Không Gian Huyền Thoại Trong Truyền Kì Việt Nam Thời Trung Đại


4.1.4. Mô típ kết duyên kì lạ

Mô típ kết duyên kì lạ trong thần thoại xuất phát từ quan niệm vạn vật hữu linh. Con người nguyên thủy tin rằng mọi sự vật, hiện tượng xung quanh mình đều có linh hồn, có suy nghĩ, tình cảm như con người. Thậm chí, vạn vật đều có thể biến hình thành người. Vì thế, con người có thể kết duyên cùng những vật khác nòi giống.

Trong thần thoại Việt Nam, việc kết hôn kì lạ diễn ra theo hai dạng. Thứ nhất là sự kết hôn của con người và thần tiên. Thứ hai là sự kết hôn của con người và tinh động vật.

Đối với dạng kết hôn giữa con người và thần linh, thần thoại Việt Nam kể về mối duyên của con gái Ngọc Hoàng và một chàng chăn trâu. Hằng năm, mỗi khi hai vợ chồng vẫn sum họp, có hai ngôi sao trên bầu trời sát lại gần nhau, ở hạ giới thì có mưa ngâu như nước mắt của nàng Chức Nữ. Bên cạnh đó, trong mo Đẻ đất đẻ nước, hai con trai của mụ Dạ Dần lấy hai nàng tiên, sinh ra 10 người con. Từ đó, con người trên mặt đất liên tục sinh sôi. Đối với dạng kết hôn giữa con người và tinh động vật, thần thoại Việt Nam kể về sự kết duyên của con người với con cháu của thần cá (truyện Thần nước, Truyện con thần nước lấy chàng đánh cá), con người và tinh rắn (Truyện ông Dài, ông Cụt)…

Trong thần thoại Trung Hoa, sự kết duyên kì lạ cũng diễn ra theo hai dạng: con người và thần tiên (nàng Hoa Tư giẫm vào vết chân của Lôi thần, nàng có mang và sinh ra Phục Hy; nàng Khương Cơ ướm chân vào vết chân khổng lồ của thần linh, nàng có mang và sinh ra người đầu tiên của dân tộc Chu…), con người và động vật (nàng Giản Địch nuốt trứng chim yến vào bụng, nàng có thai và sinh ra Tiết)…

Khảo sát các thần thoại tiêu biểu của Việt Nam và Trung Hoa, chúng tôi nhận thấy thần thoại Việt Nam và Trung Hoa có hai dạng kết duyên kì lạ là con người kết duyên với thần tiên, con người kết duyên với động vật. Đa số các truyện chỉ đề cập đến việc kết duyên kì lạ; giải thích các hiện tượng tự nhiên, nguồn gốc con người và các vị thần. Thần thoại không miêu tả tỉ mỉ tình yêu, hạnh phúc, sự sum họp của lứa đôi.

Trong công trình Tiếp cận thể loại văn học cổ Trung Quốc, nhà nghiên cứu Đinh Phan Cẩm Vân nhận định truyền kì Việt Nam và Trung Hoa có ba dạng mô típ hôn


nhân khác thường: người lấy tiên, người chung sống với hồn phách, người chung sống với tinh loài vật và hồn cây cỏ.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 271 trang tài liệu này.

Đối với dạng thứ nhất của mô típ hôn nhân khác thường: người lấy tiên, chúng tôi nhận thấy truyền kì Việt Nam đề cập đến dạng kết duyên kì lạ này trong các tác phẩm: Một dòng chữ lấy được gái thần (Thánh Tông di thảo); Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên (Truyền kì mạn lục); Vân Cát thần nữ cổ lục, Cuộc gặp gỡ kì lạ ở Bích Câu (Truyền kì tân phả); Truyện tiên bị biếm trích (Truyện kí trích lục). Trong đó, tất cả các truyện đều khởi đầu bằng việc các nàng tiên giáng trần, từ đó mới gặp gỡ, yêu thương và kết duyên với các chàng trai. Các chàng trai này là những chàng thư sinh nghèo khổ nhưng đều có tấm lòng trong sạch, nhân hậu. Trong hầu hết các truyện (ngoại trừ Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên), các tiên nữ đều chung sống với các thư sinh ở chốn hạ giới, xây dựng một gia đình êm ấm, hạnh phúc. Trong Cuộc gặp gỡ kì lạ ở Bích Câu (Truyền kì tân phả), một nàng tiên mày lá liễu, má hoa đào, sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành hiện ra trước mắt chàng thư sinh Tú Uyên. Sau khi nói vài ba câu với chàng, nàng biến mất, để lại chàng tự hỏi nàng là Phật, là quỷ hay là chàng đang mộng. Về sau, chàng tìm mua được một bức tranh vẽ nàng. Hằng ngày, khi chàng đi học, nàng vẫn bước ra từ trong tranh để lo chuyện nhà cửa. Nàng còn biến hai cánh hoa trong tranh thành hai thị nữ. Về sau, khi chàng và tiên nữ kết duyên với nhau, mỗi lần chàng mải rượu chè, nàng lại biến mất. Đến khi chàng tu tâm sửa tình, nàng lại hiện ra sum họp. Nhìn chung, các tiên nữ là những người vợ, người mẹ đảm đang, tận tụy:

Các tác giả truyền kì Việt Nam mặc dù chịu sự chi phối của bút pháp truyền kì là nhấn mạnh khía cạnh kì ảo, phi thường nhưng không vì thế biến các nhân vật trở thành những người phụ nữ siêu phàm chỉ biết đằng vân giá vũ, thoắt ẩn thoắt hiện… Hạnh phúc mà họ xây nên ở cuộc sống trần gian không phải bằng phép thuật mà bằng đôi tay tần tảo và tấm lòng yêu thương (Đinh Phan Cẩm Vân, 2011, tr.125).

Ngôn ngữ và Văn học Việt Nam: Truyền kì Việt Nam thời trung đại từ góc nhìn huyền thoại (đối chiếu với truyền kì Trung Hoa thời trung đại) - 18

Truyền kì Trung Hoa đề cập đến dạng kết hôn người và tiên chủ yếu là trong tác phẩm Liêu trai chí dị (Bồ Tùng Linh): Con gái nhà trời, Duyên lỡ người tiên, Lấy vợ công chúa, Mặc áo lá cây, Mê sách, Chuyện ở đảo thần tiên, Duyên tiên âm phủ.


Trong đó, các truyện Duyên lỡ người tiên, Lấy vợ công chúa, Mê sách bắt đầu mối nhân duyên bằng việc các nàng tiên giáng trần. Các truyện còn lại bắt đầu bằng việc các thư sinh lạc vào còi tiên (lên trời, đi vào hang động, đi vào núi, lạc vào đảo). Trong hầu hết các truyện (ngoại trừ Mặc áo lá cây), các nàng tiên đều theo các thư sinh về chung sống ở hạ giới. Trong Chuyện ở đảo thần tiên, nàng tiên Phấn Điệp đến hạ giới bằng cách đầu thai, nối tiếp chuyện tình nơi đảo tiên. Trong các truyện khác, thời gian sum họp ở hạ giới của các cặp đôi này không lâu bền. Các tiên nữ sẽ trở về hoặc ở lại tiên giới. Các thư sinh có đi tìm cũng không tìm thấy dấu vết nơi tiên cảnh. Như vậy, cùng đề cập đến dạng người lấy tiên nhưng truyền kì Việt Nam và Trung Quốc có cái nhìn khác nhau. Chuyện tình người – tiên trong truyền kì Việt Nam gần gũi với cuộc sống con người. Chuyện tình người – tiên trong truyền kì Trung

Hoa mang màu sắc lãng mạn, hư ảo.

Đối với dạng thứ hai của mô típ hôn nhân khác thường – người chung sống với hồn phách, chúng tôi nhận thấy dạng này được đề cập nhiều lần trong tập truyện Truyền kì mạn lục của Việt Nam: Chuyện cây gạo, Chuyện yêu quái ở Xương Giang, Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu. Trong Chuyện cây gạo, Chuyện yêu quái ở Xương Giang, các nàng ma đều chủ động làm quen với các thư sinh, hại các chàng trai này mất mạng (Chuyện cây gạo), suýt mất mạng (Chuyện yêu quái ở Xương Giang). Tuy các cặp đôi “tình người duyên ma” này đã có những phút giây hạnh phúc:

Đã thành vợ chồng, tình ái thắm thiết. Cô lại cư xử rất hợp lẽ, nói năng biết lựa lời, họ hàng bạn bè ai cũng khen ngợi (Trần Nghĩa, 1997a, tr.258).

Họ cũng chẳng thể nào cùng nhau đi đến hết cuộc đời. Các cuộc tình người – ma này đều có kết cục bi thảm: đôi trai gái bị thần linh trừng phạt nặng nề. Riêng kết cục của Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu có tính chất khác biệt. Nàng ma là người vợ đã khuất, về sum họp với chồng rồi chia tay. Vì nhân vật ma đã từng là người vợ nên cái nhìn về nhân vật này có phần tích cực, gần gũi hơn các nhân vật ma khác trong truyền kì Việt Nam. Nhìn chung, tâm thức người Việt luôn hướng về thực tiễn, về cuộc sống đời thường; vì thế ma thường không mang tới sự tốt lành, mô típ người chung sống với hồn phách hầu như không mang tới một kết cục tốt đẹp.


Truyền kì Trung Hoa có rất nhiều tác phẩm đề cập đến vấn đề người chung sống với hồn phách: Liễu tham quân (Đường đại truyền kỳ); Đằng Mục rượu say chơi vườn Tụ Cảnh, Chiếc đèn mẫu đơn, Cô gái áo xanh (Tiễn đăng tân thoại); Cởi truồng rượt ma, Một đêm lấy ma, Chồn quỷ tranh chồng, Thây ma sống dậy, Cắt thịt vì tình, Nghĩa khí cải hóa hồn ma, Lớp học ma, Ma học đàn (Liêu trai chí dị). Các cuộc tình này đều bắt nguồn từ việc các nàng ma trà trộn vào còi trần, chủ động làm quen với các thư sinh. Trong đó, chỉ có truyện Chiếc đèn mẫu đơn có kết cục bi thảm khi thư sinh mất mạng, cả hai hồn ma đều bị trừ khử. Trong tất cả các truyện còn lại, các nàng ma đều có quãng thời gian chung sống với các thư sinh rất hạnh phúc. Do kẻ âm người trần không thể sum họp mãi mãi nên một số cặp đôi phải chia tay sau một thời gian chung sống. Trong một số truyện khác, các nàng ma đầu thai, sống dậy hoặc mượn thân xác người khác để tiếp tục chung sống với thư sinh cho đến hết cuộc đời. Như vậy, trong truyền kì Trung Hoa, dạng hôn nhân khác thường: người chung sống với hồn phách vẫn có thể mang lại kết cục tốt đẹp.

Trong truyền kì Việt Nam, dạng kết hôn giữa người và ma thường mang lại kết cục bi thảm. Trong khi đó, trong truyền kì Trung Hoa, dạng kết hôn này không phải lúc nào cũng mang lại kết cục bi thảm cho nhân vật. Như vậy, mỗi dân tộc có cái nhìn khác nhau về vấn đề ma quái. Điều này xuất phát từ tư duy của mỗi dân tộc. Trong khi tư duy người Việt Nam hướng về thực tiễn, đời thường thì tư duy người Trung Hoa, được sự ủng hộ của Đạo giáo, luôn ưa thích những chuyện phiêu diêu, kì bí.

Đối với dạng hôn nhân khác thường – người chung sống với tinh động vật, tinh thực vật; chúng tôi nhận thấy truyền kì Việt Nam đề cập dạng kết duyên người và bướm (Duyên lạ ở Hoa quốc (Thánh Tông di thảo)), dê (Chuyện chồng dê (Thánh Tông di thảo)), chuột (Truyện tinh chuột (Thánh Tông di thảo)), hoa kim tiền, hoa thạch lựu (Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây (Truyền kì mạn lục)), hoa cúc (Truyện tinh hoa cúc (Truyện kí trích lục)), rùa (Truyện rùa giỡn giải (Truyện kí trích lục)), cá (Truyện lạ nhà thuyền chài (Thánh Tông di thảo), rắn (Đứa con của rắn (Lan Trì kiến văn lục)), khỉ (Khỉ (Lan Trì kiến văn lục)). Trong đó, 4/9 truyện có nhân vật ảo là các chàng trai, 5/9 truyện có nhân vật ảo là những cô gái xinh đẹp. Hầu hết các nhân vật ảo đều đóng vai trò chủ động đi tìm người yêu. Trong các truyện này, chỉ có các nhân


vật trong hai truyện Duyên lạ ở Hoa quốc, Chuyện chồng dê tìm kiếm được hạnh phúc thật sự, đi với nhau đến hết cuộc đời ở thế giới thần tiên. Trong các truyện Truyện tinh hoa cúc, Chuyện kì ngộ ở trại Tây, Truyện lạ nhà thuyền chài, nhân vật chia tay nhau đầy lưu luyến. Trong các truyện còn lại, nhân vật chia tay nhau trong oán hận vì các nhân vật ảo kết duyên cùng con người trần tục chỉ để hoang dâm (Đứa con của rắn, Truyện tinh chuột), đùa giỡn (Truyện rùa giỡn giải) hoặc vì nhân vật trần tục hành xử tàn nhẫn (Khỉ).

Trong truyền kì Trung Hoa, đối với dạng người kết duyên cùng tinh động vật, tinh thực vật; phổ biến nhất là sự kết hôn giữa người và hồ ly, đặc biệt là trong Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh. Trong các cuộc tình này, nhân vật nữ là những nàng hồ ly hóa thành những người con gái xinh đẹp, luôn đóng vai trò chủ động trong tình yêu. Theo nhà nghiên cứu Đinh Phan Cẩm Vân, hồ ly là một hình tượng quen thuộc trong văn hóa Trung Quốc:

Trong quan niệm của người Trung Quốc, chồn là con vật khôn ngoan, sống lâu thành tinh, gọi là hồ ly tinh. Chồn và giai thoại về chồn gắn với văn hóa Bắc Trung Quốc… (Đinh Phan Cẩm Vân, 2011, tr.71).

Bên cạnh đó, truyền kì Trung Hoa còn kể về sự kết duyên của con người với khỉ, rắn, ong, cá, quạ, chim anh vũ, hoa mẫu đơn, sen. Hầu hết các nhân vật kì ảo biến thành những người con gái xinh đẹp. Họ đi tìm một tình yêu tri kỉ. Tình yêu của người và các nhân vật kì ảo này rất táo bạo, phóng túng. Tuy nhiên, trong hầu hết những cuộc kết duyên kì lạ này, nhân vật kì ảo sẽ chia tay các thư sinh vì các nàng sẽ thành tiên hoặc bị nghi ngờ, muốn trở về với đồng loại…

Nhìn chung, trong truyền kì Việt Nam và Trung Hoa, dạng mô típ người chung sống với tinh động vật, thực vật được triển khai khá giống nhau. Con người có thể hạnh phúc cùng tinh động vật, hồn cây cỏ nhưng các cuộc sum họp thường không lâu bền. Tuy nhiên, truyền kì Việt Nam thường nghiêng về cảm hứng thế sự trong khi truyền kì Trung Hoa nghiêng về cảm hứng lãng mạn. Vì thế, mô típ kết duyên kì lạ xuất hiện trong truyền kì Trung Hoa nhiều hơn truyền kì Việt Nam. Theo kết quả khảo sát của chúng tôi, mô típ này xuất hiện trong 21/104 truyện truyền kì Việt Nam và 42/118 truyện truyền kì Trung Hoa.


Trong thần thoại Việt Nam và Trung Hoa, mô típ kết duyên kì lạ thường gồm hai dạng: người kết duyên với thần tiên; người kết duyên cùng tinh động vật. Trong truyền kì Việt Nam và Trung Hoa, mô típ kết duyên kì lạ diễn ra đa dạng hơn. Con người có thể kết duyên với thần tiên; ma; tinh động vật và thực vật. Theo nhà nghiên cứu Trần Nho Thìn, cách kể, cách bình luận khắt khe về tình yêu trong truyền kì phản ánh quan niệm văn hóa xưa cho rằng người phụ nữ đẹp – tượng trưng cho dục vọng bản năng – là đáng sợ như ma quỷ:

Hình dung nữ sắc có sức mạnh của ma quái, người con gái đẹp là hồ li tinh, là yêu nghiệt, là rắn báo oán, đó là tâm thức tiếp nhận hình ảnh phụ nữ hồng nhan rất thổ biến thời trung đại ở cả Việt Nam và Trung Quốc. Mặt khác, cuối mỗi truyện, lại có lời bình mang tính giáo huấn, phê phán lối sống buông thả đầy bản năng và chỉ rò tác hại của lối sống đó đối với sự thành đạt của người đàn ông. Các đôi lứa này thường buông thả trong những cuộc tình hoan lạc ái ân, thường không gắn kết với mục đích hôn nhân (Trần Nho Thìn, 2008, tr.177).

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu này, cách kể và bình luận khắt khe như vậy cũng ẩn chứa sự đối phó với những điều cấm kị. Như vậy, mối quan hệ tình ái giữa người và nhân vật kì ảo không phải để sinh ra những nhân vật phi thường như trong thần thoại mà chỉ để thỏa mãn tình cảm vốn có ở con người. Nhà văn miêu tả mối quan hệ tình ái kì lạ này để khẳng định hạnh phúc thật sự ở chốn trần gian: nhân vật kì ảo phải trà trộn vào trần gian, mượn thân xác con người để đi tìm kiếm một người tri kỉ. Đồng thời, nhà văn cũng xây dựng các nhân vật kì ảo với quan niệm tình yêu tự do, phóng túng để bênh vực cho tình yêu lứa đôi đang bị cấm đoán bởi giáo điều phong kiến khắt khe.

Kế thừa mô típ kết duyên kì lạ trong thần thoại, truyền kì Việt Nam và Trung Hoa đã tạo nên những câu chuyện đầy tính nhân văn. Tình yêu lứa đôi là hạnh phúc đáng có của con người. Tuy nhiên, chỉ có nhân vật kì ảo mới mạnh mẽ đi tìm tình yêu, chỉ có những cuộc kì ngộ của con người và các nhân vật kì ảo mới có những cuộc kết duyên xuất phát từ tình yêu. Mô típ kết duyên kì lạ với các nhân vật kì ảo đã giúp tác phẩm tránh khỏi sự đánh giá khắt khe của lễ giáo phong kiến. Mô típ này cùng với các mô típ huyền thoại khác trong truyền kì đều được tạo nên bởi sự kết hợp


của cái kì với cái thực. Qua các mô típ này, tác giả thể hiện một cách kín đáo thái độ của con người đối với hiện thực cuộc sống qua một hình thức mới mẻ, siêu thực.

Khảo sát thần thoại Việt Nam và Trung Hoa, chúng tôi nhận thấy một số mô típ tiêu biểu nhất của thể loại này: mô típ hiển linh, mô típ biến hình, mô típ chinh phục cái chết, mô típ kết duyên kì lạ. Các mô típ này thường gắn liền với các nhân vật là thần linh với mục đích giải thích nguồn gốc của các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, nguồn gốc loài người và các tộc người.

Khảo sát truyền kì Việt Nam và Trung Hoa, chúng tôi nhận thấy các truyện truyền kì đã kế thừa các mô típ có nguồn gốc sâu xa từ thần thoại. Tuy nhiên, mỗi mô típ lại có cách thức triển khai khác biệt so với thần thoại. Mô típ hiển linh trong thần thoại chủ yếu để cho các thần sáng tạo thì trong truyền kì chủ yếu để cho các thần phò trợ cho cuộc sống con người. Mô típ biến hình trong thần thoại là sự biến hình vạn năng của các thần để kiến thiết vũ trụ còn trong truyền kì là sự biến hình bản năng chủ yếu để thỏa mãn nhu cầu tình cảm của nhân vật. Mô típ chinh phục cái chết trong thần thoại gắn liền với thần linh, với sự biến mất của cây trường sinh thì trong truyền kì gắn liền với quá trình con người luyện đan, học đạo, cầu tiên, sống thiện lương để cầu sự trường sinh bất tử. Trong truyền kì, mô típ kết duyên kì lạ không chỉ bao gồm dạng con người kết duyên cùng thần tiên, cùng tinh động vật như trong thần thoại mà còn có dạng người kết duyên với ma, với tinh thực vật… Các cuộc hôn nhân khác thường trong truyền kì không sinh ra những con người phi phàm, không nhằm mục đích giải thích nguồn gốc tộc người… mà chủ yếu là để thỏa mãn nhu cầu tình cảm của các nhân vật.

Về nghệ thuật, các truyện truyền kì triển khai các mô típ này rất nhanh gọn, gói trọn trong những khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi tạo cho tác phẩm cái không khí hư hư thực thực, thoắt ẩn thoắt hiện làm cho câu chuyện thêm bí ẩn và hấp dẫn.

Nhà nghiên cứu Vũ Thanh đã nhận định về Lê Thánh Tông, Nguyễn Dữ - những tác giả tiêu biểu nhất của truyền kì Việt Nam rằng các tác giả này “đã sử dụng một cách có ý thức cái như một chất liệu nghệ thuật, xác định vị trí và vai trò của nó trong sự sáng tạo của mình khiến cho yếu tố không cản trở mà ngược lại giúp cho nhà văn phản ánh một cách sâu sắc hơn cuộc sống” (Trần Ngọc Vương, 2007, tr.767).


Nhìn chung, các mô típ huyền thoại trong truyền kì là sự kế thừa một cách sáng tạo từ thần thoại, văn học dân gian. Các mô típ này góp phần tạo nên cái “kì” trong truyền kì, khẳng định đặc trưng của thể loại này. Các mô típ này góp phần làm đa dạng hóa phương thức phản ánh hiện thực, tạo nên sự cuốn hút đối với người đọc.

4.2. Không gian huyền thoại trong truyền kì Việt Nam thời trung đại

Vũ trụ có thể chia theo hai dạng. Nếu chia theo chiều dọc, vũ trụ là tam phân. Theo nhà nghiên cứu E.M.Meletinsky, “thiên giới, địa giới (vùng đất giữa) và âm giới. Âm giới là nơi trú ngụ của ma quỷ, thượng giới là nơi sinh sống của các vị thần và sau đó là những người được tuyển chọn sau khi chết” (Meletinsky, 2004, tr.284). Nếu chia theo chiều ngang, nhiều phần không gian trong vũ trụ đã được thiêng hóa, không có sự đồng chất với những phần còn lại. Theo nhà nghiên cứu M. Eliade, trong tâm thức con người, không gian thiêng mới thực sự là “trung tâm thế giới”. Đây là phần không gian có:

Sự linh hiển không chỉ có hiệu quả thần thánh hóa một bộ phận của không gian trần tục thuần nhất, thêm nữa nó đảm bảo việc duy trì tính thiêng này trong tương lai. Ở đó, tại khu vực này tính linh hiển được lặp lại địa điểm vận động theo cung cách biến đổi thành một nguồn vô tận của sức mạnh và tính thiêng cho phép con người, với điều kiện duy nhất cho họ thâm nhập vào nơi đó, tham gia vào sức mạnh này và giao tiếp với tính thiêng đó (Eliade, 2018, tr.400, 401).

Như vậy, nếu chia theo chiều dọc, vũ trụ huyền thoại là sự đồng hiện của không gian thế giới tam phân. Nếu chia theo chiều ngang, vũ trụ huyền thoại là sự đồng hiện của không gian thần thiêng và ngoại vi thế tục.

Chúng tôi đã dựa vào các quan niệm về không gian huyền thoại của các nhà nghiên cứu đi trước. Từ đó, chúng tôi đã khảo sát không gian huyền thoại trong thần thoại Việt Nam và các tác phẩm truyền kì tiêu biểu của Việt Nam (đối chiếu truyền kì Trung Hoa). Qua quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy các truyện truyền kì có sự đồng hiện trong không gian rất đa dạng. Đó là sự đồng hiện địa giới và hư giới; sự đồng hiện trung tâm thần thiêng và ngoại vi thế tục. Một truyện truyền kì có thể có nhiều kiểu đồng hiện không gian. Trong truyền kì, sự đồng hiện này có sự cải biến so với trong thần thoại để phù hợp với ý nghĩa mà tác phẩm văn học muốn truyền tải.

Xem tất cả 271 trang.

Ngày đăng: 10/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí