KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Để đánh giá tác động tổng hợp của du lịch đến tăng trưởng kinh tế một cách toàn diện và đầy đủ, Luận án sử dụng Bảng I-O làm công cụ nghiên cứu để xác định và lượng hóa ảnh hưởng hoạt động của khách du lịch đến tăng trưởng kinh tế qua mối quan hệ và sự cân bằng giữa cung, cầu của nền kinh tế.
Chương 2 giới thiệu về Bảng I-O, luận án đã làm rõ mối quan hệ giữa du lịch và tăng trưởng kinh tế biểu hiện qua Bảng I-O. Phần này giới thiệu phương pháp sử dụng Bảng I-O để đánh giá tác động của du lịch đến tăng trưởng kinh tế chi tiết theo hai thành phần chính của du lịch: Du lịch quốc tế và du lịch nội địa thông qua chỉ tiêu chi tiêu của khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa.
Việc xác định nguồn thông tin cần thiết phục vụ đánh giá tác động trực tiếp, gián tiếp và tổng hợp của du lịch đến tăng trưởng kinh tế cũng được trình bày chi tiết trong chương 2. Đây là các nguồn thông tin thứ cấp, chủ yếu được khai thác từ Tổng cục Thống kê và Tổng cục Du lịch.
Chương 2 cũng trình bày việc đánh giá hoạt động du lịch từ các cách tiếp cận khác nhau. Đó là cách tiếp cận từ phía cung và từ phía cầu, từ tác động trực tiếp, tác động gián tiếp và tác động tổng hợp. Xem xét hoạt động du lịch một cách chi tiết và cụ thể hơn qua việc phân chia du lịch nội địa và du lịch quốc tế. Với cách nhìn nhận này nghiên cứu sẽ trình bày cách đo lường chi tiết hơn, cho phép đánh giá toàn diện, đầy đủ và cụ thể hơn tác động của du lịch nội địa và du lịch quốc tế đến tăng trưởng kinh tế.
Trên cơ sở xác định mô hình và nguồn thông tin hiện có, Chương 2 đã đề xuất phương pháp ước lượng các chỉ tiêu phản ánh tác động trực tiếp, gián tiếp và tổng hợp của du lịch đến tăng trưởng kinh tế thể hiện qua 6 bước tính toán. Nội dung của các bước tính đã hướng dẫn chi tiết cách xử lý, hoàn thiện nguồn thông tin về Bảng I-O và dữ liệu đầu vào. Đồng thời trình bày cách ước lượng từng chỉ tiêu đo lường du lịch, các chỉ tiêu phản ánh tăng trưởng kinh tế được tạo ra do tác động của du lịch được đề cập trong Chương 1. Các bước tính cũng đã trình bày cách đưa những thông tin này như thế nào vào công cụ để tính toán số liệu phục vụ đánh giá tác động tổng hợp của du lịch quốc tế đến và du lịch nội địa đối với tăng trưởng GDP và tạo việc làm trong nền kinh tế.
Phương pháp đánh giá được trình bày trong Chương 2 sẽ được vận dụng đối với trường hợp của Việt Nam để thử nghiệm tính toán tác động tổng hợp của du lịch quốc tế đến và du lịch nội địa tới tăng trưởng kinh tế trong chương tiếp theo.
CHƯƠNG 3
Có thể bạn quan tâm!
- Phương Pháp Đánh Giá Tác Động Tổng Hợp Của Du Lịch Đến Tăng Trưởng Kinh Tế Dựa Trên Bảng I-O
- Ý Nghĩa Của Đánh Giá Tác Động Trực Tiếp, Gián Tiếp Và Tổng Hợp Trong Bảng I-O
- Chi Tiêu Của Khách Du Lịch Quốc Tế Đến/ Nội Địa Năm …
- Chi Tiêu Bình Quân Một Lượt Khách Du Lịch Quốc Tế Đến Và Nội Địa Tại Việt Nam Theo Khoản Chi Năm 2013
- Hệ Số Chi Phí Trực Tiếp Dạng Phi Cạnh Tranh Năm 2012 Của Việt Nam
- Thu Nhập Của Người Lao Động Tạo Ra Do Tác Động Của Du Lịch Năm 2013
Xem toàn bộ 137 trang tài liệu này.
ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG TỔNG HỢP CỦA DU LỊCH
ĐẾN TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ CỦA VIỆT NAM NĂM 2013
Lý luận chung về tác động tổng hợp của du lịch và phương pháp đánh giá tác động tổng hợp của du lịch đến tăng trưởng kinh tế đã được Luận án làm rõ trong Chương 1 và Chương 2; trên cơ sở phương pháp luận đã lựa chọn và nguồn thông tin hiện có Chương 3 sẽ vận dụng để đánh giá tác động tổng hợp của du lịch nội địa và du lịch quốc tế đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2013.
Nghiên cứu lựa chọn trường hợp của Việt Nam năm 2013 để tính toán thử nghiệm
đánh giá tác động tổng hợp của du lịch đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam với các lý do:
- Năm 2013 là năm gần nhất với năm lập Bảng I-O 2012;
- Theo chương trình điều tra thống kê, hai năm một lần TCTK tiến hành điều tra chi tiêu của khách du lịch. Trong năm 2013, TCTK thực hiện điều tra về chi tiêu của khách du lịch quốc tế và nội địa;
- Cuộc điều tra tính toán hệ số về khách du lịch nội địa nghỉ qua đêm và khách nội địa trong ngày của Tổng cục Du lịch (TCDL) không được tiến hành thường xuyên hàng năm. Năm 2013, TCDL đã tiến hành điều tra và ước tính được các hệ số về khách nghỉ qua đêm và khách đi trong ngày của khách du lịch nội địa.
Như vậy lựa chọn năm 2013 để tính cho Việt Nam có thể sử dụng được thông tin từ Bảng I-O mới nhất, đồng thời khai thác được tối đa các nguồn thông tin có liên quan, giảm thiểu các giả định đối với thông tin trong tính toán thử nghiệm.
Chương 3 được trình bày theo ba nội dung chính, bao gồm: (1) Thu thập, tổng hợp và xử lý thông tin phục vụ đánh giá tác động tổng hợp của du lịch đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2013; (2) Tính toán tác động tổng hợp của du lịch tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2013; (3) Nhận định, đánh giá tác động tổng hợp của du lịch tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam qua số liệu tính toán năm 2013. Nội dung chi tiết ba phần nêu trên, được đề cập trong các phần tiếp theo.
3.1. Thu thập, tổng hợp và xử lý thông tin phục vụ đánh giá tác động tổng hợp của du lịch đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2013
Thông tin phục vụ đánh giá tác động tổng hợp của du lịch đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2013, được luận án thực hiện thu thập, tổng hợp và xử lý thông tin đối với khách du lịch, Bảng I-O và thông tin có liên quan khác như sau:
3.1.1. Thu thập, tổng hợp và xử lý thông tin về du lịch
Để nhận biết việc thu thập, tổng hợp và xử lý thông tin về du lịch phục vụ đánh giá tác động tổng hợp của du lịch quốc tế và du lịch nội địa đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, trước hết cần khái quát bức tranh du lịch Việt Nam với tiềm năng và kết quả hoạt động những năm gần đây; từ đó thực hiện việc khai thác, tổng hợp, xử lý các nguồn thông tin này phục vụ nghiên cứu của tác giả luận án.
3.1.1.1. Khái quát về du lịch Việt Nam
a. Tiềm năng du lịch Việt Nam
Tiềm năng du lịch của Việt Nam rất đa dạng và phong phú, được thể hiện ở các thế mạnh về danh thắng, di tích, di sản UNESCO, văn hóa và lễ hội.
(1) Về di tích: Tính đến năm 2010, Việt Nam sở hữu một lượng lớn di tích và thắng cảnh với hơn 40.000 điểm, trong đó di tích được xếp hạng quốc gia có hơn
3.000 và di tích được xếp hạng cấp tỉnh có hơn 7.000. Ngoài 72 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, Việt Nam còn có thêm 117 bảo tàng với 38 bảo tàng do các bộ ngành quản lý và 79 bảo tàng do các địa phương quản lý. Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và Bảo tàng lịch sử Việt Nam là hai bảo tàng lịch sử quốc gia. (Wikipedia, 2016)
(2) Về danh thắng: Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách quốc tế với 30 vườn quốc gia; 400 nguồn nước nóng từ 40 độ trở lên và nhiều dòng suối tự nhiên trên khắp mọi miền đất nước. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có hơn 1000 hang động được khai phá nhưng số lượng được khai thác sử dụng cho mục đích du lịch còn hạn chế. (Wikipedia, 2016)
Việt Nam với 125 bãi tắm biển, hầu hết là các bãi tắm đẹp và nhiều bãi tắm nổi tiếng thế giới. Vịnh Hạ Long và vịnh Nha Trang đưa Việt Nam vào danh sách một trong mười hai quốc gia có vịnh đẹp nhất thế giới.
(3) Về danh hiệu UNESCO: Các di sản thế giới hiện đều là những điểm du lịch hấp dẫn. Danh hiệu UNESCO ở Việt Nam gồm danh sách các di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển thế giới, di sản tư liệu thế giới, công viên địa chất toàn cầu, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại... đã được UNESCO công nhận tại Việt Nam.
Trong hệ thống các danh hiệu của UNESCO, di sản thế giới là danh hiệu danh giá nhất và lâu đời nhất. Thủ đô Hà Nội được biết đến là một trong số những thành phố có nhiều các di sản được UNESCO ghi nhận như: Hoàng thành Thăng Long, Bia tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long, ca trù và Hội Gióng…
Tính đến hết năm 2015 Việt Nam được UNESCO công nhận 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới đó là Châu thổ sông Hồng, Cát Bà, Tây Nghệ An, Đồng Nai, Cù lao Chàm, Cần Giờ, Cà Mau và biển Kiên Giang.
Có 9 di sản văn hóa phi vật thể trên thế giới tại Việt Nam như Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên, Quan họ, Ca trù, Hội Gióng, Hát xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
(4) Về văn hóa: Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có những nét đặc trưng về văn hoá, phong tục tập quán và lối sống riêng. Ngành du lịch và các địa phương đã nỗ lực xây dựng được một số điểm du lịch độc đáo, như du lịch cộng đồng Sa Pa, du lịch Bản Lát ở Mai Châu...
Sự ra đời và phát triển của sân khấu dân gian Việt Nam gắn liền với đời sống nông nghiệp, múa rối nước là nghệ thuật dân gian của người nông dân làm ruộng nước ở vùng châu thổ sông Hồng, thường được biểu diễn trong dịp hội hè, những lúc nông nhàn, múa rối nước là một nghệ thuật tổng hoà giữa các nghệ thuật điêu khắc, sơn mài, âm nhạc, hội hoạ và văn học. Cùng với múa rối nước là các môn nghệ thuật hát chèo, tuồng, cải lương góp phần làm phong phú nền sân khấu cổ truyền Việt Nam. Từ đầu thế kỷ 20, cùng với những ảnh hưởng của sân khấu phương Tây, nghệ thuật sân khấu hiện đại Việt Nam được bổ sung thêm các môn nghệ thuật kịch, hài kịch, xiếc, ảo thuật, múa, ballet, opera,...
Âm nhạc dân gian Việt Nam cũng có truyền thống lâu đời, bắt đầu với chầu văn, quan họ, ca trù, hát ví, dân ca, vọng cổ, nhạc cung đình,...của người Việt và bên cạnh đó là âm nhạc dân gian của các dân tộc khác như hát lượn của người Tày, hát Sli của người Nùng, hát Khan của người Ê Đê, hát dù kê của người Khmer...Cùng với các môn nghệ thuật hiện đại khác, nền âm nhạc hiện đại Việt Nam được hình thành và phát triển đến ngày nay được gọi là tân nhạc Việt Nam với các dòng nhạc tiền chiến, nhạc đỏ, nhạc vàng, nhạc hải ngoại và nhạc trẻ. Tuy nhiên, từ hơn 20 năm phát triển du lịch, Việt Nam vẫn chưa có được một sân khấu, nhà hát biểu diễn nghệ thuật dân tộc nào đủ lớn để giới thiệu đến du khách quốc tế, để đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Múa rối nước có 1 sân khấu nhỏ tại Hà Nội và sân khấu múa rối nước Rồng Vàng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
(5). Về lễ hội Việt Nam: Theo thống kê đến năm 2009, hiện cả nước Việt Nam có 7.966 lễ hội; trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%), 332 lễ hội lịch sử (chiếm 4,16%), 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,28%), 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài (chiếm 0,12%), còn lại là lễ hội khác (chiếm 0,5%). Tính đến hết năm 2014, Việt Nam có 27 lễ hội được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trong đó có Hội Gióng đền Phù Đổng và đền Sóc.
b. Hoạt động của du lịch Việt Nam
Với tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng nêu trên, du lịch Việt Nam đã được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn. Trong 15 năm qua, hoạt động du lịch Việt Nam có những bước chuyển biến đáng kể thể hiện qua số lượt khách quốc tế đến Việt Nam tăng từ hơn 2 triệu lên đến gần 8 triệu lượt khách.
Biểu đồ 3.1: Số lượt khách quốc tế đến Việt Nam từ năm 2001 đến năm 2015
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2012, Việt Nam thu hút được hơn 6,8 triệu du khách Quốc tế đến du lịch, vượt kế hoạch 0.3 triệu lượt khách và tăng gần 14% so với năm 2011 (Tổng cục Thống kê, 2012). Khách tham gia du lịch nội địa năm 2012 đạt 32,5 triệu lượt khách, tang thêm 8.3% so với năm 2011. Chính vì thế, hoạt động du lịch trong năm 2012 đạt mức doanh thu khoảng 160 nghìn tỉ đồng, so với năm trước tăng trên 23%.
Năm 2013, số khách quốc tế đến Việt Nam là 7,57 triệu lượt khách, khách nội địa đạt 35 triệu lượt khách. Doanh thu ngành du lịch Việt Nam năm 2013 đạt khoảng
200.000 tỷ đồng.
Số khách quốc tế đến Việt Nam năm 2013 đạt 7,57 triệu lượt khách, khách nội địa đạt 35 triệu lượt khách. Do vậy, tổng doanh thu du lịch của Việt Nam năm 2013 vào khoảng 200,000 tỷ đồng.
Năm 2014, du lịch Việt Nam thu hút gần 8 triệu lượt khách quốc tế, gần 53 triệu lượt khách nội địa.
Năm 2015, ngành Du lịch Việt Nam đạt kết quả với những dấu ấn và chuyển biến
tích cực. Với việc phục hồi đà tăng trưởng, Việt Nam đã thành công ngăn chặn sự suy giảm khách du lịch quốc tế trong 6 tháng đầu năm, thu hút hơn 7,94 triệu lượt khách quốc tế (tăng 0.9% so với năm 2014) và 57 triệu lượt khách du lịch nội địa. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, song, trong năm 2015, Việt Nam đã thu về từ khách du lịch khoảng 337.830 tỷ đồng.
Theo ước tính từ TCDL doanh thu từ khách du lịch dự kiến sẽ đạt 18-19 tỷ USD tương đương khoảng 400 nghìn tỷ đồng vào năm 2020.
3.1.1.2. Nguồn thông tin về du lịch Việt Nam
Nguồn thông tin về du lịch Việt Nam phục vụ đánh giá tác động tổng hợp của du lịch đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2013, được xem xét theo hai nội dung chính: Nguồn thông tin về số lượt khách du lịch và nguồn thông tin về chi tiêu bình quân một lượt khách du lịch.
Nguồn thông tin về khách du lịch chủ yếu dựa vào các cuộc điều tra thống kê do Tổng cục Du lịch và Tổng cục Thống kê thực hiện. Riêng số lượt khách du lịch quốc tế khai thác từ Niên giám thống kê của Tổng cục Thống kê. Bên cạnh đó, thông tin về số lượng và chi tiêu của khách du lịch trong điều tra thống kê du lịch năm 2013 của Tổng cục Du lịch (TCDL) và Tổng cục Thống kê (TCTK) cũng cần được tìm hiểu, thu thập, xử lý phục vụ tính toán thử nghiệm.
Khách du lịch gồm khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa, trong đó khách du lịch quốc tế gồm khách du lịch quốc tế đến và khách du lịch quốc tế đi. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam và nhiều nước chưa có thông tin để ước lượng tổng chi tiêu của khách quốc tế đi nên đối với khách du lịch quốc tế chỉ tính toán cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Để ước lượng được chi tiêu của khách du lịch chi tiết theo du lịch quốc tế đến và du lịch nội địa trên toàn bộ nền kinh tế, cần xác định được số lượt khách du lịch và mức chi tiêu bình quân của mỗi lượt khách.
Số lượt khách du lịch quốc tế đến ở Việt Nam được khai thác từ Tổng cục Thống kê (do Cục Xuất - Nhập cảnh Bộ Công an cung cấp); chi tiêu của khách quốc tế đến khai thác từ điều tra chọn mẫu về chi tiêu khách du lịch, gồm có chi tiêu của khách quốc tế đến do TCTK thực hiện.
Thông tin về số lượt khách và chi tiêu của khách du lịch nội địa khai thác từ Điều tra khách nội địa của TCDL và Điều tra chi tiêu khách du lịch bao gồm chi tiêu của khách nội địa do TCTK thực hiện.
a. Nguồn thông tin về tổng số lượt khách du lịch
Thu thập, tổng hợp thông tin về tổng số lượt khách du lịch được chi tiết theo tổng số lượt khác quốc tế đến và tổng số lượt khách du lịch nội địa.
- Tổng số lượt khách du lịch quốc tế đến
Thông tin về số lượt khách du lịch quốc tế đến có thể lấy từ Niên giám thống kê hàng năm của TCTK. Số liệu này được tổng hợp từ thông tin qua đường nhập cảnh vào Việt Nam do Cục Xuất Nhập cảnh của Bộ Công an và Cục Cửa khẩu, Bộ đội Biên phòng của Bộ Quốc phòng cung cấp. Tuy nhiên, ở đây chỉ có số lượt khách du lịch quốc tế đến nói chung, chưa chia ra theo khách nghỉ qua đêm và khách đi trong ngày. Để ước lượng được số lượt khách du lịch quốc tế đến, và khách du lịch nội địa chi tiết theo khách nghỉ qua đêm và khách đi trong ngày Trung tâm thông tin du lịch của TCDL đã tiến hành điều tra vào năm 2013 và 2014.
- Tổng số lượt khách du lịch nội địa
Tổng số lượt khách du lịch nội địa được khai thác từ điều tra của TCDL. Để tách chi tiết tổng số lượt khách du lịch nội địa thành số lượt khách du lịch nội địa nghỉ qua đêm và số lượt khách du lịch nội địa đi trong ngày cần khai thác thông tin theo kết quả điều tra chọn mẫu về du lịch của cả TCTK và TCDL.
Cuộc điều tra khách du lịch nội địa tại Việt Nam của TCDL được tiến hành theo Quyết định số 360/QĐ-TCDL ngày 29/7/2013 của Tổng cục trưởng TCDL về việc phê duyệt Phương án điều tra khách du lịch nội địa năm 2013 – 2014. Cuộc điều tra được tiến hành theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên từ số khách du lịch nội địa đang thực hiện chuyến đi du lịch tại 52 khu, điểm tham quan du lịch trên 26 tỉnh/thành phố tại Việt Nam. Thời gian tiến hành điều tra từ tháng 8 năm 2013 đến tháng 3 năm 2014. Kết quả đã thu thập thông tin từ 23.633 khách du lịch nội địa.
Kết hợp điều tra trực tiếp với khách du lịch nội địa theo hình thức phỏng vấn, TCDL đã gửi phiếu khảo sát tới 900 cơ sở lưu trú và 600 công ty lữ hành đón khách nội địa tại 26 tỉnh, thành phố chọn mẫu điều tra, nhằm hoàn thiện việc xác định cơ cấu chi tiêu của khách đối với khách đi theo tour (tổng hợp bình quân chi tiêu trong tour và chi tiêu ngoài tour). Tổng hợp cơ cấu và chi tiêu bình quân của khách du lịch có nghỉ qua đêm tại cơ sở lưu trú và khách du lịch đi trong ngày (bao gồm cả chuyến đi của khách không nghỉ qua đêm tại cơ sở lưu trú du lịch).
Đây là cuộc điều tra khách du lịch nội địa lần thứ hai do TCDL tổ chức (Lần thứ nhất tiến hành vào năm 2006 - 2007). Thông tin mới so với các cuộc điều tra trước:
- Thông tin về cơ sở lưu trú mà khách nghỉ lại trong một chuyến đi nhằm xác định hệ số để ước tính số lượt khách du lịch nội địa trên cơ sở tổng số khách mà các cơ sở lưu trú phục vụ.
- Thông tin về khách đi trong ngày - Từ đó có thể ước tính số lượt khách đi trong ngày trên cơ sở tỷ lệ so với khách qua đêm trong mẫu điều tra.
b. Nguồn thông tin về chi tiêu bình quân một lượt khách du lịch
Thông tin về chi tiêu bình quân một lượt khách du lịch chi tiết theo chi tiêu bình quân một lượt khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa được khai thác từ điều tra chọn mẫu của Tổng cục Thống kê. Thông tin để tính chi tiết chi tiêu bình quân một lượt khách du lịch nội địa theo khách nghỉ qua đêm và khách đi trong ngày cần khai thác từ kết quả điều tra chọn mẫu của Tổng cục Du lịch.
Cuộc điều tra chi tiêu của khách du lịch được Tổng cục Thống kê tiến hành theo Quyết định số 650/QĐ-TCTK ngày 25/6/2013 của Tổng cục trưởng TCTK kê tại 30 tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch. Đối tượng điều tra là khách du lịch quốc tế và khách du lịch trong nước đang nghỉ tại các cơ sở lưu trú du lịch. Cuộc điều tra đã được các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện với sự phối hợp của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và sự tham gia tích cực của các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú được chọn điều tra.
Đây là cuộc điều tra chi tiêu của khách du lịch lần thứ sáu do Tổng cục Thống kê tiến hành, được tổ chức thống nhất về phương pháp như những lần trước nhưng với quy mô mẫu mở rộng hơn, nội dung thông tin điều tra phong phú hơn.
Cuộc điều tra này là cuộc điều tra chọn mẫu các cơ sở lưu trú có phục vụ khách du lịch quốc tế tại 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chọn mẫu các cơ sở lưu trú có phục vụ khách du lịch nội địa tại 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Mỗi tỉnh chọn 30% đến 40% số cơ sở lưu trú; riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chọn 20-30% số cơ sở lưu trú.
Một số kết quả chủ yếu thu được từ điều tra gồm có:
Cơ cấu khách:
Tổng khách du lịch nội địa là 24.139 người; khách du lịch quốc tế là 9.500 người.
Cơ cấu khách du lịch được nghiên cứu theo các tiêu thức sau:
- Theo giới tính, độ tuổi (6 nhóm)
- Theo phương tiện đi (4 loại)
- Theo hình thức tổ chức (tự tổ chức và theo chương trình trọn gói)