Ngôn ngữ và Văn học Việt Nam: Truyền kì Việt Nam thời trung đại từ góc nhìn huyền thoại (đối chiếu với truyền kì Trung Hoa thời trung đại) - 21


thổi xôi đậu đỏ để xua đuổi tà ma quỷ quái; thờ cúng sinh thực khí cho vạn vật sinh sôi, mùa màng bội thu; làm lễ cầu xin nữ thần Hạn Bạt đi về nơi ở của thần để chấm dứt tình trạng hạn hán, lập miếu thờ thần Nữ Oa và tế lễ thường xuyên để ghi nhớ công lao của thần và cầu xin sự phù trợ. Nhìn chung, thần thoại Trung Quốc đề cập khá nhiều đến những nghi lễ mà con người hướng đến thần linh.

Truyền kì Việt Nam cũng thể hiện sự đồng hiện thời gian thiêng và thời gian trần tục như trong thần thoại. Thời gian trần tục là dạng thời gian vật lí, thời gian lịch sử gắn liền với cuộc sống con người. Truyền kì Việt Nam và Trung Hoa thường đề cập đến triều đại, đời vua, niên hiệu, năm như một cách xác định khoảng thời gian thực tế của lịch sử. Truyền kì cũng sử dụng các khái niệm thời gian của năm, của mùa, của ngày… Đặc biệt, truyền kì đề cập nhiều đến thời gian của cuộc đời con người. Cuộc đời con người cũng tuân theo một quy luật các giai đoạn mang tính chất vật lí, tuyến tính: sinh, lão, bệnh, tử. Cảm hứng của con người về thời gian này là cuộc đời con người trôi qua rất nhanh. Truyền kì Việt Nam không đề cập đến thời gian thiêng – thời gian khởi nguyên mà đề cập đến thời gian thiêng – thời gian nghi lễ, đêm.

Theo khảo sát của chúng tôi, 23/104 truyện truyền kì Việt Nam đề cập đến thời gian nghi lễ. Đây là dạng thời gian có sức nặng tâm linh, có thể tạo ra sự gặp gỡ của con người và lực lượng siêu nhiên dù chỉ trong thoáng chốc. Sự linh hiển của lực lượng siêu nhiên trong truyền kì không phải để sáng tạo mà chủ yếu là để phò trợ. Đặc biệt, những nghi lễ giúp con người có thể bộc lộ ước muốn của mình đối với các lực lượng siêu nhiên. Thông qua nghi lễ, con người thể hiện thái độ tôn kính đối với thần linh, con người đã sống và trải nghiệm huyền thoại về các vị thần. Trong Chuyện người con gái Nam Xương (Truyền kì mạn lục), Phan Lang ghen tuông vô lí khiến Vũ Nương tự vẫn. Khi biết vợ bị oan, chàng vô cùng ân hận. Nghe có người nói vợ chàng đang ở chốn thủy phủ, chàng lập một đàn tràng 3 ngày đêm ở bến Hoàng Giang để giải oan cho nàng và xin nàng quay về. Trong Chị em đổi con (Vân nang tiểu sử), vào dịp Tết nguyên đán, gia đình quan thái sử làm lễ cúng gia tiên, bảo đứa con làm chủ tế. Đêm ấy, ông chiêm bao thấy mấy người mang lưới đánh cá ngồi trên bàn thờ, còn tổ tiên nhà ông mang áo đội mũ đứng ở ngoài sân. Sau đó, ông mới biết là con


mình đã bị đổi cho con của người đánh cá. Trong Vân Cát thần nữ cổ lục, tiên chúa thường hiển linh nên dân chúng xây đền thờ phụng. Một lần, triều đình mang quân đến phá. Sau dó, cả làng nhiễm bệnh. Dân chúng lập đàn cầu đảo xin tiên chúa giúp đỡ. Đền được trùng tu, dân địa phương đến cầu đảo đều được báo ứng. Quân triều đình đi đánh giặc cũng được tiên chúa phù hộ. Trong Truyện đền thiêng ở cửa bể (Truyền kỳ tân phả), một lần vua kéo quân đi dẹp giặc thì gặp miếu giữa đường. Dân chúng cho rằng miếu rất thiêng. Nếu tàu thuyền qua đó mà ghé lại lễ bái thì sẽ được thuận buồm xuôi gió, nếu không thì sẽ bị đắm. Vua không tin nên chuyến đi bị thất bại, quân triều đình bị giặc vây hãm. Một người phi tần của vua tên là Nguyễn Cơ đã gieo mình xuống biển – tự nộp mình cho Hà Bá để cứu những người trên thuyền. Đến thời vua sau, nàng hiển linh phò trợ. Vua hạ chiếu cho lập đền. Truyện kết thúc bằng cách khẳng định sự linh ứng của đền “Đến nay, khói hương vẫn nghi ngút, rất có linh ứng” (Trần Nghĩa, 1997a, tr.353). Trong Truyện liệt nữ ở An Ấp (Truyền kì tân phả), người phụ nữ chết theo chồng, triều đình cho lập đền thờ, người làng cầu đảo đều có linh ứng. Nàng vẫn thường hiển linh đàm đạo với người trần để thỏa chí văn chương và phò trợ cho kẻ sĩ. Trong Cuộc gặp gỡ kì lạ ở Bích Câu (Truyền kì tân phả), đền Bạch Mã nổi tiếng linh ứng. Chàng Tú Uyên đến và khấn cầu cho tiên nữ quay về. Nàng đã cảm được ước nguyện của chàng và quay về đoàn tụ.

Truyền kì Trung Hoa cũng thể hiện sự đồng hiện của thời gian thiêng và thời gian trần tục. Trong đó, nhiều nghi lễ được đề cập. Theo khảo sát của chúng tôi, thời gian nghi lễ trong truyền kì Trung Hoa được đề cập trong 7/118 truyện. Dạng thời gian này dù chỉ trong giây phút ngắn ngủi nhưng có thể tạo ra mối giao cảm của con người và thần linh. Nhân vật trong truyền kì thực hiện nghi lễ cầu xin sự phò trợ trong Lão Tàn (Đường đại truyền kỳ), Chiếc đèn mẫu đơn, Ty cai quản việc phát giàu sang (Tiễn đăng tân thoại), Thứ cỏ giết người (Liêu trai chí dị), Mê sách (Liêu trai chí dị); để cảm tạ trong Chiếc thoa vàng hình chim phượng (Tiễn đăng tân thoại); tìm con trong Động Thân Dương (Tiễn đăng tân thoại)… Nhìn chung, nghi lễ trong truyền kì Trung Hoa tương đồng với nghi lễ trong truyền kì Việt Nam: đều thể hiện mối giao cảm với thần linh. Cảm nhận của con người về thời gian là một phức cảm. Con người vừa sống với thời gian trần tục và thời gian thiêng - thời gian thực hành nghi lễ.


Tuy nhiên, số lượng truyện truyền kì Trung Hoa sử dụng thời gian đồng hiện đồng đại (đồng hiện thời gian trần tục và thời gian nghi lễ) chiếm tỉ lệ ít hơn so với truyền kì Việt Nam. Điều này xuất phát từ đặc tính dân tộc. Người Việt Nam với nền sản xuất nông nghiệp từ xưa đến nay luôn kính sợ tự nhiên bởi vì một sự thay đổi nhỏ nhoi của tự nhiên cũng gây ảnh hưởng lớn lao tới đời sống. Vì vậy, người Việt luôn tôn thờ tự nhiên, sùng kính các vị thần - điều này thể hiện qua các nghi lễ. Bên cạnh đó, truyền kì Việt Nam mang cảm hứng lịch sử. Các nhân vật lịch sử được nhân dân suy tôn thành thần và được dựng thờ phụng. Vì vậy, nhiều truyện truyền kì Việt Nam thể hiện sự đồng hiện của thời gian trần tục và thời gian nghi lễ.

Các truyện truyền kì của Việt Nam và Trung Hoa thường có sự đồng hiện của thời gian thiêng và thời gian trần tục. Dạng thời gian này cho thấy bên cạnh những mốc thời gian lịch sử quan trọng đối với cả cộng đồng thì còn có những khoảng thời gian thiêng trong lòng người. Thời gian thiêng là thời gian đêm hoặc thời gian nghi lễ - là thời điểm mà lực lượng siêu nhiên xâm nhập vào thế giới trần tục để phò trợ cho con người. Thời gian thiêng có thể mang tới cho con người những thay đổi tốt đẹp trong cuộc sống. Qua sự đồng hiện thời gian thiêng và thời gian phàm tục, tác phẩm thể hiện bề sâu tâm thức của con người về vấn đề thời gian và kín đáo thể hiện thái độ đối với cuộc sống thời bấy giờ.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 271 trang tài liệu này.

4.3.2. Thời gian đồng hiện lịch đại

Nhà nghiên cứu E.M.Meletinsky gọi các huyền thoại về nguồn gốc vũ trụ là huyền thoại tuyệt hảo. Ông cũng cho rằng có một quan niệm chung trong huyền thoại toàn cầu “Sự biến đổi hỗn mang thành vũ trụ là sự quá độ từ bóng tối sang ánh sáng, từ nước sang đất, từ sự hư không sang vật chất, từ vô hình sang hữu hình, từ huỷ diệt sang xây dựng” (Meletinsky, 2004, tr.272). Thời gian đặc trưng nhất của huyền thoại là thời gian khởi nguyên. Đó là khoảng thời gian đầu tiên của lịch sử loài người theo quan niệm của người nguyên thủy. Thời gian của huyền thoại là thời gian khởi nguyên, thời gian hình thành mọi yếu tố con người, tự nhiên và văn hóa, là thời gian các thần hiện ra và sáng tạo. Trong thời gian này một hoặc nhiều vị thần đã biến hỗn mang thành vũ trụ, hình thành những yếu tố đầu tiên cả về tự nhiên và văn hóa. Chính

Ngôn ngữ và Văn học Việt Nam: Truyền kì Việt Nam thời trung đại từ góc nhìn huyền thoại (đối chiếu với truyền kì Trung Hoa thời trung đại) - 21


vì thế, khoảng thời gian này mang tính chất vô cùng thiêng liêng trong tâm thức của con người, chứa đầy sức mạnh của siêu nhiên.

Người nguyên thủy không phân biệt các phạm trù nguyên nhân và khởi đầu. Họ cho rằng khởi đầu chính là nguyên nhân chứ không hề cho rằng khởi đầu chỉ là cái có trước. Chính vì vậy, họ quan niệm cái có trước chính là nguyên nhân của cái có sau, sẽ quy định bản chất của cái có sau. Huyền thoại giải thích trạng thái của thế giới hiện nay bằng những câu chuyện xa xưa. Nhà nghiên cứu E.M.Meletinsky nhận định:

Đặc điểm quan trọng nhất của huyền thoại, đặc biệt là của huyền thoại nguyên thủy, nằm trong việc quy bản chất của sự vật vào khởi nguồn của chúng: giải thích kết cấu của sự vật cũng có nghĩa là kể xem sự vật được tạo ra như thế nào; mô tả thế giới xung quanh cũng chính là nói về lịch sử sáng tạo ban đầu của nó (Meletinsky, 2004, tr.224).

Thần thoại suy nguyên là thần thoại kể về nguồn gốc hình thành của vũ trụ. Người nguyên thủy không phân biệt cội nguồn và bản chất nghĩa là không phân biệt khởi đầu và nguyên nhân. Vì thế, thần thoại suy nguyên kể về quá trình các vị thần đã sáng tạo ra thế giới như thế nào (cội nguồn) và khẳng định kết quả sáng tạo của các vị thần là bất biến (bản chất). Sau khi tạo lập vũ trụ, các vị thần tồn tại vĩnh hằng, bảo đảm cho kết quả sáng tạo của mình tồn tại vĩnh viễn.

Việt Nam có thần thoại Thần trụ trời, thần mưa, thần gió, thần sông… là thần thoại suy nguyên. Trong truyện Thần trụ trời, thần trụ trời là vị thần đầu tiên hiện ra trong vũ trụ tối tăm, lạnh lẽo. Thần đứng dậy dùng đầu đội trời, chân đạp đất, đào đất đắp thành một cây cột chống trời. Khi mặt đất, bầu trời đã phân chia rò rệt và vững chãi, thần phá cây cột chống trời. Mỗi hòn đá văng ra biến thành một ngọn núi hoặc một hòn đảo. Đất còn tung tóe mọi nơi thành cồn, đồi, cao nguyên. Chỗ thần đào lên để lấy đất đắp cột nay gọi là biển cả. Sau khi thần trụ trời phân chia trời, đất thì một số thần khác được phân công lên trời hoặc xuống đất để tiếp tục tạo lập thế giới như thần làm sao, thần đào sông, thần tát biển, thần nghiền cát nghiền sỏi, thần trồng cây…

Trong thần thoại Trung Quốc, thần Bàn Cổ sinh ra từ quả trứng vũ trụ. Thần lấy một chiếc rìu lớn và bổ thẳng về phía trước. Quả trứng vũ trụ vỡ tan, phân chia thành


trời và đất. Sợ trời và đất có thể nhập lại như trước, thần Bàn Cổ bèn lấy đầu đội trời, chân đạp đất. Khi thần Bàn Cổ chết, toàn thân của thần biến hóa: hơi thở thành gió, mây; đôi mắt biến thành mặt trời, mặt trăng; máu biến thành sông… Thần thoại Trung Quốc còn kể về thần mặt trời, thần mặt trăng, thần mưa, thần sấm chớp, thần biển, thần sông… Những gì các thần tạo ra sẽ tồn tại vĩnh viễn. Các thần cũng tồn tại vĩnh hằng để điều hành vũ trụ. Những câu chuyện thần thoại sẽ giải thích cho hầu hết những hiện tượng tự nhiên, xã hội của ngày hôm nay. Thần thoại giải thích cho sự tồn tại của những nghi lễ ghi nhớ công lao của các vị thần.

Trong truyền kì Việt Nam thời trung đại, nhiều chi tiết cho thấy dấu vết của suy nguyên luận của vũ trụ. Các vị thần sau khi làm xong nhiệm vụ sáng thế thì kết quả cuộc sáng thế tồn tại vĩnh viễn, các vị thần tồn tại vĩnh hằng và dòi theo cuộc sống con người “trời định giúp Hán… trời định diệt Sở…” (Câu chuyện ở đền Hạng Vương

- Truyền kì mạn lục), “thần sông có linh, xin ngài chứng giám…” (Chuyện người con gái Nam Xương - Truyền kì mạn lục)… Trong Truyện hai thần nữ (Thánh Tông di thảo), cháu của Long Vương trà trộn vào trần gian để báo thù sau khi cha của cậu ta bị Vương Thông giết hại. Sau nhiều lần hành thích không thành, cậu lại thấy kẻ thù bỏ về nước, cậu thất vọng tự sát. Trong truyện này, sơn thần Đông Ngu cũng trà trộn vào còi trần để trả thù tướng Hoàng Phúc vì tên tướng này đào xẻ núi non làm đoạn thương long mạch núi Mẫu Sơn. Trong Ngọc nữ về tay chân chủ (Thánh Tông di thảo), con gái của Ngọc Hoàng rất xinh đẹp, tên là Ngọc Tỉ. Sơn thần và thủy thần đều muốn lấy nàng làm vợ nên đến cửa trời để thi tài. Trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên (Truyền kì mạn lục), thổ địa hiển linh bằng hình dáng một cụ già mang tính cách nhân hậu, dũng cảm, cương trực. Sau khi bị cướp mất đền, thổ địa đã chỉ cách cho Tử Văn đi kiện kẻ thù chung của cả hai.

Truyền kì Trung Hoa vẫn ghi nhận kết quả sáng tạo của thần tồn tại đến ngày hôm nay. Thần Bàn Cổ tách trời và đất, hóa thân vào vạn vật. Ngày hôm nay, trời và đất vẫn cách xa nhau. Truyền kì Trung Hoa cũng ghi nhận sự tồn tại của các thần có mặt từ thời khởi nguyên như thần mưa, thần gió, thần đất, thần núi, thần biển, thần sông… Các thần chủ yếu là chủ nhân của các sự vật, hiện tượng tự nhiên. Ở đây, quá khứ là sự khởi đầu mang tính chất vĩnh viễn.


Như vậy, trong truyền kì Việt Nam và Trung Hoa thời trung đại, thời gian dĩ nhiên không được nhà văn dùng để kể lại sự sáng tạo các yếu tố của tự nhiên và văn hóa nhưng thời gian trong tác phẩm vẫn nhuốm màu huyền thoại. Con người đã tiến đến thời hiện đại nhưng các quan niệm về thời gian khởi nguyên, về các vị thần của tự nhiên vẫn luôn nằm trong tâm thức con người.

Bên cạnh đó, trong truyền kì, con người lo sợ thời gian có năng lực vận hành các kiếp người. Trong truyền kì, thời gian luân hồi nghiệp báo thể hiện sự đồng nhất các phạm trù quá khứ – nguyên nhân: những gì xảy ra ở kiếp trước sẽ quy định những gì xảy ra ở kiếp sau; quá khứ ảnh hưởng tới hiện tại và cả tương lai. Vấn đề này có thể được giải thích từ nhiều quan điểm khác nhau. Theo quan điểm của Phật giáo, sự đồng nhất quá khứ - nguyên nhân như vậy là sự đề cao mối quan hệ nhân quả - con người gieo điều thiện thì sẽ được hưởng phước lành. Theo quan điểm của dân gian, con người cần phải kết nối quá khứ và hiện tại, hiện tại và tương lai để luôn biết “uống nước nhớ nguồn”, để giữ gìn mối dây liên kết của các thế hệ, để gìn giữ đạo đức của mỗi con người... Từ góc nhìn huyền thoại, chúng tôi nhận thấy vấn đề đồng nhất quá khứ - nguyên nhân trong các tác phẩm truyền kì có sự tương đồng và khác biệt với sự đồng nhất khởi đầu – nguyên nhân trong thần thoại. Thần thoại đồng nhất sự khởi đầu và nguyên nhân: những gì xảy ra lần đầu tiên sẽ giải thích vũ trụ về sau. Theo khảo sát của chúng tôi, truyền kì Việt Nam có 35/104 truyện, truyền kì Trung Hoa có 39/118 truyện xuất hiện thời gian đồng hiện lịch đại (đồng hiện thời gian thực và thời gian luân hồi nghiệp báo).

Trong truyện Nhớ kiếp trước (Lan Trì kiến văn lục), một đứa trẻ đã kể lại kiếp trước mà nó đã trải qua. Đặc biệt, truyện Nhớ ba kiếp (Lan Trì kiến văn lục) kể về sự phụ thuộc vào nhau của 3 kiếp trong cuộc đời nhân vật. Kiếp trước sẽ tạo ra vận mệnh cho kiếp sau. Vấn đề luân hồi, nghiệp báo có liên quan đến vấn đề “trường sinh bất tử” của thần thoại. Sự sống có thể tái xuất trong nhiều kiếp sống tiếp theo. Nhiều thần thoại để lại cho thấy con người từ thời nguyên thủy đã có ước muốn trường sinh. Sau này Đạo giáo đã nhấn mạnh ước muốn trường sinh của con người. Quan niệm luân hồi cũng có nguồn gốc từ thời nguyên thủy sau này mới được Phật giáo nhấn mạnh. Người nguyên thủy xuất phát từ quá trình quan sát cây cối chết lại nảy mầm thành


cây mới đã cho rằng con người cũng như cây có thể chết ở kiếp này rồi lại sinh ra ở kiếp khác. Điều này khiến chúng ta liên tưởng đến các mô típ hiến tế và tái sinh của huyền thoại. Trong đó, con người đã dâng thực phẩm để tái hồi sức lực mà thần thánh đã phân tán vào quá trình sáng tạo và duy trì sự sống muôn loài trong vũ trụ. Nhờ được phục hồi năng lực, thần thánh có thể tiếp tục sáng tạo và duy trì sự sống. Sự hi sinh sự sống của một cá thể là để chuyển vận không ngừng dòng chảy của sự sống trong vũ trụ.

Như vậy, thời gian trong quan niệm luân hồi nghiệp báo đã gặp gỡ với thời gian huyền thoại. Dĩ nhiên, sự gặp gỡ này không phải ở nhiệm vụ giải thích sự ra đời con người, tự nhiên và văn hóa hiện nay một lần duy nhất bằng các câu chuyện xa xưa vì thời gian này không phải là thời gian khởi nguyên. Sự gặp nhau này ở cội nguồn sâu xa của quan niệm luân hồi nghiệp báo chỉ là con người mãi sau thời nguyên thủy rất lâu cũng đồng nhất nguyên nhân và quá khứ. Cái thiện, cái ác của con người đã làm trong kiếp này sẽ được đáp lại đúng như thế trong kiếp sau của người đó. Như vậy, kiếp trước tiềm ẩn nguyên nhân, có thể giải thích cho những gì con người được hưởng ở kiếp sau chứ không đơn giản là quá khứ, là cái có trước đối với kiếp sau. Như vậy, con người đã vẽ nên số mệnh của mình từ kiếp trước và thời gian chỉ việc đóng vai trò vận hành mà thôi.

Sự luân hồi nghiệp báo trong truyền kì Việt Nam thời trung đại là sự thừa hưởng cái nhìn huyền thoại về thế giới, là sự ảnh hưởng của Phật giáo đối với văn hóa nói chung nói chung, với nhà văn nói riêng. Tuy nhiên, thời gian luân hồi nghiệp báo trong truyền kì Việt Nam thời trung đại còn mang những nhiệm vụ mới mẻ gắn liền với hiện thực xã hội và tâm tình của tác giả.

Các tác giả truyền kì Việt Nam thường chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Nho giáo. Tuy nhiên, những giáo lý nhà Nho đầy minh bạch không thể giúp họ lý giải được những bất công, ngang trái, uẩn khúc của cuộc đời. Cho nên họ tìm đến với triết lý Phật giáo, với cái nhìn huyền thoại về thế giới. Bên cạnh đó, các nhà văn truyền kì Việt Nam thời trung đại thể hiện sự ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo khi sử dụng thời gian luân hồi nghiệp báo để khuyến thiện trừng ác. Họ đã sử dụng thời gian luân hồi nghiệp báo với năng lực tự vận hành của nó để thực hiện chức năng như giáo lý nhà


Phật khuyến thiện trừng ác để răn đe con người, đặc biệt là răn đe đối với những kẻ đang gây ra cái ác đầy rẫy trong xã hội. Mỗi tội ác cho dù là vô tình hay hữu ý cũng gieo quả xấu cho con người trong kiếp sau cho nên con người luôn phải giữ mình.

Trong truyền kì Trung Hoa, rất nhiều vị thần khai thiên lập địa vẫn tồn tại vĩnh hằng cùng vũ trụ như thần mưa, thần sông, thần biển, thần núi, thần đất… Không chỉ đồng nhất khởi đầu – nguyên nhân, truyền kì Trung Quốc đồng nhất quá khứ với nguyên nhân. Quá khứ ở đây là kiếp trước. Con người luôn tái sinh. Sự tái sinh này chủ yếu là các nhân vật có thể kết thúc kiếp sống của mình, chuyển sang kiếp sống khác với một thân xác mới. Họa, phúc của con người trong kiếp sau phụ thuộc vào cách sống của con người trong kiếp trước. Trong truyện Vợ dữ hơn cọp (Liêu trai chí dị), trong kiếp trước, người chồng giết chết con chuột trường sinh của một vị hòa thượng. Trong kiếp sau, vị hòa thượng ấy trở thành một người vợ vô cùng độc ác (Giang Thành). Mẹ chồng niệm kinh Phật có thể giúp cho Giang Thành sớm tỉnh ngộ. Điều này chứng tỏ sự tác động của con người có thể đẩy nhanh việc cảm hóa người khác. Tổ tiên, những người thân thích có thể tích đức cho con cháu, cho người thân của mình. Thế hệ trước không chỉ là quá khứ mà còn góp phần tạo lập nên số phận cho thế hệ sau.

Trong thần thoại, sự khởi đầu được xem như là nguyên nhân vì các vị thần ban đầu sáng tạo ra vạn vật và thành quả ấy tồn tại mãi mãi. Truyền kì Việt Nam và Trung Quốc vẫn tồn tại rất nhiều vị thần suy nguyên của vũ trụ chứng tỏ sự đồng nhất khởi đầu – nguyên nhân. Bên cạnh đó, truyền kì còn miêu tả sự luân hồi nghiệp báo để khuyến thiện trừng ác. Thời gian đồng hiện mang tính chất lịch đại này đã tạo ra màu sắc huyễn hoặc của các truyện truyền kì.

Trong truyện truyền kì Việt Nam và Trung Hoa, bên cạnh thời gian lịch sử, thời gian vật lí; tâm thức con người còn có dòng thời gian kết hối quá khứ - hiện tại và tương lai. Mỗi kiếp người là hữu hạn nhưng sự sống là vô hạn. Các thế hệ cứ nối tiếp nhau kéo dài mãi mãi. Thời gian đồng hiện lịch đại thể hiện tâm thức con người luôn hướng về tổ tiên, về các thế hệ trước. Dạng thời gian này giúp tác phẩm mở rộng biên độ của thời gian theo chiều lịch đại, mở rộng phạm vi phản ánh cuộc sống con người.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 10/06/2022