2.1.2.2. Khái niệm năng lực chỉ huy
Năng lực chỉ huy được tiếp cận là năng lực thực hiện hoạt động chỉ huy, một bộ phận cấu thành nhân cách của người chỉ huy. Dựa trên cơ sở lí luận về năng lực và hoạt động chỉ huy bộ đội, ở luận án này đưa ra quan niệm về năng lực chỉ huy như sau:
Năng lực chỉ huy là tổ hợp các kiến thức, thái độ và kĩ năng của người chỉ huy được vận dụng phù hợp với yêu cầu của hoạt động chỉ huy bộ đội nhằm hướng quân nhân và tập thể quân nhân thuộc quyền thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Chủ thể của năng lực chỉ huy là người chỉ huy, người chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, trước cấp trên, cấp uỷ đảng mình về mọi mặt quân sự, hậu cần, kĩ thuật của đơn vị. Năng lực chỉ huy là năng lực thực hiện hoạt động chỉ huy bộ đội. Do vậy, nghiên cứu các biểu hiện và sự phát triển năng lực chỉ huy phải đặt trong điều kiện vận động, phát triển của hoạt động chỉ huy.
Hoạt động chỉ huy là hoạt động phức tạp, có tính đặc thù, đòi hỏi người chỉ huy phải có trình độ kiến thức toàn diện, thái độ tích cực trong chỉ huy, kĩ năng chỉ huy hợp lí, khoa học mới có thể thực hiện tốt các tình huống, các nhiệm vụ của hoạt động quân sự luôn có tính biến động, bất ngờ, khó khăn gian khổ và điều kiện hạn chế, thời gian eo hẹp.
Người chỉ huy giải quyết nhiều nhiệm vụ chỉ huy bằng việc ra quyết định, sắp xếp bố trí lực lượng, phương tiện, phối hợp, hiệp đồng giữa các bộ phận, v.v... Quá trình này tác động tới quân nhân thuộc quyền nhằm hướng dẫn, điều khiển, điều chỉnh thái độ, hành vi, hoạt động của họ trong thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm cho quân nhân và tập thể quân nhân hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chính vì vậy, năng lực chỉ huy phản ánh trình độ vận dụng phù hợp, hiệu quả các thành tố tâm lí về kiến thức chỉ huy, thái độ trong hoạt động chỉ huy và kĩ năng của người chỉ huy trong từng tình huống, tình nhiệm vụ cụ thể của đơn vị. Đồng thời, năng lực chỉ huy được thể hiện ở kết quả hoạt động chỉ huy.
Có thể nói, năng lực chỉ huy là năng lực cơ bản, năng lực cốt lõi và là thành phần cấu thành nhân cách của người chỉ huy quân sự. Năng lực chỉ huy
giúp cho người chỉ huy thực hiện hiệu quả các tình huống, các nhiệm vụ của bản thân và đơn vị theo cương vị, chức trách được giao.
Có thể bạn quan tâm!
- Hướng Nghiên Cứu Về Biểu Hiện Năng Lực Chỉ Huy Của Người Chỉ Huy Trong Hoạt Động Quân Sự
- Hướng Nghiên Cứu Về Yếu Tố Ảnh Hưởng Đến Sự Hình Và Phát Triển Năng Lực Chỉ Huy Của Người Chỉ Huy Trong Hoạt Động Quân Sự
- Năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh - 5
- Hoạt Động Chỉ Huy Của Cán Bộ Cấp Phân Đội Gắn Với Các Điều Kiện Về Con Người Và Phương Tiện, Trang Bị Kĩ Thuật Ở Phân Đội Công Binh
- Thái Độ Trong Hoạt Động Chỉ Huy Của Cán Bộ Cấp Phân Đội Ở Binh Chủng Công Binh
- Kết Quả Hoạt Động Chỉ Huy Của Cán Bộ Cấp Phân Đội Ở Binh Chủng Công Binh
Xem toàn bộ 256 trang tài liệu này.
2.2. Quan niệm về năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh
2.2.1. Phân đội Công binh
Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (1982, sửa đổi bổ sung năm 2014) quy định: Cấp phân đội là tổ chức quân sự từ cấp Trung đội, Đại đội, Tiểu đoàn và tương đương [60]. Do vậy, phân đội công binh là các đơn vị công binh từ cấp Trung đội, Đại đội, Tiểu đoàn Công binh và tương đương.
Tài liệu: Chức năng, nhiệm vụ của Binh chủng Công binh[15], đã xác định phân đội công binh có chức năng bảo đảm chiến đấu và chiến đấu; Nhiệm vụ của phân đội công binh bao gồm: huấn luyện; xây dựng đơn vị; sẵn sàng chiến đấu và bảo đảm chiến đấu. Có thể khái quát một số đặc điểm về nhiệm vụ của phân đội công binh như sau:
Thứ nhất, nhiệm vụ của phân đội công binh có tính bí mật và thầm lặng
Nhiệm vụ của phân đội công binh là nhiệm vụ bảo đảm chiến đấu nghĩa là không trực tiếp cầm súng chiến đấu với kẻ thù, mà là những nhiệm vụ cần được thực hiện trước để các lực lượng binh chủng hợp thành vào chiếm lĩnh trận địa và những nhiệm vụ bảo đảm công binh lại tiếp tục được thực hiện sau khi các lực lượng của Binh chủng hợp thành hoàn thành các nhiệm vụ của họ. Nghĩa là nhiệm vụ bảo đảm công binh đều phải thực hiện trước nhất và kết thúc sau cùng trong tất cả các hình thức chiến thuật, chiến dịch. Chính vì vậy, nhiệm vụ của phân đội công binh luôn có yếu tố bí mật và tính chất thầm lặng.
Thứ hai, nhiệm vụ của phân đội công binh có tính cơ động cao
Trong thời chiến cũng như thời bình, các nhiệm vụ công binh bao giờ cũng có tính cơ động cao, đặc biệt là các nhiệm vụ về bảo đảm cầu đường, bảo đảm vượt sông, bảo đảm cơ động cho các lực lượng. Hiện nay, các phân đội công binh thường tổ chức đan xen nhiều nhiệm vụ, lực lượng được chia nhỏ và thường trải dài trên địa bàn rộng. Do vậy, việc di chuyển lực lượng,
phương tiện giữa các nhiệm vụ và giữa các địa bàn là khá thường xuyên. Khác với các lực lượng bộ binh thường di chuyển bằng hành quân bộ, thì phân đội công binh thường di chuyển bằng các phương tiện xe máy cơ giới để bảo đảm tính cơ động cao.
Thứ ba, nhiệm vụ của phân đội công binh có yêu cầu kĩ thuật cao
Binh chủng Công binh là một binh chủng kĩ thuật, do vậy tất cả các nhiệm vụ của phân đội công binh nói riêng đều phải tuân thủ theo yêu cầu kĩ thuật chặt chẽ, chính xác tuyệt đối. Chẳng hạn như các nhiệm vụ làm đường, xây dựng công trình, nhà giàn DKI, nhiệm vụ “hợp long” các loại cầu phà, công trình ngầm, v.v… Ở các nhiệm vụ này đều sử dụng trang thiết bị máy móc cần tuân thủ các tiêu chuẩn kĩ thuật nghiêm ngặt và trong thiết kế, thi công, khai thác, sử dụng các công trình đều có yêu cầu cao về kĩ thuật.
2.2.2. Cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh
2.2.2.1. Quan niệm về cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh
Khoản 1, Điều 4, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định: “Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội… trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước” [59]. Khái niệm này cho thấy, cán bộ là những người có chức vụ, có vai trò nòng cốt trong một tổ chức, có ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức và các quan hệ trong lãnh đạo, chỉ huy, quản lí điều hành, góp phần định hướng sự phát triển của tổ chức. Cán bộ là người làm công tác chuyên môn trong một cơ quan của Nhà nước và trong các tổ chức của hệ thống chính trị, được đào tạo theo các chuyên ngành và yêu cầu nhiệm vụ; được bầu cử dân chủ hoặc được tổ chức có thẩm quyền điều động, bổ nhiệm.
Ở Binh chủng Công binh hiện nay, đội ngũ cán bộ được phân theo các ngạch: chỉ huy tham mưu; chính trị; hậu cần; khoa học kĩ thuật. Cấp phân đội có biên chế 3 ngạch cán bộ là: chỉ huy; chính trị và kĩ thuật. Dựa trên những cơ sở này, trong luận án này quan niệm:
Cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh là những sĩ quan tại ngũ theo các ngạch chỉ huy, chính trị và kĩ thuật được cấp ủy đảng có thẩm quyền điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lí, chỉ huy tại các phân đội công binh.
Cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh là những sĩ quan tại ngũ đã tốt nghiệp đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở các nhà trường quân sự. Cán bộ chủ trì cấp tiểu đoàn (tiểu đoàn trưởng, chính trị viên tiểu đoàn) do Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Công binh điều động, bổ nhiệm. Những cán bộ từ cấp trung đội đến cán bộ cấp phó ở các tiểu đoàn do cấp ủy Lữ đoàn Công binh và tương đương thuộc Binh chủng Công binh điều động, bổ nhiệm.
Cán bộ cấp phân đội công binh trong phạm vi nghiên cứu của luận án là cán bộ ngạch chỉ huy và cán bộ ngạch chính trị, kĩ thuật được giao nhiệm vụ chỉ huy phân đội trong những tình huống, nhiệm vụ cụ thể với các chức danh như: Trung đội trưởng; Đại đội trưởng; Chính trị viên đại đội; Phó đại đội trưởng kĩ thuật; Tiểu đoàn trưởng; Chính trị viên tiểu đoàn; Phó tiểu đoàn trưởng kĩ thuật và tương đương. Họ là những sĩ quan tại ngũ và được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm chức vụ chỉ huy ở các phân đội công binh.
2.2.2. 2. Chức trách, nhiệm vụ của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh
Điều 16 trong tài liệu về: Chức năng, nhiệm vụ của Binh chủng Công binh [15] quy định về chức trách, nhiệm vụ của cán bộ chỉ huy cấp phân đội ở Binh chủng Công binh cụ thể như sau:
Chức trách của cán bộ chỉ huy cấp phân đội ở Binh chủng Công binh
Người chỉ huy là chỉ huy cao nhất ở phân đội, được Đảng, Nhà nước, quân đội giao cho những quyền hạn trong phạm vi chức trách và chịu trách nhiệm trước pháp luật, cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên cấp trên và cấp ủy cấp mình về toàn bộ các hoạt động của phân đội công binh theo phạm vi, chức trách, nhiệm vụ. Khi thực hiện nhiệm vụ, người chỉ huy cấp phân đội công binh phải căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn được giao và mệnh lệnh của chỉ huy cấp trên, nghị quyết của cấp ủy Đảng cấp mình.
Nhiệm vụ của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh
(1). Chấp hành triệt để đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ, chế độ, quy định của quân đội,
mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên, nghị quyết của cấp ủy Đảng cấp mình, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
(2). Tổ chức và chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động quân sự của phân đội công binh, thường xuyên bảo đảm cho đơn vị sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ trong bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện nào.
(3). Tổ chức giáo dục, huấn luyện bộ đội để nâng cao trình độ toàn diện cho phân đội công binh thuộc quyền. Bảo đảm cho mọi quân nhân đều được học tập đầy đủ theo chương trình quy định.
(4). Duy trì nghiêm kỉ luật quân đội, xây dựng nền nếp chính quy, chấp hành điều lệnh, giữ gìn an ninh, an toàn ở phân đội công binh.
(5). Quản lí chặt chẽ về số lượng, chất lượng quân nhân thuộc quyền. Quản lí chặt chẽ vũ khí, trang bị kĩ thuật, tài chính, tài sản thuộc phân đội công binh, bảo quản trang bị kĩ thuật luôn đồng bộ.
(6). Cùng với chính trị viên tổ chức các cuộc vận động chính trị của Đảng, của quân đội, của Binh chủng Công binh ở phân đội. Bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ sĩ quan, hạ sĩ quan trong đơn vị theo phân cấp. Quan tâm đến gia đình, hậu phương, thực hiện đúng các chính sách của Đảng, Nhà nước và quân đội đối với quân nhân trong phân đội công binh.
(7). Có thẩm quyền kí các quyết định, văn bản thuộc về hành chính quân sự. Xét khen thưởng, xử phạt các quân nhân thuộc quyền. Thường xuyên kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn phân đội công binh thực hiện các nhiệm vụ được giao. Tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả, báo cáo, thông báo tình hình, rút kinh nghiệm, sơ kết, tổng kết về các mặt xây dựng phân đội công binh vững mạnh.
2.2.3. Đặc điểm hoạt động chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh
2.2.3.1. Hoạt động chỉ huy của cán bộ cấp phân đội là tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công binh theo kế hoạch đã xác định
Các tác giả: Lê Trọng Tấn (1979); D. A. Ivanop, V. P. Xaveliev và P. V. Semanxky (1981) có sự thống nhất cho rằng hoạt động chỉ huy bộ đội thực chất là duy trì và tổ chức các nhiệm vụ bảo đảm chiến đấu và chiến đấu cho đơn vị
[65], [39]. Có thể nói, đây là đặc điểm vừa phản ánh bản chất, vừa phản ánh mục tiêu của hoạt động chỉ huy của cán bộ cấp phân đội công binh.
Trong điều kiện thời bình, phân đội công binh được giao các nhiệm vụ: huấn luyện; xây dựng đơn vị, sẵn sàng chiến đấu và bảo đảm chiến đấu. Những nhiệm vụ cụ thể trong thực hành bảo đảm công binh đó là: xây dựng công trình phòng thủ; làm đường tuần tra biên giới; rà phá bom mìn vật nổ; phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả sập đổ công trình; tham gia diễn tập Quốc tế và chuẩn bị lực lượng cho nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc. Khối lượng nhiệm vụ bảo đảm công trình, “mặc áo giáp cho Tổ quốc” chiếm tỉ trọng lớn trong các nhiệm vụ công binh (xây dựng an toàn khu cấp chiến lược; công trình ngầm sở chỉ huy cấp chiến dịch và của các tỉnh thành phố; công trình phòng thủ bờ biển; công trình cất giữ các vũ khí quý hiếm). Những nhiệm vụ này cần được thực hiện trước, chuẩn bị cho thời chiến và thường ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Trong điều kiện thời chiến, nhiệm vụ công binh của phân đội là nhiệm vụ bảo đảm chiến đấu nghĩa là không trực tiếp cầm súng chiến đấu, mà là những nhiệm vụ cần được thực hiện trước như: xây dựng sở chỉ huy và các công trình cho các lực lượng binh chủng hợp thành vào chiếm lĩnh trận địa; bảo đảm vượt sông, bảo đảm mạng đường cơ động; bố trí vật cản (bãi mìn, hệ thống vật cản), khắc phục vật cản; ngụy trang, làm giả các mô hình, các trận địa hỏa lực. Các nhiệm vụ này lại tiếp tục được thực hiện sau khi các lực lượng của Binh chủng hợp thành hoàn thành nhiệm vụ. Như vậy, nhiệm vụ bảo đảm công binh đều phải thực hiện trước nhất và kết thúc sau cùng, có tính chất “đi trước, về sau”.
Phân đội công binh là nơi trực tiếp quản lí, chỉ huy và tổ chức thực hiện nhiệm vụ công binh. Hoạt động chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh chính là hoạt động tổ chức, điều hành phân đội thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đây là hoạt động chủ đạo có tính chất nghề nghiệp của cán bộ cấp phân đội, là sự tác động có mục đích của cán bộ cấp phân đội nhằm tổ chức, hướng dẫn, điều khiển, điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi của cấp dưới giúp họ hướng mọi nỗ lực, cố gắng vào thực hiện và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình.
Để nâng cao kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị, cán bộ cấp phân đội cần có sự linh hoạt, sáng tạo và nhạy bén để xử lí các tình huống thích hợp có phương thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học. Đồng thời, đặc điểm này đòi hỏi cán bộ cấp phân đội công binh phải có trình độ kiến thức trong chỉ huy như: hiểu về hình thức, phương pháp huấn luyện, kĩ chiến thuật, nguyên tắc trong bảo đảm công binh; hiểu về con người và phương tiện được biên chế ở phân đội. Có sự nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc, quyết đoán, bền bỉ, kiên nhẫn và dân chủ. Bên cạnh đó, người cán bộ cần có kinh nghiệm, kĩ năng tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nắm chắc diễn biến quá trình thực hiện nhiệm vụ của phân đội công binh và sử dụng lực lượng, phương tiện phù hợp.
2.2.3.2. Hoạt động chỉ huy của cán bộ cấp phân đội diễn ra trong điều kiện khó khăn, gian khổ, phức tạp trên nhiều mặt của nghiệp vụ công binh
Đặc điểm này xuất phát từ những đặc điểm về đối tượng chỉ huy, của nhiệm vụ và sự biến động của tình huống khi chỉ huy phân đội công binh. Đồng thời, các tác giả như: Hoàng Văn Thái (1980), M. C. John (2003) cũng khẳng định hoạt động chỉ huy là hoạt động khó khăn, gian khổ và phức tạp, diễn ra trên nhiều mặt hoạt động khác nhau [67], [40].
Do đặc thù riêng về nhiệm vụ công binh nên ở phân đội công binh hiện nay có nhiều quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên chuyên môn kĩ thuật, đội ngũ lái xe, lái máy hơn so với phân đội bộ binh. Có những quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên chuyên môn kĩ thuật với chức vụ là chiến sĩ nhưng tuổi đời và thâm niên cao hơn cả cán bộ cấp trung đội, đại đội ở đơn vị mình. Chính vì vậy, đối tượng trong quản lí chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh là quân nhân và tập thể phân đội công binh với những đặc điểm về trình độ đào tạo, độ tuổi, thâm niên, kinh nghiệm công tác điều kiện, hoàn cảnh gia đình và đặc điểm tâm lí phức tạp khác nhau. Điều này đòi hỏi cán bộ cấp phân đội cần có sự linh hoạt, sáng tạo, kĩ năng giao tiếp, xử lí tốt các mối quan hệ trong đơn vị và cần có sự hiểu biết, nắm vững đặc điểm tâm lí, hoàn cảnh gia đình, điểm mạnh, điểm yếu của cán bộ, chiến sĩ ở phân đội công binh
trong thực hiện các nhiệm vụ cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lí, chỉ huy và phát triển năng lực chỉ huy của mình.
Nét đặc trưng của phân đội công binh là luôn có sự đan xen giữa huấn luyện tại đơn vị và thực hành nhiệm vụ ngoài thực địa. So với các đơn vị khác, phân đội công binh có tỉ lệ thực hành nhiệm vụ ngoài thực địa lớn hơn, nhất là các nhiệm vụ có tính chất “chiến đấu giữa thời bình” như: rà phá bom, mìn, vật nổ; xây dựng công trình, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Các nhiệm vụ này luôn sử dụng đến vũ khí, trang bị công binh, lượng nổ, thuốc nổ và các tình huống biến động nhanh chóng như trong thời chiến, trực tiếp đe dọa đến tính mạng của cán bộ chiến sĩ ở phân đội.
Đối với phân đội công binh dù huấn luyện hay thực hành bảo đảm công binh thì đều có khó khăn, phức tạp, cường độ cao, căng thẳng về tâm lí và thể lực, biến động nhanh về tình huống. Điều này, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, chiến sĩ công binh không chỉ giỏi về kĩ thuật, chiến thuật, có sức khỏe dẻo dai, mà còn đặt ra yêu cầu rất cao về bản lĩnh chính trị, lòng dũng cảm, sẵn sàng đối mặt và vượt qua những hiểm nguy, gian khó.
Hoạt động chỉ huy phân đội công binh bao gồm: trinh sát; lập kế hoạch; bố trí, sử dụng lực lượng công binh; bố trí, điều hành, sử dụng phương tiện, khí tài công binh trong từng nhiệm vụ; tính toán công tác bảo đảm hậu cần, kĩ thuật, nguyên vật liệu; công tác hiệp đồng giữa các lực lượng công binh, hiệp đồng với địa phương, các đơn vị bạn trong binh chủng hợp thành và một số mặt công tác khác theo phân cấp gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh.
Đặc điểm này đòi hỏi người cán bộ cấp phân đội cần có hiểu biết về chuyên môn nghiệp vụ công binh; luôn nỗ lực cố gắng, kiên trì, nhẫn nại trong chỉ huy phân đội. Bên cạnh đó, người cán bộ cần có kĩ năng thu thập, xử lí thông tin; phát hiện những vấn đề quan trọng cần giải quyết; kĩ năng ra quyết định để lựa chọn, quyết định phương án tối ưu trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ của phân đội. Đồng thời, cần đề cao và duy trì nghiêm kỉ luật, sự quyết đoán để chỉ huy đơn vị khắc phục khó khăn hoàn hành nhiệm vụ.