Nghệ thuật truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa - 8


Xây dựng hình tượng đám đông sinh viên, Phạm duy Nghĩa không nhằm vào một con người hay một loại người cụ thể nào mà khiến người ta suy ngẫm về một cách ứng xử, một quan niệm, một lối nghĩ. Chính cái nhìn phiến diện, lối tư duy một chiều có nguy cơ huỷ hoại những điều tốt đẹp, thậm chí cả thứ tình cảm vẫn thường được coi là đẹp nhất thế gian: Tình yêu. Ở truyện ngắn này, tình yêu đã bị biến thành một thứ thuốc độc "làm băng hoại ý chí và danh dự", "xói mòn những cội nguồn nhân văn". Không còn là tình cảm đẹp đẽ cứu rỗi con người mà trở thành "sự huỷ diệt các giá trị", tình yêu ấy khiến người ta ghê sợ như ghê sợ loài hoa trúc đào "thắm đỏ, đẹp đến mê man mà chứa ngầm độc tố".

Con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội. Cho nên, sự thay đổi và tác động của xã hội đối với con người là rất lớn. Tất nhiên, sự tác động ấy luôn diễn ra theo hai chiều, luôn có tính hai mặt của nó. Con người khi tiếp nhận những tác động ấy, nếu không có đủ bản lĩnh và sự tỉnh táo thì tha hoá tất yếu sẽ xảy ra. Và, con người sẽ trở thành nạn nhân của hoàn cảnh.

Nhận thấy rằng: "con gái xấu khổ lắm...mình không có nhan sắc thì phải dành dụm được ít tiền. Đàn ông bây giờ tính toán, nó phải thấy được cái gì khi lấy mình", Thuý (Thương nhớ Lèng Hồ) đã tập cho mình thói quen chi tiêu tiết kiệm, ăn mặc dè sẻn. Là giáo viên có lương, nhưng mỗi lần ra huyện Thuý tranh thủ mua cá khô, pin đèn, mì miến bán lại cho dân, mỗi thứ lãi một ít. Mỗi ngày "chỉ nấu nửa bơ gạo", "đói thì ăn thêm quả rừng". "Thuý hay tha thủi trong rừng. Thuý thường lấy quả thay cơm", Thuý gạ học sinh "đi rừng mang những quả ăn được về cho mình. Những quả lạ mắt, Thuý cẩn thận bổ ra cho kiến ăn thử, thấy kiến không chết thì Thuý ăn". Hậu quả là Thuý suýt nữa phải trả giá cho thói chi tiêu quá dè sẻn ấy bằng cả mạng sống của mình khi Thuý nhầm lá độc là rau, thứ rau chỉ thấy một lần trong bữa ăn trên rừng thảo quả.


Trong ngôi trường biệt lập và heo hút, sống thiếu mục đích và ý chí vươn lên, Huyền (Hai con đường) đã tự biến mình thành "con gà mái" của hiệu trưởng Tân.

Sợ hãi và "do dự bởi cái nghèo" mà "tôi" (Chuyện ở Ô Cán Hồ) đã không quay lại cứu cô bé Linh để rồi ân hận và xót xa nhận ra rằng: "tội ác được gây ra bởi sự tăm tối và lòng tham, nhưng cái nghèo đôi khi cũng đồng tình với nó".

Bị phản bội bởi hai người đàn bà, một già, một trẻ, một xấu, một đẹp, Thụy (Trên đảo) trở nên thù hận và mất niềm tin vào loài người. Ông đã từ bỏ loài người, lên đảo hoang sống cuộc đời sơn dã, luôn nã đạn vào giống cái là loài tráo trở, phản trắc, mang mầm hoạ. Ông còn cực đoan tước bỏ quyền sống bình thường của con trai mình vì niềm thù hận ấy khi tuyên bố nếu nó không chịu được, muốn đi tìm người phụ nữ của mình thì "vĩnh viễn bỏ bố mà đi, còn dẫn lên đảo gặp tao, tao sẽ đập nó chết tươi ngay tức khắc" khiến thằng bé cả tháng trời "lúc nào cũng ngơ ngơ như thằng đần, thằng dại". ông Thụy cũng là một nạn nhân đáng thương của hoàn cảnh.

Phrớt đã chỉ ra rằng, khi tác động bên ngoài quá lớn, con người không đủ bản lĩnh tiếp thu một cách rò ràng thì những tác động của nó vẫn được tiếp nhận một cách lặng lẽ. Tha hóa, do vậy, có thể diễn ra ngoài tầm kiểm soát của ý thức hoặc có thể diễn ra một cách vô thức. Trước những lí tưởng hùng hồn mà ông Quảng trưởng phòng vạch ra, Doanh (Đồi hoa lạnh) như bị hút theo "người anh cũng như bị bắt lửa, nóng lên, đỏ hồng". Từ tâm lí "vừa thích, vừa sợ" anh đã nguyện trở thành "chiến binh trung thành" của phòng đào tạo để cống hiến và thành công trên con đường mà ông Quảng sắp sẵn trước mắt. Anh thay đổi từ dáng vẻ bên ngoài "Từ hôm đó, Doanh luôn giữ bộ mặt lạnh như tiền, đầu ngẩng cao, đi lại cứng đơ như người lính trong độ danh


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.

dự", đến tư duy bên trong "anh băn khoăn vì thấy mình vẫn còn là một con người với những quy luật tâm lí thông thường". Từ sự thay đổi một cách vô thức, dần dần Doanh có ý thức thay đổi mình sao cho giống ông Quảng - người mà anh vẫn ngưỡng mộ và cảm thấy "gần gũi như một người cha". Anh học theo lối giao tiếp miệng hỏi, "tay vẫn viết, không ngẩng đầu lên" của trưởng phòng khi làm việc với sinh viên. "Anh quyết định thay chữ kí vốn mềm mại như sợi tơ mướp của mình bằng một hình gấp khúc đầy chí khí có cái đuôi hất lên nhọn hoắt". Anh biến mình thành một cái máy bị điều khiển bởi một cái máy khác với câu thần chú "nguyên tắc". Và anh trở nên cứng nhắc đến lạnh lùng, độc ác: "mẹ ốm chứ mẹ chết thì cũng thế thôi.... tôi không thể làm trái nguyên tắc". Lời nói và hành động của Doanh không chỉ khiến cho đôi mắt cô sinh viên ánh lên vẻ kinh hoàng mà ngay chính bản thân anh cũng không hiểu nổi. Anh đã gây ra một sai lầm không thể sửa chữa. Anh đã để lại trong lòng cô gái một nỗi đau, nỗi thất vọng về hình ảnh một người thầy, có khi cả niềm căm giận. Nhưng hơn hết, cách hành xử theo "nguyên tắc" đã làm anh quay lưng lại với nỗi đau khổ của một con người. Điều ấy, khi bầu máu nóng của anh đã được thời gian làm cho đằm dịu, đã khiến anh day dứt và ân hận mãi. Không đứng ở bên ngoài để đi tìm và cắt nghĩa những nguyên nhân dẫn đến tha hóa mà bằng cảm nhận của chính một con người trong cuộc để soi tỏ sự tha hóa trong một quá trình tâm lí phức tạp, Phạm Duy Nghĩa đã cho chúng ta thấy một cái nhìn sâu về tha hóa.

Xã hội ngày càng hiện đại, con người càng phát triển thì sự tha hóa càng trở nên tinh vi. Bản thân con người nhiều khi không tự ý thức được sự tha hóa của chính mình, ngay cả ở những con người vốn được coi là có tri thức, có văn hóa hơn người như những trí thức, nhà văn, nghệ sĩ. Trong truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa, nhiều nhân vật nghệ sĩ được chọn là đại diện cho vẻ đẹp tâm hồn của con người. Nhưng, ẩn hiện trong những trang viết

Nghệ thuật truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa - 8


của anh cũng không ít gương mặt nghệ sĩ đang biến dạng, cả về đạo đức lẫn tâm hồn.

Dù chỉ xuất hiện thoáng qua, nhưng nhân vật họa sĩ (Lá bạch đàn) tra tấn vợ kiểu "cưỡi ngựa lên đàng" khiến người ta ghê tởm. Anh ta đá vợ như sút bóng, hành hạ vợ cả về thể xác lẫn tinh thần cho "thỏa mãn niềm vui nghệ sĩ". Dù người vợ có mắc lỗi lầm gì thì kiểu trừng phạt của anh ta cũng khó mà chấp nhận được Nếu kể thêm kiểu trừng phạt "tiên nữ mùa đông" của nhà khảo cổ học bạn anh ta nữa thì người đọc có lẽ chỉ nghĩ đến họ như những kẻ ít học, thô bỉ chứ không phải là những nghệ sĩ, nhà khoa học.

Sự tha hóa đôi khi còn diễn ra ngay ở những con người cho rằng mình tân tiến,thức thời, có quyền lên giọng khinh thị và dạy khôn người khác. Ấy là nhà báo, nhà thơ trẻ Bế Linh Lan (Đường về xa lắm). "Thơ Lan rất lạ, có lúc chữ xúm xít vón cục thành đống, có lúc thủng thẳng tãi ra như hạt ngô, mỗi chữ xa xỉ một dòng. Chẳng phối thanh, chẳng hiệp vần, cứ rả rích ngắt dòng, vèo vèo hết mấy chục trang. Thơ này xem bằng mắt thì ngồ ngộ, hay hay, còn đọc thì thấy lẩn thà, lẩn thẩn không hiểu gì". Cô đã xuất bản hai tập thơ như thế. Và để tỏ ra là một nhà thơ cô luôn tìm cách trau chuốt, tô đậm con người mình, từ cách ăn mặc, đi đứng đến cách giao tiếp "được ai giới thiệu ...tức thì gật gật đầu, mắt nheo nheo, tay chìa ra một cách lỏng lẻo, thờ ơ, rò tầm một cây bút đang trên đà nổi cồn nổi váng". Cô chê miền núi "heo hút, buồn vắng chết khiếp", rằng sống ở miền núi "như sống khác loài người" mà quên mất đôi chân của mình cũng đi lên từ một mảnh đất quê lạc hậu. Luôn tỏ ra kiêu ngạo vì cái nhãn nhà thơ của mình, cô đâu biết rằng làng văn làng báo người ta đã thay cái tên Bế Linh Lan đẹp đẽ của cô thành "Bế lên giường" vì cô "ngủ với nhiều thằng quá. Ngủ cho vui, ngủ để có thằng lăng xê, thổi phồng tên mình trên báo, tóm lại nhiều mục đích." Còn Đan Lẫm, Lâm Hà, những người đã ca ngợi, tâng bốc Linh Lan, thì là những kẻ thích dạy đời, khinh


thường người miền núi, cho họ là "ngu ngơ", không biết gì, "cần một sự thay máu trong tư tưởng, quan niệm" mới hiểu được "thơ trẻ hiện đại". Họ không biết rằng, họ cũng bị coi là "thuộc họ trâu bò, ăn theo nhai lại", họ mới là những người cần được "thay máu". Bằng bút pháp hiện thực cộng thêm giọng châm biếm, giễu nhại (có lúc là tự giễu) một cách hóm hỉnh, tinh tế, Phạm Duy Nghĩa đã không ngần ngại chỉ ra một hiện tượng đáng buồn trong đời sống văn nghệ hiện nay.

Đặc biệt, ngòi bút của Phạm Duy Nghĩa "bắt đầu sự sắc sảo gai ngạnh khi đề cập đến tình trạng tha hóa của một bộ phận giới chức hiện thời" với các truyện Trên đồi lập lòe ánh lửa, Người nhà ông Luân, Người đổi mặt,...

Nếu như ở Trên đồi lập lòe ánh lửa, chúng ta bắt gặp thấp thoáng bóng dáng những con người của nhà nước đang bước ngấp nghé bờ vực sa đọa thì ở Người nhà ông Luân, chúng ta thấy chân dung cán bộ tha hóa, suy thoái được khắc họa rò nét hơn rất nhiều. Ông Luân có thể là một điển hình. Ông là người "ghét đến tận xương" loài chuột, "cái loài chỉ giỏi đục khoét". Ghét đến nỗi, khi còn là chủ tịch huyện ông nổi tiếng vì một" chiến thắng vẻ vang trong việc triệt phá ổ chuột", Và, trong cái lần mừng chiến thắng ấy với một số đàn em ông làm như "vô tình nhớ ra" thân mật bảo một trưởng phòng chuẩn bị lên vùng cao, "cái vùng ủ trong mây, có năm giữa mùa hè còn trắng tuyết" vì "trên ấy đang rất cần người", khiến anh cấp dưới run sợ phải lén lút ôm tiền đến nhà ông xin xỏ. "Tiếng là sắt đá" nhưng vốn là người "cả nể, thương người" nên ông đành phải nhận sau khi "cằn nhằn" cấp dưới vài câu. Đến khi về xuôi làm chủ tịch thành phố thì "Chẳng ai biết được ông có trong tay bao nhiêu nhà, bao nhiêu miếng đất"nữa. "Tất cả toàn là những thứ người ta tự mang đến" chứ vợ chồng ông "sống nhân đức" "có biết cướp của ai cái gì". Thế mà có người lại "gọi ông là cướp". Ông còn thích làm thơ, những vần thơ "tựa một vốc văn xuôi tãi thành dòng ngăn ngắn", ông thích được gọi là nhà


thơ, là nghệ sĩ. Ông nhận thấy rằng" Chính trị là nhất thời, khoa học sống lâu hơn" nên ông muốn khi đương quyền, đương chức thì "tranh thủ làm cái tiến sĩ". Gia đình ông nhìn bề ngoài khiến người ta ngưỡng mộ, khi vợ ông là một giáo viên giỏi "giấy chứng nhận giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh chất đầy nhà", con trai ông là một tiến sĩ sử học trẻ tuổi,còn con gái ông làm ở công ty thương mại tổng hợp. Vợ ông, cô giáo Thanh, có kiểu dạy học "na ná như mổ lợn, thao tác chính là lọc hết phần thịt, để trơ ra phần cốt - cái nội dung xã hội của tác phẩm", cô có khả năng biến một áng văn xuôi đang tươi da đỏ thịt trở thành xanh xao, còi cọc, hoặc làm khô hóa những bài thơ ướt và mềm". Cô không bao giờ đọc sách và cô đã nhầm, "một sự nhầm lẫn đáng yêu", như đồng nghiệp cô đánh giá, khi tuyên bố "nước Nga đang vững bước tiến lên chủ nghĩa cộng sản" trong khi "lá cờ đỏ trên nóc điện Kremli đã bị hạ xuống trong một đêm giá lạnh năm chín mốt của thế kỉ trước". Con gái ông Luân, Phương, thì có "một sở thích là chinh phục, đúng hơn là tiêu diệt đàn ông". "Biệt tài của cô là giả vờ yêu, làm cho đàn ông mê mệt, mềm nhũn dưới chân mình rồi đá họ một cách thẳng thừng, không thương xót". Trò đùa của cô đã khiến bao kẻ si tình đau khổ và khiến một thằng bé 16 tuổi chết một cách oan uổng, đầy bi phẫn. Nhưng cô cũng chẳng mảy may bận tâm. Có chăng chỉ là một cuộc vui "chạy xe trên đường cao tốc cho gió sông Hồng đánh bạt ám khí và nỗi ghê sợ". Còn Quân, anh con trai là "sản phẩm của tính lẳng lơ ngầm" của vợ ông Luân, dù "khù khờ, nhân hậu", có đủ lương tâm để nhận ra những điều tồi tệ trong gia đình mình, cuối cùng vẫn là một kẻ "hèn đớn, không vượt thoát nổi lề thói". Anh bỏ người đàn bà xinh xắn, đảm đang mà anh yêu thật lòng để theo ý bố mẹ, sẽ lấy một cô gái nhan sắc tầm thường, "ăn chơi khét tiếng" nhưng "con nhà có thế lực" vì "Anh là một tiến sĩ trẻ, con trai chủ tịch thành phố. Anh không thể rước về nhà một mẹ nạ dòng ít học và một thằng nhóc". Bằng sự "bứt phá, giễu nhại một cách chát chúa mà vẫn


nghiêm trang tỉ mẩn" khi xây dựng cả một gia đình tha hóa, Phạm Duy Nghĩa đã dựng lên một điển hình cho sự tha hóa của giới chức hiện thời. Hơn thế nữa, anh còn cảnh báo sự xuống cấp nghiêm trọng trong đạo đức, lối sống của con người trong xã hội đương đại, trong đó không ít là bộ phận trí thức.

Sự tha hóa còn được tác giả nâng lên một tầm mới trong Người đổi mặt khi nhà văn để cho những biến chất bên trong biểu hiện cụ thể thành một gương mặt biến dạng bên ngoài. Tiến cùng với những nấc thang danh vọng ngày càng cao trong cuộc đời, khuôn mặt ông "sếp" dần dần thay đổi trở thành một "khuôn mặt lạ" đáng sợ. Cho đến ngày ông phát hiện mình đã đổi mặt thì cũng không một người nào quanh ông nhận ra điều ấy. Vợ ông thì "dửng dưng", cô hàng xóm cũng "không hề sửng sốt", còn đám đông cử tọa nghe ông phát biểu kia cũng "không ai ngạc nhiên". "Thiên hạ mù cả" hay người ta "sống với cái giả lâu rồi.. không còn quen với cái thật"? Hay người ta cũng như ông, thái hóa biến chất cả? Như bà vợ ông, dưới uy danh quyền lực của chồng đã dùng bả công danh để bòn gan rút ruột kẻ khác hòng thỏa mãn thú vui xác thịt của mình; như "hắn", với "cú đẩy của bóng ma quyền lực mơ hồ" sau lưng, sẵn sàng rứt từng mẩu thịt cống nạp cho "Lữ Hậu" để bước thêm trên nấc thang danh vọng; như đám đông đang "vỗ tay rào rào" dù chẳng hiểu người trên bục lễ đài nói gì. Bằng giọng văn giễu nhại mà lạnh lùng, bạo liệt, Phạm Duy Nghĩa đưa lên trang viết của mình "những tình huống mà nhiều tác giả có thể ngại miêu tả" để cảnh báo tình trạng tha hóa trong một bộ phận giới chức hiện nay. Qua những nhân vật trên, ta không chỉ thấy "người đổi mặt" mới là đáng sợ, những kẻ thờ ơ với sự "đổi mặt", thậm chí đồng tình, ủng hộ, tiếp sức cho sự tha hóa, biến chất kia cũng đáng lên án, đáng phải tiêu diệt. Và, cuộc luân hồi trở về bản thể của ông "sếp", hình ảnh những những người đào mồ xuất hiện cuối truyện Người nhà ông Luân cho thấy một thái độ quyết liệt, không cam chịu của Phạm Duy Nghĩa trong cuộc chiến chống lại


sự tha hóa. Đồng thời cũng cho thấy sự lo âu, khắc khoải của nhà văn về con người trong thế giới hiện đại.


CHƯƠNG 3


NGÔN NGỮ NGHỆ THUẬT TRUYỆN NGẮN PHẠM DUY NGHĨA


3.1. KHÁI NIỆM NGÔN NGỮ VĂN HỌC


Văn học được gọi là nghệ thuật vì công cụ và chất liệu cơ bản của nó là ngôn ngữ. Bắt nguồn từ ngôn ngữ nhân dân, được chọn lọc và gọt giũa qua quá trình lao động nghệ thuật của nhà văn. Ngôn ngữ văn học không còn tồn tại ở dạng chất liệu thô mộc mà thực sự trở thành một “ngôn ngữ mang tính nghệ thuật”, thể hiện cá tính sáng tạo, phong cách, tài năng của nhà văn.

Những thuộc tính cơ bản của ngôn ngữ văn học thường được nhắc tới là: tính chính xác, tính hàm súc, tính đa nghĩa, tính tạo hình và biểu cảm. Khác với các hình thái hoạt động ngôn ngữ khác, ngôn ngữ văn học là hoạt động ngôn ngữ mang ý nghĩa thẩm mỹ với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng hình tượng văn học và giao tiếp nghệ thuật. Vì vậy, tính hình tượng, tính thẩm mỹ là thuộc tính bản chất, xuyên thấm vào mọi thuộc tính khác, quy định những thuộc tính ấy.

Ngôn ngữ (ở đây hiểu là ngôn ngữ văn học) đã góp phần đắc dụng trong việc giúp cho văn học đạt được được tính vạn năng trong việc chiếm lĩnh đời sống. Chẳng những chiếm lĩnh được những gì mắt thấy tai nghe mà văn học còn tái hiện được cả mùi vị, nắm bắt được cả những điều mơ hồ, vô hình nhưng có thật trong cảm giác của con người. Với chất liệu ngôn từ, văn

Xem tất cả 104 trang.

Ngày đăng: 25/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí