vật này khi biết rằng cho đến đầu thế kỉ XX các nhà nho vẫn “ao ước” nhân vật Thúy Kiều tự sát ngay khi mới vào lầu xanh để bảo toàn danh tiết.
Chuyện về bà mẹ Nguyễn Cao trong Mẹ nào con ấy được viết theo mô hình liệt truyện mở rộng, truyện lồng trong truyện mà ở đó truyện về Nguyễn Cao là phần phụ thêm vào. Câu chuyện Nguyễn Cao dẫu không được phản ánh “trực tiếp” nhưng vẫn còn nặng tính thời sự. Hành vi “lấy tay tự rạch bụng lôi tim ruột ra cho mọi người xem, máu me đầm đìa” rồi thản nhiên cười nói, cắn lưỡi mà chết của ông để phủ nhận sự vu thác là một hành vi tiết liệt dù không phải hiếm trong bối cảnh lịch sử bấy giờ nhưng độ bạo liệt của nó đủ gây ấn tượng mạnh với tất cả những người đương thời, một thời kì của những cái bi tráng nhưng cũng không thiếu những kẻ thấp hèn. Truyện về Nguyễn Cao có dung lượng ngắn so với phần truyện về mẹ ông nhưng lại là cái cớ để câu chuyện về mẹ ông được xuất hiện, là động lực để tác giả kể lại một câu chuyện đã xảy ra hơn nửa thế kỉ mà ý nghĩa thời sự của nó nằm ở chỗ: Nó là lời giải cho việc đi tìm nguyên nhân cho sức mạnh tinh thần của thời đại mà tác giả đang sống. Do đó, vượt ra khỏi dự liệu ban đầu của tác giả, phần viết về người mẹ cơ hồ lại trở thành nội dung chính của câu chuyện dẫu hai hành vi tiết liệt mang một sức nặng ngang nhau. Chính lời bình của Phạm Đình Dục đã phần nào nói lên điều đó: “Than ôi! Mẹ có thể tự xẻo vú, con có thể tự móc ruột, trinh tiết, anh phong, nghìn thuở rực rỡ. Người đời Tấn khen bà mẹ Đào Khản: “Không phải mẹ ấy không thể sinh con ấy”. Với phu nhân họ Cao, tôi cũng xin nói như vậy” [30, tr.322]. Có thể khẳng định điều đó vì trong thời chiến thì người đời quan tâm đến việc làm của Nguyễn Cao, khi bình tĩnh thì quan tâm đến cả hai mẹ con như một cách cắt nghĩa, lí giải nguyên nhân, là một hành động tự nhận thức sức mạnh tinh thần của cá nhân, sức mạnh dòng tộc, sức mạnh của tập thể, một kiểu “truyền thừa”, di truyền văn hóa của tầng lớp tinh hoa đương thời. Trong Hát Đông thư dị, Nguyễn Thượng Hiền kể chuyện Ông Tán lí họ Nguyễn nhưng không nhắc tới người mẹ mà chỉ kể thật chi tiết con đường đi đến hành vi tử tiết của Nguyễn
Cao71. Có thể thấy, đối với truyện Mẹ nào con ấy, Phạm Đình Dục đã tách rời tư duy sử học, bỏ qua “ga xép” sử liệu mà tiến thẳng đến đích tới “văn liệu” dù vẫn còn giữ lại cho nhân vật một “khoảng cách sử thi”.
Trong thực tế, hành vi tiết liệt của mẹ Nguyễn Cao là một cách gây sốc cho người đương thời và cũng là một chi tiết, chỉ cần được phản ánh trung thực, cũng đủ tạo ấn tượng mạnh với độc giả bởi cách bà tìm đến cái chết khác hẳn so với những liệt nữ còn lại trong lịch sử Việt Nam thời trung đại đi vào sáng tác văn chương. Thêm nữa, khác với rất nhiều liệt nữ khác, bà không được ghi lại cả họ lẫn tên. Một cái tên chung chung như Nguyễn thị, Lê thị, Đỗ tiết phụ, Trần liệt phụ… cũng không có. Bà được định vị theo sự tồn tại của con trai mình, theo đúng nguyên tắc “phu tử tòng tử” và quan hệ nhân quả “mẫu tiết, tử hiền”. Điều này đặc biệt đúng với kết luận “Trong quá trình phát triển của mình, đạo Khổng ngày càng coi trọng vấn đề trinh tiết phụ nữ, lòng chung thủy của họ đối với người chồng. Chúng được xem như là yếu tố quan trọng nhất đối với cuộc sống gia đình và tư cách làm mẹ” [166, tr.71 - 72] đồng thời phần nào phủ định quan niệm cho rằng trong các xã hội nam quyền phụ nữ “chỉ tồn tại để sinh con” [16, tr.23] bởi họ còn có vai trò rất lớn trong việc bồi đắp nhân cách cho con, tạo nên truyền thống tinh thần của một gia đình, thậm chí một dòng họ. Ở đây, có một độ chênh nhất định giữa Văn và Sử mà ở đó lựa chọn của nhà văn là thống nhất: Hướng tới những giá trị mở và có tính đột biến. Không phải ngẫu nhiên mà Phạm Đình Dục là tác giả của cả Lưỡng phu trinh tiết và Thử tử thử mẫu. Yếu tố dân tộc - một vấn đề cốt lõi của tính thời sự trong giai đoạn nửa sau thế kỉ XIX - cùng với nhu cầu hệ thống hóa, huy động sức mạnh của quá khứ là nguyên nhân chính cho sự xuất hiện truyện Mẹ nào con ấy. Mô hình song song giữa Trung và Trinh này là một lối tư duy khá phổ biến trong giai đoạn đó. Trong Lời tán cuối truyện kể về Hồ Huân Nghiệp, Nguyễn Thông (1827 - 1884) đã từng viết: “Từ khi người Tây gây biến ở Lục tỉnh, sĩ phu và dân chúng liều mình đứng lên, khảng khái chịu chết kể không xiết được (…). Còn như ở chốn làng xa
71 Phạm Đình Dục từng hiệu đính Hát Đông thư dị của Nguyễn Thượng Hiền và Vân nang tiểu sử
hoàn thành năm 1886.
Có thể bạn quan tâm!
- Nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam trung đại - 16
- Thực Lục: Đại Nam Thực Lục; Nhất Thống Chí: Đại Nam Nhất Thống Chí; Liệt Truyện: Đại Nam Liệt Truyện.
- Tính Thời Sự Và Tính Duy Lí Của Nhân Vật Liệt Nữ Nửa Sau Thế Kỉ Xix: Trường Hợp Nhân Vật Mẹ Nguyễn Cao ("vân Nang Tiểu Sử")
- Nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam trung đại - 20
- Nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam trung đại - 21
- Nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam trung đại - 22
Xem toàn bộ 193 trang tài liệu này.
ngõ hẻm, những trinh phụ, liệt nữ trọng nghĩa không chịu ô nhục, chống giặc đến chết, chính tôi biết được có hơn chục người” [183, tr.116 - 117]. Ở đây, đằng sau câu chuyện trinh liệt là yếu tố dân tộc cho nên nhân vật liệt nữ của giai đoạn này thể hiện tính thời sự rất đậm. Thêm nữa, hành vi tiết liệt của bà mẹ Nguyễn Cao xảy ra trong khoảng năm 1830, như trên đã thống kê, mốc thời gian sau khi Minh Mạng lên ngôi khoảng 10 năm và việc nêu khen trinh tiết được đánh dấu một cách mạnh mẽ để rồi sau này có lúc nhà Nguyễn đã phải “chuẩn hóa” việc ban khen như một cách hãm phanh “phong trào” đó, chủ yếu là vì lí do kinh tế. Quy định về tiêu chuẩn nêu khen chứng tỏ việc nêu khen đã tạo ra một hiệu ứng, hay hơn nữa là một sự hưởng ứng trước tiên là về mặt lượng, sau đó là đến mặt chất, khiến những tấm gương liệt nữ đã từng được nêu khen trở nên nhạt nhòa, phải có những tiêu chuẩn mới cao hơn để lấy làm mục tiêu cho danh hiệu này. Ở một phương diện khác, việc làm này có thể là một minh chứng cho thấy triều đình bắt đầu thấy mệt mỏi, có thể là nhàm chán với công việc đó, và muốn tạo ra những cái cớ để bớt đi những việc phải làm. Việc mẹ Nguyễn Cao không được các sử liệu chính thống ghi lại là một chi tiết đáng lưu ý.
Giai đoạn nửa sau thế kỉ XIX, vấn đề chọn đường, chọn lập trường cho từng cá nhân và cho cả dân tộc, đặc biệt là cho từng cá nhân là vấn đề gây ra nhiều giằng xé và day dứt. Cho đến cuối thế kỉ XIX, Nguyễn Khuyến, nhà thơ ăn lương của triều đình để ẩn dật giữa bối cảnh làng quê đã xuất hiện những “pháp mật”, “phú phiền” cũng từng băn khoăn về vấn đề này. Ông dùng nhiều hình tượng để tỏ chí, để tự nhạo mình như Ông phỗng đá, Tiến sĩ giấy, Anh giả điếc nhưng trong đó có không ít bài thơ dùng hình tượng người tiết phụ để kí thác tâm trạng như Lời gái góa, Mẹ Mốc, có lẽ vì vậy mà Biện Minh Điền đã cho rằng trong thơ Nguyễn Khuyến “hình tượng nhà nho vì nghĩa - hình tượng xúc động nhất một thời sẽ nhường chỗ cho hình tượng nhà nho giữ tiết” [39, tr.85]. Qua các nhân vật, hình tượng tiết phụ này, Nguyễn Khuyến đã thể hiện một cái nhìn duy lí về thời cuộc, về chỗ đứng của nhà nho lúc chợ chiều. Hình ảnh mẹ Mốc “Sạch như nước, trắng như ngà, trong như tuyết - Mảnh gương trinh vằng vặc quyết không nhơ - Đắp tai,
ngoảnh mặt làm ngơ - Rằng khôn cũng kệ, rằng khờ cũng thây” [42, tr.393] có một sự tương thông với "anh giả điếc" trong thơ ông. Như vậy, điều bài thơ hướng tới là một thái độ chính trị hơn là một lựa chọn đạo đức. Trong thực tế, Nguyễn Khuyến viết về nhiều vai “nữ lệch” [177, tr.258] như Tư Hồng, đĩ cầu Nôm, Hậu Cẩm… nhưng số chân dung ít ỏi các tiết phụ cũng giúp ông bày tỏ được phần nào chính kiến của mình. Sự chọn lựa, dùng dằng giữa các ngả rẽ dù rằng biết trước “Nhược vi thảng thốt lâm nghi dị, Đáo đắc thoan tuần biện diệc nan” chứng tỏ sự duy lí ám ảnh ông đến thế nào trong các cách thế ứng xử trước thời cuộc. Tuy nhiên, Nguyễn Khuyến không phải là người duy nhất mượn các biến thể của kiểu nhân cách liệt nữ để bày tỏ chí mình. Bùi Dương Lịch (1757 - 1828) từng làm bài Phu phụ thạch (Đá vợ chồng) chứng tỏ lòng mình vẫn hướng về nhà Lê dù ông bị chế giễu là “Lê triều cử Tiến sĩ - Tây ngụy nhập hàn lâm - Bản triều vi đốc học - Dữ thế cộng phù trầm”. Trong những ngày đầu thực dân Pháp đánh chiếm Nam bộ, cuộc bút chiến giữa Phan Văn Trị (1830 - 1910) (và các nhà nho cùng chí hướng) với Tôn Thọ Tường (1825 - 1877) là một trường hợp như thế. Mượn đề tài Tôn phu nhân quy Thục, Tôn Thọ Tường tự nhận mình đã “vẹn chữ tòng”, “rạng tiết gái Giang Đông” trên cơ sở quan niệm “Thà mất lòng anh đặng bụng chồng” [183, tr.80] nhưng Phan Văn Trị đã “nhắc nhở” để Tôn Thọ Tường không quên danh phận, thậm chí là “giới tính” của Tường khi kết lại bài thơ họa:
Anh hỡi Tôn Quyền anh có biết,
Trai ngay thờ chúa, gái thờ chồng [183, tr.74].
Phan Văn Trị đã giải quyết vấn đề một cách thấu đáo. Nếu như Tôn Thọ Tường định lập lờ mượn hình tượng Tôn phu nhân đời Hán bên Trung Quốc để né tránh chữ Trung thì Cử Trị đã nhắc lại vấn đề đó cho Tôn Thọ Tường không thể tránh né được nữa. Ở đây, vấn đề Trung đã được đặt lên trước Trinh khiến Tôn Thọ Tường đuối lí để rồi rút lui khỏi cuộc bút chiến bằng cách viết Lão kĩ quy y (Đĩ già đi tu). Không phải tự dưng mà các chủ đề Tôn Thọ Tường lựa chọn (Tôn phu nhân quy Thục, Từ Thứ quy Tào) đều mang ý nghĩa thời sự với một tinh thần duy lí rất cao, nó thể hiện những băn khoăn của người đương thời về câu chuyện chọn đường,
một vấn đề cốt tử của mỗi cá nhân và cả dân tộc trong thời điểm đó. Cũng trong giai đoạn này, Thúy Kiều của Nguyễn Du còn trở thành bình phong cho những người như Tôn Thọ Tường cảm khái thời thế, biện bạch cho bản thân và đổ lỗi cho thời cuộc, cho hoàn cảnh:
Chữ hiếu ít nhiều trời đất biết, Mảnh tình nặng nhẹ chị em chung. Soi gương kim cổ thương mà trách,
Chẳng trách chi Kiều trách Hóa công [45, tr.36].
Khi “trách Hóa công” là người trách đã nhấn mạnh yếu tố hoàn cảnh, thậm chí siêu hình hơn là số phận, làm nhạt đi phương diện bản lĩnh của nhân vật. Như vậy cảm hứng treo gương liệt nữ của nhân vật đến đây đã bị yếu tố thời sự làm mờ đi72. Cũng với sự ảnh hưởng của tình hình thời sự đấu tranh giữa chủ chiến với chủ hòa mà Nguyễn Xuân Ôn, một người đã từng “làm nổi rõ danh thơm của những bậc trung thần liệt phụ” [218, tr.306] - như nhận xét của Trần Quang Diệm - khi viết Độc Thúy Kiều truyện cảm tác đã kết lại bằng sự bất bình về việc:
Vãn tiết độc tồn trinh bạch tháo, Hối giao phu tế tác hàng đầu.
(Xuân tàn rồi còn giữ được tiết tháo trắng trong,
Chỉ hối hận đã khuyên chồng bó thân cởi giáp) [218, tr.233 - 234].
Trước yêu cầu của tính thời sự, việc phê phán Thúy Kiều (Truyện Kiều) theo hướng đạo đức trinh liệt, tà dâm “ngủ đông” một thời gian, nhường chỗ cho những cảm hứng mang màu sắc chính trị để rồi lại xuất hiện ồ ạt trên văn đàn vào đầu thế kỉ XX. Song hành với đó là cảm hứng lên án Kiều về mặt đạo lí, nữ hạnh sẽ lên cao hơn. Các nhà nho đầu thế kỉ XX như Huỳnh Thúc Kháng, không chỉ mắng Kiều là “tà dâm” mà còn gọi Kiều bằng tên nghề nghiệp thời lưu lạc của nàng một cách
72 Trong lịch sử đã từng có người dùng nhân vật liệt nữ để thác chí và để tỏ bày là Nguyễn Hữu Dật: “Tôn Thất Tráng cùng Hữu Dật có hiềm khích, nhân đó gièm rằng: “Hữu Dật toan mưu trở về Bắc”. Chúa [Nguyễn Phúc Tần] sai bắt trói bỏ ngục. Hữu Dật bèn theo tập Anh liệt chí đời Minh, làm thành Hoa Vân Cáo thị để bày tỏ chí mình, nhờ người coi ngục dâng lên. Chúa xem xong, tha cho, lại cho làm văn chức ở Chính dinh, ưu đãi vẫn như trước” [146, tr.61]. Trong truyện, Hoa Vân chửi giặc mà chết, vợ là Cáo thị cũng chết theo.
thông tục đồng thời “gọi ngõ” cả Nguyễn Du theo lối “Tiên Điền cụ có hay chưa nhỉ?” vì tội “Sách học ngày nay đĩ đứng đầu”. Việc Huỳnh Thúc Kháng hô hào “Biết chăng hỡi cụ Tiên Điền vậy - Muôn ác tà dâm ấy sự đầu” chứng tỏ ông đã thấm nhuần tư tưởng “Vạn ác dâm vi thủ” của Tống Nho giống như rất nhiều thế hệ nhà nho Việt Nam trước đó.
Tiểu kết Chương 4: Nhìn từ hệ thống những truyện viết về người phụ nữ trinh liệt trong Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam liệt truyện, rõ ràng nhân vật liệt nữ trong Đại Nam liệt truyện tiêu biểu và đã trở thành khuôn mẫu, dù đó là một khuôn mẫu rất gần với nguyên mẫu do nguyên tắc thực lục của sử học tạo nên. Sự thống nhất trong ngoại hình, ngôn ngữ, tâm lí hay áp lực trong đời sống vật chất và tinh thần của họ đã tạo nên một quy phạm về mô hình nhân cách liệt nữ. Quy phạm nhân cách đó được thể hiện trong khuôn khổ liệt truyện có dung lượng khiêm tốn dẫu dễ gây cảm giác nhàm chán nhưng đó là những quy phạm rất khó vượt qua. Song hành với mạch liệt nữ truyện của Đại Nam liệt truyện là làn sóng viết về liệt nữ trong các truyện Nôm. Sự phục sinh những hóa thạch văn chương và tính thời sự, tính duy lí trong việc thể hiện kiểu nhân vật liệt nữ nửa sau thế kỉ XIX đã góp phần hoàn thiện bức tranh về nhân vật liệt nữ giai đoạn này đồng thời mở ra những khía cạnh tiếp nhận, đánh giá tuy chưa hẳn là mới nhưng có khả năng gợi mở những hướng đi khác cho văn học nhà nho trong việc thể hiện, xây dựng những kiểu nhân vật, nhân cách lí tưởng theo quan điểm của học thuyết mà họ trọn đời theo đuổi.
KẾT LUẬN
1. Là một nhân vật mang tính chất quan phương trong đó phần nhiều xác lập vị thế qua sự phong tặng của triều đình, được các chính thể thời trung đại “bảo hộ”, nhân vật liệt nữ là một sản phẩm của xã hội Hoàng quyền, Phụ quyền và Nam quyền chịu ảnh hưởng của Nho giáo. Xã hội Đại Việt sử dụng mẫu hình nhân cách này để xây dựng một căn cước văn hóa nhằm thể hiện sự Nho giáo hóa nhìn từ phương diện ứng dụng và thực hành Nho giáo. Việc đề cao mẫu hình nhân cách liệt nữ và nhân vật liệt nữ là một việc làm có tính hệ thống, dẫu không đồng đều giữa các thời kì, các triều đại nhưng vẫn là một chủ đề bền vững trong sáng tạo văn chương ở Việt Nam thời trung đại.
2. Trong số các tác giả viết về nhân vật liệt nữ, các nhà nho nam giới chiếm vai trò chủ đạo, từ những tác giả quan phương, hiển đạt như Lí Tế Xuyên, sử thần triều Lê, sử thần triều Nguyễn đến những người sáng tác trong một số hoàn cảnh đặc biệt, nhằm gửi gắm tâm sự riêng tư, như Hồ Nguyên Trừng, Nguyễn Dữ… Có người viết trong vai trò nhà chính trị với mục đích bao biếm khuyến trừng như các sử thần nhưng cũng có người để tác phẩm tồn tại dưới dạng khuyết danh. Nhìn chung, những tác giả tiểu sử “có vấn đề” như Nguyễn Dữ, Nguyễn Du… thường viết những tác phẩm giàu sáng tạo và có hàm lượng nghệ thuật cao hơn so với những tác giả khác. Độ chênh này cũng được thể hiện rõ khi so sánh giữa tác giả của các vùng văn học khác nhau, trong đó, như một tất yếu, cán cân nghiêng hẳn về các vùng văn học có bề dày như Thăng Long nói riêng và Bắc Bộ nói chung. Độc giả của họ chủ yếu là các nhà nho, các bạn văn nam giới nên nhân vật liệt nữ là một sự nhắn nhủ về mô hình nhân cách khúc xạ của mô hình liệt nữ mà nam giới cần theo đuổi. Việc Đoàn Thị Điểm viết An Ấp liệt nữ lục (Truyền kì tân phả) là một ví dụ hiếm hoi trong việc phụ nữ nhìn họ bằng con mắt của đàn ông và chỉ giúp khẳng định thêm khả năng “đồng hóa” của Nho giáo trong quan niệm về con người của mỗi nhà văn.
3. Từ những quan niệm về con người nói chung và về phụ nữ nói riêng chịu ảnh hưởng của Nho giáo, nhân vật liệt nữ, giống như nhiều nhân vật chính đề khác
trong văn học Việt Nam trung đại, hầu như không được miêu tả ngoại hình theo đúng nghĩa của từ này. Ngay khi nhà nho miêu tả người tiết phụ có ngoại hình thô gầy do việc thủ tiết mang lại thì ngoại hình đó cũng chỉ là đòn bẩy giúp đề cao ý nghĩa việc làm của họ hơn là chờ đợi một sự chia sẻ về thân phận con người bởi nhà nho quan tâm đến hành động hơn là dung mạo của nhân vật. Ở đây, hành vi tiết liệt từ chỗ là kết quả cuối cùng của truyện đã trở thành yếu tố thúc đẩy cốt truyện. Hành động đó thể hiện quy luật tỏ lòng của các nhân vật nhân danh đạo lí trong văn học trung đại, được hậu thuẫn bởi một hệ thống các phát ngôn đậm màu ngôn chí, khiến tác phẩm thiếu vắng hành động và ngôn ngữ đời thường. Sự tiêu diệt đời sống tâm lí, nội tâm là tiền đề để khắc chế đời sống bản năng và cũng là tiền đề triệt tiêu mọi xung đột tư tưởng, xóa bỏ mọi phản biện, giúp nhân vật trở nên "cuồng tín" hơn trước các khuôn mẫu đạo đức mà họ theo đuổi. Trong các truyện về nhân vật liệt nữ dường như vắng bóng không gian đô thị. Họ là nhân vật của nông thôn và cung đình, không gian quốc gia dân tộc, và một phần nào đó là sản phẩm của không - thời gian loạn li, cảm nhận sự khác biệt của không gian cố hương và đất khách quê người, thậm chí, họ còn được đặt trong những không gian mang màu sắc tâm linh. Việc nhân vật được đặt trong không gian nhân quần, không gian đời thường, không gian riêng tư là những trường hợp đột xuất. Cùng với đó, thời gian của họ là thời gian tuyến tính, gần với thời gian của sử biên niên. Việc tác giả sử dụng phép hồi thuật trong tự sự không phải là phổ biến dù đây cũng không phải là một thủ pháp mới mẻ của trần thuật truyền thống.
4. Trong suốt sáu thế kỉ, từ thế kỉ XIV đến hết thế kỉ XIX, các nhà nho đã thử bút với nhiều thể loại khác nhau trong việc xây dựng và thể hiện nhân vật liệt nữ, từ thần tích, thần phả, biên niên sử đến ghi chép rồi truyền kì, truyện Nôm, diễn ca lịch sử… trong đó có nổi lên mối quan hệ giữa Văn và Sử, giữa Hư cấu và Sáng tạo. Trong giai đoạn đầu thì Sử và Văn khá giống nhau khi tái hiện cùng một nhân vật nhưng sau đó Văn đã tách dần khỏi ảnh hưởng của văn học dân gian và sử truyện thông thường. Ngoài ra, sự áp đảo của thể truyền kì hoặc các thể loại gần gũi như thần phả, thần tích cũng phản ánh một khuynh hướng tự sự trong việc kể