hiện qua một hình thức cô đọng, hàm súc, trang nhã, linh hoạt, đa dạng. Những nền tảng đó đã phú cho ngôn ngữ tác phẩm những lớp nghĩa đặc thù tác động đến tư duy thẩm mỹ, quá trình tiếp nhận của người đọc. Chẳng hạn, nếu so với Thúy Vân, Thúy Kiều tự nhận mình là “người bạc mệnh”, thì sánh với Kim Trọng nàng tự nhận là “người thác oan”. Nhận thức được quy luật biến thiên của cuộc sống, lẽ tồn sinh của chính bản thân mình, Thúy Kiều như một triết nhân tự chiêm nghiệm cho chính đời mình. Hình ảnh “trâm gãy bình tan” là một tín hiệu thẩm mỹ được tập thi
từ bài thơ Tỉnh để dẫn ngân bình 井底引銀瓶 của Cố Huống 顧況: “Thạch thượng
ma ngọc trâm, ngọc trâm dục thành trung ương chiết, tỉnh thượng vãn ngân bình, ngân bình dục thượng, ti thằng tuyệt… 石 上 磨 玉 簪 玉 簪 欲 成 中 央 折, 井 上
挽 銀 瓶 , 銀 瓶 欲 上 絲 繩 絕 ” (mài trâm ngọc trên đá, trâm chưa thành, nửa
chừng gãy, kéo bình bạc trên miệng giếng, bình bạc chưa lên, dây tơ đứt) [192, tr.920], ngữ liệu văn hoá này dùng để nói về số phận của giai nhân bạc mệnh, hoặc sự việc nửa chừng bị đứt gãy. Ngữ liệu văn hóa được Nguyễn Du vận dụng ở đây đã có ý nghĩa khái quát, tô đậm cho tính chất bi thương của một tình yêu tan vỡ, không những thế, nó đã trở thành một công cụ văn hóa để giải mã số phận của Kiều nhi.
Xét từ góc độ tri nhận, qua hệ thống ngữ liệu bình dân và bác học trong Truyện Kiều, người đọc như đang rảo những bước thâm trầm, dung dị, xúc cảm và sâu lắng trong văn hoá phong kiến Trung Hoa, Việt Nam. Chính kiểu tư duy theo hệ hình văn hóa trung cổ đã tạo nên một mã văn hóa đặc biệt cho thi phẩm. Hơn bất kỳ một tác gia nào khác, Nguyễn Du không chỉ ký họa một cách nhanh chóng bức tranh hiện thực xã hội phong kiến mà còn thể hiện nó bằng những nét bút uyển chuyển qua những gam màu sáng tối như thể sự biến thiên, thăng trầm của thế sự, của nhân sinh. Nhà thơ đã hoàn thành một cách xuất sắc nhiệm vụ của một tông đồ suốt đời phụng thờ lý tưởng của mình, chuyển tải và minh chứng cho các triết thuyết, tinh thần khoáng đạt nhân sinh. Nhà thơ dường như đã xác lập một cuộc đối thoại văn hóa trong một thế giới đầy những biến động và tương tác.
Sự tương hợp và dung hòa giữa tư tưởng Lão Trang, Khổng Mạnh và Phật giáo trong thế giới nghệ thuật của Truyện Kiều đã thể hiện điều đó. Hai chữ Tài
mệnh trong tác phẩm như một điểm sáng văn hóa di động trong toàn tác phẩm, cái quan niệm “tài mệnh tương đố” mà Nho gia gọi là Mệnh 命 , nhà Phật gọi là Nghiệp 業 , Đạo gia gọi là Thiên 遷 (dịch chuyển), ấy là sự biến hóa, tương sinh tương khắc của âm và dương đã tạo ra tư tưởng tòng quyền, thuận thiên, bất nghịch mệnh. Phải
Có thể bạn quan tâm!
- Ngữ Liệu Văn Hóa Với Sự Thể Hiện Chiều Sâu Triết Mỹ Qua Ngôn Ngữ Nhân Vật Trong Truyện Kiều
- Phong Cách Khổng Tước Văn Trong Ngôn Ngữ Nhân Vật Truyện Kiều
- Phong Cách Hải Hạc Văn Trong Ngôn Ngữ Nhân Vật Truyện Kiều
- Sự Lan Tỏa Và Vang Vọng Của Ngôn Ngữ Nghệ Thuật Truyện Kiều
- Ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều từ góc nhìn văn hoá - 25
- Ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều từ góc nhìn văn hoá - 26
Xem toàn bộ 272 trang tài liệu này.
chăng số phận Kiều nhi từ chốn buồng khuê, qua mười lăm năm lặn ngụp trong bể đoạn trường và đến lúc đoàn viên trong nỗi đau khổ đã phản ảnh một cách chân thực nhất những mâu thuẫn, bất mãn và hạn chế của nhà thơ đối với chính những điều ấy. Câu hỏi mang tầm tư tưởng triết học, nặng quan niệm văn hóa cổ xưa ấy không chỉ là bài toán cho Nguyễn Du mà còn cả bao thế hệ thi nhân trung đại.
Có thể nói thêm rằng, về vấn đề chuyển dịch những ngữ liệu từ trong nguyên tác Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân trong ngôn ngữ Truyện Kiều là một vấn đề tiếp biến khá đặc biệt. Xét riêng hệ thống từ ngữ chỉ màu sắc trong ngôn ngữ văn học cổ điển nói chung và Truyện Kiều nói riêng khá phong phú và đa dạng, nó không chỉ là lớp từ ngữ mang tính biểu trưng, là phương tiện biểu đạt, khái quát những vấn đề của hiện thực cụ thể qua lăng kính thẩm mỹ của nhà nghệ sĩ. Trong Truyện Kiều, nhà thơ đã 119 lần sử dụng những từ ngữ chỉ màu sắc, chiếm tỷ lệ 0,52% (119/ 22.778 chữ), gấp 5 lần so với Kim Vân Kiều truyện, với nhiều màu sắc khác nhau. Nguyễn Du dùng những từ ngữ chỉ màu sắc để kiến tạo các hình tượng có nội dung khái quát, rộng lớn và giàu giá trị thẩm mỹ. Vì thế, Trần Đình Sử đã nhận định: “xét về mặt này, Truyện Kiều cũng cho thấy những bằng chứng về sáng tạo độc đáo của thi hào Nguyễn Du..” [132, tr.257].
Với Nguyễn Du, qua Truyện Kiều, một lần nữa ông đã gắn kết cộng đồng, gắn kết các thế hệ độc giả trong một mạch ngầm văn hoá của dân tộc. Người Việt Nam dù ở đâu, làm gì vẫn chung nhau tấm lòng Việt, tiếng Việt, những giá trị bất biến ấy đã được thể hiện một cách tinh tế trong từng câu thơ lục bát Truyện Kiều. Đúng như nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên đã tâm đắc: “Nguyễn Du là mái ấm của ngôi nhà tổ phủ, là nơi những đứa con khắp bốn phương trời trở về sau những chặng đường lữ thứ…” [84, tr.210]. Và Trần Đình Sử đã khái quát:
Giá trị của Truyện Kiều trước hết là một giá trị sáng tạo văn hoá, văn chương tuyệt đỉnh...” và “vị trí của Truyện Kiều trong văn học Việt Nam là ở chỗ nó đánh dấu sự xuất hiện của thi ca nghệ sĩ, sự thăng hoa của thiên tài lên trên chủ nghĩa giáo huấn, biến văn học trung đại trở thành văn học nghệ thuật, biến tiếng Việt thành tiếng Việt văn học đích thực, biến truyện Nôm của ông thành một thể loại nghệ sĩ... [132, tr.05].
Quả vậy, sức hấp dẫn, ảnh hưởng và lan toả của Truyện Kiều rất đa dạng và phong phú, nó vươn đến mọi giai tầng trong xã hội, khi tập thơ của Nguyễn Du còn chép bằng chữ Nôm, nhiều người tuy không được đi học, chỉ nhớ thuộc lòng Truyện Kiều nhưng đã mò mẫm tự học để đọc được tất cả các bản sách chữ Nôm. Đánh giá về hiện tượng này, Đặng Thai Mai đã cho rằng:
Người dân Việt Nam bất kỳ thuộc về tầng lớp nào, không ai là không thích nghe kể Truyện Kiều, ngâm Kiều, lẩy Kiều. Người ta nhớ từng đoạn và dẫn dụng vào câu chuyện hằng ngày, khi nói đến nhân tình thế thái… và Truyện Kiều được xem như một bản linh kinh có thể báo cho người ta những may rủi trên đường đời. [05, tr. 165 - 166].
Sau khi ra đời, Truyện Kiều đã thực sự trở thành món ăn tinh thần cho bao thế hệ người đọc Việt Nam, là một tác phẩm có vị trí đỉnh cao trong lịch sử phát triển của văn học Việt Nam, là sách giáo khoa quốc văn cần phải đọc ở các bậc học, là một đối tượng nghiên cứu của các chuyên luận khoa học. Cùng với Lục Vân Tiên ở Nam Bộ, Truyện Kiều đã trở thành hai đại diện tiêu biểu cho thể loại truyện Nôm bác học. Sự ra đời của Truyện Kiều đã góp phần to lớn làm phong phú đời sống văn hóa dân tộc. “Làm trai biết đánh tổ tôm, uống trà Chính Thái, xem nôm Thúy Kiều” đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của người dân Việt. Ngôn ngữ Truyện Kiều đã đạt đến độ tinh xảo, chính xác, là điển hình tiêu biểu cho sự phát triển toàn thịnh của ngôn ngữ văn học dân tộc và những tác động của nó, đặc biệt là lớp từ ngữ văn hóa Truyện Kiều đã đi vào ca dao dân ca như những ngữ liệu, chất liệu là tô đậm thêm vẻ đẹp duyên dáng của văn học dân gian, văn học bình dân Việt Nam. Do vậy, trong cuốn Thơ văn quanh Truyện Kiều (1996) nhà
nghiên cứu Thái Kim Đỉnh cho biết, “lúc Truyện Kiều mới được in ra chưa bao lâu, Nguyễn Văn Thắng 阮 文 勝 , tác giả tập văn Kim Vân Kiều án 金 雲 翹 案 , cũng đã viết: Không những chỉ những bậc văn tài tử đọc truyện, lòng vui sướng, trí thảnh thơi mà cho đến những bố cu mẹ đĩ hễ miệng đọc cũng khoa chân múa tay...” [39, tr. 06 - 07].
Trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, những hình thức sinh hoạt như đố Kiều, lẩy Kiều, bình Kiều, hoạt cảnh, ca tài tử, cải lương liên quan các tuồng tích trong Truyện Kiều đều in đậm dấu ấn ngôn ngữ văn hóa Truyện Kiều. Có thể nói rằng, dấu ấn của sinh hoạt dân gian xứ Nghệ “địa linh nhân kiệt”, đất Hồng Sơn văn hiến, phong cách thi văn của dòng họ Nguyễn Tiên Điền và đô thành Thăng Long đã hun đúc nên vẻ đẹp đài các nhưng mộc mạc, quý phái nhưng chân chất của các khung cảnh không gian, thời gian trong tác phẩm. Và một lần nữa, những nét đẹp văn hóa ấy đã bước ra từ những trang văn Kiều và đi vào đời sống dân tộc, tạo nên những cung bậc tiếp nhận mới cho việc thưởng thức một tuyệt phẩm của mọi thời đại. Các nhà Kiều học Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Thạch Giang, Nguyễn Quảng Tuân…và nhất là Phạm Đan Quế, người đã tâm huyết một đời với văn hóa Kiều đã chứng minh được những ảnh hưởng sâu đậm của Truyện Kiều đối với các sinh hoạt văn hóa dân tộc. Từ trong nền văn hóa Kiều, các hình thức bình Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều, lẩy Kiều, tập Kiều đã trở thành những thú chơi tao nhã. Nghệ thuật chiết tự được trích từ những câu thơ Kiều vẫn được các cụ dẫn dụng để chúng minh cho khả năng chiết tự chữ Hán, một lối chơi mang tính quan phương và cao nhã. Chẳng hạn trong thư Sở Khanh gửi Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích:
“Mở xem một bức tiên mai, Rành rành “tích việt” có hai chữ đề.”
(Câu 1087 - 1088)
Và Thúy Kiều đã giải bài toán này một cách dễ dàng:
“Lấy trong ý tứ mà suy,
Ngày hai mươi mốt tuất thì phải chăng.”
(Câu 1089 - 1090)
Chữ tích 昔 trong Tích việt 昔越 vốn trong chữ Hán được cấu tạo từ các chữ
Trấp 廿, nhất -, nhật 日 có nghĩa là ngày hai mươi mốt. Chữ Việt 越 gồm có các chữ Tuất 戌 (Chi Tuất hoặc giờ Tuất) và Tẩu 走 (chạy), có nghĩa là vào giờ Tuất, chạy trốn. Hoặc ở một trường hợp khác, có một câu thơ nữa nếu đem chiết tự thì lại
được tên của Thúc Sinh, người tình mà Thúy Kiều đang mong ngóng ngày đêm khi
chàng về Vô Tích thăm Hoạn Thư:
“Đêm thu gió lọt song đào,
Một vầng trăng khuyết ba sao giữa trời.”
(Câu 1637 - 1638)
Đó chính là chữ tâm 心, tên tự của Thúc Sinh - Thúc Kỳ Tâm 束奇心. Hoặc giả, từ những câu thơ cụ thể, người đọc có thể phán đoán các chữ Hán ẩn chứa trong đó:
“Chênh chênh bóng nguyệt xế mành, Tỉnh ra mới biết rằng mình chiêm bao.”
(Câu 0185 - 0186)
Đây là chữ Bào 胞 (gồm bộ nhục, có dáng vẻ như chữ Nguyệt, và chữ Bao), không những thế, có khi người ta tổ chức các cuộc thi lẩy Kiều để so tài văn chương, chẳng hạn cuộc thi lẩy Kiều do Lê Hoan 黎歡 chủ xướng (1905) và hai vị túc nho Nguyễn Khuyến 阮勸 và Dương Khuê 楊珪 làm đồng chủ khảo. Ngôn ngữ Truyện Kiều có lẽ từ đó đã trở thành ca từ, tuồng tích, ngữ liệu cho các loại hình văn
hoá dân gian như tuồng chèo, cải lương, hay buổi hát ví giặm, ca bài chòi của nam thanh nữ tú trong những buổi sinh hoạt văn hoá hay những đêm hò hẹn tình tứ.
Ngòi bút hoạ chân dung Tú Bà của Nguyễn Du thật tuyệt diệu. Có lẽ Truyện Kiều để lại trong dân chúng, gần hai trăm năm qua, bức chân dung này sâu đậm hơn cả, bên cạnh các chân dung Sở Khanh, Hoạn Thư, Từ Hải. Mấy ai quên bức hoạ miêu tả dáng vóc, thể xác của mụ chủ nhà chứa này:
“Thoắt trông nhờn nhợt màu da
Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao!”
(Câu 0923 - 0924)
Đặc biệt là những câu thơ miêu tả nghề nghiệp của mụ: "Giữa thì hương án hẳn hoi, Trên treo bức tượng trắng đôi lông mày” (câu 0929 - 0930), cử chỉ, dáng điệu ngỗ ngược của mụ: “Tú Bà vắt nóc lên giường ngồi ngay” (câu 0950), mụ “nổi tam bành mụ lên” (câu 0962). Rồi, tiếng than, tiếng đay nghiến của mụ, dễ mấy ai quên: “Mầu hồ đã mất đi rồi, Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma” (câu 0969 - 0970) và “cớ sao chịu tốt một bề, Gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao” (câu 0975 – 0976). Mỗi câu lục bát này thường được dân chúng dẫn ra hàng ngày.
Sau Truyện Kiều, không ít người đã nói đến cái gọi là lục bát hậu Truyện Kiều, Truyện Kiều đọc ngược, văn Kiều, thơ Kiều, bói Kiều, vịnh Kiều, tập Kiều. Sự ảnh hưởng ấy vẫn còn vang vọng đến các thi nhân hiện đại. Lê Thu Yến, người đã cất công tìm kiến và phác thảo diện mạo thơ hiện đại ảnh hưởng Kiều đã tâm đắc “đối với thế giới thi ca, thế giới của cảm xúc thì Nguyễn Du và Truyện Kiều hầu như là nguồn cảm hứng vô tận” [175, tr.7]. Nói như Lưu Trọng Lư “Truyện Kiều là một sự không cùng” [91, tr.92]. Ngôn ngữ Truyện Kiều dường như đã in vào máu
thịt của các thi nhân, Nguyễn Đăng Tuyển 阮 登 選 (tức Tiên phong Mộng liên
đường chủ nhân 僊峰夢蓮堂主人) viết Đào hoa mộng ký 桃花夢記 (hay còn gọi là Tục Đoạn trường tân thanh 續斷腸新聲) (dài 20 hồi) là một sự lý giải về giấc mộng đoạn trường, một nỗi khổ mà con người sẽ phải trải qua, hay đó cũng là lời
chiêu tuyết, chiêm nghiệm cho số phận nàng Kiều, Tuệ Không Phạm Thiên Thư khi viết Đoạn Trường Vô Thanh như một sự lý giải, sự tiếp nối, phân tích về hậu thân của Kiều theo luật Nhân quả của nhà Phật vẫn không thoát khỏi bóng cả của câu thơ Kiều: “Đoạn trường sổ gói tên hoa, xưa là giọt lệ nay là hạt châu”. Bên cạnh đó, cũng có người diễn xuôi thơ Kiều như một sự ngược dòng, nhưng đó là một cuộc lội ngược văn hóa, dường như những câu thơ đã không đủ để cho họ hiểu rò về Truyện Kiều và để dễ dàng thuyết phục lòng người, chứng minh cho các chủ thuyết của Phật môn. Nguyễn Lang Thích Nhất Hạnh bên cạnh Thả một bè lau, ông còn phóng tác Truyện Kiều văn xuôi (dành cho người trẻ tuổi) (2007). Tác phẩm của Phạm Thiên Thư và Thích Nhất Hạnh, các bản dịch Trung văn của Hoàng Dật Cầu, La Trường Sơn, bản dịch pháp văn của Nguyễn Văn Vĩnh, đặc biệt số lần xuất bản của
Truyện Kiều cũng đã minh chứng cho sự thành công và sức sống của Truyện Kiều trong đời sống văn hóa. Tính đến đầu năm 2014, Truyện Kiều đã qua 27 lần xuất bản bằng chữ Nôm, 84 lần xuất bản bằng chữ Quốc Ngữ, 4 lần bằng tiếng Pháp, 2 lần bằng tiếng Anh, 1 lần bằng tiếng Hunggari, Đức, Ý và 6 lần bằng tiếng Trung Quốc. Các văn nhân sĩ trí thức của Việt Nam đã không ít lần tự dịch tác phẩm đặc
sắc này sang Hán Văn, có thể liệt kê các bản như Vương Kim Hán tự truyện 王 金
漢 字 傳 (Nguyễn Kiên), Thuý Kiều quốc âm dịch xuất Hán tự 翠 翹 國 音 譯 出漢 字 (Lê Mạnh Điềm), Kim Vân Kiều Hán tự lục bát ca 金 雲 翹 漢 字 六 八 歌 (Lê Dụ), Việt Nam âm Kim Vân Kiều ca khúc dịch thành Hán tự cổ thi 越 南 音 金雲 翹 歌 曲 譯 成 漢 字 古 詩 (Từ Nguyên Mạc), Kim Vân Kiều bình giảng 金 雲翹 評 講 (Lý Văn Hùng), Hán dịch Kim Vân Kiều Nam âm thi tập 漢 譯 金 雲 翹南 音 詩 集 (Trương Cam Vũ).
Những cuộc tranh luận cũng như lịch sử tiếp nhận ngôn ngữ Truyện Kiều đã ghi được những dấu mốc lớn trong hành trình văn hóa, văn học cổ điển Việt Nam. Tuy nhiên, dù tồn tại những quan điểm khác, song đứng trên những lập trường khác nhau, người ta vẫn thấy ở Truyện Kiều có hơi ấm của tình dân tộc, của tình người, tài năng và tâm huyết của người thi sĩ, suốt đời rong ca vì tiếng đau thương cho số phận con người và Nguyễn Du, kẻ du ca, tha hương lạc loài trên chính mảnh đất chôn nhau cắt rốn đã để lại cho quê hương xứ sở một thi phẩm sâu sắc và tuyệt vời. Do vậy, hiện tượng Truyện Kiều được hoan nghênh ở Việt Nam là một thực tế văn hoá hiển nhiên. Trong Văn chương Truyện Kiều, mục Lịch sử vấn đề Truyện Kiều, Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa đã nhấn mạnh: “có người cải biên thành hý kịch, quay thành điện ảnh, có người xuất bản tập kỷ niệm và có những bài diễn giảng, có người chú giải, vẽ tranh minh hoạ, thậm chí có người còn dùng sách bói và cũng có người sưu tầm tư liệu về Truyện Kiều làm thú vui...” [72, tr.45].
Trong những năm gần đây, sau khi thành lập Hội Kiều học Viêt Nam quy tụ những học giả, chuyên gia Hán Nôm, người yêu mến Nguyễn Du, Truyện Kiều, các nhà nghiên cứu và nhà xuất bản Thanh niên lần lượt cho xuất bản các ấn phẩm nghiên cứu, bình luận về Truyện Kiều trong bộ Tùng thư Truyện Kiều, cùng với
những công trình công phu của học giả Phạm Đan Quế, Thế Anh, Bùi Hạnh Cẩn, Nguyễn Tài Cẩn, Đào Thái Tôn, Trần Đình Sử, Nguyễn Hữu Sơn, Lê Thu Yến... đây được xem là một bộ sách góp phần thay đổi diện mạo của “văn hoá Kiều”. Đến nay (2015), 14 công trình lớn nhỏ đã được biên tập, sưu tập, bổ sung và cho tái bản. Có thể nói, đây không chỉ là một công việc thuần tuý khoa học mà còn là một cách thức rất cơ bản khuyến khích việc tuyên truyền quảng bá “văn hoá Kiều” đến các thế hệ, tầng lớp bạn đọc trong và ngoài nước. Lợi ích thiết thực của việc làm này đã mang lại cho các bạn đọc trẻ tuổi một cái nhìn đầy đủ hơn về lịch sử hình thành khoa Kiều học và những kết quả cụ thể của các thế hệ nghiên cứu lão thành, của những người tâm huyết với Truyện Kiều và Nguyễn Du. Và sức lan toả, sự đồng vọng ngân xa của ngôn ngữ Truyện Kiều đã thực sự đi vào trong tâm hồn của mỗi con người Việt Nam. Nó không chỉ là câu hát, lời ru, là những khái quát triết lý hay những câu chuyện kể của bà và cháu. Ngôn ngữ của Truyện Kiều đã đi sâu vào kho từ vựng của người Việt, trở thành một lớp từ văn hoá đặc sắc trong ngôn ngữ Việt Nam – Từ ngữ văn hoá Kiều. Đúng như Lô Uý Thanh trong Trung Quốc thông tục tiểu thuyết tại Việt Nam đã xác thực:
Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài nhân tuy không chiếm vị trí quan trọng trong văn học sử Trung Quốc nhưng Truyện Kim Vân Kiều của Nguyễn Du lại có sức ảnh hưởng rất sâu, truyền bá rất rộng trong văn học sử Việt Nam, không một tác phẩm nào khác sánh ngang được. Người ta không chỉ thuộc lòng nội dung mà còn có thể ngâm nga, thậm chí đến cả con nít, người mù chữ cũng có thể thuộc lòng từng đoạn, từng đoạn một. Những người mẹ trẻ thường ru con như khúc hát ru, những bà già tóc bạc phơ cũng thường kể cho cháu nghe Truyện Kiều trong những đêm sao sáng đầy trời [102, tr.265 - 266].
Tiếp nhận Truyện Kiều trong một bối cảnh giao lưu văn hoá không chỉ giúp cho người đọc các thế hệ hiểu thêm về một tuyệt tác văn học, một điển hình tiêu biểu cho văn chương Việt Nam. Dù có nhiều cách luận bình khác nhau, tiêu cực hay tích cực, Truyện Kiều vẫn là mạng sống của dân tộc, là món ăn tinh thần quý giá