thế mạnh từ bên ngoài mà nội lực trong nước Việt Nam còn yếu và thiếu. Ngành viễn thông Việt Nam cần được cấu trúc lại về số lượng các doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ viễn thông, về việc đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp viễn thông nhà nước để khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn vào thúc đẩy cạnh tranh và sự năng động của ngành viễn thông.
Ba là: Chuyển từ cạnh tranh thiên về số lượng, doanh thu sang sâu về chất lượng, lợi nhuận và bền vững khách hàng. Đây là yêu cầu đương nhiên sau khi thị trường viễn thông đã chớm bão hòa. Chỉ có cạnh tranh bằng chất lượng, lợi nhuận và tăng khách hàng trung thành, sử dụng thường xuyên mới tạo ra sự phát triển bền vững của ngành.
Bốn là: Phát triển, nâng cao tỷ lệ sử dụng băng thông rộng trên toàn lãnh thổ Việt Nam đặc biệt là các thành phố, đô thị lớn của Việt Nam. Phát triển băng thông rộng là xu thế tất yếu trên thế giới trong tương lai gần. Vì thế ngành viễn thông để tăng sức cạnh tranh tăng doanh thu và lợi nhuận cần tập trung mạnh vào phát triển băng thông rộng. Do thị trường viễn thông Việt Nam bắt đầu chớm bão hòa, nếu hãng viễn thông cạnh tranh bằng tăng thuê bao chắc chắn sẽ thất bại, chỉ có thể đầu tư vào bằng thông rộng để tăng ứng dụng và các giá trị gia tăng để nâng cao lợi ích cho người sử dụng thì mới bền vững và tạo ra nhiều lợi nhuận.
Năm là: Cải thiện và nâng thứ hạng xếp hạng môi trường kinh doanh viễn thông Việt Nam. Đây chính là hình ảnh là bộ mặt của ngành viễn thông Việt Nam ra thế giới. Việc cải thiện và nâng cao thứ hạng là điều tất yếu và cấp thiết phải làm trong thời gian tới.
Tổng kết chương 3.
Chương 3 của Luận án đã phân tích đánh giá thực trạng năng lực cạnh tranh của ngành viễn thông Việt Nam và đánh giá những nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh ngành viễn thông Việt Nam đã được đưa ra trong chương 2. Luận án đi từ phân tích đánh giá tổng thể ngành, tổng thể thị trường đến các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có tên tuổi, thương hiệu trên thị trường như VNPT, Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), EVN Telecom, HT Mobile, S-fone… qua đó để tìm ra những điểm mạnh và những điểm yếu trong năng lực cạnh tranh ngành viễn thông Việt Nam,.
Qua phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh ngành viễn thông cho thấy ngành viễn thông hiện nay còn quá nhiều yếu tố đang cản trở, làm giảm sức cạnh tranh của ngành. Đây chính là cơ sở rất quan trọng để tập trung vào các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành viễn thông thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm!
- Chi Tiêu Bình Quân 1 Nhân Khẩu 1 Tháng Cho Đi Lại Và Bưu Điện
- Doanh Thu Công Nghiệp Phần Cứng, Mềm Và Nội Dung Số 2008 - 2011
- Đầu Tư Trực Tiếp Nước Ngoài Vào Việt Nam Theo Ngành
- Thách Thức Nâng Cao Năng Lực Cạnh Tranh Của Ngành Viễn Thông
- Tiếp Tục Đẩy Mạnh Việc Hoàn Thiện Quy Hoạch Hạ Tầng Mạng Lưới Ngành Viễn Thông Đến Năm 2020 Và Xây Dựng Chiến Lược Phát Triển Ngành Viễn Thông
- Kiến Nghị Nhằm Nâng Cao Năng Lực Cạnh Tranh Của Ngành Viễn Thông Việt Nam.
Xem toàn bộ 177 trang tài liệu này.
CHƯƠNG 4. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA NGÀNH VIỄN THÔNG VIỆT NAM
4.1. Cơ hội và thách thức nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành viễn thông Việt Nam
4.1.1. Bối cảnh môi trường vĩ mô đối với nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành viễn thông Việt Nam
4.1.1.1. Cam kết viễn thông Việt Nam gia nhập WTO
Ngày 7/11/2006 sau nhiều năm đàm phán, tại Geneva (Thụy Sỹ) Đại hội đồng Tổ chức Thương mại Thế giới WTO đã họp và kết nạp Việt Nam là thành viên thứ 150 của WTO. Sự kiện này đánh dấu mốc Việt Nam đã chính thức bước vào sân chơi thương mại thế giới. Đây là một sự kiện vô cùng quan trọng đối với Việt Nam, gia nhập WTO Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội phát triển và thách thức to lớn phía trước.
Khi gia nhập WTO Việt Nam phải cam kết có cơ quan quản lý viễn thông độc lập, không can thiệp sâu vào hoạt động của các doanh nghiệp, quản lý lĩnh vực viễn thông theo hướng thị trường. Một trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu mà WTO đưa ra đối với ngành viễn thông Việt Nam là cần có một cơ quan quản lý viễn thông độc lập đối với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Có nghĩa là cơ quan quản lý cần phải đưa ra những quyết sách, quy định và ban hành thủ tục phải công bằng và khách quan đối với các doanh nghiệp.
Cam kết WTO mở cửa cho các doanh nghiệp, công ty nước ngoài tham gia đầu tư, thâm nhập sâu vào thị trường viễn thông của Việt Nam. Cụ thể cam kết WTO đối với các dịch vụ viễn thông cơ bản như sau:
Dịch vụ hữu tuyến và di động mặt đất: 3 năm sau khi gia nhập, các công ty đa quốc gia được cấp phép sử dụng trạm vệ tinh mặt đất tại Việt Nam.
Dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng: Ngay sau khi gia nhập cho phép liên doanh với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông được cấp phép tại Việt Nam. Phần vốn góp của phía nước ngoài trong liên doanh không được vượt quá 51% vốn pháp định của liên doanh. 03 năm sau khi gia nhập: cho phép liên doanh và tự do chọn đối tác. Phần vốn góp của phía nước ngoài trong liên doanh không được vượt quá 65% vốn pháp định của liên doanh.
Riêng đối với dịch vụ mạng riêng ảo VPN: Ngay sau khi gia nhập cho phép liên doanh và tự do chọn đối tác. Phần vốn góp của phía nước ngoài trong liên doanh không được vượt quá 70% vốn pháp định của liên doanh.
Các dịch vụ có hạ tầng mạng: Ngay sau khi gia nhập cho phép liên doanh với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông được cấp phép tại Việt Nam. Phần vốn góp của phía nước ngoài trong liên doanh không được vượt quá 49% vốn pháp định của liên doanh.
Riêng đối với dịch vụ giá trị gia tăng như dịch vụ kết nối internet IAS...: Ngay sau khi gia nhập cho phép hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông được cấp phép tại Việt Nam. Phần vốn góp của phía nước ngoài trong liên doanh không được vượt quá 50% vốn pháp định của liên doanh.
Như vậy cam kết lĩnh vực viễn thông gia nhập WTO có nội dung và lộ trình rất rõ ràng, cụ thể đối với ngành viễn thông Việt Nam. Các cam kết theo hướng hạn chế dần sự can thiệp của nhà nước vào ngành viễn thông, nhà nước chủ yếu tập trung vào chức năng quản lý, ban hành chính sách, giảm dần chức năng điều hành lẫn lộn giữa quản lý với điều hành doanh nghiệp viễn thông, các chính sách hướng tới xu thế tự do hóa thị trường, thu hút, khuyến khích và mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài, khu vực tư nhân tham gia đầu tư ngành viễn thông Việt Nam.
4.1.1.2. Định hướng ngành viễn thông Việt Nam đến năm 2020 của Nhà nước
Ngành viễn thông có vị trí đặc biệt quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam đến năm 2020. Vị trí đặc biệt quan trọng ấy được thể hiện rõ qua các văn bản như: Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17 tháng 10 năm 2000 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Luật Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009; Quyết định số 246/2005/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Quyết định số 698/QĐ-TTG ngày 01 tháng 06 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; Quyết định số 1755/QĐ_TTg ngày 22 tháng 09 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông; Quyết định số 32/2012/QĐ-TTg ngày 27/7/2012 phê duyệt quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020.
Định hướng ngành viễn thông, công nghệ thông tin đến năm 2020 của Việt Nam được tổng hợp với nội dung chủ yếu sau:
- Công nghệ thông tin và truyền thông là động lực quan trọng góp phần bảo đảm sự tăng trưởng và phát triển bền vững của đất nước, nâng cao tính minh bạch trong các hoạt động của cơ quan nhà nước, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
- Xây dựng công nghiệp công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP và xuất khẩu;
- Thiết lập hạ tầng viễn thông băng rộng trên phạm vi cả nước; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
- Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Các mục tiêu ngành viễn thông đến 2020:
- Về hạ tầng viễn thông băng rộng:
+ Đến năm 2015: cơ bản hoàn thành mạng băng rộng đến các xã, phường trên cả nước, kết nối internet đến tất cả các trường học; phủ sóng thông tin di động băng rộng đến 85% dân cư; Việt Nam nằm trong số 65 nước trong bảng xếp hạng của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU).
+ Đến năm 2020: hoàn thiện mạng băng rộng đến hầu hết số thôn, bản; phủ sóng thông tin di động băng rộng đến 95% dân cư; Việt Nam nằm trong số 55 nước trong bảng xếp hạng của ITU (thuộc nhóm 1/3 nước dẫn đầu).
+ Tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có, xây dựng và mở rộng mạng băng rộng đến các xã, phường, thôn, bản trên cả nước phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân và công tác chỉ đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước.
+ Phát triển các điểm truy cập công cộng tại các địa điểm thích hợp với từng địa phương, cơ sở như: các trường học, nhà văn hóa xã, đồn biên phòng, điểm bưu điện - văn hóa xã và các trung tâm giáo dục cộng đồng,… để lắp đặt thiết bị nhằm thu hút và tạo điều kiện tốt nhất cho người dân có thể khai thác, sử dụng có hiệu quả các dịch vụ điện thoại cố định và truy cập Internet.
+ Thực hiện cáp quang hóa và ngầm hóa các đường cáp để bảo đảm chất lượng dịch vụ và mỹ quan đô thị, đặc biệt là dọc các tuyến đường, phố chính tại các trung tâm đô thị lớn.
+ Thực hiện lộ trình số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất. Tiếp tục mở rộng băng thông Internet trong nước và quốc tế thỏa mãn nhu cầu của xã hội: triển khai mạng thông tin di động 3G và các thế hệ tiếp theo, phóng thêm các vệ tinh Vinasat mới, đầu tư nâng cấp và xây dựng các tuyến cáp quang mặt đất và cáp quang biển mới…
+ Tiếp tục triển khai xây dựng mạng viễn thông dùng riêng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước đến cấp xã, phường nhằm bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và kết nối thông suốt phục vụ phát triển mọi dịch vụ theo yêu cầu.
- Về nguồn nhân lực viễn thông:
+ Đến năm 2015: 30% số lượng sinh viên công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông sau khi tốt nghiệp ở các trường đại học có đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để có thể tham gia thị trường lao động quốc tế.
+ Đến năm 2020: 80% sinh viên công nghệ thông tin và truyền thông tốt nghiệp ở các trường đại học đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để tham gia thị trường lao động quốc tế. Tổng số nhân lực tham gia hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ
thông tin đạt 1 triệu người, trong đó bao gồm nhân lực hoạt động trong nước và nhân lực tham gia xuất khẩu.
- Về phổ cập thông tin và sử dụng viễn thông:
+ Đến năm 2015: Tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại cố định 40-45%. Tỷ lệ người dân sử dụng Internet đạt 40-45% dân số. Tỷ lệ thuê bao internet băng rộng cố định đạt từ 6-8 thuê bao/100 dân. Tỷ lệ thuê bao internet băng rộng di động đạt từ 20-25 thuê bao/100 dân. Phủ sóng thông tin di động đến trên 90% dân số cả nước.
+ Đến năm 2020: Tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại cố định 40-45% Tỷ lệ người dân sử dụng Internet đạt 55-60% dân số. Tỷ lệ thuê bao internet băng rộng cố định đạt từ 15- 20 thuê bao/100 dân. Tỷ lệ thuê bao internet băng rộng di động đạt từ 35-40 thuê bao/100 dân. Phủ sóng thông tin di động đến trên 95% dân số cả nước.
- Về tăng trưởng viễn thông:
+ Đến năm 2015: Tốc độ tăng trưởng viễn thông đạt khoảng 1,5-2 lần tốc độ tăng trưởng của GDP. Tổng doanh thu viễn thông đạt từ 10 – 12 tỷ USD, chiếm khoảng 7
– 8 % GDP.
+ Đến năm 2020: Tốc độ tăng trưởng viễn thông đạt khoảng 1,2-1,5 lần tốc độ tăng trưởng của GDP. Tổng doanh thu viễn thông đạt từ 15 – 17 tỷ USD, chiếm khoảng 6
– 7 % GDP.
- Về xây dựng và phát triển mạnh doanh nghiệp viễn thông:
+ Nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và tập đoàn công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Quốc gia Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC), Công ty cổ phần FPT, Công ty cổ phần tập đoàn CMC… trên cả hai lĩnh vực dịch vụ và sản xuất công nghiệp. Hình thành Tập đoàn Truyền thông đa phương tiện Việt Nam (VTC).
+ Hỗ trợ, khuyến khích việc ra đời của các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông vừa và nhỏ, thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông lớn, kinh doanh hiệu quả, năng lực cạnh tranh cao, trở thành các tập đoàn kinh tế mạnh, từng bước mở rộng ra thị trường khu vực và thế giới, hình thành thương hiệu “Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam”.
+ Đến năm 2015: phát triển các doanh nghiệp và tập đoàn công nghệ thông tin đạt trình độ, quy mô khu vực ASEAN, có các hoạt động kinh doanh trên thị trường quốc tế, trong đó một số doanh nghiệp có tổng doanh thu đạt trên 10 tỷ USD.
+ Đến năm 2020: nhiều doanh nghiệp và tập đoàn công nghệ thông tin của Việt Nam hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, đạt trình độ, quy mô thế giới.
4.1.1.3. Xu hướng thay đổi công nghệ ngành viễn thông thời gian tới
Hiện nay công nghệ viễn thông đang có sự thay đổi bùng nổ đến chóng mặt, khoảng cách thời gian cho sự ra đời và ứng dụng công nghệ mới vào ngành viễn thông ngày càng được rút ngắn lại. Các xu hướng phát triển công nghệ điển hình trong lĩnh vực viễn thông trên thế giới, khu vực và có ảnh hưởng lớn đến Việt Nam như:
- Công nghệ điện toán đám mây sẽ phát triển mạnh: Điện toán đám mây (tiếng anh là cloud computing) là mô hình điện toán sử dụng công nghệ máy tính và phát triển dựa vào mạng internet. Đây là một mô hình trong đó thông tin được lưu trữ thường trực tại các máy chủ trên internet và chỉ được lưu trữ tạm thời ở các máy khách như là máy tình cầm tay, máy tính cá nhân, máy tính doanh nghiệp, trung tâm giải trí. Mô hình điện toán đám mây được phát triển dựa trên 3 yếu tố cơ bản gồm máy tính trung ương, máy chủ/khách và ứng dụng Web trên internet. Với công nghệ điện toán đám mây thì các nguồn điện toán phức tạp và khổng lồ ví dụ phần mềm, dịch vụ sẽ nằm tại các máy chủ ảo hay còn gọi là đám mây trên Internet thay vì trong máy tính gia đình và văn phòng đặt trên mặt đất để mọi người kết nối và sử dụng mỗi khi họ cần. Hiện nay nhiều người dùng Internet đã tiếp cận những dịch vụ điện toán đám mây cơ bản như: email, bản đồ số, abum ảnh. Điện toán đám mây là một xu thế sẽ chi phối mạnh mẽ sự phát triển của công nghệ thông tin và viễn thông. Rất nhiều hãng công nghệ thông tin và viễn thông trên thế giới đã và đang triển khai ứng dụng công nghệ điện toán đám mây như Microsoft, Cisco, IBM, HP... Điện toán đám mây sẽ được ứng dụng rộng rãi trong việc lưu trữ thông tin, công nghệ web trên internet, phần mềm, công nghiệp nội dung số. Với công nghệ điện toán đám mây được phát triển mạnh trong thời gian tới sẽ thúc đẩy sự phát triển các dịch vụ nội dung số, ứng dụng dịch vụ trong lĩnh vực viễn thông và phát trển mạnh internet.
- Công nghệ FTTH sẽ dần lấn át ADSL:
ADSL ra đời đã thay thế công nghệ Dial – up, trong tương lai gần FTTH sẽ dần thay thế ADSL. FTTH (Fiber To The Home) đây là công nghệ kết nối viễn thông sử dụng cáp quang từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tới khách hàng như nhà ở, hộ gia đình, văn phòng. Cơ sở dữ liệu được truyền qua tín hiệu quan trọng sợi cáp quang đến thiết bị đầu cuối được lắp tại nơi khách hàng sử dụng, tín hiệu này sẽ được biến đổi thành tín hiệu điện, qua đó khách hàng có thể truy cập dịch vụ internet dễ dàng với chất lượng hơn hẳn ADSL. Tốc độ truy cập internet của FTTH lên đến 10 Gigabit/s, nhanh gấp 200 lần so với ADSL. FTTH nổi bật về độ an toàn, ổn định, không bị ảnh hưởng bởi từ trường, nhiễu điện. FTTH có thể đồng thời cung cấp nhiều dịch vụ trực tuyến như: Truyền hình tương tác IPTV, Hội nghị truyền hình Video conferrence, IP camera.... Tuy nhiên công nghệ FTTH đầu tư mất chi phí nhiều gấp nhiều lần chi phí đầu tư cho ADSL nên tại thị trường Việt Nam, FTTH sẽ dần thay thế ADSL do thu nhập người dân Việt Nam còn thấp, nhu cầu FTTH trong vài năm tới là chưa cao, chủ
yếu sử dụng trong nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp là chính. Do những ưu thế nổi trội của FTTH so với ADSL, trong tương lai không xa FTTH sẽ lấn át và dần thay thế ADSL.
- Công nghệ HSPA sẽ là công nghệ băng rộng di động chủ đạo:
HSPA (High-Speed Packet Access) nghĩa là công nghệ truy nhập gói tốc độ cao, đây là công nghệ truyền dẫn không dây được ứng dụng cho các thiết bị thông tin di động, HSPA gồm có hai giao thức băng rộng di động, gọi là HSDPA (High-Speed Downlink Packet Access: Truy cập gói Đường xuống tốc độ cao) và HSUPA (High-Speed Uplink Packet Access: Truy cập Gói Đường lên tốc độ cao), vận hành trên các thiết bị 3G.
HSPA được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong 2-3 năm tới. HSPA có ưu điểm nổi trội tăng dung lượng kết nối, giảm thời gian trễ đối với các dịch vụ tương tác, tốc độ dowload tài liệu nhanh hơn hẳn so với GPRS.
Song hành cùng mới sự phát triển của công nghệ băng rộng không dây thì dịch vụ băng rộng di động sẽ có sự tăng trưởng và bùng nổ trong tương lai gần.
- Công nghệ LTE sẽ phát triển mạnh mẽ và chi phối thị trường di động sau 3G:
Công nghệ LTE (Long Term Evolution) có nghĩa là tiến hóa lâu dài, đây là công nghệ được phát triển từ công nghệ GSM/WCDMA/HSPA nhằm tạo nên một hệ thống truy cập băng rộng di động thế hệ mới sau 3G hướng đến thế hệ thứ 4 là 4G. LTE tăng dung lượng dữ liệu truyền tải trung bình của một người dùng trên 1MHz, hoạt động tối ưu khi thuê bao đang di chuyển với tốc độ cao, độ dài băng thông linh hoạt: có thể hoạt động với các băng 1.25 MHz, 1.6 MHz, 2.5 MHz, 5 MHz, 10 MHz, 15 MHz và 20 MHz cả chiều lên và xuống. Công nghệ LTE đã được các hãng viễn thông hàng đầu thế giới đang triển khai và nghiên cứu ứng dụng như: NTT DoCoMo, Samsung, Signalion, Telecom Italia, ZTE, Alcatel-Lucent, Ericsson, France Telecom/Orange, Nokia, Nokia Siemens Networks, AT&T, T-Mobile, Vodafone, China Mobile, Huawei, LG Electronics.
Công nghệ LTE có thể sẽ trở thành công nghệ thống lĩnh thị trường di động sau 3G trong tương lai, ngành viễn thông sẽ có bước phát triển mạnh mẽ về ứng dụng, nâng cao chất lượng mạng và đa dạng hóa dịch vụ phục vụ khách hàng và đem lại doanh thu tiềm năng lớn.
Tại thị trường Việt Nam trong tương lai gần LTE sẽ dừng lại ở triển khai thử nghiệm do thị trường Việt Nam, thu nhập bình quân đầu người quá thấp, chi tiêu cho viễn thông ít, các nhà mạng triển khai 3G đang gặp nhiều khó khăn do chi phí cao, nhu cầu người dùng tăng chậm, thì LTE cho 4G còn khá xa để áp dụng nhưng đây là xu thế tất yếu ngành viễn thông Việt Nam phải hướng tới.
- Sự phát triển của mạng lõi EPC (mạng lõi gói tiên tiến):
EPC (Evolved Packet Core) là mạng trục cho phép tập trung tất cả các dạng lưu lượng phát sinh từ nhiều mạng truy cập vô tuyến khác nhau trong đó bao gồm cả LTE, công nghệ 3G. Các mạng trục này phải điều khiển một lượng khổng lồ các dạng lưu lượng tập trung gồm cả dịch vụ thoại, dịch vụ video và dịch vụ dữ liệu trên nền tảng công nghệ IP.
Cùng với sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ để nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng thì các nhà mạng phải nâng cấp mạng lõi gói của mình trở nên tiên tiến hơn để dung lượng truyền tải dữ liệu lớn hơn. Điều đó có nghĩa EPC sẽ được ứng dụng mạnh thời gian tới.
- Xu hướng hội tụ các mạng viễn thông: cố định – di động và internet:
Xu hướng tích hợp và hội tụ: Hội tụ di động - cố định - Internet đã và sẽ trở thành xu hướng phát triển chung của hầu hết các nhà khai thác viễn thông với mô hình mạng FMC (Fixed Mobile Converged). Sự hội tụ này sẽ làm giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh, cung cấp đa dịch vụ trên một nền tảng mạng duy nhất. FMC trở thành cái đích hướng tới của các nhà mạng đặc biệt là các nhà mạng cung cấp cả dịch vụ di động, cố định và Internet.
4.1.2. Cơ hội và thách thức nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành viễn thông
Qua phân tích đánh giá những nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh ngành viễn thông, cam kết WTO về viễn thông, định hướng của Nhà nước đối với ngành viễn thông và xu hướng phát triển của khoa học công nghệ viễn thông. Luận án đưa ra những cơ hội và thách thức đối với ngành viễn thông thời gian tới:
4.1.2.1. Cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành viễn thông
- Việt Nam gia nhập WTO sẽ thúc đẩy thu hút đầu tư, tự do kinh doanh viễn thông: Việt Nam đã gia nhập WTO được 5 năm, với lộ trình cam kết ngành viễn thông của Việt Nam khi tham gia WTO thì sau 3 năm dịch vụ viễn thông Việt Nam mở cửa rất rộng, ngoại trừ viễn thông có hạ tầng mạng chỉ cho phép liên doanh nước ngoài chiếm tối đa 49%, còn các dịch vụ khác mở cửa rất rộng, có dịch vụ cho phép liên doanh nước ngoài chiếm từ 51%-70% với thủ tục được đơn giản và rất nhanh chóng cho phù hợp với quy định WTO. Việt Nam tham gia WTO đã mở ra cho ngành viễn thông những cơ hội lớn sau:
+ Đem lại cơ hội rất lớn cho các hãng viễn thông trong nước có được sự hợp tác với các hãng viễn thông lớn trên thế giới, điều này đem đến cho ngành viễn thông Việt Nam có được hạ tầng, mạng lưới, công nghệ tốt hơn.
+ Ngành viễn thông Việt Nam được bổ xung lực lượng nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao của nước ngoài, trình độ quản trị chuyên nghiệp và