Hoạt Động Chỉ Huy Của Cán Bộ Cấp Phân Đội Gắn Với Các Điều Kiện Về Con Người Và Phương Tiện, Trang Bị Kĩ Thuật Ở Phân Đội Công Binh


2.2.3.3. Hoạt động chỉ huy của cán bộ cấp phân đội gắn với các điều kiện về con người và phương tiện, trang bị kĩ thuật ở phân đội công binh

Kết quả nghiên cứu của các tác giả: E. Ph. Xulimop (1980); C. M. Cann và R. Pigeau (1996) cho rằng hoạt động chỉ huy luôn gắn với con người và phương tiện chỉ huy [85]; [92]. Có thể nói, việc gắn với con người và phương tiện là đặc điểm chung của nhiều hoạt động, nhiều lực lượng khác nhau trong quân đội. Tuy nhiên, đây cũng được coi là đặc trưng riêng trong hoạt động chỉ huy của cán bộ cấp phân đội công binh vì sự khác biệt ở nội dung, tính chất của con người và phương tiện, trang bị kĩ thuật so với các hoạt động, các phân đội khác. Điều này được thể hiện cụ thể như sau:

Nét đặc trưng ở phân đội công binh là tỉ lệ chiến sĩ là quân nhân chuyên nghiệp và nhân viên chuyên môn kĩ thuật đã qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ công binh cao hơn nhiều so với phân đội bộ binh (đại đa số là chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ quân sự). Với điều kiện con người ở phân đội công binh như thế nào về chất lượng (đã qua đào tạo chuyên môn hay chưa qua đào tạo, đào tạo nhiều hay ít), độ tuổi, thâm niên công tác, v.v… như thế nào sẽ quy định nội dung, phương pháp trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và bảo đảm công binh, bảm đảm chiến đấu của phân đội công binh.

Điều kiện về trang bị, phương tiện, khí tài sẽ quy định phương thức thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, làm thủ công hay làm bằng máy móc, nhiệm vụ nào cần nhiều phương tiện, nhiệm vụ nào chỉ thực hiện bằng nhân lực.v.v... Các loại vũ khí, khí tài, trang bị kĩ thuật được biên chế ở phân đội công binh là điều kiện, phương tiện để người chỉ huy thực hiện hoạt động chỉ huy và phân đội công binh tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Những vũ khí, khí tài, trang bị kĩ thuật này có tính đặc thù riêng, phù hợp với nhiệm vụ công binh của phân đội, cụ thể như:

Vũ khí công binh: Đó là những vũ khí cá nhân và các loại mìn, vật liệu nổ (thuốc nổ, dây nổ, lượng nổ), phương tiện gây nổ.

Khí tài, trang bị, kĩ thuật công binh: Các phân đội công binh được giao quản lí và khai thác sử dụng nhiều loại phương tiện máy móc, trang thiết bị rất


đa dạng từ thô sơ như các loại trang bị quốc, xẻng cá nhân; ống phóng lượng nổ đến các trang bị phương tiện hiện đại và có giá trị kinh tế cao, số lượng lớn và đa dạng về chủng loại như: Máy đào hào BZM; Máy bố trí mìn; Máy rò gỡ bom mìn vật liệu nổ; Cầu phao PMP; Cầu tự hành TMM; Phà tự hành GSP, PTS.

Đặc điểm này đòi hỏi người cán bộ cấp phân đội công binh cần có hiểu biết toàn diện về cấp dưới trong phân đội công binh, kể cả những điểm mạnh, điểm yếu của họ ở từng loại nhiệm vụ cụ thể; có uy tín đối với cán bộ, chiến sĩ trong phân đội. Đồng thời, cán bộ cấp phân đội công binh cần nắm vững tính năng, tác dụng, số lượng, chủng loại của các phương tiện khí tài, trang bị kĩ thuật được biên chế trong đơn vị. Từ đó, bố trí, sử dụng con người và phương tiện, trang bị kĩ thuật một cách khoa học, hiệu quả, phát huy tối đa khả năng của con người, phương tiện nhằm nâng cao kết quả hoàn thành nhiệm vụ của phân đội và phát triển năng lực chỉ huy của mình.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 256 trang tài liệu này.

2.2.3.4. Hoạt động chỉ huy của cán bộ cấp phân đội mang tính hiệp đồng chặt chẽ và tính kỉ luật nghiêm ngặt

Các tác giả như: Hoàng Minh Thảo (2001); A. Erickson, B. Shaw, J. Murray và S. Branch (2015) đều có sự thống nhất cho rằng hoạt động chỉ huy bộ đội diễn ra trong sự chấp hành kỉ luật nghiêm ngặt, thống nhất từ trên xuống dưới [71], [87]. Tính hiệp đồng và tính kỉ luật nghiêm là một trong những đặc điểm của hoạt động quân sự. Tuy nhiên, những nội dung này được coi là đặc trưng riêng trong hoạt động chỉ huy của cán bộ cấp phân đội công binh là do nhiều nhiệm vụ của phân đội công binh có tính “chiến đấu giữa thời bình”, “lính công binh không có thời bình” nên sự hiệp đồng và tính kỉ luật của phân đội công binh thường xuyên hơn, mức độ yêu cầu cao hơn so với các phân đội khác. Điều này thể hiện cụ thể trên các nội dung sau:

Năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh - 7

Tính kỉ luật nghiêm ngặt của cán bộ, chiến sĩ phân đội công binh không chỉ là việc chấp hành đúng đủ các nội dung hành chính của kỉ luật quân sự mà bất cứ nhiệm vụ nào, đặc biệt là các nhiệm vụ có tính chất “chiến đấu trong thời bình” của các phân đội công binh luôn tiềm ẩn yếu tố mất an toàn. Một sai phạm kĩ thuật, một thao tác không đồng bộ trong sử dụng đều có thể dẫn


đến không hoàn thành nhiệm vụ và nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều nhiệm vụ không cho phép cán bộ, chiến sĩ rút kinh nghiệm vì như vậy là quá muộn. Chính vì vậy, nội dung về tính kỉ luật luôn phải được thực hiện nghiêm túc để bảo đảm các yếu tố an toàn. Đồng thời, tính kỉ luật của bộ đội công binh còn thể hiện trong yếu tố bảo đảm tuyệt đối bí mật, tuyệt đối trung thành sống để dạ, chết mang theo như các nhiệm vụ làm công trình CT229.

Ở thời chiến, nhiệm vụ của các phân đội công binh luôn là công tác bảo đảm công binh cho các quân binh chủng bạn, do vậy, cần có sự phối hợp hiệp đồng với các quân binh chủng khác. Trong thời bình, các nhiệm vụ công binh cần có có sự phối hợp, hiệp đồng với cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương trên các địa bàn thực hiện nhiệm vụ và sự phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng công binh. Đặc biệt là trong các nhiệm vụ có sử dụng vật liệu nổ cần có sự hiệp đồng để bảo đảm an toàn cho khu vực thực hiện nhiệm vụ, huy động nhân lực, vật lực tại chỗ, cũng như các yêu cầu về bảo vệ, giữ bí mật cho các công trình thi công.

Đặc điểm này đòi hỏi người cán bộ cấp phân đội cần duy trì chặt chẽ kỉ luật quân sự, tính nguyên tắc, quy tắc an toàn ở phân đội công binh và đòi hỏi tính kỉ luật cao, ý thức trách nhiệm của cấp dưới trong thực hiện nhiệm vụ của bản thân. Đồng thời, người cán bộ cấp phân đội cần có sự hiệp đồng chặt chẽ với địa phương, đơn vị bạn và giữa các bộ phận thực hiện nhiệm vụ công binh.

2.2.4. Khái niệm năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh

Xuất phát từ cơ sở lí luận về năng lực chỉ huy; nhiệm vụ của phân đội công binh và vận dụng vào hoạt động chỉ huy phân đội của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh, ở luận án này quan niệm:

Năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh là tổ hợp các kiến thức, thái độ, kĩ năng chỉ huy của người cán bộ cấp phân đội được vận dụng phù hợp với yêu cầu của hoạt động chỉ huy phân đội công binh nhằm hướng cấp dưới thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống.


Năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh là năng lực hành động, năng thực thực hiện và biểu hiện trong hoạt động chỉ huy phân đội công binh, phản ánh nhân cách của người cán bộ cấp phân đội. Đồng thời, là sự vận dụng tổng hợp các kiến thức, thái độ và kĩ năng chỉ huy của cán bộ cấp phân đội trong từng hành động, từng khâu, từng bước của hoạt động chỉ huy, luôn gắn với các đặc điểm hoạt động chỉ huy và phù hợp với từng nhiệm vụ cụ thể của phân đội công binh.

Để đo lường và đánh giá năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh cần dựa trên mức độ, hàm lượng của các biểu hiện về trình độ kiến thức, thái độ trong hoạt động chỉ huy, kĩ năng chỉ huy và kết quả của hoạt động chỉ huy, kết hoàn thành nhiệm vụ của phân đội công binh. Mỗi người cán bộ cấp phân đội đều có những kiến thức chỉ huy, thái độ và kĩ năng chỉ huy nhất định. Song, sự khác nhau về năng lực chỉ huy là ở tính hiệu quả của sự vận dụng kiến thức chỉ huy, thái độ và kĩ năng chỉ huy; hàm lượng những kiến thức, thái độ và kĩ năng đó được vận dụng phù hợp với trình độ, khả năng, ý thức trách nhiệm của cấp dưới với tư cách là chủ thể thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch của cán bộ cấp phân đội, trực tiếp thực hành các nhiệm vụ bảo đảm công binh; sự phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng loại nhiệm vụ cụ thể và phù hợp với điều kiện về phương tiện, trang bị, khí tài được biên chế tại phân đội công binh. Từ đó, đạt được kết quả cao nhất trong hoạt động chỉ huy phân đội công binh của cán bộ cấp phân đội.

Để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ, người cán bộ cấp phân đội công binh luôn cần có nhiều loại năng lực khác nhau như: năng lực chỉ huy, năng lực học tập, nghiên cứu; năng lực huấn luyện, năng lực giáo dục, v.v... Tuy nhiên, năng lực chỉ huy được coi là một trong những năng lực cốt lõi, quan trọng nhất vì: cho dù ở nhiệm vụ nào, ở cương vị, chức trách nào thì mục tiêu cuối cùng vẫn là kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị gắn với quá trình tổ chức chỉ huy, năng lực chỉ huy của cán bộ. Đồng thời, năng lực chỉ huy khác với các dạng năng lực khác của người cán bộ cấp phân đội công binh ở tính gián tiếp, nội dung biểu hiện hay những yêu cầu cần có trong hệ thống kiến thức, thái độ,


kĩ năng để phục vụ cho hoạt động chỉ huy khác với các hoạt động khác như: hoạt động huấn luyện, hoạt động nghiên cứu, hoạt động giáo dục, v.v…

Năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội công binh khác với năng lực chỉ huy các phân đội trong quân đội ở nội dung biểu hiện năng lực chỉ huy. Đối với cán bộ cấp phân đội công binh, nội dung biểu hiện này gắn với chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đặc điểm của nhiệm vụ công binh, yêu cầu kĩ, chiến thuật công binh cũng như những yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ công binh. Còn với cán bộ các phân đội khác, nội dung biểu hiện năng lực chỉ huy gắn với chức trách, nhiệm vụ và yêu cầu chuyên môn riêng của họ.

Năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội công binh cũng có sự khác biệt với năng lực chỉ huy của cán bộ ở cấp cao hơn về phạm vi, tính chất và mức độ các mặt biểu hiện về kiến thức chỉ huy, thái độ trong hoạt động chỉ huy và kĩ năng chỉ huy để bảo đảm cho hoạt động chỉ huy đơn vị đạt hiệu quả tốt nhất. Xét về mặt phạm vi thì nội dung biểu hiện năng lực chỉ huy ở cấp cao hơn sẽ nhiều hơn, rộng hơn, bao quát hơn, còn ở cấp phân đội thì cụ thể, tỉ mỉ hơn. Xét về mặt tính chất thì ở cấp cao hơn cấp phân đội có tính gián tiếp, còn ở cấp phân đội có nhiều hoạt động chỉ huy mang tính trực tiếp, diễn ra theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, nhất là ở cấp trung đội. Xét về mức độ thì nội dung biểu hiện năng lực chỉ huy ở cấp cao hơn sẽ sâu hơn, nhiều hơn, quan trọng và ảnh hưởng lớn hơn so với cấp phân đội.

Năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh không phải là bất biến mà luôn có sự vận động, biến đổi, chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có: các yếu tố thuộc về người cán bộ với tư cách là chủ thể của hoạt động chỉ huy; các yếu tố thuộc về cấp dưới như trình độ, kĩ năng thực hành, ý thức trách nhiệm, tính kỉ luật của cấp dưới với tư cách là khách thể tác động của hoạt động chỉ huy và các yếu tố thuộc về trang bị, phương tiện, khí tài của đơn vị với tư cách là điều kiện để thực hiện hoạt động chỉ huy và điều kiện để tổ chức thực hiện nhiệm vụ công binh của phân đội. Có thể phát triển năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội thông qua các biện pháp tác động phù hợp vào các thành phần biểu hiện và các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh.


Cơ chế hình thành và phát triển năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh thể hiện qua các khâu từ việc tích lũy kiến thức chỉ huy, các tri thức quân sự và nghiệp vụ bảo đảm công binh; hình thành thái độ tích cực; rèn luyện kĩ năng chỉ huy; tiếp đến là sự vận dụng vào từng tình huống, nhiệm vụ cụ thể của hoạt động chỉ huy phân đội công binh để hướng dẫn, điều khiển, điều chỉnh hành vi, hoạt động, thái độ của quân nhân và tập thể phân đội công binh đạt hiệu quả cao nhất.

Yêu cầu của sự hình thành và phát triển năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh gắn với chức trách, nhiệm vụ của người chỉ huy cấp phân đội, đó là thực hiện hiệu quả hoạt động chỉ huy và bảo đảm cho phân đội công binh hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống với khoảng thời gian nhất định đã được quy định từ trước và được thể hiện trong mệnh lệnh, chỉ thị của trên; kế hoạch công binh của phân đội.

2.3. Biểu hiện năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh

Trong Tâm lí học hiện nay, nghiên cứu về cấu trúc hay biểu hiện của năng lực có những cách tiếp cận khác nhau, tùy thuộc vào đối tượng, mục đích và phạm vi nghiên cứu. Nếu nghiên cứu có tính chất đại cương thường đưa ra các thành phần cấu trúc nên năng lực, thì những nghiên cứu về năng lực ở các ngành nghề cụ thể thường theo xu hướng tìm ra các biểu hiện của năng lực nhằm đo lường, lượng hóa và đặt ra các tiêu chí của năng lực nghề nghiệp.

Ở luận án quan niệm, năng lực là tổ hợp các thành tố tâm lí về kiến thức, thái độ và kĩ năng bên trong, được biểu hiện thông qua các chỉ báo bên ngoài ở thái độ, hành vi và kết quả của hoạt động. Đồng thời, đi sâu làm rõ các chỉ báo biểu hiện năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh. Điều này dựa trên cơ sở lí luận sau đây.

A. G. Covaliov (1971); N. X. Laytex (1980); Nguyễn Ngọc Bích (2000) và Nguyễn Xuân Thức (2015) có cùng quan điểm cho rằng biểu hiện của năng lực thay đổi tuỳ theo loại hình hoạt động và thường có 3 thành phần, đó là: (1) những thuộc tính giữ vai trò chủ đạo; (2) những thuộc tính giữ vai trò cơ sở, chỗ dựa và (3) những thuộc tính hỗ trợ làm nền [22], [45], [5], [72].


Các tác giả B. Benjamin (1956); C. Battal (2002); Nguyễn Công Khanh (2015) có sự thống nhất cho rằng năng lực cá nhân được biểu hiện trên 3 mặt:

(1) kiến thức; (2) thái độ và (3) kĩ năng của họ [88], [19], [42].

Các tác giả Đặng Duy Thái (2017); Nguyễn Văn Kiên (2018) có cùng quan điểm cho rằng năng lực của chủ thể được biểu hiện ở trình độ kiến thức, thái độ, kĩ năng và kết quả của hoạt động [66], [43].

Những kết quả nghiên cứu nêu trên có sự thống nhất cho rằng năng lực cần được đo lường và lượng hóa được; các biểu hiện của năng lực có tính cơ động, tùy thuộc vào từng dạng hoạt động mà có những biểu hiện tương ứng,. Đây là nội dung phù hợp với quan điểm tiếp cận của luận án, các biểu hiện năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh có những đặc trưng riêng trong hệ thống kiến thức, thái độ, kĩ năng và kết quả hoạt động.

Kế thừa quan điểm của các tác giả đi trước, kết hợp với xin ý kiến chuyên gia, có thể xác định năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh được biểu hiện trên các mặt về: kiến thức chỉ huy; thái độ trong hoạt động chỉ huy; kĩ năng chỉ huy kết quả của hoạt động chỉ huy phân đội công binh. Những nội dung dưới đây sẽ làm rõ từng khía cạnh cụ thể.

2.3.1. Kiến thức chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh

Hiện nay, ở Việt Nam và trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra các nội dung biểu hiện cần có về kiến thức chỉ huy của người chỉ huy quân sự, có thể kể đến các tác giả tiêu biểu sau:

Tư tưởng của các tướng lĩnh, nhà chỉ huy quân sự như: Tôn Tử; Trần Quốc Tuấn; Napoleon; Hoành Minh Thảo đều cho rằng người chỉ huy quân sự muốn chỉ huy tác chiến và giành thắng lợi trên chiến trường cần có hiểu biết sâu rộng về binh pháp, tinh thông về kĩ thuật, chiến thuật. Nghĩa là cần có kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ quân sự [3], [Dẫn theo73], [1], [70].

Các tác giả: Vương Thừa Vũ (1976); Hoàng Văn Thái (1980); D. A. Ivanov, V. P. Xaveliev và P. V. Semanxki (1981); I. U. Cudriavsep (2001) khẳng định để tổ chức chỉ huy đạt hiệu quả đòi hỏi người chỉ huy quân sự


phải có kiến thức về huấn luyện, quản lí, điều hành bộ đội, qua đó nâng cao chất lượng huấn luyện, bảo đảm cho bộ đội có đủ khả năng thực hiện những nhiệm vụ, quyết định do người chỉ huy giao cho [83], [67], [39], [23].

S. J. Zaccaro và cộng sự (2015) cho rằng người chỉ huy cần có hiểu biết về cương vị do mình đảm nhiệm (quyền hạn, chức trách, nhiệm vụ) mới có thể điều hành, quản lí và chỉ huy đơn vị một cách hiệu quả [113].

Lê Trọng Tấn (1979); A. Ph. Sramtrenco (1983) khẳng định người chỉ huy cần có kiến thức để huấn luyện, quản lí, điều hành đơn vị và cần phải hiểu rõ về cấp dưới của mình thì mới có thể chỉ huy bộ đội một cách hiệu quả [65], [64].

Như vậy, kết quả nghiên cứu của các tác giả nêu trên đã chỉ ra biểu hiện về kiến thức chỉ huy của người chỉ huy quân sự là một hệ thống như: kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ quân sự; kiến thức về huấn luyện bộ đội; kiến thức về quản lí, điều hành đơn vị; kiến thức về cương vị do mình đảm nhiệm và sự hiểu biết về cấp dưới thuộc quyền chỉ huy của mình. Kế thừa những kết quả nghiên cứu này, trong luận án xác định biểu hiện về kiến thức chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh bao gồm: kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ công binh và kiến thức trong quản lí, điều hành phân đội công binh.

Kiến thức chỉ huy là điều kiện tiên quyết, là khâu đầu tiên định hướng, thúc đẩy các hành động chỉ huy và có vai trò là “nền tảng” hình thành năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh. Kiến thức chỉ huy càng sâu, rộng thì hoạt động chỉ huy phân đội công binh càng hiệu quả.

Kiến thức chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh được hình thành, phát triển thông qua quá trình giáo dục, đào tạo theo cơ chế lĩnh hội tại các nhà trường trong và ngoài quân đội; thông qua quá trình tự học tập và trong hoạt động thực tiễn chỉ huy phân đội công binh thực hiện nhiệm vụ. Để phát triển năng lực chỉ huy, cán bộ cấp phân đội công binh cần tích cực học tập, nghiên cứu, bổ sung, cập nhật những kiến thức mới có giá trị khoa học phục vụ cho hoạt động chỉ huy phân đội công binh của mình.

Dựa trên kết quả nghiên cứu của Hiệp hội các nhà giáo dục Mỹ (The Association of Teacher Educators) về chuẩn kiến thức gồm các mức độ:

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 24/02/2024