Nghiên cứu các chức năng hệ sinh thái đất ngập nước Hồ Tây và những ảnh hưởng của phát triển đô thị tới các chức năng đó - 2

nhất là các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn, ngập lụt, nắng nóng,… . Bởi vậy, việc “Nghiên cứu các chức năng hệ sinh thái ĐNN Hồ Tây và những ảnh hưởng của phát triển đô thị tới các chức năng đó” để nhận thức được tầm quan trọng và có thể đưa ra biện pháp nhằm duy trì, bảo vệ tính đa dạng sinh học trong hệ sinh thái hồ, bảo đảm chất lượng môi trường hồ ở mọi khía cạnh trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội là việc làm hết sức quan trọng và cấp thiết.


2. Mục tiêu nghiên cứu

Đề tài tập trung nghiên cứu vào các mục tiêu sau:


- Xác định hiện trạng các chức năng của hệ sinh thái ĐNN Hồ Tây.


- Xác định các đặc trưng của phát triển đô thị tại khu vực quận Tây Hồ.


- Nghiên cứu cứu những ảnh hưởng của các hoạt động phát triển đô thị tới các chức năng, từ đó đề xuất các giải pháp để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực, phát huy những mặt tích cực để việc sử dụng, khai thác Hồ Tây được hiệu quả và bền vững.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 113 trang tài liệu này.


3. Phạm vi nghiên cứu

Nghiên cứu các chức năng hệ sinh thái đất ngập nước Hồ Tây và những ảnh hưởng của phát triển đô thị tới các chức năng đó - 2

- Phạm vi về không gian: Đề tài nghiên cứu tại khu vực Hồ Tây và quận Tây Hồ - là khu vực có vị trí và vai trò quan trọng của thành phố Hà Nội, trong đó đề tài tập trung vào Hồ Tây và khu vực xung quanh Hồ Tây.

- Phạm vi về chuyên môn: Đề tài tập trung nghiên cứu đến các khía cạnh sau:


(1) ĐNN đô thị và các chức năng của chúng;


(2) Tác động/ ảnh hưởng của phát triển đô thị lên các chức năng của ĐNN.

CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU‌‌

1.1. Các khái niệm

1.1.1. Hệ sinh thái đất ngập nước


Định nghĩa ĐNN: Có nhiều định nghĩa về ĐNN, có thể kể vài định nghĩa tại một số quốc gia như sau:

(1) Theo định nghĩa của Cơ quan Thủy sản và Động vật Hoang dã của Hoa Kỳ: “ĐNN là những đất chuyển tiếp giữa hệ trên cạn và hệ thủy sinh. Ở đó, mực nước ngầm thường gần với mặt đất hay đất bao phủ bởi lớp nước nông… ĐNN phải có một hay một số trong 3 thuộc tính sau đây: (1) ít nhất định kỳ đất phải hỗ trợ thực vật thủy sinh chiếm ưu thế; (2) nền đáy phải là đất luôn ẩm ướt; và

(3) nền đáy không phải là đất thông thường và bão hòa nước hoặc bị bao phủ bởi nước nông trong thời gian sinh trưởng của mỗi năm” (Corwardin và nnk, 1979, trong Lê Diên Dực và Hoàng Văn Thắng, 2012).

(2) Theo các nhà khoa học Canada: “ĐNN là đất bão hòa nước trong thời gian dài đủ để hỗ trợ cho các quá trình thủy sinh. Đó là những nơi khó tiêu thoát nước, có thực vật thủy sinh và các hoạt động sinh học thích hợp với môi trường ẩm ướt” (Lê Văn Khoa, Nguyễn Cử, Trần Thiện Cường, Nguyễn Xuân Huân, 2008).

(3) Theo các nhà khoa học New Zealand: “ĐNN là một khái niệm chung để chỉ những vùng đất ẩm ướt từng thời kỳ hoặc thường xuyên,. Những vùng ngập nước ở mức cạn và những vùng chuyển tiếp giữa đất và nước. Nước có thể là nước ngọt, nước lợ hoặc nước mặn. ĐNN ở trạng thái tự nhiên hoặc đặc trưng bởi các loại thực vật và động vật thích hợp với điều kiện sống ẩm ướt” (Lê Văn Khoa, Nguyễn Cử, Trần Thiện Cường, Nguyễn Xuân Huân, 2008).

(4) Theo các nhà khoa học Úc: “ ĐNN là những vùng đầm lầy, bãi lầy than bùn, tự nhiên hoặc nhân tạo, theo mùa hoặc theo chu kỳ, nước tĩnh hoặc nước chảy, nước ngọt, nước lợ hoặc nước mặn, bao gồm cả những bãi lầy và những khu rừng ngập mặn lộ ra khi thủy triều thấp” (Lê Văn Khoa, Nguyễn Cử, Trần Thiện Cường, Nguyễn Xuân Huân, 2008).

(5) Theo Công ước Ramsar, 1971: Đất ngập nước được định nghĩa như sau: “ĐNN được coi là những vùng đầm lầy, đầm lầy than bùn, những vực nước, bất kể là tự nhiên hay nhân tạo, những vùng ngập nước tạm thời hay thường xuyên, những vực nước đứng hay chảy, là nước ngọt, nước lợ hay nước mặn kể cả những vực nước biển có độ sâu không quá 6m khi triều thấp” (Lê Diên Dực, Hoàng Văn Thắng, 2012).

ĐNN rất đa dạng, có mặt khắp mọi nơi và là cấu thành quan trọng của các cảnh quan trên mọi miền của thế giới. Hàng thế kỷ nay, con người và các nền văn hoá nhân loại được hình thành và phát triển dọc theo các triền sông hoặc ngay trên các vùng ĐNN. ĐNN đã và đang bị suy thoái và mất đi ở mức báo động, mặc dù ngày nay người ta đã nhận biết được các chức năng và giá trị to lớn của chúng. Các nhà khoa học về ĐNN đã xác định được những điểm chung của ĐNN thuộc các loại hình khác nhau, đó là chúng đều có nước nông hoặc đất bão hoà nước, tồn trữ các chất hữu cơ thực vật phân huỷ chậm, và nuôi dưỡng rất nhiều loài động vật, thực vật thích ứng với điều kiện bão hoà nước (Hoàng Văn Thắng, Lê Diên Dực, 2006).


Hình 1.1. Đất ngập nước thường tồn tại tại những nơi chuyển tiếp giữa HST trên cạn và HST thủy sinh thường xuyên

Nguồn: Lê Diên Dực, Hoàng Văn Thắng, 2012

ĐNN có vai trò rất quan trọng đối với đời sống của các cộng đồng dân cư, kể cả

dân cư sinh sống tại các đô thị. Hiện nay, khoảng 70% dân số thế giới sống ở các vùng cửa sông ven biển và xung quanh các thuỷ vực nước ngọt nội địa (Dugan, 1990). Đất ngập nước còn là nơi sinh sống của một số lượng lớn các loài động vật và thực vật, trong đó có nhiều loài quí hiếm (Hoàng Văn Thắng, Lê Diên Dực, 2006).

Các loại hình ĐNN Hà Nội: ĐNN Hà Nội có thể chia thành 9 loại hình chính như sau:

- Đất ngập nước nội địa:

1. M) Sông, suối có nước chảy thường xuyên.


2. O) Hồ nước ngọt ngập thường xuyên (trên 8ha).


3. Tp) Ao, hồ nước ngọt ngập thường xuyên (dưới 8ha).


- Đất ngập nước nhân tạo:

4. 1) Ao nuôi thuỷ sản (tôm, cá, nhuyễn thể).


5. 2) Ao, đầm (nhỏ hơn 8ha).


6. 3) Các hồ chứa nước.


7. 4) Đất nông nghiệp ngập lụt theo mùa.


8. 5) Các hồ xử lý nước thải.


9. 6) Kênh, mương thoát nước.


Các chức năng/ giá trị của ĐNN:

(1) Theo Wiliam J.Mistch và James Gosseling (1986): Các chức năng của ĐNN gồm:

(1) Chức năng cải thiện chất lượng nước.


(2) Chức năng dự trữ ngập lụt.


(3) Là sinh cảnh cho cá và động vật hoang dã,


(4) Chức năng thẩm mỹ và năng suất sinh học.


(2) Theo Hoàng Văn Thắng và Lê Diên Dực (2012): Chức năng của hệ sinh thái được xem xét tới các yếu tố bao gồm:

(1) Năng suất sơ cấp.


(2) Sự phân hủy và sự tiêu thụ.


(3) Xuất khẩu chất hữu cơ.


(4) Dòng năng lượng, và


(5) Quỹ dinh dưỡng (đối với HST đầm lầy nước mặn).


Trên cơ sở 5 yếu tố trên và tùy theo mỗi loại hình hệ sinh thái (HST ĐNN ven biển và HST ĐNN nội địa) mà mỗi loại hình HST sẽ có những chức năng khác nhau.

(3) Theo Lê Văn Khoa, 2008: Các chức năng ĐNN có thể được chia thành các nhóm sau:

Nhóm chức năng sinh thái: Bao gồm chức các chức năng

- Chức năng nạp nước ngầm.


- Chức năng hạn chế ảnh hưởng lũ lụt.


- Chức năng ổn định vị khí hậu.


- Chức năng chống sóng, bão, ổn định bờ biển và chống xói mòn.


- Chức năng xử lý nước, giữ lại chất cặn, độc.


- Chức năng giữ lại chất dinh dưỡng.


- Chức năng sản xuất sinh khối.


- Chức năng giao thông thủy.


- chức năng giải trí, du lịch.


Nhóm các chức năng kinh tế: Bao gồm các chức năng sau

- Chức năng cung cấp các giá trị về tài nguyên rừng, cung cấp thủy sản, tài nguyên cỏ và tảo biển.

- Chức năng cung cấp các sản phẩm về nông nghiệp.


- Cung cấp nước ngọt và tiềm năng về năng lượng.


Về các giá trị đa dạng sinh học: ĐNN là nơi cư trú cho nhiều loài động vật

hoang dã đặc biệt là các loài chim nước trong đó có các loài chim di trú; ngoài ra giá trị đa dạng sinh học còn bao gồm giá trị văn hóa, du lịch sinh thái, tri thức bản địa, … .

(4). Theo mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, 2005: Đánh giá thiên niên kỷ HST có các dịch vụ/chức năng và các mối quan hệ tới các thành tố của phúc lợi xã hội như sau (hình 1.2).

Dịch vụ cung cấp: Cung cấp lương thực – thực phẩm; cung cấp nước sạch, gỗ, sợi, củi đốt, khoáng sản và tài nguyên di truyền.

Dịch vụ điều tiết: Điều tiết khí hậu, lũ lụt, thiên tai và lọc sạch nguồn nước.


Dịch vụ văn hóa: Giá trị thẩm mỹ, tinh thần, về giáo dục và nghỉ dưỡng.


Dịch vụ hỗ trợ: Gồm chu trình dinh dưỡng, hình thành đất và sản phẩm sơ cấp.



Hình 1.2. Mối liên quan giữa các dịch vụ HST với các thành tố của cuộc sống thịnh vượng

Nguồn: Trương Quang Học, 2011 Với việc xem xét và đánh giá dịch vụ hệ sinh thái gồm 4 yếu tố nêu trên. Đây là cách đánh giá đầy đủ, khoa học và đã được công nhận, sử dụng rộng rãi trong các nghiên cứu trên thế giới.

1.1.2. Phát triển đô thị

Phát triển đô thị mà điển hình là đô thị hóa có thể được hiểu như sau:

(1) Là sự tập trung của dân số.


(2) Là quá trình lan tỏa của văn hóa đô thị tới vùng nông thôn.


(3) Là quá trình di dân vào thành phố và hội nhập theo phong cách sống của thành phố.

(4) Là quá trình mà tỷ lệ người sống ở các khu đô thị ngày càng tăng.


(5) Là quá trình phát triển các khu đô thị… .


Tuy có nhiều các cách hiểu về phát triển đô thị và đô thị hóa nhưng ta có thể thống nhất với định nghĩa sau: “Đô thị hóa là quá trình tập trung dân số vào các đô thị, là sự hình thành nhanh chóng các điểm dân cư đô thị trên cơ sở phát triển sản xuất và đời sống”. (Nguyễn Thế Bá, 1999 trong Phan Thị Hương Linh, 2008).

Những yếu tố thể hiện sự đô thị hóa:

(1) Tăng trưởng dân số đô thị: Là sự gia tăng dân số tại các thành phố. Nguyên nhân của sự tăng trưởng dân số đô thị là sự tăng tự nhiện, sự di dân cơ học và sự thay đổi nhận thức về quy định phân loại dân số.

(2) Sự phát triển đô thị: Là sự phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội, không gian đất đai cũng như môi trường đô thị.

Như vậy, quá trình đô thị hóa diễn ra là quá trình hình thành các yếu tố thúc đẩy xã hội phát triển, các yếu tố đó bao gồm:

(1) Dân số đô thị tăng lên, các hoạt động, sinh sống của người dân chuyển sang lối sống công nghiệp ở thành thị.

(2) Tỷ lệ phi nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và dịch vụ tăng lên.


(3) Đô thị hóa tạo ra động lục phát triển và tăng GDP.


(4) Quá trình đô thị hóa là quá trình nền văn minh đô thị được xác lập ngay trong lòng cộng đồng dân cư đô thị (Nguyễn Thị Thanh Hải, 2008).


1.2. Các nghiên cứu về ĐNN và phát triển đô thị trên thế giới

Loài người, trong quá trình phát triển của mình có mối liên hệ rất chặt chẽ với

các vùng đất ngập nước vì ĐNN là nơi cung cấp các điều kiện về lương thực, thực phẩm, môi trường sống và nhiều lợi ích khác. ĐNN đô thị có thể được hiểu là những vùng đất ngập nước nằm trong phạm vi khu vực các đô thị, nơi có các hoạt động kinh tế xã hội đặc trưng của các loại hình đô thị.

Phát triển đô thị (mà điển hình là quá trình đô thị hóa) là một quá trình diễn thế tất yếu trong lịch sử phát triển của loài người. Đặc biệt, cùng với quá trình công nghiệp hóa, sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật đã đẩy quá trình đô thị hóa trên thế giới nói chung diễn ra nhanh chóng. Đô thị hóa không chỉ là sự phát triển đô thị về quy mô, số lượng dân cư, mà còn gắn liền với những biến đổi kinh tế - xã hội ở đô thị trên cơ sở phát triển công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, dịch vụ… . Những yếu tố thể hiện của phát triển đô thị là sự tăng dân số, sự phát triển về kinh tế, xã hội, không gian đất đai, môi trường đô thị… .

Phát triển đô thị và đô thị hóa bắt đầu ở phương tây, sau đó lan sang Mỹ những năm cuối thế kỷ XIX và tới châu Á những năm 60 của thế kỷ XX. Trong thế kỷ XX, các nước phát triển đã chuyển gần 80 - 90% dân số cư trú từ nông thôn sang cư trú tại đô thị, số người sống trong đô thị hiện nay đã tới 50% dân số của thế giới.

Các cuộc cách mạng công nghiệp đã tác động tới các khu vực thành thị và nông thôn một cách sâu sắc và giúp cho việc hình thành nên hệ thống kiến trúc hiện đại, nếp sống văn minh đo thị tai các nước văn minh trên thế giới. Đô thị hóa và phát triển đô thị trên thế giới và khu vực như là một động lực phát triển quan trọng trong tiến trình lịch sử, hiện tại và trong tương lai. Điểm chung của đô thị hóa và phát triển đô thị là sự đóng góp to lớn về kinh tế xã hội và đặc biệt có ý nghĩa trong công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa của mỗi quốc gia, mỗi vùng.

Trong thời đại ngày nay, sự phát triển đô thị và đô thị hóa ngày càng diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ - ước tính tới năm 2030 sẽ có hơn 60% dân số toàn cầu sẽ sống ở đô thị (UN, 2010). Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào các điều kiện tự nhiên trong đó có các khu vực ĐNN là rất cần thiết đối với dân cư đô thị. Chính vì vậy, vai trò của hệ sinh thái ĐNN đô thị đối với sự phát triển bền vững của các đô thị ngày càng được coi trọng và được cộng đồng quốc tế quan tâm

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 15/06/2022