Năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh - 5


Thứ hai, cho tới nay nghiên cứu về năng lực của con người nói chung, năng lực người chỉ huy trong hoạt động quân sự nói riêng có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Do vậy, luận án cần xác định quan điểm tiếp cận năng lực chỉ huy là năng lực hành động, năng lực thực hiện hoạt động chỉ huy của người cán bộ nhằm đảm bảo cho hoạt động đó đạt được kết quả nhất định. Ngoài ra, luận án cần xây dựng các khái niệm công cụ và làm rõ đặc điểm hoạt động chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh. Từ đó, xây dựng khái niệm năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh.

Thứ ba, kế thừa, bổ sung và phát triển các kết quả nghiên cứu về biểu hiện và các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực chỉ huy, trong luận án cần xác định, tập trung làm rõ các mặt biểu hiện năng lực chỉ huy và các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh; tìm ra các chỉ báo cụ thể để xây dựng tiêu chí, làm cơ sở cho việc xây dựng bảng hỏi, lập phiếu điều tra, đánh giá thực trạng năng lực chỉ huy và sự ảnh hưởng của các yếu tố đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh hiện nay.

Thứ tư, xác định các mức độ đánh giá năng lực chỉ huy và mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh; xây dựng bảng hỏi; lập các mẫu phiếu quan sát và phỏng vấn sâu; tiến hành xin ý kiến các chuyên gia Tâm lí học về những nội dung dự định nghiên cứu; điều tra thử, kiểm định tính khoa học, độ tin cậy, độ hiệu lực của các thang đo. Đánh giá đúng thực trạng năng lực chỉ huy và thực trạng các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh hiện nay.

Thứ năm, trên cơ sở lí luận đã xác định, kết hợp với quá trình phân tích, đánh giá kết quả điều tra thực trạng năng lực chỉ huy và sự ảnh hưởng của các yếu tố đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh; phân tích chân dung tâm lí điển hình về năng lực chỉ huy. Từ đó, đề xuất biện pháp tâm lí - xã hội nhằm phát triển năng lực chỉ huy cho cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh một cách hiệu quả và bền vững.


Kết luận chương 1

Những công trình nghiên cứu có liên quan đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh của các tác giả trong nước và trên thế giới đã được tiếp cận, nghiên cứu và hệ thống lại ở luận án trên bốn hướng nghiên cứu bao gồm: (1) Hướng nghiên cứu về hoạt động chỉ huy và năng lực chuyên biệt của người cán bộ trong hoạt động quân sự; (2) Hướng nghiên cứu về biểu hiện năng lực chỉ huy của người chỉ huy trong hoạt động quân sự; (3) Hướng nghiên cứu về yếu tố ảnh hưởng đến sự hình và phát triển năng lực chỉ huy của người chỉ huy trong hoạt động quân sự; và (4) Hướng nghiên cứu về biện pháp phát triển năng lực chỉ huy cho người chỉ huy trong hoạt động quân sự.

Các công trình khoa học đã được công bố liên quan đến đề tài luận án là hệ thống tri thức trên nhiều nội dung quan trọng đối với những vấn đề được triển khai nghiên cứu trong luận án. Kết quả nghiên cứu của các công trình nêu trên được khái quát lại ở bốn khía cạnh và xác định năm vấn đề luận án cần tiếp tục giải quyết. Thông qua đó để phân tích, đánh giá, kế thừa có chọn lọc, bổ sung và phát triển những thành tựu nghiên cứu phục vụ cho quá trình nghiên cứu về năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh. Đồng thời, việc hệ thống lại các công trình nghiên cứu trước đây cũng cho thấy đề tài luận án là một công trình độc lập, mới mẻ không trùng lặp với các công trình khoa học đã được công bố, có tính cấp thiết và giá trị lí luận, thực tiễn cao.


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 256 trang tài liệu này.

Chương 2

LÍ LUẬN CƠ BẢN VỀ NĂNG LỰC CHỈ HUY

Năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh - 5

CỦA CÁN BỘ CẤP PHÂN ĐỘI Ở BINH CHỦNG CÔNG BINH

2.1. Năng lực chỉ huy

2.1.1. Khái niệm chỉ huy bộ đội

Hoạt động chỉ huy bộ đội là hoạt động cơ bản, hoạt động chủ đạo của người chỉ huy, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Đồng thời, cũng có nhiều quan niệm khác nhau trong định nghĩa về chỉ huy bộ đội, dưới đây là một số quan niệm tiêu biểu nhất.

Định nghĩa về chỉ huy bộ đội được đưa ra ở Từ điển Bách khoa Xô Viết (1962), cho thấy: “Chỉ huy bộ đội là việc người chỉ huy chuẩn bị, thực hành và bảo đảm các hoạt động chiến đấu với sự giúp đỡ của cơ quan tham mưu và các cơ quan chỉ huy khác” [39, tr. 3].

Ở một góc độ khác, với cách quan niệm ngắn gọn hơn, Từ điển giải thích thuật ngữ quân sự (1985), khẳng định: Chỉ huy là hoạt động chỉ huy bộ đội thuộc quyền có mục đích, có tổ chức của người chỉ huy để hoàn thành nhiệm vụ được giao [12].

Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam (2005) xác định chỉ huy bộ đội là “hoạt động của người chỉ huy và cơ quan chỉ huy nhằm hướng mọi nỗ lực của bộ đội vào việc hoàn thành nhiệm vụ được giao” [11, tr. 91].

Tác giả M. C. John (2003) lại cho rằng, chỉ huy là: “Chịu trách nhiệm về mọi thứ mà đơn vị làm hoặc không làm”. “Hoạt động chỉ huy là một quy trình bao gồm: duy trì tiêu chuẩn; đặt mục tiêu; lập kế hoạch; làm quyết định và giải quyết vấn đề; giám sát và đánh giá” [40, tr. 75].

Có thể nói, những quan niệm về chỉ huy và hoạt động chỉ huy bộ đội trên đây là cơ sở lí luận quan trọng để xây dựng khái niệm về chỉ huy bộ đội ở luận án này. Tuy nhiên, các quan niệm nêu trên được tiếp cận theo nhiều góc độ khác nhau nên đã có những khác biệt nhất định trong cách định nghĩa về chỉ huy bộ đội. Tác giả cho rằng, quan niệm về chỉ huy bộ đội cần được làm sáng tỏ các nội dung về: chủ thể của hoạt động chỉ huy (ai chỉ huy); đối tượng


của hoạt động chỉ huy (chỉ huy ai); phương thức chỉ huy (chỉ huy như thế nào) và mục đích của chỉ huy (chỉ huy để làm gì). Đồng thời, cần phải phân biệt sự giống và khác nhau giữa các khái niệm lãnh đạo, chỉ huy và quản lí.

Ở phương Tây, các nhà nghiên cứu thường có sự đồng nhất giữa khái niệm lãnh đạo với chỉ huy và đặt nó trong mối quan hệ với các hoạt động điều khiển. Mô hình C2 về chỉ huy và điều khiển (Command and Control) được xây dựng, hoàn thiện vào những năm cuối của thế kỉ XX [92]. Mô hình này được phát triển thành C3 (Command, Control and Communications) vào đầu thế kỉ XXI bao gồm các yếu tố về chỉ huy, điều khiển và truyền thông (có cả tư vấn).

Ở Việt Nam, quan niệm về lãnh đạo, chỉ huy và quản lí giống nhau ở chỗ đây đều là hoạt động bao gồm ra quyết định, tổ chức thực hiện quyết định và điều khiển hoạt động của đơn để đạt được mục đích đã đề ra. Xét về bản chất, ba hoạt động này có nhiều tương đồng, bổ sung cho nhau, đan xen vào nhau và khó có thể phân định tách bạch, đặc biệt là ở các tổ chức nhỏ, cấp phân đội không có sự phân hệ rõ nét. Tuy nhiên, ba hoạt động này khác nhau ở chức năng, nhiệm vụ của chủ thể, của đối tượng tác động và phương thức tác động. Nét đặc trưng của lãnh đạo so với chỉ huy và quản lí là ở phương thức đề ra chủ trương, đường lối có tính xác định đường hướng thực hiện nhiệm vụ. Nét đặc trưng của chỉ huy so với lãnh đạo, quản lí là ở trong tình huống và nhiệm vụ cụ thể với điều kiện khó khăn, thời gian hạn chế, có tính linh hoạt cao hơn so với lãnh đạo và quản lí. Do tính chất đặc thù về sự khó khăn, thời gian hạn chế của nhiệm vụ nên trong lực lượng vũ trang thường dùng khái niệm chỉ huy, còn các tổ chức dân sự thường dùng khái niệm quản lí.

Từ sự phân tích trên và có sự kế thừa, phát triển quan niệm của các tác giả đi trước, ở luận án này chỉ huy bộ đội có thể được hiểu là:

Chỉ huy bộ đội là sự tác động có chủ đích của người chỉ huy đến cấp dưới nhằm hướng quân nhân, tập thể quân nhân thuộc quyền thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ được giao ở điều kiện và thời gian nhất định.

Chủ thể của hoạt động chỉ huy là người chỉ huy và cơ quan chỉ huy (ở các cấp có cơ quan tham mưu), trong đó người chỉ huy giữ vị trí trung tâm


của hệ thống chỉ huy bộ đội. Người chỉ huy là người đứng đầu một đơn vị lực lượng vũ trang theo quyết định bổ nhiệm của cấp có thẩm quyền. Trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, “người chỉ huy thực hiện nhiệm vụ theo chức trách, quyền hạn quy định và phải chịu trách nhiệm cá nhân trước Đảng, Nhà nước, trước cấp trên, cấp uỷ đảng cấp mình, trước tập thể cán bộ chiến sĩ thuộc quyền về mọi mặt quân sự, hậu cần, kĩ thuật của đơn vị” [12, tr. 578].

Đối tượng của hoạt động chỉ huy là quân nhân và tập thể quân nhân thuộc quyền của người chỉ huy. Bản chất và mục tiêu của hoạt động này chính là quá trình người chỉ huy tác động có chủ đích thông qua việc hướng dẫn, điều khiển, điều chỉnh cấp dưới ở đơn vị thực hiện nhiệm vụ, chức trách của mình nhằm bảo đảm cho cá nhân và tập thể luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Chỉ huy bộ đội là hoạt động đặc thù, có ý nghĩa xã hội to lớn và mang tính chất nghề nghiệp của người chỉ huy. Chính vì vậy, phương thức chỉ huy cũng có đặc thù riêng đó là chỉ huy thông qua các “công cụ cứng” và chỉ huy thông qua các “công cụ mềm”. Các “công cụ cứng” như: chỉ thị, mệnh lệnh, kế hoạch, quyết định .v.v... của người chỉ huy. Các công cụ “mềm” như: nhân cách mẫu mực, uy tín, phong cách, tấm gương.v.v... của người chỉ huy.

Mục đích của hoạt động chỉ huy bộ đội là tạo nên sự tập trung, thống nhất ý chí hành động, phát huy tối đa khả năng của cá nhân, tập thể đơn vị, để hướng mọi nỗ lực, cố gắng vào việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ và hoàn thành nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống với hiệu quả cao nhất.

Đặc trưng của hoạt động chỉ huy là luôn gắn với những tình huống, những nhiệm vụ cụ thể, trong điều kiện khó khăn, phức tạp và với thời gian hạn chế. Hoạt động này, đòi hỏi người chỉ huy cần thực hiện nhiều hành động như: phân tích tình hình; nắm bắt nhiệm vụ được giao; lập kế hoạch thực hiện; giao nhiệm vụ cho cấp dưới; tổ chức hiệp đồng; tổ chức bảo đảm v.v...

Hoạt động chỉ huy bộ đội đòi hỏi người chỉ huy phải có trình độ kiến thức, sự sáng tạo và tư duy linh hoạt, mỗi tình huống xảy ra đòi hỏi phải có cách xử lí thích hợp. Muốn chỉ huy tốt, người chỉ huy cần có tố chất, sự nhiệt tình, thái độ tích cực, từ đó tạo nên nghệ thuật, phong cách chỉ huy hợp


lí, khoa học; cần có kĩ năng chỉ huy nhằm thực hiện hiệu quả các khâu, các bước của quá trình chỉ huy, nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ huy và phát triển năng lực chỉ huy của mình.

2.1.2. Khái niệm năng lực chỉ huy

2.1.2.1. Khái niệm năng lực

Nghiên cứu về năng lực con người là vấn đề thu hút được sự quan tâm của nhiều tác giả, nhiều trường phái, nên trong Tâm lí học cũng có nhiều hướng quan niệm khác nhau, dưới đây là một số hướng quan niệm tiêu biểu nhất.

Hướng thứ nhất: Quan niệm năng lực là một tổ hợp những thuộc tính của cá nhân để đạt được kết quả cao trong hoạt động. Tiêu biểu cho hướng quan niệm này có các tác giả: A. G. Covaliov (1971); K. K. Platonov (1972) N. X. Laytex (1980); Phạm Minh Hạc, (2004).v.v… [22], [58], [45], [36].

Hướng thứ hai: Quan niệm năng lực là một tổ hợp các phẩm chất tâm lí và sinh lí của cá nhân để hoàn thành tốt một dạng hoạt động nào đó. Các tác giả tiêu biểu cho hướng quan niệm này là P. A. Rudik (1974); Hoàng Đình Châu, Nguyễn Ngọc Phú (2005); Nguyễn Quang Uẩn, v.v… (2011) [63], [17], [79].

Những quan niệm của các tác giả theo hai hướng tiếp cận nêu trên đã tồn tại khá lâu và có đóng góp to lớn khoa học tâm lí, có thể nói đó là những quan niệm gốc, có tính đại cương, là cơ sở lí luận khoa học cho rất nhiều các nghiên cứu về năng lực. Tính khoa học và ưu điểm vượt trội của các quan niệm này thể hiện ở chỗ coi năng lực là một phẩm chất tổng hợp của cá nhân vừa tạo ra tiền đề, điều kiện cho hoạt động vừa quy định kết quả, hiệu quả của hoạt động và đi sâu làm rõ các thành phần cấu trúc của năng lực. Tuy nhiên trên các hướng quan niệm này chưa phân tách rõ và khó đo lường, lượng hóa các dạng năng lực khác nhau năng lực theo lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể.

Hướng thứ ba: Quan niệm năng lực là sự kết hợp một cách linh hoạt, có tổ chức của nhiều yếu tố như kiến thức, kĩ năng với thái độ, tình cảm, giá trị, động cơ cá nhân.v.v... Tiêu biểu cho hướng quan niệm này là các tác giả:

J. Coolahan (1996); B. Meier (2007); Nguyễn Công Khanh (2015); Tạ Quang Hoạt (2016) [theo 66], [40], [41].


Hướng thứ tư: Quan niệm năng lực là sự thực hiện hiệu quả các hành động trong tình huống hay hoạt động nhất định.

Đây là hướng quan niệm dựa trên phạm trù hoạt động coi, năng lực ở dạng năng lực thực hiện như ở hướng quan niệm thứ ba, song đề cao đến tính hiệu quả của chuỗi các hành động của tình huống hay hoạt động nhất định và đánh giá năng lực cá nhân dựa trên hiệu quả của hoạt động. Các tác giả tiêu biểu cho hướng quan niệm này là: F. E. Weinert (1996) ; D. Tremblay (2002); Hoàng Hòa Bình (2015); Nguyễn Thị Ngọc Liên (2017) v.v…[84], [98], [7], [47].

Những quan niệm của các tác giả trên hướng thứ ba và thư tư đã có sự phát triển so với các hướng quan niệm trước đó, đã đề cập cụ thể đến các thành tố tâm lí tạo nên năng lực cá nhân như: kiến thức, kinh nghiệm, thái độ, kỹ năng, động cơ, trách nhiệm, hứng thú, tình cảm, ý chí, niềm tin, các năng lực thành phần, v.v… nên có thể lượng hóa được năng lực. Tuy nhiên, do chưa xác định rõ vị trí, vai trò của các yếu tố, nhất là yếu tố cơ bản và mối quan hệ giữa chúng nên rất công phu, phức tạp để có thể đo đạc, lượng hóa và bồi dưỡng, phát triển năng lực nghề nghiệp nào đó.

Hướng thứ năm: Quan niệm năng lực là tổ hợp của ba thành tố tâm lí là kiến thức, thái độ kĩ năng. Đây là hướng tiếp cận có tính thực tiễn và tính ứng dụng cao trong nghiên cứu năng lực nghề nghiệp.

Tổ chức Lao động thế giới ILO (2011) cho rằng: Năng lực thực chất là tổ hợp của các thành tố kiến thức, kĩ năng, thái độ của chủ thể tạo ra khả năng thực hiện một công việc nhất định có kết quả [Dẫn theo 75].

Đồng với quan điểm quan điểm về 3 thành thành phần hay còn gọi là 3 thành tố trên, tác giả B. Christian (2002) quan niệm: năng lực chuyên môn là tổ hợp bao gồm “kiến thức”, “kĩ năng” “hành vi thái độ” cần thiết để đảm nhiệm một vị trí hoặc thực hiện một hoạt động [19, tr. 284].

Đặng Duy Thái (2017) quan niệm: “Năng lực là tổng thể các thành tố kiến thức, thái độ và kĩ năng cần có của chủ thể, đáp ứng các yêu cầu của hoạt động nhất định, bảo đảm cho hoạt động đó đạt kết quả theo mục đích đã định” [66, tr. 39].


Nguyễn Văn Kiên (2018) cho rằng: “Năng lực là tổ hợp các thành tố kiến thức, thái độ và kĩ năng cần có của cá nhân, được vận dụng phù hợp trong hoạt động, đảm bảo cho hoạt động đó đạt kết quả theo mục đích đã định” [43, tr. 41].

Trong luận án này, năng lực được nhìn nhận từ góc độ hoạt động; phản ánh trình độ vận dụng các yếu tố tâm lí bên trong của cá nhân với điều kiện, bối cảnh bên ngoài của hoạt động để đạt được kết quả nhất định; năng lực cần được đo lường, đánh giá một cách tường minh và chính xác. Kế thừa quan điểm của các tác giả coi năng lực là tổ hợp 3 thành tố kiến thức, thái độ và kĩ năng của chủ thể ở hướng thứ năm, qua đó năng lực có thể được hiểu như sau:

Năng lực là tổ hợp các kiến thức, thái độ và kĩ năng của cá nhân được vận dụng phù hợp với yêu cầu của một hoạt động cụ thể, bảo đảm cho hoạt động đó đạt kết quả nhất định.

Năng lực luôn gắn với chủ thể, mỗi chủ thể khác nhau thì có năng lực khác nhau và trong cùng một chủ thể thì ở từng hoạt động cụ thể cũng có mức độ năng lực khác nhau, không có mức độ năng lực chung cho mọi dạng hoạt động.

Năng lực có vai trò rất quan trọng trong hoạt động, người có năng lực về lĩnh vực hoạt động nào đó sẽ giúp họ giải quyết công việc của lĩnh vực đó nhanh chóng, hiệu quả hơn người khác.

Năng lực được hình thành và biểu hiện trong hoạt động của chủ thể. Tuy nhiên, năng lực hành động khác kĩ năng ở chỗ kĩ năng thuộc về mặt thao tác của hành động, là khả năng thực hiện nhuần nhuyễn, chính xác, đầy đủ một số thao tác của hành động. Còn năng lực là sự vận dụng tổng hợp các kiến thức, thái độ, kĩ năng của cá nhân, sự tích hợp tạo nên một chỉnh thể thống nhất của các thành tố tâm lí này vào từng hoạt động cụ thể để đạt được mục tiêu đã xác định.

Năng lực vừa là tiền đề, vừa là kết quả của hoạt động. Các thành phần cấu thành năng lực có tính cơ động, thay đổi trong hệ thống kiến thức, thái độ, kĩ năng tùy theo lĩnh vực hoạt động. Ví dụ như: năng lực toán học có các kiến thức, thái độ, kĩ năng khác với năng lực văn học; năng lực chỉ huy khác với năng lực quản lí. Vì vậy, muốn hình thành và phát triển năng lực hoạt động ở lĩnh vực nào đó, cá nhân phải tích cực tham gia vào các hoạt động tương ứng.

Xem tất cả 256 trang.

Ngày đăng: 24/02/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí