Những Điểm Dị Biệt Giữa Ca Dao Cổ Truyền Và Ca Dao Từ 1945 Đến Nay

Khác với phương thức tạo hình, phương thức biểu hiện không có chủ định tạo ra những bức tranh về cuộc sống mà qua chất liệu ngôn ngữ của mình “nó biểu hiện những cảm nghĩ nhất định của con người, thể hiện cách nhận thức và đánh giá của con người đối với cuộc sống.” [5. 38] Những từ ngữ của văn bản nghệ thuật sử dụng phương thức biểu hiện ngay sau nghĩa đen, xuất hiện một lớp nghĩa mới có nội dung khái quát hơn tổng số nội dung ngữ nghĩa của các từ cộng lại, biểu đạt được nhiều hơn một bình diện ngữ nghĩa của nó.

Dựa trên cơ sở lí luận về các phương thức nghệ thuật ở trên, chúng tôi tiến hành khảo sát và kết luận 685/742 (khoảng 92,32% ) bài ca dao sử dụng phương thức tạo hình. Như vậy phương thức nghệ thuật tạo hình chiếm vai trò chủ đạo trong ca dao từ 1975 đến nay.

Với “ưu thế của sự tạo hình trực tiếp, giúp người tiếp nhận tri giác sự vật được phản ánh miêu tả một cách trực quan sinh động. Phương thức tạo hình giúp ta nhận thức được những sự vật, hiện tượng, hành động gần như nó vốn có ngoài đời, như nó đang diễn ra ở ngoài đời nhờ nghĩa đen của các từ và nhờ cả tính gợi hình, biểu cảm của những từ tượng hình, tượng thanh hoặc thành ngữ… nếu có” [32. 238]. Tuy nhiên, việc sử dụng quá nhiều phương thức tạo hình trong ca dao từ 1975 đến nay đã làm cho ca dao ít nhiều mất đi tính nghệ thuật..

Một số bài ca dao từ 1975 đến nay có thế mạnh của sự ngắn gọn, cô đọng, súc tích đã được coi như những câu châm ngôn, những lời tâm sự, khuyên nhủ:

Trăm năm trong cõi người ta Bể nợ tín dụng là ra đứng đường

Mất của mà chẳng ai thương Ham cao lãi suất là thường mắc mưu.


Vì game túng quá làm liều Không mau tỉnh ngộ từ điêu tới tàn.

[6]

Nhiều bài ca dao đã phác họa khá cụ thể, đậm nét mảng hiện thực của xã hội hiện đại:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 161 trang tài liệu này.

Sự đời nghĩ cũng nực cười Phim kinh dị Việt vui tươi như hài.


Nhận diện ca dao người Việt từ 1945 đến nay - 12

Món quà bà tặng cháu yêu

Chướng tai gai mắt là điều cháu mong.

[6]

Hiệu quả biểu đạt, dung lượng hiện thực được phản ánh trong những bài ca dao sử dụng phương thức tạo hình thường tỉ lệ thuận với dung lượng câu chữ và nghệ thuật tổ chức, lựa chọn sử dụng ngôn từ trong mỗi bài. Với dung lượng khá lớn, nhiều bài đã miêu tả một cách khá đầy đủ và cụ thể một mảng hiện thực nào đó:

Buồn trông phố thị chiều hôm Áo em cũn cỡn hở lườn phô da Buồn trông chậu nước hắt ra

Người vừa xịch đến biết là tránh đâu Buồn trông mù mịt xăng dầu

Đường tung cát bụi mờ màu lá xanh Buồn trông mấy chị mấy anh

“Lời vàng lời ngọc” tuôn quanh ghế ngồi Buồn trông góc phố đơn côi

Đen đen dòng nước đượm mùi… urê Buồn trông những nẻo đi về

Vài tên lạng lách mà ghê cả người…

[6]

Bài ca dao trên với dung lượng mười hai dòng đã nêu ra hàng loạt những bất cập, tồn tại trong xã hội hiện đại: cách ăn mặc, lối ứng xử cũng như cách

tham gia giao thông chưa văn hóa của một bộ phận người dân nói chung, thanh niên nói riêng; tình trạng ô nhiễm môi trường… Tâm trạng của tác giả trước hiện thực cũng được thể hiện một cách trực tiếp thông qua điệp từ “buồn trông”.

Phương thức tạo hình tỏ ra phù hợp với yêu cầu phản ánh trực tiếp, cụ thể, miêu tả bức tranh cuộc sống gần với những gì đã diễn ra trong hiện thực. Bài ca dao sau đây là một minh chứng:

Trẻ em như búp trên cành

Biết ăn biết ngủ biết học hành là ngoan Biết không ăn được lá xoan

Biết lên facebook chỉ toàn lừa nhau Biết chu mỏ, biết nhuộm râu

Biết quay clip đánh nhau ở trường Biết 18+, biết lên mương

Biết quên áo chip ra đường ban đêm Biết ăn chả, biết ăn nem

Biết vào nhà nghỉ mỗi em một giường Biết yêu chỉ để qua đường

Biết khi chơi chán phải nhường bạn thân Biết trà đá, biết nhân trần

Biết luôn đập đá giảm cân gọn người Biết thông cảm, biết trêu người

Biết khi bạn khóc phải cười thật to…

[6]

Trên đây là một lát cắt của mảng hiện thực khá tiêu biểu trong xã hội đương đại. Với khối lượng câu chữ tương đối lớn (đối với một bài ca dao) cùng với điệp ngữ “biết”, bài ca dao trên là một bảng tổng kết tương đối hoàn chỉnh những thói hư, tật xấu trong lối sống của một bộ phận thanh niên hiện nay.

Ca dao sau 1975 có nhiều bài sáng tạo bằng phương thức nghệ thuật tạo hình nhưng vẫn rất hấp dẫn, lôi cuốn bởi biết vận dụng hiệu quả những mô típ truyền thống:

Hôm qua cứu nét ven đồi Để quên cái ví bên người xì tin

Em được thì cho anh xin Chứ đừng có để làm tin trong nhà

Xe anh đã cháy một pha

Yếm rách mấy miếng vợ già chưa khâu Nhà anh đã hỏng từ lâu

Mẹ chưa cứu trợ anh “no” có tiền…

[6]

Tuy nhiên, một số lời ca dao giai đoạn gần đây do chưa có cách tổ chức ngôn từ hợp lý, làm hạn chế khả năng phản ánh hiện thực và thiếu đi chất thơ:

Tô canh lạnh lẽo nước trong veo Một miếng thịt heo bé tẻo teo Sóng sánh theo làn hơi gợn tí Xác ruồi theo gió khẽ đưa vèo.

[6]

Mặc dù chiếm một tỉ lệ không cao (khoảng 7,68%) nhưng phương thức biểu hiện đã góp phần làm cho ca dao từ 1975 đến nay phong phú hơn trong việc tổ chức ngôn ngữ:

Mấy đời bánh đúc có xương Mấy đời công chức có lương đủ xài.


Chừng nào chạch đẻ ngọn đa Tiền lương với giá may ra sánh bằng.

[6]

Bài ca dao trên không chỉ có bình diện nghĩa thứ nhất cụ thể, trực tiếp của tập hợp các từ trong văn bản. Cách lấy sự việc không bao giờ xảy ra trong thực tế: chạch – một loài vật chỉ sống trong bùn ao không bao giờ có chuyện lên đẻ ở ngọn cây đa, đã làm nảy sinh một lớp nghĩa mới trong nhận thức của độc giả: không bao giờ có chuyện tiền lương với giá bằng nhau! Nét tương đồng “không thể xảy ra” của hai đối tượng trên là cơ sở để tác giả dân gian xây dựng nên mối quan hệ ẩn dụ tầng tầng lớp lớp trong bài ca dao. “Đây cũng chính là cái đích phải đạt tới, điểm nút cuối cùng của quá trình tri giác nghệ thuật trong bài ca dao này.” [32. 243]

Phương thức biểu hiện tuy xây dựng hình tượng nghệ thuật bằng nhiều cách: ẩn dụ, hoán dụ, so sánh, điển tích… nhưng chúng giống nhau ở một điểm: lấy cái nọ để nói về cái kia. Điều này đã làm cho văn bản nghệ thuật trở nên đa nghĩa, nội dung trữ tình vừa mang tính cụ thể, hình ảnh vừa mang tính tính trừu tượng, khái quát.

Một vấn đề được đặt ra là tại sao lại có sự chênh lệch quá xa về tỉ lệ văn bản tạo hình và văn bản biểu hiện trong ca dao từ 1975 đến nay. Để lý giải điều này, chúng ta không thể không quan tâm đến hoàn cảnh lịch sử, hoàn cảnh sáng tác, môi trường diễn xướng cũng như cảm quan nghệ thuật của chủ thể sáng tạo ở bộ phận ca dao này. Xã hội nước ta đang trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, con người hiện đại dường như bị rơi vào vòng xoáy của nhịp sống vô cùng khẩn trương, gấp gáp của nền kinh tế thị trường. Trong hoàn cảnh lịch sử, môi trường diễn xướng như vậy cùng với đề tài và cảm hứng trữ tình lịch sử dân tộc không cho phép ca dao giai đoạn này “ưu ái” với lối nói vòng vo, nói xa nói gần, dùng cái nọ để biểu hiện cái kia của phương thức nghệ thuật biểu hiện. Hơn thế nữa, chủ thể sáng tạo – mọi người dân ở mọi tầng lớp khác nhau trong xã hội – với gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền trong thời buổi kinh tế khó khăn cũng không còn có nhiều thời gian để đầu tư vào sáng tác của mình như những tác giả của các bài ca dao cổ truyền.

3.4. Những điểm dị biệt giữa ca dao cổ truyền và ca dao từ 1945 đến nay

Trước Cách mạng tháng Tám 1945, nhân dân ta sống trong sự tù túng, cam chịu với thân phận nô lệ một cổ hai tròng. Cùng với sự thành công của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đã đưa nhân dân ta lên một tầm cao, trao cho dân ta quyền làm chủ.

Qua nghiên cứu ca dao người Việt từ 1945 đến nay cùng với việc tìm hiểu, tham khảo các công trình nghiên cứu về ca dao cổ truyền, chúng tôi nhận thấy do ra đời trong những hoàn cảnh lịch sử, xã hội khác nhau nên giữa hai bộ phận ca dao này có một số điểm dị biệt:

Thứ nhất là cảm hứng chủ đạo. Sống trong hoàn cảnh khổ cực, thiếu thốn, bị áp bức cùng cực của xã hội Việt Nam trước 1945, quần chúng nhân dân đã sáng tác những lời ca dao cổ truyền tập trung ở hai nội dung chính là những tiếng kêu than của nhân dân về đời sống vất vả, khó khăn, bị áp bức, bóc lột, bị trói buộc về mọi mặt; Tiếng lòng tha thiết yêu thương, tinh thần lạc quan, hi vọng những gì tốt đẹp sẽ đến với cuộc sống của họ. Vì vậy mà cảm hứng chủ đạo của bộ phận ca dao cổ truyền thiên về cảm hứng trữ tình đời tư. Sau 1945, với thân phận mới, với việc được tham gia vào mọi lĩnh vực xã hội, nhân dân ta sáng tác những lời ca dao tập trung ở hai nội dung chính là tình yêu, tinh thần trách nhiệm đối với quê hương đất nước và những hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Cảm hứng chủ đạo của bộ phận ca dao giai đoạn này thiên về cảm hứng trữ tình lịch sử dân tộc. Như vậy nếu cảm hứng chủ đạo của ca dao truyền thống là cảm hứng trữ tình đời tư thì cảm hứng chủ đạo của ca dao từ 1945 đến 1975 là cảm hứng trữ tình lịch sử dân tộc. Điều này hoàn toàn phù hợp với nhu cầu phản ánh của nhân dân ta giai đoạn bấy giờ.

Thứ hai là đề tài. So với ca dao cổ truyền, ca dao từ 1945 đến nay đã có sự chuyển đổi và mở rộng phạm vi đề tài. Nếu tình yêu và gia đình là hai đề tài trung tâm của ca dao cổ truyền thì trong ca dao từ 1945 đến nay, đề tài xã hội lại chiếm vị trí trung tâm. Mặc dù cùng một đề tài về tình yêu và gia đình, nhưng ở hai bộ phận ca dao khác nhau, tác giả dân gian đã có cách khai thác

không giống nhau. Ở bộ phận ca dao cổ truyền về đề tài tình yêu, chiếm đa số là những lời ca dao diễn tả những cung bậc tình cảm phong phú, đa dạng trong quan hệ lứa đôi. Ở bộ phận ca dao từ 1945 đến 1975, tình yêu lứa đôi lại gắn với tình yêu đất nước, tình yêu dân tộc. Ở bộ phận ca dao từ 1975 đến nay, tình yêu lứa đôi lại gắn với những đòi hỏi tầm thường. Sự chuyển đổi và mở rộng phạm vi đề tài ở hai bộ phận ca dao trên đã phần nào phản ánh sự thay đổi hiện thực lịch sử cũng như sự thay đổi quan niệm nghệ thuật của tác giả dân gian trong những giai đoạn mới.

Thứ ba là không gian nghệ thuật. Ca dao từ 1945 đến nay vẫn có sự xuất hiện của không gian nghệ thuật mang tính phiếm chỉ như trong ca dao cổ truyền. Tuy nhiên chức năng chính của ca dao từ 1945 đến nay là phản ánh lịch sử nên các địa danh đã được cá biệt hóa và trở thành yếu tố độc lập của lời ca dao.

Không gian bình dị, gần gũi, quen thuộc tồn tại trong ca dao cổ truyền cũng có mặt ở ca dao từ 1945 đến nay. Tuy nhiên do ra đời trong hoàn cảnh lịch sử mới nên quan niệm thẩm mỹ của chủ thể sáng tạo mới nên tính chất của không gian ấy cũng có sự thay đổi.

Nếu trong ca dao cổ truyền, không gian khoáng đạt, hùng vĩ mang tầm vóc và vẻ đẹp của thiên nhiên, vũ trụ để so sánh với tình cảm của con người mà cụ thể là tình yêu nam nữ hay công lao cha mẹ thì ở ca dao từ 1945 đến 1975 không gian này được dùng để khẳng định sự đoàn kết và quyết tâm chiến đấu của toàn dân tộc, để ca ngợi công ơn to lớn của Đảng và Bác.

Một điểm rất mới của ca dao từ 1945 đến nay so với ca dao cổ truyền là trong ca dao hiện đại có sự xuất hiện của kiểu không gian mới mang tính xã hội hóa cao như không gian nhà máy, trường học, xí nghiệp, công trường, bệnh viện, chiến trường, tiền tuyến, hậu phương, quán nét, quán đèn mờ… Sự xuất hiện của kiểu không gian này hoàn toàn phù hợp với hiện thực lịch sử và cảm hứng của các chủ thể sáng tạo văn học dân gian nói chung cũng như ca dao hiện đại nói riêng.

Thứ tư là thời gian nghệ thuật. Thời gian nghệ thuật trong ca dao cổ truyền và thời gian nghệ thuật trong ca dao từ 1975 đến nay là thời gian hiện tại, thời gian diễn xướng, mang tính chất ước lệ để thể hiện những cung bậc tình cảm của con người. Bên cạnh thời gian nghệ thuật mang tính chất ước lệ, trong ca dao từ 1945 đến nay 1975 thời gian nghệ thuật có khi là thời gian mang tính chân thực, chính xác. Tác dụng của kiểu thời gian này chính là ghi lại một cách chính xác những chiến công hiển hách để động viên, khích lệ, cổ vũ nhân dân ta chiến đấu.

Thứ năm là nhân vật trữ tình. Mặc dù có một khối lượng số lời khổng lồ song nhân vật trữ tình trong ca dao truyền thống tập trung ở các kiểu nhân vật như chàng trai, cô gái, người chồng, người vợ, người mẹ, người con, người phụ nữ với thân phận con dâu, thương nhân, làm đi ở, người làm thuê.

Ở ca dao từ 1945 đến 1975, bên cạnh những kiểu nhân vật điển hình trong ca dao cổ truyền đã kể trên còn có những nhân vật “mới lạ” như anh bộ đội, anh du kích, chị dân công, người công nhân…. Cùng với đó, những nhân vật như người làm thuê, người đi ở, thầy bói xuất hiện nhiều trong ca dao cổ truyền lại thưa thớt, vắng bóng dần trong ca dao hiện đại. Ca dao cổ truyền là tiếng lòng của quần chúng nhân dân, đặc biệt là của người phụ nữ. Chính vì vậy mà nhân vật người phụ nữ chiếm tỷ lệ khá cao 1587/2079 (chiếm 76,33%) bài ca dao có nhân vật trữ tình là nữ. Ca dao cổ truyền là nơi mà các bà mẹ già, các cô gái trẻ, những người vợ lam lũ thể hiện mọi cung bậc từ nhớ nhung, vui, buồn, khát khao yêu, khát khao sống, ước mơ về cuộc sống bình yên, no đủ. Trong ca dao từ 1945 đến nay, số lượng nhân vật là nữ tương đương với số lượng nhân vật trữ tình là nam. Bởi ca dao lúc này không còn là nơi thể hiện cung bậc tình cảm của những người phụ nữ mà là nơi quần chúng nhân dân động viên, khích lệ nhau cùng chiến đấu, tăng gia sản xuất để bảo vệ, xây dựng đất nước, cũng như phê phán các hiện tượng tiêu cực còn tồn tại trong xã hội.

Thứ sáu là diễn xướng. Diễn xướng là thuật ngữ được dùng khá phổ biến trong nghiên cứu văn học, văn hóa dân gian. Nội hàm khái niệm này đến nay còn là vấn đề đang còn nhiều tranh cãi .

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 31/10/2023