Thảo Luận Và Xác Định Vấn Đề Nghiên Cứu Của Đề Tài


đưa ra một số loại hình khoanh nuôi phục hồi và một số mô hình rừng trồng (Lim, Dẻ, Trám…).

Đặng Kim Vui (2002) [165], nghiên cứu đặc điểm cấu trúc rừng phục hồi sau nương rẫy ở huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đã thống kê số họ và số loài thực vật ở từng giai đoạn phục hồi, đó là: giai đoạn phục hồi 1 - 2 tuổi, thành phần loài thực vật là 72 loài thuộc 36 họ; giai đoạn 3 - 5 tuổi có 65 loài thuộc 34 họ; giai đoạn 5 - 10

tuổi có 56 loài thuộc 36 họ; giai đoạn 11 - 15 tuổi có 57 loài thuộc 31 họ.

Lê Ngọc Công (2004) [32], đã thống kê các loài thực vật bậc cao có mạch của tỉnh Thái Nguyên là 160 họ, 468 chi, 654 loài chủ yếu là cây lá rộng thường xanh, trong đó có nhiều cây gỗ quý như: Lim, Dẻ, Trai, Nghiến…

Theo số liệu thống kê năm 2006 của Đinh Thị Phượng và cs, 2009 [98], đã thống kê được 104 loài thuộc 65 chi, 45 họ của 3 ngành thực vật bậc cao có mạch ở huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Trong từng kiểu thảm sự phân bố các họ, các chi và các loài khác nhau.

Theo Chi Cục Kiểm Lâm Thái Nguyên (2004) [22], Võ Nhai là một huyện vùng cao của tỉnh Thái Nguyên, trong những năm qua công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng đã được các cấp, các ngành hết sức quan tâm. Để đấu tranh ngăn chặn các tệ nạn phá rừng, UBND huyện đã chỉ đạo Hạt kiểm lâm cùng với các cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương cơ sở phối hợp để xây dựng phương án, kế hoạch QLBVR, tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật, tuần tra, kiểm tra, truy quét các tụ điểm khai thác, buôn bán vận chuyển trái phép trên địa bàn huyện.

Theo Trần Xuân Sinh (2004) [111], Khu BTTN Thần Sa - Phượng Hoàng huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) là khu rừng đặc dụng, diện tích rừng tự nhiên là 11.220ha, có mục đích bảo tồn các hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi và bảo tồn các nguồn gen động thực vật, đặc biệt các loài quý hiếm và đặc hữu. Ưu thế là các loài Nghiến, Trai, Đinh, Chò chỉ, Mạy tèo, Ô rô,... nổi bật là ưu hợp Nghiến + Ô rô.

Theo Ngô Xuân Hải và cs (2010) [50], đã phân loại thảm thực vật Thần Sa thành 5 kiểu theo phương pháp phân loại của Thái Văn Trừng. Về thành phần thực vật có 1086 loài, thuộc 645 chi và 160 họ của 5 ngành thực vật. Có 44 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và 22 loài có tên trong Nghị định số 32/2006/NĐ-CP. Số loài thực vật rừng trong khu hệ thực vật diễn biến theo chiều hướng giảm về số lượng và chất lượng, đặc biệt một số cá thể quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Như vậy có thể thấy nghiên cứu về đa dạng sinh học thực vật theo các taxon đã được nhiều các tác giả nghiên cứu và đã đưa ra được số liệu thống kê về thành phần

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 171 trang tài liệu này.


loài thực vật ở các khu vực. Tuy nhiên, nghiên cứu tính đa dạng thực vật thân gỗ ở trên núi đá vôi ở khu vực này vẫn chưa được thực hiện. Hơn nữa, đa dạng sinh học không cố định mà luôn luôn biến đổi theo thời gian, chính vì vậy việc điều tra giám sát đa dạng sinh học thường xuyên là cần thiết để thấy rõ được diễn biến của các loài. Ở Thái Nguyên, những năm gần đây đã xuất hiện một số công trình nghiên cứu về rừng, nhưng những nghiên cứu về đa dạng thực vật thân gỗ thì chưa có nghiên cứu nào, vì vậy cần thiết phải có nghiên cứu về vấn đề này.

Nghiên cứu tính đa dạng và đề xuất giải pháp bảo tồn thực vật thân gỗ trên núi đá vôi ở Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng tỉnh Thái Nguyên - 7

1.3. Thảo luận và xác định vấn đề nghiên cứu của đề tài

1.3.1. Phân loại rừng

Trên thế giới và ở Việt Nam hiện tồn tại nhiều hệ tống phân loại rừng khác nhau, mỗi hệ thống phân loại đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng của nó. Để lựa chọn hệ thống phân loại phù hợp làm cơ sở cho đề tài luận án, chúng tôi phân tích và thảo luận sâu hơn về 3 hệ thống phân loại chính hiện đang được sử dụng thông dụng ở Việt Nam:

Hệ thống phân loại theo trạng thái: dựa trên nền tảng của bảng phân loại do Loeschau đề xuất, Viện Điều tra quy hoạch rừng đã cải tiến thành bảng phân loại tạm thời về trạng thái rừng được thể chế hóa trong Quy phạm thiết kế kinh doanh rừng tự nhiên (QPN 84). Đây là hệ thống phân loại được sử dụng một cách phổ biến nhất trong ngành lâm nghiệp. Hệ thống này phân chia rừng theo trạng thái phục vụ mục đích kinh doanh. Yếu tố chủ đạo trong phân loại là trữ lượng rừng. Như vậy hệ thống phân loại này không phù hợp khi nghiên cứu về đa dạng sinh học.

Hệ thống phân loại của Thái Văn Trừng (1978): Phân loại rừng theo các yếu tố phát sinh. Hệ thống này được nhiều nhà nghiên cứu trong nước sử dụng trong nghiên cứu sinh thái rừng, lập bản đồ rừng. Tuy nhiên, hệ thống phân loại này thích hợp khi áp dụng cho thảm thực vật rừng nguyên sinh, trong khi hiện nay hầu hết các kiểu thảm thực vật rừng ở Khu BTTN Thần Sa - Phượng Hoàng lại đều ở dạng thứ sinh nhân tác, rừng nguyên sinh gần như không còn.

Hệ thống phân loại của UNESSCO (1973): Phân loại thảm thực vật theo yếu tố cấu trúc ngoại mạo. Ngoài yếu tố ngoại mạo, hệ thống này còn dựa vào các yếu tố sinh thái, được coi như là các yếu tố phát sinh thảm thực vật như: độ cao, độ vĩ, nhiệt độ, thành phần thực vật mà Thái Văn Trừng đã sử dụng trong bảng phân loại rừng Việt Nam. Đây là hệ thống quốc tế được nhiều nhà nghiên cứu về sinh thái học, thực vật học ở Việt Nam sử dụng trong các nghiên cứu của mình. Qua tìm hiểu


chúng tôi thấy hệ thống này dễ áp dụng, đáp ứng được mục đích là đánh giá hiện trạng thảm thảm thực vật thứ sinh nhân tác, và hệ thống này có thể tiếp cận với các nghiên cứu trên thế giới, và có thể áp dụng trong phạm vi một vùng như VQG hay Khu BTTN. Với lý do này, chúng tôi sử dụng hệ thống phân loại này làm cơ sở cho nghiên cứu của chúng tôi trong luận án.

1.3.2. Nghiên cứu về đa dạng loài và khả năng tái sinh

Phần lớn các công trình nghiên cứu về ĐDSH nói chung và đa dạng loài thực vật nói riêng ở Việt Nam đều tập trung vào việc phát hiện loài và thống kê danh mục loài xuất hiện trong khu vực nghiên cứu. Rất ít nghiên cứu đề cập đến nguồn gốc và cơ chế duy trì sự đa dạng loài trong các hệ sinh thái rừng nhiệt đới. Thách thức lớn nhất của các nhà sinh thái học là việc giải thích tại sao có rất nhiều loài cùng tồn tại trong một diện tích nhỏ của rừng nhiệt đới? Cơ chế nào tạo ra và duy trì sự đa dạng loài trong các hệ sinh thái rừng nhiệt đới? Vào những năm 1980, các giả thuyết về sự duy trì tính đa dạng loài trong rừng nhiệt đới có thể phân thành hai nhóm (Hubber, S.R. (2004): (i) Giả thuyết kẻ thù (enmies hypothesis) do Jazen (1970) và Connell (1971) đề xướng và (ii) giả thuyết về ổ sinh thái tái sinh và sự phân hóa lỗ trống (Grubb, 1977; Ricklefs, 1977; Denlow, 1980; Hartshorn, 1980; Orians, 1994). Giả thuyết kẻ thù cho rằng đa dạng loài cây trong rừng nhiệt đới được duy trì thông qua các tương tác giữa sự phát tán hạt giống và tỷ lệ chết của hạt và cây con phụ thuộc vào mật độ rừng. Phần lớn hạt giống rơi xuống bên cạnh cây mẹ đều bị tiêu diệt bởi kẻ thù hoặc bệnh hại. Một số ít hạt giống thoát khỏi thiên mệnh này bằng cách phát tán xa khỏi cây mẹ. Giả định rằng tỷ lệ chết của hạt giống bên cạnh cây mẹ là đủ mạnh thì sự sống sót của cây con của loài gieo giống (tái sinh bổ sung) sẽ có xu hướng tách xa cây mẹ trưởng thành của loài. Điều này sẽ làm giảm xác suất để một loài cây sẽ thay thế chính nó tại vị trí hiện tại ở thế hệ tiếp theo so với một loài khác. Nếu tất cả các loài đều trải qua ảnh hưởng này thì một sự đa dạng cao các loài sẽ được duy trì một cách cục bộ bởi vì các loài riêng lẻ được bảo vệ khỏi sự chiếm ưu thế cục bộ của một loài độc nhất và được thay thế bằng loài khác (Chave et al, 2002).

Giả thuyết về tái sinh theo ổ sinh thái và phân hóa lỗ trống tuyên bố rằng các cây đổ tạo ra các tiểu môi trường không đồng nhất về điều kiện ánh sáng, chất dinh dưỡng và các tài nguyên khác, chúng thích ứng cho những loài cây riêng lẻ trong việc đáp ứng các nhu cầu khác nhau của mỗi loài để tái sinh. Tồn tại một sự biến động lớn hơn về cường độ ánh sáng ở trong các lỗ trống của rừng nhiệt đới so với


rừng ôn đới, bởi vì bức xạ ánh sáng ở các vĩ độ nhiệt đới cao hơn. Ricklefs (1977) cho rằng sự biến động lớn của điều kiện vi lập địa có thể cung cấp nhiều ổ sinh thái tái sinh đặc trưng chuyên cho từng loài hơn ở rừng ôn đới. Liên quan đến giả thuyết lỗ trống này là giả thuyết về sự xáo trộn trung bình (Connell, 1978) được xây dựng trên ý tưởng cũ về chiến lược lịch sử sống r-K (McArthur, 1972) và ý tưởng của Hutchinson (1951) về các loài tạm cư hay tiên phong cùng tồn tại với các loài cạnh tranh mạnh hơn thông qua ưu điểm trong việc phát tán tốt hơn. Giả thuyết này ngày nay được gọi là giả thuyết thỏa hiệp cạnh tranh thuộc địa (Tilman, 1994). Connell (1978) thảo luận rằng đa dạng loài cây có thể đạt tối đa tại tỷ lệ trung bình của sự xáo trộn trong rừng. Ở tỷ lệ xáo trộn rất thấp sẽ có ít lỗ trống ánh sáng để các loài tiên phong chiếm đóng và các loài cạnh tranh chịu bóng cao sẽ chiếm ưu thế. Ngược lại, khi tỷ lệ xáo trộn lớn đa dạng loài thấp hơn trở lại bởi vì chỉ những loài phát tán tốt nhảy vào chiếm cứ lỗ trống. Nhưng ở tỷ lệ xáo trộn trung bình cả hai nhóm loài chịu bóng và cơ hội đều có thể tồn tại do đó đa dạng loài cao hơn.

Luận án này không có tham vọng chứng minh sự đúng sai của các giả thuyết nói trên. Tuy nhiên các giả thuyết này cho thấy rằng quá trình tái sinh tự nhiên đóng vai trò hết sức quan trong trong việc duy trì sự đa dạng loài trong các hệ sinh thái rừng nhiệt đới. Do đó, nội dung nghiên cứu tái sinh cây gỗ cũng rất quan trọng trong nghiên cứu đa dạng loài cây gỗ.

Trong tự nhiên mối quan hệ giữa các loài là vấn đề rất phức tạp, trong rừng tự nhiên hỗn loài, sự đa dạng làm phong phú thêm về cơ cấu mạng lưới thức ăn. Một số tác giả sau khi nghiên cứu đã đi đến kết luận rằng, sự phong phú của loài đã làm tăng tính ổn định về mặt sinh thái cho quần xã sinh vật sinh trưởng, phát triển và lúc đó lượng sinh khối trên một đơn vị diện tích là tối đa.

1.3.3. Nghiên cứu định lượng đa dạng sinh học

Trước đây, khi nghiên cứu sự phong phú về loài, các nhà khoa học chỉ mới dừng lại ở mức độ định tính, mô tả. Các nghiên cứu gần đây đã sử dụng một số chỉ số nhằm đánh giá mức độ phong phú đa dạng của tổ thành thực vật: Chỉ số Simpson, Hàm số liên kết Shannon - Weaver (H’), đề tài còn sử dụng thêm một chỉ số của entropy Rẽnyi.

Hiện nay ĐDSH có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển bền vững. Vì vậy mục đích chính của nghiên cứu đa dạng sinh học là cung cấp các số liệu định lượng cơ bản để phục vụ cho công tác quản lý và bảo tồn. Khi nghiên cứu định lượng ĐDSH có rất nhiều chỉ tiêu để đánh giá. Nhiệm vụ lâu dài của một Khu bảo tồn là quản lý bảo vệ


rừng, bảo tồn ĐDSH nên cần có những nghiên cứu chi tiết về ĐDSH của tài nguyên động, thực vật bằng nhiều chỉ tiêu khác nhau để cung cấp dữ liệu làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất các giải pháp bảo tồn tài nguyên rừng một cách có hiệu quả.

1.3.4. Định hướng nghiên cứu

Để xây dựng các biện pháp quản lý tài nguyên rừng phù hợp và gắn kết được mục tiêu bảo tồn với phát triển kinh tế - xã hội bền vững, các kiến thức về đa dạng hệ thực vật, về cấu trúc, động thái và khả năng phát triển tự nhiên của các loài là hết sức quan trọng. Các nghiên cứu liên quan đến việc đánh giá sự đa dạng của hệ thực vật ở Khu BTTN Thần Sa đã thu được một số kết quả nhất định. Bước đầu đã lập được danh mục các loài thực vật, trong đó xác định khu BTTN là quan trọng nhất của các loài thực vật thuộc ngành hạt kín, tập trung tới 92% số loài, trong đó có một số loài phân bố hẹp, là những đối tượng quí hiếm được ghi nhận trong sách đỏ Việt Nam có nguy cơ tuyệt chủng; cần có những nghiên cứu sâu về đặc trưng cấu trúc quần xã, tổ thành. Các tác giả cũng đã khuyến nghị cần có các nghiên cứu sâu hơn để khẳng định tình trạng của tất cả các loài đã được ghi nhận tại Thần Sa - Phượng Hoàng và đồng thời đánh giá được khả năng tái sinh của các loài quan trọng. Đa dạng thực vật là một lĩnh vực nghiên cứu rất rộng, các điều tra, đánh giá đã có ở Khu BTTN Thần Sa - Phượng Hoàng mới tập trung đánh giá đa dạng về taxon, tức là thống kê sự đa dạng về ngành thực vật, số chi, số họ và số loài; và việc thống kê này mới chỉ mang tính chất tổng quát, chưa mang ý nghĩa bảo tồn cao. Và những nghiên cứu đề cập đến các chỉ số đa dạng loài và khả năng tái sinh của các loài có ý nghĩa bảo tồn trong các quần xã thì lại ít được đề cập. Trong khuôn khổ của một luận án tiến sĩ với thời gian và nguồn lực có hạn, chúng tôi muốn góp một phần nhỏ để bổ sung vào kho tàng kiến thức về đa dạng hệ thực vật rừng ở Khu BTTN Thần Sa - Phượng Hoàng bằng một nghiên cứu trường hợp cụ thể, đó là: Nghiên cứu tính đa dạng các loài thực vật thân gỗ trên núi đá vôi ở Khu bảo tồn để đánh giá tính ĐDSH.


Chương 2

ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - KINH TẾ XÃ HỘI KHU VỰC NGHIÊN CỨU


2.1. Điều kiện tự nhiên

2.1.1. Vị trí địa lý

Khu BTTN Thần Sa - Phượng Hoàng thuộc địa giới hành chính huyện Võ Nhai, cách thành phố Thái Nguyên khoảng 40km về phía Bắc, có tọa độ địa lý: 105051’05’’ đến 106008’38’’ kinh độ Đông

21045’12’’ đến 21056’30’’ vĩ độ Bắc.

Phía Bắc giáp huyện Na Rì, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn.

Phía Đông giáp huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

Phía Tây giáp huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

Phía Nam giáp với huyện Võ Nhai và tỉnh Thái Nguyên.

Phạm vi quy hoạch Khu bảo tồn nằm trong địa giới hành chính của 6 xã và một thị trấn thuộc huyện Võ Nhai gồm: Thị trấn Đình Cả, xã Phú Thượng, xã Sảng Mộc, xã Thần Sa, xã Thượng Nung, xã Nghinh Tường, xã Vũ Chấn. Với tổng diện tích đất quy hoạch khu rừng đặc dụng là 18.858,9 ha.

2.1.2. Địa hình

Nhìn chung, địa hình Khu BTTN Thần Sa - Phượng Hoàng bị chia cắt khá mạnh, do lịch sử kiến tạo địa chất và tạo sơn hình thành. Chúng có đặc điểm chung là: núi đá có dốc lớn, bị chia cắt sâu. Có 3 kiểu địa hình chính như sau:

+ Nhóm kiểu địa hình đồi núi thấp: Nhóm này chiếm điện tích khá lớn, có độ cao dưới 800 m, là nơi hoạt động sản xuất lâm nghiệp vùng đệm của Khu bảo tồn.

+ Kiểu địa hình núi đá vôi: Nhóm này chiếm hầu hết diện tích của Khu bảo tồn, chúng có kiểu kiến trúc dễ nhận biết, độ cao trung bình trên 800 m.

+ Nhóm kiểu địa hình trũng nằm xen kẽ giữa núi đá vôi và núi đồi đất: Nhóm này có địa hình thấp, bằng phằng, ở giữa những dãy núi thường xuất hiện những con sông, suối và những cánh đồng lúa hoặc hoa màu của dân chúng thuộc vùng đệm Khu bảo tồn.

2.1.3. Khí hậu

Khí hậu nóng ẩm, mưa mùa, lạnh về mùa đông, mặt khác do ảnh hưởng bởi hoàn cảnh địa lý, địa hình của dãy núi Bắc Sơn (bắt nguồn từ Bắc Sơn đến Võ Nhai, Đồng Hỷ) tạo ra kiểu khí hậu đặc sắc, khắc nghiệt hơn so với các vùng khác trong tỉnh, nóng nhiều về mùa hè, lạnh hơn và thường có sương muối vào mùa đông.


Một năm có hai mùa rõ rệt: Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 9; mùa khô từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Nhiệt độ không khí trung bình năm 22,30C; nhiệt độ không khí tối thấp trung bình năm 19,30C, nhiệt độ không khí tối cao trung bình năm 26,90C. Lượng mưa trung bình năm từ 1.400 mm đến 1.600 mm.

2.1.4. Thuỷ văn

Đặc điểm nổi bật của hệ thống thuỷ văn trong Khu bảo tồn thiên nhiên là: Mật độ dòng chảy bề mặt thấp do điều kiện địa hình núi đá vôi, nhiều hang động Các-xtơ và suối ngầm. Dòng chảy tương đối hẹp, độ dốc dòng chảy tương đối lớn. Có suối ngầm, có sự xuất hiện đột ngột dòng chảy trên bè mặt tạo nên cảnh quan đẹp trong Khu BTTN. Điều kiện khí hậu cùng với đặc điểm địa hình địa mạo tạo nên những vùng có tài nguyên động, thực vật rừng phong phú, đặc hữu và quý hiếm.

2.1.5. Địa chất, thổ nhưỡng

Khu bảo tồn gồm 2 loại đất chính:

- Nhóm đất màu nâu đỏ trên núi đá vôi và những nơi dốc tụ chân núi đá: Loại đất này thường nằm kẹp giữa những dãy núi đá vôi, trên đất thường xuyên xuất hiện nhiều đá lộ đầu, nhưng đất có độ phì cao nên thường bị đồng bào phát nương làm rẫy. Đất có thành phần cơ giới nặng, hơi chua, tầng B phát triển mạnh và có mầu đỏ tươi rất dễ nhận biết. Xen kẽ loại đất đỏ có loại đất xám trên đá vôi với diện tích không lớn, nhưng độ phì cao hơn, hàm lượng mùn và tầng mùn lớn hơn, kết cấu đất đa phần là hạt.

- Loại đất đỏ vàng hoặc vàng xám trên phiến thạch sét và đá biến chất: Đây là loại đất chiếm diện tích khá lớn, tầng đất từ mỏng đến trung bình và dày. Phân bố chủ yếu ở các vùng đồi núi đất có độ cao dưới 300 - 600m, loại đất này có thành phần cơ giới biến động khá mạnh nằm trong giới hạn từ cát pha đến thịt nặng, trên các loại đá biến chất có thành phần cơ giới nhẹ hơn so với trên đá phiến thạch sét, đất thuộc loại chua, kết cấu kém hơn loại đất trên. Trong khu vực điều tra có độ cao trên 600-700m vùng núi đất cũng xuất hiện loại đất này, nhưng loại đất này ở vùng cao, còn rừng già nên có lượng mùn nhiều, tầng A1 phát triển hơn và mầu sẫm hơn, tầng B có hàm lượng mùn khá lớn, có nơi có cả tầng AB. Độ dày tầng đất thuộc loại trung bình, nhiều nơi có đá lẫn với hàm lượng khá lớn, đất thuộc loại chua.

2.1.6. Rừng và thực vật rừng

Theo quan điểm sinh thái phát sinh quần thể và hệ thống phân loại thảm thực vật Việt Nam của Thái Văn Trừng, thảm thực vật trong khu bảo tồn do có độ cao thấp nên hầu hết các kiểu rừng đều thuộc rừng mưa nhiệt đới ẩm núi thấp. Khu


BTTN Thần Sa - Phượng Hoàng là nơi giao thoa của nhiều luồng thực vật khác nhau, kết hợp điều kiện khí hậu và địa hình của khu vực đã tạo nên tính đa dạng, phong phú về thành phần loài thực vật ở đây. Theo số liệu thống kê thành phần thực vật ở khu bảo tồn lên tới 1.096 loài, 645 chi, 160 họ ở 5 ngành thực vật khác nhau.

Hệ động vật trong Khu BTTN Thần Sa - Phượng Hoàng thuộc khu hệ động vật vùng Đông Bắc Việt Nam. Đây là hệ động vật đặc trưng cho hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi. Đa số các loài động vật ở đây có ưu thế là thích nghi với điều kiện địa hình hiểm trở, có khả năng vận động kiếm ăn tốt nơi địa hình phức tạp. Tổng số loài động vật thống kê được 295 loài trong 93 họ, 30 bộ, 5 lớp động vật có xương sống cho Khu BTTN này.

2.2. Điều kiện kinh tế xã hội

2.2.1. Dân tộc

Trong khu vực có 6 dân tộc sinh sống là Tày, Dao, Nùng, Kinh, H’Mông, Cao Lan. Dân tộc Tày có số dân đông nhất (với 8.717 người, chiếm 41,72 %), sau đó đến dân tộc Dao (4.414 người, chiếm 21,12%). Mỗi dân tộc có những nét văn hóa, phong tục tập quán sinh hoạt khác nhau, tập quán canh tác khác nhau. Nhưng nhìn chung các dân tộc trên đều có tập quán canh tác lạc hậu, có đời sống còn phụ thuộc vào tài nguyên rừng, đây chính là vấn đề khó khăn trong việc quản lý và bảo vệ rừng ở nơi đây.

2.2.2. Dân số và lao động

Dân số nằm trong vùng đệm và vùng lõi KBT có 4.929 hộ với 20.592 nhân khẩu. Mật độ đông nhất là thị trấn Đình Cả (358 người/km2), thấp nhất là xã Thần Sa (23 người/km2). Số lượng nhân khẩu tập trung đông nhất ở 5 khu vực là Phú Thượng, thị trấn Đình Cả, Nghinh Tường, Vũ Chấn, Sảng Mộc chiếm 77,68% tổng số dân. Xã có số dân ít nhất là Thượng Nung với 2.193 khẩu chiếm 10,65%. Tuy vậy, sức ép của người dân từ xã này lên rừng cũng không hề nhỏ vì họ sống hoàn toàn trong khu bảo tồn. Tính trung bình mỗi hộ gia đình có từ 5 đến 6 người. Hiện tượng này đặc biệt phổ biến trong cộng đồng người dân tộc H’mông và thường dẫn tới thiếu lương thực 3 tháng mỗi năm. Sự gia tăng dân số đã làm giảm diện tích rừng tự nhiên và suy giảm tính ĐDSH do nhu cầu về khai thác gỗ làm nhà, củi đun, mở rộng đất canh tác và làm nhà ở,… nhiều diện tích rừng có những cây gỗ quý và những cánh rừng nguyên sinh đã bị mất đi và việc phục hồi lại cần một thời gian dài hoặc không có khả năng phục hồi chúng.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 15/11/2022