Nhiều Ngôi Chùa Của Tỉnh Bắc Ninh Tk Xvii - Xviii Được Hình Thành Và Xây Dựng Trên Nền Tảng Của Những Ngôi Chùa Có Lịch Sử Từ Thời Bắc Thuộc Và Thời

Hay một tấm bia lập việc thừa tự vào năm Cảnh Trị 9 (1670), ghi về việc “Chính Vương Phủ Thị nội Cung tần Đỗ Thị Ngọc Thám hiệu Diệu Biện, hưng công xây dựng chùa Thọ Phúc, (th. Đào Xá, x. Châm Khê, h. Yên Phong, ph.Từ Sơn), hưng công xây dựng chùa. Nội dung có đoạn: “Nay chùa Thọ Phúc, thôn Đào Xá, xã Châm Khê, huyện Yên Phong, phủ Từ Sơn vốn là cổ tích danh lam, sơn thuỷ hữu tình, long hổ đăng đối, trong chùa có tượng Phật bằng vàng, Phật Thánh đều có được người tốt bảo vệ trong ngoài, trong chùa có đàn na thờ Từ Vân Pháp Vũ (Thần Pháp Vũ, Mây từ), để che chở Thánh, Phật, có thờ Hậu Phật để truyền muôn đời. Bà Đỗ Thị Ngọc Thám, hiệu Diệu Biện được tiến lập làm Hậu Phật, bà đã đem của cải của gia đình, năm Canh Dần, công đức bạc, tiền và lễ vật, hưng công làm hành lang, Hậu đường cùng nhà trai, lại tu sửa hai gian Tiền đường và tạo đắp tượng Phật, lại cúng ruộng đầy đủ; Một mảnh 5 sào cùng của cải giao cho thôn Đào Xá canh tác để làm lễ vật thờ Phật. Bản thôn trên dưới cùng đội ơn Bà, lấy lòng kính báo công đức,

nên tôn làm Hậu Phật”66.

Ngoài việc tổ chức cúng giỗ nhân ngày kỵ (giỗ), ngày đản sinh, thậm chí có bia còn quy định cụ thể một năm còn có mấy lễ cúng kèm theo của các tổ phụ (ông

nội), tổ mẫu (bà nội), hiển khảo (cha), hiển tỷ (mẹ)... Tấm bia Kính Thành bi kí

誠碑記 [N0: 04617], niên đại Vĩnh Thịnh 11 (1715) sưu tầm tại chùa Linh Ứng, (x. Đông Bình, h. Gia Định, ph. Thuận An), quy định, hằng năm, phụng thờ 5 lễ. Nghi thức tế lễ đều dùng áo đen, mũ áo quy định y như lệ của tháng 4. Giỗ Công chúa ngày 30 tháng 8 và lễ nhập tịch, ngày lễ Cầu phúc (là con gái của Quý Phi); Hiển khảo (cha của Quý Phi), giỗ ngày 24 tháng 11; Hiển tỷ (mẹ của Quý Phi), giỗ ngày 7 tháng 2; Quý Phi, giỗ ngày 22 tháng 3 (là mẫu thân của Công chúa). Tổng số ruộng cúng của Quý Phi là 8 mẫu 5 sào...


一夫婦雙全,期誕生日共記;一夫阮克明,字道統,謚良公,生十二月,十七日,并對忌;一妻匋氏真,號妙心,生八月,初三日并對忌錢田付為三宝物,以為奉祀,生日及對忌如儀,夫妻共享,置留村長,田分四用,貽傳萬代

.

66 Nguyên văn: 正王府,侍内宮嬪杜氏玉探 號妙辨選亮樂[...]玆慈山府,安豊縣,針溪社,陶舍村,壽福寺,原古跡名藍,山水有情,龍虎登對,寺中有金佛色相,聖佛能中護外護為善等人,寺中有慈雲法雨之檀那,能容聖佛,後佛祀垂萬世.其杜氏玉探,號妙辨,為薦立,遷發家貲,於庚寅年已功德銀錢并等物,興功福作行廊,後堂等齊,又有營修前堂二間,并造塑佛像等相,再備田;一所五篙,共財物付與陶舍村耕穜為事佛之物.其本村上下等,既蒙恩倍,以敬報岂乃尊立.

Bia Hậu Thần, Hậu Phật bi kí 後神後佛碑記 [N0: 05208], xã Quế Ổ, huyện

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 311 trang tài liệu này.

Tiên Du, (Bắc Ninh), niên đại bia Chính Hòa 23 (1702), ghi về những quy định khi cúng giỗ của Ty Lễ giám, Tả giám Thừa Lân Tường Hầu Nguyễn Đức Chiêm, với những quy định nghi lễ giỗ với việc sắm sửa hàng mã gồm những gì: “Quy định hễ vào tháng giêng (ngày giỗ của Ông), ca hát một tuần, chuẩn bị đầy đủ mũ, áo, cờ, quạt và cân đai, giầy, hài mỗi thứ một đôi [...] Đại vương vị hậu cũng như quy định và đến ngày sóc, vọng (mồng 1 và ngày rằm), sư trụ trì cũng phụng thờ như đã quy định. Ngày 19 tháng giêng là ngày giỗ Nguyễn Quý Công, tự Phúc Thọ; Ngày 2 tháng 5 ngày giỗ của Quách Thị, hiệu Từ Nhân; Chính kỵ, mỗi giỗ, bản xã chuẩn bị một mâm, vàng bạc, trầu cau, trà, quả đủ dùng; Ngày rằm, mồng một, tăng trụ trì cúng lễ như quy định. Trở lên là các tiết, quy định như thế, sau này ai, người nào mà có ý khinh mạn, bất kính thì bản xã sẽ luận tội để làm nghiêm quy ước hoặc luân

lưu canh tác ruộng này và thay nhau trồng cấy, nếu người nào không căn cứ vào nội quy này thì xin các vị Thần, Phật chứng giám và chiểu theo lời cam đoan này”67 .

Nghiên cứu văn bia Phật giáo thế kỷ XVII - XVIII tỉnh Bắc Ninh - 20

Như thế, những quy định về việc gửi giỗ, về quy định lệ bầu Hậu Phật rất cụ thể, chi tiết, được coi là những văn bản có tính chất “pháp lý” như một “khế ước xã hội” đồng thời cũng là một việc làm có tính chất tâm linh được cộng đồng tuân thủ và tôn trọng.

4.4.3. Hội chùa

- Lễ hội gắn với việc khánh thành chùa

Dân gian Việt Nam thường có câu nói: “Trống làng nào làng ấy đánh, Thánh làng nào làng ấy thờ”. Mỗi làng có một quy định và sinh hoạt tương đối độc lập. Hội làng cũng có khi là hội chung của vài làng, của một Tổng, một vùng nhưng cũng có khi mỗi làng có một ngày Hội riêng. Hội ở làng thường được chia ra làm nhiều hội: Hội Đình và Hội Chùa. Hội Đình trong bi kí thường gọi là “nhập tịch”. Hội Chùa đề cập trên bi kí ít hơn Hội Đình. Theo chúng tôi, Hội Chùa thường gắn với việc khánh thành chùa, xây dựng bảo tháp hoặc ngày húy kỵ các vị tổ, cao tăng có công khai sáng sơn môn.


67 Nguyên văn: 一係正月,唱歌僃,其衣帽,旗扇及巾帶鞋厘各一件足例同迎立 [...]大王位後同如儀,并朔望日住持僧供奉如儀一係,正月,十九日,阮貴公字福夀,正忌五月,初二日,郭氏號慈仁,正忌;每忌本社炊一盤,金銀,芙留,,菓足例,并朔望日柱持僧供奉如儀. 以上,等節各有定例如此.自玆以後倘或有何人輕慢不敬,即本社常論其罪以嚴束約.人或專賣其田,及流廢某節不依保内,願神佛當其照鍳玆端.

Tấm bia Đống Cao tự bi 棟 高 寺 碑 [N0: 04829], chùa Đống Cao, (x. Đại

Vũ, h. Võ Giàng, ph. Từ Sơn, Kinh Bắc xứ - nay là xã x. Đại Tráng, h. Quế Võ, t. Bắc Ninh), niên đại Khánh Đức 3 (1770) ghi về việc tiến hành mở hội hoàn thành chùa: “Cưu công đã xong, tu sửa công đức, lại mở hội dài ngày. Ngày 18 tháng này, kính mời vị Lục ty là Bùi Đạo Cương đến chùa để sửa soạn, sắp đặt việc khai quang (làm lễ) cùng với việc mở hội thí pháp chẩn tế cô hồn”68.

Bia Hậu Thần kiêm Hậu Phật 後 神 兼 後 佛 [N0: 23475 - 23477], ngày lập:

ngày tốt, tháng 2, năm Canh Thân (Vĩnh Hựu thứ 6 (1740), chùa Xuân Hải, (x. Hoàn Long, h. Yên Phong, t. Bắc Ninh) ghi: “Nay bản xã thấy người phường Vạn

Lạc 萬 落 坊 (bản huyện) là Nguyễn Đắc Đương, tự Phúc Thọ, thiếp là Bùi Thị

Hiếu, hiệu Diệu Thuận, quả là một gia đình có lòng thiện, bỏ ra nhiều tiền của, nhân đó, bản thôn trên dưới bầu ông bà làm Hậu để che chở cho dân được yên. Từ nay, đến ngày làng vào đám (nhập tịch), lễ Kỳ phúc ở trong khám tạng, bản thôn xin được chiếu theo lệ để kính bi. Sau này, ông bà trăm tuổi, khi hương hỏa phối thờ nội ngoại, hiển phụ, hiển mẫu, song thân tứ hồn, căn cứ vào trong bia không được khuyết thiếu. Phần cuối ghi số ruộng cung tiến của ông bà là 4 mẫu và 1 miếng ao. Đến ngày giỗ của ông là ngày 23 tháng 7; dùng 1 miếng thịt lợn, 1 mâm xôi, 1 vò rượu, 1000 tiền vàng và 1 chiếc áo; Ngày giỗ bà là ngày 26 tháng 2; dùng 1 khẩu thịt lợn, 1 mâm xôi, 1 vò rượu, 100 tiền giấy và 1 bộ quần áo giấy. Phần tiếp theo ghi tên và giáp giới các xứ đồng. Hằng năm cúng tam sinh (Dê, bò, lợn - Tg), mỗi tháng vào hai tuần sóc (ngày mồng 1) và vọng (ngày rằm), người trồng cấy canh tác ruộng phải đích thân đem gạo vào chùa để làm oản cúng ở trước bia. Cuối bia còn ghi thêm: “Vào dịp tuần tiết, nếu người nào coi giữ từ đường, mỗi lần sóc vọng phải quyét dọn” [N0: 23475 – 23477]. Người viết bia là xã trưởng Nguyễn Đăng Bản.

TIỂU KẾT CHƯƠNG 4

Về tông phái, sư tổ của khu vực tỉnh Bắc Ninh có nhiều nét đặc trưng. Bắc Ninh - nơi tiếp xúc và giao thoa văn hóa với nước ngoài trong đó có văn hóa Phật giáo khá sâu đậm vào những thế kỷ đầu của thiên niên kỷ thứ nhất. Nét đặc trưng nổi trội nhất của Phật giáo ở Bắc Ninh đó là Phật giáo vùng Dâu gắn với tín ngưỡng



68 Nguyên văn: 鸠功云畢,修諸功德,再啟會延取,今月十八日,請命绿司裴道刚就于寺處,修設靈寳開光慶讚賑濟孤魂法會.

bản địa hay còn gọi là tín ngưỡng nông nghiệp mang đặc trưng tính chất của văn hóa Đông Nam Á gắn liền với nghi lễ thờ thần tự nhiên trong đó là tục thờ cây, thờ đá và thờ các vị thần thiên nhiên như mây, mưa, sấm, chớm… Đây cũng là một đặc trưng văn hóa Phật giáo tồn tại lâu dài trong lịch sử nói chung và lịch sử Phật giáo vùng Dâu Tk XVII - XVIII nói riêng. Đến thời Trần, chùa Dâu là điểm nối giữa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử với Thăng Long thời Trần với nhiều vị hoàng đế tôn sùng đạo Phật, một số trí thức thời Trần đã để lại những tác phẩm văn bia như Hồ Tông Thốc và nhiều vị khoa bảng khác... Trên nền tảng của những ngôi chùa nổi tiếng thời Lý - Trần, đến thời Lê Trung hưng Tk XVII - XVIII nhiều ngôi chùa lại được trùng tu, xây dựng với quy mô bề thế. Tại đây, các vị quan chức, quý tộc đã đặc biệt quan tâm và đầu tư. Chính nơi đây, vào Tk XVII - XVIII có nhiều vị cao tăng ngoại quốc từ Trung Hoa trên hành trình hoằng dương Phật pháp đã chọn Bắc Ninh làm điểm dừng chân để trụ trì, tu tập và kiến thiết sơn môn. Các vị cao tăng này có ảnh hưởng đến giới Phật giáo trong phạm vi rộng như: Chuyết Chuyết thiền sư, Minh Hành thiền sư, Chân Nguyên thiền sư, Trịnh Thập thiền sư... là những thế hệ nối tiếp nhau kiến tạo nên phái thiền Lâm Tế tại Việt Nam. Cũng trong thời gian này, đã hình thành nên một thế hệ tăng ni có tinh thần hướng về Phật giáo Trúc Lâm với nhiều hoạt động thực tiễn sôi nổi như: Biên tập sách vở, in khắc kinh Phật, in khắc các trước tác của Tam tổ Trúc Lâm… nhằm lưu truyền hậu thế đồng thời noi theo tôn chỉ của Thiền tông làm tôn chỉ để tu tập. Chính vì thế, các vị thiền sư này được coi là người có công trong việc “nối dòng” của Phật giáo Trúc Lâm như Chân Nguyên thiền sư, Trịnh Thập - Lân Giác thiền sư ... Trong giai đoạn này, nhiều bậc cao tăng, ni sư xuất thân từ tầng lớp quý tộc của triều đình Lê - Trịnh, họ vốn là người có điều kiện học vấn chu đáo lại say mê đạo pháp, tín Phật, yên quý nền văn hóa dân tộc nên để lại nhiều trước tác học thuật tiêu biểu như các vị thiền sư: Chân Nguyên, Thịnh Thập - Trịnh Lân Giác, Hoàng Thái hậu - Ni sư Trịnh Thị Ngọc Trúc vv…

Để bổ sung thêm những tư liệu văn bia Tk XVII - XVIII, các tư liệu địa chí, thư tịch của thời kỳ cuối Lê, đầu Nguyễn đã cho biết thêm một số lễ hội chùa độc đáo của tỉnh Bắc Ninh như hội Khán hoa mẫu đơn chùa Phật Tích, hội rước nước và rước thần Tứ Pháp chùa Dâu, một số lễ chùa gắn với công cuộc đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước hoặc một số lễ hội chùa gắn với đời sống thế tục như hội chen Nga Hoàng... là những nét văn hóa tiêu biểu mà ít địa phương có được.

KẾT LUẬN

1. Bắc Ninh là một vùng đất cổ, trong suốt triều dài lịch sử, nơi đấy là hạt nhân của văn hóa Kinh Bắc với nhiều nét văn hóa độc đáo. Từ buổi bình minh của lịch sử, Bắc Ninh được coi là “cái nôi” của người Việt giai đoạn trưởng thành. Tại đây trải qua các nền văn hóa Tiền Đông Sơn, văn hóa Đông Sơn đã hình thành và ngưng kết nền văn hóa Việt cổ. Trong suốt thời kỳ Bắc thuộc, Bắc Ninh được chọn là thủ phủ của xứ Giao Châu thuộc Hán đồng thời là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của những thế kỷ đầu Công nguyên. Bắc Ninh cũng là vùng đất để lại nhiều di tích lịch sử, văn hóa, nhiều nguồn sử liệu quan trọng ghi lại dấu ấn Phật giáo trong lịch sử dân tộc.

2. Nhiều ngôi chùa của tỉnh Bắc Ninh Tk XVII - XVIII được hình thành và xây dựng trên nền tảng của những ngôi chùa có lịch sử từ thời Bắc thuộc và thời Lý

- Trần. Bắc Ninh - quê hương nhà Lý - một vương triều dành sự ưu tiên đặc biệt cho Phật giáo phát triển. Cùng với Yên Tử, Bắc Giang, và Thăng Long, Bắc Ninh cũng là nơi hoạt động và tu hành của các vị tổ trong phái Trúc Lâm thời Trần. Vì thế, nơi đây có sự phát triển và tiếp nối được cơ sở vật chất và thiền phái của các triều đại trước đã tạo dựng cho dòng thiền Trúc Lâm đồng thời cũng là nền tảng cho nhiều ngôi chùa thời Lê Trung hưng mở mang và trùng tu, xây dựng.

3. Trên cơ sở nghiên cứu tư liệu văn bia Phật giáo Tk XVII - XVIII, cho thấy về mặt hình thức, văn bia Phật giáo tỉnh Bắc Ninh cũng có một số đặc điểm chung giống như văn bia Phật giáo của một số địa phương khác như: Đặc điểm tên gọi, cách ghi tên chùa, cách viết kiêng tên húy... Trên cơ bản, trong dòng chảy của lịch sử, trải qua các triều đại với nhiều sự biến động phức tạp của thiên tai, địch họa, chiến tranh giữa các tập đoàn phong kiến, nhiều ngôi danh lam cổ tự trên đất Bắc Ninh bị phá hủy, xuống cấp... nhưng dường như không thấy sự dừng nghỉ trong việc kiến thiết, xây dựng, trùng tu của những ngôi chùa làng. Minh chứng cho sự phát triển ấy, chính là sự xuất hiện khá đều đặn của những văn bia Phật giáo với nhiều loại bia như: Bia công đức, trùng tu, bia Hậu, bia tháp ... Tk XVII - XVIII và sự hiện diện của những ngôi chùa. Việc xây dựng chùa chiền như một nhu cầu thường trực, một việc làm cần thiết trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Trong giai đoạn Chính Hòa (1680 - 1705) và Cảnh Hưng (1740 - 1786) có sự phát triển

vượt trội về số lượng văn bia đồng thời xuất hiện nhiều vị thiền sư, những bậc cao tăng có đóng góp quan trọng đối với Phật giáo nói riêng và đối với nền văn hóa Việt Nam nói chung như: Thiền sư Chuyết Chuyết, Minh Hành (người gốc Trung Hoa), Trịnh Thị Ngọc Trúc, Chân Nguyên Tuệ Đăng và nhiều vị danh tăng khác ... Chuyết Chuyết được coi là vị tổ khai mở nền Thiền Lâm Tế (Việt Nam) và người kế tiếp là Minh Hành Thích Tại Tại, Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc... Cùng với phái Lâm Tế, phái Liên tông với sự đóng góp nổi bật của Trịnh Lân Giác - Trịnh Thập - được truyền từ Hòa thượng Chân Nguyên - người có công nối dòng thiền Trúc Lâm (trụ trì chùa Hàm Long) và một số chùa khác tại Bắc Ninh (Kinh Bắc) và Thăng Long đã góp phần tạo nên dòng thiền Trúc Lâm trên đất Bắc Ninh phát triển mạnh mẽ. Nhiều vị cao tăng, thiền sư, ni sư Tk XVII - XVIII do có điều kiện xuất thân trong hàng ngũ quý tộc, trong triều đình Lê - Trịnh nên được học hành bài bản, với vốn kiến thức phong phú và nền tảng văn hóa vững chắc... nên họ đã kết hợp giữa đạo với đời, giữa việc tu niệm với việc kiến thiết chùa chiền với một loạt các công trình bề thế cùng nhiều hoạt động học thuật sôi nổi như: in khắc kinh Phật, in sách Phật, in các tác phẩm của tiền bối Trúc Lâm Tam tổ... làm cho học phong Phật giáo phát triển thịnh đạt. Cùng với các vị thiền sư, cư sĩ, Phật tử, các vị trí thức Nho học Tk XVII - XVIII cũng đã góp phần quan trọng vào các hoạt động Phật giáo được phản ánh trên văn bia như soạn, viết chữ trên văn bia trong đó có nhiều người đỗ đạt cao - những trí thức tiểu biểu của quê hương và thậm chí nhiều vị trí thức đỗ đạt của các địa phương khác cũng tham gia.

4. Qua các tư liệu văn bia Phật giáo Tk XVII - XVIII cho biết, ở các ngôi chùa cổ Bắc Ninh thời kỳ này đã hoàn thiện một hệ thống tượng thờ tương tương đối đầy đủ, phong phú với nhiều vị tượng Phật đến nay đã trở thành quen thuộc trong hệ thống Phật điện Việt Nam như: tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, tượng Thích Ca, tượng Tuyết Sơn, La Hán, Hộ Pháp, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu... những tượng này, hiện nay phần lớn vẫn còn lưu giữ tại các ngôi chùa, di tích của tỉnh Bắc Ninh như hệ thống tượng ở chùa Dâu, chùa Hàm Long, Chùa Bút Tháp, chùa Bảo Khám... trở thành niềm tự hào về nghệ thuật điêu khắc tượng Việt Nam. Nội dung văn bia Phật giáo giai đoạn này cũng đã phản ánh về quá trình xây dựng với nhiều hạng mục công trình khác nhau tạo thành một quần thể kiến trúc “Nội công, ngoại

quốc” khá phổ biến và trở thành những kiệt tác nghệ thuật. Về các hạng mục xây dựng trong chùa cũng rất phong phú gồm: Tiền đường, thượng điện, hậu phòng, nhà tăng, nhà oản, hành lang, tam quan, gác chuông, giếng nước, cầu, đường đi,...

5. Về tông phái của Phật giáo Tk XVII - XVIII cũng được phản ánh qua nguồn tư liệu văn bia cùng các nguồn tư liệu thư tịch cổ được sưu tầm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, qua các hoạt động và truyền thừa của các thế hệ tăng - ni. Trên nền tảng của tín ngưỡng bản địa, tín ngưỡng mang tính chất nông nghiệp cầu cho mưa thuận, gió hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở, nhân khang, vật thịnh... thì dòng mạch của Phật giáo Bắc Ninh giai đoạn này đã tiếp tục phát triển trên nền tảng của Phật giáo Thiền tông có cội nguồn từ Tỳ - Ni - Đa - Lưu - Chi (Tk VI) của dòng Thiền Nam phương được phát triển qua các vị Thiền sư thời Đinh - Tiền Lê - Lý - Trần và trực tiếp từ Phật giáo Trúc Lâm được trao truyền từ các thiền sư trên núi Hoa Yên (Yên Tử) cho các thế hệ nối pháp như Chân Nguyên, Trịnh Thập... với nhiều thế hệ nối pháp được ghi nhận qua việc truyền thừa và dựng bia, xây tháp của các đệ tử đối với bậc nghiêm sư. Lễ hội chùa ở Bắc Ninh Tk XVII - XVIII cũng có nhiều đặc điểm nổi bật: Bên cạnh lễ hội gắn với sản xuất nông nghiệp đặc biệt là tín ngưỡng vùng Dâu và một số lễ hội chùa của những làng quê xứ Kinh Bắc – Bắc Ninh với đời sống thế tục độc đáo...

6. Một số kiến nghị: Văn bia Phật giáo Tk XVII - XVIII của tỉnh Bắc Ninh còn lại đến hiện nay là những nguồn tư liệu hết sức quý giá đối với việc nghiên cứu trên nhiều phương diện đặc biệt là nghiên cứu về sự hình thành và phát triển của mỗi vùng đất, mỗi địa phương, liên quan đến sự hình thành của nguồn gốc cư dân và lịch sử hình thành quần cư của mỗi làng xã. Các ngôi chùa và văn bia Tk XVII - XVIII tồn tại đến ngày nay đã có tuổi đời 300 - 400 năm. Những ngôi chùa này cùng với các loại hình di tích khác sẽ đóng góp không nhỏ tạo nên diện mạo phong phú, hấp dẫn của du lịch tâm linh - tìm về nguồn cội và văn hóa dân tộc, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch, của tỉnh Bắc Ninh. Chính vì thế, các ngôi danh lam cổ tự nói chung và các ngôi chùa được tạo dựng từ TK XVII - XVIII nói riêng cần phải được bảo vệ một cách chu đáo. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng với Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bắc Ninh cần có một cơ chế giám sát chặt chẽ và chỉ đạo các địa phương trên giác độ quản lý nhà nước về văn hóa cần có kế hoạch bảo

tồn, nghiên cứu, phát huy giá trị của những di tích Phật giáo và văn bia Phật giáo vào công tác quảng bá, phát huy giá trị như việc dịch thuật, công bố tư liệu văn bia bằng hình thức xuất bản sách, giới thiệu bản dịch, giới thiệu các bảo vật văn bia Phật giáo tiêu biểu cấp tỉnh và cấp Quốc gia. Nội dung của các văn bia Phật giáo nói chung và văn bia thế kỷ XVII – XVIII là một nguồn sử liệu quan trọng góp phần nghiên cứu lịch sử, văn hoá của mỗi địa phương. Các cơ quan quản lý văn hóa và các cơ quan liên quan có trách nhiệm nghiên cứu, xếp hạng các di tích lịch sử các cấp từ cấp tỉnh đến cấp Quốc gia cần có tiêu chí trong việc xếp hạng các di tích Phật giáo một cách cụ thể. Có đánh giá và xếp hạng di tích lịch sử kịp thời đi liền với việc quản lý về mặt hành chính và quản lý văn hoá chặt chẽ mới có thể tránh được những sai lầm, vi phạm trong quá trình xây dựng, trùng tu một cách vô tổ chức ở một số địa phương đang diễn ra hằng ngày trong cơn lốc đô thị hoá nông thôn. Cần ưu tiên những ngôi chùa còn lưu giữ được những văn bia có niên đại thời Lê Tk XVII - XVIII và những văn bia ở các ngôi chùa có niên đại sớm hơn cần phải được công nhận là di tích lịch sử. Sự tồn tại của những văn bia cổ là một trong những tiêu chí quan trọng trong việc xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh và Cấp Quốc gia./.

Xem tất cả 311 trang.

Ngày đăng: 30/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí