Tạo Cơ Hội, Điều Kiện Thuận Lợi Cho Người Dân Tham Gia Quản Lý Phát Triển Du Lịch Nông Thôn


Khảo sát đội ngũ cán bộ, nhân viên và người dân tham gia hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn, từng địa phương. Từ đó, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ đào tạo và đào tạo lại đáp ứng yêu cầu phát triển. Bên cạnh đó, tổ chức các chương trình tập huấn cho hướng dẫn viên du lịch địa phương (người dân), những người đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối khách du lịch và địa phương về kỹ năng phục vụ khách du lịch như phong cách, tác phong khi giới thiệu, xây dựng tuyến du lịch tùy theo đối tượng khách du lịch khác nhau, kỹ năng xử lý với từng đối tượng khách hàng ở các lứa tuổi khác nhau hay những vấn đề về trang phục của hướng dẫn viên.

Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động DLNT gắn với đào tạo nghề cho lao động nông thôn thông qua việc tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về ngoại ngữ, kỹ năng, kiến thức, thái độ phục vụ du khách theo hướng chuyên nghiệp, lành nghề, thân thiện; tăng cường kết nối với các công ty lữ hành thiết kế các tua, tuyến nhằm thu hút du khách để khai thác tiềm năng và lợi thế trong phát triển du lịch.

5.3.2.5. Tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia quản lý phát triển du lịch nông thôn

Một trong những nguyên nhân căn bản cản trở sự tham gia của cộng đồng dân cư vào các hoạt động phát triển du lịch là do họ không có cơ hội, điều kiện tham gia. Do vậy, cần công khai, minh bạch các thông tin về quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển du lịch để các cộng đồng dân cư trong vùng chủ động tham gia.

Chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở cần tổ chức các diễn đàn để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến các quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn. Cần duy trì các kênh giao tiếp và trao đổi thông tin thường xuyên, giúp cho các thành viên cộng đồng và các bên liên quan thấy được họ chính là chủ thể quan trọng tham gia vào quá trình ra quyết định cho đến quá trình thực hiện các dự án du lịch.

Cần có chính sách khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng tham gia đầu tư phát triển du lịch ở chính nơi họ sinh sống, để vừa thu hút các nguồn vốn đầu tư vừa tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập. Các hỗ trợ ban đầu, như chuyên chở khách, hướng dẫn du lịch, sản xuất và bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, cung cấp lương thực, thực phẩm,…

Xu thế phát triển du lịch cộng đồng hoàn toàn phụ thuộc vào người dân và những trải nghiệm của khách du lịch phụ thuộc vào chất lượng dịch vụ do người dân cung cấp. Do đó, cần có sự hỗ trợ ban đầu đối với những người mới tham gia làm du lịch,


như: tư vấn đầu tư, tư vấn kỹ thuật sản xuất - kinh doanh, tổ chức tập huấn; mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng... giúp họ có các kỹ năng cần thiết để cung cấp các sản phẩm du lịch cộng đồng một cách tốt nhất.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 218 trang tài liệu này.

5.3.2.6. Hình thành các cụm liên kết phát triển DLNT, tuyến, điểm DLNT tại các tỉnh trong vùng Đông Bắc

Liên kết phát triển DLNT là một trong những giải pháp thiết thực và hiệu quả bởi du lịch với tính chất là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, sự phát triển du lịch không chỉ nằm trong một vùng lãnh thổ, trong một tỉnh mà luôn phải vươn ra khỏi phạm vi hành chính địa phương, một quốc gia, một khu vực. Trong giai đoạn tới, vùng Đông Bắc cần hình thành các cụm liên kết phát triển DLNT như Thái Nguyên - Bắc Giang - Lạng Sơn; Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng; Thái Nguyên - Tuyên Quang - Hà Giang. Hình thành và củng cố một số tuyến, điểm DLNT địa phương như tuyến du lịch vòng cung phía Tây Hà Giang đi Cao nguyên đá Đồng Văn đến lòng hồ Bắc Mê; Tuyến du lịch kết nối 4 huyện công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn; Tuyến du lịch kết nối các làng văn hóa du lịch cộng đồng. Tuyến đi qua các điểm chính: Thôn Chì - Nà Ràng - Phìn Hồ - Hạ thành - Nặm Đăm - Lô Lô Chải; Tuyến du lịch tâm linh kết nối huyện Bắc Quang - Vị Xuyên - Thành phố Hà Giang; Đồi chè Tân Cương - Hồ Núi Cốc - Làng văn hóa dân tộc Tày Bản Quyên; Tuyến thăm quan các bản DLNT tỉnh Bắc Kạn như Bản Pắc Ngòi - Bản Cốc Tộc - Bản Nặm Dài - Bản Bó Lù; Tuyến du lịch liên tỉnh Đồi chè Tân Cương - Làng Thổ Hà - Làng văn hóa dân tộc Quỳnh Sơn,…

Nghiên cứu sự tham gia của người dân trong quản lý phát triển du lịch nông thôn vùng Đông Bắc Việt Nam - 21

Để phát triển du lịch vùng, các địa phương cần có chính sách khuyến khích các DN lữ hành xây dựng những tour du lịch mới nhằm thu hút khách quốc tế đến. Cần phối hợp tạo điều kiện để các hãng lữ hành nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc nhằm nâng cao hơn sức cạnh tranh cho ngành du lịch tại các địa phương. Cần tập trung đẩy mạnh đầu tư các tuyến đường nối các tuyến, điểm du lịch chính của các địa phương với những tuyến, điểm du lịch chính của cả vùng để hình thành các chương trình du lịch liên vùng phong phú.

Các tỉnh liên kết nghiên cứu xây dựng các thương hiệu và các sản phẩm du lịch mang bản sắc của mỗi vùng, mỗi địa phương. Các địa phương hiện gặp phải tình trạng


trùng sản phẩm du lịch làm cho sự liên kết DLNT khó hiệu quả. Vì vậy, mỗi tỉnh cần tìm ra lợi thế riêng, tạo sản phẩm riêng để phát huy thế mạnh của liên kết vùng.

Cần coi trọng vấn đề quảng bá, xúc tiến du lịch và thực hiện các chương trình quảng bá, xúc tiến tổng thể nhằm xây dựng hình ảnh cho các tuyến, điểm liên kết vùng, điều này vừa tạo ra hiệu quả trong công tác quảng bá, xúc tiến, đồng thời tiết kiệm được chi phí. Cung cấp các ấn phẩm, tài liệu cho khách qua các kênh như: cơ quan đại diện ngoại giao, hàng không và các DN du lịch, tổ chức những đoàn khảo sát cho báo chí trong nước và ngoài nước để tuyên truyền trên mạng và các phương tiện thông tin đại chúng.

Đầu tư phát triển nguồn nhân lực dựa trên đặc điểm của từng khu vực để có sự chuẩn bị phù hợp với nhu cầu nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao của mỗi vùng. Trong công tác đào tạo, không chỉ có nhà trường mà DN cũng cần chú trọng đến việc đào tạo nhân lực. Nhà trường và DN cần kết hợp với nhau để tạo điều kiện cho người học tiếp cận hết các kiến thức lý thuyết và thực tiễn.

Cần hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch, bảo đảm thực hiện nguyên tắc phát triển bền vững, tránh tác động tiêu cực từ con người trong khai thác, kinh doanh du lịch. Khai thác gắn chặt với bảo về tài nguyên du lịch và môi trường tự nhiên bằng các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế quản lý; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch không thực hiện đúng các quy định về vệ sinh, môi trường.

5.3.2.7. Một số loại hình và hình thức du lịch đặc biệt cần có trong hoạt động DLNT

DLNT là loại hình mà khách đến ở nhà nông dân, cùng sinh hoạt và vui chơi với họ, tham gia các hoạt động văn hoá và đi thăm các thắng cảnh trong vùng. Có các loại hình, hình thức tham khảo cụ thể sau, có thể giúp DLNT phát triển tốt và chuyên nghiệp:

- Nhà khách: tiếp khách như “bạn” của gia đình, có phòng ngủ, bàn ăn, với món ăn cổ truyền.

- Nhà đón tiếp trẻ em: đón từng nhóm khoảng 10 trẻ em thành thị muốn sống ở nông thôn vài ngày để biết thế nào là nông thôn. Trẻ em được vui chơi, ăn ngủ với trẻ em nông thôn và có người phụ trách.


- Trại hè: là một miếng đất là di tích văn hoá, lịch sử được tổ chức để có thể căng lều trại; nhà vệ sinh, bếp ăn ngoài trời có thể tiếp các nhóm khoảng 20 thanh thiếu niên về ở và du lịch quanh vùng.

- Trạm dừng chân: là nhà nghỉ chân trên các lộ trình du lịch đi bộ, xe đạp, xe máy gần các di tích lịch sử để các đoàn du lịch có thể nghỉ chân, ăn uống.

- Nhà nghỉ: có thể đón tiếp các gia đình về nghỉ ở nông thôn trong vài ngày.

- Nhà sàn vui chơi: tổ chức các nhóm 3 đến 25 nhà sàn có thể tiếp 6 người ăn, ngủ. Xung quanh có các nơi vui chơi như đi câu, đi săn, đi xe đạp, dạo chơi… ở các di tích lịch sử, văn hoá hay có phong cảnh đẹp.

- Hiệu ăn nông thôn: tổ chức ở khu dịch vụ, nơi đó nấu các món ăn đặc sản của vùng từ các sản phẩm sản xuất tại chỗ trong quanh cảnh cổ truyền.

- Nhà bảo tàng nông dân: là các nhà nông dân giữ lại các cảnh sản xuất như một hộ nông dân cổ truyền của vùng với các cây trồng, vật nuôi truyền thống. Trong nhà lưu giữ các nông cụ và vật dụng cổ truyền như một bảo tàng.

- Nhà bảo tàng phong tục nông thôn: giới thiệu các cách sống, phong tục cổ truyền nông thôn với quần áo, vật dụng gia đình truyền thống dưới hình thức các viện bảo tàng sống. Có thể sản xuất các vật kỷ niệm bán cho khách du lịch.

- Các làng nghề: tổ chức lưu giữ các hoạt động thủ công nghiệp cổ truyền và sản xuất các mặt hàng truyền thống mang tính kỷ niệm.

- Lễ hội nông thôn, DLNT: được tổ chức để đón khách trong các dịp ôn lại văn hoá hằng năm gắn liền hoạt động lễ hội và hoạt động du lịch.

Khái quát lại, mục tiêu chính của DLNT nằm trong mục tiêu của du lịch Việt Nam, đó là khai thác tài nguyên du lịch một cách hiệu quả, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái bền vững; đa dạng hoá kinh tế và mang lại hiệu quả cao; bảo tồn và phát triển văn hoá, bản sắc dân tộc; đồng thời quảng bá thương hiệu đất nước đến với bạn bè quốc tế một cách rộng rãi nhất.

5.4. Kiến nghị

5.4.1. Kiến nghị với Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch

Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch là cơ quan bao quát toàn bộ công tác du lịch, chịu trách nhiệm thực hiện “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” “Quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch Việt Nam đến


năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cần có sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường,… trong việc phát triển nông thôn, quản lý các chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình xóa đói giảm nghèo; Phụ trách lập kế hoạch, điều phối ngân sách; quản lý ngân sách cùng việc quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

5.4.2. Kiến nghị với Tổng Cục du lịch

Tổng Cục du lịch cần quy định và xây dựng tiêu chuẩn dịch vụ du lịch với các nhà vệ sinh công cộng tại các điểm du lịch; Xây dựng phiếu đánh giá cho dịch vụ của homestay; Xây dựng tiêu chuẩn vệ sinh cho dịch vụ ăn uống và chứng nhận hướng dẫn viên địa phương tại các vùng nông thôn. Từ đó, công nhận và xây dựng thương hiệu điểm DLNT với những điểm du lịch đạt các tiêu chuẩn theo quy định.

5.4.3. Kiến nghị với Sở Văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh thành

Sở Văn hóa, thể thao và du lịch cần xây dựng các kế hoạch cho phát triển DLNT, tổ chức các chương trình học tập, thăm quan các điển hình phát triển DLNT ở các địa phương khác nhằm nâng cao thương hiệu điểm du lịch tại địa phương.

Phân bổ kinh phí cần thiết cho các hoạt động tập huấn để phát triển sản phẩm du lịch, trang bị cơ sở hạ tầng củng cố cơ sở đáp ứng nhu cầu du lịch, xây dựng các chương trình quảng bá ra thị trường.

Hỗ trợ chứng nhận kinh doanh cho các dịch vụ du lịch tại khu vực nông thôn như chứng nhận kinh doanh dịch vụ ăn uống, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận đạt tiêu chuẩn homestay, chứng nhận hướng dẫn viên địa phương,…

Xúc tiến liên kết với các công ty lữ hành nhằm quảng bá các điểm DLNT thông qua xây dựng các tour du lịch trọn gói cùng với các điểm du lịch chính trong tỉnh, tour tùy chọn (tour mở) cho khách hàng nhằm kích cầu du lịch.


KẾT LUẬN


Nghiên cứu sự tham gia của người dân trong quản lý phát triển DLNT vùng Đông Bắc Việt Nam thông qua phân tích nội dung, mức độ và ảnh hưởng của các yếu tố đến dự định tham gia trong tương lai của người dân nhằm đề xuất giải pháp phù hợp và có tính khả thi trong những năm tới có ý nghĩa quan trọng cả về mặt lý luận và thực tiễn đối với các tỉnh trong vùng Đông Bắc nói riêng và tầm nhìn chiến lược đến cả vùng nói chung. Theo đó, luận án đã tập trung giải quyết được một số vấn đề như sau:

1. Luận án đã tổng quan được 13 công trình nghiên cứu nước ngoài và 04 công trình nghiên cứu trong nước có liên quan về sự tham gia của người dân trong quản lý phát triển DLNT, tiếp cận theo hướng các vấn đề nghiên cứu. Qua đó, luận án đã chỉ ra được những thành công và hạn chế của các công trình nghiên cứu, đồng thời đã chỉ ra “khoảng trống” như sự hạn chế của các nghiên cứu thưc hiện phân tích sự tham gia của người dân vào quản lý phát triển DLNT; việc nghiên cứu một cách toàn diện về quá trình phát triển DLNT từ lập kế hoạch phát triển DLNT; Xây dựng cơ cấu tổ chức quản lý DLNT; Tổ chức thực hiện các hoạt động DLNT; Xúc tiến & Quảng bá và Kiểm soát DLNT chưa được nhiều tác giả quan tâm và trong tổng số các yếu tố được tổng quan thì yếu tố chính sách Nhà nước được xem là yếu tố mới khi chưa có tác giả nào đề cập trong các nghiên cứu của mình.

2. Luận án đã hoàn thiện một số vấn đề lý luận và thực tiễn về DLNT, sự tham gia của người dân trong quản lý phát triển DLNT và nội dung phát triển DLNT thông qua kết luận từ tổng quan tài liệu nghiên cứu. Luận án cũng chỉ ra được kinh nghiệm tăng cường sự tham gia của người dân trong quản lý phát triển DLNT ở một số quốc gia trên thế giới (Indonesia, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan) và các địa phương ở Việt Nam (Hà Nội, Hải Dương, Tiền Giang). Từ đó, rút ra một số bài học kinh nghiệm cơ bản nhằm tăng cường sự tham gia của người dân tại vùng Đông Bắc Việt Nam.

3. Luận án đã làm rõ phương pháp nghiên cứu, thể hiện qua các nội dung: Xây dựng câu hỏi nghiên cứu, khung phân tích, quy trình nghiên cứu, cách thức thu thập, xử lý và tổng hợp thông tin và phương pháp phân tích thông tin. Đồng thời sử dụng hai phương pháp phân tích định tính (Thảo luận nhóm với đối tượng cán bộ quản lý và người dân) nhằm hiệu chỉnh thang đo các yếu tố ảnh hưởng và phương pháp định lượng (phân tích nhân tố khám phá (EFA)) nhằm chứng minh mức độ ảnh hưởng của


từng yếu tố tới sự tham gia của người dân trong quản lý phát triển DLNT vùng Đông Bắc. Đó là các yếu tố lợi ích có được khi tham gia vào quản lý phát triển DLNT, rào cản khi tham gia vào quản lý phát triển DLNT, quan điểm của người dân về quản lý phát triển DLNT và chính sách của Nhà nước trong quản lý phát triển DLNT.

4. Luận án đã tiến hành phân tích thực trạng phát triển các DLNT tại các tỉnh Đông Bắc theo các khía cạnh về số lượng du khách đến với tỉnh, số lượng cơ sở và doanh thu dịch vụ lưu trú tại tỉnh. Luận án đã thực hiện phân tích nhân tố khám phá và phân tích mô hình hồi quy đa biến, từ đó, lượng hóa được mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến sự tham gia của người trong quản lý phát triển DLNT vùng Đông Bắc là lợi ích có được khi tham gia vào quản lý phát triển DLNT, rào cản khi tham gia vào quản lý phát triển DLNT, quan điểm của người dân về quản lý phát triển DLNT và chính sách của Nhà nước trong quản lý phát triển DLNT. Đồng thời, luận án đã chứng minh được lợi ích có được khi tham gia vào quản lý phát triển DLNT tác động mạnh nhất đến sự tham gia của người dân tại khu vực. Bên cạnh đó, luận án cũng chỉ ra những mặt đạt được, những vấn đề còn tồn tại và nguyên nhân của những hạn chế làm căn cứ để xây dựng giải pháp nhằm tăng cường sự tham gia của người dân vào hoạt động quản lý phát triển DLNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.

5. Trên cơ sở phân tích điều kiện thực tế của tỉnh kết hợp với quan điểm, định hướng phát triển DLNT và kết quả phân tích mô hình SWOT về DLNTvùng Đông Bắc, luận án đề xuất 04 nhóm giải pháp từ mô hình nghiên cứu như hoàn thiện chính sách của Nhà nước; Tăng cường lợi ích của DLNT; Hạn chế những rào cản và nâng cao nhận thức của người dân,07 nhóm giải pháp khác (Tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia quản lý phát triển DLNT; Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người dân; Khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các sản ph m và dịch vụ độc đáo đề cao giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc ở vùng Đông Bắc; Tăng cường thực hiện các chương trình xúc tiến phát triển du lịch; Một số loại hình và hình thức du lịch đặc biệt cần có trong hoạt động DLNT; Phối hợp và liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan, xây dựng cơ chế phân chia lợi ích giữa các chủ thể khi tham gia hoạt động DLNT và hình thành các cụm liên kết phát triển DLNT, tuyến, điểm DLNT tại các tỉnh trong vùng Đông Bắc) cùng 03 nhóm khuyến nghị nhằm tăng cường sự tham gia của người dân trong quản lý phát triển DLNT.


Bên cạnh những thành công, luận án vẫn còn tồn tại một sốhạn chế như mới chỉ nghiên cứu dựa trên 1 khía cạnh từ sự tham gia của riêng người dân tại địa phương. Trong khi các bên liên quan đến DLNT bao gồm các đối tượng khác như chính quyền địa phương, nhà cung ứng dịch vụ du lịch,… Bên cạnh đó, luận án chưa đưa vào phân tích và chứng minh tổng hợp tất cả các yếu tố có ảnh hưởng đến sự tham gia của người dân trong quản lý phát triển DLNT vùng Đông Bắc Việt Nam.Tác giả kỳ vọng hạn chế này sẽ được nghiên cứu ở luận án tiếp theo.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 19/03/2023