Đề Xuất Mô Hình Nghiên Cứu Của Luận Án


kế hoạch tổng thể cho phát triển du lịch bao gồm tất cả các lợi ích của các bên liên quan. Đứng trên quan điểm của người dân địa phương, Howard (1993) cho rằng, việc thực hiện các phương pháp tiếp cận lý thuyết các bên liên quan sẽ tạo cơ hội việc làm tốt hơn, nâng cao chất lượng các cơ sở hạ tầng, dịch vụ, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Ngoài ra, lý thuyết các bên liên quan cũng được Saftic và cộng sự (2011) sử dụng để xác định và phân tích cách tiếp cận của các bên liên quan trong du lịch Croatia, nghiên cứu kết luận rằng việc áp dụng đầy đủ phương pháp tiếp cận của các bên liên quan có thể dẫn đến cải thiện về số lượng và chất lượng cung cấp du lịch tại điểm đến, tăng mức độ tiêu dùng trong du lịch và phát triển du lịch bền vững.

Tóm lại, lý thuyết các bên liên quan đã được nhiều học giả vận dụng trong nghiên cứu về du lịch nói chung và CBT nói riêng. Trong phạm vi nghiên cứu của luận án, tác giả lựa chọn lý thuyết này phục vụ cho việc xác định các bên liên quan đến phát triển CBT của khu vực nghiên cứu, gồm: người dân địa phương, khách du lịch, các cơ quan quản lý chức năng của Nhà nước, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch. Trong đó, người dân địa phương với vai trò là những người cung cấp các sản phẩm du lịch là khách thể chính của nghiên cứu.

2.1.3. Lý thuyết kỳ vọng

Lý thuyết kỳ vọng được học giả Victor Vroom đề cập vào năm 1964, áp dụng vào bối cảnh tạo động lực lao động. Theo Vroom, hành vi và động cơ làm việc của con người được quyết định bởi nhận thức của họ về những kỳ vọng trong tương lai. Người lao động sẽ nỗ lực làm việc nếu họ biết rằng việc làm đó sẽ dẫn tới kết quả tốt hoặc những phần thưởng đối với họ có giá trị cao, khi đó họ sẽ tự quyết định cho mình một nỗ lực để đạt được mục tiêu của tổ chức tùy thuộc vào mức độ kỳ vọng về kết quả (Nguyễn Ngọc Huyền, 2013). Lý thuyết kỳ vọng xoay quanh ba yếu tố chính là kỳ vọng kết quả cộng việc (Expectancy), niềm tin về phần thưởng (Instrumenttality) và sức hấp dẫn của phần thưởng có giá trị (Valence). Vroom đã đưa ra công thức xác định động lực cá nhân thể hiện mối quan hệ giữa ba yếu tố trên là: M = E x I x V.

Trong đó: M (Motivation): Động lực làm việc

E (Expectancy): Kỳ vọng kết quả cộng việc

I (Instrumenttality): Niềm tin về phần thưởng

V (Valence): Sức hấp dẫn của phần thưởng có giá trị

Kỳ vọng (E), được hiểu là niềm tin của người lao động rằng những nỗ lực của họ trong công việc sẽ dẫn đến kết quả tốt. Quan niệm này thể hiện mối quan hệ giữa nỗ lực

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 233 trang tài liệu này.


và kết quả, trong đó 0 < E < 1. E = 0 khi người lao động cho rằng họ không thể đạt được mức thành tích; E = 1 khi họ hoàn toàn chắc chắn có thể đạt được mức thành tích.

Nghiên cứu một số nhân tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch cộng đồng tiểu vùng Tây Bắc - 8

Niềm tin về phần thưởng (I), được hiểu là cảm giác của người lao động rằng nếu họ đạt được những mục tiêu đã đề ra cho công việc thì họ sẽ nhận được phần thưởng nào đó. Quan niệm này thể hiện mối quan hệ giữa kết quả và phần thưởng và chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như sự rõ ràng trong mối liên kết giữa hiệu quả làm việc với phần thưởng người lao động được nhận; tin tưởng vào sự công bằng của người có quyền quyết định thưởng/phạt; tin tưởng vào tính minh bạch trong quyết định thưởng/phạt. I có thể dao động từ 1 (hoàn toàn chắc chắn về quan hệ giữa thành tích và phần thưởng) đến 0 (không có cơ hội được nhận phần thưởng mong ước khi có kết quả).

Sức hấp dẫn của phần thưởng có giá trị (V), được hiểu là sức hấp dẫn mà người lao động gán cho giá trị phần thưởng mà họ nhận được, qua đó họ được thúc đẩy hoạt động nhiệt tình, năng nổ hơn để đạt được mục tiêu trong công việc. Điều này thể hiện mối quan hệ giữa phần thưởng và mục tiêu cá nhân, nó chịu tác động của một số yếu tố như sự nỗ lực khuyến khích làm việc; hiệu quả công việc đạt được tương xứng với phần thưởng nhận được; sự quan tâm đến những kết quả/phần thưởng mà cá nhân nhận được. V có thể dao động từ -1 (kết quả hoàn toàn không mong muốn) đến +1 (kết quả hoàn toàn như mong muốn).

Lý thuyết kỳ vọng của Vroom sau đó được sửa đổi, bổ sung bởi một số học giả như Porter & Lawler (1968), Witt & Wright (1992). Trong đó, Porter & Lawler (1968) tiếp tục phát triển lý thuyết kỳ vọng của Vroom trong quá trình hình thành và thúc đẩy động lực làm việc của người lao động, gồm bốn yếu tố cơ bản là động viên; nỗ lực; hiệu quả và khen thưởng.

Trong lĩnh vực du lịch, lý thuyết kỳ vọng được Witt và Wright (1992) vận dụng để đánh giá kỳ vọng về động lực đi du lịch của khách du lịch. Nghiên cứu nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa động lực, sở thích và sự lựa chọn. Các học giả đề xuất một mô hình kỳ vọng về sở thích và sự lựa chọn kỳ nghỉ của du khách, trong đó kết hợp nhu cầu, tính hấp dẫn của các thuộc tính kỳ nghỉ, các ngày lễ khác nhau và các yếu tố ảnh hưởng đến kiến thức về đặc điểm của kỳ nghỉ; các yếu tố hạn chế như chi phí, sở thích, kỳ vọng của ngày lễ… Tất cả bị ảnh hưởng bởi các nguồn thông tin khác nhau như quảng cáo, sách hướng dẫn, kinh nghiệm đi du lịch của cá nhân khách du lịch và những người khác.

Kế thừa kết quả nghiên cứu của Witt & Wright (1992), tác giả sử dụng lý thuyết kỳ vọng trong nghiên cứu, phục vụ cho việc tìm hiểu kỳ vọng của các bên tham gia hoạt động CBT, trong đó tập trung chủ yếu đến nhận thức của người dân địa phương (với vai


trò là người cung cấp các sản phẩm CBT). Dựa theo lý thuyết kỳ vọng, người dân địa phương sẽ có động lực tham gia hoạt động CBT khi họ nhận thức được mối quan hệ của ba yếu tố (E x I x V) là tích cực. Nói cách khác, người dân tin rằng những nỗ lực của họ khi tham gia hoạt động CBT sẽ đem lại cho họ mức thu nhập cao hơn so với hiện tại, các vấn đề liên quan đến việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa, phong tục tập quán truyền thống, đồng thời nâng cao ý thức của cộng đồng trong bảo vệ môi trường sống, thỏa mãn nhu cầu khách du lịch đến thăm. Đây chính là những phần thưởng có ý nghĩa và phù hợp với mục tiêu của phát triển CBT cũng như cộng đồng địa phương.

Ngoài ra, việc vận dụng lý thuyết kỳ vọng trong nghiên cứu nhằm tìm hiểu những kỳ vọng của khách du lịch trước khi lựa chọn một điểm đến CBT (ví dụ họ kỳ vọng sẽ được thỏa mãn tối đa những nhu cầu bản thân như được chiêm ngưỡng cảnh quan tự nhiên vẫn giữ được vẻ hoang sơ, những giá trị văn hóa, phong tục tập quán, kiến trúc truyền thống vẫn còn nguyên bản hay được sống và sinh hoạt, trải nghiệm các hoạt động lao động hàng ngày của người dân địa phương…). Kết hợp những kỳ vọng của người dân địa phương và khách CBT sẽ chỉ rõ vậy để phát triển CBT thì các bên liên quan cần nhận thức được mối quan hệ giữa nỗ lực với kết quả đạt được; kết quả với phần thưởng và phần thưởng phải đáp ứng được nhu cầu của các bên. Lý thuyết kỳ vọng gợi ý cho người dân địa phương cũng như các bên liên quan trong phát triển CBT cần quan tâm, tạo môi trường phát triển CBT, có sự hỗ trợ, hợp tác của các bên liên quan, nâng cao kỹ năng và kiến thức về du lịch của người dân địa phương, từ đó họ tin tưởng hơn vào những nỗ lực của họ sẽ dẫn đến kết quả và phần thưởng như mong muốn.

2.2. Đề xuất mô hình và các giả thuyết nghiên cứu

2.2.1. Đề xuất mô hình nghiên cứu của luận án

Từ kết quả tổng quan nghiên cứu và lựa chọn cơ sở lý thuyết cho nghiên cứu, tác giả tổng hợp một số chỉ tiêu đánh giá phát triển CBT cũng như các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển CBT như sau:

- Đối với các chỉ tiêu đánh giá phát triển CBT gồm 4 chỉ tiêu về kinh tế, văn hóa

- xã hội, môi trường, đáp ứng nhu cầu khách du lịch;

- Đối với các nhân tố ảnh hưởng đển phát triển CBT, mô hình ban đầu đề xuất 8 nhân tố gồm: sức hấp dẫn của điểm du lịch; khả năng tiếp cận điểm du lịch; tính tiện nghi của điểm đến du lịch; sự tham gia của người dân địa phương; kiến thức và kỹ năng về du lịch của người dân địa phương; lãnh đạo cộng đồng; sự hỗ trợ của các tổ chức trong cộng đồng; hợp tác và hỗ trợ từ bên ngoài cộng đồng.


Một bảng phỏng vấn được thiết kế để tham vấn ý kiến của các chuyên gia về các chỉ tiêu đánh giá phát triển CBT và các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển CBT tại tiểu vùng Tây Bắc. Kỹ thuật phỏng vấn sâu được thực hiện để tìm hiểu quan điểm, ý kiến của các chuyên gia về sự phù hợp của từng chỉ tiêu cũng như nhân tố này với bối cảnh nghiên cứu. Tổng hợp ý kiến để đi đến thống nhất giữ lại những nhân tố và các chỉ tiêu đo lường sự phát triển CBT phù hợp nhất với đặc thù và bối cảnh nghiên cứu của tiểu vùng Tây Bắc Việt Nam, đồng thời gợi ý bổ sung thêm biến cho nghiên cứu như sau:

Thứ nhất, đối với các chỉ tiêu đánh giá sự phát triển CBT: Các chuyên gia đều đồng ý việc đánh giá phát triển CBT là sự kết hợp hợp lý giữa ba khía cạnh theo quan điểm của phát triển bền vững (kinh tế; văn hóa - xã hội và môi trường). Tuy nhiên, cần phải lượng hóa được từng chỉ tiêu thể hiện được quá trình biến đổi về lượng (như sự tăng thêm về thu nhập của người dân địa phương từ hoạt động kinh doanh du lịch…) và sự thay đổi về chất (như sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành du lịch trong cộng đồng; quá trình thay đổi cấu trúc bên trong các vấn đề kinh tế - xã hội của cộng đồng…). Đồng thời kiểm soát được việc khai thác, sử dụng các nguồn lực tài nguyên du lịch cũng như vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, nước thải trong thôn bản.

Ngoài ra, đối với tiểu vùng Tây Bắc, các chuyên gia cho rằng cần xem xét đánh giá thêm tiêu chí về mức độ thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch. Thực tế cho thấy rất nhiều điểm CBT của tiểu vùng Tây Bắc hoạt động mang tính tự phát, sự hiểu biết của người dân về du lịch còn hạn chế, thêm vào đó cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho du lịch còn nghèo nàn, chưa đảm bảo tiêu chuẩn; sản phẩm du lịch tại các điểm na ná giống nhau, chưa tạo ra sự khác biệt rõ nét, do đó đang mất dần tính hấp dẫn đối với khách du lịch đến thăm.

Tóm lại, qua tham khảo ý kiến chuyên gia, 4 biến số đánh giá phát triển CBT được đưa vào mô hình nghiên cứu là kinh tế, văn hóa - xã hội, môi trường và nhu cầu của khách du lịch được thỏa mãn. Cách tiếp cận này trùng với quan điểm phát triển du lịch bền vững của UNEP (1999), UNWTO (2004), chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Tổng cục Du lịch Việt Nam, cũng như Quyết định Phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ (2020) và nghiên cứu của một số học giả đã đề cập trong tổng quan nghiên cứu. Các chuyên gia nhất trí cách tiếp cận về quan điểm phát triển CBT của luận án đã đề cập trong mục 1.2.2 và thông nhất đặt tên của biến là “Phát triển CBT tiểu vùng Tây Bắc, Việt Nam”.


Thứ hai, đối với các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển CBT

+) Nhân tố sức hấp dẫn của điểm du lịch: Tiểu vùng Tây Bắc là nơi có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nói chung và loại hình CBT nói riêng, cũng như lợi thế về sức hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế do sở hữu những tài nguyên du lịch tự nhiên (như cấu trúc địa hình đồi núi, cao nguyên, các hang động, thời tiết, khí hậu, hệ thống sông ngòi, thác ghềnh…) và tài nguyên du lịch văn hóa, lịch sử (phong tục tập quán, lễ hội truyền thống độc đáo của 22 dân tộc thiểu số, nhiều di tích lịch sử cấp tỉnh và quốc gia có giá trị…). Vì vậy, nhân tố này được các chuyên gia cho rằng cần đánh giá mức độ ảnh hưởng của nó đến phát triển CBT và thống nhất tên gọi là “Sức hấp dẫn của điểm CBT”. Đồng thời, các chuyên gia đề xuất nên nhóm hai biến số là “Điểm tham quan văn hóa” và “Di tích lịch sử” thành một biến số là “Điểm tham quan văn hóa - lịch sử”. Như vậy, trong nghiên cứu nhân tố này được đo lường bởi ba biến số là: Điểm tham quan tự nhiên; Điểm tham quan văn hóa - lịch sử và Các hoạt động du lịch, giải trí.

+) Nhân tố khả năng tiếp cận điểm đến du lịch: Một điểm đến du lịch có sức hấp dẫn, tuy nhiên sẽ có thể gặp phải những khó khăn nhất định trong thu hút khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm nếu hạ tầng giao thông (đường xá, phương tiện vận chuyển…) không thuận tiện cho khách du lịch di chuyển đến. Thực tế tại tiểu vùng Tây Bắc có cấu trúc địa chất phức tạp, phần lớn lãnh thổ là núi cao, dốc lớn, xen kẽ là các sông, suối và thung lũng hẹp nên giao thông đi lại giữa các địa phương trong vùng cũng như các vùng khác gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đối với hoạt động kinh doanh CBT thì đây có thể sẽ là một lợi thế để phát triển, thu hút khách du lịch đến thăm và trải nghiệm. Do vậy, các chuyên gia cho rằng nên đưa nhân tố này vào mô hình nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của nó đến phát triển CBT tiểu vùng Tây Bắc và thống nhất tên gọi nhân tố là “Khả năng tiếp cận điểm CBT”, cũng như cách hiểu đối với nhân tố này là khả năng di chuyển đến điểm CBT và việc di chuyển giữa các điểm trong khu vực CBT.

+) Nhân tố tính tiện nghi của điểm đến du lịch: Ý kiến của các chuyên gia cho rằng đây là một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến phát triển CBT cũng như mức độ hài lòng của khách du lịch trong suốt thời gian lưu trú tại điểm đến. Có chuyên gia cho rằng, đối với hoạt động kinh doanh CBT cần giữ nguyên hiện trạng cơ sở hạ tầng và dịch vụ của điểm đến, bởi vì khách tham gia CBT thường là những người thích sống và trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cùng với người dân địa phương. Họ thích thực hiện những chuyến đi để thỏa mãn cảm giác hoài cổ về sự đơn giản; để được sống và hưởng thụ những giá trị nguyên bản của người dân bản địa, họ sẽ chấp


nhận những cơ sở hạ tầng mang tính cơ bản, có sẵn tại các bản làng họ đến thăm. Tuy nhiên, ý kiến của một số chuyên gia khác lại cho rằng, bên cạnh việc bảo tồn, giữ gìn những giá trị nguyên bản truyền thống của người dân bản địa thì cần thiết phải có cơ sở hạ tầng và những dịch vụ cơ bản đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, cũng như những thông tin cần thiết để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch khi họ xa nhà như: chỗ ở; khu nhà vệ sinh, điểm mua sắm, các dịch vụ y tế, viễn thông… Do vậy, thuật ngữ “tính tiện nghi của điểm đến du lịch” là một phạm trù khá rộng, ám chỉ nhiều dịch vụ và cơ sở vật chất đáp ứng các nhu cầu khác nhau của khách du lịch, trong khi với hoạt động kinh doanh CBT thì chỉ là những nhu cầu cơ bản. Nên các chuyên gia đã thống nhất tên gọi nhân tố là “Cơ sở hạ tầng và dịch vụ của điểm CBT” để chỉ các yếu tố dịch vụ và cơ sở vật chất gắn liền với điểm đến CBT, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch dễ dàng tiếp cận, tham gia vào điểm đến.

+) Nhân tố sự tham gia của người dân địa phương: Đối với loại hình CBT, sự tham gia của người dân địa phương ở tất cả các giai đoạn của sự phát triển, từ lập kế hoạch, tổ chức, triển khai thực hiện, đến kiểm tra giám sát có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển du lịch, góp phần để CBT phát triển thành công. Theo các chuyên gia, sự tham gia của người dân địa phương trong phát triển CBT tại tiểu vùng Tây Bắc bên cạnh những đặc điểm tương đồng như người dân ở các vùng miền, địa phương khác, còn gặp những khó khăn, hạn chế nhất định như khác biệt về vị trí địa lý, khả năng tiếp cận các nguồn thông tin, khoa học kỹ thuật, nhận biết cơ hội thị trường…. Tuy nhiên, nghiên cứu của Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (2016) về sự tham gia của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch miền núi: Nghiên cứu điển hình tại Sa Pa, Lào Cai (thuộc vùng Tây Bắc Việt nam) đã chỉ ra ngay cả khi người dân địa phương nhận thức được du lịch đem lại tác động tích cực (chất lượng cuộc sống được nâng lên, các hoạt động thương mại – văn hóa được phát triển) hay tiêu cực (ô nhiễm môi trường) thì họ vẫn sẵn sàng tham gia các hoạt động du lịch trong tương lai. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, đối với nhân tố này đã có nghiên cứu đánh giá, không cần thiết đưa vào nghiên cứu định lượng, mà nên sử dụng trong giai đoạn nghiên cứu định tính, giúp khám phá thêm những thông tin mới cho các nhân tố, biến số và thước đo khác ảnh hưởng đến phát triển CBT tại tiểu vùng Tây Bắc trong quá trình đánh giá. Chính vì vậy, nhân tố sự tham gia của người dân địa phương không được đưa vào mô hình nghiên cứu.

+) Nhân tố kiến thức và kỹ năng về du lịch của người dân địa phương: Để phát triển CBT, ngoài những tài nguyên du lịch (bao gồm cả tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa) sẵn có trong cộng đồng thì người dân địa phương cần có thêm kiến thức, kỹ năng về kinh doanh nói chung và kinh doanh du lịch nói riêng. Các chuyên


gia cho rằng, đây là một trong những nhân tố quan trọng hỗ trợ cho phát triển cộng đồng, cần đưa vào mô hình nghiên cứu để đánh giá mức độ ảnh hưởng của nó đối với phát triển CBT tại tiểu vùng Tây Bắc. Theo ý kiến chuyên gia, trong những năm qua, cùng với sự phát triển của du lịch nói chung, loại hình CBT ở tiểu vùng Tây Bắc cũng phát triển khá mạnh. Tuy nhiên, số lượng khách đến các điểm CBT chưa tương xứng với tiềm năng của nó, mặc dù có rất nhiều lợi thế về tài nguyên du lịch, vậy nguyên nhân là do đâu? Do vậy, các chuyên gia đồng ý đề xuất bên cạnh việc đánh giá về sức hấp dẫn của điểm đến CBT thì cần tìm hiểu, đánh giá mức độ ảnh hưởng của nhân tố kiến thức và kỹ năng về du lịch của người dân địa phương đến phát triển CBT tiểu vùng Tây Bắc. Đồng thời các chuyên gia cùng đồng ý giữ nguyên tên gọi của nhân tố là “Kiến thức và kỹ năng về du lịch của người dân địa phương”.

+) Nhân tố lãnh đạo cộng đồng: Các chuyên gia đồng ý với quan điểm của các nghiên cứu trước đây cho rằng vai trò quan trọng của lãnh đạo cộng đồng địa phương (trưởng bản, trưởng thôn…) trong phát triển CBT. Họ thường là những người có tiếng nói, uy tín trong cộng đồng, được người dân tin tưởng, lắng nghe, đồng thời là những người đại diện cho cộng đồng thể hiện quan điểm, tiếng nói cũng như là đầu mối kết nối người dân địa phương với các bên liên quan khác bên ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lãnh đạo cộng đồng tại tiểu vùng Tây Bắc cũng thực hiện những vai trò, chức năng tương tự như lãnh đạo cộng đồng ở các địa phương khác, không phải là nhân tố mang tính đặc trưng ảnh hưởng đến phát triển CBT của tiểu vùng Tây Bắc. Do vậy, các chuyên gia gợi ý không đưa nhân tố này vào mô hình nghiên cứu mà sử dụng trong nghiên cứu định tính thông qua các cuộc phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm, giúp cho việc khám phá, điều chỉnh và bổ sung các biến số, thước đo cho các nhân tố khác của mô hình trong quá trình thực hiện nghiên cứu.

+) Nhân tố sự hỗ trợ của các tổ chức trong cộng đồng: Về bản chất, các tổ chức trong cộng đồng là những nhóm nhỏ trong cộng đồng, được tổ chức theo từng nhóm đối tượng tham gia chính thức hoặc không chính thức như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ… đây cũng được xem là một trong những nhân tố giữ vai trò quan trọng, đi đầu trong thực hiện các dự án CBT, quy tụ các thành viên của cộng đồng tham gia chia sẻ các nguồn lực để phát triển CBT. Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, cung giống như hai nhân tố là sự tham gia của người dân địa phương và lãnh đạo cộng đồng, nhân tố sự hỗ trợ của các tổ chức trong cộng đồng không phải là nhân tố mang tính đặc trưng ảnh hưởng đến phát triển CBT của tiểu vùng Tây Bắc. Các chuyên gia gợi ý nên sử dụng nhân tố này trong nghiên cứu định tính để giúp cho việc khám phá, điều chỉnh và bổ sung các biến số, thước đo khác trong mô hình.


+) Nhân tố hợp tác và hỗ trợ từ bên ngoài cộng đồng: Theo ý kiến của các chuyên gia thì nên đưa nhân tố này vào mô hình nghiên cưu, bởi vì để phát triển CBT thành công, nâng cao được năng lực, nhận thức, kiến thức và các kỹ năng kinh doanh của người dân địa phương, thì cộng đồng địa phương cần thiết phải có những hợp tác và hỗ trợ từ bên ngoài để huy động nguồn ngân sách; được tư vấn, hỗ trợ kinh doanh; xúc tiến các chương trình đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng kinh doanh; được giúp đỡ trong quảng bá, xúc tiến du lịch…

Theo ý kiến của các chuyên gia, sự hợp tác và hỗ trợ từ bên ngoài cộng đồng đối với phát triển CBT tại tiểu vùng Tây Bắc trong những năm qua chủ yếu từ ba tổ chức là chính quyền địa phương; các tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Tuy nhiên, do tính đặc thù về nhận thức, quan điểm của người dân địa phương và cách thức hợp tác, hỗ trợ của mỗi tổ chức là khác nhau, nên hiệu quả đem lại cho cộng đồng trong phát triển CBT không giống nhau. Do đó, các chuyên gia gợi ý không nên đánh giá chung về mức độ ảnh hưởng của nhân tố hợp tác và hỗ trợ từ bên ngoài cộng đồng đối với phát triển CBT mà cần tách riêng từng đối tượng để so sánh xem tổ chức nào giữ vai trò quan trọng hơn trong hợp tác, hỗ trợ phát triển CBT của tiểu vùng Tây Bắc. Các chuyên gia cũng nhất trí tên của nhân tố là “Hợp tác và hỗ trợ từ bên ngoài cộng đồng”.

Thứ ba, bổ sung thêm nhân tố cho nghiên cứu

Theo ý kiến của các chuyên gia, mô hình lý thuyết được hình thành dựa trên việc xác định các nhân tố được cho là có thể tác động ảnh hưởng đến phát triển CBT tại khu vực nghiên cứu. Do vậy, ngoài những nhân tố đã đề cập ở trên, các chuyên gia gợi ý việc đưa thêm biến kiểm soát vào mô hình nghiên cứu, theo đó mô hình nghiên cứu một số nhân tố ảnh hưởng đến phát triển CBT tại tiểu vùng Tây Bắc Việt Nam được giả định là tồn tại khi kiểm soát sự tác động của một số nhân tố liên quan đến đặc điểm nhân khẩu của đối tượng nghiên cứu như: giới tính; độ tuổi; dân tộc; trình độ học vấn; tình trạng hôn nhân; thu nhập trung bình/tháng; vai trò tham gia trong hoạt động CBT cũng như thời gian tham gia hoạt động CBT.

Dựa trên kết quả của một số nghiên cứu trước đây cho thấy, đặc điểm nhân khẩu cũng được các học giả (Andereck và cộng sự, 2005; Aref, F, 2010; Moscardo, 2011; Tasci và cộng sự, 2013…) sử dụng trong phân tích thống kê liên quan đến CBT. Do vậy, biến kiểm soát được tác giả bổ sung thêm vào mô hình nghiên cứu, các chuyên gia cũng thống nhất tên gọi của biến là “Đặc điểm nhân khẩu”.

Sau khi tham khảo ý kiến chuyên gia về các chỉ tiêu đánh giá phát triển CBT và các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển CBT tại tiểu vùng Tây Bắc, tác giả tổng hợp các hiệu chỉnh, bổ sung và thay đổi trong bảng 2.2 như sau:

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 06/03/2023