Nâng cao trình độ tư duy chiến lược cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở nước ta hiện nay - 13


Năng lực nắm bắt, xử lý thông tin của đội ngũ cán bộ lãnh đạo còn hạn chế, không nhạy bén trước biến đổi của tình hình, từ đó bị động trong nhận thức và hành động. Người cán bộ lãnh đạo đòi hỏi phải ứng xử với các bất định và thay đổi nhanh chóng của môi trường, do vậy, đòi hỏi sự nhạy bén chiến lược, khả năng nhận định đúng các thời điểm và có chỉ đạo chiến lược sáng suốt trong những thời điểm đó. Đứng giữa muôn vàn “hỗn độn” của khách thể tương tác đa chiều, giữa nhiều khả năng phải lựa chọn, phải xác định được điểm đột phá để tập trung quyết tâm chính trị cao nhất và dồn mọi nguồn lực cho triển khai thắng lợi. Điểm cần đột phá chiến lược chính là điểm then chốt, nếu được khai thông, mọi vấn đề liên quan sẽ được giải quyết. Năng lực nhạy bén nắm bắt và xử lý thông tin gắn liền với khả năng tư duy đột phá, luôn muốn thay đổi cái cũ kỹ, lạc hậu, kìm hãm sự phát triển. Điều không kém phần quan trọng là lập trình được quá trình thay đổi, bảo đảm cho đột phá chiến lược diễn ra trong trật tự, dự phòng và kiểm soát được mọi rủi ro. Người cán bộ lãnh đạo còn phải có năng lực thích ứng nhanh chóng trước mọi sự thay đổi, bởi trong thế giới ngày nay rất khó dự báo chính xác. Năng lực thích ứng ở đây không phải là thích nghi của cá thể sống trước môi trường biến đổi theo kiểu tiến hóa luận trong giới tự nhiên, mà là khả năng đưa ra các quyết định nhạy bén, linh hoạt phù hợp với bối cảnh, môi trường thay đổi. Năng lực thích ứng không đến với những người kém nền tảng lý luận, tri thức, văn hóa và độ trải nghiệm. Tuy nhiên, vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo nước ta còn yếu về lý luận và độ trải nghiệm chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn.

Năng lực dự báo của các cơ quan tham mưu chiến lược và một bộ phận trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo nước ta còn hạn chế nên một số chủ trương, chính sách, giải pháp đề ra chưa phù hợp. Người lãnh đạo là người hoạch định những chủ trương, chính sách, vạch ra hướng đi mang tính dài hạn trong tương lai, bởi vậy, năng lực dự báo đúng đắn, phải thiết kế được các “kịch bản” phát triển tối ưu, lý tưởng nhất, đồng thời chủ động phòng tránh tình huống tồi tệ, đưa ra những quyết sách đúng lúc, kịp thời và sáng suốt là không thể thiếu. Những dự báo đó phải được xây dựng trên cơ sở từ thực tiễn cùng với tư duy logic, tư duy khoa học biện


chứng, chứ không phải là những dự đoán vu vơ, thiếu căn cứ. Để có được khả năng đó, chủ thể phải hoạt động năng động, nhạy bén và sáng tạo. Hoạt động năng động cùng thực tiễn, đồng thời phải có được phương pháp tư duy biện chứng, tư duy lý luận vững chắc để kết nối những kiến thức có từ thực tiễn, chỉ ra được bản chất của sự vật, hiện tượng, của vấn đề cùng xu thế vận động của chúng. Người cán bộ lãnh đạo phải đối diện với các vấn đề mới, chưa rõ, đòi hỏi phải tổ chức, kiến tạo, do vậy yêu cầu sự học tập liên tục để có được tư duy chiến lược sắc bén đủ khả năng bao quát và lý giải quy luật, xu hướng của khách thể rộng lớn, phức tạp; thấu hiểu bản chất vấn đề trước mọi sự thay đổi mà không trở thành nạn nhân của thay đổi; dự báo được xu hướng tương lai dù không phải lúc nào cũng có được đầy đủ thông tin; có bản lĩnh đối mặt, chịu áp lực và năng lực vượt qua các thách thức; nhạy bén nắm bắt cơ hội và biến thách thức thành cơ hội, tạo ra các đột phá chiến lược.

Năng lực dự báo cơ bản được hình thành, phát triển, rèn luyện qua đào tạo với cơ chế, phương thức đặc biệt, gồm cả đào tạo lý thuyết và đào tạo qua trải nghiệm thực tế, đào tạo và tự đào tạo. Năng lực đó không thể có ở những người lười học tập, coi thường lý luận. Trong khi đó, một bộ phận cán bộ lãnh đạo ở nước ta với lối tư duy chủ quan duy ý chí, lười học lý luận, chưa tích cực lăn lộn, trải nghiệm cùng thực tiễn, việc nắm vững và trau dồi phương pháp tư duy biện chứng và tư duy lý luận chưa tới nơi tới chốn nên thiếu căn cứ thực tiễn và cơ sở lý luận khoa học để đưa ra những phán đoán, những dự báo chuẩn xác, dẫn đến kết quả trong thực tiễn cũng rơi vào ngắn hạn và chắp vá, gây ảnh hưởng, thậm chí còn là lực cản đối với sự phát triển của đất nước.

Sự thiếu vắng tư duy mang tầm nhìn xa trông rộng, thiếu sự nhanh nhạy, sáng tạo, thiếu khả năng tư duy dự báo, định hướng đã để lại nhiều hậu quả trên thực tiễn mà những điều đó đã được chỉ ra ở nhiều kênh thông tin chính thống khác nhau.

Theo bài viết của tác giả Nguyên Vũ (21/12/2016) VnEconomy, báo điện tử thuộc nhóm Thời báo Kinh tế Việt Nam, tại cuộc thảo luận về tình hình thực hiện Nghị quyết số 1052 ngày 24/10/2015 về một số định hướng, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, ngày 21/12.2016, Chính


phủ đã nêu lên 10 tồn tại, vướng mắc chính trong giai đoạn vừa qua. Những tồn tại, vướng mắc đó là:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 175 trang tài liệu này.

Một là, hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần làm bộc lộ những yếu kém cơ bản của nền kinh tế. Cơ cấu kinh tế và chất lượng tăng trưởng vẫn chưa được cải thiện về căn bản.

Hai là, hiệu quả đầu tư chưa được cao như mong muốn. Chậm đổi mới, chính sách liên quan đến thu hút FDI. Việc thu hút các dự án FDI tăng về số lượng, nhưng chất lượng chưa đảm bảo, công nghệ chưa tốt, đặc biệt công nghệ trong những lĩnh vực Việt Nam cần đổi mới mô hình tăng trưởng. Còn có những dự án đầu tư hàm chứa tiêu cực về môi trường, sinh thái...

Nâng cao trình độ tư duy chiến lược cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở nước ta hiện nay - 13

Ba là, sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm vẫn còn yếu so với các nước, kể cả các nước trong khu vực. Các ngành kinh tế, các doanh nghiệp mang tính mũi nhọn, có khả năng vươn ra chiếm lĩnh thị trường khu vực và thế giới chưa nhiều, chưa có khả năng đi đầu, kéo các ngành, các doanh nghiệp khác cùng phát triển...

Bốn là, việc phát triển thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, đôi khi lúng túng trong việc xác định hướng đi. Các thị trường bất động sản, tài chính, lao động, khoa học - công nghệ tuy đã hình thành và phát triển nhưng vẫn cần có sự cải thiện. Thị trường công nghệ chưa được hình thành bền vững, doanh nghiệp Nhà nước chưa quan tâm nhiều đến đổi mới công nghệ, chưa quan tâm đến các dự án theo chiều sâu. Doanh nghiệp tư nhân còn khó khăn hơn do thiếu vốn, thiếu công nghệ. Đặc biệt, vai trò của kinh tế tư nhân tuy đã được xác định là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế, nhưng cần có thêm những chính sách cụ thể để phát huy trong thời gian tới.

Năm là, đã xuất hiện các điểm “cổ chai” về thể chế, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực... gây cản trở cho quá trình phát triển.

Sáu là, có thời gian, việc tập trung các nỗ lực hội nhập kinh tế vào khu vực Đông Á làm tăng sự phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào các nền kinh


tế lớn trong khu vực về các nguồn nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị và công nghệ thấp, về đầu tư, công nghệ và tài chính. Sự tập trung này cũng tạo hiệu ứng cộng hưởng với các nguyên nhân khác dẫn đến nhập siêu của Việt Nam tăng cao từ một số đối tác trong khu vực Đông Á.

Bảy là, công tác quản lý, điều hành của Nhà nước, điều hành của Chính phủ và quản trị của doanh nghiệp tuy đã có sự cải thiện, nhưng chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Trong bối cảnh tình hình thế giới biến động nhanh và mạnh như thời gian qua, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp nhiều lúc tỏ ra lúng túng, thiếu chủ động xử lý những vấn đề phát sinh khi thực thi các cam kết hội nhập. Cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ giữa các bộ, ngành về nguồn lực, chính sách thuế, chính sách phát triển của nhiều lĩnh vực cụ thể.

Tám là, lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều hạn chế như chậm đổi mới thể chế chính sách, chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp.

Chín là, tính đồng bộ, gắn kết giữa các lĩnh vực, các vùng, các địa phương là chưa cao, công tác phối hợp về hội nhập giữa các bộ, ngành, giữa các cơ quan Trung ương với các địa phương, doanh nghiệp chưa tốt. Nhiều vấn đề mang tính liên ngành chậm được xử lý, đặc biệt là trong lĩnh vực nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh, phát triển hài hòa các yếu tố kinh tế thị trường. Bản thân hội nhập kinh tế quốc tế là một vấn đề liên ngành song trên thực tế, công tác hội nhập kinh tế quốc tế vẫn được các bộ, ngành, địa phương triển khai một cách riêng rẽ. Do vậy, xuất hiện tình trạng thiếu đồng bộ trong việc triển khai chính sách giữa các cơ quan hoặc giữa các địa phương. Thêm vào đó, hội nhập kinh tế quốc tế chưa thực sự được ưu tiên triển khai so với các lĩnh vực hợp tác khác.

Mười là, khả năng nhận định, đánh giá và dự báo xu thế chưa cao. Các vấn đề về xây dựng cơ chế nhận biết, cảnh báo sớm tác động trong các lĩnh vực hội nhập kinh tế trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới nhìn chung còn yếu. Công tác tham mưu, tư vấn chính sách còn nhiều hạn chế.

Thông qua những nhìn nhận, đánh giá của Chính phủ về quá trình triển khai một trong số những nghị quyết thực hiện quá trình hội nhập kinh tế quốc tế


sau hơn một năm cho thấy Chính phủ đã đưa ra những nhận định thẳng thắn. Thông qua nhìn nhận đó, có thể thấy nổi bật lên vấn đề là từ việc chỉ đạo cho đến quá trình tổ chức thực tiễn Nghị định chưa đạt được những kết quả như mong muốn; còn tồn tại, thậm chí phát sinh nhiều tồn tại vướng mắc và những hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới sự chậm trễ như trong khái quát của Chính phủ đã nêu, trong đó có nguyên nhân về trình độ tư duy chiến lược. Nhận định có nói đến những yếu kém, sự chậm đổi mới, những bất cập, lúng túng, sự thiếu đồng bộ ở nhiều mặt, đặc biệt có nội dung nhấn mạnh đến khả năng nhận định, đánh giá và dự báo xu thế chưa cao, xây dựng cơ chế nhận biết, cảnh báo sớm tác động trong các lĩnh vực hội nhập kinh tế trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới nhìn chung còn yếu. Đây là những biểu hiện của việc thiếu tư duy chiến lược từ khâu hoạch định chính sách đến khâu tổ chức thực hiện. Cán bộ lãnh đạo nước ta còn chưa có cái nhìn toàn diện, chưa nắm bắt thấu đáo bản chất của những hiện tượng kinh tế toàn cầu, kể cả tiềm lực cho hội nhập kinh tế của nước nhà; từ đó dẫn đến công tác dự báo, định hướng còn yếu và kết quả là có những dự báo chưa chính xác dẫn tới sự bị động, bất cập trong quá trình triển khai những nội dung cụ thể.

Để phục vụ sự phát triển của đất nước thì việc hoạch định, xây dựng các chính sách giữ vai trò quan trọng, vì chính sách định hướng các hoạt động trong lĩnh vực mà nó điều chỉnh. Hoạch định chính sách được coi như là bước khởi đầu trong chu trình chính sách, đây là bước đặc biệt quan trọng. Hoạch định chính sách đúng đắn, khoa học là cơ sở để xây dựng được chính sách tốt, là tiền đề để chính sách đó đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả cao. Ngược lại, nếu hoạch định sai sẽ cho ra đời chính sách thiếu tính khả thi, không phù hợp với thực tế, sẽ mang lại hậu quả không mong muốn trong quá trình lãnh đạo, quản lý. Những tổn hại từ việc hoạch định và đưa ra thực hiện những chính sách sai lầm không chỉ tạm thời, cục bộ, mà nó ảnh hưởng lâu dài, liên quan tới nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.


Thời gian qua, việc hoạch định các chính sách nói chung ở nước ta trên tất cả các lĩnh vực đã cho ra đời nhiều chính sách phù hợp với thực tế, thực thi đem lại hiệu quả mà biểu hiện cụ thể là đã góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta trong hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Mặc dù đã có nhiều điều chỉnh, nhưng việc hoạch định chính sách ở nước ta còn nhiều bất cập. Đây cũng là một trong những biểu hiện mặt yếu trong trình độ tư duy chiến lược của cán bộ lãnh đạo ở nước ta. Để khắc phục những mặt còn yếu, các văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên được thay đổi, trong một số lĩnh vực có nhiều quy định thay đổi liên tục, thậm chí còn chồng chéo, mâu thuẫn nhau, không nhất quán. Việc chính sách, quy định được đưa ra và có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế là cần thiết. Nhưng việc thay đổi liên tục các chính sách này có thể gây khó khăn cho đối tượng thực thi và các đối tượng mà chính sách hướng tới điều chỉnh. Trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư, các văn bản pháp luật và chính sách thay đổi liên tục sẽ tạo ra tâm lý lo ngại cho các doanh nghiệp, làm hạn chế nguồn đầu tư vào Việt Nam. Một số chính sách được ban hành nhưng vì những lý do khác nhau đã không có hiệu lực trên thực tế; nhiều chính sách còn thiếu tính hợp lý nên những quy định này ngay sau khi được ban hành đã bị dư luận xã hội phản ứng nên buộc phải sửa đổi hoặc loại bỏ; năng lực hoạch định chính sách ở nước ta còn yếu và thiếu, chưa có đủ năng lực thực tế, rất nhiều chính sách ban hành chỉ giải quyết các triệu chứng của vấn đề chứ chưa khắc phục được nguyên nhân, thậm chí còn làm vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Bên cạnh đó, nhiều chính sách không tính đến các tác động ngược chiều. Có thể nói rằng hiện tượng việc của Bộ nào thì Bộ ấy lo vẫn còn là điều phổ biến, nên sự thống nhất trong từng chủ trương, chính sách còn thiếu, do vậy khi chủ trương, chính sách đó được thực thi thì sự chênh, chồng chéo hoặc mâu thuẫn, trái ngược về chính sách rất dễ xảy ra.

Trong hoạch định các chính sách, việc dự báo rất quan trọng. Thời gian qua, khi một số biến động về giá cả, tình trạng lạm phát trên thế giới và ở nước ta, cho thấy việc dự báo còn nhiều yếu kém. Dự báo phải dựa trên cơ sở khoa


học, thực tiễn. Tuy nhiên, năng lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo tham gia hoạch định chính sách còn hạn chế. Điều này dẫn đến tình trạng bỏ sót vấn đề hoặc nhìn nhận cách giải quyết vấn đề chưa đúng. Do tầm nhìn hạn hẹp của đội ngũ hoạch định chính sách nên khi chính sách đưa vào thực thi mới nảy sinh nhiều bất cập hoặc tình trạng chưa thực thi đã vấp phải phản đối của dư luận và phải sửa. Thêm vào đó, công tác hoạch định chính sách hiện nay chưa theo kịp với tình hình hội nhập của đất nước; chưa có nhiều phương án hoặc kịch bản để lựa chọn, dẫn đến việc khó đánh giá tính khả thi cũng như đánh giá tác động của các giải pháp chính sách đối với môi trường và xã hội. Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã chỉ rõ: “Một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu ổn định, nhất quán; còn có biểu hiện lợi ích cục bộ, chưa tạo được bước đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển” [29, tr.24].

Đất nước ta đang trong thời kỳ chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, các chủ trương, chính sách đưa ra phải chịu nhiều chi phối, ảnh hưởng không chỉ ở phạm vi trong lãnh thổ của một quốc gia, mà còn bị chi phối bởi các yếu tố mang tính toàn cầu. Trong việc xây dựng và triển khai các chủ trương, chính sách chưa có tầm nhìn chiến lược, tư duy hệ thống, chưa xác định được những lĩnh vực cần ưu tiên dẫn đến đầu tư dàn trải, không hiệu quả. Tình trạng chồng chéo giữa các chiến lược, chính sách phát triển ngay trong một lĩnh vực và giữa các lĩnh vực, dẫn đến việc hiệu quả của những kế hoạch, mục tiêu đặt ra còn nhiều bất cập. Có nhiều hậu quả đã và đang tồn tại do hạn chế của tư duy chiến lược trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo - những người xây dựng và triển khai tổ chức thực hiện những chủ trương, đường lối, chính sách ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Có thể kể tới một trong những vấn đề nhức nhối của nước ta hiện nay đó là dự án “treo”, đây là vấn đề không phổ biến trên thế giới vì ít thấy việc treo dự án ở những quốc gia khác. Một trong những dự án treo có tính “kinh điển” gần 20 năm qua chính là dự án Khu đô thị du lịch, sinh thái Bình Quới - Thanh Đa. Tính đến thời điểm này, dù dự án đã 2 lần đổi chủ đầu tư nhưng công tác bồi


thường giải phóng mặt bằng vẫn dở dang. Rất nhiều khu đất đã duyệt quy hoạch, hiện vẫn không kêu gọi được nhà đầu tư. Không chỉ vậy, tại khu trung tâm thành phố Hồ Chí Minh cũng có khá nhiều dự án bất động sản dở dang, ngưng thi công, đang cho thuê làm bãi giữ xe, buôn bán hàng ăn,… rất lãng phí. Trong đó, dự án Saigon One Tower tại số 34 đường Tôn Đức Thắng, quận 1 được khởi công năm 2009, dự kiến hoàn thành trong năm 2011 nhưng đến cuối năm, tòa nhà chỉ hoàn thành phần xây thô rồi dừng lại dù dự án nằm ngay vị trí rất đẹp bên sông Sài Gòn. Nhìn lại các dự án phát triển đô thị “treo” mới thấy hầu hết các dự án này đều có một điểm chung là “rất khả quan” nhưng thiếu tính khả thi do công tác quy hoạch không gắn liền với năng lực thực tế của thành phố. Tình trạng này không chỉ gây khổ sở cho người dân trong vùng quy hoạch, mà còn gây lãng phí rất lớn nguồn ngân sách.

Vấn đề quy hoạch đô thị ở nước ta cũng là một trong những vấn đề lớn, còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, ở ngay tại Thủ đô nước ta mà quy hoạch được đánh giá là “lộn xộn”. Một số thiếu hụt rõ ràng cần chỉ ra là quy hoạch không phù hợp. Việt Nam có quá trình làm quy hoạch không gian rất tốt, rất rộng và đề cập đến những mục tiêu lớn như phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu... nhưng thực tế thiết kế các đô thị không thích ứng với những tiêu chí lớn nói trên. Rõ ràng quy hoạch xây dựng chưa phù hợp với thời kỳ mới với nhiều vấn đề lớn, trong bối cảnh hội nhập gia tăng. Về quản lý đô thị còn chưa theo kịp thực tiễn, chưa đáp ứng xu thế phát triển đô thị. Đầu tư phát triển đô thị, khu đô thị mới chưa có kế hoạch nhiều nơi làm sai, chậm muộn so với quy hoạch. Về góc độ chuyên môn được xác định, các nhà quy hoạch của ta, thiếu các thông tin đầu vào về hiện trạng kinh tế - xã hội trong đề xuất quy hoạch đô thị, thiếu kỹ năng phân tích hiện trạng và xác định các vấn đề, tầm nhìn, chiến lược dài hạn còn hạn chế, bất cập về dự báo dẫn đến hình ảnh đô thị bị biến dạng theo ý đồ cá nhân lập quy hoạch hoặc theo ý đồ của chủ đầu tư. Trong khi đó, yêu cầu về công tác quy hoạch phải tuân thủ quy trình toàn diện, có sự tham gia của nhiều bên và mang tính chiến lược. Chiến lược phát triển đô thị quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đang được xác định là một công cụ giúp Chính phủ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 08/03/2023