai cuộc chiến tranh tàn khốc, nay trở về cuộc sống đúng với quy luật bình thường của nó, nhưng thực tế đó không hề diễn ra bình yên. Vốn đã quen với đời sống trong chiến tranh, nơi chỉ có mục tiêu duy nhất là đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, nhưng giờ đây trước cuộc sống mới con người trở nên bỡ ngỡ, khó bề hoà nhập ngay được với cơ chế mới, hoàn cảnh sống mới. Đời sống của nền kinh tế thị trường lúc này là một thứ thuốc thử về năng lực và phẩm hạnh con người. Con người phải đứng trước những thử thách nghiệt ngã của cuộc sống mà cuộc đấu tranh với chính bản thân là cuộc đấu tranh nhiều cam go nhất. Thử thách này không chỉ diễn ra với đại bộ phận người dân mà còn diễn ra ngay trong bộ máy chính quyền, quản lý nhà nước. Trước thực tế không ít những kẻ được Đảng và Nhà nước giao trách nhiệm quản lý, giúp đỡ nhân dân đã thừa cơ hội "đục nước béo cò", đục khoét của Nhà nước, chèn ép, hành hạ những người dân

lương thiện. Ma Văn Kháng đã đưa ra ánh sáng sự ấu trĩ của xã hội ta một thời, đó là lý lịch hoá trong việc lựa chọn cán bộ lãnh đạo. Và ông luôn cảm thấy lo âu, trăn trở và muốn cất lên lời kêu cứu khẩn thiết cần phải chấn chỉnh lại cơ chế cũ của một nhà văn có tài, có tâm trong sáng, có trách nhiệm với cuộc đời trên những trang viết của mình.

Ma Văn Kháng là nhà văn không hề tránh cái xấu, bằng giọng điệu “trời phú” cho mình - giọng điệu mỉa mai, phê phán, ông đã lật tẩy đối tượng một cách không thương tiếc trên từng trang sách của mình để tỏ rõ một thái độ, bộc lộ một nỗi lòng đau đớn về sự bất cập trong việc lựa chọn cán bộ chủ chốt ở từng cơ quan, trường học hoặc những con em nhà giàu chiều chuộng không đúng cách.

Bằng giọng điệu mỉa mai, phê phán, Ma Văn Kháng đã làm nổi bật lên chân dung của những người lãnh đạo cầm quyền. Trong tác phẩm Côi cút giữa cảnh đời, tiêu biểu là lão Luông - Chủ tịch phường Ngọc Sinh, nơi bà cháu Duy cư trú. Ông hiện lên chân dung một lãnh đạo cầm quyền rất oách và ác: “Mặt ông choăn choắt, da ông sắt seo và mũi ông tóp nhọn, cứng như sắt. Hai con mắt ti hí như mắt láo liên liên hồi…” [24, tr. 51]. Bằng cách sử dụng đậm đặc và chuẩn xác những từ láy và nhiều kiểu câu đa dạng, Ma Văn Kháng không chỉ cho người đọc chiêm ngưỡng gương mặt và dáng hình xấu xí của ông Chủ tịch phường, mà ông còn lột tả hành vi đểu cáng, độc ác và lối suy diễn dốt nát của ông ta. Sự dốt nát của ông được thể hiện rõ hơn khi ông Chủ tịch phường đã công tác ở ngành ngoại giao hàng ba chục năm mà lại cho rằng: “Tây du ký là cái chuyện Đặng Tiểu Bình du hí ở bên Tây, tức bên Mỹ”. Bởi vậy, ông ta cấm mọi người không được đọc cuốn sách đó: “Tuyệt đối không cho phép ăn nói bừa bãi. Cũng như đọc sách gì phải duyệt. Chết thôi! Đang chống Tàu mà lại đi đọc sách Tàu” [24, tr. 56]. Khi ông nghe thấy lão Hứng nói: “Tây du ký là cuốn truyện Tàu nói về cái chuyện thầy Đường Tăng đi sang Tây Trúc tức nước Ấn Độ” thì lúc này lão Luông mới nhận ra được cái sai, cái dốt nát của mình khi đi cấm mọi người không được đọc. Bằng giọng điệu mỉa mai, châm biếm qua cách kể và tả, nhà văn đã phê phán, bóc trần bản chất dốt nát của lão Luông - người lãnh đạo "rởm".

Nếu như Tô Hoài lấy giọng điệu nhẹ nhàng dí dỏm khi thì mát mẻ, khi lại mỉa

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 18/09/2023