Connection đồng ý quan điểm về sự kết nối giữa hình thức thống trị nữ giới và tự nhiên bằng các luận điểm dưới đây:
(1) Tồn tại một hệ thống áp bức áp đặt sự thống trị lên tự nhiên.
(2) Tồn tại một hệ thống áp bức áp đặt sự thống trị lên nữ giới
(3) Sự thống trị tự nhiên và sự thống trị nữ giới có mối liên hệ với nhau.
(4) Sự thống trị tự nhiên và sự thống trị nữ giới là không chính đáng và phải chấm dứt.
(Marina, D. P., 2009, tr.1)
Như vậy, trải nghiệm cá nhân về sự thống trị thúc đẩy nữ giới cảm nhận sâu sắc về vị trí của kẻ bị áp bức từ đó đồng cảm hơn với tự nhiên và các thực thể phi nhân. Trong khi đó, nam giới không thể dễ dàng kết nối với các đối tượng mà họ thống trị, khả năng đồng cảm cũng như mối liên hệ với tự nhiên bị hạn chế. Nếu muốn thực hiện nữ quyền nhằm mục đích chấm dứt chủ nghĩa phân biệt giới tính, các nhà nữ quyền phải tính đến tất cả các yếu tố liên quan ảnh hưởng chứ không phải chỉ riêng vấn đề giới và ngược lại muốn thực hiện sinh thái triệt để thì cần phải bác bỏ logic của sự thống trị này vì chủ nghĩa tự nhiên cũng dựa vào logic của sự thống trị, nên nữ quyền cũng nhằm mục đích chấm dứt chủ nghĩa tự nhiên.
Kết nối thực nghiệm (Experiential Connections)
Là sự kết nối giữa nữ giới và tự nhiên được thể hiện qua những bằng chứng thực nghiệm. Đây là mối liên kết thiết thực và sống động nhất về quá trình ảnh hưởng lẫn nhau trong việc cưỡng đoạt môi trường và áp bức phụ nữ. Các nhà nữ quyền sinh thái tìm thấy những bằng chứng cụ thể để chứng minh rằng sự thống trị tự nhiên, cụ thể là hủy hoại môi trường, ảnh hưởng như thế nào đối với phụ nữ (và các nhóm trực thuộc khác) nghiêm trọng hơn ảnh hưởng đến nam giới. Chẳng hạn, ở Thế giới Thứ ba, việc thiếu nước vệ sinh là mối quan tâm đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em vì họ là người cung cấp nước chính trong gia đình, họ cũng trực tiếp đối mặt với những tình trạng sức khỏe cao hơn khi không có nước vệ sinh hoặc rủi ro về sức khỏe mà các nhóm khác nhau như trẻ em, phụ nữ, dân tộc thiểu số và người nghèo phải hứng chịu từ việc nhiễm phóng xạ ở mức độ thấp, thuốc trừ sâu, chất độc và các chất gây ô nhiễm được gây ra bởi chính sách phát triển của Thế giới Thứ nhất. Warren khẳng định rằng: “Trong những người chịu thiệt hại do những phá hủy môi trường, như người da trắng, người da màu, người nghèo, trẻ em, người già, người thuộc địa, dân Thế giới Thứ ba và các nhóm người Khác thì phụ nữ thường gặp những hiểm nguy với mức độ cao một cách không cân xứng so với đàn ông” (Warren, K. J., 2000). Việc phơi bày những bằng chứng thực nghiệm này nhằm mục đích
ghi lại những mối liên hệ thực tế, những cảm nhận sống động giữa sự thống trị phụ nữ và tự nhiên từ đó thúc đẩy nhu cầu kết hợp phân tích nữ quyền và các mối quan tâm về môi trường.
Kết nối tượng trưng (Symbolic Connections)
Kết nối tượng trưng giữa phụ nữ và thiên nhiên có thể nhìn thấy trong nghệ thuật, thần học, tôn giáo và văn học. Chẳng hạn thần học sinh thái nữ quyền xem đất mẹ Gaia là nữ thần, đưa ra quan niệm “Tâm linh Gaia”. Một số nhà nữ quyền sinh thái dựa vào văn học, đặc biệt là văn bản tự nhiên (nature writing) của người Pháp, để giải mã bản chất của các mối liên hệ biểu tượng tự nhiên của phụ nữ. Họ chú ý tới vai trò của ngôn ngữ trong tổ chức và duy trì sự thống trị tự nhiên cũng như sự thống trị phụ nữ qua mối liên hệ mang tính biểu tượng giới tính và tự nhiên. Trong một số ngữ cảnh, ngôn ngữ góp phần làm mất giá trị của phụ nữ với các thuật ngữ mô tả họ gắn với động vật như (bò, cáo, gà, rắn, chó cái...). Ngược lại, thiên nhiên thường được mô tả với các thuật ngữ tính dục như: thiên nhiên bị hãm hiếp, làm chủ, chinh phục, kiểm soát, khai thác. Khám phá sự liên kết tượng trưng và sự mất giá của phụ nữ và thiên nhiên xuất hiện trong tôn giáo, thần học, nghệ thuật và văn học là một phần không thể thiếu trong dự án của chủ nghĩa nữ quyền sinh thái để giải quyết vấn đề giải phóng, khẳng định cuộc sống và thuyết tâm linh trên thế giới.
Kết nối lịch sử (Historical connections)
Trong lịch sử phương Tây đã có một số thời kỳ được coi là nguồn gốc và có các yếu tố cơ bản mang lại mối liên hệ giữa sự thống trị của tự nhiên và phụ nữ. Các nhà nữ quyền sinh thái đưa ra một số sự kiện được cho là quan trọng dẫn đến logic thống trị như: Cuộc cách mạng khoa học của thế kỷ XVI và thế kỷ XVII; Triết học cổ điển Hy Lạp, sự ra đời của chủ nghĩa duy lý, chủ nghĩa nhị nguyên... Merchant cũng dựa vào cuộc cách mạng khoa học của nhân loại để giải thích cho sự biến mất của một trật tự thế giới cũ với đặc trưng là sự hợp tác giữa con người và thiên nhiên của thuyết hữu cơ và sự thay thế bằng thuyết cơ giới của khoa học hiện đại đã dẫn đến việc khai thác tự nhiên không kiểm soát, nền thương mại công nghiệp được mở rộng và sự phụ thuộc của phụ nữ.
Kết nối chính trị (Political Connections)
Phong trào nữ quyền cũng như những phong trào bảo vệ môi trường đều là những phong trào đấu tranh chính trị – xã hội và bình đẳng. Mục đích của Francoise d'Eaubonne khi giới thiệu thuật ngữ ecofeminism vào năm 1974 là để khẳng định tiềm năng phụ nữ trong cuộc cách mạng sinh thái, kêu gọi phụ nữ tham gia cuộc cách mạng này để giữ gìn
trái đất, xây dựng một mối quan hệ bình đẳng hài hòa giữa con người và tự nhiên, nam giới và nữ giới. Từ khi hình thành đến nay, chủ nghĩa nữ quyền sinh thái luôn là một phong trào chính trị được thúc đẩy từ mối quan tâm của nhân loại đến các vấn đề thiết thực từ vấn đề sức khỏe phụ nữ, môi trường, sự phát triển của khoa học, công nghệ, đến các vấn đề hòa bình, chống hạt nhân, hoạt động chống độc tài. Các quan điểm của các nhà sinh nữ quyền thái về môi trường được coi là một nỗ lực để thực hiện nghiêm túc các hoạt động chính trị và các mối quan tâm chính trị.
Kết nối nữ tính (Feminine Connections)
Mối liên hệ giữa tự nhiên và nữ giới trong nữ quyền sinh thái không đơn giản chỉ dựa trên một nguyên nhân gốc rễ chung của sự thống trị cả hai, mặc dù thực tế có một mối liên hệ giữa phụ nữ và thiên nhiên theo cách mà họ từng bị áp bức trong lịch sử. Nếu các nhà nữ quyền sinh thái xã hội nhấn mạnh rằng bất kỳ mối liên hệ nào giữa nữ giới và tự nhiên hoàn toàn là kết quả của quá trình xây dựng xã hội, thì một số nhà nữ quyền sinh thái tinh thần cho rằng mối liên hệ này còn sâu sắc hơn mối tương đồng về áp bức, nghĩa là không nhất thiết phải là nguồn gốc của sự áp bức, hoặc được xây dựng về mặt xã hội mà sự kết nối giữa nữ giới và tự nhiên là vốn có và mang tính bản chất luận hay còn gọi đó là kết nối vô thức (unconscious connection), đó chính là mối liên hệ và sự tương đồng về thuộc tính giữa tự nhiên và nữ giới (naturalizing women and feminization of nature). Họ cho rằng phụ nữ và tự nhiên là khởi điểm của nguồn sống: "Tạo hóa đã truyền khả năng ban sự sống từ Mẹ Trái đất cho phụ nữ" (Wilson, K., 2005). Cảm giác tôn kính đối với thiên nhiên bắt nguồn từ nữ tính, từ khả năng mang lại sự sống, điều này giúp nữ giới kết nối sâu sắc hơn với thiên nhiên: “Các nhà sinh thái học tinh thần nhấn mạnh rằng con người có liên hệ bản chất với thiên nhiên, và mối liên hệ này mạnh mẽ nhất đối với phụ nữ” (Wilson, K., 2005). Cơ thể của phụ nữ cũng bị ảnh hưởng bởi tự nhiên nhiều hơn nam giới (chẳng hạn sự liên quan của chù kì kinh nguyệt với mặt trăng). Bản chất nữ tính này còn thể hiện ở một mối quan hệ lý tưởng mang đặc trưng mẫu tính không dựa trên tương tác xã hội. Đó là một mối quan hệ đặc trưng bởi sự cho và nhận không cân bằng. Người mẹ thường được coi là người không ngừng cho đi mà không mong nhận lại điều gì, trong khi đó người nhận lại là người chiếm ưu thế trong mối quan hệ. Điều này có thể sẽ gây phản ứng ngược vì nếu coi thiên nhiên là mẹ và giống như nữ tính sẽ khiến chúng ta thoải mái hơn trong việc tận dụng các nguồn tài nguyên của trái đất mà không quan tâm nhiều đến những đều có hại cho cả phụ nữ và phong trào môi trường. Thuật ngữ “mẹ thiên nhiên” dường như là một gợi ý cho sự lợi dụng và coi thường. Khi so sánh trái đất với mẹ
của chúng ta, con người đang tạo ra một mối quan hệ mà trong đó chúng ta không cảm thấy tội lỗi khi sử dụng quá mức các nguồn lực sẵn có. Xem tự nhiên như một thực thể yêu thương vô hạn và ban tặng không ngừng khiến chúng ta sẽ nhầm lẫn rằng hành tinh trái đất tồn tại vì lợi ích của chúng ta, chúng ta có thể tận dụng những gì nó cung cấp và cũng khiến ta tin rằng chúng ta có quyền nhận, lấy mà không có hậu quả. Thực tế, mẹ thiên nhiên sẵn sàng kết thúc cuộc sống của những sinh vật mà bà tạo ra mà không hối hận. Mặt khác, nếu coi nữ tính là gần với thiên nhiên thì lại hạ thấp giá trị của phụ nữ, khi cho rằng họ thuộc về những gì hoang dã, và thiếu kiểm soát. Nhiều nhà sinh thái học lo ngại rằng việc ghi nhận trái đất với những đặc điểm của người mẹ sẽ tiếp tục duy trì tư duy thứ bậc có hại (Wilson, K., 2005) bởi “Sự liên hệ giữa phụ nữ và tự nhiên là một công cụ chính được sử dụng để áp bức họ”. (Plumwood, V., 1993, tr.19). (xem phụ lục 8).
1.1.3.2. Đặc trưng giải cấu trúc
Giải cấu trúc chủ nghĩa nhị nguyên (Dualism)
Khái niệm nhị nguyên được dùng cho bất cứ một lý thuyết nào xác định sự phân ly không thể thu hẹp được giữa hai loại sự vật. Sự vận hành của những cặp nhị phân được thiết lập theo nguyên tắc chính/phụ như: văn hóa/thiên nhiên, lý do/điên rồ (vô lý), đô thị (thành phố)/nông thôn, nam/nữ, văn minh/nguyên thủy, nam tính/nữ tính, con người/động vật, lý trí/cảm xúc, phổ quát/cụ thể, da trắng/da màu, thượng lưu/hạ lưu,... Từ sự phân chia này Plumwood cho rằng các thuật ngữ bên trái được hình thành để tạo thành một thế trung tâm, trong khi các thuật ngữ bên phải đóng góp cho sự hình thành này bị từ chối. Sự khác biệt, phân cực giữa hai còi này được thể hiện là một bên giá trị, bên mất giá trị trong đó bên chính – giá trị thuộc về đàn ông và bên phụ – mất giá trị thuộc về đàn bà. Helenne Cixous đã dựa trên thuyết độc tôn dương vật để vạch trần nguyên nhân của việc phân chia thế giới làm hai trục chính phụ là do các nhà triết học luôn chứng minh đàn ông đứng vào vị trí trung tâm của toàn bộ hệ thống ngôn ngữ (đàn ông là người sáng tạo ra ngôn ngữ), nên toàn bộ hệ thống ngôn ngữ của loài người dựa trên sự thiết lập của hệ thống ngôn ngữ/triết học nam giới. Đàn ông bao giờ cũng là nhân tố tiên phong, có vai trò dẫn dắt, chỉ đạo và áp đặt lên mọi hoạt động của nữ giới, hệ thống quan điểm có đặc điểm chính phụ cũng được thiết lập từ đó. Trong đó trục chính thuộc về đàn ông trục phụ thuộc về đàn bà. Trục chính thuộc về sự quyền uy cao quý (Đàn ông –Trước – Văn minh – Trắng – Ánh sáng – Tốt – Thiện), trục phụ thuộc về vị trí kém cỏi (Đàn bà – Sau – Hoang dã – Đen – Bóng tối – Xấu – Ác).
Sự xuất hiện và trật tự trước sau của những cặp nhị phân này hàm chứa những tương quan quyền lực giữa cái chiếm ưu thế quyền lực và cái yếu thế bị trấn áp. Trong vế
phụ/bị yếu thế và trấn áp có một sự tương đồng trong cách thức người phụ nữ và tự nhiên bị chiếm đoạt và nô dịch bởi đàn ông và loài người. Các nhà nữ quyền sinh thái cho rằng chính sự phân cấp thế giới mang tính nhị nguyên là nguyên nhân của sự thống trị. Người ta luôn coi trọng phía cao hơn: lý trí hơn bản năng, con người hơn động vật; nam giới hơn nữ giới... Do vậy, nhân loại luôn đặt ở vị thế trung tâm so với thế giới phi nhân, phụ nữ luôn thấp hơn so với đàn ông. Sự logic này dẫn đến sự thống trị của nam giới với giới tự nhiên và nữ giới. Karen Thornber cho rằng: “Diễn ngôn của nữ quyền sinh thái nói chung thường lập luận rằng việc khai thác thiên nhiên và phụ nữ có mối quan hệ mật thiết” (Thornber, K., 2011). Cheryll Glotfelty cũng nhận ra sự tương đồng trong cách thức người phụ nữ và tự nhiên bị chiếm đoạt, nô dịch bởi đàn ông và loài người. Sự phân chia thế giới theo quan điểm nhị nguyên này xuất phát từ phương Tây nhưng đã trở thành diễn ngôn chủ đạo trên thế giới, nó biện hộ cho vị thế thống trị của con người với tự nhiên và của nam giới với nữ giới mà chúng ta gọi đó là chủ nghĩa nhân loại trung tâm hay chủ nghĩa nam quyền trung tâm mà chúng ta sẽ bàn đến ở phần sau. Phản tư lại quan niệm này các nhà nữ quyền sinh thái đã tái định giá lại mối quan hệ giữa nature và human cũng như là women và man. Không phải là ở vị thế đối nghịch giữa thuộc tính văn minh, tinh thần khai sáng, nhân tính và sức mạnh, thuộc tính hoang dã, tăm tối, thú tính, bất kham nữa, giải cấu trúc nhị nguyên, các nhà nữ quyền sinh thái đã hình thành một diễn ngôn mới về vị thế của con người đối với tự nhiên, nam giới với nữ giới để loài người nhận thức rò sự tha hóa, tàn nhẫn của mình và tô đậm sự thuần khiết tự do bao dung của thiên nhiên.
Giải cấu trúc chủ nghĩa nhân loại trung tâm (Anthropocentrism)
Chủ nghĩa nhân loại trung tâm là quan điểm lấy con người làm trung tâm của vũ trụ, coi con người có vị trí tách biệt và cao hơn tự nhiên, cuộc sống của con người có giá trị nhất trong sự tồn tại của vũ trụ còn những thực thể khác thuộc giới tự nhiên hữu sinh hay vô sinh chỉ là tài nguyên để con người khai thác và phục vụ cho lợi ích của mình: “Con người được tôn vinh với sức mạnh khổng lồ, cả về thể lực lẫn trí lực, với khả năng và khát vọng khám phá, chinh phục tự nhiên, làm chủ và thống trị tự nhiên” (Nguyễn Thị Tịnh Thy, 2017, tr.57). Nguồn gốc của chủ nghĩa nhân loại trung tâm xuất phát trước tiên từ chủ nghĩa nhân bản Hi Lạp cổ đại “coi con người là thước đo vạn vật”, thứ hai là từ chủ nghĩa duy lý thế kỉ XVII – XVIII coi con người là chủ nghĩa nhân văn là chúa tể của giới tự nhiên và thứ ba là từ Thiên chúa giáo coi con người mang bản chất thần thánh của Chúa thiêng liêng và có quyền thống trị tự nhiên.
Tinh thần duy lý của chủ nghĩa nhân loại trung tâm thúc đẩy sức mạnh trí tuệ con người tạo ra những thành tựu rực rỡ với tất cả các lĩnh vực đặc biệt là văn minh công nghiệp. Tuy nhiên, nó cũng được cho là nguyên nhân cơ bản của khủng hoảng sinh thái, quá tải dân số và sự tuyệt chủng của nhiều loài không phải con người. Mặt trái của nền văn minh công nghiệp khiến môi trường bị ô nhiễm, sinh thái bị phá vỡ, đe dọa sự sống toàn cầu. Trong đó, nữ giới là người gánh chịu hệ lụy nặng nề nhất từ nguy cơ này, chính vì vậy chủ nghĩa nhân loại trung tâm chịu sự lên án của chủ nghĩa nữ quyền sinh thái.
Chủ nghĩa nam giới trung tâm được coi là sự phái sinh của chủ nghĩa nhân loại trung tâm bởi đặc tính thống trị được xã hội cho phép, chấp nhận ở nam giới nhưng không khuyến khích nó cho người phụ nữ. Sự tương đồng ở đặc trưng thống trị của chủ nghĩa nhân loại trung tâm và chủ nghĩa nam giới trung tâm khiến những thuật ngữ này được sử dụng như từ đồng nghĩa trong những công trình nghiên cứu về môi trường. Daniel Pérez Marina phân tích cách mà con người được cho là chiếm vị trí đặc quyền của vũ trụ từ mô hình giải cấu trúc chủ nghĩa nhân loại trung tâm của Val Plumwood. Plumwood định nghĩa chủ nghĩa nhân loại trung tâm là một cấu trúc phổ biến và là nền tảng các hình thức áp bức khác nhau như chủ nghĩa thực dân, phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính. Vai trò của cấu trúc này là để tạo ra một trung tâm (centre) và ngoại vi (periphery), một kẻ áp bức (oppressor) và bị áp bức (oppressed), một trung tâm (centre) và khác (the other). Daniel Pérez Marina đã mô tả lại những đặc trưng của chủ nghĩa nhân loại trung tâm của Val Plumwood với những đặc trưng sau: (xem thêm phụ lục 7)
1. Loại trừ triệt để (Radical exclusion): Những người ở trung tâm được coi là hoàn toàn tách biệt và vượt trội so với người khác. Trung tâm được thể hiện là không mang các phẩm tính thấp kém của cái khác và cái khác thiếu các phẩm tính xác định của trung tâm. Sự khác biệt đó được nhấn mạnh đến mức ngăn chặn hoặc hủy bỏ bất kỳ ý nghĩa nào về sự kết nối tương đồng giữa chúng.
2. Đồng nhất hóa (Homogenization): Những người ở ngoại biên được coi là như nhau và có thể thay thế nhau. Điểm tương đồng được phóng đại và sự khác biệt bị coi nhẹ trong nhóm đó. "Cái khác không phải là một cá nhân mà có liên quan đến như một thành viên của một nhóm có thể hoán đổi cho nhau vật phẩm. Sự khác biệt chỉ được thừa nhận khi chúng ảnh hưởng hoặc được coi là có liên quan đến mong muốn và hạnh phúc của những người ở trung tâm” (Marina, D. P., 2009, tr.11)
3. Phủ nhận (Denial): Cái khác được biết đến là không cần thiết. Những người ở trung tâm phủ nhận những phụ thuộc vào những người ở ngoại biên.
4. Sát nhập (Incorporation): Những người trung tâm không thừa nhận quyền tự chủ của người khác. Cái khác được miêu tả như là một chức năng của giá trị trung tâm. Cái khác là sự phủ định của những phẩm chất đặc trưng cho những người ở trung tâm, đó là những phẩm tính được trân trọng và quý trọng nhất về mặt xã hội và văn hóa.
5. Chủ nghĩa công cụ (Instrumentalism): Những người ở trung tâm phủ nhận sự độc lập của cái khác. Cái khác trở thành một phương tiện hoặc tài nguyên mà trung tâm có thể sử dụng để đáp ứng nhu cầu của chính mình và được đánh giá phù hợp cho tính hữu ích mà trung tâm có thể tìm thấy trong đó.
Mô hình chủ nghĩa nhân loại trung tâm này có thể giúp chúng ta làm sáng tỏ con người như thế nào trong mối quan hệ với tự nhiên và hiểu rò những sai lệch trong mối quan hệ này. 1/Loại trừ triệt để: Con người được thể hiện như tách biệt hoàn toàn với thiên nhiên. Bản sắc con người thực tế bị giảm xuống những đặc điểm làm cho nhân loại trở nên khác biệt từ thiên nhiên, phủ nhận những cái mà cả hai cùng chia sẻ. Thiên nhiên được diễn tả là thiếu những đặc tính xác định của con người. Những trải nghiệm của con người cũng không có sự kết nối hoặc sự gắn bó nào với thiên nhiên, đức tính của họ thường được xác định với những đặc điểm được phân loại là duy nhất ở con người. 2/ Đồng nhất hóa: Thiên nhiên được coi là một hệ thống các bộ phận có thể thay thế cho nhau được, sự khác biệt chỉ thừa nhận khi chúng được cho là ảnh hưởng đến ham muốn và hạnh phúc của con người và các giá trị của nó bị đánh giá thấp nghiêm trọng. 3/Từ chối: Thiên nhiên được diễn tả là không cần thiết, nó chỉ là phông nền, là bóng tối phía sau cuộc sống của con người. Con người xem thường những tác dụng hay ràng buộc với thiên nhiên. Họ không thừa nhận sự phụ thuộc của họ vào nó. 4/Sát nhập: Con người không thừa nhận quyền tự chủ của tự nhiên đồng thời không công nhận những phẩm chất đặc trưng, riêng biệt của tự nhiên. Tự nhiên được gán cho bản chất là hoang dã và không có trật tự, theo đó con người sẽ áp đặt, thống trị thiên nhiên bằng trật tự và lý trí. 5/ Chủ nghĩa công cụ: Thiên nhiên trở thành một phương tiện hoặc một tài nguyên mà con người có thể tận dụng để thỏa mãn nhu cầu của bản thân, nó chỉ được coi trọng khi con người tìm thấy sự hữu ích trong đó.
Daniel Pérez Marina đã dựa vào mô hình chủ nghĩa trung tâm trên của Val Plumwood để áp dụng cho mối quan hệ giữa nam giới và nữ giới. Cấu trúc chủ nghĩa trung tâm này cho thấy một trung tâm - nam tính và cái khác - nữ tính với những yếu tố sau:
1. Loại trừ triệt để (Radical exclusion): Đàn ông được xem là hoàn toàn tách biệt và vượt trội so với đàn bà. Bản sắc đàn ông của họ thực tế bị giảm xuống những đặc điểm
được cho là khiến đàn ông khác với phụ nữ. Đặc tính nam tính là kết quả của việc loại trừ những đặc điểm đó – những đặc điểm đã được phân loại và chỉ có phụ nữ độc quyền. Phụ nữ được cho là thiếu các đặc tính nam tính đó. Tất cả điều này làm giảm đi những trải nghiệm của người đàn ông hoặc quan hệ tương đồng với phụ nữ.
2. Đồng nhất hóa (Homogenization): Tất cả phụ nữ được hình dung là như nhau. Họ được cho là chia sẻ một tính đồng nhất và không thể thay đổi. Sự khác biệt giữa họ chỉ được thừa nhận ở khả năng làm ảnh hưởng đến dục vọng, hạnh phúc của đàn ông và tất nhiên sự đa dạng cá nhân của nữ giới bị đánh giá thấp nghiêm trọng.
3. Phủ nhận (Denial): Phụ nữ được nhìn nhận là không cần thiết, họ chỉ đứng sau cuộc sống của đàn ông. Công việc và đóng góp của họ bị coi thường hoặc mất giá. Họ chỉ được ghi nhận như những người chăm sóc cho trẻ em, người bệnh và người già, các công việc nội trợ, tình yêu và thân tình mà họ mang lại, còn những đóng góp của họ cho văn hóa, nghệ thuật và lịch sử bị đánh giá thấp hoặc bị phớt lờ.
4. Sát nhập (Incorporation): Phụ nữ được định danh trong mối quan hệ với nam giới. Họ được hình dung như là sự bất toàn hoặc là sự phủ định những phẩm chất được hiểu là đặc trưng nam giới.
5. Chủ nghĩa công cụ (Instrumentalism): Phụ nữ bị tước bỏ mọi sự độc lập. Họ trở thành một phương tiện hoặc một nguồn lực mà đàn ông có thể tận dụng để thỏa mãn nhu cầu và sở thích của chính họ. Giá trị vì sự hữu ích của họ được ghi nhận thông qua cách mà người đàn ông đánh giá chứ không phải theo ý muốn và quyền lợi của họ. Họ được ghi nhận ở vai trò là một người vợ tốt và người mẹ tốt. Ví dụ, theo Rousseau, nhiệm vụ của người phụ nữ là người được lòng anh ta, để có được sự tôn trọng và tình yêu của anh ta, để dạy dỗ anh ta thời thơ ấu, để chăm sóc anh ấy trong tuổi trưởng thành, để hỗ trợ và để làm cho cuộc sống của anh ấy dễ chịu và hạnh phúc (Marina, D. P., 2009).
Dựa vào sự phân tích của Daniel Pérez Marina, chúng tôi đưa ra bảng đối chiếu dưới đây giữa chủ nghĩa nam quyền trung tâm và chủ nghĩa nhân loại trung tâm:
Chủ nghĩa nhân loại trung tâm (Anthropocentrism) | |
(1) Tư duy nam giới trung tâm, cho rằng nam giới có sự vượt trội so với phụ nữ. | (1) Tư duy lấy con người làm trung tâm, khẳng định sự vượt trội của con người so với tự nhiên. |
(2) Sắp xếp, điều đình hệ thống cấu trúc thống trị của nam giới. | (2) Chỉ có con người là có luân lý và thế lực. |
Có thể bạn quan tâm!
- Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam: Tự nhiên và nữ giới trong văn xuôi nữ Việt Nam đương đại nhìn từ nữ quyền luận sinh thái - 1
- Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam: Tự nhiên và nữ giới trong văn xuôi nữ Việt Nam đương đại nhìn từ nữ quyền luận sinh thái - 2
- Tiềm Năng Của Phê Bình Nữ Quyền Sinh Thái Trong Nghiên Cứu Văn Học
- Tổng Quan Về Tình Hình Nghiên Cứu Văn Xuôi Nữ Việt Nam Đương Đại Từ Nữ Quyền Luận Sinh Thái
- Ứng Dụng Phê Bình Nữ Quyền Sinh Thái Trong Nghiên Cứu Văn Học